Năm 1533, Tin Mừng truyền vào Việt Nam

Thứ hai - 15/11/2021 06:54

Năm 1533, Tin Mừng truyền vào Việt Nam

 

Vừa qua sau khi đăng bài Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533 của Lm. Võ Đình Đệ

https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html

Tác giả Bùi Công Thuấn có bài phản biện "Năm 1533 Tin mừng được truyền vào Việt Nam" trên blog:

https://buicongthuan.wordpress.com/2021/11/09/nam-1533-tin-mung-duoc-truyen-vao-viet-nam/?fbclid=IwAR3AVA7qL1RLtiqw81XK0tp44p5vIuUnVUBkJ7Y3NwNqA7na8iNvsaU3NfI

Cả hai tác giả đều viết vì ích chung của Giáo hội.

WQN xin đăng cả bài này để rộng đường dư luận, mở ngỏ cho những ai có thêm thông tin, có thể tham gia thảo luận để làm rõ 2 vấn đề:

- về năm 1533

- về quyển Gia Tô Bí Lục

Xin chân thành cảm ơn.
 


NĂM 1533, TIN MỪNG TRUYỀN VÀO VIỆT NAM
           

Các nhà sử học Công giáo như Phan Phát Huồn CssR, Hồng Lam, Lm Trần Anh Dũng (Paris)… và Giáo hội Công giáo Việt Nam đều lấy năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam [1]. Căn cứ để chọn năm 1533 là thông tin trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, trang 6 B (1856-1884), một chính sử của Việt Nam [2].      

NHỮNG KIẾN GIẢI CỦA LM VÕ ĐÌNH ĐỆ

            Trong bài viết: “Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533”[3], Lm Võ Đình Đệ đặt vấn đề về “mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam”ghi trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là “bịa đặt”. Ông viết:

            Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Để đi đến một kết luận “chắc nịch” như vậy, trong bài viết trên, Lm Võ Đình Đệ lập luận như sau: Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại Tây Dương Gia Tô bí lục, mà cuốn sách này toàn những điều sai, thế nên điều Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép lại về năm 1533 cũng là sai.

            Các bước Lm Võ Đình Đệ triển khai lập luận như sau:

            Trước hết ông dẫn Đại Việt Sử Ký toàn thư, tiếp theo dẫn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Sau đó dẫn ý kiến của Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm. Ông cũng dẫn ý kiến của Trần Thanh Ái và Lm Bùi Đức Sinh O.P.

Mượn ý của Trần Thanh Ái, ông nhận định:

Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu nại vào để đưa ra quan điểm Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục về sự kiện I-nê-xu lén vào truyền giáo ở Đại Việt vào năm 1533 là dựa vào mốc điểm ra đời của hai tác phẩm và sự trùng hợp về chi tiết sự kiện. Tây Dương Gia Tô Bí Lục ra đời trước, được khởi thảo từ năm 1794 và được in năm Nhâm Thân, Gia Long 11 (1812). Khâm Định Việt Sử được bắt đầu biên soạn theo lệnh vua Tự Đức từ năm 1856, viết xong 1881, khắc in 1884.”           

Tiếp theo, Lm Võ Đình Đệ “điều tra” nguồn gốc lịch sử, địa lý của  nhân vật I-nê-xu và các địa danh Nam Chân, Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường. Ông chứng mình rằng những nhân vật và địa danh ấy là không đúng với sự thật. Ông kết luận: “Xét về phương diện lịch sử truyền giáo của Giáo hội toàn cầu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, Tây Dương Gia tô Bí Lục đầy dẫy những nhân vật và sự kiện lịch sử không có trong lịch sử mà không thể liệt kê dài dòng trong bài viết nầy. Ở đây chỉ nêu nhân vật Ingatio mà bài viết nầy đã đề cập”.

            Và từ nhận định ấy, Lm Võ Đình Đệ đã đặt vấn đề “về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.

            Rất tiếc là tác giả không đưa ra một mốc lịch sử truyền giáo nào khác thay thế năm 1533.

THỰC CHẤT CỦA VẤN ĐỀ

  1. Mối quan hệ giữa Đại Việt Sử Ký Toàn Thư với Khâm Định Việt Sử Thông  Giám Cương Mục và Tây Dương Gia Tô Bí Lục.

            Đại Việt sử ký toàn thư (1697),Huyền Tông Mục Hoàng đế, năm thứ nhất (1663) viết:

            “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà  sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm.”

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (1856), quyển XXXIII viết:

“Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.”

Lời chua : Gia – tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”.

Nhìn vào văn bản hai đoạn văn, người đọc nhận ra ngay Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục đã viết lại từ Đại Việt sử ký toàn thư, sau đó thêm phần chú giải (Lời chua) cho rõ. Chính văn ghi: “trước đây” không xác định thời gian thì phần chú giải ghi rõ thời gian là “tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất “(1533). Chính văn ghi ”Người Tây Dương” không cụ thể, phần chú thích ghi rõ “người Tây Dương” ấy là Y-nê-xu.           

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là chính sử, nên nếu có “tục biên” cũng phải căn cứ vào Chính sử (là Đại Việt sử ký toàn thư) không thể “sao chép” lại một “dã sử” như Tây Dương Gia tô Bí lục. Vì những lẽ sau:

Đại Việt sử ký toàn thư được in 1697, trước Tây Dương Gia tô Bí lục (1812).

Tây Dương Gia tô Bí lục là một “ngụy thư” (sách giả) hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc với mục đích chống Ki tô giáo [4]. Nó không phải là một “sử liệu quý giá” như một vài người cố ý ngộ nhận vì mục đích chính trị. Hơn nữa cuốn sách này khi được khắc in năm 1812, tác giả Văn Hoằng cho biết:  ông đã “đóng cửa không ra khỏi nhà, tham khảo rộng thêm các sách truyện ký của người Tây Dương, dọn lại sách này một lần nữa, rồi thuê người viết chữ, khắc bản gỗ đem in để lưu hành cho công chúng đọc. Sách in xong, các nhà hàng bày bán ở các phố chợ trong thành Thăng Long (Năm Gia Long thứ 11 -1812).  Giám mục đốc chính cả kinh, liền xuất 30 nén bạc để mua hết số sách đã in ra và mua luôn cả bản khắc gỗ đem về tòa Tổng giám mục tiêu hủy. Văn Hoằng căm giận, giấu kín trong nhà một bản sao để dành cho hậu thế”[5]

Như vậy chính tác giả Văn Hoằng chỉ còn 1 “bản sao” để dành. Vấn đề là văn bản của Tây Dương Gia tô Bí lục chúng ta có hôm nay có phải là “bản sao” mà Văn Hoằng giữ hay không? Và cuốn sách này truyền đến hôm nay như thế nào? 

Ông Ngô Văn Thọ, người dịch Tây Dương Gia Tô bí lục cũng đặt vấn đề: “Chưa rõ bản sách do Nguyễn Văn Hoằng cất giữ đó có còn đến ngày nay hay không. Chỉ biết rằng về sau sách đó đã được lưu truyền và một truyền bản của nó đã đến với chúng ta. Đó là cuốn sách hiện lưu giữ tại Thư viện khoa Sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội mang ký hiệu HV26. Từ bản đó, năm 1962, Thư viện Khoa học trung ương (nay là Viện Thông tin khoa học xã hội) đã sao chép thêm một bản để tại thư viện ấy (ký hiệu VHv 2137)”.

Về khoa học nghiên cứu lịch sử, Tây Dương Gia Tô bí lục không phải là một văn bản khả tín để tham khảoQuốc sử quán triều Nguyễn khi viết Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục không thể dựa vào một văn bản không có thật (bởi Văn Hoằng-tác giả của Tây Dương Giatô bí lục chỉ có một bản sao và đã cất giấu đi không ai biết) để viết lịch sử.

2. Xin đối chiếu 3 tác phẩm

  Lm Võ Đình Đệ dẫn ý kiến của  Trần Thanh Ái: “các chi tiết liên quan đến việc các nhà truyền đạo Thiên chúa vào nước Đại Việt của hai tài liệu này trùng khớp với nhau hoàn toàn”. Điều này đúng hay sai?

  Bây giờ so sánh 3 đoạn văn:

 Đại Việt sử ký toàn thư (1697)cho biết: vào năm 1663 Lê Huyền Tông (1663-1671) cấm đạo Hoa Lang truyền bá ở nước ta:

            “Mùa đông, tháng 10, cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà  sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm.”

  Tây Dương Gia Tô bí lục (1812) viết:

“Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân. Trước đó giám mục khâm mạng ở Ma Cao, qua dò la thăm hỏi người Tàu đã biết rõ phong tục và hiện tình nước Nam ta, bèn gửi thư về mật tâu với Giáo hoàng rằng: Nước Nam giáp với nước Thanh, có hai nơi thuận tiện cho việc truyền đạo: một là Gia Định, dân chúng hung hãn, cứng đầu; hai là Nam Chân, phong tục quê mùa cổ lậu. Vả lại ở nước ấy không có lệnh cấm dị ngôn dị phục, mà hiện nay thì hai họ Lê, Mạc đang tranh giành với nhau, trong nước nhiều việc, không ai rỗi mà soát xét những việc nhỏ nhặt. Xin sai giám mục Ingatiô làm khâm mạng, theo thuyền biển mà sang, bảo viên ấy rằng: Nam Chân là nơi phong tục cổ xưa thô lậu, nên đến đó trước”.

Ingatiô sang đến nước ta bèn lẻ vào cư ngụ ở các làng Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường, đến đâu đều cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu nghe giảng đạo. Từ đó đạo Gia Tô mới bắt đầu lan đến nước ta. Về sau môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục, xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng. Từ đó nước ta bắt đầu có giặc Tây Dương lẻn vào cai quản”.

Và đây: Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục viết:

“Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm.”

Lời chua: Gia – tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô

So sánh 3 đọan văn trên, người đọc thấy rõ Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục viết lại từ Đại Việt sử ký toàn thưPhần chính văn được viết lại gần như nguyên văn. Phần “Lời chua” thì giống với Tây Dương Gia tô bí lục, căn cứ vào “Dã lục”.

Vấn đề là chi tiết về “dã lục”. Lm Võ Đình Đệ dẫn lời của Trần Thanh Ái nhận định rằng: “…nhiều chi tiết cho phép nghĩ rằng dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng để nói về việc người Tây dương đến truyền đạo chính là tài liệu Tây dương Gia tô bí lục…”.

Nhận định cho rằng “Dã lục” trong Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục chính là Tây dương Gia tô bí lục không thể thuyết phục vì:

Như tôi đã nói ở trên, sau năm 1812, Tây dương Gia tô bí lục chỉ còn một “bản sao” do Văn Hoằng giữ.  Quốc sử quán triều Nguyễn  không thể dựa vào một văn bản không có thật (bởi Văn Hoằng-tác giả của Tây Dương Giatô bí lục đã cất giấu đi không ai biết) để viết chính sử.

Xin lưu ý rằng, Phạm Công Trứ và các cộng sự của ông được Chúa Trịnh Tạc giao cho khảo đính và viết tiếp Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Phạm Công Trứ viết từ năm 1533 đầu đời Lê Trang Tông đến năm 1662 cuối đời Lê Thần Tông. “Nguồn tư liệu mà nhóm Phạm Công Trứ dựa vào để biên soạn giai đoạn lịch sử này gồm “dã sử của Đăng Bính“, “sách sót lại của người đương thời dâng hiến“[6]. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư giai đoạn này có nhiều lời bình của Đăng Bính.

Vậy nếu Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục có ghi “lời chua” về “dã lục”, chắc chắn đó là dã sử của Đăng Bính. Bởi vì phần chính sử đã chép của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, thì phần chú thích (Lời chua) cũng sẽ lấy nguồn “dã sử” từ chính sử. Không thể chép phần đầu của Đại Việt Sử Ký Toàn thư , còn phần “Lời chua” lại chép của Tây Dương Gia Tô bí lục.

Hơn nữa, năm 1812 chỉ Văn Hoằng còn duy nhất một “bảo sao” Tây dương Gia Tô bí lục, thì ai còn bản nào khác để Quốc sử quán triều Nguyễn mượn mà viết  Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục (1856-1884).

Và sau 70 năm (Tây dương Gia Tô bí lục in năm 1812. Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục được khắc in 1884), liệu lúc ấy Văn Hoằng có còn sống mà cho Quốc sử quán triều Nguyễn mượn không?

Nói vắn tắt, Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục là chính sử, thì chỉ có thể viết tiếp nối chính sử trước đó là Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Không có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn lại dựa vào một loại “ngụy thư” như Tây Dương Gia Tô Bí lục để viết chính sử.

3. Một sử liệu khác:

Năm 1931, khi in lại cuốn Xứ Đàng Trong [7] của Borri (1631), trong “Lời nói đầu”, A. Bonifacy- Đặc phái viên của Trường Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam, cũng là giáo sư lịch sử bản xứ tại Trường Đại học Hà Nội -đã viết:

“Năm Nguyên Hòa nguyên niên (đời vua Lê Trang Tông), tức năm 1533, có chỉ dụ cấm một người đến từ vùng biển (Dương nhân) nhân danh Jésus (Gia-tô giảng đạo trong các làng Ninh Cường và Quân Anh thuộc huyện Nam Chân, nay là Nam Trực và trong làng Trà Lũ huyện Giao Thủy, tỉnh Sơn Nam, nay là Nam Định. Người đàn ông đó tên I-ni-khu, có nghĩa là Inigo (Ignace). Đó có lẽ là một vị thừa sai đến từ Malacca”.

Rất tiếc A. Bonifacy không ghi nguồn của sử liệu này. Ông viết như một điều đã thành hiển nhiên. Chúng ta cần lưu ý đến nhân thân của ông là Đặc phái viên của Trường Viễn Đông bác cổ tại Việt Nam, và là giáo sư lịch sử bản xứ tại Trường Đại học Hà Nội. Bài viết của ông trong cuốn Xứ Đàng Trong tiếp ngay dưới bài của L. Cadière, một nhà Việt Nam học uy tín.

Trường hợp của A. Bonifacy viết về năm 1533, chúng ta đánh giá thế nào? Liệu có thể kết luận như Lm. Võ Đình Đệ rằng A. Bonifacy cũng lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô bí lục không? Một “giáo sư lịch sử” như A. Bonifacy chắc chắn phải dựa trên một cứ liệu đáng tin cậy để viết (lúc ấy không ai biết cuốn Tây Dương Gia Tô bí lục đang lưu lạc ở đâu).

KẾT LUẬN

Có thể xác định điều này: Phần lịch sử trong quyển IX của Tây Dương Gia Tô bí lục là do người sau viết thêm vào, vì có nhắc đến những sự kiện sau 1812 như chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc (1840-1842) và (1856-1860)…Vì thế, phần viết về năm 1533 cũng là phần do người khác viết thêm vào sau này, chắc chắn là sau chiến tranh nha phiến ở Trung Quốc (1860).

Khâm Định Việt sử thông giám cương mục được khởi viết từ 1856. Như đã trình bày ở trên, nó độc lập với Tây Dương Gia tô bí lục. Những ý kiến cho rằng “Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục” chỉ là những võ đoán.

Năm 1533, Tin Mừng được truyền vào Việt Nam là năm được chính sử của Việt Nam ghi nhận, đó là một cứ liệu đáng tin cậy.

 

Bùi Công Thuấn tháng 11/2021

   ________________________

[1] Lm. Phanxicô Đào Trung Hiệu, OP: Lược Sử Giáo Hội Việt Nam -Dấu Ấn 350 Năm Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Nhà Xuất Bản Đông Phương, 2010
-Lm Trần Anh Dũng, Paris: SỬ LƯỢC GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM ( 1533 – 2000 )

http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/LichSu/LichSuGHCGVN.htm

-Hồng Lam: Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam-chú giải của L. Cadière-Đại Việt Thiện bản Huế 1944

-Phan Phát Huồn CssR: Việt Nam Giáo sử, quyển 1, in lần II, năm 1965 tr. 35

-Lm Vinc Bùi Đức Sinh OP: Lịch sử giáo hội Công Giáo.Nxb Chân Lý, Sài Gòn 1972, được tái bản có hiệu đính, tại California, USA năm 2001.

[2] Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mụcq. XXXIII, tập II, tr. 301, Viện Sử học, NXB. Giáo dục 1988

[3] Võ Đình Đệ: “Thực hư có giáo sĩ I-nê-xu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533

https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html

[4] Bùi Công Thuấn: Tây Dương Gia Tô bí lục-Những nghi vấn

[5] Tây Dương Gia Tô bí lục: Quyển IX

[6] Đại Việt Sử ký toàn thư-https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_s%E1%BB%AD_k%C3%BD_to%C3%A0n_th%C6%B0

[7] Cristoforo Borri: Xứ Đàng Trong-Thanh Thư dịch-Nxb Tổng hợp TpHCM. 2019

 

Tác giả bài viết: Bùi Công Thuấn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây