Thứ Bảy tuần 24 thường niên.

Thứ sáu - 17/09/2021 05:37

Thứ Bảy tuần 24 thường niên.

"Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

 

Lời Chúa: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

 

 

Suy Niệm 1: Với tấm lòng cao thượng

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.

Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,

có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,

và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.

Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.

Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.

Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.

Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.

Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?

Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.

Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.

Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.

Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),

nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.

Nhưng có Lời bị đánh cắp.

Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe

vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12).

Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).

Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng?

Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.

Nhưng có Lời không mọc rễ.

Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.

Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.

Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,

nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.

Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,

vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.

Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,

và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.

Nhưng có Lời bị chết ngộp.

Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,

những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang.

Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.

Cuối cùng có Lời được nắm giữ.

Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,

Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng.

Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,

cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.

Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.

Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.

Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,

bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

và dạy con bước đi

ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.

Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con

tìm lại được sức trẻ

để gieo trồng hàng ngàn cây xanh

cho một thế giới mới

Ước gì mồ hôi con

pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con

hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ

để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn

vì bất công và ích kỷ.

Chúc tụng Chúa là Cha,

đã dẫn con đi đến cùng,

đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung

với tràn trề bình an và niềm vui. (ĐHY Roger Etchegaray)

 

Suy Niệm 2: Gieo và gặt

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thật lạ lùng quá trình gieo và gặt. Quá trình mất và được. Từ bỏ và lấy lại. Chết và sống. Quá trình nảy sinh sự sống. Sự sống mới. Phong phú dồi dào. Và cao vượt. Mầu nhiệm sự sống tự nhiên đã kỳ diệu. Mầu nhiệm sự sống siêu nhiên còn kỳ diệu gấp bội.

Chúa Giê-su là người đi gieo Tin mừng. Thiên Chúa kiên trì gieo Lời Người xuống trần gian. Trải qua bao đời. Qua bao thất bại. Đến lúc phải gieo chính Ngôi Lời. Chúa Giê-su gieo chính mình. Người trở thành hạt giống. Mục nát đi để trổ sinh một mùa gặt mênh mông. Một nhân loại mới mọc lên từ Người. Giống như Người.

Nhưng để trở thành mùa gặt con người phải trở thành đất tốt. Phải cầy bừa con đường đi đã chai cứng. Phải nhặt đá sỏi. Phải nhổ bụi gai. Phải từ bỏ con người cũ. Con người của xác thịt. Con người của hời hợt nông cạn. Con người của dục vọng đam mê. Để sống theo Thần Khí. Phải gieo chính mình như Chúa Giê-su.

Đó là điều thánh Phao-lô mời gọi ta trong thư Cô-rin-tô. Ta cũng phải gieo chính mình. Phải trở thành hạt giống mục nát như Chúa. Phải từ bỏ con người cũ. Ta sẽ sống lại thành con người mới. Ta sẽ có mùa gặt mới: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”. Và thánh nhân giải nghĩa con người có sinh khí là con người của A-đam, con người theo xác thịt. Con người có thần khí là con người giống A-đam mới, là Chúa Ki-tô: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (năm chẵn).

Đây là một quá trình khó khăn. Phải mục nát đi. Phải từ bỏ chính mình. Vì thế phải quảng đại và kiên trì như lời Chúa giải thích: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Theo thánh Phao-lô từ bỏ và kiên trì đó là: “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (năm lẻ).

Mùa gieo hạt như thế sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời. Ta còn phải cầy bừa những con đường. Nhặt đá sỏi nông nổi hời hợt. Nhổ bụi gai đam mê xác thịt. Để hoàn toàn chết đi cho con người mới. Rồi mới có mùa gặt trong Chúa Ki-tô.

 

Suy Niệm 3: Dụ Ngôn Người Gieo Giống

Dụ ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người nghe, để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến niềm tin mà Ngài muốn trình bày.

Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.

Trước hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn. Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.

Hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Mảnh Ðất Tốt

Mỗi người đồ đệ cần phải cộng tác vào việc làm cho Nước Chúa được ngự đến, và trước hết là nơi chính bản thân mình. Chúa Giêsu giảng giải điều này cho các môn đệ qua dụ ngôn về người gieo giống được Giáo Hội nhắc lại trong ngày hôm nay.

Chúng ta có thể lưu ý đến một chút khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích về dụ ngôn. Khi kể về dụ ngôn Chúa Giêsu xem ra như nhấn mạnh tới sự hiệu nghiệm của hạt giống hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống chắc chắn thu được thành quả. Có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi trong bụi gai, nhưng có những hạt rơi trên đất tốt và trổ sinh hoa trái gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ thì xem ra như Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa sinh hoa trái tốt. Thật ra hai khía cạnh này không đối nghịch nhau mà ngược lại cả hai cùng được tổng hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chắc chắn được phát triển nhưng phần cộng tác của con người trong việc phát triển Nước Chúa cũng không thể nào bỏ qua được.

Chính hạt giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn, hạt giống Lời Chúa này tự nó có sức mạnh để trổ sinh hoa trái, nhưng khi được gieo vãi, được rao giảng cho mọi người thì liền gặp phải hoàn cảnh đối nghịch, gai góc, đá sỏi tùy thuộc vào thái độ chấp nhận cộng tác của người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở đây được hiểu là chính Thiên Chúa. Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không cho tất cả mọi người ơn cứu rỗi.

Thiên Chúa đã có sáng kiến ứng trước cho con người nhưng phần con người thì cũng cần cộng tác đáp lại. Hai yếu tố không thể bỏ qua được. Thiên Chúa không áp đặt nhưng kính trọng tự do của con người. Những trở ngại không cho hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái là thái độ hời hợt, xu thời, không kiên trì, lo lắng tích trữ giàu sang vật chất, say mê đi tìm thú vui.

Mỗi người chúng ta cần canh tân đời sống cộng tác với ơn Chúa ban, cố gắng sao để trở thành mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Lời Chúa. Một tâm hồn cao thượng, quảng đại và kiên trì giữa những gian nan thử thách của cuộc đời, đó là điều Thiên Chúa hằng mong ước gặp được nơi mọi người đồ đệ của Ngài, nơi mỗi người chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa,

Xin ban cho con được trở nên mảnh đất tốt hàng ngày đón nhận và suy niệm Lời Chúa cũng như sống thực hành những gì Chúa truyền dạy.

Lạy Chúa, xin hãy phán, này tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Sinh hoa kết quả nhờ kiên trì

“Người gieo giống ra đi gieo hạt giống của mình, trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cũng mọc lên làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe”

Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu njiệm Nước Thiên Chúa; còn đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu” (Lc. 8, 5-9)

Chức vụ Đức Kitô ở Galilê đến hồi kết thúc. Người muốn cho đông đảo dân chúng tụ họp chung quanh hiểu về mầu nhiệm nước trời bằng một dụ ngôn mang ý nghĩa vừa cụ thể vừa cao siêu. Dụ ngôn không có sức gắn liền với trí tuệ, tự nó không bao giờ minh hiển. Nó dự báo chân lý và phải nhờ đường lối của Thiên Chúa mới làm cho tâm hồn nắm bắt được chân lý và trở về với chân lý.

Pascal đã viết: trong tư tưởng của Chúa “Có đủ rõ ràng để soi cho những người được tuyển chọn, và khá tối tăm để giúp họ khiêm hạ. Có đủ tối tăm để làm kẻ thách thức mù quáng, và khá rõ ràng để kết án họ và làm cho họ không thể chối cãi”. Những dụ ngôn của Đức Giêsu chứa đựng vừa sáng vừa tối để họ không thể chiến thắng bằng sức riêng của mình, nhưng cũng để tôn trọng tự do của mỗi người. Đối với dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng hôm nay cũng thế.

Người gieo ra đi gieo giống, cũng gặp nhiều tai họa: có hạt rơi trên vệ đường bị người và vật dày đạp và sau cùng bị chim trời đến ăn. Có hạt chết khô đét trên đá vì thiếu ẩm ướt. Có hạt bị chết nghẹt trong bụi gai không vươn lên được. Sau cùng rơi vào đất tốt sinh hoa kết quả.

Ai có tai thì hãy nghe.

Sứ điệp Tin Mừng trải qua bao nhiêu thời gian đã bị rơi vào những con tim tin ma thờ quấy, hay nông nổi nhất thời hay ham mê danh lợi thú. Chỉ có những con tim chân thành, khiêm tốn, kiên trì, cao thượng mới sinh hoa kết quả cho những mùa gặt phong phú. Lòng yêu mến của họ sẽ giúp họ nắm giữ và thực hành được lời Chúa, dầu gặp những thất bại, thử thách, đau khổ, chống đối, bắt bớ và phải chết, họ vẫn an tâm vững chí kiên trì cho đến tận cùng. Ngày qua ngày, khiêm tốn họ sống thực hiện những điều đã khám phá do Thiên Chúa ban ơn, họ dần dần đi vào cuộc sống thân mật của Thiên Chúa.

GF

 

Suy Niệm 6: Mở rộng tâm hồn... như thửa đất tốt

Xem lại CN 15 TN A - và thứ Tư tuần 16 TN

Nói đến gieo giống, người ta nghĩ ngay đến ai là người gieo? Gieo gì? Và gieo vào đâu? Hạt giống mọc lên ra sao? Sinh hoa kết quả thế nào...?

Hôm nay Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người gieo giống và mặc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai hay vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.

Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa.

Những thứ đó là: lối sống sa đọa, nhu nhược, vô luân, không có tự trọng... tham nhũng, bóc lột, lừa gạt, dẫn đến tình trạng: “Ai làm sao, tôi làm vậy. Ai làm bậy, tôi cũng làm theo”, nên Lời Chúa không sinh ích cho người đón nhận.

Thực vậy, biết bao con người hôm nay cứ trố mắt và lao mình vào những con đường tội lỗi mà không hề có chút ưu tư. Họ sống như không có gì xảy ra vậy.

Nơi giới trẻ ngày nay, tình trạng thượng tôn tình dục, văn hóa đồi trụy đang là mốt rất “hót”, dẫu vẫn biết rằng văn hóa phẩm đồi trụy là nguyên nhân nguy hiểm, tác hại khôn lường đến đời sống đạo đức gia đình, xã hội và làm băng hoại Lương Tâm, dẫn đến tình trạng mù quáng và đi vào con đường chết!  Nhưng vì đồng tiền và bản năng “hạ đẳng” của con người, họ vẫn ngang nhiên cung cấp và thỏa sức sử dụng... như loài không có lương tri, không có linh hồn...!

Quả thật, những người đó, và đôi khi có cả chúng ta, là những người có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Lời Chúa đến với họ chẳng khác gì "đàn gảy tai trâu" hay như "nước đổ đầu vịt, lá khoai".

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa, và trung thành với giáo huấn của Chúa, ngõ hầu như hạt giống tốt gặp được thửa đất màu mỡ là tâm hồn ngay thẳng để trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con là thửa đất tốt để hạt giống của Lời Chúa luôn triển nở trong tâm hồn chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Lời Chúa là hạt giống

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lời Chúa như hạt giống, lòng người như thửa ruộng. Hãy cầy xới mảnh đất tâm hồn để hạt giống Lời Chúa phát triển và sinh ra những hoa trái thánh thiện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đang gieo hạt Lời Chúa vào lòng con. Con có nhiệm vụ vun xới cho Lời Chúa nảy mầm, bám rễ vào lòng con. Chúa tin tưởng con, trao phó cho nhiệm vụ vun trồng cây đức tin và hằng ngày đợi chờ con dâng về Chúa những hoa trái việc lành phúc đức.

Con quyết không để lòng mình như vệ đường chai cứng. Con sẽ nghe theo tiếng lương tâm, sống theo lẽ phải. Con sẽ học hỏi Lời Chúa và giáo lý để luyện lương tâm con ngay thẳng, để Lời Chúa nảy mầm nơi tâm hồn con.

Xin cho lòng con đừng trở nên sỏi đá. Có nhiều lúc con muốn thực thi Lời Chúa nhưng lại ngại khó. Xin cho con đừng bỏ cuộc khi Tin Mừng đòi con cố gắng.

Xin cho con biết khai quang tâm hồn con khỏi những bụi gai thói hư tật xấu vốn phát triển nhanh theo tính tự nhiên. Cả những công ăn việc làm, cả những giải trí vui chơi khi đã trở nên đam mê, cũng là bụi gai bóp nghẹt Lời Chúa nơi con. Xin cho lòng con biết hướng về Chúa và vươn tới những điều cao đẹp.

Xin cho con biết siêng năng lãnh nhận các bí tích, nhất là bí tích Giao Hòa và bí tích Thánh Thể, để tâm hồn con trở thành mảnh đất tốt thích hợp cho Lời Chúa trổ sinh hoa trái thánh thiện trong đời sống con. Amen.

Ghi nhớ: “Hạt rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

 

Suy Niệm 8: Để Lời Chúa sinh hoa kết quả

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Nhờ nghe Lời Chúa, dân thành Ninivê ăn năn trở lại và được cứu rỗi.

Nhờ nghe Lời Chúa, vua Đavít bắt đầu nhận thấy tội lỗi nặng nề của mình và ăn năn thống hối, trở thành một vị vua thánh thiện.

Nhờ nghe Lời Chúa, Augustinô bắt đầu xấu hổ về những tội mình đã phạm hồi còn trẻ, ăn năn hối cải, trở lại với Chúa, và trở thành một vị giám mục thông thái, thánh thiện.

Nhờ nghe Lời Chúa, Phanxicô Xaviê đã từ bỏ những đeo đuổi vinh sang trần tục, ra đi làm việc tông đồ để trở thành một trong những nhà truyền giáo danh tiếng nhất của Giáo hội.

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày giáo huấn nước Thiên Chúa qua dụ ngôn về người gieo giống và giải thích dụ ngôn đó. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn.

Khi trình bày dụ ngôn, Chúa nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống, dù có hạt rơi bên vệ đường, có hạt rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh hoa kết quả gấp trăm. Thiên Chúa là người gieo hạt giống đã làm tất cả để hạt Lời Ngài giảng dạy nảy sinh mầm.

Khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như muốn nhấn mạnh đến sự cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh hoa kết quả. Hạt giống Lời Chúa sinh hoa trái, nhưng còn phụ thuộc vào mảnh đất có được canh tác tốt. Mảnh đất phải được dọn cỏ, phải được nhặt những viên đá để hạt giống Chúa được tự do tăng trưởng, được sinh hoa kết trái mang lại lợi ích thiêng liêng cho cuộc sống.

Dẫu biết rằng tâm hồn mình còn nhiều sỏi đá, cỏ lùng, đừng thất vọng mà để hoang tàn, nhưng xin vẫn cứ chăm chỉ: Chăm chỉ nhặt sỏi, chăm chỉ nhổ cỏ, vun trồng chuẩn bị tốt cho mảnh đất của đời mình để sẵn sàng đón nhận hạt giống được gieo trong mùa màng hồng ân. Khi mùa gặt tới, mong rằng, mảnh đất đời tôi, đời bạn nuôi dưỡng giống, ít nhất cho những hạt sinh được ba mươi…

Ý lực sống

“Chúa đã viếng thăm ruộng đất và tưới dội: Ngài làm cho đất trở nên phong phú bội phần” (Tv 64,10).

 

Suy Niệm 9: Dụ ngôn người gieo giống

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Khi đi truyền giáo, Đức Giêsu đi rao giảng về Nước Thiên Chúa hay Nước trời. Đây là những ý tưởng quá trừu tượng mà thính giả phần lớn là dân quê, ít học, ngay các Tông đồ nòng cốt cũng ở trong tình trạng đó. Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống đi gieo lúa để nói về hạt giống Lời Chúa. Theo đó, Lời Chúa như hạt giống được gieo vào lòng mọi người, để có thể phát triển và sinh hoa kết quả tùy theo thái độ đón nhận của từng người: có người không chấp nhận, có người chấp nhận với thái độ ơ hờ lạnh nhạt, có người đón nhận với lòng thành để Lời Chúa có thể sinh hoa kết quả dồi dào gấp 30, 60 hay 100 lần.

Để dễ hiểu dụ ngôn này, chúng ta cần biết phương pháp gieo giống của người Do thái thời Đức Giêsu. Theo kỹ thuật canh tác thông thường, người nông dân cày xới đất trước, rồi mới gieo vãi hạt giống. Nhưng vào thời Đức Giêsu, người nông dân Palestina xem ra đảo ngược phương pháp canh tác ấy khi họ gieo vãi rồi mới cày xới. Với kỹ thuật canh tác này dĩ nhiên người nông dân xem ra không nhọc công nhưng lại phí phạm rất nhiều hạt giống. Vì vậy, người nông dân không tính toán, không loại trừ. Cả mảnh đất màu mỡ lẫn mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người đi gieo không bỏ rơi mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Ông luôn muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp mọi nơi.

Hôm nay Đức Giêsu kể dụ ngôn người gieo giống và mạc khải cho biết: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì khác nhau, vì thế, có hạt bị quên lãng, bỏ ngoài tai và vô tâm, chỉ 1/4 là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều, là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ 1/4 số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái. Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời Chúa (Ngọc Biển).

Tâm hồn mỗi người là một thửa ruộng, và không có thửa ruộng nào vô ích. Thiên Chúa sẽ gieo hạt giống Lời Chúa vào mỗi tâm hồn không loại trừ. Việc gieo Lời Chúa lúc nào cũng dồi dào phong phú, còn phía chúng ta, chúng ta sẽ đón nhận Lời Chúa với thái độ nào? Theo bài Tin mừng, Đức Giêsu đã phân chia thành 4 loại đất mà người nông phu gieo hạt giống. Bốn loại đất ấy tiêu biểu cho 4 thái độ của con người trước Lời Thiên Chúa:

* Đất vệ đường: những kẻ chẳng tha thiết gì đến Lời Chúa. Lời gieo xuống đó chẳng bao lâu thì bị quỷ dữ cướp đi.

* Đất lẫn sỏi đá: những người mau mắn đón nhận Lời Chúa nhưng không quý chuộng bao nhiêu. Khi gặp chút gian khó là bỏ cuộc.

* Đất có nhiều gai: những người cũng đón nhận Lời Chúa, nhưng điều họ quan tâm hơn là những đam mê, vui thú, của cải... Các thứ sau này như gai góc um tùm dần dần làm cho Lời Chúa bị chết nghẹt.

* Đất tốt: những người sốt sắng đón nghe Lời Chúa, ghi sâu vào trong tâm hồn và quảng đại đem ra thi hành trong cuộc sống.

Hạt giống nào cũng ẩn chứa những hy vọng; bông hoa nào cũng mang đến những niềm vui. Dẫu biết rằng có những hạt giống bị hư hao do các loại tâm hồn vệ đường, đá sỏi, bụi gai, nhưng người gieo giống – hình tượng của Thiên Chúa – vẫn lạc quan, vì hy vọng sẽ có những hạt rơi vào tâm hồn đất tốt, để rồi sinh hoa kết hạt bội thu. Có vẻ như thất bại của các hạt giống càng lúc càng gia tăng: hạt giống chưa kịp nảy mầm bị chim trời ăn mất, hạt giống đã nảy mầm nhưng bị chết héo, hạt giống đã thành cây con nhưng bị chết ngạt. Thế nhưng, chỉ cần vài hạt giống rơi vào đất tốt, hạt gấp trăm, chẳng những bù đắp những hư hao, và còn dư dật phong phú. Dụ ngôn cho ta cái nhìn lạc quan về Nước trời, về việc nên thánh của người con cái Chúa (5 phút Lời Chúa).

Truyện: Hạt giống bông lau

Trong số những vị anh hùng xây dựng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, phải kể đến Benjamin Franklin, tạ thế năm 1790. Ông là một văn sĩ, nhà ấn loát và xuất bản; lại còn là một nhà phát minh, một khoa học gia, thương gia và nhà ngoại giao. Một hôm, ông nhận được món quà từ Ấn độ. Đó là một cây chổi bông lau. Nhìn cây chổi, ông thấy có vài hạt còn dính lại ở đó, ông đã nhặt ra và lấy đem gieo, thế là hạt giống nảy mầm, sinh hoa kết hạt. Tới mùa gặt, ông lại lấy những hạt giống đó đem phân phát cho các bạn bè xóm ngõ. Tất cả đều đem gieo, và chẳng bao lâu, Hoa Kỳ đã có một kỹ nghệ làm chổi bông lau phát đạt rải rác khắp nơi trong quốc gia. Đó cũng là nhờ Benjamin đã có sáng kiến, biết lợi dụng vài hạt giống nhỏ mọn.

Chúng ta có thể rút ra được bài học qua kinh nghiệm này: sau khi đã tìm hiểu Lời Chúa, chúng ta phải quyết tâm lắng nghe, thực hành và phổ biến Lời Chúa cho người khác. Muốn cho cuộc đời chúng ta sinh hoa kết quả, muốn cho bản thân thành đạt trên đường đời, hãy kiểm tra ruộng lúa tâm hồn thường xuyên và kỹ lưỡng như người nông phu luôn biết săn sóc ruộng sạ của mình. Càng vất vả cày bừa, diệt cỏ, càng can đảm diệt tính hư nết xấu, Lời Chúa gieo xuống, càng đem lợi ích cho cuộc đời chúng ta.

 

Suy Niệm 10: Dụ ngôn người gieo giống

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Dụ ngôn người gieo giống:

- Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí của người gieo giống: gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng nẩy mầm rất ít.

- Cũng hãy để ý đến những loại đất xấu: a/ Đất vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay; b/ Đất sỏi đá là người không kiên trì trong gian nan thử thách; c/ đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

- Đất tốt là “những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”

B.... nẩy mầm.

1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của người gieo giống trong dụ ngôn này: không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng không nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô: “Tôi trồng, Apollo tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.

2. Hãy suy gẫm kỹ những điều kiện làm cho hạt giống nẩy mầm:

- “Nghe Lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo”: lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.

- “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn”: không bỏ cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách; không để mình bị phân tâm vì những lo toan và đam mê việc đời.

3. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc: bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải chỉ trong Thánh lễ, mà còn lúc nguyện gẫm, lúc đọc Thánh Kinh…

4. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu hỏi ”Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không?”. Nhưng lần nào nhà vua cũng chỉ trả lời ”Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”...

Ngày nọ, giữa lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền. Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người hành khất.

Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua ”Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ thần đã hiểu được”...

Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi chân lý”. (Góp nhặt)

 

Suy Niệm 11: Hạt giống Lời Chúa và mảnh đất cuộc sống tôi

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Một lần nữa chúng ta đọc dụ ngôn người gieo giống:

Người gieo giống trong dụ ngôn hôm nay là một người hết sức hào phóng, hào phóng đến mức độ có thể coi là hoang phí. Ông gieo hạt giống cả trên những vệ đường, vào những nơi mà hy vọng nảy mầm rất ít.

Và chúng ta cũng hãy để ý đến những loại đất người gieo giống gieo vãi hạt giống trên đó. Rõ ràng là có cả đất xấu lẫn đất tốt.

a/ Đất vệ đường ám chỉ loại người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay;

b/ Đất đá sỏi là người không kiên trì trong gian nan thử thách;

c/ Đất đầy gai là người chất chứa trong lòng nhiều lo toan việc đời.

d/ Đất tốt là “những người nghe với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”.

Mỗi lần đọc lại dụ ngôn người gieo giống và suy gẫm, lòng tôi cảm thấy không yên. Khi nghe Chúa Giêsu cắt nghĩa dụ ngôn đó, tôi lại càng có cảm tưởng như một lời trách móc.

Lời Chúa là hạt giống và cuộc sống của tôi là mảnh đất.

Cho đến hôm nay, Chúa đã gieo vào tai tôi, lòng tôi bao nhiêu hạt giống: hãy tha thứ, hãy sống khoan dung, hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, đừng lên án, hãy sống quảng đại... Nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu hạt giống mọc lên trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của tôi? Khi đối chiếu cuộc sống của mình với Lời Chúa, tự nhiên tôi cảm thấy sợ. Mảnh đất của đời tôi, đứng xa mà nhìn thấy xanh tươi, nhưng lại gần, nhìn kỹ thì thấy màu xanh đó là màu xanh của cỏ dại. Thế mà tôi cứ sống an tâm với thửa đất đầy cỏ dại đó, đầy thói hư nết xấu đó, một thửa đất được ngụy trang bằng một màu xanh đạo đức bề ngoài.

Chúng ta hãy xin Chúa điều chỉnh lại cuộc sống của mỗi người chúng ta, để chúng ta biết luôn sống thế nào cho đẹp lòng Chúa.

2. Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Trong lời nhắn nhủ, rõ ràng Chúa đã muốn nói đến hai yếu tố quan trọng để trở thành mảnh đất tốt: nghe Lời Chúa với lòng quảng đại và quyết tâm nắm giữ với sự kiên trì.

Thường thì phần đông chúng ta nghe Lời Chúa một cách thờ ơ, ra khỏi nhà thờ là quên rồi!

Một số ít sẵn sàng chú ý nghe Lời Chúa, nhưng thiếu quyết tâm nắm giữ và thiếu kiên trì, nên cũng không đưa đến hoa trái nào cả.

Có những hạt rơi vào chỗ đất tốt, nảy mầm, mọc lên, sinh hoa kết quả: hạt được 30, hạt được 60, hạt được 100…..

Bà Scaggs, một giáo sĩ thuộc một giáo phái Tin lành ở Nigeria, châu Phi, đã kể lại một câu chuyện thật cảm động sau đây:

“Một ngày kia tôi được mời đến dự lễ Giáng Sinh tại Grace Camp, một trung tâm điều trị bệnh cùi. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến một số người cùi đông như vậy dâng lễ. Buổi lễ được tổ chức ngoài trời. Nhìn chỗ nào tôi cũng thấy người ngồi dự lễ. Gốc cây, ụ đất, bãi cỏ... chỗ nào cũng đông nghẹt người. Tôi thấy họ thật đáng thương, Mặc dù bị bệnh tật gậm nhấm và thân thể họ bị hủy hoại dần dần, nhưng khuôn mặt người nào người nấy lúc nào cũng biểu lộ niềm vui khó tả. Mắt họ sáng ngời khi hát lên những bài thánh ca Giáng Sinh.

Đến phần công bố Lời Chúa, mục sư mời một người bị bệnh cùi ăn mất hết mấy ngón tay lên đọc Sách Thánh. Ông ta phải lật các trang sách bằng một cái que buộc vào cổ tay. Sau bài giảng, mục sư mời mọi người đó chia sẻ về những ân phúc Chúa đã ban cho mình, người bệnh cùi vừa đọc sách thánh giơ bàn tay không còn ngón và đứng lên nhỏ nhẹ nói:

- Tôi muốn cảm ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cho tôi bị cùi.

Tôi - bà Scaggs - lấy làm lạ, nói với người thông dịch cho tôi rằng, anh ta đã dịch sai. Không ai lại có thể cám ơn Chúa vì “được cùi” bao giờ. Người thông dịch như không để ý đến những gì tôi vừa nói. Anh tiếp tục dịch lại lời người bệnh đang giải thích. Người đó nói đến nguyên do khiến anh ta nói như thế:

- Nếu tôi không bị cùi, có thể tôi đã không bao giờ được biết Chúa Giêsu, không bao giờ cảm nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho tôi sâu xa đến thế. Còn thực tế là bây giờ tôi đang bị bệnh cùi, có thể tôi sẽ không bao giờ được chữa lành, nhưng tôi lại cảm nghiệm được tình yêu của Chúa luôn đổ tràn trên tôi, qua biết bao người đang săn sóc trợ giúp tôi!

Lạy Cha là người chủ ruộng tốt lành,

Xin Cha gieo vào lòng các bạn trẻ hôm nay

những ước mơ lớn lao, những lý tưởng cao cả.

Xin cho họ biết quên hạnh phúc và tương lai của mình

để yêu tha nhân bằng trái tim rộng mở. Amen.
 

SUY NIỆM

1. “Người dùng dụ ngôn mà nói”

Trước khi lắng nghe dụ ngôn Người Gieo Giống của Đức Giê-su, chúng ta nên hình dung ra cung cách giảng dạy rất gần gũi của Ngài. Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa và Ngài đến để nói Lời Thiên Chúa cho chúng ta, nhưng, như bài Tin Mừng thuật lại hôm qua thuật lại: “Ngài rảo qua các thành phố làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Như thế, Ngài đã thực hiện trước điều Ngài giảng dạy: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình”.

Chúng ta hay nghĩ Đức Giê-su ngự trên ngai hay trên tòa; nhưng ở đây, Ngài hiện diện thật là bình dị và thật là gần gũi giữa chúng ta. Và Đức Giê-su thích hiện diện ở giữa chúng ta như thế đó: ngay trong môi trường sống của chúng ta, ngay trong cuộc sống bình thường của chúng ta, ngay trong cộng đoàn, trong Giáo Xứ, trong gia đình của chúng ta, ngay ở giữa những vấn đề cuộc sống của chúng ta, và thậm chí, ngay trong lòng của chúng ta, qua Lời của Ngài và bí tích Thánh Thể, được ban cho chúng ta hằng ngày.

Ngoài ra, Đức Giê-su còn trở nên gần gũi với chúng ta trong lời giảng dạy nữa, bởi vì Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; và chúng ta nên biết rằng, kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34; Mc 4, 34). Và như chúng ta đều đã biết, những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men, dụ ngôn hạt cải, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống. Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Hơn nữa, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe, như chính Đức Giê-su hay kết thúc dụ ngôn bằng câu nói: “Ai có tai thì nghe”, như trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay (c. 8). Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Và đó chính là trường hợp dụ ngôn Người Gieo Giống mà chúng ta vừa nghe.

2. Dụ ngôn “Người Gieo Giống”

Có lẽ đa số chúng ta đều xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, nghĩa là làm vườn hay làm ruộng; hoặc chúng ta có kinh nghiệm ít nhiều về nghề này; nếu không, chúng ta cũng biết được những hoạt động này qua chương trình học phổ thông hay các phương tiện truyền thông. Đối với chúng ta, “người gieo giống ra đi gieo giống” là sự kiện quá đỗi bình thường và lập đi lập lại. Nhưng lời này, vì xuất phát từ miệng Đức Giêsu, nên diễn tả một biến cố thật lớn lao: Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Thiên Chúa, đi gieo Lời của mình (trong sáng tạo, trong lịch sử loài người và lịch sử cứu độ. và nhất là nơi Đức Giêsu-Kitô); và Ngài không chỉ gieo Lời của mình, mà còn gieo chính mình, gieo sự sống của mình, vì lời nói của Ngài và ngôi vị của Ngài là một. Như chính Đức Giêsu nói về cuộc Thương Khó của Ngài: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Trong dụ ngôn, có ba trường hợp đầu tiên, hạt giống được gieo, nhưng không sinh hoa kết quả:

  • trường hợp đầu là mất trắng, vì hạt giống rơi giống vệ đường, bị người ta giẫm lên và bị chim trời ăn mất;
  • trường hợp sau, hạt giống có mọc lên, nhưng lại bị héo đi, vì rơi trên đá, thiếu đất và thiếu ẩm ướt;
  • trường hợp thứ ba khá hơn nữa: hạt giống nẩy mầm, mọc thành cây, nhưng vì sống ở giữa bụi gai, gai cũng lớn lên và mạnh hơn nên làm cây chết ghẹt.

Chúng ta hãy hãy nhìn vào bản thân mình, vào cuộc đời mình, và tự hỏi: Đâu là số phận của hạt giống Lời Chúa? Và tuy hạt giống Lời Chúa vẫn chưa sinh hoa kết quả dồi dào, những chắc chắn, cũng có những tiến bộ nào đó. Và chúng ta cũng tự hỏi: Đâu là “những chim chóc, nắng gắt, vấn đề thiếu gốc rễ và gai góc” ở nơi bản thân chúng ta, đã làm cho hạt giống không sinh hoa kết quả? Đâu là những khuynh hướng xấu, đến từ mà quỉ, đã đến “cất Lời ra khỏi” lòng chúng ta (c. 12)? Tại sao Lời Chúa được gieo trong lòng chúng ta, đã mọc lên, nhưng lại thiếu gốc rễ, và bị mai một khi gặp thử thách khó khăn (c. 13)? Đâu là những lo lắng, nhưng ham muốn của cải vật chất, ham muốn vinh hoa phú quí, ham muốn khoái lạc làm cho hạt giống Lời Chúa chết ngộp, không đạt tới mức trưởng thành để sinh hoa kết quả (c. 14)?

3. Hạt giống rơi nhằm đất tốt

Dụ ngôn Người Gieo Giống chất vấn chúng ta, nhưng cũng mang lại cho chúng ta bình an và hi vọng. Bởi vì, trái với kinh nghiệm sống, Người Gieo Giống trong dụ ngôn của Đức Giê-su, có thể nói, gieo hạt giống quí báu của mình “tùm lum”, gieo đại trà, gieo quảng đại, gieo không phân biệt, không xét đoán. Và Lời Chúa vẫn được gieo quảng đại vào lòng chúng ta như thế hàng ngày trong Thánh Lễ.

Lời Chúa được gieo cách quảng đại vào lòng chúng ta, bởi vì Chúa tin rằng, dù sao đi chăng nữa, trong lòng chúng ta chắc chắn có phần đất tốt; và Chúa hi vọng rằng, có một ngày đẹp trời nào đó, Lời của Ngài sẽ rơi vào phần đất tốt này, rồi mọc lên và lớn mạnh, và sinh hoa kết quả gấp trăm, gấp sáu mưới, gấp ba mươi, nghĩa là bội thu và nhiều đến độ có thể bù lại tất cả những hạt đã mất, xét cho cùng không đáng bao nhiêu! Và đó là điểm tới tất yếu của Nước Trời. Bởi vì chúng ta được dựng lên bởi Lời Chúa, và theo hình ảnh của Thiên Chúa, nên Lời Chúa tất yếu đụng chạm và thu hút chúng ta từ trong sâu thẳm của tâm hồn của chúng ta.

Và “Lời Chúa” vẫn được gieo vào lòng chúng ta cách quảng đại, không chỉ Lời, nhưng cả Ngôi Lời nữa, mỗi ngày trong Thánh Lễ. Xin Lời Chúa khơi dậy nơi chúng ta lòng cao thượng và quảng đại khi lắng nghe Lời Chúa và đón nhận chính sự sống của Chúa, và làm lộ ra phần đất tốt vốn có ở nơi lòng chúng ta, vun xới phần đất tốt này và mở rộng nó ra.

4. Lời Chúa là Sự Sống

Lời Chúa được ví như hạt giống trong Tin Mừng. Ở đây, trong Is 55, Lời Chúa được ví như mưa, như tuyết vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên:

Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.

(Is 55, 10-11)

Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa. Và Lời Chúa cũng là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa hạt, vừa điều kiện thiết yếu làm cho hạt nầy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống.

Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện là gì? Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Quá đẹp! Những hình ảnh thật sống động và rất gần gũi này diễn tả cho chúng ta Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào; bởi vì Lời Chúa là Sự Sống, hôm nay và mãi muôn đời.

Lời của ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống: hoa trái, và hoa trái bội thu tất yếu của Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thập chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Thay vì chỉ hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí.

Dụ ngôn cũng loan báo Mầu Nhiệm Thập Giá. Nơi Thập Giá, trở ngại lớn nhất là sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng: hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Nhưng điều kì diệu đã xẩy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi.

Đó chính là công trình của Thiên Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta.

(Tv 118; x. Mt 21, 42)

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Ai có tai để nghe thì hãy lắng nghe – SN song ngữ ngày 18.9.2021

 

 

Saturday (September 18):  

He who has ears to hear, let him hear

Scripture:  Luke 8:4-15

4 And when a great crowd came together and people from town after town came to him, he said in a parable: 5 “A sower went out to sow his seed; and as he sowed, some fell along the path, and was trodden under foot, and the birds of the air devoured it. 6 And some fell on the rock; and as it grew up, it withered away, because it had no moisture. 7 And some fell among thorns; and the thorns grew with it and choked it. 8 And some fell into good soil and grew, and yielded a hundredfold.” As he said this, he called out, “He who has ears to hear, let him hear.” 9 And when his disciples asked him what this parable meant, 10 he said, “To you it has been given to know the secrets of the kingdom of God; but for others they are in parables, so that seeing they may not see, and hearing they may not understand. 11 Now the parable is this: The seed is the word of God. 12 The ones along the path are those who have heard; then the devil comes and takes away the word from their hearts, that they may not believe and be saved. 13 And the ones on the rock are those who, when they hear the word, receive it with joy; but these have no root, they believe for a while and in time of temptation fall away. 14 And as for what fell among the thorns, they are those who hear, but as they go on their way they are choked by the cares and riches and pleasures of life, and their fruit does not mature.

Thứ Bảy     18-9            

 

Ai có tai để nghe thì hãy lắng nghe

Lc 8,4-15

4 Người ta tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng:5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất.6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt.7 Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt.8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng: “Ai có tai nghe thì nghe.”9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì.10 Người đáp: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn: Hạt giống là lời Thiên Chúa.12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ.13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc.14 Hạt rơi vào bụi gai: đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành.15 Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.

Meditation: How good are you at listening, especially for the word of God? God is always ready to speak to each of us and to give us understanding of his word. Jesus’ parable of the sower is aimed at the hearers of his word. There are different ways of accepting God’s word and they produce different kinds of fruit accordingly. There is the prejudiced hearer who has a shut mind. Such a person is unteachable and blind to the things of God. Then there is the shallow hearer who fails to think things out or think them through; such a person lacks spiritual depth. They may initially respond with an emotional fervor; but when it wears off their mind wanders to something else.

 

Does God’s word for you go in one ear and out the other?

Another type of hearer is the person who has many interests and cares, but who lacks the ability to hear and understand what is truly important. Such a person is for ever too busy to pray and to listen and reflect on God’s word because he or she allows other things to occupy their mind and heart. Whose voice or message gets the most attention from you – the voice of the world with its many distractions or the voice of God who wishes to speak his word of love and truth with you each and every day?

A receptive heart and mind that listens attentively

Jesus compares the third type of hearer with the good soil that is ready to receive the seed of his word so it can take root and grow, and produce good fruit. A receptive heart and open mind are always ready to hear what God wants to teach us through his word. The “ears of their heart” and the “eyes of their mind” search out the meaning of God’s word for them so that it may grow and produce good fruit in their lives. They hear with a listening ear and teachable spirit (Isaiah 50:4-5) that wants to learn and understand the intention of God’s word for them. They strive to tune out the noise and distractions of the world around them so they can give their attention to God’s word and find nourishment in it. They listen in order to understand.

God’s word has power to change and transform each one of us if we receive it with trust (a believing heart) and allow it to take root in our inner being (the depths of our heart, mind, and soul). God’s word is our daily food to nourish and strengthen us on our journey of faith to his everlasting kingdom. Do you hunger for God’s word?

“Lord Jesus, faith in your word is the way to wisdom, and to ponder your divine plan is to grow in the truth. Open my eyes to your deeds, and my ears to the sound of your call, that I may understand your will for my life and live according to it.”

Suy niệm: Bạn lắng nghe, đặc biệt đối với lời Chúa như thế nào? Thiên Chúa luôn luôn sẵn sàng nói với mỗi người chúng ta và cho chúng ta được hiểu lời Người. Dụ ngôn của Đức Giêsu về người gieo giống nhắm đến những người nghe lời Chúa. Có những cách thức đón nhận lời Chúa khác nhau và vì thế chúng cũng sản sinh ra những loại hoa trái khác nhau. Có loại người nghe với bộ óc thành kiến, không mở lòng trí ra. Một người như vậy thì không thể giáo huấn và mù quáng với những việc của Chúa. Có người nghe với bộ óc rỗng tuếch, không chịu suy gẫm cho thấu đáo. Một người như vậy thiếu chiều sâu nội tâm. Họ có thể bắt đầu với sự đáp trả nhiệt thành, nhưng khi sự nhiệt thành giảm sút, thì họ lại nghĩ đến chuyện khác.

 

 

Lời Chúa dành cho bạn có đi vào tai này rồi ra tai kia không?

Có loại người nghe khác là người rất quan tâm, nhưng lại thiếu khả năng để nghe và hiểu những gì quan trọng thật sự. Một người như vậy thông thường lúc nào cũng quá bận rộn trong việc cầu nguyện hay quá lo lắng học hỏi và suy gẫm lời Chúa bởi vì họ để cho những thứ khác chiếm hữu tâm trí của mình. Tiếng nói hay sứ điệp của ai gây cho bạn sự chú ý nhất – tiếng nói của thế gian với nhiều tiêu khiển hay tiếng nói của Thiên Chúa, Đấng muốn nói lời tình yêu và chân lý của Người với bạn mỗi ngày và mọi ngày?

 

 

 

Tâm hồn và trí óc dễ lĩnh hội lắng nghe một cách chăm chú

Đức Giêsu so sánh loại người nghe thứ ba với đất tốt sẵn sàng tiếp nhận hạt giống lời Người để nó có thể bén rễ và lớn lên và sản sinh hoa trái tốt. Một tâm hồn dễ lĩnh hội và trí óc cởi mở luôn luôn sẵn sàng lắng nghe những gì Thiên Chúa muốn dạy chúng ta qua lời Người. Tai của lòng họ và mắt của trí họ tìm hiểu ý nghĩa của lời Chúa dành cho họ để nó có thể lớn lên và sinh trái tốt trong cuộc đời mình. Họ lắng tai nghe với tinh thần học hỏi (Is 50,4-5) vì muốn học hiểu ý định của lời Chúa dành cho họ. Họ cố gắng tắt đi tiếng ồn ào và những điều hấp dẫn của thế gian quanh họ để họ có thể chăm chú với lời Chúa và tìm kiếm sự dinh dưỡng trong đó. Họ lắng nghe để hiểu. 

 

 

 

 

 

 

Lời Chúa có sức mạnh thay đổi và biến đổi mỗi một người chúng ta nếu chúng ta tiếp nhận nó với sự tin tưởng (lòng tin) và để nó bén rễ trong thâm tâm chúng ta (chỗ sâu thẳm của tâm hồn, trí óc, và linh hồn). Lời Chúa là lương thực hằng ngày để nuôi dưỡng và củng cố chúng ta trên cuộc hành trình đức tin tới vương quốc vĩnh cửu của Người. Bạn có đói khát lời Chúa không?

 

Lạy Chúa Giêsu, tin tưởng vào lời Chúa là con đường dẫn tới sự khôn ngoan, và suy gẫm chương trình cứu độ của Chúa là lớn lên trong sự thật. Xin Chúa mở mắt con để thấy những công việc của Chúa, xin mở tai con để nghe tiếng gọi của Chúa, để con có thể hiểu được ý định của Chúa cho đời con và sống theo thánh ý Chúa.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây