Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXI Thường Niên năm C, đặc biệt Bài Đọc I và Tin Mừng, nêu bật chiều kích phổ quát của ơn cứu độ.
Is 66: 18-21
Vị ngôn sứ hậu lưu đày, I-sai-a đệ tam, gợi lên ý định của Thiên Chúa là quy tụ muôn dân trên khắp mặt đất thành một dân duy nhất, dân của Ngài. Để thực hiện điều này, ơn gọi phổ quát của dân Ít-ra-en phải đóng một vai trò chính yếu.
Dt 12: 5-7, 11-13
Tác giả thư gởi tín hữu Do thái an ủi cộng đoàn Ki-tô hữu, nhưng một cách rất đặc biệt khi chỉ cho thấy mối liên hệ giữa những gian nan thử thách và phận làm con cái Thiên Chúa. Thiên Chúa, như một người cha, sửa dạy những ai Ngài yêu thương. Vì thế, hãy kiên vững trong đức tin và kiên trì trong gian nan thử thách.
Lc 13: 22-30
Thánh Lu-ca tường thuật những lời nghiêm khắc của Đức Giê-su lên án dân Ít-ra-en, dân đã được kêu gọi đầu tiên, nhưng vì cứng lòng tin nên từ chối nhận ra Ngài. Vì thế, Ngài công bố rằng Nước Thiên Chúa sẽ được mở rộng cho muôn dân muôn nước.
BÀI ĐỌC I (Is 66: 18-21)
Chương 66 là chương cuối cùng của toàn bộ sách I-sai-a. Vị ngôn sứ, biệt danh I-sai-a đệ tam, ngỏ lời với cộng đoàn Giê-ru-sa-lem, cốt yếu là những người hồi hương trở về từ cuộc lưu đày tại Ba-by-lon, chán nãn trước những chướng ngại lớn lao mà họ phải đối mặt với.
Trong sấm ngôn này, chúng ta gặp lại giọng điệu lạc quan và những viễn cảnh vinh quang mà vị ngôn sứ này hé mở cho dân thành Giê-ru-sa-lem.
1.Sứ điệp phổ quát:
Sứ điệp mà vị ngôn sứ loan báo mang chiều kích phổ quát. Sứ điệp bao gồm hai chuyển động: chuyển động thứ nhất của Ít-ra-en là sai những sứ giả vào trong toàn thể thế giới, và chuyển động thứ hai của muôn dân muôn nước là trợ giúp con cái Ít-ra-en tản mác khắp nơi để đưa họ trở về Giê-ru-sa-lem.
Chuyển động thứ nhất dựa trên chủ đề “nhóm còn sót lại”, diễn ngữ này lần đầu tiên xuất hiện tại ngôn sứ A-mốt vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, được ngôn sứ I-sai-a đệ tam khai triển vài năm sau đó và là sứ điệp trọng tâm của ngôn sứ I-sai-a đệ nhị với dung mạo Người Tôi Trung. Những người lưu đày xưa kia, “những kẻ sống sót của chúng” sẽ là hạt nhân tái sinh của dân Chúa chọn. Một tôn giáo được thanh lọc và phổ quát, đó là thành quả rõ ràng nhất và phong phú nhất của thời gian đau khổ dài lâu ở đất khách quê người. Ít-ra-en trở thành một dấu hiệu ở giữa muôn dân. Việc dân Chúa chọn được phục hưng chứng thực vinh quang của Đức Chúa, tức là quyền năng của Đức Chúa được bày tỏ ở nơi các biến cố. Những sứ giả của dân Chúa chọn sẽ ra đi loan báo vinh quang của Đức Chúa đích thật cho “các dân tộc ở góc biển chân trời, những đảo xa xôi, chưa từng được nghe nói đến Ngài, chưa hề thấy vinh quang của Ngài”.
Nét đặc thù của ngôn sứ I-sai-a đệ tam là biết liên kết chiều kích hoàn vũ và chủ nghĩa quốc gia. Ở nơi vị ngôn sứ hậu lưu đày này có vài điểm nhấn “phục thù”. Ít-ra-en đã chịu biết bao tủi nhục làm tôi cho muôn dân, rồi một ngày kia muôn dân sẽ phải kính trọng họ, chạy đến với họ và xin được phục vụ họ. Màu sắc này nổi bật trong bức tranh về chuyển động thứ hai: “Người ta sẽ đem tất cả anh em các ngươi từ muôn dân về dâng cho Chúa… Họ sẽ đem chúng đến tận Núi Thánh của Ta”. Sứ điệp hoàn vũ vĩ đại này mà vị ngôn sứ loan báo được vài hoàn cảnh lịch sử chính xác gợi lên.
2.Khoa thần bí mới về Đền Thờ:
Người ta có thể định vị niên biểu của lời sấm này, chắc hẳn vào năm 520 trước Công Nguyên. Công việc tái thiết Đền Thờ khởi sự vào năm 521 và hoàn tất vào năm 515. Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, niềm tự hào hãnh diện của toàn thể dân Ít-ra-en, dù ở miền Bắc hay ở miền Nam hoặc ở Hải Ngoại, một lần nữa sắp chứng thực Thiên Chúa hiện diện và hành động ở giữa dân Ngài. Đó là dấu chỉ hữu hình của việc Thiên Chúa tuyển chọn.
Nhưng thời gian đã thay đổi. Khoa thần bí về Đền Thờ đã mất đi viễn cảnh hẹp hòi này. Ngôn sứ I-sai-a đệ tam công bố một lời chứng đáng chú ý nhất. Ông để cho Đức Chúa lên tiếng ngay từ câu đầu tiên của chương 66 này: “Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta. Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào, và nơi nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi?”.
Nhưng nếu Đức Chúa đã chấp nhận tái thiết Đền Thờ này, Ngài công bố bằng những ngôn từ mà Chúa Giê-su sẽ lấy lại: “Nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân” (Is 56: 7). Đó là tư tưởng mới của vị ngôn sứ. Đó là ý nghĩa của sấm ngôn mà chúng ta được mời gọi gẫm suy.
3.Một nhãn quang mới về các dân tộc khác:
Vào lúc trở về từ cuộc lưu đày, những người hồi hương đã gặp thấy ở Giê-ru-sa-lem nhiều dân tộc khác cư ngụ. Điều này sẽ đặt ra nhiều vấn đề, nhất là hôn nhân của con cái Ít-ra-en với dân ngoại giáo. Một phần những người ngoại kiều này đã góp sức vào việc xây dựng lại tường thành và chắc chắn cũng vào việc tái thiết Đền Thờ. Đây là thời điểm mà phong trào thu nạp các tín đồ mới nảy sinh, nghĩa là chấp nhận ngoại kiều được tham dự vào tôn giáo của Đức Chúa, với điều kiện là tuân giữ những điều khoản cốt yếu của luật Mô-sê (ngày sa-bát, phép cắt bì) và những đòi hỏi luân lý mà luật đòi buộc. Người ta có thể phỏng đoán rằng đây là một sự mới mẽ lớn lao mà vị ngôn sứ đặt trên môi miệng của Đức Chúa, Ngài sẽ chọn cho mình giữa muôn dân “những tư tế và những thầy Lê-vi”. Đây là biểu thức táo bạo nếu chúng ta nghĩ đến những yêu sách về một dòng dõi tư tế đối với tầng lớp giáo sĩ của dân Ít-ra-en.
Ngoài sự phỏng đoán này, còn có một phỏng đoán khác: Đền Thờ được tái thiết nhờ sự trợ giúp tài chính của đế quốc Ba-tư. Tài chính ngoại quốc này là bày tỏ niềm tôn kính đối với Đức Chúa. Còn hơn thế nữa, khi Đền Thờ được hoàn thành, vua Ba-tư sẽ truyền dâng hy lễ mỗi ngày lên Thiên Chúa Ít-ra-en, do vua đài thọ.
BÀI ĐỌC II (Dt 12: 5-7, 11-13)
Đoạn trích thư gởi các tín hữu Do thái này mời gọi những người Ki-tô hữu gốc Do thái bị bách hại hãy kiên vững trong đức tin và kiên trì trong những gian nan thử thách. Tác giả đưa ra trước một lý chứng được định vị vào trong hàng các sách minh triết, nhưng ông đem lại cho lý chứng này một chiều kích mới: có mối liên hệ giữa gian nan thử thách và phận làm con cái Thiên Chúa.
1.Thiên Chúa sửa dạy chúng ta như một người cha:
Chính vì Thiên Chúa là Cha và vì Ngài muốn con cái Ngài nên thập toàn: “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nãn lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt”. Sở dĩ tác giả khuyên như vậy vì ông dựa vào một bản văn của sách Châm Ngôn: “Này con, chớ khinh thường khi Đức Chúa sửa dạy con, đừng chán ngán khi Người khiển trách. Vì Đức Chúa khiển trách kẻ Người thương, như người cha xử với con yêu quý” (Cn 3: 11-12).
Ở nơi lời khuyên này, phải đọc thấy mẫu gương của Chúa Ki-tô, như tác giả đã viết trong cùng bức thư này: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5: 8). Như vậy, “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy, Người đối xử với anh em như với những người con”. Đây là Ki-tô hóa đề tài truyền thống của Kinh Thánh.
2.Sự ích lợi của việc Thiên Chúa sửa dạy:
Được Thiên Chúa sửa dạy như người cha đầy yêu thương như thế, cuối cùng chúng ta sẽ gặt hái được hoa trái là bình an và thánh thiện, những giá trị đem lại cho những người Ki-tô hữu một niềm tin tưởng vững chắc. Bởi vậy, “hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ”. Tác giả có chủ ý chọn những hình ảnh này trong bản văn ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (Is 35: 3), bản văn gợi lên cho những người lưu đày Ba-by-lon ơn cứu độ sắp đến gần. Những nỗi gian truân như “Lửa thử vàng gian nan thử đức” rèn luyện chúng ta và hướng dẫn chúng ta trên con đường cứu độ.
Tác giả trích thêm một bản văn khác của sách Châm Ngôn 4: 26: “Đường con đi, hãy san cho phẳng”, để chúng ta chạy mà không bị trật bước. Hình ảnh của viện động viên chạy đua trong thao trường mà tác giả bắt đầu khai triển và kết thúc trên cùng một viễn cảnh (12: 1 và 12: 13: phương pháp văn chương đóng khung). Tác giả muốn nói rằng gian nan thử thách, được hiểu như vậy, đem lại cho đức tin một sự kiên vững khôn sánh.
TIN MỪNG (Lc 13: 22-30)
Thánh Lu-ca ra công biên soạn một cuộc hành trình dài của Chúa Giê-su từ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem. Cuộc hành trình này được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu tiên bắt đầu với câu: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem” (9: 51), còn hai giai đoạn còn lại thì được dánh dấu bởi mốc điểm: “Trên lên Giê-ru-sa-lem” (13: 22; 17: 11). Đây là công trình biên soạn độc đáo của thánh Lu-ca. Trong suốt cuộc hành trình dài lên Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-su vừa đi vừa giảng dạy cho các môn đệ và đám đông dân chúng về cách thức sống đời môn đệ.
Câu mở đầu của đoạn trích hôm nay: “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy” (13: 22) đánh dấu giai đoạn thứ hai của cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Trong đoạn trích hôm nay, thánh Lu-ca tập hợp lại thành nhóm nhiều lời nói của Đức Giê-su liên quan đến việc đi vào Nước Trời, mà chúng ta cũng gặp thấy tại thánh Mát-thêu, nhưng được thánh Mát-thêu trình bày riêng lẽ và trong những bối cảnh khác nhau. Việc thánh Lu-ca liên kết chúng lại với nhau gây nhiều cảm xúc nơi người đọc: cửa vào Nước Trời thì hẹp; cửa này sẽ đóng lại trước những người Ít-ra-en cứng lòng tin, nhưng sẽ rộng mở cho lương dân trên khắp thế giới.
1.Chiều kích biểu tượng của cửa:
Một người trong đám đông nêu lên cho Đức Giê-su một câu hỏi trang trọng: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”. Vấn đề về số người được tuyển chọn nhiều hay ít là một chủ đề gây tranh luận sôi nổi trong các trường phái kinh sư. Vào thời Chúa Giê-su đã hình thành nên hai quan niệm về ơn cứu độ trái ngược nhau. Những người Pha-ri-sêu có xu hướng lạc quan nghĩ rằng mọi con cái Ít-ra-en đều sẽ được cứu độ. Những người khác, như người hỏi Đức Giê-su này, thì lại bi quan vì cho rằng chỉ một ít người đạt được ơn cứu độ.
Đức Giê-su không trả lời cho anh cách trực tiếp nhưng gián tiếp: số người được cứu độ tùy thuộc vào sự phấn đấu của mỗi người. Vì thế, không ai bị loại trừ, nhưng phải biết rằng cửa vào Nước Thiên Chúa thì hẹp, vì thế phải phấn đấu mà vào. Ý tưởng chuyển từ số lượng sang chất lượng: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm lấy được” (Mt 11: 12) và “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24: 13).
Chúa Giê-su ngầm gợi lên đề tài truyền thống về hai con đường. Thánh Mát-thêu khai triển đề tài này trong một đoạn văn đối xứng mà thánh ký đặt vào phần kết thúc Diễn Từ Trên Núi: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7: 13). Còn thánh Lu-ca thì trung thành với chiều kích biểu tượng của cửa. “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào”. Động từ Hy-lạp gợi lên ý tưởng về cuộc chiến đấu. Thánh Phao-lô dùng động từ này để diễn tả nỗ lực bền bỉ trong cuộc chiến mà thánh nhân đương đầu vì đức tin (Pl 1: 30; 1Tx 5: 8; 2Tm 4: 7).
2.Dân Ít-ra-en cứng lòng tin bị loại ra bên ngoài:
Thời gian cứu độ có kỳ hạn, cơ hội ngàn năm một thuở đã qua đi: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại…”. Vài người sẽ gõ cửa… Thiên Chúa sẽ không mở: “Ta không biết các ngươi từ đâu tới”.
Thánh Mát-thêu gợi lên cửa sẽ đóng lại theo cùng một cách tương tự trong dụ ngôn “năm cô khôn ngoan và năm cô khờ dại”: “Thưa Ngài, thưa Ngài! Mở cửa cho chúng tôi với!”. Nhưng Người đáp: “Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!” (Mt 24: 11-12). Năm cô trinh nữ khờ dạy này đã không biết sống trong tư thế sẵn sàng. Cũng vậy, dân Ít-ra-en cứng lòng tin, có thể biện bác: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài, và Ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Nhưng đã quá trể rồi. Chúa Giê-su tiếp tục trích dẫn Tv 6: 9: “Cút đi cho khuất mắt Ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”. Dân Ít-ra-en đã không biết nhận ra giờ Thiên Chúa viếng thăm. Vì thế, Đức Giê-su sẽ khóc thương thành thánh Giê-ru-sa-lem (Lc 19: 41-44).
3.Cánh cửa mở rộng cho lương dân:
Đối với những người đã được gọi ngay từ đầu nhưng vì cứng lòng tin mà từ chối vào Nước Thiên Chúa, Chúa Giê-su loan báo ơn cứu độ cho muôn dân muôn nước: “Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”. Ngài lên Giê-ru-sa-lem hướng về hy lễ cao vời của Ngài, được dâng hiến cho muôn người.
Bài diễn từ đặc biệt được gởi đến những người Pha-ri-sêu, họ tự hào tự phụ mình là con cái của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp nên chắc chắn được cứu độ. Không, lối vào Nước Thiên Chúa tất yếu là “cửa hẹp”. Ấy vậy, chính Chúa Giê-su đã công bố Ngài là Cửa: Chính ở nơi Ngài mà người ta phải đi qua để được cứu độ: “Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu” (Ga 10: 9). Nhưng dân Ít-ra-en đã từ chối. Qua cánh cửa đức tin này, đông đảo lương dân sẽ đến dự bàn tiệc Thiên Quốc.