Đón Tết Nhâm Dần

Thứ sáu - 28/01/2022 18:00
ĐÓN TẾT NHÂM DẦN
(Xin thích ứng bài viết cũ cho hợp với Tết Nhâm Dần năm nay!)

Trời đất xoay vần, thời tiết đổi thay. Đông sắp qua, Xuân đang về; lòng người nôn nao đón Tết, cỏ cây nô nức chờ Xuân. Người người hối hả, chạy đua với thời gian; nhà nhà tất tả, gần xa với công việc. Năm hết Tết đến, không khi nào vội cho bằng. Hơn mọi lúc, Tết là đỉnh cao của sự nhộn nhịp. Tết bên Tây bên Mỹ chỉ có một ngày, còn Tết ở ta tới ba ngày. Mà không chỉ ba ngày, vì Ba Ngày Tết qua rồi, còn có bảy ngày Xuân. Hơn thế nữa, tháng Giêng còn là “tháng ăn chơi”. Mà nghĩ cũng phải: cả năm vất vả lao nhọc, có được mấy ngày Tết để gặp gỡ, để bồi bổ, nghỉ ngơi và vui chơi thỏa thích, thật chẳng có gì để thắc mắc. Cha ông đã rất khôn khéo tạo ra cái Tết, cho con cháu ngày nay được hưởng nhờ. Thế nên, dù vất vả đến mấy cũng phải vui Xuân; dù nghèo túng đến mấy cũng phải ăn Tết. “No ba ngày Tết, ấm ba tháng Hè” là vậy.

Tết năm nay là Tết Nhâm Dần, hay Tết Con Cọp, Tết “Ông Ba Mươi”, Tết “Chúa Tể Sơn Lâm”. Cọp là động vật quý hiếm, được liệt vào hàng quốc cấm, được bảo toàn và bảo tồn đặc biệt, vì đang có nguy cơ tuyệt chủng. Lý do là phần thì ai cũng khoái “cao cao hổ cốt”, phần thì sơn lâm đã bị thu hẹp quá lẽ, nên “chúa tể” nhà ta sắp hết đất sống! “Ông Ba Mươi” tuy còn dũng mãnh, nhưng không còn tự do như xưa, mà ngoan ngoãn “ngọa” trong hũ rượu hoặc nếu có may mắn hơn thì cũng chỉ “vùng vẫy” trong lồng sắt. Chúa sơn lâm đã và đang phải kính sợ mấy bác kiểm lâm!
Cọp chẳng mấy gần gũi với người, vì là loài hoang dã; nhưng người lại thích “gần gũi” với Cọp. Gần gũi theo nghĩa chẳng ai ghét Cọp, mà hơn nữa, ai cũng thích xem Cọp. Càng gần gũi hơn khi năm Cọp, tuổi Cọp là những tiêu đề quen thuộc cho dân gian kháo láo về vận mạng, tài lộc và duyên số… Rồi thì da Cọp, thịt Cọp, cao Cọp… là những thứ mà chỉ những kẻ có “số má” mới chạm tay được, còn dân thường thì chỉ dám mơ!

Hòa vào bầu khí chung, xin chia sẻ lại đôi tâm tình về năm Dần khi cùng đón Tết Nhâm Dần.
1. Hiểu Năm Dần
Dần là tiếng Hán (). Tiếng Việt là Cọp, Hổ, Khái hay theo cách gọi “kiêng tránh” là “Ông Ba Mươi”. Nó là con vật thứ ba trong số 12 con vật được chọn để đặt tên cho hệ thống địa chi của người Trung Quốc (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Còn Nhâm là tên gọi thứ 9 trong hệ thống thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý).
Nhâm Dần (chữ Hán: 壬寅) là kết hợp thứ 39 trong hệ thống đánh số Can Chi của người Á Đông. Nó được kết hợp từ thiên can Nhâm (Thủy dương) và địa chi Dần (hổ). Trong chu kỳ của lịch Trung Quốc, nó xuất hiện sau Tân Sửu và trước Quý Mão (theo Wikipedia).

Năm Âm lịch Nhâm Dần 2022 trùng với thời gian từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 21/03/2023 Dương lịch. Theo đó, Mồng Một Tết Nhâm Dần năm nay trùng ngày 01/02/2022 Dương lịch và Mồng Một Tết Quý Mão năm tới sẽ trùng vào ngày 22/03/2023 Dương lịch.

Nếu chỉ nói năm Dần, thì cứ 12 năm lặp lại một lần. Nhưng nếu là Nhâm Dần thì phải mất 60 năm mới có lại. Năm Âm lịch Nhâm Dần tiếp theo sẽ là năm 2082, từ 29/01/2082 đến 17/02/2083. Nếu Canh Dần đi trước Nhâm Dần có chữ số cuối là 0, thì các năm Nhâm Dần lại đều có số 2 ở cuối (ví dụ: các năm Nhâm Dần: 1722, 1782, 1902, 1962, 2022, 2082 và 2142…).

Tết Nhâm Dần chúng ta đang đón ghi dấu kỷ niệm buồn với Đại dịch Covid-19. Nhưng Nhâm Dần của 60 năm tới, hy vọng hậu thế không phải lao đao vì thiên tai hoặc nhân tai gì nữa.

2. Học từ Dần
Có nhiều điều để học từ Cọp hay từ những gì liên quan đến “Chúa Sơn Lâm”. Điều đầu tiên là sự dũng mãnh. Dũng mãnh là có sức mạnh và khí phách mạnh mẽ trong nếp sống, trong lời nói và hành động; không một thế lực nào dễ dàng áp đảo được. Mạnh sức như Cọp, chắc không có mấy ai, vì chỉ trời xanh phú ban mới được. Nhưng khí phách mạnh mẽ, lại là điều người ta có thể thủ đắc nhờ tập luyện. Sức mạnh tinh thần của con người là vô hạn, nên việc luyện tập để có khí thế, khí phách lại là điều rất có thể nơi cõi người ta. Là hữu thể thuộc linh, nên dù bị giới hạn trong thân xác mong manh yếu đuối, tinh thần của con người vẫn không vì thế mà bị trói buộc. Nó tự do vươn cao. Ấy thế, nên dù thể xác không mạnh mẽ như Ông Ba Mươi, thì tinh thần con người vẫn có thể mạnh mẽ để giúp họ vượt qua nhiều thử thách trên đời. Đây là điều ta nên nghĩ tới khi nói về sự dũng mãnh của Cọp. Cần phát huy sức mạnh tinh thần đang tiềm tàng nơi mỗi bản thân.
Bài học thứ hai là đừng ỷ vào sức mình. Có câu “Cọp lẻ không cự được sói bầy” hay “Mãnh hổ nan địch quần hồ”. Có mạnh đến mấy, Cọp cũng phải chịu thua trước bầy sói vừa đông, vừa đói, vừa hung hãn. Thực tế, nếu “một chơi một” sao có cảnh Cọp thua sói; nhưng khi Cọp lẻ gặp sói bầy thì sẽ trở thành trò hề cho thiên hạ. Bài học ở đây là cần phải tự biết về giới hạn của mình. Không ai có thể đứng vững một mình trong mọi hoàn cảnh. Càng không ai có thể sống một mình, làm một mình, thành công một mình. Có sức mạnh và tài năng riêng, thậm chí có quyền lực riêng đi nữa, thì cũng chỉ thành công khi biết cậy dựa vào người khác, nên cần biết “dụng nhân như dụng mộc”. Sống giữa đời, tinh thần tập thể, tinh thần xã hội, tinh thần liên đới là rất cần thiết đối với con người.
Bài học thứ ba từ Cọp là sự vị tha. Có câu “Cọp dữ cũng chẳng ăn thịt con.” Nói đến thành ngữ này, tự nhiên ta thấy có cảm tình với Cọp. Dù là động vật dữ tợn nhất, nhưng Cọp cũng không làm hại con của nó. Nói thế có nghĩa là Cọp cũng biết phân biệt đâu là con mồi, đâu là con mình. Hiểu thêm một tí, ta thấy Cọp cũng có tình thương, ít là tình thương dành cho con của nó. Ta không học ở Cọp cái kiểu yêu thương thiên lệch ấy, mà học ở nó vì dù sao nó vẫn còn có tình. Người với người là đồng loại của nhau, nhưng không ít trường hợp họ đối xử với nhau tệ mạt đến mức “vô nhân bất nghĩa”. Làm sao để ta có thể hơn Cọp là loài chỉ biết “chừa con, ăn mồi”, để có thể “tứ hải giai huynh đệ” mà yêu thương mọi người. Làm sao để đừng coi ai là kẻ thù của mình, cũng đừng để mình là kẻ thù của ai!
Bài học cuối cùng từ Cọp là giữ tiếng với đời. Có câu “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Đây cũng là điều ta cần bận tâm trong năm Dần. Có thể hiểu điểm này rằng sống trên đời cần làm gì đó để nên ích cho đời; hoặc sống trên đời, cần sống tốt để có chết đi vẫn còn lưu tiếng thơm cho hậu thế, như Cọp dù có chết vẫn còn có bộ da đẹp mà để lại. Ta không thể để đời ra vô ích vì không làm việc, hoặc chỉ làm những việc vô ích cho đời. Nhưng Cọp cũng dạy ta cần tỉnh thức để khỏi rơi vào cảnh “mua danh ba vạn bán danh ba đồng”, nỗ lực một đời, phút cuối tiêu tan!

3. Sống Năm Dần
Năm Nhâm Dần đang mở ra trước mắt chúng ta. Cũng như bao năm khác, nó đòi ta cần có những quyết tâm ngay từ đầu. Nếu Cọp gợi lên nhiều điều đáng để bận tâm học hỏi, thì cũng từ đó mà ta có thể liên tưởng đến những cách sống đẹp cho năm Dần.
Sống theo Thần Khí. Sự dũng mãnh của Chúa Sơn Lâm gợi lên trong ta ý nghĩ về sức mạnh tinh thần. Nhưng tinh thần của chúng ta, vốn là con cái Thiên Chúa, phải là tinh thần được hướng dẫn bởi Thần Khí của Người. Sức mạnh của chúng ta phải là sức mạnh đến từ Thiên Chúa.
“Cậy sức Ngài, con tấn công bọn giặc,
nhờ ơn Ngài là Thiên Chúa của con,
con vượt thành vượt lũy.”
(Tv 18,30)

Không ỷ vào sức mình, mà phó thác vào Thiên Chúa. Trong mọi việc, phải cần nói lên như thánh Phaolô, “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,10). Phải để cho Thần Khí Chúa chiếm đoạt và chỉ huy cuộc sống của  ta, từ tư tưởng, đến lời nói và hành động. Để Năm Mới Nhâm Dần là năm sống hữu hiệu, không còn cách nào khác cho bằng sống trong sức mạnh của Thần Khí Chúa.
Sống hiệp thông. “Cọp lẻ thì thua sói bầy”. Bài học này quá đơn giản, ai cũng hiểu. Mọi Kitô hữu đều cần sống trong sự hiệp thông với Giáo Hội, cách cụ thể qua Cộng đoàn Giáo xứ. Hơn bao giờ hết, ngày nay “sói bầy” đang rình rập khắp nơi. Tội lỗi lan tràn, cám dỗ giăng phủ. Không sống hiệp thông hay chỉ hiệp thông hời hợt, lỏng lẻo, cũng có nghĩa là đang tự tìm đến những rủi ro cho đời sống Đạo. Đức tin cá nhân luôn cần được nâng đỡ bởi đức tin Cộng đoàn. Mỗi người cần liên kết đời sống đức tin của mình với đức tin của mọi anh chị em đồng Đạo, mà chóp đỉnh là sự hiệp thông trong việc cử hành Thánh Thể qua từng Thánh lễ, trong việc cử hành các bí tích và các việc đạo đức chung.
Mẹ Giáo Hội đang thiết tha mời gọi con cái thuộc mọi miền, mọi bậc sống, mọi ngành nghề và mọi vai trò, cùng nhìn lại con đường đang đi. Giáo Hội kêu gọi tất cả hãy bước đi trên con đường duy nhất: Con Đường Giêsu, để khám phá lại chính bản thân mình như một thành viên chính thức và chính thống của Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội. Năm Thượng Hội đồng về Hiệp Hành cấp Giáo phận đang mở ra giai đoạn mới, bầu khí mới cho sự hiệp thông sâu xa giữa mọi chi thể của Nhiệm thể Chúa Kitô, ngay tại Giáo xứ, Giáo phận của mình.
