THỨ NĂM TUẦN IV PHỤC SINH NĂM C
Ga 13,16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu phán với các ông: "Thật, Thầy bảo thật các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ, kẻ được sai không trọng hơn đấng đã sai mình. Nếu các con biết điều đó mà thực hành thì có phúc. Thầy không nói về tất cả các con, vì Thầy biết những kẻ Thầy đã chọn, nhưng lời Thánh Kinh sau đây phải được ứng nghiệm: Chính kẻ ăn bánh của Ta sẽ giơ gót lên đạp Ta. Thầy nói điều đó với các con ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy đến, để một khi xảy đến, các con tin rằng: Thầy là ai.
Thật, Thầy bảo thật các con: Ai đón nhận kẻ Thầy sai, là đón nhận Thầy, và ai đón nhận Thầy là đón nhận Đấng đã sai Thầy".
SUY NIỆM: “NẾU ANH EM THỰC HÀNH, THÌ THẬT PHÚC CHO ANH EM!”
1. Thực hành và mối phúc (c. 16-17)
Sau khi rửa chân cho các môn đệ (c. 3-5) và giải thích ý nghĩa (c. 12-15), Đức Giê-su nói:
Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó,
nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! (c. 16-17)
Nghe lời này của Đức Giê-su, chúng ta có thể hiểu ngay rằng để hưởng mối phúc của Ngài, chúng ta được mời gọi, trong mọi sự, sống tương quan chủ/tớ và tương quan người sai đi/người được sai đi. Tuy nhiên, nếu chúng ta nối kết lời nói này của Đức Giê-su với hành vi rửa chân Ngài vừa thực hiện và lời giải thích, chúng ta sẽ hiểu hoàn toàn khác hẳn. Thật vậy, ngay sau khi rửa chân cho các Tông Đồ, Người nói:
Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. (c. 12-14)
Như thế, đây mới là việc thực hành mang lại mối phúc mà Đức Giê-su muốn thông truyền cho chúng ta: trong các mối tương quan gia đình, xã hội và Giáo Hội, sự khác biệt “người trên kẻ dưới” là không thể tránh được, nhưng chúng ta được mời gọi “rửa chân cho nhau”, và nhất là người trên “rửa chân” cho kẻ dưới, chủ nhân “rửa chân” cho tôi tớ, người sai đi “rửa chân” cho người được sai đi, như chính Thầy Đức Giê-su, vốn là Đức Chúa của chúng ta, đã “rửa chân” cho từng người chúng ta.
2. Mầu nhiệm Thập Giá (c. 18-19)
Tuy nhiên, trong mầu nhiệm Thập Giá, Đức Giê-su còn đi xa hơn hành vi rửa chân, nghĩa là Người sẽ để cho mình bị phản bội và bị nộp. Hay đúng hơn, hành vi rửa chân diễn tả “tình yêu đến cùng” mà Người sẽ hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá.
Thật vậy, trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan về việc Đức Giê-su rửa chân cho các môn đệ được đánh dấu rõ nét từ đầu đến cuối bởi hành vi phản bội:
Ø “Ma quỉ đã gieo vào lòng Giu-đa…” (c. 2 và 27), ở đây Giuđa được nhìn như là nạn nhân của Sự Dữ.
Ø “Người biết ai sẽ nộp Người” (c. 11): Giuđa được nhìn như là tác nhân.
Ø “Nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (c. 18; trích Tv 41, 10). Giuđa được nhìn trong Kế Hoạch cứu độ của Thiên Chúa.
Một đàng, Giu-đa phạm trọng tội (Mc 14, 10; Mt 26, 14-15); và chính Đức Giê-su cũng có những lời than vãn (than vãn chứ không phải chúc dữ) về Giu-đa: “Bất hạnh cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26, 24b). Đàng khác, chính Satan hành động nơi Giu-đa: “Xa-tan đã nhập vào Giu-đa, cũng gọi là Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai” (Lc 22, 3); “Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su”; và “Y vừa ăn xong miếng bánh, Xa-tan liền nhập vào y” Ga 13, 2 và 27).
Nếu là như thế, Giu-đa cũng là nạn nhân trong hành động phản bội Thầy của mình. Tương tự như trường hợp “tội nguyên tổ”, chính Con Rắn là nguyên nhân chính: “Con Rắn, người phụ nữ nói với Thiên Chúa, đã lừa dối con, nên con ăn” (St 3, 13). Và đàng khác nữa, tất cả là để cho Kinh Thánh được hoàn tất, nghĩa là chương trình thông ban sự sống và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn: “Đã hẳn Con Người ra đi theo như lởi đã chép về Người” (Mt 26, 24a); “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (Ga 13, 18; trích Tv 41, 10).
Do đó, bản chất đích thực của hành vi phản bội nơi Giu-đa phức tạp hơn chúng ta tưởng ; thực vậy, cùng với Giuđa, còn có ma quỉ và hơn nữa cả hai được tháp vào trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng, vì sự phản bội của Giu-đa mà Đức Giêsu bị bắt, bị xét xử và bị hành hình. Không phải hoàn toàn như thế, bởi vì Người đã biết và dự báo từ trước cuộc Thương Khó, và ngay cả sự phản bội của Giuđa, Ngài cũng biết rõ. Các bài Tin Mừng trong Tuần Thánh đặc biệt nhấn mạnh đến điều này. Vấn đề là Ngài cứ để cho tuần tự xảy ra tất cả những gì sẽ dẫn ngài đến cái chết. Tại sao vậy ?
Ø Giuse nói với các anh : “Đừng sợ! Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân tộc đông đảo”(St 50, 19-20). Điều này đúng trong lịch sử cứu độ và cũng đúng trong cuộc đời chúng ta.
Ø Thánh Phaolô nói : « Tội càng nhiều, ơn sủng càng chứa chan », « Đức Giê-su chết cho chúng ta ngay khi chúng ta còn ở trong tội ».
Điều xấu là do con người làm cho nhau và làm cho Chúa, nhưng Người dùng chính điều dữ này để cho chúng ta nhận ra lòng thương xót vô biên của Chúa. Nhìn ngắm Giuđa, chúng ta được mời gọi nhận ra sự nghiêm trọng nơi tội của ông và nhận ra tội của chúng ta ở mức độ nào đó, nhưng không phải để lên án Giuđa và lên án mình, nhưng như thánh Gioan nói, chính là để nhận ra lòng thương xót của Chúa lớn hơn tội của chúng ta.
Giuđa phản bội, nhưng Đức Giê-su dùng chính hành động này để thể hiện tình yêu đến cùng của Ngài dành cho tất cả những người thuộc về Ngài, theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Như thế, Giu-đa đã không những không ngăn cản được tình yêu của Đức Giê-su, nhưng vô tình làm cho tình yêu ấy đi đến cùng. Tình yêu đến cùng dành cho mọi người, trong đó có Giuđa. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với Giu-đa: “Anh làm gì thì làm mau đi” (Ga 13, 27 và Mt 26, 50) và chính khi, Giu-đa ra đi thực hiện hành vi phản bội, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13, 31). Những gì xẩy ra trong lịch sử cứu độ đạt tới cao điểm ở đây: Thiên Chúa Ba Ngôi dùng chính hành vi phản bội, cũng như dùng chính tội lỗi của chúng ta, dùng chính hành động của Sa-tan, để “hiển dung”.
Đức Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho từng người chúng ta; nhưng có người lại “giơ gót đạp Ngài”. Cả hành vi này, Ngài cũng đón nhận trong bình an và bao dung, ngang qua cái chết trên Thập Giá (x. Mt 26, 50). Đó chỉ có có thể là sự khôn ngoan và sức mạnh thần linh, mời gọi chúng ta nhận ra Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa, là Đấng Hằng Hữu:
Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. (c. 19)
3. Hiệp thông trọn vẹn (c. 20)
Trong đời sống xã hội, cũng như trong đời sống đức tin và ơn gọi, sự phân cấp là không thể không có, Đức Giê-su không phá bỏ, nhưng thay đổi những tương quan này ở chiều sâu. Chẳng hạn, Ngài nói, chúng ta chỉ có một Cha và một Thầy, còn chúng ta đều là anh chị em của nhau. Thực vậy, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Ki-tô phục sinh làm cho chúng ta trở nên Con của Cha, giống như Ngài là Con của Cha, trở nên “anh chị em” của ngài và “anh chị em” của nhau, vì tất cả chúng ta đều có cùng một Cha. Điều này có nghĩa là, cho dù chúng ta xưng hô như thế nào, tương quan ruột thịt như thế nào, chúng ta đều được mời gọi sống tình “huynh đệ” dưới mắt Chúa Cha và theo gương Đức Giê-su.
Như thế, tuy có sự khác biệt, chúng ta được mời gọi sống không phân biệt, vì tình yêu dâng hiến Đức Ki-tô dành cho từng người chúng ta; như thánh Phaolô nói: trong Đức Ki-tô, không còn phân biệt Do thái hay Hy lạp, đàn ông hay phụ nữ, tự do hay nô lệ. Nghĩa là, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông “huynh đệ” để làm chứng cho Tin Mừng của Đức Ki-tô, như chính Ngài muốn hiệp thông trọn vẹn với chúng ta:
Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy,
và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. (c. 20)
Lời này của Đức Giêsu diễn tả sự hiệp thông trọn vẹn giữa môn đệ, Thầy và Cha. Sự hiệp thông này là kết quả của cử chỉ rửa chân nhiệm mầu, và cũng là kết quả của nhiệm tích Thánh Thể. Đó là chính là mối phúc mà Đức Ki-tô muốn ban tặng nhưng không cho chúng ta.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: TÌNH YÊU CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cúi mình xuống rửa chân cho tất cả các môn đệ. Chúa yêu thương và mong muốn được phục vụ tất cả mọi người, không chỉ đối với Gio-an là môn đệ được yêu nhất, nhưng mà cho cả Giu-đa, kẻ sẽ nộp Người. Tình thương của Chúa thật bao la, không phân biệt, không biên giới.
Giu-đa đã “chia cơm sẻ bánh” với Chúa Giê-su nhưng chính ông lại “giơ gót đạp” Ngài. Chúa đã coi ông là bạn hữu và chẳng lẽ Ngài lại muốn chọn một người bạn để trở thành kẻ bán đứng mình. Chúa biết rõ mọi sự nhưng sao Chúa vẫn chọn Giu-đa. Chúa biết ông sẽ phản bội, nhưng Chúa vẫn yêu và không muốn bỏ rơi ông. Chúa để cho ông có cơ hội sửa đổi và Chúa tôn trọng quyết định cuối cùng của ông. Dù việc phản bội sẽ làm cho Chúa “cảm thấy tâm thần xao xuyến” (Ga 13,21), nhưng Ngài chấp nhận mang lấy nỗi đau đó trên mình bởi vì Ngài đến để gánh thay mọi tội lỗi của con người. Không ai sẽ bị loại ra ngoài và Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa đến trần gian để phục vụ tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù. Đây chính là chương trình yêu thương mà Thiên Chúa Cha đã tiền định từ đời đời (x. Cv 2,23) và có lẽ điều này giúp chúng ta hiểu rằng tại sao việc phản bội của Giu-đa lại ứng nghiệm Lời Kinh Thánh.
Nghĩ đến Giu-đa, người đã đồng bàn ăn với Đức Giê-su, mỗi chúng ta cũng được mời gọi nghĩ về chính mình. Mỗi lần chúng ta phạm tội, thì chúng ta cũng đâu có xứng đáng tham dự bàn tiệc Mình Máu Chúa. Mỗi lần chúng ta sa ngã, chúng ta chẳng phải đang phản bội chính Ngài? Giờ đây, nghĩ đến Giu-đa, nghĩ đến yếu đuối của bản thân, nhưng chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu thương vô bờ bến của Chúa luôn dành cho chúng ta. Phản bội, tội lỗi là những hành động làm cho Chúa buồn nhưng chúng ta luôn tin tưởng và hy vọng vào lòng nhân từ của Chúa.
Cảm nhận được tình yêu của Chúa Giê-su trong cuộc đời và chúng ta hãy ra đi để phục vụ tất cả anh chị em xung quanh với tình yêu. Ngay từ lúc này, chúng ta đang là những người được sai đi để trở thành chứng nhân cho Chúa trong cuộc đời trần thế. Xin Ngài luôn đồng hành cùng chúng ta. Amen.
Lm. Gioan Trần Văn Viện
SUY NIỆM: TÌNH YÊU PHỤC VỤ
Công Đồng Vatican II Khẳng định “Tự bản chất Giáo Hội là truyền giáo”. Tất cả mọi người Kitô hữu được mời gọi sống và làm chứng cho Tin Mừng cách sống động trong sự hy sinh phục vụ.
Trong bài Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, Chúa Giêsu đã xoá bỏ khoảng cách địa vị chủ – tớ mà hạ mình xuống rửa chân cho các môn đệ, một cử chỉ yêu thương phục vụ trọn tình vẹn nghĩa. Đây thật sự là một bài học cho tất cả chúng ta là những môn đệ của Ngài. Chúng ta được mời gọi hãy bắt chước hành động của Chúa Giêsu, hạ mình phục vụ anh em mình trong yêu thương. Chỉ khi chúng ta phục vụ trong yêu thương, chúng ta mới có thể khiêm tốn hạ mình xuống để làm với tất cả niềm vui và sự tận tình.
Trong đời sống thực tại, con người dường như đã đánh mất sự tận tâm phục vụ cách vô vị lợi. Mỗi khi làm việc gì, người ta suy nghĩ, tính toán xem việc này có lợi cho mình hay không hoặc làm việc gì cũng đều dựa trên hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cho bản thân, gia đình.
Lạy Chúa Giêsu là Vua tình yêu, xin hãy thánh hóa chúng con mỗi ngày để chúng con có thể noi gương Chúa mà sống tình yêu thương phục vụ trong đời sống hằng ngày cách tốt đẹp theo tinh thần Tin Mừng.
Tu sĩ Phaolô A Hóa, SVD
SUY NIỆM:
“Thật, thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người thầy sai đến là đón tiếp thầy, và ai đón tiếp thầy là đón tiếp Đấng đã sai thầy”…
Đọc Tin mừng, có lẽ chúng ta bắt gặp đâu đó hình ảnh của những người, những gia đình đón tiếp Chúa Giêsu, như hình ảnh ông Giakêu, gia đình chị em Mátta và Maria…
Nói đến đón tiếp những người được Chúa sai đến có lẽ ít nhiều mỗi người chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được. Cụ thể là đón tiếp các linh mục, những người được thánh hiến… người Công giáo tại Việt Nam thì quá tuyệt vời. Tuy nhiên, cách thức chúng ta đón tiếp những người này với thái độ như thế nào? Và họ đến với chúng ta như những người được Chúa sai đến hay không?
Bên cạnh đó, chúng ta có biết lắng nghe và đón nhận những điều đem lại lợi ích phần xác cũng như phần hồn khi được linh mục, những người được Giáo hội gửi họ đến với chúng ta không?
Cụ thể tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật, chúng ta có thái độ chuẩn bị tham dự thánh lễ một cách nghiêm túc chưa? Biết lắng nghe và thực hiện lời những người có thánh chức thay mặt Chúa để hướng dẫn đoàn dân tham dự thánh lễ tích cực không? Biết lắng nghe và đón nhận lời mời gọi của linh mục về việc lãnh nhận bí tích nhất là bí tích Giải tội không? Nếu chúng ta từ chối những người được Chúa trao phó, một cách nào đó chúng ta đang chối từ đón tiếp Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin mở cho chúng con đôi tai biết lắng nghe, đôi mắt biết nhìn thấy và trái tim nhạy cảm. Để mỗi ngày sống chúng con biết lắng nghe và đón nhận những Lời Chúa dạy, biết nhìn và nhận ra những người Chúa gửi đến với chúng con. Và có trái tim tràn đầy tình yêu như tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con để chúng con cũng biết chia sẻ tình yêu đó cho những người Chúa gửi đến với chúng con. Amen.
Nguồn: Giáo phận Phú Cường
SUY NIỆM: CỦNG CỐ ĐỨC TIN
Ðó là những lời Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ vào lúc khởi đầu cuộc khổ nạn của Ngài, loan báo tương lai cuộc sống của các tông đồ sẽ như thế nào. Nhưng tại sao Giáo Hội lại chọn để chúng ta suy niệm đoạn Phúc Âm này trong những ngày của mùa phụng vụ Phục Sinh? Những gì đã xảy ra đúng theo như lời Kinh Thánh và theo lời loan báo trước của Chúa, nhằm củng cố các tông đồ và cả chúng ta ngày hôm nay trong đức tin vào Chúa. Tin Chúa là Thiên Chúa, là Ðấng Hằng Hữu, là Ðấng Ta Là, “Ta bảo các con điều đó ngay từ bây giờ, trước khi sự việc xảy ra để đến khi sự việc xảy ra, các con tin Ta là Ðấng Hằng Hữu, là Thiên Chúa”.
Bản văn Phúc Âm thánh Gioan dùng từ “Ta là Ðấng Ta Là”, từ dùng để chỉ chính Giavê Thiên Chúa. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu, các tông đồ và mỗi người chúng ta được mời gọi suy niệm những lời Chúa Giêsu có liên quan đến vận mệnh tương lai của những ai làm đồ đệ Chúa. Trước hết là hồng ân được Chúa sai đi, được đại diện cho Ngài “Ai đón rước kẻ Ta sai là đón rước Ta và ai đón rước Ta là đón rước Ðấng đã sai Ta”. Ðó là chiều dọc từ con người lên cùng Thiên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô. Mọi đồ đệ của Chúa cần phải duy trì trọn vẹn chiều dọc này. Ðây là hồng ân Chúa ban cho những con người Chúa chọn làm kẻ đại diện của Ngài, mang sứ điệp của Ngài đến cho anh chị em khác và hồng ân này có thể bị mất đi do chính quyết định tự do của con người như trường hợp của Giuđa ngày xưa, người môn đệ phản Thầy, “Ta biết những kẻ Ta đã chọn, kẻ ăn bánh cùng Ta đã giơ gót chân đạp Ta”.
Lời cảnh tỉnh của Chúa thôi thúc mỗi người chúng ta xét lại cuộc sống làm đồ đệ theo Chúa của mình đang ở mức độ nào. Chúng ta sẽ làm đại diện cho Chúa một cách hữu hiệu hơn nếu chúng ta trở nên giống Chúa hơn và chia sẻ vận mệnh của Chúa: “Tôi tớ không hơn chủ; kẻ bị sai đi không trọng hơn người sai họ”. Chúa đã đi qua con đường thập giá, thì đồ đệ của Ngài chắc chắn cũng sẽ đi qua con đường này. Hơn nữa, cám dỗ phản bội Chúa như Giuđa ngày xưa luôn là cám dỗ thường hằng của mọi môn đệ Chúa cả ngày hôm nay. Chúng ta hãy tỉnh thức đề phòng.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho con ơn can đảm theo Chúa cho đến cùng trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)