YÊU THƯƠNG
Báo liên lạc số 63 - tháng 4-2014
Phụng vụ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, ngoài yếu tố tưởng niệm việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, còn là một minh họa sống động cho giới răn cao trọng nhất, cũng là giới răn mới gửi đến tất cả môn đệ hôm qua trực tiếp bên Chúa Giêsu, cũng như đến toàn thể Giáo Hội hôm nay đã xa Người trên 20 thế kỷ. Đó là giới luật yêu thương, giới luật đặc trưng của cộng đoàn Kitô giáo, giới luật đặc thù của môn đệ Chúa Giêsu. Nhưng yêu thương là một hành vi xưa như trái đất, mang nhiều hàm nghĩa khá dị biệt, từ mênh mông rộng rãi như yêu thương vạn vật, môi trường, cuộc sống, đến tập trung hơn như yêu thương tha nhân, đồng loại, đồng bào, và cũng có thể thu gọn hơn nữa như yêu thương người cùng khổ, người tội lỗi, kẻ thù nghịch… Khi Chúa Giêsu công bố giới luật yêu thương, Người cũng nêu gương thực hiện giới luật ấy để ta thấy sáng lên tình yêu cứu độ và gặp được những điểm nhấn mà bắt chước thực hành.
1. Yêu thương là hiến mình
Dù chẳng phải là người công giáo, khi nói đến yêu thương, thường người ta nghĩ ngay đến việc trao tặng, như “ngày tình nhân”, những người yêu nhau tặng nhau những bông hồng, hay như “ngày người mẹ”, những người con tặng mẹ mình một món quà. Yêu thương là cho đi, từ đơn giản như cho đi một tặng vật đến gắn bó như cho đi một phần đời, và cao đẹp hơn cả là cho đi chính bản thân mình. Trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã “yêu thương đến cùng” là tự nguyện cho đi chính xác thể mình, hiến dâng chính mạng sống mình, ban tặng chính thịt máu mình để trở thành của ăn thức uống nuôi sống nhân loại trên đường lữ thứ trần gian. Nếu sinh thời Chúa Giêsu đã có lần khẳng định “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13), thì nơi bí tích Thánh Thể, Người đã để lại một tình yêu vĩ đại khôn tả, hiến mình, một mình chịu chết để đem lại ơn cứu độ cho cả thế giới.
Yêu thương về mặt nhân sinh thắm thiết lắm cũng chỉ là “chết ở trong lòng một ít” còn về mặt giáo lý công giáo, không thể nói đến niềm tin nếu không có yêu thương, và không thể nói đến yêu thương khi không biết đến việc hiến mình. Yêu là đóng đinh ý riêng cho ý Chúa được triển nở. Yêu là dám hy sinh sức khỏe, thời giờ, tiền của, công sức, khả năng riêng mình để vun bồi cho công trình chung hay cho những người đang cần đến sự nâng đỡ, giúp đỡ hoặc bênh đỡ của mình mà vượt qua nỗi khó khăn trong cuộc sống hay trong lòng tin.
2. Yêu thương là phục vụ
Trong lễ chiều Thứ Năm Tuần Thánh có nghi thức rửa chân vốn là tái diễn hành vi yêu thương của Chúa Giêsu năm xưa trong đêm bị trao nộp, nhưng ý nghĩa đậm sâu bên trong lại là một thái cử phục vụ tận tình. Rửa chân cho thực khách theo tập tục do thái chỉ là công việc của con ăn người ở, kẻ hầu người hạ, chủ nhà có bao giờ phải làm công việc này, thế mà Chúa Giêsu vốn là Chúa và là Thầy lại cúi mình tự hạ như phận tôi đòi để rửa chân cho các môn đệ, bất kể trong số đó có người sẽ phản bội bán mình lấy 30 đồng bạc, sẽ phũ phàng chối mình trước mặt đứa đầy tớ gái, sẽ lẳng lặng bỏ mình cô độc trên đường thánh giá. Nếu yêu thương mà còn dùng dằng tách bạch phân loại đối tượng thì chắc chắn đó không phải là phục vụ. Đàng này, Chúa Giêsu dù biết rõ các môn đệ từng người như đi guốc trong bụng họ, nhưng Người chỉ có một tâm tình duy nhất dành cho tất cả: cúi xuống từng ông và lấy nước rửa chân từng người, không phân biệt đối xử, cũng chẳng loại trừ. Yêu thương ở đây rõ ràng là phục vụ thực sự trong khiêm tốn.
Có thể ví hiến mình và phục vụ là hai động thái bổ sung để làm nên một hành vi yêu thương công giáo. Hiến mình mà không nhằm phục vụ Chúa hay tha nhân chỉ là một động thái thừa, còn phục vụ mà thiếu hiến mình lại chỉ còn là một công việc thuần túy chấm công hoặc ăn lương quy định. Nhưng khi hiến mình đi cùng phục vụ theo gương Chúa và nhân danh Chúa sẽ trở nên “cặp đôi hoàn hảo” có khả năng diễn tả tình yêu Kitô giáo một cách đẹp đẽ và đầy đủ.
3. Yêu thương là nêu gương
Tất nhiên, yêu thương Kitô giáo chẳng bao giờ nhằm phô trương công đức, cũng chẳng loa kèn cho rộn rã tiếng vang, mà thường khi rất âm thầm chỉ một mình Chúa biết là quá đủ, còn dư luận xung quanh nếu có đều là phụ tùy, đến sau, không thêm bớt gì cho hành vi đã thực hiện. Tuy nhiên, theo định luật bình thường “hữu xạ tự nhiên hương” kiểu “tiếng lành đồn xa” hoặc theo Phúc Âm “đèn đã thắp phải đặt trên giá”, thì yêu thương theo bước Chúa Kitô trải qua bao thời đã trở nên gương sáng cho nhiều người biết đến, để nhận biết và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Chúa Giêsu đã có lần minh nhiên nói: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13,35). Yêu thương bằng hiến mình phục vụ như thế đã trở thành phù hiệu sống động của người môn đệ Chúa Kitô.
Chân lý trừu tượng thì cần phải dẫn giải nhiều mới lãnh hội được, còn chân lý yêu thương dù sâu lắng vẫn có nét cụ thể để tỏ ra. Cha Gaspar d’Amaral trong phúc trình ngày 31.12.1632 gửi cha André Palmeiro ở Macao cho biết: sau 5 năm truyền giáo tại Thăng Long (Hà Nội), số giáo dân đã lên tới 5.000, họ sống chan hòa đoàn kết thắm thiết yêu thương đến nỗi lương dân lấy làm lạ, không biết đạo những người này theo là gì, nên đồn thổi là “Đạo Yêu Nhau”. Quả là một ghi nhận tuyệt vời, vừa khách quan mang tính lịch sử, vừa đơn giản cho thấy yêu thương là một ngôn ngữ dễ cảm và đúng là dấu hiệu tỏ lộ dáng đứng của người môn đệ Chúa Kitô.
Tóm lại, ba khía cạnh “hiến mình, phục vụ và nêu gương” trong hành vi yêu thương cũng là ba điểm nhấn của giới luật mới muốn được chia sẻ với cộng đoàn chiều Thứ Năm Tuần Thánh. Yêu thương: hành vi thì xưa rồi, nhưng tâm tình thì luôn luôn mới, nhất là khi gắn bó với Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể và theo gương Người năm xưa đã rửa chân cho các môn đệ. Xin cho mỗi người chúng ta sau khi tham dự các nghi thức thánh lễ Tiệc Ly cũng quyết tâm thực hiện những hành vi yêu thương, đơn sơ và nhẹ nhàng thôi, trong gia đình, nơi khu xóm; giữa giáo xứ, đối với những người quen biết hay đối với những kẻ xa lạ: hy sinh một chút, phục vụ một chút, để sáng lên một chút hình ảnh người môn đệ Chúa Kitô.
Tờ Tin nhanh VN chiều thứ Năm Tuần Thánh 2013 nhắc đến tên tuổi bác sĩ Carlo Urbani, người Ý, nhân dịp kỷ niệm ngày mất lần thứ 10, với tựa đề trân trọng “Người bác sĩ đã chết để nhân loại được sống”. Ông chết tại VN vì căn bệnh ông đang nỗ lực đẩy lùi: hội chứng hô hấp cấp nặng, tức là bệnh SARS. Không sợ đến gần bệnh nhân, ông đã bị lây nhiễm và bị mất mạng trong sứ mạng cứu người. Nếu bác sĩ Carlo là tấm gương về lòng yêu thương hiến mình phục vụ của 10 năm trước, thì hôm nay đến phiên, chúng ta cũng cố gắng để lại những dấu chứng yêu thương: yêu như Chúa yêu và yêu người như yêu Chúa.
+GM Giuse Vũ Duy Thống
Nguồn tin: gpphanthiet.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn