Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

Thứ ba - 26/04/2022 08:33

 Thứ Tư tuần 2 Phục Sinh.

"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".

 

Lời Chúa: Ga 3, 16-21

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa và đây là án luận phạt: là sự sáng đã đến thế gian và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách, nhưng ai hành động trong sự thật, thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ, là họ đã hành động trong Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 1: Thiên Chúa yêu thế gian

(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)

Khi nghĩ về Thiên Chúa, người ta hình dung ra Ngài với nhiều khuôn mặt.

Có khi Thiên Chúa giống một ông cảnh sát, luôn để ý theo dõi để trừng phạt,

hay như một quan tòa cứ theo pháp luật mà kết án nghiêm minh.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà buôn, tính toán sòng phẳng,

chỉ ban ơn khi nhận được một lợi lộc nào đó, có qua có lại.

Có khi Thiên Chúa giống một nhà độc tài, áp đặt quyền lực trên con người,

không cho con người được tự do, bắt con người phải theo một định mệnh có sẵn.

Có khi Thiên Chúa như một thứ ô dù để người ấu trĩ dựa dẫm trong lúc khó khăn,

hay như một sản phẩm của người bị áp bức tự ru ngủ mình.

Có bao nhiêu hình ảnh méo mó về Thiên Chúa như vậy.

May mắn đó không phải là khuôn mặt Thiên Chúa của các Kitô hữu.

Ngài chẳng phải là cảnh sát hay quan tòa, là nhà buôn hay nhà độc tài.

Ngài cũng chẳng phải là người cha độc đoán không muốn cho con mình khôn lớn.

Đơn giản Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4, 8).

Và Tình Yêu vô lượng ấy được thể hiện bằng hành động:

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (c. 16).

Tình yêu của Thiên Chúa Cha ôm lấy thế gian, dù nó nghiêng chiều về sự dữ.

Như Abraham yêu quý đứa con một là Isaac, và đã chịu sát tế con cho Chúa,

Thiên Chúa Cha cũng yêu quý người Con Một của Ngài là Đức Giêsu,

và đã trao ban người Con ấy cho thế gian.

Cha trao ban Con khi sai Con vào đời mang thân phận xác phàm (Ga 1, 14).

Cha còn trao ban Con cho thế gian qua cái chết của Con trên thập giá.

Nơi máng cỏ Bêlem hay nơi đồi Sọ,

ta thấy Cha đưa hai tay ra để trao món quà tình yêu quý giá nhất cho loài người.

Và Cha chờ con người đáp lại bằng cách đưa hai tay đón nhận.

Con người vẫn có tự do để đón nhận hay từ chối món quà ấy

qua việc tin hay không tin Đức Giêsu.

Đứng trước Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa,

là đứng trước một chọn lựa nghiêm chỉnh có liên quan đến vận mệnh con người.

Ai tin vào Ngài thì có ánh sáng, ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu (cc. 16.17.19).

Tiếc thay có kẻ ghét ánh sáng và thích bóng tối hơn ánh sáng.

Hãy từ bỏ những việc làm tối tăm, dối trá, xấu xa,

bạn sẽ dễ dàng đến cùng ánh sáng Giêsu.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

ánh sáng và bóng tối thì dễ phân biệt,

còn bóng mờ thì khó nhận ra hơn.

Con đã mạnh dạn khước từ bóng tối

nhưng khi nhìn thật sâu vào lòng mình,

con vẫn thấy có nhiều bóng mờ tác động.

Con an tâm ở lại trong bóng mờ,

vì thấy đó chưa phải là một tội.

Nhưng con cũng áy náy

vì biết rằng bóng mờ là nơi

ánh sáng Chúa chưa thấm nhập trọn vẹn.

Con không muốn bóng mờ thành ánh sáng,

vì con vẫn muốn giữ lại

một điều gì đó rất quý đối với con.

Xin giải phóng con khỏi những tình cảm lệch lạc

để con được tự do yêu mến và phụng sự Chúa hơn.

Xin chinh phục những bóng mờ trong lòng con

để con được thuộc trọn về Chúa.

Xin kéo con ra khỏi thái độ lấp lửng, nước đôi,

để dứt khoát đặt Chúa trên mọi sự.

Ước gì con có đủ can đảm để dám nhìn thẳng

vào những bóng mờ trong đời con.

Và ước gì con được trở nên trong suốt

nhờ để ánh sáng Chúa

tràn ngập mọi vùng mờ tối nơi con. Amen.

 

Suy Niệm 2: Ánh sáng sự sông

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Sự sống là quí nhất. Có sự sống là có tất cả. Không có sự sống thì không có gì hết. Không có linh hồn. Không có thiên đàng, hay nói đúng hơn ta chẳng thể hưởng hạnh phúc thiên đàng vì ta không có mặt ở đời.

Thiên Chúa yêu thương ta biết bao khi ban cho ta được hiện hữu ở đời này. Yêu thương hơn nữa khi ban cho ta chính Con Một yêu dấu để chuộc lại sự sống đã mất. Vì sự sống của ta nên Con Chúa phải chịu chết. Tình yêu của Thiên Chúa thật khôn lường. Sự sống của ta quả thật quí giá.

Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Ánh sáng sự sống cho ta được thấy cõi đời. Ánh sáng hi vọng cho ta được thấy định mệnh cao quí. Ánh sáng hạnh phúc được làm con Chúa.

Ta thường sai lầm khi không biết quí trọng những gì là chính yếu trong đời sống. Bị mê hoặc bởi những gì phụ thuộc, chóng qua. Đó là những giá trị lừa đảo dẫn đến sự chết. Sự sống là quí nhất. Nhưng ta đi tìm những gì phụ thuộc là tiền bạc, danh vọng, chức quyền. Sự sống lại là quí hơn. Nhưng ta lại bám víu vào sự chết đời này.

Chối từ ánh sáng là tự lên án mình. Từ chối sự sống thật ta chìm vào bóng tối chết chóc. Từ chối hi vọng thật, ta lâm vào bóng tối tuyệt vọng. Từ chối hạnh phúc thật, ta rơi vào bóng tối bất hạnh. Tự lên án mình khi ta từ chối vĩnh cửu để gắn bó với phù vân. Khi ta không nhìn lên Nước Trời mà chỉ gắn bó với mặt đất.

Những người phái Xa-đốc không tin có sự sống lại. Vì thế họ tìm ngăn cản sự sống và bịt miệng những người rao giảng sự sống. Nhưng họ luống công vô ích. Cửa sắt kiên cố không giam giữ được sự sống. Lính canh thường trực không cản được đường đi của sự sống. Sự chết không làm cho người rao giảng Lời Ban Sự Sống sợ hãi.

Vì các tông đồ đã được gặp Chúa Ki-tô Phục Sinh, là Sự Sống Lại và là Sự Sống. Nên chẳng còn sợ chết. Đã cảm nhận được sự ngọt ngào của tình yêu Thiên Chúa. Nên vượt qua hận thù ghen ghét. Đã nhìn thấy ánh sáng nên tránh xa bóng tối. Đã nếm cảm hạnh phúc nên chẳng còn bị những ảo ảnh hão huyền mê hoặc.

 

Suy Niệm 3: Đi rao giảng Tin Mừng

Câu đầu tiên của đoạn Phúc Âm hôm nay nhắc cho chúng ta nhớ lại tình trạng tinh thần của các tông đồ lúc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện đến và trao cho họ sứ mạng làm chứng cho Chúa. Tình trạng đó là tinh thần của nhóm mười một trước và liền sau biến cố Vượt Qua. Các ông chậm hiểu hay chưa hiểu gì về mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm chết và sống lại của Chúa Giêsu.

Hơn nữa, sau khi Chúa đã sống lại và đã hiện ra cho một số đồ đệ để những người này loan báo tin vui Chúa sống lại cho các ông, thì các ông còn cứng lòng không tin, đến độ bị Chúa khiển trách. Phúc Âm ghi lại cho chúng ta như sau: "Sau cùng, Chúa Giêsu Phục Sinh tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng. Bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người phục sinh". Các tông đồ còn có thái độ tiêu cực như vậy. Mặc dù đã theo Chúa ngay từ đầu và đã được Chúa huấn luyện đặc biệt hơn dân chúng trong suốt thời gian sống bên cạnh Chúa.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không thất vọng, không bỏ đi chương trình cứu rỗi nhân loại, không rút lại những gì Chúa muốn các ngài thực hiện, vì thế, Chúa ra lệnh cho các tông đồ và cho những ai tiếp tục sứ mạng của Ngài trong dòng thời gian:

"Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Hãy làm chứng cho Chúa khắp nơi", đây là sứ mạng quan trọng nhất liên quan đến tương lai của Giáo Hội Chúa trong lịch sử nhân loại. Sứ mạng được cô đọng lời Chúa Giêsu cho các tông đồ như sau: "Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin thì sẽ bị kết án". Chúa Giêsu Phục Sinh đã không ngần ngại trao phó cho những con người bất toàn một sứ mạng rất cao cả. Chúa tỏ cho thấy Người cần đến sự cộng tác của con người phàm trần, có và còn rất nhiều khuyết điểm để thực hiện sứ mạng cứu rỗi. Những khuyết điểm của những con người đã được tuyển chọn, không thể làm hư chương trình của Người.

Nơi các Phúc Âm khác, chúng ta biết thêm là Chúa ban Thánh Thần xuống trên các tông đồ để biến đổi các ông thành những con người mới, xứng đáng hơn với sứ mạng. "Các con sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần và sẽ làm chứng cho Thầy". Phần thánh sử Marcô, thì ngài tóm gọn thái độ đáp trả của các tông đồ nơi câu cuối cùng của sách Phúc Âm của ngài như sau: "Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng".

Hiện tại và tương lai của Giáo Hội Chúa được xây dựng trên kinh nghiệm sống căn bản trên. Chúa luôn hoạt động với các ông, với những ai Người đã chọn và trao cho sứ mạng. Chúng ta hãy tin tưởng, vâng phục và ra đi chu toàn sứ mạng theo Lời Chúa dạy.

Lạy Chúa, nhờ lời khẩn cầu của thánh sử Marcô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay, xin thương biến đổi mỗi người chúng con trở thành những tông đồ, những cộng tác viên xứng đáng và trung thành của Chúa trong mọi hoàn cảnh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Án xử của Thiên Chúa

Cách đây 2.400 năm, triết gia Hy Lạp là Socrate đã bị mang ra toà và bị kết án phải uống thuốc độc vì hai tội: làm sa đoạ giới trẻ bằng những lý thuyết viển vông và tuyên truyền cho các thần minh mới. Bồi thẩm đoàn xét xử Socrate gồm 501 người được tuyển lựa trong số 6000 công dân Athène. Đây là vụ án nổi tiếng nhất của thế kỷ 4.

Vụ án nổi tiếng nhất cuả thế kỷ 20 hẳn phải là vụ án của Hosê Simon, một cầu thủ bầu dục trở thành tài tử kiêm phóng viên truyền hình về thể thao tại Hoa Kỳ. Simson là một người da đen bị cáo buộc đã giết vợ và bạn trai của cô ta. Đã có quá nhiều chứng cớ hiển nhiên, nhưng sau nhiều tháng xét xử, toà vẫn chưa đưa ra được một phán quyết nào. Nhiều người cho rằng với một bồi thẩm đoàn gồm đa số người da đen và nhất là với những luật sư nổi tiếng mà Simson đã bỏ tiền ra thuê, rồi ra anh ta có thể được trắng án. Và quả thực tin giờ chót vừa cho hay toà tuyên bố Simson vô tội và anh được tha bổng.

Nhà hiền triết bị kết án, kẻ sát nhân được tha bổng, bao nhiêu người vô tội bị đầy ải trong các nhà tù. Công lý của con người vốn bất toàn là thế. Chính vì vậy ở thời đại nào, nỗi khao khát công lý trong lòng người vẫn không bao giờ được toả mãn. Người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng khao khát công lý: Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi sẽ là một quan toà khôn ngoan, có khả năng xoá bỏ bất công, trừng trị kẻ gian ác và tái lập công lý. Các tín hữu tiên khởi phát xuất từ Do thái giáo cũng tiếp tục nuôi dưỡng một niềm mong đợi đó.

Nhưng một cuộc phán xử như thế đã không diễn ra khi Chúa Giêsu đến. Thay cho một quan toà nghiêm khắc, người ta chỉ thấy một vị mục tử tốt lành. Thay cho những phán quyết thẳng thừng, người ta chỉ nghe được những lời tha thứ dịu ngọt. Quả thật như Chúa Giêsu đã giải thích cho Nicôđêmô: Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của ngài mà được cứu độ. Chúa Giêsu không xét xử và luận phạt con người. Chính con người tự xét xử mình bằng cách chọn lựa hay khước từ Chúa Giêsu. Mỗi hành động xấu tự nó đã là một bản án cho con người. Sự phán xét do đó không là một biến cố bên ngoài con người, mà chính là thái độ đáp trả của con người với lời mời gọi của Chúa Giêsu. Nếu tôi bước đi trong ánh sáng của Chúa Giêsu, tôi được bình an thư thái; trái lại, khi tôi chọn lựa bóng tối của ích kỷ, thì tôi đã tự ký bản án, tự đày đoạ chính mình rồi.

Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm vốn được thêu dệt bởi biết bao hình ảnh thần thoại. Đó là những thực tại vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Thiên đàng, hoả ngục, ngày chung thẩm đều gắn liền với cuộc sống tại thế này. Con người có thể hưởng nếm Thiên đàng ngay từ cuộc sống này khi nó bước đi trong ánh sáng chân lý của Chúa Giêsu. Cũng ngay trong cuộc sống này, mỗi khước từ đối với Ngài đã là một thứ hoả ngục mà con người tự giam mình vào, và ngày chung thẩm cũng đã diễn ra trong con người qua từng chọn lựa của mình.

“Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài. Ngài sai Con Một Ngài đến thế gian không phải để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Ngài mà được cứu độ”. Đó phải là niềm xác tín thúc đẩy chúng ta luôn sống tin tưởng và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Yêu? Phán xét? Án phạt?

Thiên Chúa đã yêu thế gian

Đến nỗi đã ban Con Một,

Để ai tin vào Con của Người

Thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

Quả vậy, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian

Không phải để lên án thế gian,

Nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người

Mà được cứu độ. (Ga. 3, 16-17)

Giáo lý dạy chúng ta biết rằng: Những ưu phẩm của Thiên Chúa là tốt lành vô cùng, đáng mến vô cùng, toàn thiện vô cùng, thương xót vô cùng, công bằng vô cùng … Nhưng những ý niệm đó đôi khi có vẻ mâu thuẫn nhau: Làm sao Thiên Chúa thương xót và đáng mến vô cùng lại ra án phạt người ta?

Bài Tin mừng hôm nay cho biết: tình yêu phán xét, hình phạt, cứu độ. Chúng ta hãy chú ý đến lời Chúa Giêsu nói như thế nào.

Điều quả quyết thứ nhất của Đức Giêsu là Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Bằng chứng của tình yêu này là hiến Con Một Ngài cho chúng ta. Không phải ơn ban thụ động, mà ơn ban một con người sống động đến thực hiện cho loài người điều này là ban cho mỗi người sống đời đời. Trong thái độ Thiên Chúa ưu đãi chúng ta, có tình yêu và sự tốt lành vô cùng là Con Một Ngài đã không đến để ra án phạt.

Nhưng tuy nhiên, như thánh Gio-an trưng dẫn quả quyết của Đức Giêsu là chính người ta tự phán xét và tự kết án mình. Người ta tự loại mình khỏi ơn cứu độ khi họ từ chối Đức Kitô, từ chối ảnh hưởng của Ngài, vì họ không tin Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế.

Nhưng chúng ta lại đặt vấn đề này: Người ta là kẻ tội lỗi vì từ chối Chúa, có phải là Thiên Chúa đã không ban đức tin cho họ sao? Câu hỏi này thuộc phạm vi thần học, không thuộc chương trình của Đức Kitô. Người chỉ nói đến vấn đề hành động chối bỏ của người ta như sau: “Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, sợ rằng các việc họ làm sẽ lên án chê trách họ”.

Người ta rất khôn khéo đổ tội từ chối Đức Kitô đó cho Thiên Chúa vì sợ lời Người tố giác, chỉ có sự phán xét do Thiên Chúa, hệ tại ở chỗ Thiên Chúa nhận biết hoàn cảnh người ta làm và tôn trọng sự lựa chọn của người ta.

C.G

 

Suy Niệm 6: Thiên Chúa là tình yêu

Khi yêu nhau, người ta có thể làm mọi việc vì nhau và cho nhau. Họ sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của người mà họ thương để mong sao người yêu được hài lòng. Như vậy, yêu là chấp nhận tất cả vì người mình yêu.

Thiên Chúa cũng vậy, Người yêu thương con người bằng một tình yêu trọn vẹn. Vì thế, Người chấp nhận tất cả để cho con người được hạnh phúc.

Điều này đã được Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta biết khi nói:

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16). Đây là một mạc khải quan trọng, cốt lõi, vì nó tóm gọn nội dung của Tin Mừng.

Mạc khải này vượt lên trên những suy tư triết học hay lý luận của con người, bởi vì chỉ nhờ mạc khải của Đức Giêsu, Ngài là Con Một Thiên Chúa, Đấng từ Thiên Chúa mà đến và là hiện thân của tình yêu mới giúp cho chúng ta hiểu thấu được.

Thật vậy, thế gian là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa, vì thế, Người không chỉ yêu thương có một lần trong quá khứ, nhưng Ngài vẫn còn yêu thương luôn mãi, Qua cuộc đời nhập thể làm người của Đức Giêsu, nhất là nơi cái chết và sự phục sinh của Ngài, Đức Giêsu đã thể hiện tình yêu của Thiên Chúa đối với con người cách trọn vẹn. Nhưng không chỉ có thế, Đức Giêsu tiếp tục hiện diện với con người trong suốt dòng lịch  sử, nhất là qua các Bí tích, để làm bảo chứng tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại.

Ước gì chúng ta luôn cảm nhận và tin tưởng vào tình thương của Chúa, và sẵn sàng đi trên cùng một con đường yêu thương mà Thiên Chúa đã đi.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để chúng con sống và làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa ngay trong cuộc sống của chúng con hằng ngày. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho nhân loại

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Đón nhận hay chối từ Chúa Con, chính là đón nhận sự sống hay bị kết án. Chỉ vì tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi con yêu quý một số vật dụng cách quá đáng, trong lúc ấy lại xem thường những gì đáng quý. Con chăm lo bộ ghế, chiếc xe, tivi, đồng hồ, quần áo, v.v… Thế mà có những điều rất đáng quý nhưng đôi khi con lại xem thường. Con lao thân vào cơn say sưa chè chén, mà bất kể đến hậu quả tổn hại cho sức khoẻ bản thân và làm hại gia đình. Con không biết quý trọng sự ấm êm trong gia đình, con chưa ý thức rằng có được một người cha đức độ, có một người mẹ đảm đang, có một người con ngoan ngoãn… là con đã có được một hồng phúc cao cả. Con chưa biết rằng có một sức khoẻ tốt là ơn Chúa ban, có một công ăn việc làm ổn định là ơn Chúa ban, có được ăn no mặc ấm là ơn Chúa ban. Nhất là vì yêu thương thế gian, Chúa đã ban Chúa Giêsu cho chúng con, Người là nguồn mạch sự sống của chúng con, và cho chúng con được mang danh Kitô hữu. Ôi! phải chi con “nhận ra ơn huệ Chúa ban”.

Đôi khi trong thực tế hằng ngày, con thấy ngại cầu nguyện, thấy sao nặng nề mỗi khi đến nhà thờ, mỗi khi gặp gỡ Chúa. Lạy Chúa, con đã thích bóng tối hơn ánh sáng, đã muốn chìm vào trong thế gian này mà không muốn mở rộng đôi tay đón nhận ơn cứu độ, đón nhận Con Một, đón nhận tình thương quá to lớn của Chúa.

Lạy Chúa, xin mở đôi mắt của con, xin nhóm lên trong lòng con nguồn sáng của Chúa, đốt lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con trở nên con cái sự thật, và nên con cái của Chúa là Cha chúng con. Amen.

Ghi nhớ: “Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ”.

 

Suy Niệm 8: Tình yêu Thiên Chúa – tình yêu cho đi

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bà cụ 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời”.

Bà đáp: “Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài”.

Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu: “Sinh 1825. Sinh lại 1925”.

Suy niệm

Sự ân cần của Thiên Chúa với con người được biểu hiện tuyệt vời qua Con Ngài được gửi đến thế gian mà chính Người Con đó - Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho nhân loại khi Ngài nói với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Tình yêu dâng hiến Con của Thiên Chúa trở nên nguyên mẫu của tình yêu như Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Tuy tình yêu không thấy được cụ thể, sờ mó cảm nghiệm như vật chất nhưng thánh Hilariô de Poitiers đã nói: “Tình yêu được thấy, được tính bằng những sự hiến tặng của chính tình yêu”.

Thật thế, chúng ta thấy được nguyên mẫu tình yêu bằng việc dâng hiến vĩ đại như thánh Hilariô de Poitiers nhấn mạnh: “Tình yêu của Thiên Chúa đã được biểu lộ bằng sự dâng hiến của chính Con Một Ngài” để cho nhân loại sống. Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh sự dâng hiến bằng chính Người Con Một để nói về một tình yêu vĩ đại không gì có thể so sánh: “Ngài đã dâng hiến không phải là người tôi tớ, cũng không là một thiên thần, Ngài đã cho chính Con Ngài, Con duy nhất”. Tình yêu này đã được hé mở và báo trước bằng hình ảnh tổ phụ Abraham dâng hiến con mình là Isaac theo thiên ý của Thiên Chúa (x. St 22,1-19).

Tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu cho đi, cho đi chính Con Một, cho đi tất cả để cho nhân loại có được sự sống. Tình yêu này mời gọi tôi và bạn là những người con cũng biết cho đi làm quà tặng của nhau, vì đó là tình yêu dâng hiến mà Chúa Cha muốn chúng ta, người con thực thi như Chúa Giêsu hiến thân vì mạng sống, vì người mình yêu.

Ý lực sống: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).

 

Suy Niệm 9: Tin Chúa sẽ được trường sinh

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Bài Tin Mừng tiếp tục nói về việc sinh lại. Đây là hậu quả của việc chịu hoặc không chịu sinh lại:

- Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu thì phải hư mất.

- Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn luận phạt thế gian, mà chỉ muốn cứu thế gian.

- Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con thì được cứu, kẻ không tin thì bị luận phạt.

- Sự luận phạt ấy là do chính những người ấy tự chọn cho mình.

2. “Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã sai Con Một mình...”

Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đây là một chân lý mà không ai chối cãi được. Chân lý gây xúc động sâu xa nhất mà Giáo hội rao giảng là chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương từ trước muôn đời. Kitô giáo được xây dựng trên một niềm xác tín rằng tình yêu Thiên Chúa đã hạ cố đến thế gian đau khổ bệnh tật qua con người Đức Kitô. Đối với mọi tín hữu, đây là lời cốt tủy của Tin Mừng. Không có đoạn văn nào  trong Thánh Kinh nói rõ điều này hơn là lời Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã sai Con Một Mình, ngõ hầu những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng sẽ được sống đời đời” (Ga 3,15).

Thiên Chúa yêu thương từng người chúng ta cứ như là không còn ai khác để cho Ngài yêu thương. Ngài như người cha luôn mong muốn cùng gia đình đồng hành suốt cuộc đời, và không thể an lòng cho đến khi con cái đi đây đó, ai nấy đều an toàn trở về mái ấm gia đình.

3. Ai tin thì sẽ được sống.

Thánh Gioan nói: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ, Ai tin vào Con của Ngài, thì không bị lên án; những kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,20). Tin đối với Gioan là nhìn nhận Đức Giêsu là Con và là sứ giả của Chúa Cha, là đến với Đức Giêsu và gặp Ngài, là biết Ngài và cùng với Ngài biết Chúa Cha. Đức tin còn là hồng ân và một sự lôi cuốn của Chúa Cha.

Người tin bước vào một cuộc sống mới. Đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa, là một ân huệ Đấng Messia mang lại. Tin là từ bỏ bóng tối của tội lỗi, của gian tà, của ma quỉ. Phải, chính trong đêm tối của tối tăm mà con người nhận ra tình thương của Thiên Chúa, miễn là đùng khép kín lòng lại: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta đã yêu mến sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm họ đều xấu xa” (Ga 3,19). Hãy tin vào Đức Giêsu thì sẽ được tha thứ và được hưởng nhờ ơn cứu độ (R Veritas).

4. “Ai tin vào Con của Ngài thì không bị xét xử...”

Tình yêu vốn là tiêu chuẩn để con người được xét xử. Trong cuộc thẩm xét chung cuộc, Đức Giêsu chỉ tra vấn con người về một điều duy nhất, đó là nó có sống yêu thương không? Người Kitô hữu do đó không lo sợ về một cuộc chung thẩm trong ngày sau hết; họ lại càng không phải bận tâm về bức tranh mà trí tưởng tượng con người  đã tô vẽ cho ngày ấy, bởi lẽ họ biết rằng sự phán xét diễn ra  ngay trong hiện tại qua từng lựa chọn của họ. Mỗi khi họ sống yêu thương thì lương tâm sẽ không luận phạt họ, trái lại, khi họ để thù hận xâm chiếm tâm hồn và thúc đẩy họ khước từ tình yêu, thì đó là lúc họ bị xét xử. Thật thế tâm hồn họ sẽ không có bình an, nếu họ không sống yêu thương.

5. Tình yêu của Thiên Chúa, là tình yêu cho đi, cho đi chính con Một, cho đi tất cả để cho nhân loại  có được sự sống. Tình yêu này mời gọi chúng ta là những người con  biết cho đi làm quà tặng cho nhau, vì đó là tình yêu dâng hiến mà Chúa Cha muốn chúng ta – người con thực thi như Đức Giêsu hiến thân vì mạng sống vì người mình yêu.

6. Truyện: Tượng Thánh giá ban phép lành.

Tại một nhà thờ bên Tây Ban Nha có một tượng Thánh giá rất đặc biệt: Chúa Giêsu chịu đóng đinh có một tay trái và hai chân, tay phải rời khỏi lỗ đinh và đưa ra phía trước trong tư thế đang ban phép lành.

Chuyện kể rằng: một lần, tại nhà thờ này có một tội nhân đến xưng tội. Đối với một tội nhân có quá nhiều tội nặng như anh, vị Linh mục rất nghiêm khắc và ngăm đe nhiều điều. Nhưng chứng nào vẫn tật đó, ra khỏi tòa giải tội ít lâu, hối nhân lại tiếp tục sa ngã. Rất nhiều lần như thế. Cuối cùng, vị linh mục đành răn đe: “Tôi không muốn anh vấp lại những tội như thế nữa. Đây là lần cuối cùng tôi tha tội cho anh”. Hối nhân ra khỏi tòa giải tội mà lòng trĩu nặng đau khổ.

Được vài tháng sau, anh ta lại đến xưng tội, và xưng cũng cùng  những tội nặng y như những lần trước. Vị Linh mục dứt khoát: “Anh đừng có đùa với Chúa. Tôi không tha”. Thật lạ lùng. Ngay lập tức, vị Linh mục cùng hối nhân đều nghe có tiếng thì thầm phía bên trên. Từ cây Thánh giá, bàn tay phải của Đức Giêsu được rút ra khỏi lỗ đinh và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm ấy với chính mình: “Ta là người đổ máu ra cho người này chứ không phải con”.

Kể từ đó, bàn tay phải của Đức Giêsu không gắn vào Thánh giá nữa, nhưng vẫn giữ tư thế đang ban phép lành, như không ngừng mời gọi: “Hãy trở về với Ta, các ngươi sẽ được tha thứ”.

 

Suy Niệm 10: Đi theo ánh sáng

(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hậu quả của việc chịu sinh lại hay không chịu sinh lại.

Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất (“bị luận phạt).

Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa cũng không hề muốn “Luận phạt” thế gian (để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian)

Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con (chịu sinh lại bởi đức tin) thì được cứu; kẻ không tin (không chịu sinh lại) thì “bị luận phạt” (hư mất).

Sự hư mất ấy (luận phạt) là do chính những người ấy tự chọn cho mình, cũng giống như một nguồn sáng đã đến trong màn đêm tối tăm, ai muốn sáng thì tới với nguồn sáng đó, kẻ không tới thì phải ở mãi trong bóng tối.

B...Nẩy mầm.

1. Dĩ nhiên được cứu thì tốt hơn là bị hư mất, trong ánh sánh thì hạnh phúc hơn trong tăm tối. Thế nhưng cũng giống như một người đang chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên, người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng. Chúa Giêsu chỉ cho ta thấy một thực trạng đó là những người “yêu tối tăm hơn sự sáng”, đó là những người “hành động xấu xa”, họ “không đến cùng sự sáng vì sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Và Chúa Giêsu khuyên ta hãy can đảm yêu sự sáng và bước ra sự sáng “để hành động của họ được sáng tỏ”.

Trong tôi cũng có bóng tối. Đó là những “hành động xấu xa”. Tự nhiên tôi muốn che dấu, tôi sợ bước ra ánh sáng. Nhưng như thế tôi không bao giờ được cứu, như thế là tôi tự luận phạt mình, tự để mình bị hư mất. Hãy yêu sự sáng hãy cam đảm bước ra sự sáng để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng

2. Chú bé cùng với bố đang đi trên một con đường mòn trong đêm dày đặc, trên tay chỉ có cây đèn nhỏ, bóng đên trước mặt gây cho chú cảm giác sợ hãi mơ hồ. Chú nói với bố: “Bố ơi! chiếc đèn này chỉ chiếu sáng chút xíu trên đường, con sợ quá”. Bố đáp: “Con ạ! Anh sáng này hơi yếu, nhưng nó cũng đủ soi cho con đi đến cuối đường”.

Đời sống Kitô hữu cũng là một con đường đầy tăm tối, nhưng Chúa luôn ban đủ ánh sáng cho mỗi bước đi, và ta cũng chỉ cấn bấy nhiêu. Nhưng ta chắc chắn một điều: ánh sáng đó không bao giờ tắt. Nếu ta lên đường, ánh sánh đó đủ soi cho ta đi đến cuối đường đời.(Góp nhặt).

3. Thiên Chúa bao giờ cũng muốn cứu chúng ta. Ngài ban đủ mọi phương tiên cho ta sử dụng để được cứu. Kẻ hư mất là kẻ thiếu cương quyết rời bỏ bóng tối để bước ra ánh sáng.

4. “Ánh sáng đã đến gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa”.

Một chiếu thứ bảy, anh đưa tôi dạo phố. Chúng tôi đang lặng lẽ rảo bước trên bờ hồ Xuân hương, bỗng nhiên, một giọng nói quen thuộc cất lên: “Con chào Cô!”. Như một phản xạ, tôi quay lại. Trước mặt chúng tôi là một em bé rách rưới, bẩn thỉu, học trò của tôi ở trung tâm Bảo Trợ Xã hội. Em vui mừng, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Nhưng vì sợ “quê” với anh, tôi đã vờ như không quen biết nó…và để lại sau lưng, sự hụt hẫng pha lẫn tủi hờn của đứa bé mồ côi đáng thương.

Bây giờ tôi mới rõ, tôi làm việc từ thiện chỉ vì chính mình!

Lạy Chúa, xin soi sáng và mở rộng lòng con, để con nhận ra đâu là sự sáng đích thực của Chúa và can đản theo Ngài. (Epphata)

 

Suy Niệm 11: Hiệu quả của việc sinh lại

(Lm Giuse Đinh Tất Quý)

1. Chúng ta tiếp tục bài giáo lý về việc tái sinh: hôm nay nói về hậu quả của việc sinh lại.

Chịu sinh lại thì được cứu độ; không chịu sinh lại thì phải hư mất tức là “bị luận phạt”.

Thực ra, khi cho Con mình xuống thế gian, Thiên Chúa không hề muốn “Luận phạt” thế gian “để cho hư mất, mà chỉ muốn cứu thế gian”.

Nhưng thế gian cũng phải góp phần của mình: ai tin vào Chúa Con tức là chịu “sinh lại bởi đức tin” thì được cứu; kẻ không tin tức không chịu sinh lại thì “bị luận phạt” (hư mất).

Dĩ nhiên, được cứu thì tốt hơn là bị hư mất. Sống trong ánh sáng thì hạnh phúc hơn sống trong tăm tối. Thế nhưng, cũng giống như một người đang bị chìm muốn được cứu sống thì tối thiểu phải đưa tay cho người trên bờ kéo mình lên, người muốn sáng thì phải rời bỏ tối tăm để bước tới nguồn sáng.

Tại Florence thuộc nước Italia, có một ngôi đại giáo đường, được kiến trúc rất đặc biệt. Ngôi đại giáo đường này có một vòm cầu lớn. Trên vòm cầu này có một lỗ nhỏ được ghép kính.

Kiến trúc sư vẽ kiểu ngôi đại giáo đường này, đã khéo léo tính toán thế nào, để cứ đến ngày 21 tháng 6 hàng năm, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu vào lỗ nhỏ kia, rồi dọi xuống một miếng bạc, được ghép ở dưới nền giáo đường.

Người ta chỉ cần nhìn vào ánh sáng chiếu xuống từ mặt trời, qua lỗ nhỏ trên vòm cầu kia, rồi dọi xuống nền giáo đường là biết được độ nghiêng của ngôi giáo đường để sửa chữa, vì ngôi đại giáo đường này được xây trên một khu vực mà trước đây là vùng snh lầy.

Trong ngày thứ bảy tuần thánh, Chúa Giêsu được Giáo Hội tuyên xưng là ánh sáng thế gian. Ánh sáng Giêsu đã được Thiên Chúa Cha chiếu vào thế gian để soi đường chỉ lối cho con người.

Thế nhưng, theo như lời của Thánh Gioan, thì thế gian đã không chịu tiếp nhận ánh sáng đó, mà trái lại còn xua đuổi. Lý do nào khiến thế gian ghét ánh sáng thì Thánh Gioan đã cho biết trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Vì họ sợ những việc làm của mình bị khiển trách”. Tại sao lại sợ ? Thưa, vì việc làm ấy xấu xa. Giống như ánh sáng mặt trời dọi xuống xuyên qua lỗ hổng, chiếu xuống miếng bạc được bố trí trên nền nhà thờ, làm cho người ta nhận ra được độ nghiêng của ngôi nhà thờ như câu chuyện kể trên, thì ánh sáng Giêsu chiếu dọi vào thế gian cũng làm cho con người thấy được những sai quấy của mình như thế.

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu:”Nhật Nguyệt tuy minh, nan chiếu phúc bồn chi hạ” (Mặt trời mặt trăng tuy có sáng nhưng khó mà chiếu vào chiếc chậu úp). Ánh sáng của mặt trời cũng như ánh sáng Giêsu, tuy sáng và có đó, nhưng nếu người ta không chịu tiếp nhận thì cũng vô ích, nó cũng giống như ánh sáng chiếu vào một chiếc chậu úp thôi.

2. Điều còn lại ở đây là chúng ta có đủ nhạy cảm để nhận ra ánh sáng đó hay không.

Một nhà thám hiểm Tây Phương lạc hướng giữa sa mạc. Nguồn lương thực và nước uống đã cạn khô. Ông lê từng bước chân mệt mỏi trên cát. Thình lình ông nghe tiếng suối róc rách và thấy trước mặt mình một ốc đảo xanh tươi. Thế nhưng, với lối suy nghĩ khoa học của người Phương Tây, ông tự nghĩ: “Đây chỉ là một ảo ảnh, trong thực tế, giữa chốn sa mạc khô cằn như thế này làm gì có nước và cây cối”. Nghĩ như vậy, ông tuyệt vọng lê bước. Không bao lâu sau đó, hai người du mục tình cờ đi qua. Họ bắt gặp một xác người. Một người thốt lên:

- Chỉ còn hai bước nữa là người này đã có thể tới ốc đảo và tha hồ uống nước cũng như thưởng thức những trái ngọt cây lành. Tại sao lại có chuyện thế này ?

Nhưng người bạn kia lắc đầu giải thích:

- Ông ta là một người Phương Tây. Thế giới của chúng ta đầy ánh sáng và mầu nhiệm, nhưng con người lại dùng bàn tay nhỏ bé của mình để che đậy chúng.

Có nhiều người trong chúng ta cũng như vậy.

Hẳn anh chị em còn nhớ câu chuyện người mù ở trong Tin Mừng. Đứng trước một sự thật rõ ràng như ban ngày vậy mà những người Pharisêu vẫn tìm cách bẻ cong sự thật. Chúa Giêsu đã phải rất buồn về thái độ ấy nên Ngài đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,39).

  Những người Pharisêu đang ở đó với Đức Giêsu nghe vậy, liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” Đức Giêsu bảo họ: “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9,40-41).

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta luôn biết yêu sự sáng và hãy cam đảm bước đi trong ánh sáng để cho ánh sáng soi đường cho ta. Đó là một cách để được sinh lại: không còn là con của tối tăm nữa, mà từ nay sẽ là con của ánh sáng.



 

Go and take your place in the temple area – Suy niệm theo The WAU ngày 27.4.2022
Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD chuyển ngữ

Nguồn: The Word Among Us – April 2022

Wednesday April 27th 2022
Meditation: Acts 5:17-26

Go and take your place in the temple area. (Acts 5:20)

When the angel of the Lord opened the doors of the jail to let the apostles out, he told them, “Go and take your place in the temple area and tell the people everything about this life” (Acts 5:20). Their miraculous release enabled them to continue their preaching, with all the signs and wonders that were bringing people to faith in Jesus.

Go and take your place. This command wasn’t just for the apostles; it’s for each one of us too. The risen Christ has asked us, his beloved brothers and sisters, to leave our “prisons” behind and go. Maybe the place he is sending you is in your home or in your workplace or parish. No matter where, he wants you to live out your life in Christ by fulfilling the unique mission he has given to you.

What are these prisons? They’re not literal prisons like the one the apostles were in, because even there we can answer God’s call. No, these are prisons of fear or discouragement or unworthiness or lack of confidence or complacency. Maybe we’re locked up but don’t realize it. Or maybe we don’t recognize what is holding us back. Yet God doesn’t want us in chains; he wants to set us free to go wherever he is sending us.

So how does God free us? The good news is that through Jesus’ death and resurrection, he already has! That’s the reality, even when we have trouble believing it. As St. Paul wrote, “For freedom Christ set us free” (Galatians 5:1). That means the prison door is unlocked; we can truly cross the threshold and walk out.

Today, ask God if there is any prison door you need to walk through. Believe that the Holy Spirit wants you to experience the freedom that Christ has already won for you, and then take some action, however small, to begin to break out of that prison. Jesus has set you free so that you can accomplish his work in the world. One step at a time, you can, like the apostles, Go and take your place.

“Lord, open my eyes to the ‘prisons’ that keep me from doing your will.”

Thứ Tư tuần II Phục Sinh
ngày 27.4.2022

Suy niệm: Cv 5, 17-26

 

Các ông hãy đi và đứng trong đền thờ (Cv 5,20)

Khi sứ thần của Chúa mở cửa ngục để cho các tông đồ ra ngoài, ngài bảo họ: “Các ông hãy đi và đứng trong đền thờ và kể cho dân chúng nghe mọi điều về lời ban sự sống này” (Cv 5,20). Sự giải thoát kỳ diệu của họ đã giúp họ tiếp tục rao giảng, với tất cả những phép lạ và điều kỳ diệu đang đưa mọi người đến với đức tin nơi Chúa Giêsu.

Hãy đi và đứng vào chỗ của bạn. Mệnh lệnh này không chỉ dành cho các tông đồ; nó cũng dành cho mỗi người trong chúng ta. Chúa Kitô Phục Sinh đã yêu cầu chúng ta, những anh chị em yêu dấu của Ngài, hãy bỏ lại những “nhà tù” của chúng ta và ra đi. Có thể nơi Ngài gửi bạn là nhà của bạn hoặc ở nơi làm việc hoặc giáo xứ của bạn. Bất kể ở đâu, Ngài muốn bạn sống hết mình trong Đức Kitô bằng cách hoàn thành sứ mệnh duy nhất mà Ngài đã giao cho bạn.

Những nhà tù này là gì? Chúng không phải là nhà tù theo đúng nghĩa đen như nhà tù mà các tông đồ đã ở, bởi vì ngay cả ở đó chúng ta cũng có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa. Không, đây là những nhà tù của sự sợ hãi hoặc chán nản hoặc không xứng đáng hoặc thiếu tự tin hoặc tự mãn. Có thể chúng ta đang bị nhốt nhưng không nhận ra điều đó. Hoặc có thể chúng ta không nhận ra điều gì đang kìm hãm chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn chúng ta bị xiềng xích; Ngài muốn để chúng ta tự do đi bất cứ nơi nào Ngài gửi chúng ta đi.

Vậy Thiên Chúa giải thoát chúng ta bằng cách nào? Tin mừng là qua cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Ngài đã có được điều đó! Đó là thực tế, ngay cả khi chúng ta khó tin. Như thánh Phaolô đã viết, “Vì sự tự do, Đấng Christ đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1). Điều đó có nghĩa là cửa nhà tù không khóa; chúng ta thực sự có thể vượt qua ngưỡng cửa và bước ra ngoài.

Hôm nay, hãy hỏi Thiên Chúa xem có cửa ngục nào bạn cần bước qua không. Hãy tin rằng Chúa Thánh Thần muốn bạn trải nghiệm sự tự do mà Đức Kitô đã giành cho bạn, và sau đó hãy thực hiện một số hành động, dù nhỏ bé, để bắt đầu thoát ra khỏi nhà tù đó. Chúa Giêsu đã trả tự do cho bạn để bạn có thể hoàn thành công việc của Ngài trên thế giới. Từng bước một, bạn có thể, giống như các tông đồ, Hãy đi và đứng vào chỗ của bạn.

Lạy Chúa, xin mở mắt cho con trước những “nhà tù” ngăn cản con làm theo ý muốn của Chúa.

Ga 3, 16-21
Ai sống theo sự thật sẽ đến cùng ánh sáng (Ga 3,21)

Hãy nghĩ về cảm giác khi mặt trời ló dạng sau chuỗi ngày u ám. Bạn cảm thấy tinh thần phấn chấn. Bạn cảm thấy sống động hơn, tràn đầy năng lượng hơn. Rốt cuộc thì thế giới không có vẻ là một nơi tồi tệ như vậy.

Đó là những gì chúng ta có thể cảm thấy khi chúng ta đến với sự hiện diện của Chúa – ngay cả trong những ngày u ám nhất!

Nhưng ánh sáng của Chúa Giêsu không chỉ ở đó để làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nó tiết lộ điều gì đó. Nếu bạn đã từng thử chơi trò trốn tìm ngoài trời vào một ngày nắng đẹp thì bạn sẽ biết việc tránh bị phát hiện khó khăn như thế nào. Nó cũng giống như cách đối với tội lỗi của chúng ta. Giống như bóng tối che giấu mọi thứ, chúng ta cố gắng che giấu hành vi sai trái và thái độ tội lỗi của mình. Chúng ta không muốn chúng bị đưa ra ánh sáng.

Vì vậy, hãy nghĩ về điều đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn khi bạn nghe thánh Gioan trong Tin mừng hôm nay nói về những người “ưa bóng tối hơn ánh sáng” (Ga 3,20). Bạn có hình dung mình là một trong những người đó, hay bạn hình dung một người nào đó mà bạn biết? Hầu hết chúng ta có xu hướng coi thường bản thân và nghĩ về những ví dụ tồi tệ nhất của những người xung quanh. Bất cứ điều gì để giữ cho ánh sáng không chiếu vào những thứ mà chúng ta đang cố gắng che giấu!

Nhưng ngay cả những người giỏi nhất trong chúng ta cũng có thể đấu tranh với tội lỗi. Hãy nghĩ đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Ngài đã quan tâm đến việc đi xưng tội hàng tuần. Nhiều khả năng đây không phải là vì ngài có rất nhiều điều khủng khiếp cần phải xưng thú . Đó là bởi vì ngài không muốn giấu tội lỗi của mình trong bóng tối – ngay cả những tội lỗi nhỏ nhất mà chúng ta thường bỏ qua. Ngài muốn mời Chúa Giêsu chiếu sáng mọi tội lỗi của mình để bóng tối và sự u ám xung quanh chúng có thể bị xua đuổi.

Nếu thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II có thể thừa nhận lỗi lầm của mình, thì bạn cũng vậy. Hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu không chiếu ánh sáng của mình vào tâm hồn bạn để làm bạn xấu hổ và nhục nhã. Ngài đến để “thế gian nhờ Ngài mà được cứu” (Ga 3,17). Vì vậy, hãy để Ngài tiếp tục cứu giúp bạn! Hãy để ánh sáng của Ngài cho bạn cơ hội thay đổi!

Lạy Chúa, con không muốn che giấu tội lỗi của mình với Chúa hay với chính bản thân con. Xin ban cho con can đảm đối mặt với chúng để con có thể đến gần Chúa hơn.​​​​​​​

God gave us his only Son – Suy niệm song ngữ Anh – Việt, ngày 27.4.2022
Tác giả: Don Schwager

(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu, SDD – chuyển ngữ

Wednesday (April 27)
“God so loved the world that he gave us his only Son”

Scripture: John 3:16-21

16 For God so loved the world that he gave his only Son, that whoever believes in him should not perish but have eternal life. 17 For God sent the Son into the world, not to condemn the world, but that the world might be saved through him. 18 He who believes in him is not condemned; he who does not believe is condemned already, because he has not believed in the name of the only Son of God. 19 And this is the judgment, that the light has come into the world, and men loved darkness rather than light, because their deeds were evil. 20 For every one who does evil hates the light, and does not come to the light, lest his deeds should be exposed. 21 But he who does what is true comes to the light, that it may be clearly seen that his deeds have been wrought in God.

Thứ Tư ngày 27.4.2022
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con một mình

 

Ga 3,16-21 

16 Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.19 Và đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa.20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách.21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.”

Meditation: Do you know the love which surpasses the greatest joy and happiness which one could ever hope to find in this life? Greater love is manifested in the cost and sacrifice of the giver. True lovers hold nothing back but give the best that can be offered to their beloved, including all they possess, even their very lives. God proved his love for each and every one of us by giving us the best he had to offer – his only begotten Son who freely offered up his life for our sake as the atoning sacrifice for our sins and the sin of the world.

 

God loves each of us uniquely and personally  

Abraham’s willing sacrifice of his only son, Isaac, prefigures the perfect offering and sacrifice of God’s beloved Son, our Lord Jesus Christ. This passage in the Gospel of John tells us of the great breadth and width of God’s love. Not an excluding love for just a few or for a single nation, but a redemptive love that embraces the whole world, and a personal love for each and every individual whom God has created in his own image and likeness (Genesis 1:26,27). God is the eternal Father of Love who cannot rest until his wandering children have returned home to him. Saint Augustine of Hippo (354-430 AD) said, God loves each one of us as if there were only one of us to love. God gives us the freedom to choose whom and what we will love.

Truth, goodness, and beauty are made perfect in the love of Christ

Jesus shows us the paradox of love and judgment. We can love the darkness of sin and unbelief or we can love the light of God’s truth, goodness, and beauty. If our love is guided by what is true, and good, and beautiful then we will choose for God and love him above all else. What we love shows what we prefer and value most. Do you love God above all else? Does he take first place in your life, in your thoughts, affections, and actions?

 

“Lord Jesus Christ, your love is better than life itself. May your love consume and transform my heart with all of its yearnings, aspirations, fears, hurts, and concerns, that I may freely desire you above all else and love all others generously for your sake and for your glory. Make me to love what you love, desire what you desire, and give generously as you have been so generous towards me”.

Suy niệm: Bạn có biết tình yêu vượt trổi trên cả niềm vui và hạnh phúc lớn nhất mà người ta luôn hy vọng tìm kiếm không? Tình yêu lớn lao được thể hiện trong cái giá phải trả và sự hy sinh của người cho. Người yêu thật sự không giữ lại gì nhưng cho đi điều tốt nhất có thể cho người mình yêu, bao gồm mọi tài sản của mình hay chính sự sống của họ. Thiên Chúa đã minh chứng tình yêu của Người dành cho chúng ta bằng việc ban cho chúng ta điều tốt nhất Người có để ban – Con Một yêu dấu của Người, Đấng sẵn sàng hiến mạng sống mình như của lễ cho Thiên Chúa vì chúng ta, và như lễ hy sinh đền bù cho tội lỗi chúng ta và tội lỗi của thế gian.

 

Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta một cách cá vị và duy nhất

Sự tự nguyện hy sinh của Abraham về người con duy nhất của mình là Isaac, tiên báo lễ tế và hy sinh hoàn hảo của Con yêu dấu của Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô của chúng ta. Đoạn văn này trong Tin mừng Gioan nói với chúng ta chiều rộng và chiều ngang lớn lao của tình yêu Thiên Chúa. Không phải một tình yêu loại trừ, chỉ dành cho một ít người hay cho một dân tộc duy nhất, nhưng tình yêu cứu chuộc bao gồm cả thế giới, và tình yêu cá biệt dành cho mỗi một người và từng cá nhân mà Thiên Chúa đã dựng nên theo hình ảnh của chính Người (St 1,26-27). Thiên Chúa là Cha vĩnh cửu của Tình Yêu, Ðấng không thể yên nghỉ cho tới khi các con cái lang thang của mình trở về nhà với Người. Thánh Augustine thành Hippo (354-430 AD) nói Thiên Chúa yêu thương mỗi người chúng ta như thể chỉ có duy nhất một người để yêu thương. Thiên Chúa ban cho chúng ta sự tự do để lựa chọn ai và những gì chúng ta sẽ yêu mến.

Sự thật, nhân hậu, và vẻ đẹp được tạo dựng cách hoàn hảo trong tình yêu của Đức Kitô 

Ðức Giêsu cho chúng ta thấy sự nghịch lý của tình yêu và sự xét xử. Chúng ta có thể yêu thích bóng tối của tội lỗi và sự vô tín hay chúng ta có thể yêu thích ánh sáng chân lý, vẻ đẹp, và sự tốt lành của Thiên Chúa. Nếu tình yêu của chúng ta được dẫn dắt bởi sự thật, tốt lành, và vẻ đẹp, thì chúng ta sẽ chọn Thiên Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự. Điều gì chúng ta yêu thích cho thấy những gì chúng ta mong muốn. Bạn có yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự không? Người có chiếm chỗ nhất trong cuộc đời bạn, trong những tư tưởng và hành động của bạn không?

Lạy Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa còn hơn cả chính sự sống. Chớ gì tình yêu của Chúa đốt cháy và biến đổi tâm hồn con với tất cả sự mong mỏi, khát vọng, sợ hãi, đau thương, và quan tâm của nó, để con có thể thanh thoát ao ước Chúa trên hết tất cả mọi sự và yêu thương mọi người cách quảng đại vì Chúa và vì vinh quang của Chúa. Xin giúp con yêu thích những gì Chúa yêu thích, ước muốn những gì Chúa ước muốn, và cho đi cách quảng đại như Chúa đã quảng đại với con.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây