Một Ngày Mới – SN Chúa Nhật V TN, năm B

Thứ ba - 02/02/2021 21:35

Một Ngày Mới – SN Chúa Nhật V TN, năm B

 

Ngày ra mắt tại hội đường ở Caphanaum, Chúa Giêsu đã biểu lộ uy quyền trong lời giảng dạy và chứng tỏ quyền năng trong việc chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ. Sau đó, ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu đi về nhà ông Simon. Ở đây, bà mẹ vợ ông Simon đang bị cơn sốt nên nằm liệt giường. Lập tức họ nói cho Ngài biết tình trạng của bà. “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Cách xử sự của Chúa Giêsu hoàn toàn khác khi đuổi thần ô uế; Ngài ân cần “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Hiệu quả tức khắc: “cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Uy quyền của Chúa Giêsu không chỉ biểu lộ trong hội đường mà ngay trong nhà, không chỉ đuổi thần ô uế mà xua tan được cả cơn sốt.

Tiếng vang truyền đi rất nhanh. Đoạn kết Tin Mừng tuần trước: “lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê”.Vì thế “người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai”.

Chúa Giêsu như bị cả một đoàn người đau thương và bần khốn vây quanh; họ đặt niềm hy vọng nơi Ngài. Và Ngài đã ra tay giúp đỡ.Vì thế, dân chúng muốn giữ Ngài lại để luôn luôn họ có sự trợ giúp của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu không để cho người ta cầm giữ lại. Ngài biết rằng nhiệm vụ của mình không phải là trợ giúp thường xuyên dân Caphácnaum, nhưng là loan báo trong toàn miền Galilê rằng Triều Đại Thiên Chúa đã gần kề.

1. Một Ngày Mới

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó”.

Bắt đầu một ngày mới. Ưu tiên số một của Chúa Giêsu là cầu nguyện, sau đó là công việc rao giảng và chữa lành bệnh tật cho dân chúng. Đó là khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh trong nhịp sống thường ngày.

a. Cầu nguyện:

“Sáng sớm, Chúa Giêsu tìm nơi thanh vắng cầu nguyện”. Suốt ngày lo toan với bao nhiêu là công việc, tiếp xúc đủ thứ hạng người, Chúa Giêsu dành buổi sáng tinh mơ để tâm sự trao đổi với Cha. Cầu nguyện là nhu cầu thật sự của Chúa Giêsu. Ngài cần có thời gian sống riêng tư một mình. Ngài cần sống bên Cha, tâm sự về gánh nặng công việc, về nỗi đau khổ của loài người, về cuộc chiến chống Satan. Ngài thấy mình cần được Cha cảm thông và nâng đỡ, cần ánh sáng và nghị lực để làm tròn sứ mạng. Ngài cầu nguyện vì yêu mến, khao khát được kết hiệp với Cha. Một ngày mới khởi đầu như thế để múc nguồn sức mạnh cho hoạt động truyền giáo.

b. Rao giảng

Việc quan trọng thứ hai là rao giảng Tin mừng “Ngày Sabát, Chúa Giêsu vào hội đường giảng dạy” (1,21). Người  đọc Sách Thánh và giải nghĩa: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền” (1,22). Cả phương pháp và bầu khí giảng dạy của Ngài đều như một sự mạc khải mới mẻ. Chúa giảng với một uy quyền vượt xa các luật sĩ kinh sư thời đó. Chúa giảng như Đấng có thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao. Chúa hoàn toàn độc lập khi giảng dạy. Ngài không trích dẫn, không dựa vào thế giá một chuyên viên nào. Vì thế, giáo lý của Chúa mới mẻ, người nghe đón nhận như luồng gió mát dịu từ thiên đàng thổi tới, lòng người cảm mến hân hoan, tâm hồn rộng mở hướng về trời cao với Chúa Cha.

c. Chữa lành thể xác tâm hồn.

Lời giảng dạy thể hiện bằng hành vi yêu thương. Lời nói đi đôi với việc làm. Đó chính là yếu tố làm cho lời nói có sức thuyết phục: “Ra khỏi hội đường, Chúa Giêsu vào nhà ông Simon… Bà nhạc của ông Simon đang bị sốt. Chúa Giêsu đến bên giường, cầm tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài”. Chúa Giêsu làm một cử chỉ thân ái là cầm lấy tay bà và nâng dậy, như có lần Người cầm tay đứa con gái ông trưởng hội đường, một cô bé mười hai tuổi đã chết lại đứng dậy được (Mc 5,41), lần khác Người cầm tay cậu bé bị động kinh nằm trên đất, nâng cậu dậy và cho cậu đứng lên (Mc 9,27).

“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người”. Căn nhà ông Simon nhỏ hẹp, các bệnh nhân phải đứng thành nhiều vòng bên ngoài chờ đợi đến lượt mình. Tất cả đều được Chúa chữa lành.

Tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca cũng có cùng một cảm nghiệm đó khi nói: “Chính Người chữa những kẻ dập nát tâm can, và băng bó vết thương tâm của họ”. Thánh Phêrô trong sách Công vụ Tông đồ cũng đã làm chứng: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,38).

Bệnh tật đeo đuổi con người như hình với bóng. Người ta tìm ra phương cách chữa được bệnh này thì bệnh khác lại xuất hiện. Càng ngày nhiều căn bệnh mới càng khó trị và bất trị cho dù y học hiện đại tiến bộ vượt bậc. Chúa Giêsu đụng chạm đến biển khổ của nhân loại. Ngài không mong múc cạn, chỉ mong làm vơi đi, chỉ mong cùng chia sẻ và ban cho nó một ý nghĩa.

2. Chúa Giêsu tiếp tục lên đường

Sau một ngày thành công tại Capharnaum với việc giảng dạy, chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ, Chúa Giêsu nhận được sự khen ngợi và kinh ngạc của dân thành. Người ta muốn giữ Chúa Giêsu lại cho họ. Thế nhưng Ngài phải lên đường để tiếp tục sứ vụ theo thánh ý Cha: “Hãy  đi  đến những làng, những thành lân cận”. Đây mới là trọng tâm của sứ mạng. Ngài đến không phải để tìm thành công mà để rao giảng Tin Mừng. Ngài không chỉ đến lo cho một số người, mà cho mọi người. Ngài thuộc về mọi người không trừ ai. Chúa Giêsu biết rằng nhiều nơi khác cũng đang rất cần sự hiện diện yêu thương của Ngài. Như thế, tình thương bao giờ cũng là sự thúc đẩy lên đường và biết mở rộng con tim cho hết mọi người mà không dừng lại ở những vinh quang ca tụng. Do đó, không ai được quyền chiếm hữu và giữ riêng Chúa Giêsu, nhưng có sứ mạng đem Chúa đến cho mọi người.

3. “Cầu nguyện thế nào thì sống như vậy”

Khởi đầu ngày mới bằng cầu nguyện, Chúa Giêsu tìm kiếm và nhận ra thánh ý Chúa Cha muốn gì cho đời sống hoạt động tông đồ của mình. Ngài nhận ra con đường mà Chúa Cha muốn Ngài đi và những công việc mà Chúa Cha muốn Ngài thực hiện. Chính qua việc cầu nguyện, gặp gỡ với Chúa Cha, Chúa Giêsu như tiếp thêm năng lượng cho sứ vụ. Kết thúc một ngày làm việc bằng cầu nguyện, Chúa Giêsu lại đặt trọn công việc đã làm và cả ngày sống của mình cho Thiên Chúa Cha.

Một ngày sống của Chúa Giêsu đầy ắp những hoạt động vì con người, nhưng cũng không thiếu những phút giây sâu lắng bên Chúa Cha. Hoạt động và cầu nguyện là hai nhịp luôn đong đưa, hòa quyện, làm thành cuộc sống sung mãn của Chúa Giêsu nơi thế trần. Một ngày làm việc của Ngài với bao vất vả, nhọc nhằn nhưng lại làm vơi đi đau khổ và đem niềm vui đến cho nhiều người. Theo gương Chúa Giêsu, mỗi người Kitô hữu cũng được mời gọi hãy biết sử dụng thời gian sống của mình cách hữu ích cho bản thân qua việc gắn bó với Chúa, dành thời gian cầu nguyện với Chúa; đó là động lực để thúc đẩy chúng ta dùng thời gian có ích cho tha nhân bằng đời sống yêu thương và phục vụ.

Một ngày mới của Chúa Giêsu đều đầy ắp niềm vui cầu nguyện và hoạt động. Đó chính là khuôn mẫu cho mọi tín hữu.Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu nói đến đời sống cầu nguyện và hoạt động của mọi tín hữu: Muốn có một đời sống Kitô hữu đích thực, mọi người cần xác tín rằng: việc truyền giáo vừa là một hoạt động có chiêm niệm, vừa là một chiêm niệm có hoạt động (số 23). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo xác định: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725).

Các phóng viên rất thắc mắc tại sao Mẹ thánh Têrêsa Calcutta lại có thể làm được những việc mà nhiều người khác không thể làm được ? Ngay từ sáng sớm cho đến chiều tối, có những ngày quên ăn quên ngủ, Mẹ Têrêsa cùng với các chị em trong Dòng đã đi khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố Calcutta để tìm kiếm những người đau yếu, bệnh tật, bị bỏ rơi. Có nhiều lần Mẹ đem về nhà những người nằm dưới cống hoặc bị bỏ bê lâu ngày hôi thối, bẩn thỉu, bị mọi người tránh xa. Mẹ ôm những người ấy vào lòng, đem về đặt trên giường của mình để săn sóc. Mẹ giải thích : Vì tôi muốn họ được chết như một con người chứ không như con vật. Khi được hỏi tại sao Mẹ và các chị em của mẹ có thể làm được như thế ? Mẹ trả lời : Một ngày của chúng tôi được bắt đầu từ Thánh lễ. Chính từ Thánh Thể, chúng tôi có nguồn sức mạnh và có nguồn năng lượng cho một ngày làm việc. Các chị em trong Dòng chúng tôi mỗi ngày có ít nhất một giờ bên Thánh Thể Chúa, đó là sức mạnh cho chúng tôi. Cuộc sống thiêng liêng của người tín hữu cần phải được thường xuyên nạp năng lượng thì mới có thể sống và hoạt động tốt được.

Một ngày sống khởi đầu với kinh nguyện, thánh lễ, chúng ta được gia tăng lòng Tin Cậy Mến, nhờ đó mà nhiệt thành làm mọi việc trong ngày sáng danh Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây