Các nhân đức của Thánh Giuse

Thứ tư - 16/03/2022 08:19

Các nhân đức của Thánh Giuse

 

Đối với người Dothái, tên biểu thị con người. Chẳng hạn như, Evà: mẹ của chúng sinh; Abraham: cha của vô số dân tộc; Xarai: mẹ của các công chúa, vua chúa; Isaác: nó cười; Môsê: được đưa ra khỏi (nước) Gioan: ân huệ của Đức Chúa,…

Dựa trên sáu mẫu tự làm nên tên gọi JOSEPH, người ta nhận thấy sáu nhân đức nổi bật của Thánh Nhân:
Justitia (công chính),
Oboedientia (vâng lời),
Sapientia (khôn ngoan),
Experientia (kinh nghiệm),
Patientia (kiên nhẫn//trọn đời),
Humilitas (khiêm nhu).

Justitia (công chính)Không giống như trường hợp của Đức Maria, Thánh Kinh nói rất ít về cuộc đời của Thánh Giuse. Tuy vậy, những câu đầu tiên lại mô tả về ngài lại là đức công chính: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.” (Mt 1,19).

Có nhiều định nghĩa về đức công chính dựa theo thái độ và hành vi của con người trước Thiên Chúa. Cựu ước đã nêu ra 10 mẫu mực về sống công chính trong lịch sử cứu độ trong sách Kn 10. đó là: ông Nôê (Kn 10,4), tổ phụ Ápraham (Kn 10,5), ông Lót (Kn 10,6), tổ phụ Giacóp (Kn 10,10), ông Giuse Aicập (Kn 10,13), và Dân được ông Môsê dẫn ra khỏi Aicập (Kn 10,15.20). Vậy Giuse công chính theo nghĩa nào, giống mẫu gương nào?

Nói về gốc tích Đức Giêsu, khi Matthêu nối kết Giuse ở cuối gần với Đức Giêsu lên với Apraham ở đầu danh sách, chắc chắn Mt đã liên tưởng sự công chính của Giuse với Ápraham: “ông Ápraham đã tin Ðức Chúa, và vì thế, Ðức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Như thế, có thể nói điểm nổi bật nói đức công chính của Giuse là đức tin. Giuse là người có đức tin ưu việt như Ápraham, tin theo tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng thực hiện sứ vụ Thiên Chúa giao phó để cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.

Oboedientia (vâng lời)Như các mẫu mực công chính trong Cựu Ước khi đứng trước chương trình lớn lao của Thiên Chúa, Giuse lo sợ. Lúc này, vì ngài biết rằng Maria thụ thai không theo cách bình thường, mà do quyền năng của Thiên Chúa nên ông “định tâm lìa bỏ Maria cách kín đáo”. Ông đã lo sợ khi đứng trước chương trình mầu nhiệm quá lớn lao của Thiên Chúa. Điều này được chứng minh khi sứ thần nói “Này ông Giuse, con cháu vua Ðavít, đừng sợ / μὴ φοβηθῇς”. Run sợ trước sứ vụ mà Thiên Chúa ủy thác là một thái độ tiêu biểu của người công chính.

Tuy nhiên, sau khi sứ thần Chúa giải thích cho ông hiểu những gì đã xảy ra với Maria, với thai nhi, không một lời phản kháng, lập tức “khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà”. Sự “sợ hãi” của ông Giuse và sau đó là cách đáp trả lại chương trình Thiên Chúa như thế đã làm cho Giuse giống với Môsê trước bụi gai đang bốc cháy (Xh 3,5), giống với Isaia đứng trước sự hiện diện của Đấng ba lần Thánh (Is 6,5), và sau này đó là thái độ của Êlisabét khi đứng trước Thân mẫu của Đức Chúa (Mt 8,8), và nhiều người của Thiên Chúa khác nữa. Tuy nhiên, khi đã được giải thích, thánh Giuse đã mau mắn vâng phục thiên ý mà đón nhận sứ vụ để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Maria, nơi Thai Nhi và nơi chính mình. Trong Kinh Thánh, có 4 lần thuật lại việc sứ thần truyền cho một sứ mạng trong giấc mơ thì ngài liền trỗi dậy và làm theo: đó là thái độ vâng phục triệt để, một nhân đức đặc trưng của của thánh Giuse.

Sapientia (khôn ngoan): ngài để khôn ngoan để suy tính, cân nhắc tìm giải pháp sao cho đẹp cả đôi đường: cho ngài và cho thanh danh của Maria. Khôn ngoan tiên liệu những gì có thể xảy ra với hài nhi con của mình mà tìm cách lãh nạn, nhưng khôn ngoan hơn cả là làm theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa.

Experientia (kinh nghiệm): Là người từng trải trên đương đời và trong cuộc sống (năm kia, dựa theo Tin mừng Ngụy Thư Giacôbê và Mátthêu, chúng ta đã nghe đến giả thuyết Giuse đã kết hôn với bà Menkha và sinh được 4 người con trái, sau này được gọi là “các anh em của Chúa”), để có thể dìu dắt thánh gia tiến bước trên đường đời.

Patientia (kiên nhẫn): Trong Lời nguyện Nhập Lễ, chúng ta đã nghe “Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu cho thánh cả Giuse, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ”. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề kéo theo một thời gian rất dài, nên để chu toàn sứ vụ này, ắt hẳn thánh Giuse phải có đức kiên nhẫn. Đức kiên nhẫn này được thể hiện qua các biến cố, khi vừa tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa vừa âm thầm làm theo mà không kêu ca phải kháng như nhiều lần Kinh Thánh trình thuật:

– Kiên nhẫn đón Đức Maria chịu thai mà không do quyền phép mình, về nhà, săn sóc, thương yêu.

– Kiên nhẫn khi Đức Maria mãn nguyệt khai hoa, không có ai khác chăm sóc, trong cảnh nghèo không người tiếp đón trong một hang ở đồng hoang xa lạ.

– Kiên nhẫn khi được Thiên Thần báo tin vua Hêrôđê tìm cách giết hài nhi, thánh Giuse đã đưa Hài Đồng Giêsu và mẹ Maria trốn qua Ai Cập, sau đó được báo tin quên nhà đã an toàn, Ngài lại đưa Thánh gia trở về sống ở quê hương Nagiarét.

– Tại đây, thánh Giuse đã kiên trì lao động bằng đôi tay thợ mộc để “nuôi dưỡng” gia đình, tận tâm để “giáo dục” Đức Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Ngài vẫn kiên nhẫn đi tìm Đức Giêsu bị lạc lúc lên đền thờ vào năm 12 tuổi. Sau bà ngài gặp lại Con trong trong đền thờ Giêrusalem, thánh Giuse nghe những lời giải thích của Giêsu, nhưng cũng như đức Maria chẳng hiểu gì hết, nhưng Ngài vẫn hoàn toàn âm thầm kiên nhẫn chờ đợi điều gì sẽ xảy ra. Có thể nói, với sự kiên nhẫn, cuộc sống của thánh Giuse đã hành động nhiều hơn là nói và từ đó kèm theo nhân tính nổi bật sau cùng được phản ảnh trong tên của Ngài:

Humilitas (khiêm nhu): Có thể nói, khi nghĩ về Đức Giêsu là một con người, thì người ta nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục của bậc cha mẹ. Có thể nói ba công việc căn bản Sinh-Dương-Dục Đức Giêsu thì thánh Giu-se đã chiếm mất hai phần rưỡi. Ngài không tạo sinh (của CTT), nhưng trợ sinh Đức Giêsu. Sau đó thì Dưỡng và Dục Đức Giêsu mãi cho đến thánh Giuse khi nhắm mắt lìa đời (ngụy thư nói ngài mất lúc 111 tuổi, và Đức Giêsu được 22 tuổi = tuổi trưởng thành). Có thể nói nhân cách Đức Giêsu có được chủ yếu là học ở trường nhà Nagiarét và người thầy, vị giám học chính là thánh Giuse. Công lớn là thế, nhưng Thánh Giuse không nói về mình, và Kinh thánh cũng nói ít về ngài. Ngài quả thật là khiêm nhu bằng cách ít nói mà hành động nhiều trong âm thầm.

Thánh Giuse ít nói mà chúng ta lại nói quá nhiều về ngài. Đến đây, có lẽ tôi phải bắt chước ngài “ít nói” để dừng lại bài chia sẻ ở đây. Trước khi dừng hẳn, xin ghi nhớ các nhân đức nổi bật của ngài ở trong lòng để suy gẫm mà noi theo:

Giuse công chính, vâng lời,
Khôn ngoan, kinh nghiệm, trọn đời, khiêm nhu.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây