“6G” - LUẬN BÀN MỘT HƯỚNG ĐI TRUYỀN GIÁO
CỦA NGƯỜI LINH MỤC VÀ TU SĨ
SỐNG SỨ VỤ LIÊN VĂN HÓA
Lm. Giuse Đỗ Nguyên Vũ, SVD
WHĐ (13.8.2022) - Công ty sản xuất và dịch vụ vũ trụ SpaceX sắp sửa giới thiệu công nghệ internet phát tín hiệu từ vệ tinh theo mô hình phủ sóng của mạng các “ngôi sao vệ tinh”, mạng 6G, phủ sóng toàn cầu mang tên Starlink. Người sử dụng internet sẽ có cơ hội truy cập internet bất chấp ranh giới quốc gia, bởi vì tín hiệu do mạng các vệ tinh nhỏ phát xuống giúp tránh những giới hạn, kiểm soát và độc quyền công nghệ đang chi phối và lũng đoạn mạng lưới thông tin toàn cầu, từ đó góp phần tránh những hệ lụy của hành vi gián điệp, ngăn chặn và bưng bít thông tin. Người ta dự báo Starlink có thể khai tử cho hệ thống tường lửa và ngay cả làm lung lay mạng 5G với nhiều tranh cãi còn đang manh nha được triển khai trên mặt đất khắp thế giới. Mô hình internet vệ tinh Starlink giúp chúng ta hình dung một công nghệ mạng không biên giới để mọi người có thể tận hưởng tối đa sự tự do trong quan hệ, truyền thông và phát triển. Công nghệ internet vệ tinh giúp chúng ta hình dung thế giới với những mối quan hệ vốn vô cùng phức tạp thì nay lại được chắp thêm đôi cánh tự do giữa muôn vàn thử thách vì tính xuyên biên giới, để cho mọi người bước sâu hơn vào các mối quan hệ đa chiều.
Phải chăng điều đó đang báo hiệu con đường toàn cầu hiển nhiên, không còn là “toàn cầu” của những thế kỷ từ XV-XIX nữa? Tất cả những nỗ lực của con người trong những thế kỷ vừa qua đã đưa nhân loại vào xu thế toàn cầu. Điều đó không những thách thức sứ vụ phát triển của tất cả mọi lãnh vực trong phạm vi toàn cầu mà còn ảnh hưởng đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội một cách tổng thể. Xu thế toàn cầu mời gọi mọi người Kitô hữu hãy hiểu khái niệm “truyền giáo” rộng hơn do sự phát triển của truyền thông, kỹ thuật, phương tiện di chuyển, và khoảng cách con người. Nói đúng hơn, nó mời gọi chúng ta đặt thông điệp Tin Mừng vào bối cảnh của các nền văn hóa loài người để hình thành nên một “mạng sứ vụ liên văn hóa” đang thách thức sứ vụ của mỗi người Kitô hữu nói riêng và toàn thể Giáo hội nói chung. Nếu chúng ta ví mỗi nền văn hóa là một vệ tinh đang di chuyển xung quanh địa cầu thì liên văn hóa chính là mạng vệ tinh góp phần kết nối và chia sẻ bất chấp những rào cản của tường lửa lòng người và những kỹ thuật cục bộ độc quyền bít lối thông điệp Tin Mừng lớn lên.
Tinh thần người linh mục sống tinh thần sứ vụ liên văn hóa giúp chúng ta định vị mình là ai và giữ vai trò gì trong cái “vệ tinh văn hóa dân tộc” đang xoay vòng, và tất yếu, vệ tinh ấy cần phải kết nối với các nền văn hóa của nhân loại để phát đi những tín hiệu của Tin Mừng còn đang bị những rào cản của con người bóp nghẹt. Đó có thể là tinh thần cục bộ, não trạng chuyên chế, chủ nghĩa giáo quyền, chủ nghĩa chiến thắng, chủ nghĩa danh vọng, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, và ngay cả sự tiêu xài hưởng thụ, đua đòi kênh kiệu, an phận dễ dãi, tư tưởng truyền giáo “thần tốc”... dẫn đến những lối nghĩ, hành vi, lời nói phản chứng, chặn đứng Lời Chúa bằng những kỹ thuật “tường lửa” nguy hiểm. Nghĩ đến đây chúng ta không khỏi xót xa cho số phận hạt giống Lời Chúa muốn sinh hoa kết quả, nhưng:
Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục (Mt 13,18-23).
Những hạt giống vốn được gieo một cách quảng đại như những tín hiệu vệ tinh xuyên mặt đất, sóng mạng phủ khắp toàn cầu lại bị tâm hồn và suy nghĩ hẹp hòi của con người chặn đứng, bóp nghẹt vốn không thể sinh hoa kết quả gì được. Tinh thần sứ vụ liên văn hóa mời gọi chúng ta chấm dứt những rào cản để hòa nhập và kết nối với các tín hiệu Tin Mừng trên khắp hành tinh để xây dựng và phát triển Nước Thiên Chúa ngay trên trần thế này. Vậy, trong vai trò người linh mục tu sĩ truyền giáo, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng những trang thiết bị và nền tảng kết nối gì cho thời đại sứ vụ liên văn hóa? Bài này xin đề xuất mô hình 6G (6 yếu tố) hướng đến sứ vụ liên văn hóa dành cho đời sống linh mục tu sĩ: giao tiếp, giữ gìn, giao thoa, giao hòa, giao tình, giảng huấn.
Quan hệ là bản chất của xã hội loài người. Càng duy trì các mối quan hệ tốt đẹp (tôn giáo và không tôn giáo), trong tất cả các mặt và các lãnh vực, thì càng chứng tỏ sự phát triển bền vững của xã hội loài người. Giao tiếp là hành động sẵn sàng “mở cửa” cho những mối quan hệ khởi đầu và tiếp tục thăng tiến trên phương diện con người và/hoặc công việc. Tuy nhiên, càng đi xa người ta càng thấy hai yếu tố này càng phải đan xen vào nhau thì mới bền vững được. Gần đây người ta hay lặp đi lặp lại câu nói phản ánh sự cần thiết của tính quan hệ trong tương quan sống còn lâu dài: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” (Warren Buffett). Dù ở góc độ đầu tư và thương trường thì câu này cũng nhắc chúng ta tầm quan trọng của các mối quan hệ “cùng nhau,” vốn cũng là nền tảng và cách nói khác của sự hiệp thông trong Giáo hội Chúa Kitô. Quan hệ vốn là một phần của tình yêu, trung thành, giao ước, và hành động dấn thân bao trùm nhiều yếu tố khác nữa được gói gọn trong một từ Hípri quan trọng nhất trong Cựu Ước: hesed (x. Xh 34,6; Is 54,10; Ac 3,31-32; và rất nhiều nữa). Trong Tân Ước, Đức Kitô là hiện thân sống động nhất của hesed, của giữ gìn và xây dựng những mối quan hệ gần gũi với những công dân của Nước Trời. Ngài muốn xây dựng một cộng đoàn huynh đệ của nhân loại khởi đi từ Nhóm Mười Hai, cộng đoàn các môn đệ, và mở rộng ra đến tận cùng trái đất trước khi Ngài lên trời: “Để tất cả nên một!” (x. Ga 17,20-23). Gìn giữ những mối quan hệ tốt đẹp giúp hình thành mối dây hiệp thông trọn vẹn trong gia đình Thiên Chúa. Và đối với con người, để duy trì mối quan hệ lâu dài và bền chặt, nhất thiết chúng ta phải có lòng tin nơi Chúa và nơi nhau.
Lòng tin và đức tin có đang bị thử thách? Đại dịch Corona-19 vốn đang vén mở bức màn tăm tối, vén mở những bất thường vốn vẫn luôn được ngụy trang cách tài tình đằng sau những mặt nạ của con người. Nói về đại dịch, linh mục Đaminh Đặng Quốc Hưng viết trên Báo Công giáo và Dân tộc, một cách đầy thao thức: “Con virus Corona thể mới đã “TOANG” ra nhiều vấn đề của đời sống thường ngày của con người cũng như đời sống đức tin của người tín hữu. Con virus Corona khiến con người nhận biết rằng mình không toàn năng, cuộc sống của con người quá bấp bênh, và mối tương quan của con người cũng bị xâu xé.”[1] Quả thật nếu chúng ta theo dõi báo đài trong những tháng trở lại đây thì gian lận và giả tạo đã lộ mặt trái của con người, và dẫu chúng ta có không muốn bi quan thì cũng đành chấp nhận thực tế đầy phũ phàng, vì nhân loại đang phải đối mặt với thế lực của sự dữ nhằm chống lại nền văn minh sự sống và tiếng nói công lý của loài người.[2] Trong bối cảnh đó, chỗ đứng của lòng tin và đức tin bị thử thách nghiêm trọng. Cho dẫu biết rằng: “Chúng ta tiến bước nhờ lòng tin, chứ không phải vì những gì mình thấy” (2Cr 5,7), thì điều đó làm cho người linh mục và tu sĩ nghĩ gì trong các vai trò quan hệ để vực dậy niềm tin cho cộng đoàn của mình giữa những nguy cơ khủng hoảng đức tin vốn đang bước vào giai đoạn quá khốc liệt?
Quả thật, các mối quan hệ và lòng tin khi đã mất thì không thể bàn đến hợp tác và phát triển nói chung và sứ vụ loan báo Tin Mừng nói riêng. Không tin và không quan hệ thì yếu tố liên văn hóa của sứ vụ (loan báo Tin Mừng và trong các lĩnh vực khác) đều rơi vào bế tắc trầm trọng. Giao tiếp là một môn nghệ thuật của cuộc sống thành công, và dù cho người ta có sử dụng kỹ năng hay xảo thuật gì đi nữa thì sự chân thành và tâm hồn thiện lương đồng hành mỗi khi người ta hiện diện với nhau đều là chiếc chìa khóa lưu giữ tình người. Và để được như vậy, giao tiếp với Thiên Chúa làm cho người ta biết thân phận của họ để cậy trông và phó thác nhiều hơn trong tình yêu phụng sự Chúa và phục vụ anh em đồng loại. Giao tiếp với Thiên Chúa là dành thời gian để chiêm ngắm và lắng nghe từ Lời giáo huấn của Ngài dành cho nhân loại, Lời thao thức quy tụ tất cả mọi người trong gia đình đầy yêu thương. Lời Chúa là kim chỉ nam của quá khứ, hiện tại, và tương lai. Lời hướng đức tin và dẫn chúng ta đi vào đúng quỹ đạo của các mối quan hệ của người mục tử với dân Chúa và ngược lại. Lời mời gọi chúng ta tiến bước cùng thời đại để gìn giữ và canh tân truyền thống của Giáo hội, bước vào một cuộc “vật lộn” với truyền thống bằng sự tỉnh thức và trân trọng những di sản mà biết bao người trong Giáo hội đã để lại.
Hai từ “giữ gìn” không mang nghĩa chấm hết, không thay đổi, không cập nhật. “Giữ gìn” mà muốn sống thì phải chú ý đến canh tân. Đức tin của con người ngoài ơn linh hứng của Thiên Chúa có được do suy tư và cảm nghiệm để lớn lên, thì yếu tố con người chủ quan và vũ trụ vạn vật cũng là đề tài gợi hứng và là chất xúc tác quan trọng giúp đức tin bám trụ. Tuy nhiên, khoa học thực nghiệm không bền do càng ngày con người càng khám phá ra những “chân lý khoa học” mới, xây dựng những lý thuyết quan hệ xã hội mới, và thế là “chân lý đức tin” truyền thống cũng dễ bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tương đối (relativism). Thế rồi, hậu quả của nó chính là cào bằng chân lý hoặc suy luận chân lý đức tin dựa theo cảm tính và những hiện trạng bấp bênh của khoa học thực nghiệm và thế thái nhân tình. Vậy để “giữ gìn” truyền thống mà không bị cuốn vào vòng xoáy của mù quáng và cố chấp là một thách đố. Một đơn cử về vấn đề khoa học, đề cập đến câu chuyện của các nhà khoa học Copernicus, Galileo, và nhiều người khác nữa, phi hành gia Edgar Mitchell ngậm ngùi phát biểu: “Tất cả khuynh hướng bảo thủ, hẹp hòi trước sau cũng phải thay đổi khi người ta biết hướng tầm mắt lên cao, xóa bỏ thành kiến cũ và mở rộng tâm hồn để nhìn ra vũ trụ bao la.”[3] Quả thật, trong Giáo hội, giữ gìn và canh tân là đề tài tranh cãi lớn trong nhiều thập kỷ qua xoay quanh hai cụm từ “khó nuốt”: ressourcement và aggiornamento. Và giữ lập trường thái quá vào bất cứ xu hướng nào cũng đều bất lợi cho đời sống Giáo hội và đời sống đức tin.
Ở phương diện mục vụ, truyền thông và giao thông đã giúp con người mở mắt to hơn, tâm trí sáng hơn, bước chân nhanh 110'11... và những gì vốn rất truyền thống và rập khuôn lâu đời ở vùng này sẽ trở nên lạ lẫm và được đặt vấn đề ở vùng kia. Văn hóa và tập quán trong thực hành tôn giáo cũng cho thấy đâu là những điều cần phải “giữ gìn” và đâu là vấn đề cho phép tùy nghi. Ví dụ, có được phép nhảy múa trong thánh lễ? Múa lân sư rồng trong nhà thờ? Có nhất thiết phải rót giọt nước vào tất cả các chén rượu trên bàn thờ lúc chuẩn bị lễ vật? Nắm tay nhau khi đọc Kinh Lạy Cha? Hát dâng lễ và hát kết lễ có cần thiết?... Và nếu chúng ta lấy “truyền thống” làm lý do trả lời thì liệu có ổn không? Chưa hết, những vấn đề giáo lý và luân lý còn phức tạp hơn nhiều khi ngày càng có những tiếng nói/chủ nghĩa đa nguyên trái chiều, đa chiều chi phối lập trường của người Kitô hữu. Chúng ta nên giữ gì?
Vật lộn với truyền thống là một trải nghiệm khó nuốt khi chúng ta không phải lúc nào cũng đứng ở vị trí quan tòa để hô to hoặc thậm chí gào thét: PHẢI, CẦN, vì KINH THÁNH NÓI, TRUYỀN THỐNG ĐÃ TỪNG… nhưng THỰC TẾ LẠI QUÁ KHÁC để áp dụng. Đối diện với việc “giữ gìn” (conservative), không phải bảo thủ, là thách đố của rèn luyện trưởng thành lương tâm (informed conscience). Sự biến đổi của thời cuộc khiến chúng ta không thể nào lý luận theo kiểu: “Chúng tôi đã có luật và theo luật đó thì nó phải chết!” Đó thực sự là tàn khốc và đáng buồn. Đó không phải là thông điệp của lòng thương xót Kitô giáo, không phải thông điệp đẹp nhất của trái tim nhân từ của Thiên Chúa đầy tình thương. Vì vậy, trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (số 169-173), ĐGH Phanxicô tha thiết trình bày một lối mục vụ đồng hành thăng tiến vì theo ngài: “Ai đồng hành với người khác cần hiểu rằng mỗi tình huống của một cá nhân trước mặt Chúa và đời sống trong ân sủng của họ là những mầu nhiệm mà không một ai có thể hiểu đầy đủ từ bên ngoài. Tin Mừng dạy chúng ta sửa lỗi cho người khác và giúp họ lớn lên dựa trên việc nhìn nhận sự xấu xa của các hành động của họ (xem Mt 18,15), nhưng không phê phán về trách nhiệm và sự có tội của họ (xem Mt 7,1; Lc 6,37)”. Hơn nữa, “Sự đồng hành thiêng liêng chân chính luôn luôn bắt đầu và phát triển trong lãnh vực phục vụ sứ mạng truyền giáo” (EG 172, 173). Thế nên việc giữ gìn đi cùng với sự biến đổi không ngừng cũng giống như một mẫu số chung với thách đố của một quy trình “quy đồng mẫu” nhưng không được rập khuôn, bảo thủ. [Trong một phân số (toán học), nếu tử số bằng “0” thì giá trị của một phân số nhận được sẽ là số “0” rập khuôn; trên thực tế, nếu mỗi người là một phân số nào đó thì phân số đó có cả tử và mẫu đều khác “0”]. Và điều này khiến cho việc rèn luyện để có lương tâm trưởng thành trở thành chìa khóa của thực tế cuộc sống, tức là mọi người đều hiểu được những giá trị cốt lõi của những giá trị họ thuộc về, đồng thời không đánh mất đi sự đa dạng (cảm nghiệm, văn hóa, trình độ, và các yếu tố ngoại cảnh riêng của mỗi người). Đức Kitô không bị phân chia nhưng Ngài hiện diện rất đa dạng trong hoàn vũ, Ngài là tất cả trong mọi sự và trong mọi loài, vì nhờ Ngài, muôn vật được tạo thành (x. Cl 1,16). Căn tính Kitô hữu không kìm hãm cũng không làm cho chúng ta méo mó vì bị bức bí, nhưng giúp chúng ta thăng hoa cuộc sống muôn màu trong chân lý, tình thương và sự sống. Trung thành nhưng phải thích nghi.
Vậy, giữ gìn và thăng hoa tất yếu cần sự biến đổi nhất định dựa trên nền tảng căn tính Kitô hữu và sự trưởng thành lương tâm. Nói cách khác, mỗi cá nhân, trên phương diện thực hành, cần nhìn thấy mối liên hệ sống còn giữa cá nhân mình với cộng đồng nhân loại, cần nhìn thấy trách nhiệm của mình trong mối tương quan với anh chị em trên toàn cầu, những người được Thiên Chúa ban cho phẩm giá cao quý: nhân phẩm của từng nhân vị. Ý thức đó mời gọi mỗi người
hãy tôn trọng nhau trong tiến trình giao thoa văn hóa và niềm tin để cùng nhau giữ lấy, học hỏi, áp dụng những “hạt nhân” tốt đẹp mà xây dựng cho nhau.
Giao thoa là một khái niệm trong vật lý chỉ sự chồng chập của hai hoặc nhiều sóng mà tạo ra một hình ảnh sóng mới.[4] Do tính chất hoặc tăng cường hoặc triệt tiêu lẫn nhau khi hai hay nhiều nguồn sóng gặp nhau làm cho chúng ta liên tưởng đến những thách thức nhất định của quy trình đức tin liên văn hóa (đang được đặt ra ở đây). Trước khi đi đến phân tích sâu hơn, giáo sư, tiến sĩ, nhà nhân chủng học Anthony Gittins, CSSp khẳng định: “Sống liên văn hóa là một cuộc cách mạng thực sự: nó tác động đến tất cả mọi người, không thiên vị ai, và nó yêu cầu mọi người sự biến đổi”[5] Với tiền đề ấy, và về mặt lý tưởng chúng ta mong ước tiến trình “giao thoa của đức tin liên văn hóa” tạo nên từ những sóng kết hợp và các phần tử sóng có cùng phương dao động, nhờ đó sóng mới tạo ra được tăng cường; tuy nhiên, điều đó trên phương diện đức tin và văn hóa rất khó xảy ra. Tính đa dạng của nhân loại cũng như những tác động không thể kiểm soát được ví như những sóng không cùng phương dao động, và những nguồn sóng kiểu này trong thời đại toàn cầu nhiều vô số kể; vì vậy, mọi người đều cần phải điều chỉnh, dù ít hay nhiều, ai nấy đều cần một sự biến đổi (theo chiều hướng thiện) nhất định để tạo ra những sóng cùng dao động cho một thế giới đại đồng (có thể giao thoa cùng nhau).
Hướng đến sự giao thoa có thể được ví như tiến trình “xây dựng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội” trong Thông điệp Fratelli Tutti mà ĐGH Phanxicô đang mời gọi chúng ta tham gia trong một công thức được gọi là NỀN KINH TẾ PHANXICÔ trong tình hình đối đầu với cơn khủng hoảng toàn diện của đại dịch. Công thức đó là: Kinh tế + Tình huynh đệ x Phát triển = Tương lai[6], đặt con người vào trung tâm để cổ vũ những kế hoạch “cùng nhau mơ ước những ước mơ giống nhau”.[7] Tìm thấy điểm chung sống còn (cho dù là mơ ước) thì cũng là hướng đi khả quan để điều chỉnh “từng phần” về công ích. Đó là giao thoa về sự phát triển bền vững liên quan đến kinh tế, chính trị, và xã hội. Tất cả cần một sự hòa nhịp đồng điệu cho tương lai của nhân loại và hoàn vũ địa cầu.
Trong bối cảnh đó, một hiệp ước liên thế hệ để tiến hành giao thoa là rất cần thiết. Rất thường, lỗ hổng, sự rạn nứt và chênh lệch tư tưởng giữa các thế hệ thường đem đến những xung khắc nhất định. Trong khi công thức NỀN KINH TẾ PHANXICÔ cho chúng ta thấy những cơn sóng hiển hiện trước mắt, thì những xung khắc liên thế hệ lại tiềm ẩn những cơn sóng ngầm, ví như những dòng hải lưu nóng và lạnh, khi chúng gặp nhau có thể tạo nên những dòng nước xoáy tử thần, cuốn chìm tất cả những gì gần dòng xoáy. Để có được hiệp ước liên thế hệ vững chắc, đồng thời góp phần xây dựng những cộng đoàn liên văn hóa có lối sống liên văn hóa, chúng ta có thể nghĩ đến ba điểm quan trọng sau:[8]
(i) Cùng nhau xây dựng “mái nhà” (tổ ấm, home). Trong đời tu, chúng ta, những người cùng chung lý tưởng chọn đời sống thánh hiến vì ích lợi của Tin Mừng, đã đều phải rời mái nhà gia đình để đi tìm một mái nhà theo lý tưởng, mái nhà liên văn hóa (trong đời tu mang tính quốc tế). Nó không giống như nhà hưu, nhà giam, khách sạn, nhà nghỉ, hay gia đình huyết thống. Gia đình những người “đi tu” chọn để sống cộng đoàn cùng nhau, trên nhiều phương diện phản ánh gia đình huyết thống, tuy nhiên, họ lại chọn gia đình tu trì để xây dựng lý tưởng riêng, cùng nhau hướng đến lợi ích Tin Mừng và cam kết tinh thần trách nhiệm với nhau. Điều đó chỉ có thể giải thích khi mọi người đều được đặt trên nền tảng đức tin, hỗ trợ nhau qua lại, khuyến khích và thách đố. Đức tin tạo ra tầm nhìn để cùng nhau sống và phấn đấu vì Vương Quốc Thiên Chúa, bỏ lại đằng sau những ý thích bất chợt hoặc sự thoải mái cá nhân. Rabbi Jonathan Sacks cảnh báo, “nếu bản sắc [của cộng đoàn] giống với một khách sạn thì căn tính ấy sẽ không hợp nhất mà là tách biệt.”
(ii) Khám phá căn tính của sự khác biệt. Thách thức của nhân loại chính là việc nhìn sự khác biệt dưới ánh sáng tích cực và xây dựng. Người ta thường có khuynh hướng tìm ra sự khác biệt hơn là đi tìm sự tương tự. Khi sử dụng nhiều tiêu chí để phân biệt, chúng ta dễ dàng bị dẫn đến chỗ loại trừ, chia rẽ mà không hề hay biết. Để tránh biết bao đổ vỡ và phân biệt, chúng ta nên tâm niệm mình chỉ thuộc về một loài duy nhất tên là “loài người” (human), còn tất cả những tính từ khác dễ làm cho chúng loại trừ nhau. Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ rõ: “Chúng ta phải bước đi hiệp nhất cùng với những khác biệt: không có con đường nào khác để trở nên một. Đây là con đường Giêsu.”[9] Sống cộng đoàn liên văn hóa là một thử thách chống lại sự mù lòa của chủ nghĩa vị chủng (ethnocentrism). Và theo thầy Jonathan Sacks, thách đố này là một “cuộc khủng hoảng lớn về căn tính” đòi hỏi chúng ta phải vẽ lại ranh giới giữa cá nhân và tha nhân, giữa bạn và kẻ thù.[10] Chỉ có ơn Chúa và cam kết thực hiện chúng ta mới có thể sống lý tưởng cộng đoàn liên văn hóa được.
(iii) Suy lại nếp nghĩ. Dám nghĩ lại và hành động khác đi đòi hỏi sự hoán cải triệt để. Theo Rudy Wiebe, trong Dòng Tên “bạn sám hối không phải bằng cách cảm thấy mình xấu hổ tồi tệ, nhưng bằng cách nghĩ khác đi.” Nghĩ khác đi để tìm kiếm thánh ý Chúa. Khi sống trong cộng đoàn liên văn hóa, nghĩ khác đi còn mời gọi chúng ta chống lại chủ nghĩa bài ngoại (xenophobia), không ưa những gì lạ từ phong tục, văn hóa, tôn giáo, tư tưởng, thế hệ... khác. Cộng đoàn quốc tế là một cộng đoàn “chúng ta” chứ không phải là sự phân biệt giữa “chúng tôi” và “họ”. Suy nghĩ lại hướng về điểm chung, cái chung, mục đích chung, chứ không phải những tư tưởng phân biệt, loại trừ.
Theo tôi, sống giao thoa để loan báo Tin Mừng cần phải được xây dựng trên sự tôn trọng các giá trị cốt lõi là công bằng, kỹ năng, và nhân đức. Công bằng để thấy rằng rao giảng Tin Mừng là căn tính của người Kitô hữu, tất cả đều phải làm, khai lối, và xây dựng thì mới gặt hái được. Không có một thành quả chân chính nào mà lại không cần đến mồ hôi và nước mắt, vì vậy nó cũng không thể bị tước đoạt trên danh nghĩa mỹ miều nhân danh Nước Chúa. Kỹ năng chính là sự khéo léo, món quà Chúa ban cho mỗi người. Món quà này càng phải được thúc đẩy để đáp ứng nhu cầu của sứ vụ và đời sống liên văn hóa do tính chất nhạy cảm của nó. Nhân đức nói lên phẩm giá con người trên phương diện đức tin và nhân cách: đó là các nhân đức đối thần (tin, cậy, mến) và các nhân đức luân lý (khôn ngoan, công bình, dũng cảm, tiết độ). Có thể nói “đời sống liên văn hóa là khắc tinh của bài ngoại (xenophobia)”. Nói không với “bài ngoại” cũng là nói không với chủ nghĩa vị chủng (theo nghĩa rộng).
Giao hòa chính là bước đi hàn gắn từ những xung đột, xích mích, rạn vỡ do hậu quả của tiến trình giao thoa đầy vụng về, bất cẩn và chủ quan. Những vết thương của quá khứ chính trị, sắc tộc, tôn giáo, thế hệ, chiến tranh,. đã từ lâu khắc sâu vào tâm thức của nhiều người và nhiều thế hệ, đến nỗi “thù hận” trở thành điều tất yếu gán cho “những người quân tử trả thù mười năm chưa muộn.” Văn hóa cộng đồng đã từ lâu hình thành nên hai yếu tố “xấu hổ và danh dự” (shame and honor) trong đời sống các dân tộc Á Đông, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Xem nhẹ hai yếu tố này cũng đồng nghĩa với việc làm cho tiến trình xây dựng hòa khí, tha thứ và hòa giải đi đến chỗ bế tắc. Đức Tổng Giám mục Anh giáo Desmond Tutu (người Nam Phi), chủ nhân của giải Nobel hòa bình năm 1984 viết trong tập sách nổi tiếng No Future Without Forgiveness về thông điệp hòa giải của ngài: “Không có tương lai nếu không có tha thứ.” Nhiều người nghĩ rằng tiến trình hòa giải cần phải quên đi quá khứ, chối bỏ quá khứ; tuy nhiên, theo Giám mục Tutu thì việc hòa giải thực sự không thể thành tựu bằng cách chối bỏ quá khứ hay là lặp lại nhạt nhẽo về sự tha thứ, nhưng là thể hiện một linh đạo (tâm linh) mạnh mẽ giúp nhận ra những gì đe dọa con người. Giao hòa là bước đi làm cho tiến trình giao thoa an toàn và đem lại những giá trị lâu dài; những người Kitô hữu có được tấm gương sáng ngời trong câu chuyện về cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô.
Theo thần học gia và linh mục Dòng Bửu Huyết (CPPS) Robert Schreiter, thì “những vết thương” lại chính là công cụ hòa giải,[11] điều quan trọng là làm sao hiểu đúng và sử dụng chúng cách khéo léo. Chúa Giêsu đã đi bước trước để chứng minh rằng “vết thương” của Ngài đem lại ơn cứu độ và sự giao hòa giữa Thiên Chúa và loài người, mang nhân loại lại gần nhau hơn. Trong cuộc sống, chúng ta thường khuyên nhau đừng khơi dậy nỗi đau, đừng chạm vào vết thương lòng của nhau; tuy nhiên, để xóa đi tất cả những hoài nghi, đau đớn, và mang lại nguồn bình an đích thực, Chúa Giêsu đã để cho thánh Tôma chạm vào cạnh sườn Chúa Giêsu, xỏ tay vào lỗ đinh, và Chúa thư thái trong lời chúc “bình an cho anh em” (Lc 24,36; Ga 20,19). Bình an ấy không phải là tránh né hay che giấu nỗi đau mà là một bình an của sự trao hiến, tin tưởng vào quyền năng của Chúa Cha, Đấng đã chấp nhận của lễ giao hòa trong Cuộc Thương Khó của Ngài. Nếu vết thương Chúa Giêsu chữa lành chúng ta thì chúng ta cũng hãy học kiến thức (kinh nghiệm) từ nỗi đau của mình để chữa lành cho anh chị em đang cùng cảnh ngộ. Tất nhiên, công việc mục vụ theo tinh thần này cần một sự khéo léo, gần gũi theo thời gian của thừa tác viên hòa giải thì mới đạt kết quả tốt được; trái lại, mọi sự hấp tấp và vụng về sẽ làm cho tiến trình chữa lành biến thành phản tác dụng như “xát thêm muối vào vết thương”.
Thông điệp hòa giải luôn là việc mục vụ quan trọng của các linh mục, ngoài việc ngồi tòa giải tội (trên phương diện bí tích) các linh mục còn giúp hòa giải nhiều xung khắc khác trong cuộc sống, nhất là những xung đột trong cộng đoàn của mình và nơi chính người linh mục. Các linh mục và tu sĩ là mẫu gương tuyến đầu tìm lời giải cho các bài toán có mâu thuẫn trong cộng đoàn của mình. Trong Sứ điệp Ngày thế giới hòa bình 2015, ĐGH Phanxicô đã mời gọi nỗ lực tổ chức một thế giới không còn nô lệ, qua đó ngài nhấn mạnh rằng con người vẫn sống như nô lệ khi thế giới thiếu “một tình huynh đệ thúc đẩy chúng ta đến với những người khác, nơi đó chúng ta nhìn về nhau không phải như những kẻ thù hay đối thủ, nhưng như anh chị em”.[12] Đức Phanxicô đã cho thấy mối ràng buộc giữa sự nô lệ và sự thù hằn làm cho con người chưa thể thoát ra cái vòng luẩn quẩn của chia rẽ và bất hòa, nhằm xây dựng một thế giới thắm đượm tình huynh đệ.
Giao hòa “nói dễ, làm khó”, đôi khi người làm công tác hòa giải lại không thể giải gỡ chính những xung đột của cá nhân mình. Mâu thuẫn nội tâm là điều mà Thánh Phaolô đã nhắc đến trong việc nói/ nghĩ một đàng, làm một nẻo: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Điều này lý giải cho một thực tế rằng, linh mục và tu sĩ là những người luôn miệng loan báo, rao giảng thông điệp hòa giải; nhưng điều đó có vô vị và nhạt nhẽo không, khi chính họ lại không sống được với chính anh chị em trong cộng đoàn của mình? Thách đố “tu thân” rồi mới “tề gia”, “trong nhà” sóng gió thì “ngoài nhà” lo sao? Thách đố của đời sống cộng đoàn (“tề gia/trong nhà”) phải là mối bận tâm chứ! Linh mục Ngô Sĩ Đình nhận xét thẳng thắn:[13]
Thực sự, người Việt Nam có tính dễ vâng phục, nên bề ngoài, xung đột quyền bính chưa phải là vấn đề nổi cộm trong các cộng đoàn tu trì, nhưng vấn nạn về sự đón nhận nhau trong tình huynh đệ, trân trọng những năng khiếu riêng của mỗi người thì vẫn là điều đáng nói. Từ xung đột quyền bính đến xung đột quyền lợi, quyền lợi cá nhân cũng như quyền lợi phe nhóm. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý “tôi mời gọi anh chị em hãy đọc lại điều mà tôi không ngừng lặp đi lặp lại rằng những lời chỉ trích, đàm tiếu, ghen tương, tị hiềm, đố kỵ không được phép cư ngụ trong nhà của anh chị em”.[14] Đây cũng là một thách đố lớn cho tình huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì.
Vì vậy, yếu tố giao hòa trước hết cần chú ý giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt nội bộ, hoán cải cá nhân, thay đổi lối nghĩ cách nhìn về công việc và về tha nhân. Làm được điều đó thì chúng ta mới có cái tâm lành, cái trí sáng, cái tình cao thượng mà giảng dạy và phục vụ công tác hòa giải do Tin Mừng và đức tin Kitô giáo đòi hỏi. Thiết nghĩ, luận bàn về tha thứ và hòa giải là một chủ đề khó và nhạy cảm, phần này chỉ vắn tắt nêu lên đôi nét để cùng nhau ngẫm nghĩ về nền tảng giúp cho mối dây giao kết thêm bền chặt khi muốn sống hài hòa ngôn sứ trên quê hương Việt Nam.
Hài hòa ngôn sứ là gì? Có lẽ đây là một khái niệm mới nhưng nó dựa trên tinh thần đối thoại liên văn hóa với hạt nhân là nền tảng đức tin và đối thoại ngôn sứ. Ở Việt Nam, việc đối thoại này dựa theo văn hóa cộng đồng với 5 thành phần cần đối thoại: với người nghèo, với các truyền thống tôn giáo/tín ngưỡng khác, với văn hóa, với tạo vật, và với nhà nước. Theo đó, trong hài hòa ngôn sứ: chiều kích hài hòa là đặc trưng đối với tâm linh Á Châu, đặt sự thánh thiêng cảm tính trên cả tâm linh lý trí; chiều kích ngôn sứ giữ thế cân bằng, nhất quyết rằng sự thật phải được tôn trọng để đề cao nhân phẩm và nhân quyền. Vì vậy, hòa bình, tự do và công lý là những đòi hỏi của một xã hội hài hòa. Giữ tính ngôn sứ rất quan trọng để duy trì sự hài hòa trong sự hiệp nhất, “công lý, trật tự, và chính trực.” Và trên hết, Thiên Chúa Ba Ngôi chính là “cội nguồn của mọi sự hài hòa đích thực” của tất cả vũ trụ được tạo dựng, của gia đình nhân loại, và của từng nhân vị trong tận đáy lòng.[16]
Hài hòa ngôn sứ không phải là kiểu hòa bình giả tạo, bề ngoài có vẻ yên ổn mà bên trong sấm đổ bão dồn. Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những khẩu hiệu bóng bảy và phương châm biểu diễn nhằm che giấu thực tế hoặc lừa dối tầm nhìn. Tính ngôn sứ không cho phép kiểu hài hòa ấy mà mời gọi sự đồng lòng, cùng nhau đối diện những khó khăn và tháo gỡ chúng bằng tình, bằng lý, và (nếu có) bằng đức tin tôn giáo hoặc niềm tin tâm linh. Trong mọi khó khăn, việc liên kết với nhau bằng những giá trị chung và tôn trọng nhau bằng những giá trị riêng sẽ giúp tháo gỡ nhiều điều khuất tất. Khi làm điều ngược lại, tức là chỉ chăm chú nhìn vào những điểm khác để phản đối, phê bình, ghen tị, và phá bỏ thì chúng ta có thể dự đoán được điều gì sẽ xảy ra. Do đó, sự tương tự và giống nhau giúp xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp, còn sự khác nhau lại dễ đem đến thành kiến và loại trừ. Người chỉ mong tìm kiếm sự khác biệt để so sánh thì không thể giữ mối quan hệ dài lâu. Tuy nhiên, tương tự và khác biệt, chúng ta không tuyệt đối hóa mặt nào, chỉ có điều chúng ta cần tìm điểm tương tự nhiều hơn mà thôi. Tương tự làm nên sự hài hòa, nhưng nếu tất cả đều tương tự thì sẽ trở nên nhàm chán và một màu.[17]
Hài hòa ngôn sứ đòi hỏi sự hiểu biết lẫn nhau nhưng không phải là những cuộc đối thoại suông, rồi không có hành động giữa các bên. Mối giao kết sẽ không được gọi là khăng khít, mà trái lại còn càng ngày càng rời rạc nếu chỉ dừng lại ở những cuộc tọa đàm gặp gỡ theo kiểu “đến hẹn lại lên” để truyền thông đưa tin chụp hình. Đối thoại là cả một chiến lược và nghệ thuật, tuy nhiên để đối thoại đi đến hành động hài hòa còn cả một chặng đường chông gai. Ví dụ: đối thoại suông ví như những phương tiện giao thông hết nhiên liệu, chỉ đứng một chỗ rồi gọi nhau í ới trên đường; hoặc ngay cả như tất cả các phương tiện đều chuyển động trên đường mà “đường ai nấy đi” bình an; hoặc có chăng các xe gặp nhau tại một trạm dừng chân dọc đường; trái lại, đối thoại có hành động hài hòa chính là khi có sự cố trên đường, tất cả cùng bình tĩnh giải quyết mà không xảy ra các xung đột, cãi vã, kiện tụng; hoặc bất cứ chuyện gì khác vẫn có thể liên hệ giúp nhau. Đây còn là một bước tiến dài cần phải đi của đối thoại liên tôn và các lĩnh vực cần đối thoại khác.
Hài hòa ngôn sứ là lối sống mời gọi biến đổi từ bên trong, nó tuyệt đối không được hiểu theo kiểu nhổ rễ hay tẩy não từ kế hoạch mang tính chiêu dụ tôn giáo. Chân lý, công ích, lòng trắc ẩn (từ bi) và tình thương chính là những tác nhân thúc đẩy quá trình biến đổi và hoán cải tự nhiên trong hoàn cảnh mà thông điệp Tin Mừng mời gọi, Thần Khí linh hứng, và nội tâm thánh thiện đáp lại. Điều đó chỉ xảy ra trong tương quan chân thành và lành mạnh với chính mình, với tha nhân, với tạo vật, và với Thiên Chúa. Trong tương các quan đó, đừng nghĩ rằng tôi luôn có để cho và để ban phát; trái lại, khi biết đón nhận và học hỏi, nhìn nhận rằng tôi cũng cần được truyền giáo bởi người khác thì cũng là truyền giáo, đó là truyền giáo ngược (mission-in-reverse, theo giáo sư và nhà truyền giáo Claude Marie Barbour).
Sống hài hòa ngôn sứ mời gọi tất cả những người môn đệ truyền giáo nghĩ lại lối sống đức tin sáng tạo trong sứ vụ truyền giáo cho cả người Kitô giáo và cho muôn dân bằng nhiều hướng tiếp cận, nhiều phương thức thực hiện, cho nhiều thành phần, và tất nhiên là huy động tất cả các nguồn lực có thể. Vì Nước Trời, chúng ta cần nỗ lực cao để đối mặt, dám sai sót, can đảm nhận rủi ro, và không ngại đưa ra những phương pháp tiếp cận mới để truyền giáo. Và dù chọn theo cách nào đi nữa thì việc sống “hiệp nhất trong đa dạng” đều là một thách đố rất lớn nhằm duy trì sự hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ. Công việc missio Dei (sứ vụ của Thiên Chúa) cần có sự phối hợp đồng lòng của tâm, trí, và linh hồn của những môn đệ truyền giáo nhằm hiệp nhất chúng ta trong Chúa Ba Ngôi.
Chuyện cũ, nói mãi. Linh mục biết, giáo dân vẫn kêu. Ngoài chuyện giảng dài, giảng dai thì không biết vì sao đã học qua các khóa giảng lễ trong chủng viện và học viện, đã đọc các sách về thuật giảng lễ, đã đọc hướng dẫn, tông huấn, ưu tư của Đức Thánh Cha, vậy mà có những bài giảng vẫn lan man sự đời, dông dài thế sự, chỉ thấy lời của con người, chẳng thấy giảng lời Chúa đâu. Vậy mới biết từ lý thuyết đến thực hành khó đến vậy? Có thể nói, người giảng không đầu tư, không suy gẫm, chưa sống điều mình giảng thì ngôn từ giảng chỉ là những kiến thức khoa bảng, thuật máy móc, hời hợt để đốt thời gian mà không giúp cho giáo dân suy gẫm sâu hơn, không đưa họ đến sống thánh thiện hơn.[18]
Tính ngôn sứ của bài giảng là một thách đố cho cả người giảng và người nghe. Ví dụ linh mục đề cập đến những vấn đề nhạy cảm của đức công bằng, hôn nhân, sinh sản kế hoạch, luân lý tính dục, và chính trị xã hội. Việc sợ đụng chạm là một yếu tố rào cản để linh mục/phó tế lảng tránh hoặc nói giảm điều cần truyền đạt, đồng thời người tham dự lại không muốn nghe chuyện chột dạ của chính họ. Thế nhưng, Lời Chúa nhất thiết phải có sức biến đổi như thư gửi tín hữu Hipri nhấn mạnh: “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (Hr 4,12-13). Và bài giảng phải giúp cho người nghe nhận ra điều mà Thiên Chúa muốn đòi con người “trả lẽ”. Ngẫm nghĩ hành vi!
Không có ý tưởng soạn bài giảng ư? Vậy linh mục nên tự hỏi mình đã thinh lặng suy gẫm trước Thánh Thể (hoặc ở nơi tĩnh lặng) để suy gẫm về bài Tin Mừng được 15-30 phút chưa? Người linh mục có thể quá bận rộn với đủ mọi thứ việc mục vụ mà quên đi thời gian cầu nguyện và chuẩn bị bài giảng. Nhiều linh mục dựa vào năng khiếu kể chuyện, năng khiếu giảng mà không dùng thời gian đào sâu kiến thức Kinh Thánh, không suy gẫm Lời Chúa, cuối cùng, thông điệp mà linh mục chuyển tải chỉ là những hỉ hả chuyện đời và khoe chữ, còn thông điệp Tin Mừng lại quá ít ỏi hoặc hùng hồn tuyên bố những giáo lý và luân lý cứng nhắc, không đi vào thực tế. Không nghe tiếng Chúa, không nghe giáo dân thì bài giảng chỉ mang tính dạy đời và gieo rắc điều hoang mang, chứ không chuyển tải được thông điệp cứu độ của chân lý, yêu thương, và hy vọng. Vậy hãy tự hỏi xem, khi giảng, linh mục có dùng từ “buộc” và “phải” quá nhiều để “ép tim”, thậm chí “đá khéo”, “dọa nạt” giáo dân không? Đức Thánh Cha Phanxicô đã rất đúng khi đề cập trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên” (EG 135). Vậy, ước gì việc giảng lễ là một giây phút đầy hào hứng và háo hức mong chờ của cả người giảng và người nghe (vì ai nấy đều được nghe tiếng thì thầm ngôn sứ mời gọi biến đổi), chứ không phải là một hành động khổ sở vì miễn cưỡng phải giảng và phải nghe!
Mặc dù chuẩn bị kỹ nhưng việc giảng sao cho hài hòa giữa đức tin và văn hóa là cả một nghệ thuật, và chúng ta cũng không thể tránh được đụng chạm các thành phần đa dạng của một cộng đoàn. Vì vậy, sự khôn ngoan của người mục tử là tập trung giảng Lời Chúa nhiều chứ đừng dùng bục giảng làm nơi huấn đức ám chỉ, vạch mặt chỉ tên, gieo rắc sợ hãi. Mục tử cần phân biệt các hình thức giảng: huấn đức, tĩnh tâm, hội thảo, dạy giáo lý, lớp học, kể chuyện, họp cộng đoàn, họp ban ngành đoàn thể, nếu không, bục giảng sẽ thành một chỗ hỗn độn đi hết từ đề tài này đến hình thức kia, còn Lời Chúa thì bỏ ngỏ! Tôn trọng người nghe cũng chính là công bằng và bác ái và chỉ có sự chuẩn bị chu đáo mới giúp người mục tử thực hiện chức năng ngôn sứ của bài giảng: tôn vinh Chúa và làm thăng tiến đoàn chiên của mình.
Bài giảng có sức hút và ý nghĩa sẽ góp phần làm cho Thánh lễ thêm sốt sắng, kích thích mọi người đến với phụng vụ, và quan trọng hơn là góp một phần xây dựng cộng đoàn đa dạng vốn đa dạng lại càng đa dạng hơn ngày nay. Trong cử hành phụng vụ nói chung, người mục tử không nên là nhân tố xuề xòa chểnh mảng làm suy yếu đức tin của đoàn chiên; trái lại, ngài cần đạo đức và chu đáo của người mục tử thánh thiện lan tỏa.
Kết luận
6G không phải là một mô hình chuẩn mà chỉ mang tính luận bàn, đề xuất, và nhằm sắp xếp ý tưởng có tính chất tổng hợp này. Mặc dù mạng vệ tinh 6G là công nghệ lý tưởng, nhưng không có nghĩa là nó hoàn hảo và hoạt động mọi lúc mọi nơi. Trong mọi tình hình, cần thành thật với chính mình và khiêm nhường lắng nghe thì bản thân mới mong có sự đổi mới. Thăng tiến của mọi lãnh vực, kể cả theo chiều hướng mà chúng ta đang bàn đến là xây dựng người linh mục/tu sĩ liên văn hóa, đều cần phải gạn đục khơi trong. Theo Viktor Frankl, “để sống bạn phải chọn lựa, để yêu bạn phải gặp gỡ, và để lớn lên bạn phải đau khổ.”[19] Nếu chúng ta không thể vượt qua những yêu cầu ấy thì cuộc đời phục vụ và khái niệm thăng tiến trở nên một lý tưởng xa vời.
Linh mục Antonio Pernia, SVD (Dòng Truyền Giáo Ngôi Lời) đúc kết và nhấn mạnh: “Những cộng đoàn mang tính quốc tế và liên văn hóa thực sự cần phải được hình thành cách ý thức, chú tâm cổ võ, chăm sóc cẩn thận, và ân cần nuôi dưỡng”.[20] Sự chểnh mảng của một trong những yếu tố thực hành giao tiếp, giữ gìn, giao thoa, giao hòa, giao tình, và giảng huấn làm cho hình ảnh Chúa Kitô của người mục tử bị biến dạng và méo mó. Một tâm hồn rộng mở cho Nước Chúa là một tâm hồn không có biên giới khi phục vụ giáo hội địa phương: hãy biến thế giới thành giáo xứ của bạn; hoặc nói theo Đức Giám mục, thần học gia (phái Methodism) John Wesley: “Đừng biến giáo xứ thành thế giới của riêng bạn, nhưng biến thế giới thành giáo xứ của bạn.” Đó là tinh thần của mọi linh mục, tu sĩ, giáo dân truyền giáo để bước vào một thời đại truyền giáo toàn cầu.
Trước sự tục hóa và chạy theo vật chất, để hoàn thiện hơn, nếu cần thêm một chữ “G” nữa cho đời sống linh mục liên văn hóa trong lĩnh vực đức tin, thì tôi đề nghị GIẢN DỊ chính là yếu tố cần nghĩ đến để sống ơn gọi truyền giáo cách thiết thực hơn. (Các) chữ “G” tiếp theo bạn muốn cho riêng bạn là gì?
Nguyên Phong, Muôn Kiếp Nhân Sinh, (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2020), 18.
Raymond A. Serway và John W. Jewett, Physics for Scientists and Engineers, Brooks/Cole, 2003.
Anthony Gittins, Living Mission Interculturally: Faith, Culture, and the Renewal of Praxis, (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2015), xviii
Trần Như Ý Lan, “Tròn một năm từ khi ca nhiễm SARS-COV-2 đầu tiên”, Bản tin Hiệp Thông số 122 (HĐ Giám mục Việt Nam, tháng 1-2/2021, 224-249): tr. 244-246.
Thông điệp Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời (SVD), Arnoldus Nota, (Rome, December 2020), tr. 1-2.
Gittins, Living Mission Interculturally, 6-11.
ĐGH Phanxicô trong cuộc phỏng vấn với Antonio Spadaro, “A Big Heart Open to God,” America 209, số 8 (13/9/2013): 28.
Xem Jonathan Sacks, Dignity of Difference: How to Avoid the Clash of Civilizations (New York, Continuum, 2002), tr. 8.
Xem Robert J. Schreiter, The Ministry of Reconciliation: Spirituality and Strategies (Maryknoll, New York: Orbis Books, 1998), tr. 73.
ĐGH Phanxicô, “Sứ điệp Ngày Thế giới hòa bình 2015”, trong bài viết của linh mục Giuse Ngô Sĩ Đình, Bản tin Hiệp Thông số 122 (HĐGM Việt Nam, tháng 1&2 năm 2021), HĐGMVN, tr. 48.
Ngô Sĩ Đình, “Tu sĩ Việt Nam hôm nay trước thách đố ơn gọi và sứ vụ”, trong Bản tin Hiệp Thông số 122, HĐGMVN, trang 44.
ĐGH Phanxicô, Tông thư gửi tất cả những người tận hiến, 21/11/2014 trích trong Bản tin Hiệp Thông số 122, trang 44.
Phần này sử dụng tài liệu từ Đỗ Nguyên Vũ, Animating Missionary Discipleship [Linh hoạt Tông đồ Truyền giáo], các trang 94, 100, 106, 120.
Xem Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, For All the People of Asia (Manila: Claretian 1997, 2002, 2007, 2014), quyển 1, trang 319; quyển 2 trang 164, 174.
Trích trong Anthony Gittins, A Presence that Disturbs: A Call to Radical Discipleship (Missouri, U.S.A.: Liguori, 2002), xvii. Ý tưởng ban đầu từ Victor Frankl, Man's Search for Meaning (New York, Pocket Books, 1959, 1973).