Sống vị tha. Đạo Kitô là Đạo của tình yêu, lấy tình yêu của Thiên Chúa qua Đức Kitô làm khuôn mẫu. Thế nên khi muốn sống vị tha, “xả kỷ vị nhân” – hết mình vì người khác, ta cần nắn đúc tình yêu Chúa Kitô vào tâm hồn mình. Vị tha, xả kỷ hay vì người quên mình là đòi hỏi cụ thể trong cách sống của Kitô hữu, khi bước theo Thầy Chí Thánh. “Cọp dữ cũng không ăn thịt con”, người Kitô hữu cần đối xử với đồng loại bằng sự quý trọng, kính nể và yêu thương. Sống trong năm Thượng Hội Đồng Giám mục về Hiệp Hành, sự vị tha chắc hẳn sẽ là “dung môi” hòa tan những bất đồng, để lắng nghe tiếng nói của nhau và cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa. Bởi lẽ suy nghĩ thiếu vị tha dễ dẫn đến phản bội, lời nói thiếu vị tha dễ gây nên phản cảm, hành động thiếu vị tha dễ đưa đến phản nghịch. Vị tha là đức tính cần thiết của người con Chúa.
Sống chứng nhân. Ba cách sống trên đây cốt là để đi đến cách sống cuối cùng này: sống chứng nhân. Quả vậy, sống chứng nhân đòi ta phải sống theo Thần Khí, sống hiệp thông và sống vị tha. Vì vậy, chỉ cần sống theo một trong ba điều trên đã có thể coi là sống chứng nhân rồi, nhưng chưa đủ. Ở đây, xin mượn hình tam giác làm ảnh minh họa. Ba cách sống trên đây như là ba cạnh của tam giác, còn sống chứng nhân thì như chính tam giác vậy. Trọng tâm của đời sống Kitô hữu là làm chứng cho Chúa, vì bản chất của Kitô hữu là truyền giáo. Thế nên, cần làm sao để năm Nhâm Dần trở thành năm truyền giáo hiệu quả. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, người Kitô hữu còn cần sống sao cho vừa hữu ích, vừa lưu tiếng thơm ở đời. Chúa Giêsu dạy, “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Chẳng thể làm chứng hay truyền giáo được, nếu cuộc sống của ta chưa hữu ích và chưa nên gương sáng.

Để kết:
Con Cọp có lắm điều hay; năm Nhâm Dần, không thiếu ý lực để sống. Nhưng cần nhớ thêm rằng Cọp là loài thú không chỉ hung hãn, mà còn tự mãn vô cùng. Hung hãn, tự mãn, nhưng rồi cũng có lúc nó phải nếm âu sầu xót xa. Xin kết thúc bài viết bằng trích đoạn bài thơ “Nhớ Rừng” của Thế Lữ, để suốt năm Nhâm Dần, ta rộng lối suy tư:

“Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng.
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc,
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta là chúa tể muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Đón Tết Nhâm Dần 2022 - Lm. GB. Nguyễn Hồng Uy


 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây