CARITAS PHAN THIẾT TỔ CHỨC GIAO LƯU HỌC HỎI GIỮA CÁC CỘNG ĐỒNG PLD (PEOPLE LED DEVELOPMENT)
Ngày 18 -19/5/ 2024, 28 thành viên đến từ 5 cộng đồng Caritas Phan Thiết thuộc các thôn Kalip, Sông Phan, Boon Thớp, Phan Lâm, Suối Máu đã đến thăm và giao lưu với cộng đồng thôn 2 Đưng K’ Nớ thuộc Caritas Đà Lạt.
Những chuyến đi giao lưu học hỏi giữa các cộng đồng là một hoạt động không thể thiếu trong chương trình Phát triển tự dân - PLD. Từ mong muốn của bà con người Raglay và K’ Ho là được đi giao lưu văn hóa với cộng đồng bạn người Cil tại Lâm Đồng, nhiều hoạt động đã được diễn ra với các nội dung sau:
Buổi giao lưu diễn ra trong bầu khí vui vẻ và thân tình. Sự khác biệt về bộ cồng chiêng: của Đưng K’ Nớ thì có sáu cái, bộ của Kalip thì thường là ba cái. Câu chuyện về việc khôi phục cồng chiêng tại Đưng K’ Nớ đã thu hút chúng tôi đi vào bối cảnh của những ngày đầu khi họ bắt tay vào việc “níu kéo” văn hóa truyền thống lại cho con cháu. Những người mẹ, người cha lo lắng khi chứng kiến từng bộ cồng chiêng trong làng bị bán cho người phương khác, tiếng cồng chiêng cũng hiếm khi xuất hiện và mất dần nơi núi rừng tây nguyên. Họ quyết tâm hình thành nhóm, góp tiền làm quỹ, tập luyện các điệu từ bộ cồng chiêng đi thuê của người hàng xóm. Các buổi tập thường xuyên diễn ra vào mỗi buổi tối hoặc cuối tuần. Đến nay, những người con đã tập và biết đánh, lớp cháu nhỏ cũng đã xin ông bà dạy cho. Họ chia sẻ về niềm vinh dự xen lẫn tự hào khi được xã mời biểu diễn để đón khách quý, đại diện xã đi thi ngày hội văn hóa các dân tộc tại huyện, cha xứ cho họ đánh cồng chiêng trong thánh lễ mỗi chiều chủ nhật.
Đó cũng là mong muốn – thao thức của bà con Kalip, bởi vì đã lâu lắm rồi tiếng cồng chiêng không còn vang lên trong thôn làng của họ nữa. Giới trẻ ngày nay chỉ biết đến các loại nhạc hiện đại như hiphop, Pop, Rock…và ít người quan tâm đến việc lưu giữ văn hóa của dân tộc mình. Những lo lắng ấy của cụ già làng, những người lớn tuổi trong thôn thật là đáng quý. Và hiện nay, bà con đã bắt đầu hành trình khôi phục văn hóa với bộ cồng chiêng mới mua, họ lo lắng giới trẻ sẽ không thích nhưng họ quyết tâm không để tiếng cồng chiêng im lặng mãi. Cứ tập, cứ biểu diễn để tiếng cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Raglay và hiện nay tiếng cồng chiêng lại vang lên trong bản làng sau bao nhiêu năm dài im tiếng.
Những bài đánh chào mừng khách, hỏi cưới… được hai nhóm biểu diễn và say sưa kể cho nhau nghe khi nhớ về không khí lễ hội ngày xưa từ thời ông bà. Một số bạn trẻ cũng nói lên kế hoạch sẽ về tập đánh và tập múa các điệu múa truyền thống ngay sau chuyến đi, như em Phạm Thị Úc Lon – một bạn trẻ thôn Kalip đã chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được nghe tiếng cồng chiêng, được tham gia múa xoan và có một cái gì đó rất linh thiêng trong lòng em và chắc chắn em sẽ mời gọi thêm các bạn trẻ trong làng tiếp nối các nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”.
Các bà mẹ chia sẻ về nguyên liệu và cách thức làm men rượu cần cho nhau. Men Kalip thì nhiều nguyên liệu nhưng cách làm thì đơn giản hơn, men Đưng K’ Nớ thì nguyên liệu đơn giản nhưng khi làm thì thêm khâu sàng gạo mịn. Cách làm và dụng cụ thì tương đồng nhau. Buổi chia sẻ mang đậm tình anh em khi mỗi người góp một tay vào việc cắt vò lá, giã gạo. Những câu hỏi cũng được đưa ra cho các mẹ là: có được dùng máy xay cho nhanh thay vì giã không? Có kiêng kị gì khi làm rượu cần ngon không? Làm sao biết chóe rượu nào ngọt, cay, chua?… Câu trả lời là không phải cứ làm là ngon, nhưng phải làm với niềm vui và cái tình cảm của mình. Ngay cả cối giã gạo làm men cũng chỉ để dành riêng cho việc làm men chứ không được sử dụng chung nhiều thứ… thì men mới cho ra rượu ngon.
Buổi chia sẻ kết thúc với việc tặng nhau những bánh men mới làm xong. Họ hẹn nhau mấy ngày nữa phải chụp hình và kể xem tình hình men thế nào, có gì phải cập nhật liền cho nhau. Và chắc chắn câu chuyện chưa kết thúc tại đây vì còn phải chờ cho đến khi men đã thành men ngon, phải nấu cơm làm thành rượu cần và đợi đến khi khui chóe rượu cần, uống và chia sẻ hương vị cho nhau nữa.
- Thợ săn ong chia sẻ về mật ong rừng
Các nông dân đến từ Sông Phan đem theo những chai mật ong đến giao lưu với tổ hợp tác Pơkao. Họ nghe nói về nhóm ong Pơkao do chính người dân hình thành nên họ đến đây để được trực tiếp hỏi về việc nhóm hình thành như thế nào, cách thức vận hành nhóm, làm sao để làm ra sản phẩm có các chứng nhận như hiện nay. Câu chuyện mong muốn làm ra sản phẩm đầu tiên của người Cil, sản phẩm mật ong rừng đảm bảo chất lượng đưa đến tay người tiêu dùng được các thành viên nhóm ong chia sẻ. Những khó khăn và thách thức mà nhóm Pơkao phải đối mặt và tìm cách vượt qua từ năm 2021 đến nay. Những lời động viên nhau hãy bắt đầu từ sự mong muốn, rủ thêm vài người bạn cùng làm, dám làm, khó khăn thì tìm đến nhân viên cộng đồng Caritas để được hỗ trợ và không được từ bỏ ước mơ khi gặp thử thách, vừa học vừa làm sẽ có sản phẩm đặc trưng của mình.
Phần chia sẻ về sự khác biệt loài ong, cách thu hoạch mật ong, màu sắc… được các thợ săn ong chia sẻ. Họ nếm thử mật và góp ý về cách thu mật bền vững.
Và bà con Sông Phan – những thợ săn mật ngọt đã được truyền cảm hứng, họ mong muốn sản phẩm mật ong rừng mang tên Sông Phan là sản phẩm đầu tiên của người Raglay tại vùng đất nắng nóng này. Ước mơ này thật giản dị nhưng cũng đầy thách thức đối với những con người hằng ngày“chân lấm tay bùn” “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.
Ngoài ba nội dung trên còn có buổi tối văn nghệ đơn sơ nhưng đậm nét truyền thống với điệu múa xoan và tiếng cồng chiêng. Hồn của tiếng cồng chiêng, như gắn kết mọi người tham gia hôm đó. Không phân biệt bạn là ai, đến từ đâu, tôn giáo nào… chỉ cần bạn hòa nhập vào vòng tròn múa xoan thì bạn đã là một phần của cộng đồng.
Chia tay cộng đồng Đưng K’Nớ, các anh chị em thuộc Caritas Phan Thiết ra về trong niềm vui và hy vọng cùng với những hoài bão cho cộng đồng của mình “Hãy ước mơ và dám làm”.
VA - BTT Caritas Phan Thiết