Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Để cùng tìm hiểu sâu hơn về bài thương khó của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô, xin mời cùng đọc từng bước bài diễn giải và suy niệm dưới đây.
Tin Mừng Mác-cô mở đầu với câu “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1). Trong câu này chúng ta thấy tên Giê-su – Thiên Chúa cứu độ được nêu lên. Tiếp đến tác giả nêu bật tước hiệu Ki-tô nghĩa là Đấng được xức dầu và căn tính của Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa.
Như thế, ngay từ những chữ đầu tiên, Mác-cô đã đặt độc giả trong mầu nhiệm thật tuyệt vời về Đấng Cứu Thế và từ từ tác giả đưa người đọc bước vào cuộc đời của Chúa Giê-su. Cao điểm và trọng tâm của cuộc đời Ngài là con đường thương khó và biến cố phục sinh.
Thật vậy, Mác-cô đã lể lại ba lần Chúa Giê-su loan báo về cuộc khổ nạn để diễn tả sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chúa cho con đường cuối cùng này.
Vào mỗi mùa Chay thánh, Giáo Hội lại mời gọi tín hữu cùng sống lại con đường thương khó của Đấng Cứu Thế. Cụ thể trong Chúa Nhật Lễ Lá và thứ sáu tuần thánh, Giáo Hội lại cùng với con cái đọc lại và làm sống động lại biến cố khổ nạn của Chúa Giê-su. Trong năm phụng vụ B chúng ta cùng tìm hiểu và suy niệm con đường thương khó theo Tin Mừng của Mác-cô (Mc 14,1-15,47), sẽ được đọc trong Chúa Nhật lễ Lá.
I. Phần một với các trình thuật trước khi Chúa Giê-su bị bắt.
II. Phần hai với các cảnh Chúa Giê-su bị bắt, ra toà án và trên đường thương khó cùng chịu đóng đinh.
Martini đã nhìn các trình thuật trong phần thứ hai này như là các cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và nhiều người khác nhau. Thú vị hơn, khi Martini dựa trên dụ ngôn người gieo giống (x.Mc 4,1-9), để mời gọi chúng ta chiêm ngắm các cuộc gặp gỡ này. Chúa Giê-su chính là hạt giống được gieo vãi và hạt giống là Chúa Giê-su rơi vào 14 mảnh đất khác nhau[1]. Chúng ta có 14 cuộc gặp gỡ được chia theo lược đồ sau:
Lần lượt chúng ta cùng tìm hiểu và suy niệm con đường thương khó của Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mác-cô. Trước hết chúng ta cùng đọc lại toàn bộ bài Tin Mừng về cuộc khổ nạn (của Bản dịch của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ).
I. Phần một với các trình thuật trước khi Chúa Giê-su bị bắt.
1 Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi;2 vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động.”
Tác giả Tin Mừng mở đầu trình thuật thương khó và Phục Sinh của Chúa Giê-su với yếu tố thời gian là hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men. Trong dịp lễ hàng ngàn người Do-thái từ khắp nơi đổ về Giê-ru-sa-lem để hành hương. Thời đó, theo Jakob Kremer, Giê-ru-sa-lem có dân số khoảng 20 000 người (có những nhà nghiên cứu còn cho rằng Giê-ru-sa-lem lúc đó có khoảng 100 000 người). Như thế, chúng ta có một khung cảnh thật tấp nập và vui tươi của những ngày chuẩn bị cho lễ hội đang tới.
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA! ”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.
Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn” (Tv 122,1-3).
Mác-cô nhắc đến hai lễ hội: lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men. Theo Kremer, hai ngày lễ này có nguồn gốc từ người ngoại giáo. Cụ thể, có hai nghi thức mà người ngoại giáo cử hành. Đó là giết chiên Vượt Qua trong mùa xuân trước khi các người chăn chiên lên đường đến các chuồng chiên. Tiếp đến là nghi thức ăn bánh không men như là thái độ tri ân cảm tạ của người nông dân trong thời gian bắt đầu một mùa gặt mới. Mô-sê và hậu duệ của ông đã dựa trên hai nghi thức này để giúp cho dân chúng tổ chức lễ hội Vượt Qua tưởng nhớ sự giải thoát của dân Ít-ra-en ra khỏi Ai cập và mừng ơn cứu độ cuối cùng do Đấng Mê-sia sẽ đem tới.
Ngoài ra, theo cha Nguyễn Công Đoan, hai lễ này kết nối với nhau: Ngày 14 tháng Ni-xan, dọn men ra khỏi nhà và trưa thì đưa con chiên Vượt Qua để được sát tế do tay các tư tế, đến tối (tức là sang ngày 15) thì ăn thịt chiên với rau đắng và bánh không men theo từng nhà, hoặc chung nhau. Tám ngày liên tiếp phải ăn bánh không men (từ ngày 15-21 tháng Ni-xan).
Về việc dân Do-thái cần phải lên Giê-ru-sa-lem trong lễ này, sách Sử biên cuốn hai có nhắc đến:“Vua Khít-ki-gia sai sứ giả đi khắp Ít-ra-en và Giu-đa, lại cũng viết cả văn thư mời Ép-ra-im và Mơ-na-se, đến Nhà ĐỨC CHÚA ở Giê-ru-sa-lem để cử hành lễ Vượt Qua kính ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Ít-ra-en” (2Sb 30,1).
Vì lễ Vượt Qua là lễ long trọng của người Do-thái, nên họ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, họ đến Giê-ru-sa-lem với những của lễ và niềm vui. Sách Đệ Nhị Luật cũng nhắc rằng: “Nơi ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, chọn cho Danh Người ngự, anh em hãy đưa tới đó mọi thứ tôi truyền cho anh em: lễ toàn thiêu và hy lễ của anh em, thuế thập phân và phần đóng góp của anh em, và tất cả những gì anh em chọn lựa để làm vật khấn dâng ĐỨC CHÚA.12 Anh em sẽ liên hoan trước nhan ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, cùng với con trai con gái anh em, tôi tớ nam nữ của anh em, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh em, vì thầy ấy không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em” (Đnl 12,11-12).
Các người Do-thái đạo đức coi lễ Vượt Qua là cao điểm của mọi lễ hội của dân Ít-ra-en, vì thế mà hàng người đổ về thánh đô.
Trong bối cảnh đó, những thượng tế và kinh sư cẩn thận trong việc bắt bớ và giết Chúa Giê-su như họ đã quyết định thi hành. Mác-cô viết rằng: “Vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động”. Ở đây, theo Gnilka, không phải họ “kính trọng” ngày lễ Vượt Qua, mà họ sợ dân chúng sẽ náo động, nếu họ tra tay bắt Chúa Giê-su.
Đọc tiếp biến cố khổ nạn, thánh sử Mác-cô đưa chúng ta đến chiêm ngắm Chúa Giê-su ở làng Bê-ta-ni-a.
2. Xức dầu tại Bê-ta-ni-a (câu 3-9).
3 Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người.4 Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì?5 Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo.” Rồi họ gắt gỏng với cô.6 Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.7 Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!8 Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô.”
“Lúc đó, Đức Giê-su đang ở làng Bê-ta-ni-a, tại nhà ông Si-mon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”. Khung cảnh của việc xức dầu là ở làng Bêtania. Làng này nằm gần Giê-ru-sa-lem. Nơi đây, theo Tin Mừng thứ 4 (Ga 11), Chúa Giê-su đã làm cho ông La-da-rô sống lại.
Tiếp đến Mác-cô đã nêu rõ địa danh của câu truyện. Đó là trong nhà của một người có tên là Si-môn cùi. Ông này là ai? Có thể ông là một trong những người phong hủi được Chúa Giê-su chữa lành trước đây. Người đọc có thể nhớ đến người phong hủi được Mác-cô nhắc đến trong chương 1,40-45. Người phong đến với Chúa và đã quỳ xuống van xin Chúa: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Sau đó Chúa đã nói: “Tôi muốn, anh sạch đi! ” Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch.
Chúa đến và dùng bữa trong nhà ông, thì có một phụ nữ xuất hiện. Ở đây, chúng ta cũng nhớ đến câu truyện được Luca thuật lại về việc người phụ nữ tội lỗi đến với Chúa, khi Chúa dùng tiệc trong nhà một người biệt phái tên là Si-môn (x.Lc 7,36-50). Người phụ nữ đó cũng tỏ thái độ kính trọng, yêu thương đi đôi với tinh thần sám hối, qua việc khóc lóc, lau chân Chúa với tóc, hôn chân và xức dầu thơm lên đầu Chúa.
Trở về với bài Tin Mừng của Mác-cô, người phụ nữ xuất hiện. Mác-cô không cho biết danh tính của người phụ nữ này. Gioan thì nhắc đến danh tính cô này: “Cô Ma-ri-a lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm” (Ga 12,3).
Chú ý đến bản văn của Mác-cô: “có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”. Trước hết, chúng ta đọc lời giải thích của Barclay: “Ở Palestine người ta không ngồi để dùng bữa mà nằm dựa trên những chiếc ghế dài thấp. Họ dựa trên một chiếc gối bằng khuỷu tay bên trái, và dùng bàn tay mặt để lấy thức ăn. Cho nên hễ ai đến với một người đang nằm như vậy thì cũng đứng cao hơn hẳn người ấy. Một phụ nữ cầm bình bạch ngọc đựng dầu thơm đến với Chúa Giêsu. Người ta vẫn có tục lệ nhỏ vài giọt dầu thơm lên người các quan khách lúc họ vào nhà hoặc lúc ngồi vào bàn ăn. Bình này đựng cam tùng hương, là một loại dầu rất quý, cất từ một loại cây hiếm tận Ấn Độ. Nhưng người phụ nữ này không phải chỉ nhỏ vài giọt lên đầu Chúa Giêsu, bà ta đập cả bình dầu và xức cho Ngài”.
Đọc kỹ lại bản văn, chúng ta nhận ra những yếu tố thật thú vị trong việc xức dầu này: (1) Bình bạch ngọc. (2) Dầu thơm cam tùng nguyên chất. (3) Thứ đắt tiền. (4) Đập ra. (5) Đổ dầu thơm trên đầu Người.
Nối kết các yếu tố này lại, chúng ta nhận ra một tấm lòng thật tuyệt vời của người phụ nữ dành cho Chúa Giê-su. Theo Barclay “bên phương Đông có tục lệ là khi một nhân vật quan trọng nào sử dụng một cái ly, người ấy đùng xong phải đập vỡ đi để không ai khác ở địa vị thấp được dùng đến chiếc ly ấy. Có lẽ người phụ nữ này cũng nghĩ vậy. Điều mà người phụ nữ này không nghĩ đến, nhưng Chúa Giêsu đã thấy: Theo phong tục phương Đông, khi một người chết thì trước hết phải được tắm rửa, sau đó xức dầu. Sau khi đã xức dầu cho xác chết, thì chiếc bình đựng dầu đã dùng đó cũng bị đập bể ra và các mảnh vỡ được đặt trên xác chết trong mồ. Tuy người phụ nữ này không dụng ý làm vậy, nhưng sự thật là bà đã làm đúng sự việc ấy”.
Chiêm ngắm hành động của người phụ nữ, chúng ta thấy tấm lòng của cô dành cho Chúa không có nghĩ đến tiền bạc và vật chất, mà quan trọng là cô chọn loại dầu nào đắt tiền tương hợp với tình yêu cô dành cho Chúa và thật xứng hợp cho Chúa, Đấng yêu thương. Thật vậy, tình yêu chân chính không bao giờ tính toán. Vì không tính toán nên có bao nhiêu dầu trong bình thật đẹp, cô đều dành cho Chúa: “Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người”.
Tình yêu Chúa dành cho nhân loại có tính toán gì không và Ngài có giữ lại gì cho chính Ngài trong tình yêu không? Đập bể bình và đổ hết dầu thơm trên đầu Người là thái độ đáp lời tình yêu cao với của Thiên Chúa. Đừng keo kiệt bủn xỉn và tham lam, đừng cứ khư khư giữ lại cho mình của cải vật chất và những thứ đắt tiền! Hãy buông bỏ tất cả và vượt lên trên những ràng buộc và cám dỗ của tiền bạc vật chất là bước đi quan trọng để vượt lên trên chính cái tôi của con người. Nhờ đó mới có thể hướng về Chúa, mới có thể yêu Chúa với “đập vỡ” bình đẹp của trần gian, trao gởi Chúa dòng nước hoa thơm nhất của trần thế. Yêu Chúa nhiều thì không bao giờ mất đi cả. Mà nếu có mất đi trong Chúa, thì cũng thật là tuyệt vời! Người phụ nữ đã diễn tả tấm lòng của chị dành cho Chúa qua những dấu hiệu bên ngoài đó. Những người có mặt trong câu truyện có hiểu được và có đồng thuận với chị phụ nữ không?
“Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo.” Rồi họ gắt gỏng với cô”. Những người có mặt nhưng ở bên ngoài, nên không thể hiểu được tấm lòng của chị phụ nữ dành cho Chúa và chắc chắn họ cũng không thể hiểu được tâm tình của Chúa và con đường của Chúa chuẩn bị bước vào. Với sự mù tối đó, họ chỉ nhìn qua lăng kính của chính họ, nghĩa là họ khởi đi từ chính họ để nhìn, để đánh giá một sự kiện. Họ có quyền làm điều đó, nhưng họ hoàn toàn chủ quan. Cái chủ quan của họ diễn tả sự keo kiệt bủn xỉn và coi trọng tiền bạc và vật chất của họ: “Phí dầu thơm như thế để làm gì?” Kế bên đó, họ còn đưa ra một lời bình phẩm đầy nhân nghĩa: “Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”. Bình dầu đó giá hơn 300 quan tiền (denare). Một quan tiền tương đương với một ngày làm công thời đó. Như thế, một người bình thường phải lao động cả năm mà không chi tiêu gì cả mới mua được bình dầu đó. Như thế, chúng ta hiểu được giá trị rất cao về phương diện vật chất của bình dầu thơm cam tùng nguyên chất này.
“Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”. Chắc chắn lời nói này của họ không sai theo lẽ thường tình, nhưng cái sai của họ là đã quá chú tâm đến tiền bạc mà quên đi cái quý hơn tiền bạc là tấm lòng của người phụ nữ, một cử chỉ thanh cao của tình yêu, dành cho Chúa Giê-su. Chưa hết, Mác-cô còn nói thêm rằng: Rồi họ gắt gỏng với cô. Thái độ gắt gỏng của họ chính là vấn đề của họ. Chị phụ nữ kia chẳng có vấn đề gì cả. Đám người này đang ở bên ngoài và đang ôm ấp vấn đề của chính họ với những lập luận riêng của họ, những lập luận hẹp hòi mang dáng vẻ nhân nghĩa và hợp lý ở bên ngoài. Có lẽ đây cũng là bài học cho người Ki-tô hữu, không nên vội vàng xét đoán người khác và đưa người khác vào cái nhìn hẹp hòi đầy giới hạn của mình, để đánh giá. Đừng quên rằng, quyền xét đoán chỉ nằm trong quyền năng của Chúa. Đừng quên rằng, một trong những điều con người không thể làm được, là thấu hiểu người khác với những gì họ có trong chiều sâu tâm hồn. Chỉ có Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự và biết trong lòng con người có gì.
Trước thái độ và lời nói nặng của nhóm người này dành cho người phụ nữ đang đổ dầu thơm lên đầu Chúa, Chúa Giê-su phản ứng như thế nào? Mác-cô viết: “Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa.7 Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!8 Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng.9 Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”.
Đọc lời của Chúa thật kỹ lưỡng và suy gẫm lời này từng bước, chúng ta nhận ra được những điều thật tuyệt vời. Trước hết Chúa bênh vực chị phụ nữ trước đám đông đang gắt gỏng với cô: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa”. Chúng ta nhớ lại những lần khác Chúa cũng bênh vực các người phụ nữ trước những áp lực và kết án của đám đông. Như chị phụ nữ tội lỗi trong nhà ông Si-môn (x.Lc 7,36-50) và chị phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị đám người kết án tử với việc ném đá, nhưng kế bên đó họ đã lợi dụng cơ hội này để gài bẫy Chúa Giê-su (x. Ga 8,2-11). Như thế, Chúa Giê-su luôn đứng về phía những người yếu thế, những phụ nữ bị xã hội chê bai và bị đám đông cô lập. Ngoài ra trong lời của Chúa nói, chúng ta để ý đến từ ngữ “việc nghĩa” hay “việc tốt”. Trong bản văn tiếng Hy-lạp là kalos. Barclay đã giải thích từ ngữ này như sau: “Trong Hy văn, có hai từ “tốt”, từ agathos mô tả một điều tốt đạo đức và từ kalos mô tả một điều chẳng những tốt mà còn đáng yêu nữa. Một việc có thể là tốt nhưng cứng rắn, nghiệt ngã, nghiêm nhặt, chẳng hấp dẫn chút nào. Nhưng cái gì là kalos thì đẹp đẽ đáng yêu chuộng, duyên dáng, hấp dẫn người ta. Có người đã bảo Hội Thánh sẽ được lợi ích rất nhiều nếu Kitô hữu làm những điều “tốt đẹp”. Đây chính là ý nghĩa của từ kalos, chính là việc người đàn bà đang làm ở đây. Tình yêu chẳng những làm những việc tốt mà còn làm nhiều điều đáng yêu nữa”.
Ngoài ra, Gnilka đã có một cách giải thích hướng về Ki-tô học. Đối với các Rabbi Do-thái giáo, có sự phân biệt giữa việc nghĩa hoặc việc tốt với việc bố thí. Bố thí thường liên hệ đến tiền bạc và người có thể bố thí bất cứ lúc nào. Còn việc tốt thì đòi hỏi một sự hy sinh và dấn thân thường thì rất bất ngờ và việc tốt được gợi lên từ một hoàn cảnh cụ thể nào đó. Việc lo lắng để chăm sóc đám tang và chôn cất kẻ chết thuộc về việc tốt. Trong bài Tin Mừng của chúng ta, việc xức dầu của người phụ nữ mang ý nghĩa Ki-tô học rõ rệt.
Câu tiếp theo của Chúa Giê-su là: “Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!”. Phần đầu trong câu nói của Chúa Giê-su được trích từ sách Đệ Nhị Luật: “trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em)” (Đnl 15,11). Phần thứ hai của câu “còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu!” đã bộc lộ rõ cái chết của Chúa Giê-su gần đến. Vì thế, trong bối cảnh của câu truyện, việc xức dầu cho Chúa là điều khẩn thiết nên làm, nên Chúa nói tiếp: “Điều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng”.
Cuối cùng, Chúa hướng về việc người phụ nữ xức dầu cho Chúa và nói:“Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”. Như thế, hành động của người phụ nữ được Chúa Giê-su trân trọng và vinh danh. Gnilka nói rằng: “Vì chị phụ nữ đã bị đám người mắng và gắt gỏng với cô, nên cô đã được Chúa chở che và trân quý. Cô đã tham dự vào trong thân phận phải chết của Chúa theo cách thức riêng của cô”. Nhờ hành động cao quý và đầy ý nghĩa dành cho Chúa Giê-su, mà cô đã được ghi tên trong sách Tin Mừng, dù cho tên của cô không được nêu lên rõ ràng. Tin Mừng này sẽ được loan truyền đi, để mọi người nhận biết được dung mạo của Đấng Cứu Thế và một hiệu ứng đi theo là hành động của chị phụ nữ này lại được nhắc đến.
Thật đẹp một nghĩa cử tốt của một phận người dành cho Đấng Cứu Thế. Nghĩa cử tốt lành này được khắc sâu vào trong nền đá của nhân loại và không bao giờ tàn phai.
Để kết thúc phần suy niệm và tìm hiểu đoạn này, chúng ta đọc vài lời tâm tình của Barclay: “Tình yêu thấy được những điều mà người ta chỉ có hy vọng làm được một lần duy nhât Một trong những tấm thảm kịch ở đời là chúng ta thường được thúc giục làm một việc tốt, nhưng chúng ta lại không chịu làm. Có lẽ vì chúng ta e lệ, rụt rè, cảm thấy làm thế thì có vẻ quá kỳ cục. Có lẽ chúng ta lại được một gợi ý khác bảo rằng hãy thận trọng, làm sao cho hợp lý, phải lẽ thì hơn. Chẳng hạn ta được thúc giục viết thư cảm ơn ai đó về một việc người ấy đã làm, được thúc giục nói với ai đó ta yêu mến, biết ơn người ấy, hoặc được thúc giục tặng ai đó một món quà hay nói với họ một câu nói đặc biệt. Đáng buồn thay, sự thúc giục đó vẫn thường bị dập tắt ngay khi nó vừa mới nảy sinh. Thế gian này sẽ đẹp đẽ hơn biết bao nếu có nhiều người giống như người phụ nữ ở đây, khi được tình yêu thúc đẩy thì hành động ngay, vì tự thâm tâm bà biết, nếu không làm ngay, bà sẽ chẳng bao giờ còn có cơ hội để làm. Chính sự phung phí, sự thúc giục bà thực hiện hành động tốt đẹp đó đã nâng cao tinh thần của Chúa Giêsu biết bao”.
Giờ đây, chúng ta đọc tiếp tường thuật về cuộc khổ nạn. Câu truyện của chị phụ nữ xức dầu cho Chúa thật đẹp được đóng lại. Theo sau là câu truyện gì? Mác-cô đưa một hình ảnh và câu truyện tương phản hoàn toàn vào. Đó là nhân vật Giu-đa và âm mưu bội phản bán đứng Thầy.
3. Giu-đa phản bội (câu 10-11).
10 Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ.11 Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền. Giu-đa liền tìm cách nộp Người sao cho tiện.
Phần này cả ba thánh sử của Tin Mừng Nhất Lãm nhắc đến (x.Mt 26,14-15 và Lc 22,3-6). Trong bản văn của Mát-thêu còn trích dẫn lời của Giu-đa nói với các thượng tế và số tiền được thoả thuận giữa đôi bên: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu.” Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 26,15).
Tìm hiểu bản văn của Mác-cô. Trước hết nhân vật Giu-đa với ý định nộp Chúa Giê-su cho các thượng tế ở đây tương hợp với âm mưu hại Chúa Giê-su được nhắc đến trong các câu đầu của chương 14: “Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Đức Giê-su và giết đi;2 vì họ nói: “Đừng làm vào chính ngày lễ, kẻo dân chúng náo động” (Mc 14,1-2). Ngoài ra, cũng có liên hệ đến việc Đức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thầy (Mc 14,17-21).
Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là một trong nhóm Mười Hai, nghĩa là những đồ đệ gần gũi với Chúa nhất. Cả ba Tin Mừng nhất lãm đều nhắc tên Giu-đa trong danh sách nhóm Mười Hai. Hai thánh sử đầu tiên đều nói: “ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người” (x.Mt 10,2-4; Mc 3,16-19). Còn Luca thì nói: “Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội” (Lc 6,14-16).
Đi vào bài Tin Mừng, Giu-đa đến gặp các thượng tế và nói với họ về ý định của ông. Chúng ta biết các thượng tế và các kinh sư đã nung nấu ý định bắt Chúa Giê-su và ám hại Ngài, nhưng họ chưa có cơ hội. Giờ đây, lại có một người thân cận của Chúa Giê-su đến mở đường cho họ. Giu-đa nói với họ: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu”. Một cuộc đổi chác và bán buôn. Con người đôi khi có thể bất nhân đến vậy. Ai hiểu thấu lòng người, nhất là khi lòng người tham lam và đui mù chạy theo tiền bạc. Lời Chúa nhắc nhớ ngày xưa, không biết Giu-đa có còn nhớ không: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6,24).
Có thể nói, lý do “tiền bạc” là một trong những lý do mà Giu-đa nộp Chúa. Về điều này, Cantalamessa suy tư như sau: “Những sách Phúc Âm là các nguồn đáng tin cậy duy nhất mà chúng ta có về nhân vật Giuđa đều đồng thanh nói về một động cơ rất trần tục: đó là tiền. Giuđa đã được giao phó giữ tiền của nhóm; khi bà Maria Mađalêna xức dầu thơm cho Chúa tại Bê-ta-ni-a, Giuđa đã phản đối việc dùng dầu thơm quý giá để đổ lên chân Chúa không phải vì ông quan tâm đến người nghèo nhưng, như thánh Gioan lưu ý , “vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.”(Ga 12,6). Đề nghị của ông với các thượng tế thật là rõ ràng: ‘Các ông định cho tôi bao nhiêu, nếu tôi giao nạp Người cho các ông? Và các thượng tế ấn định số tiền là 30 đồng bạc’” (Mt 26,15)”.[1]
Con người hay thích nói câu: “có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng con người ít khi ý thức rằng, khi con người tôn “đồng tiền” lên làm thượng đế, thì con người càng dễ dàng đánh mất chính bản thân, vì “càng nhiều tiền, tôi càng dễ dàng trở thành kẻ nô lệ và đồi bại của chính đồng tiền”.
Ngoài ra, tiền của là thứ “thần có thể nhìn thấy được” trái ngược với Thiên Chúa là Đấng vô hình.
Thần tài chống lại Thiên Chúa vì nó tạo ra nơi con người một vũ trụ tinh thần khác; nó thay đổi mục đích của nhân đức đối thần. Đức tin, hy vọng và lòng bác ái không còn được đặt vào Thiên Chúa nhưng vào tiền. Một đảo ngược nham hiểm của tất cả các giá trị xảy ra. Kinh Thánh nói: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9,23), nhưng thế gian nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Trên một bình diện nhất định, mọi thứ dường như là như thế thật.
Kinh Thánh nói: “Lòng yêu mến tiền bạc là căn nguyên của mọi tội lỗi” (1Tm 6,10). Đằng sau mọi sự dữ trong xã hội của chúng ta là tiền bạc, hay ít nhất cũng có dính líu đến tiền.[2]
Ngoài sự tham lam tiền của, Giu-đa còn mang một sự ghen tỵ. Thi sĩ Klopstock, người Đức nghĩ rằng lúc Giuđa nhập đoàn mười hai tông đồ, ông có đầy đủ tài năng, đức hạnh có thể giúp ông trở thành một vĩ nhân, nhưng lần hồi ông đã bị lòng ghen tị với Gioan là vị môn đệ được yêu mến, khiến những điều tốt đẹp tiêu hao đi, và cuối cùng tính ghen tị ấy đã đẩy ông đến chỗ thực hiện hành động khủng khiếp đó. Thật dễ thấy giữa mười hai tông đồ đã có cay đắng, căng thẳng với nhau. Những người khác đã khắc phục được nhưng Giu-đa đã bị con quỉ ghen tị kiểm soát, ám ảnh lòng ông. Tính ghen tị phá hoại đời sống của chính chúng ta và người khác.
Trở về với bài Tin Mừng, các thượng tế cho Giu-đa bao nhiêu cho việc ông ta nộp chính Thầy mình? “Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc”. Cái giá 30 đồng này chỉ có thánh sử Mát-thêu nhắc đến, đúng theo giá trị của một tên nô lệ vào thời Cựu Ước. Sách Xuất Hành viết như sau: “Nếu bò húc tôi tớ nam nữ, thì người ta sẽ đưa cho chủ của nạn nhân ba mươi đồng bạc, còn bò thì sẽ bị ném đá cho chết” (Xh 21,32).
Phải chăng Chúa Giê-su đã bị coi thường và khinh miệt như là một tên nô lệ? Chúng ta nhớ lại lời thánh Phao-lô nói:
“Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Không ai có thể bắt Chúa “làm nô lệ” được, mà chính Chúa đã tự ý trở nên nô lệ để phục vụ muôn người. Sự tự do hiến thân, sự tự do đi vào con đường đau khổ, sự tự do để trở thành hạt lúa mì chấp nhận rơi xuống đất và chết đi là nét đặc trưng tiêu biểu trên con đường thương khó của Chúa, con đường của người Tôi Tớ hiến mình trong tự do và yêu thương. Đó là con đường của Chúa Giê-su, Đấng Cứu Rỗi nhân loại, con đường của Đấng Em-ma-nu-en, Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, dù trên con đường bằng phẳng hay trên con đường chông gai.
Đến đây, chúng ta cũng tự hỏi xem, hình ảnh Giu-đa còn có thể tìm thấy trong xã hội hôm nay không?
Cantalamessa giúp chúng ta tìm câu trả lời: “Bài giảng mà cha Primo Mazzolari vào Thứ Năm Tuần Thánh năm 1958, về ‘Anh Giuđa của chúng ta’ vẫn còn rất nổi tiếng. Ngài nói với vài giáo dân ngồi trước mặt ngài, ‘Hãy để tôi suy nghĩ về cái tên Giuđa trong người tôi đây một lúc, về cái tên Giuđa, có lẽ cũng có cả bên trong anh chị em’.
Người ta có thể phản bội Chúa Giêsu để đổi lấy những thứ khác hơn là 30 đồng bạc. Một người đàn ông phản bội vợ mình, hoặc người vợ phản bội chồng, là phản bội Chúa Kitô. Các thừa tác viên của Chúa không trung thành với đấng bậc của mình trong cuộc sống, hoặc thay vì nuôi dưỡng những con chiên được giao phó cho ngài lại dùng những con chiên ấy như nguồn vỗ béo cho chính mình, là phản bội Chúa Giêsu. Bất cứ ai phản bội lương tâm của họ đều phản bội Chúa Giêsu. Thậm chí tôi có thể phản bội Ngài ngay lúc này đây- và điều này làm cho tôi run sợ – nếu như trong khi giảng về Giuđa tôi quan tâm đến sự đồng thuận của khán giả hơn là dự phần trong nỗi buồn bao la của Đấng Cứu Thế”.[3]
Trở về với bài Tin Mừng, chúng ta thấy sau khi đã thoả thuận với các thượng tế, Giu-đa bắt đầu bước vào hành trình “tìm cách nộp Người sao cho tiện” để nộp Thầy mình. Chúng ta thấy ở đây, có một điểm chung giữ Chúa Giê-su và Giu-đa. Đó là cả hai đều hướng về giây phút quyết định, giây phút định mệnh: Giu-đa thì tìm giây phút để phản bội bán đứng Thầy, còn Thầy thì chuẩn bị cho giây phút định mệnh ấy với tất cả sự vâng phục Cha trên trời.
Về nhân vật Giu-đa, thánh Augustino đã ví như là một kẻ trộm ăn cắp chính Thiên Chúa. Chúng ta đọc suy tư rất thú vị này của thánh nhân: ““Các anh em thân mến, Chúa chúng ta, Đức Giê-su Ki-tô, đã muốn khuyến cáo Hội Thánh của Ngài điều gì, khi Ngài sẵn sàng chịu đánh mất một người trong số 12 Tông Đồ? Chắc chắn Chúa muốn chúng ta phải chịu đựng sự dữ và không phân chia Thân Mình của Đức Ki-tô. Hãy nhìn kìa, trong số các thánh Tông Đồ có mặt Giu-đa! Hãy nhìn kìa, một kẻ trộm là chính Giu-đa, và để anh em không nhìn lầm, – một kẻ trộm ăn cắp chính Thiên Chúa chứ không phải là một kẻ trộm xoàng nào. Giu-đa là một kẻ trộm tiền bạc, nhưng tiền bạc của Thiên Chúa, tiền bạc thánh thiêng. Anh em hãy học gương của Chúa Giê-su được biến đổi trên trần gian này… Tại sao Ngài lại cho phép kẻ trộm đến với Ngài, nếu không phải Ngài muốn rằng Hội Thánh của Ngài cần phải kiên trì chịu đựng những kẻ trộm? Kẻ nào đã quen cầm túi tiền trên tay, thì kẻ ấy cũng sẵn sàng bán đứng Thầy, để nhận được một túi tiền. Chúng ta hãy nhìn kỹ những gì Chúa nói về điều này. Anh em hãy nhìn kìa, Chúa không nói với anh ta rằng: Vì anh là tên trộm, nên anh đã nói răng như vậy. Chúa quen biết kẻ trộm này, Chúa không làm cho kẻ trộm bị bẽ mặt, nhưng Chúa chịu đựng anh ta nhiều và Chúa dạy chúng ta bài học của sự kiên nhẫn, nghĩa là chúng ta phải chịu đựng những kẻ xấu có mặt trong Hội Thánh”.[4]
Nhân vật Giu-đa sẽ còn xuất hiện nhiều lần trong bài thương khó.
[1] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot, Bài Giảng Trong Nghi Thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa Giêsu Kitô – Thứ Sáu Tuần Thánh – Cho Giáo Triều Rôma 18/04/2014.
[2] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot.
[3] Lm Raniero Cantalamessa, Câu chuyện của Giuđa Iscariot.
[4] Balthasar H.U., Augustinus, Benziger Verlag, Einsiedeln 1942, S. 325.
[1] Martini C.M., Seht diese Menschen, die Leidengeschichte nach den vier Evangelien, Herder Verlag, Freiburg 1995, S.95-96.
Còn tiếp…
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn