Đại dịch & Lũ lụt: Thiên Chúa ở đâu?

Thứ bảy - 14/11/2020 04:21


Khi những chồi non đua nhau chởm nở, đó là lúc báo hiệu về một mùa xuân đang kéo đến. Khi những áng mây đen kéo về phía cuối trời, cũng là khi báo hiệu cơn mưa. Và khi những biến cố xảy ra trong đời là khi báo hiệu cho ta về dấu chỉ của lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa muôn đời là tình yêu. Ngài cảm thấu nỗi đau, nỗi mất mát của phận người. Những cảnh tượng xảy ra trong thời đại hôm nay mà ta chứng kiến, như thiên tai, đại dịch Covid 19, như một màu tím đang bao trùm toàn nhân loại. Trước những cảnh tượng đó, có ý kiến cho rằng đó là một cuộc đại thanh tẩy của Đấng Tạo Hóa, cũng có người cho rằng, nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng và tình yêu, tại sao Ngài lại để những thảm họa khủng khiếp ấy xảy ra? Phải chăng đó là một dấu chỉ mà Thiên Chúa gửi đến để cảnh tỉnh nhân loại này? Đứng trên phương diện lý trí, ta không có một câu trả lời tối hậu nào cho vấn đề này. Vậy trên phương diện là người Ki-tô hữu, chúng ta lý giải cảnh tượng ấy như thế nào?

     Dù ở đâu, nơi đất nước nào, châu lục nào, hay thuộc thời đại nào chăng nữa, con người vẫn không tránh khỏi thiên tai và dịch bệnh. Nói cách khác, thiên tai và dịch bệnh xảy ra ở khắp mọi nơi và mọi thời đại. Vậy thiên tai là gì? Thiên tai là những hiện tượng bất thường xảy ra trong tự nhiên như động đất, lũ lụt, hạn hán, … Còn đại dịch thì sao? Theo tổ chức y tế thế giới WHO, đại dịch là sự bùng phát của mầm bệnh mới, lây lan dễ dàng truyền từ người này sang người khác trên toàn cầu”.
Như thế, nói đến thiên tai và đại dịch là nói đến tai họa, nói đến tai họa là nói đến đau thương, nói đến đau thương là nói đến âm điệu trầm buồn của những giọt nước mắt, những vết thương đau hằn sâu trong tim, những chuyến ly biệt bất chợt đến mà không một lời giã từ, chưa kịp chuẩn bị cho mình điều gì. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến cơn đại dịch này? Liệu Thiên Chúa là nguyên nhân của sự dữ?

Chưa bao giờ thế giới lại xôn xao, náo động về đại dịch Covid 19 gây nên như thời gian này. Dường như một bầu khí lo lắng, sợ hãi đang bao trùm cả thế giới. Nhà nhà mua thiết bị y tế để phòng dịch. Người người e ngại tiếp xúc với nhau. Cả thế giới đang cảm thấy bất an và nghi ngờ lẫn nhau. Đứng trước cơn đại dịch như thế, nhiều người đang cố đi tìm cho được nguyên nhân. Thế nhưng, cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây nên đại dịch Covid-19. Và người ta bắt đầu đặt câu hỏi phải chăng Thiên Chúa đang trừng phạt Thế giới? Và nếu Thiên Chúa đang trừng phạt thế giới thì như vậy Người là nguyên nhân của đại dịch này? Thiên Chúa không vừa là chủ thể của sự thiện, cũng không vừa là chủ thể của sự ác. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, Ngài làm sáng tỏ sự giữ nhờ con Ngài là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng nhờ sự luân lý to lớn là tội lỗi của con người, nguồn gốc của mọi sự giữ”. (TYGL-Số 324) Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, Người cho mưa rơi trên cả người lành cũng như kẻ dữ. Thật vậy, nếu Thiên Chúa là nguyên nhân của sự giữ, thì chương trình cứu độ của Ngài, cái chết và sự phục sinh của Ngài đều trở nên vô nghĩa đối với chúng ta. Thử hỏi có người cha người mẹ nào lại muốn điều xấu xảy đến cho con cái mình? Dĩ nhiên là không, nếu điều xấu có xảy đến thì ắt hẳn nguyên nhân cũng chính do con người tự gây nên mà thôi.  Bởi lẽ, chúng ta đang sống trong một thế giới với chủ nghĩa cái tôi, mà ở đó sự kiêu ngạo lên ngôi, khiến người ta muốn dành bá chủ thế giới. Chính vì lẽ đó, một số quốc gia đã lạm dụng sự tự do của Thiên Chúa một cách bất chính, để tìm cách tạo ra thứ vũ khí sinh học bởi những con virus, nhằm triệt hạ đối thủ của mình. Chính lúc sự kiêu ngạo và sự gian ác chiếm chỗ nơi cung cách của họ, cũng là lúc người ta phải trả giá cho sự ngạo mạn và tàn bạo đó. Chính vì lẽ đó mà hình thành nên một thứ vũ khí sinh học nguy hiểm nguy hiểm khôn lường. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là một người cha nhân lành, Ngài luôn mong muốn bình an và những điều tốt đẹp đến cho con cái của Ngài, nhưng con người đã từ chối Ngài. Để minh chứng điều đó, chúng ta phải kể đến những vụ tháo gỡ Thánh Giá của chính quyền Trung Quốc, hay không đâu xa nơi đất nước với chủ nghĩa vô thần của chúng ta. Con người đã loại Thiên Chúa, đuổi Ngài ra khỏi cuộc sống và do đó đánh mất đi sự bình an. Bởi lẽ như thánh Phao-lô đã nói: “chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an”. Một khi chúng ta không muốn Người hiện diện nơi cuộc sống chúng ta, thì ắt hẳn sự bình an đó cũng sẽ không còn ngự trị nơi chúng ta. Và dĩ nhiên khi sự bình an không còn, thì sự bất an sẽ ập đến với chúng ta vì chiến tranh, thảm họa môi trường và bệnh dịch…   Như vậy không thể nói Thiên Chúa đang trừng phạt con người thông qua thảm họa thiên nhiên và đại dịch Covid-19.

Tất cả những thảm họa xảy ra trong cuộc sống này, Thiên Chúa đã cảnh tỉnh cho chúng ta cách đây hơn hai ngàn năm trước, “sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện” (Lc 21, 10). Ngài muốn nhắc nhớ chúng ta rằng, mẹ thiên nhiên cũng có quy luật sinh tồn. Một khi con người đi ngược lại với trật tự, thì mẹ thiên cũng sẽ trả lại cho con người như vậy. Điều đó ta thấy rất rõ hiện nay như cảnh lũ lụt ở Trung Quốc, chính vì sự tham lam, nên đã ngăn chặn con sông lớn nhất quốc gia để thu lợi nhuận từ ngành điện, đến nay đập thủy điện Tam Hiệp đã phải báo động đỏ, mức báo động cao nhất có nguy cơ vỡ đập. Nếu họa may vỡ, thì chỉ trong tích tắc một phần ba dân số Trung Quốc sẽ bị đắm chìm trong cơn lũ, hậu quả còn kinh hoàng hơn cả một cơn lũ xảy ra tự nhiên. Đại dịch Covid cũng là minh chứng để nói lên lòng tham lam của con người. Nhìn vào những thảm họa đang diễn ra, ta càng thấy được rõ lời cảnh tỉnh của Thiên Chúa. Thế nhưng, qua những thảm cảnh đó, Thiên Chúa không bao giờ làm ngơ, Ngài thấu cảm nỗi đau của nhân loại, và không ngừng biểu lộ lòng thương xót của Ngài cho nhân loại qua từng biến cố và từng thời đại. Vậy, Thiên Chúa đã biểu lộ lòng thương xót của Ngài như thế nào?

         Xuyên suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã biểu lộ tình thương của Ngài từ thời ông Nô-e, Ngài đã thanh tẩy nhân loại qua cơn đại lụt Hồng Thủy. Qua thời Babilon, Ngài thanh tẩy dân ngài bằng cuộc lưu đày dài dằng dặc. Và đến thời Chúa Giê-su, Thiên Chúa thanh tẩy nhân loại bằng chính giá máu của Ngài. Giáo Hội luôn đọc dấu chỉ thời đại qua từng biến cố. Qua những biến cố như là động đất, lũ lụt và đại dịch hôm nay, dường như Thiên Chúa đang thanh tẩy thế giới. Thấy được lòng thương xót của Chúa đang thanh tẩy thế giới. Ngày nay, giữa cơn đại dịch, một số quốc gia tổ chức đang quay lưng chống lại Thiên Chúa, triệt phá niềm tin tôn giáo, nhưng Ngài vẫn yêu thương và ôm trọn. Nhưng cũng qua dấu chỉ này, Thiên Chúa làm đổi mới, thanh tẩy não trạng từ suy nghĩ, từ con tim, từ cách sống, từ các mối tương quan. Qua cơn đại dịch, con người nhận ra đâu là chân giá trị của cuộc sống. Ta thấy được tinh thần liên đới giữa các quốc gia, giữa con người với con người. điều đó được thể hiện qua những vật tư y tế, qua những nhu yếu phẩm được chuyển đến những nơi, những con người bị nhiễm Covid. Ta còn thấy một tình thần cao cả hơn, những y bác sỹ, những con người, dám hy sinh cả tính mạng, thời gian, sức khỏe, sẵn sàng cho tuyến đầu để ngăn chặn cơn đại dịch. Hơn nữa, sau cơn bão ở Miền Trung vừa qua, nhiều cá nhân và những tấm lòng hảo tâm đã chẳng ngần ngại giữa cảnh mưa gió, chèo chống lênh đênh giữa “biển nước mênh mông” để chu cấp cho những phận người bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Nếu như đại dịch Covid-19 khiến con người chia cắt nhau vì buộc phải giãn cách xã hội, thì cơn bão lũ lại làm cho con người phải sát lại gần nhau để tương trợ nhau. Điều đó nói lên một tình yêu thương sẻ chia, một tình liên đới gắn kết con người yêu thương với nhau, một nghĩa tương quan mối tình bồi đắp, qua đó ta mới thấy Thiên Chúa luôn yêu thương. Qua những dấu chỉ đó ta nhận ra những điều gì?

         Nếu bức tranh không có những mảng màu tối, hỏi rằng đó còn là bức tranh đẹp. Nếu biển thiếu vắng những cơn sóng, hỏi rằng đó có còn là biển cả mênh mông. Nhiều khi ta chỉ biết nhìn vào những nỗi đau, những nỗi mất mát mà quên mất đi những điều kỳ diệu ẩn chứa trong cuộc sống. Cũng vậy, nhìn tất cả các dấu chỉ xảy ra trong mọi thời đại, dưới con mắt đức tin, ta nhận ra được Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, một Thiên Chúa toàn thiện và toàn yêu. Tất cả những gì xảy ra dù là trực tiếp hay gián tiếp, Ngài để nó xảy ra cũng để minh định một điều rằng, Ngài làm mới lại nhân loại, bởi vì Đức Giê-su hôm qua hôm nay và mãi mãi chỉ là một, Ngài luôn luôn mới mẻ, luôn luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống, tất cả mọi thứ Ngài chạm đến đều được đổi mới, được trở nên tươi trẻ và mới mẻ. Và qua đó ta cũng nhận ra được rằng, đây chính là lúc Thiên Chúa đang chạm đến nhân loại, khi mà con người đang ngủ mê trong danh vọng, trong tiền tài, trong sự ngạo mạn của thành công và trong những nhỏ nhen ích kỷ nơi con tim đã bị khô héo bởi những ghen ghét hận thù. Ngài đã chạm tới La-da-rô khiến anh sống lại và ra khỏi mồ, Ngài chạm đến những người đui mù, què quặt và họ đi được, đã chạm tới Ma-đa-lê-na và kéo cô thoát khỏi vũng lầy của cuộc đời… Cũng thế, ta sẽ được đổi mới và tươi trẻ nếu như mời Ngài chạm tới.  Từ bức tranh của thế giới hiện nay, nhắc nhớ chúng ta phải sống niềm tin, niềm hy vọng vì đó là sức mạnh giúp ta vượt qua nỗi sợ hãi giữa cơn đại dịch, đồng thời tin nhận và quy phục Đấng Tạo Hóa. Những biến cố thời đại đã xảy ra trong quá khứ nhắc nhớ chúng ta rằng, nó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai. Điều đó giúp chúng ta phải luôn luôn cảnh tỉnh, và đặc biệt là những Kitô hữu, qua những dấu chỉ đó nhắc nhớ chúng ta phải luôn chuẩn bị tâm hồn, sẵn sàng trước những biến cố sẽ xảy đến bất chợt trong tương lai.  Hơn lúc nào hết, thế giới cần phải sống tình liên đới với nhau, bởi lẽ như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Thế giới này như một ngôi làng, nó không của riêng ai” một khi chúng ta coi trái đất này như là một ngôi nhà chung thực sự, không có chỗ cho những tham lam, ích kỷ, hận thù và ghen ghét, thì ắt hẳn nhân loại sẽ đầy ắp tình tình thương, như thân nho nối liền với cành, như nhánh sông nối liền với đại dương bao la vô tận và như những âm điệu vui tươi ấm áp hòa quyện trong gió trời.

 Tắt một lời, Thiên Chúa muôn đời vẫn là Thiên Chúa của tình yêu, vì thế những thảm họa thiên tai xảy ra và nhất là cơn đại dịch Covid hiện nay, không ngoài Thánh ý của Ngài, như lời ngôn sứ Isaia nói: “Cây lau bị dập Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lắt chẳng nỡ tắt đi”, phương chi là cả một nỗi đau mất mát đang bao trùm nhân loại như đại dịch hiện nay. Với đức tin, ta có thể nói, cơn đại dịch này là dấu chỉ của lòng thương xót mà Thiên Chúa biểu lộ cho nhân loại. Qua đó, ta cũng phải nhận ra lời cảnh tỉnh của Thiên Chúa để sám hối và đổi mới. Những sự giữ vẫn sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai, và trong cuộc đời ta. Vì thế chúng ta phải luôn sống trong tâm tình của thống hối và tín thác nơi lòng thương xót của Chúa. Cầu mong cho nhân loại này biết quay về với nguồn cội Chân-Thiện-Mỹ.

David Quyết

(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây