NGƯỜI CỦA ƠN THÁNH HÓA
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu theo niên lịch Công Giáo được chọn là “ngày thế giới xin ơn thánh hóa linh mục”. Đây là một đề xuất quan trọng qua đó Giáo Hội vận động giáo dân cầu nguyện cho hàng giáo sĩ, nhất là nhắc nhở linh mục về bổn phận hàng đầu là phải luôn gắn bó với ơn thánh hóa, khởi đi từ bí tích Truyền chức thánh và hằng sinh động qua tác vụ thánh cử hành mỗi ngày đối với phần dân Chúa được trao phó cho mình cũng như đối với toàn thể Giáo Hội.
1. Linh mục tự bản chất sống bởi ơn thánh hóa
“Để là hòn đất, cất lên là bụt”. Hơn ai hết, linh mục ý thức rất rõ phận mình bình thường cũng giống như mọi người xuất thân từ bụi đất kiếp phàm nhân, nhưng nhờ tình thương Chúa chạm đến mình mới được cất lên vị thế của ngày hôm nay; nhờ ơn thánh hóa của Chúa mình mới được trở thành linh mục như bây giờ. Chẳng ai sinh ra đã là linh mục và cũng chẳng ai có thể chiếm đoạt được chức linh mục “nếu từ trên không ban cho”. Chức linh mục do được trao ban, nên linh mục có mặt là hoàn toàn bởi ơn thánh Chúa, thể hiện qua việc đặt tay của giám mục trong bí tích Truyền chức thánh. Phép lạ của ơn thánh hóa là đây và điều kỳ diệu của bí tích Truyền chức thánh cũng là đây. Người ta được ơn Chúa thánh hóa để trở nên linh mục - người dành riêng để làm việc cho Chúa. Chả thế mà truyền thống Giáo Hội vẫn coi linh mục là “người của Chúa” hay “như phiên bản của Chúa Kitô”. Trong Phúc Âm thứ tư, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho các môn đệ bằng lời kinh hôm nay được áp dung cho các linh mục: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 17-19).
Việc thánh hóa cách khách quan bởi ơn Chúa đã hoàn tất trong bí tích Truyền chức, nhưng cách chủ quan do cá nhân mỗi linh mục còn là một quá trình kéo dài suốt cuộc sống. Để được thánh hóa trọn vẹn, linh mục cũng phải góp phần với ơn thánh Chúa bằng nỗ lực thánh hóa bản thân hằng ngày, hoặc chí ít bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để ơn thánh hóa có thể phát huy tác dụng tích cực trong đời.
2. Linh mục phải gắn bó với ơn thánh hóa
Nếu từ góc độ chức thánh, linh mục hiện hữu và sống bởi ơn thánh hóa, thì trong góc độ tác vụ, linh mục cũng phải không ngừng gắn bó mật thiết với nguồn mạch thánh thiện của nhiệm vụ mình thực hiện trong đời, cách riêng ba nhiệm vụ lãnh đạo, giảng dạy và thánh hóa. Nhiệm vụ lãnh đạo trong Giáo Hội khác với ngoài xã hội, không dừng lại nơi một số kỹ năng mà phải đạt tới nguồn ơn thánh hóa, bởi lẽ người ta không lãnh đạo đoàn chiên của riêng mình mà là đoàn chiên của Chúa vốn cần đến thực phẩm bổ dưỡng là chính đồng cỏ dồi dào nguồn ơn của Chúa. Nhiệm vụ giảng dạy cũng vậy, không chỉ là thông truyền kiến thức giúp mở mang trí tuệ kiểu giáo dục nơi trường ốc, mà còn hơn thế nữa phải khai lối cho người ta đến gặp gỡ Chúa Kitô là “đường đi, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Khỏi phải nói, nhiệm vụ thánh hóa có một vị trí riêng như là chóp đỉnh các nhiệm vụ khác, vì chi phối toàn bộ đời sống linh mục và cũng vì liên quan trực tiếp đến ơn thánh hóa cho mình và đến tác vụ thánh hóa người khác.
Thật vậy, được nhìn như người phân phát các mầu nhiệm thánh, đúng như danh xưng sacerdos (sacer = thánh + dare = cho) là người cho đi sự thánh, thì linh mục làm sao có thể chu toàn nhiệm vụ đời mình nếu không gắn bó với nguồn ơn thánh hóa? Không ai có thể cho đi điều mình không có; cũng vậy, linh mục không thể phân phát thỏa đáng ơn thánh hóa nếu chính mình không kinh nghiệm tiếp mạch dồi dào từ nguồn ơn thánh của Chúa. Đây là hướng đi thuộc về lẽ công bình: linh mục đã nhận được ơn thánh hóa cách “nhưng không” từ bí tích Truyền chức thánh, thì cũng phải phân phát đi cách “nhưng không” trong tác vụ đời mình.
3. Linh mục luôn cần đến ơn thánh hóa
Sống và hoạt động trong ơn thánh, tất nhiên linh mục lúc nào cũng cần đến ơn thánh hóa; nhưng hoàn cảnh hiện nay xem ra lại càng khẩn thiết hơn. Trong Thư gửi các linh mục dịp lễ Thánh Tâm ngày 15.06.2012, Bộ Giáo Sĩ đã chẳng ngại để nói ra: có những linh mục phản bội lại ân sủng lãnh nhận ngày thụ phong, làm xấu đi hình ảnh linh mục trước mắt thế giới và gieo bóng tối ngờ vực lên đời sống của các anh em linh mục khác. Mặt chữ gọn lỏn là thế, nhưng thực tế dường như còn tệ hại hơn. Thường khi chỉ như mưa giông rải rác một vài nơi, nhưng có khi lại biến thành bão lớn gây thiệt hại nhãn tiền. Tính khả tín của Giáo Hội đã bị đặt thành vấn đề. Đời sống linh mục đang gặp khủng hoảng và xét cho cùng ở đây là khủng hoảng về việc nên thánh vốn đi liền với hồng ân và trách nhiệm, đến đời sống và sứ vụ đời linh mục.
Giáo Hội không thiếu linh mục, chỉ thiếu những linh mục thánh thiện, thành thử điều khẩn thiết mỗi linh mục phải thực hiện ngay, theo đề nghị của Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Thư ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm 2002, là phải “ôm lấy mầu nhiệm Thánh Giá mà bước trên đường thánh đức”, nghĩa là tái khởi hành từ Đức Kitô, mong làm mới lại con người và vận mệnh đời linh mục trong nguồn ơn thánh hóa. Nên thánh là bổn phận chung cho mọi tín hữu, nhưng cách riêng cho linh mục vốn là thừa tác viên của ơn thánh hóa. Linh mục không thể nên thánh nếu không giúp anh chị em mình nên thánh, mà không thể giúp anh chị em mình nên thánh được, nếu trước hết không nỗ lực thánh hóa chính mình. “Để phục vụ Giáo Hội và thế giới, linh mục phải là thánh!” (Thư Bộ Giáo Sĩ gửi linh mục năm 2012).
Tóm lại, không phải tình cờ ngày thế giới xin ơn thánh hóa linh mục lại rơi vào ngày lễ Thánh Tâm, mà khởi đi từ lựa chọn muốn linh mục hướng nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu bị đâm thâu trên Thánh Giá, để tìm lại sức mạnh thánh hóa ở tận suối nguồn, cũng như tìm gặp lại mẫu gương yêu thương thánh hiến từ những giọt máu và nước cuối cùng chảy ra, mong được tắm gội mà trở nên con người mới hồng hào trong ơn thánh.
Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn mạch ơn thánh, xin thương thánh hóa các linh mục, cho các ngài luôn kiên trì theo Chúa trên đường thánh đức, để đem lại hoa trái dồi dào trên đời sống thiêng liêng của dân Chúa. Amen.
GM GIUSE VŨ DUY THỐNG