Đức cha Lambert de la Motte và việc phân định thần loại

Thứ năm - 08/09/2022 19:52

Đức cha Lambert de la Motte và việc phân định thần loại

06/09/2022
  •  
  •  


ĐỨC CHA LAMBERT DE LA MOTTE
VÀ VIỆC PHÂN ĐỊNH THẦN LOẠI

Catarina Dương Thị Thu Trang
Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế
năm 2022
 
 
Mục lục
LỜI MỞ ĐẦU
PHẦN I - NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRÊN ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE
     1. Trường Dòng Tên
     2. Trường Đại học thành phố Caen
     3. Các vị linh hướng
          3.1. Cha Julien Hayneuve, Dòng Tên (1588-1663)
          3.2. Ông Jean de Bernières de Louvigny (1602-1659)
          3.3. Cha thánh Jean Eudes (1601-1680) và Chủng viện Coutances
          3.4. Cha Simon Hallé (1602-1672)
PHẦN II - ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE VÀ VIỆC PHÂN ĐỊNH THẦN LOẠI
     1. Giáo huấn của Thánh I-nhã về việc phân định thần loại
          1.1. Hai tình trạng tâm hồn
          1.2. Một số các quy tắc phân định thần loại
     2. Những mẫu chuyện về Đức cha Lambert
          2.1. Mẫu chuyện thứ nhất
          2.2. Mẫu chuyện thứ hai
     3. Tiến trình chọn lựa dựa trên truyền thống linh đạo I-nhã
          3.1. Cách thức chọn lựa theo thánh ý Chúa
          3.2. Cách thứ nhất để chọn lựa
          3.3. Cách thứ hai để chọn lựa
     4. Hai biến cố: từ phân định đến quyết định
          4.1. Biến cố thứ nhất
          4.2. Biến cố thứ hai
LỜI KẾT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
CHỮ VIẾT TẮT
AMEP: Archives des Missions Étrangères de Paris.
GE: Tông huấn Gaudete et Exultate.
LT: Linh thao của Thánh I-nhã Loyola.
NNCMTG : Nhóm Nghiên Cứu Linh đạo Mến Thánh Giá.
Nt: như trên.
Sđd: sách đã dẫn.
 

LỜI MỞ ĐẦU

Cuộc sống của người Kitô hữu và cả đời tu nói chung, dường như hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện từng ngày với những biến động chóng mặt của thế giới và xã hội. Chúng ta đang chứng kiến nhiều thế lực tục hóa xã hội ngày càng tăng, như muốn cuốn trôi đi những giá trị căn bản của đời sống đức tin, luân lý, đạo đức… và cũng có nguy cơ làm mất phương hướng cho những ai muốn vươn tới sự trọn lành.
Trước tình trạng đó, việc mở lòng ra để Thần Khí Thiên Chúa tác động nơi tâm hồn người thánh hiến, là lời mời gọi mang tính khẩn thiết cho hành trình tiến về phía trước. “Tĩnh lặng, lắng nghe, chiến đấu, tỉnh thức, phân định” trong lãnh vực thiêng liêng, là những chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô quan tâm rất nhiều trong các giáo huấn của ngài, đặc biệt nơi Tông huấn Gaudete et Exultate- Hãy Vui mừng và Hân hoan. Ngài nói: “Đời Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Cần phải có sức mạnh và lòng can đảm để chống lại các cám dỗ của ma quỷ và để loan báo Tin Mừng. Cuộc chiến này rất cao đẹp, vì cho phép chúng ta ăn mừng mỗi khi Chúa chiến thắng trong cuộc đời của chúng ta”[1].
Nhưng trong cuộc chiến này, làm sao để biết một điều đến từ Thánh Thần hay từ thế gian hoặc ma quỷ mà không cần phân định? Việc phân định do vậy trở nên thật sự cần thiết, không chỉ vào những thời khắc đặc biệt, mà phải thực hành mỗi ngày, như là công cụ chiến đấu để giúp chúng ta theo Chúa tốt hơn[2].
Khởi đi từ sự quan tâm và định hướng của Giáo Hội, bài nghiên cứu với chủ đề “Đức cha Lambert de la Motte và việc phân định thần loại”, bằng cách điểm qua những mẫu chuyện kể về những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của ngài, được ghi lại trong tác phẩm “Vie de Monseigneur la Motte - Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte” của sử gia Jacques-Charles de Brisacier, mong được góp phần giúp chúng ta cảm nhận được: yếu tố phân định, là một phần không thể thiếu trong đời sống thiêng liêng của Đức cha Lambert. Ngài sẽ là mẫu gương cho mỗi người chúng ta, những chứng nhân Tin Mừng cho Chúa và Giáo Hội qua mọi thời đại.
Sau cùng, qua tập sách nhỏ này, xin gói ghém tâm tình biết ơn của người viết đối với các bậc thầy đời sống tâm linh, cách riêng các cha Dòng Tên trong các khóa Huấn luyện Người Hướng dẫn Linh thao, những vị thầy và bạn bè đã cung cấp nguồn tài liệu và góp ý tích cực cho bài viết được hoàn thành như ý nguyện.

PHẦN I NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TRÊN ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE[3]

1. Trường Dòng Tên

Khoảng năm 1634, Pierre Lambert học trung học phổ thông tại Trường “Collège de Mont” do các tu sĩ Dòng Tên điều khiển ở thành phố Caen. Theo lời chứng của các thầy dạy cậu, thì chỉ trong một thời gian ngắn, cậu đã đạt được những tiến bộ đáng kể[4]. Đặc điểm nổi bật của nền giáo dục do Dòng Tên truyền đạt cho học sinh là, song song với các môn học nhân văn, học sinh được hướng dẫn “đi đường nhân đức trong Hiệp hội Thánh Mẫu (Congrégation Mariale) do chính Dòng Tên thành lập; nghĩa là “giúp cho các hội viên canh tân nội tâm…”; làm cho họ thành những “giáo dân Dòng Tên” đích thực, quen thuộc với việc linh thao và hoàn toàn hướng về việc tông đồ nhằm biến cải xã hội, với mục đích “tái Công giáo hoá” toàn bộ xã hội nhờ một đời sống gương mẫu và chu toàn công việc, các chức vụ cao trọng mà họ được mời gọi đảm nhận trong “thế gian theo đúng như Kitô giáo dạy[5].
Phương pháp giáo dục của Dòng Tên đã giúp cho Pierre Lambert có một nhân cách mạnh mẽ, có khả năng đương đầu với nghịch cảnh và thử thách trong cuộc sống, tập sống đời khổ chế và được khai tâm về lòng kính mến Đức Maria.

2. Trường Đại học thành phố Caen

Sau trung học, Pierre Lambert theo học Luật tại Đại học thành phố Caen[6]. Năm 1646, sau khi tốt nghiệp Đại học luật, Pierre Lambert bắt đầu con đường sự nghiệp. Khởi đầu, ngài làm luật sư trong Nghị Viện (advocat en Parlement)[7] thành phố Paris, rồi chỉ trong thời gian rất ngắn, chuyển qua làm thẩm phán tại Toà án Thuế vụ (Cour des Aides), thành phố Rouen lúc mới 22 tuổi. Vì chưa đủ tuổi luật định là 25 để làm thẩm phán, nên ngài đã xin và nhận được phép chuẩn của vua Louis XIV[8]. Ngài giữ chức vụ này tại thành phố Rouen trong vòng 9 năm. Sau đó, ngài từ chức và xin gia nhập hàng giáo sĩ, chịu chức linh mục ngày 27.12.1655.

3. Các vị linh hướng

3.1. Cha Julien Hayneuve, Dòng Tên (1588-1663)

Linh đạo của Dòng Tên đã ảnh hưởng rất sớm trên tâm hồn cậu học sinh Pierre Lambert trong thời gian trung học phổ thông. Ngài quý trọng các tu sĩ Dòng Tên hơn cả[9], vì thế trong chín năm hành nghề tại Toà án Thuế vụ Rouen (1646-1655), chàng thẩm phán trẻ quyết định sống theo sự chỉ dẫn của vị linh hướng đầu tiên của mình là cha Hayneuve[10] Dòng Tên, đang là Viện trưởng trường “Collège de Rouen”[11], “là một nhân vật khá nổi tiếng với các sách đạo đức của ngài. Trong thế kỷ này, khó tìm ra vị tu sĩ nào được như cha Hayneuve: sống siêu thoát trần gian, kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, khiêm nhượng thẳm sâu, nguyện ngắm cao siêu, nghiêm khắc với bản thân, hiền hoà với tha nhân, sáng suốt trong phương châm sống lẫn trong việc phân biệt các thần loại, vững vàng trong nhân đức lẫn trong khuyên bảo, hãm mình bên trong, phạt xác bên ngoài, trung thành với đặc sủng cũng như chuyên tâm lo thánh hoá những người đặt tin tưởng nơi cha”[12].
Về mặt giáo thuyết, Pierre Lambert “đặt trọng tâm vào Chúa Kitô, đề cao ý chí, cổ võ đời sống bí tích, chú ý đến việc tông đồ”[13].
Nhà thẩm phán đạo đức này gặp cha linh hướng hằng ngày, thường xuyên đi nhà thờ của các tu sĩ Dòng Tên để nguyện ngắm và đọc kinh nhật tụng, trước khi đến toà án làm việc[14].

3.2. Ông Jean de Bernières de Louvigny (1602-1659)

Khoảng cuối năm 1654, Thiên Chúa đã soi dẫn ngài đến sống bên cạnh ông Jean de Bernières ở Caen một thời gian. Vị thứ hai hướng dẫn đường thiêng liêng cho cậu Lambert này, là một giáo dân đạo đức nổi tiếng tại vùng Normandie, gia nhập Dòng Ba Phanxicô. Ông cũng được đào tạo bởi các tu sĩ Dòng Tên, chịu ảnh hưởng sâu xa linh đạo của cha linh hướng Chrysostome de Saint-Lô[15], tu sĩ Dòng Ba Phanxicô, với lý thuyết “không quan tâm tới các thụ tạo… để chỉ bận tâm về một mình Thiên Chúa[16]. Ông đã có sáng kiến lập ra Ẩn viện Caen, thu hút nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân đến tĩnh tâm nhiều ngày dưới sự hướng dẫn của ông[17].
Sau khi ông Bernières qua đời, người ta đã xuất bản tác phẩm rất nổi tiếng của ông: “Người Kitô Hữu Nội Tâm” (Le Chrétien Intérieur). Chính Đức cha Pallu đã từng khuyên nên sử dụng cuốn sách này trong Chủng viện Hội Thừa Sai Paris[18].
Nhờ sự hướng dẫn đàng thiêng liêng giỏi giang của bậc thầy như vậy, Lambert đã có được những bước tiến thật lớn trên con đường chiêm niệm và ngài luôn tha thiết cầu xin Chúa biểu lộ cho ngài biết bậc sống nào Chúa muốn ngài đi theo[19]. Ngài gia nhập Hiệp Hội Thánh Thể tại Caen và Hiệp Hội Khổ Nhục Thánh do ông Bernières phụ trách.
Sau cuộc tĩnh tâm cuối năm 1654 Pierre Lambert đã đi đến ba quyết định lớn trong đời: bỏ làm thẩm phán, làm linh mục, và tham gia chương trình truyền giáo tại Canada mà ông Bernières đang nhiệt tình vận động. Từ Ẩn viện trở về Rouen, ngài chính thức từ chức tại Toà án Thuế vụ ngày 30.04.1655, rồi đi Paris với ông Bernières, tìm cách dấn thân vào chương trình truyền giáo Canada.

3.3. Cha thánh Jean Eudes (1601-1680) và Chủng viện Coutances

Vào cuối tháng mười năm 1655, ngài Pierre Lambert chọn Chủng viện Coutances của cha thánh Jean Eudes để tĩnh tâm 40 ngày, chuẩn bị cho lễ thụ phong linh mục. Nơi đây, ngài Lambert chịu ảnh hưởng của vị linh mục thánh thiện này về nhiều phương diện. Có thể nói, cha thánh Jean Eudes trở nên một gương sáng và là một khuôn mẫu cho nhiều sinh hoạt linh mục sau này của cha Lambert. Tại Rouen, ngài rất chú tâm tới hàng giáo sĩ: tổ chức những buổi thuyết giảng, huấn đức cho các linh mục tại Cambremer (giữa Lisieux và Caen), lập chủng viện tại Rouen. Cũng như cha thánh Jean Eudes, cha Lambert xây nhà Trú Ẩn (le Refuge) cho thiếu nữ hoàn lương tại Rouen, nhà tĩnh tâm cho những ai, cả nam lẫn nữ, muốn từ bỏ Tin lành để gia nhập Giáo hội Công giáo, v.v.[20]
Qua ngài, Pierre Lambert còn tiếp cận với linh đạo Trường phái Pháp[21], do Đức Hồng y Bérulle khai sáng (vì thế ngày nay người ta thích gọi là “Trường phái Bérulle” hơn)[22] với bốn đặc điểm chính sau đây: “tinh thần tôn giáo thể hiện ra trong nhận thức về sự cần thiết phải tôn thờ Thiên Chúa (tức trau dồi nhân đức thờ phượng); chọn Chúa Kitô làm trọng tâm đời sống thần bí; cảm thức về vị trí cao cả của Mẹ Thiên Chúa; và đề cao bậc sống linh mục”[23].
Đối với cha thánh Jean Eudes, Đức cha còn là một ân nhân vì đã trao cho ngài Chủng viện tại Rouen trước khi Đức cha rời bỏ quê hương lên đường truyền giáo.

3.4. Cha Simon Hallé (1602-1672)

Trên bình diện tu đức cá nhân, yếu tố quan trọng nhất trong thời gian ngài làm Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen là cha Pierre Lambert đã chọn cha Simon Hallé[24] làm vị linh hướng mới cho mình. Vị linh hướng thứ ba này thuộc Dòng Bé Mọn (Les Minimes). Năm 1656, khi cha Pierre Lambert làm Giám đốc Trung tâm Xã hội thì các cha Dòng Bé Mọn “dành phần lớn các hoạt động tông đồ cho việc truyền giáo (đúng hơn nên hiểu là giảng “các tuần đại phúc = missions”) nhằm vào những người bất hạnh”. Nơi Dòng Bé Mọn, “cha Pierre Lambert tìm thấy một mẫu tu đức mới, hoàn toàn phù hợp với cá tính triệt để của ngài: dành ưu tiên cho Tin Mừng, và trong Tin Mừng, cho cuộc Khổ Nạn, yêu mến Chúa Kitô bằng cách bắt chước Người, đặc biệt ở sa mạc và trên Thánh Giá, làm cho cuộc cải cách Giáo hội được hiện thực nơi mình nhờ việc đền tội”. Nét mới mẻ nhất là chức năng tông đồ của việc đền tội. Các tu sĩ làm việc đền tội “vì tội mình và vì tội những người khác, trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu-Kitô Cứu Thế[25]. Dòng Bé Mọn còn « nổi tiếng là một dòng cực kỳ nghiêm ngặt… Đời sống của các tu sĩ là đời sống “mùa chay trường”, kiêng thịt và những thứ liên quan tới thịt như trứng, bơ, sữa, phô-mát... Họ ăn chay, hãm mình đền tội, thinh lặng gần như suốt đời[26]. Được cha Hallé hướng dẫn, cha Pierre Lambert đã sớm gia nhập Dòng Ba của Dòng Bé Mọn, và từng bước đi sâu vào linh đạo khổ hạnh của Dòng này, là linh đạo sẽ giữ người đệ tử của ông Bernières trong đường khiêm tốn và từ bỏ[27].

PHẦN II ĐỨC CHA PIERRE LAMBERT DE LA MOTTE VÀ VIỆC PHÂN ĐỊNH THẦN LOẠI

Cuộc đời của Đức cha kể lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm về cuộc chiến đấu thiêng liêng trong nội tâm của ngài để nhận biết và thi hành thánh ý Chúa. Chúng ta sẽ tìm thấy nơi ngài nghệ thuật phân định thần loại, dựa vào những thúc đẩy thiêng liêng khác nhau xuất hiện trong tư tưởng và tâm hồn trước mỗi sự kiện, mỗi biến cố, theo mô hình ba bước mà Thánh I-nhã đã trải qua đó là Ý THỨC/ cảm biết; HIỂU BIẾT/ nhận ra và HÀNH ĐỘNG/ đón nhận hoặc loại bỏ[28].
- Ý THỨC: đây là nỗ lực để nhận biết những kinh nghiệm thiêng liêng nào đang xảy ra trong nội tâm ta, đâu là những thúc đẩy thiêng liêng đang xuất hiện trong tư tưởng và tâm hồn ta.
- HIỂU BIẾT: là việc gẫm suy về những thúc đẩy ta đã nhận biết. Cho phép ta hiểu được đâu là những thúc đẩy đến từ Thiên Chúa, và đâu là những thúc đẩy không phải do Người.
- HÀNH ĐỘNG: tức là việc đón nhận cũng như sống theo những gì ta đã hiểu ra là xuất phát từ Thiên Chúa, và việc loại bỏ cũng như gạt ra khỏi cuộc sống ta những gì không phải đến từ Thiên Chúa.
Đối với Đức cha Lambert, sự thờ ơ không chú tâm đến những chuyển động trong tâm hồn là một thiếu sót lớn trong hành trình thiêng liêng: “…Một sự thiếu sót còn lớn hơn nữa, khi linh hồn không quan tâm đủ tới các sự thúc đẩy bên trong, hoặc vì cho là chuyện ít quan trọng, hoặc vì nghĩ mình có thể không cần phải chú ý nhiều. Làm thế, linh hồn phạm hai tội bất trung: một là lạm dụng ơn lành Chúa ban, hai là chối bỏ những bổn phận mà cuộc hôn ước thánh thiêng đòi hỏi, khi Chúa thúc đẩy ta từ bên trong”[29].
Ngài còn khuyên dạy chúng ta: “Phải làm mọi sự theo ơn gọi của mình chỉ duy nhất do động lực nội tâm thúc đẩy”[30] và chỉ khi thật sự ao ước hiệp nhất với Chúa Giêsu Kitô bằng một sự liên kết không thể diễn tả được, thì người ta mới không còn hành động bằng sức riêng mình nữa[31].
Việc phân tích các mẫu chuyện về cuộc đời Đức cha Lambert sau đây, sẽ giúp chúng ta khám phá những kinh nghiệm đạo đức này của ngài. Nhưng trước hết, chúng ta cần ôn lại giáo huấn của Thánh I-nhã về: Hai tình trạng của tâm hồn; khái niệm về hoạt động của Thần lành và Thần dữ và một số các quy tắc phân định thần loại cơ bản.

1. Giáo huấn của Thánh I-nhã về việc phân định thần loại[32]

1.1. Hai tình trạng tâm hồn

“An ủi” và “sầu khổ” là chất liệu quan trọng nhất của việc phân định.
1.1.1. An ủi thiêng liêng (LT 316), là tình trạng:
- Linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
- Linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa, hoặc bởi đau đớn vì tội lỗi mình, hay vì sự thương khó của Đức Giêsu.
- Sự gia tăng của lòng tin-cậy-mến và niềm vui nội tâm, kéo tâm hồn đến những sự trên trời và hướng về Đấng Tạo Hóa.
1.1.2. Sầu khổ thiêng liêng (LT 317)là tình trạng ngược lạikhi linh hồn thấy:
- Tối tăm, xao xuyến bề trong, bị thúc đẩy về những gì thấp hèn và phàm tục.
- Lo lắng về những xao động và cám dỗ xúi ta mất tin tưởng, trông cậy, lòng mến.
- Lười biếng, khô khan, buồn sầu như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa.
Có thể nói không thể phân định nếu không biết lắng nghe và nhận biết những chuyển động từ chính tâm hồn mình. Con đường Thánh I-nhã vạch ra để vươn đến với Thiên Chúa là con đường ngang qua thế giới nội tâm của mỗi con người. Đây cũng là một trong những con đường đã được chỉ ra bởi rất nhiều tác giả Kinh Thánh, để ngang qua an ủi hay sầu khổ có thể nhận ra một người đang được Thiên Chúa ở cùng hay không[33].

1.2. Một số các quy tắc phân định thần loại

Đây là những quy tắc để cảm biết và nhận ra phần nào những thúc đẩy khác nhau trong linh hồn, điều tốt để đón nhận và điều xấu để loại bỏ (LT 313).
Thánh I-nhã ghi nhận có hai tiếng nói thúc đẩy trong tâm hồn: Thần lành (Thiên Chúa, các thiên thần) và thần dữ (ma quỷ, thế gian, xác thịt). Cả hai thần đều có thể tác động và lôi kéo tâm hồn bằng cách tạo ra các tâm trạng vui buồn, an ủi, sầu khổ, nhưng nhằm mục tiêu khác nhau: Thần lành can thiệp để đưa tâm hồn đạt đến phần rỗi; thần dữ xúi dục để cướp mất linh hồn.
Khó khăn là bằng cách nào phân định được đâu là tiếng nói của thần lành để theo, và đâu là tiếng nói của thần dữ để tránh. Thánh I-nhã phân biệt ra hai tình trạng của đời sống thiêng liêng; trong mỗi chặng, hai thần dùng những chiến thuật khác nhau.
- Đối với người ở Tuần I Linh Thao (LT 314)
Họ là những người ở trong tình trạng tội lỗi, đi từ tội trọng này đến tội trọng khác, cần hoán cải đời sống để được phần rỗi.
+ Thần dữ: sẽ bày ra những thú vui giác quan, trấn an giả tạo, để giữ chân linh hồn ở trong tình trạng tội lỗi.
+ Thần lành: tác động ngược lại bằng cách cắn rứt, thôi thúc lương tâm hoán cải và sống theo lẽ phải.
+ Cạm bẫy của thần dữ đối với Tuần I: Chúng dùng ba cách thế sau để tấn công linh hồn (LT 325-327):
* Như người vợ hung dữ tấn công dồn dập bắt nạt chồng; nhưng nếu người chồng hùng hổ lên thì cô ta thua cuộc.
* Như gã sở khanh dụ dỗ thiếu nữ đoan trang và nói hãy giấu kín; nhưng nếu cô gái nói ra với bố thì gã liền bỏ chạy.
* Như vị tướng sẽ tìm cửa thành nào yếu nhất để tấn công. Vì thế mỗi người phải biết điểm yếu của mình để phòng vệ.
- Đối với người ở Tuần II Linh Thao (LT 329)
Đây là những người đang thăng tiến trên đường của Thiên Chúa.
+ Thần lành: Ban sự bình an và vui vẻ thiêng liêng thật, xóa bỏ mọi buồn sầu và xao xuyến do kẻ thù đưa vào.
+ Thần dữ: chống lại bình an và an ủi thiêng liêng ấy bằng cách đưa ra những lý do giả tạo, cầu kỳ và ngụy biện khôn cùng.
+ Cạm bẫy của thần dữ đối với Tuần II: là chúng giả dạng thần lành, bày ra những ý tưởng hoặc thúc đẩy có vẻ đạo đức thánh thiện để lừa bịp, nhưng sau đó tìm cách lôi kéo linh hồn đi xa khỏi con đường của Thiên Chúa (LT 332).
=> Những quy tắc trên cũng có thể áp dụng cho việc phân định cá nhân trong cuộc sống mỗi ngày.

2. Những mẫu chuyện về Đức cha Lambert

Dựa vào lý thuyết đã trình bày trên, khi đọc những mẫu chuyện về cuộc đời của Đức cha Lambert, chúng ta sẽ tập trung vào những ý tưởng  cảm giác xuất hiện trong các câu chuyện, tiếp đến là cách ngài suy nghĩsuy xét, nhận định nhằm khám phá ra được các kinh nghiệm thiêng liêng mà Đức cha đã trải qua vào những khoảnh khắc quan trọng trong hành trình thiêng liêng của ngài. Đây chính là những khoảnh khắc phát xuất ra những yếu tố liên quan đến giáo huấn về việc phân định thần loại của Thánh I-nhã.

2.1. Mẫu chuyện thứ nhất

Ủy viên Tòa án Thuế vụ và ơn gọi truyền giáo tại Canada (1654).
Trong khoảng thời gian làm việc tại Tòa án thuế vụ “lòng ngài bị cuốn hút vào một dấu bí ẩn nào đó mà ngài chưa nhận ra” (Brisacier, số 16). Cùng lúc đó, dù đang còn là một giáo dân, người ta đã có ý đề cử ngài làm ứng viên Giám mục Đại diện tông tòa ở Canada (s. 17).
Chúng ta hãy quan sát các biến chuyển nội tâm của ngài Lambert khi nhận được tin này:
- “Ngài thấy mình bị phân chia giữa cảm giác sợ hãi do tính tự ái tạo ra trước bao nhiêu là công việc gắn liền với cuộc sống truyền giáo ở những đất nước xa xôi, với cảm giác vui sướng tự nhiên khi được đánh giá như một Tông đồ có khả năng gánh vác được chức vụ Giám mục nặng nề trong một đất nước xa lạ” (s. 17).
Ngài Lambert ý thức (cảm biết) về hai loại cảm giác xảy đến trong lòng ngài đó là: “cảm giác sợ hãi” và “cảm giác vui sướng”, đồng thời ngài cũng hiểu  (nhận biết) nó xuất phát từ đâu: cảm giác thứ nhất -“sợ hãi”- là do “tính tự ái tạo ra”, cảm giác thứ hai -“vui sướng”- xuất phát từ “con người tự nhiên”. Như vậy cả hai cảm giác ấy đều xuất phát từ bản tính con người tự nhiên chứ không đến từ Thiên Chúa.
Việc khám phá ra được nguồn gốc sâu xa của các suy nghĩ, cảm xúc là điều rất quan trọng, có thể nói là mấu chốt của việc phân định thiêng liêng. Bởi vì, qua sự phân định về nguồn gốc như vậy, mỗi người có thể nhận ra ý muốn của Thiên Chúa trong bất kỳ tình huống nào mà họ đang sống. Sự phân định về nguồn gốc như thế, Thánh I-nhã gọi là phân định thần loại[34].
Hay có thể hiểu, ý nghĩa của sự phân định ở đây, biểu thị sự phân biệt giữa một điều này với một điều khác, giữa một tư tưởng này với một tư tưởng khác. Tiến trình phân biệt này đòi hỏi việc nhận diện và xác định được tính cách khác biệt giữa một thực tại thiêng liêng này với một thực tại thiêng liêng khác. Cụm từ thần loại cho thấy đối tượng của việc phân định, tức là những thực thể thiêng liêng nào cần phải được phân biệt với nhau. Thuật ngữ thần loại, theo cách dùng của Thánh I-nhã, biểu thị các chuyển động của những cảm xúc trong tâm hồn như: niềm vui, nỗi buồn, hy vọng, sợ hãi, bình an, lo lắng, và những cảm xúc tương tự, cùng với những tư tưởng đi kèm với chúng, có sức tác động đến đời sống đức tin và bước đường tiến về Thiên Chúa của linh hồn.
Hoạt động phân định thần loại là một tiến trình qua đó ta tìm cách để phân biệt các loại thúc đẩy thiêng liêng khác nhau trong tâm hồn mình, nhận biết được những thúc đẩy thuộc về Thiên Chúa để đón nhận và những thúc đẩy không thuộc về Người để loại bỏ[35].
Quan sát phản ứng của ngài Lambert trong câu chuyện trên chúng ta sẽ thấy, một khi ngài nhận ra những cảm giác “sợ hãi”, “vui sướng” không đến từ Thiên Chúa, hành động tiếp theo của ngài là loại bỏ ngay. “Ngài không để mình chiều theo tình cảm sợ hãi hoặc vui thích” (s. 18a). Trái lại “ngài tin cậy phó thác vào Chúa để bắt tay thi hành điều Người sẽ khuyên dạy”(s. 18b).
Tiếp đến, ngài đã hành động theo ánh sáng ân sủng nhận được từ Thiên Chúa:
“Dầu chương trình trên có thành tựu hoặc không thành tựu, ở chốn nào đó trên trái đất này, nơi ngài sẽ phải sống cho hết trọn cuộc đời mình, thì ngài cũng đã được dành riêng cho một lối sống ẩn mình, nghèo hèn, đau khổ và khiêm nhường trước mắt người đời” (s. 18c).
- Ngài Lambert cũng nhận thức rõ về giá trị của cuộc sống mà ngài sắp thực hiện: “Một cuộc sống như thế thật khủng khiếp dưới cái nhìn của cảm giác và của lý trí, nhưng đối với ngài lại mang vẻ đẹp đẽ dưới cái nhìn của đức tin” (s. 19a).
- Rồi ngài đi đến hai quyết định:
Quyết định 1: “Ngài sớm thử nghiệm ngay bằng cách sống ẩn mình trong cô độc, cho đến khi sang Canada, hoặc đến một nơi nào đó người ta sẽ ấn định cho ngài”(s. 19b).
Quyết định 2: Ngài quyết định“từ nay chỉ dùng lợi nhuận mình để ăn và mặc ở mức đơn giản tột cùng, hoàn toàn từ bỏ sự quý trọng của thế gian, đến độ lấy làm vui thích khi thấy người ta nhạo báng lối sống mình, khi mình bị xem là kẻ bạc nhược, bị khinh dể bởi chính những kẻ trước đó vẫn tôn kính mình, cũng như vui vẻ đón nhận mọi khổ nhục đổ xuống trên mình”(s. 19c).
Những quyết định này đã được ngài “long trọng phủ phục thề hứa dưới chân bàn thờ, trước sự chứng giám của ông Bernières và vài người nữa” (s. 19d).
Hơn nữa để thực hành lời khấn hứa, ít ngày sau “vì bác ái, ngài đem giấy tờ của một thiếu nữ nghèo hèn đến thừa phát lại. Ông này cho ngài là một tay trung gian ăn huê hồng. Thay vì cải chính, ngài lấy làm vui mừng vì ông ta đã nghĩ sai về ngài như vậy. Rồi không cần phải có người dẫn đường, ngài cứ để đầu trần lần xuống các bậc thang với niềm hân hoan đã bị đời hiểu lầm và coi thường” (s. 19e).
Như thế, mô hình nền tảng làm sườn cho tiến trình phân định thần loại: ý thức, hiểu biết, hành động, mà Thánh I-nhã nêu ra ở phần tiêu đề các quy tắc phân định thần loại (LT 313), đã được ngài Lambert áp dụng vào cuộc sống của mình. Nhờ có ý thức thiêng liêng và hiểu biết thiêng liêng dẫn đường, mà hành động của ngài mới có thể quyết liệt và đúng hướng[36].
Theo lời cha Brisacier kể lại, vào khoảng tháng 9, tháng 10 năm 1655, người ta cho ngài Lambert biết “xứ Canada không phải là nơi Thiên Chúa gọi ngài đến để phục vụ Giáo hội Người” (s. 60). Hay tin đó, ngài Lambert đón nhận với một thái độ bình tâm trước mọi sự: “Cho dầu ngài có cảm thấy bị thu hút về vùng đất đó như ơn gọi đầu tiên, ngài vẫn không ngạc nhiên và không buồn phiền khi sự việc thay đổi như thế. Ngài tự cho mình bất xứng với mọi công việc, nhưng vẫn sẵn sàng nhiệt tình làm mọi điều người ta yêu cầu, ngay cả việc chăn giữ súc vật ở đồng quê nếu suốt đời ngài cứ mãi mãi là một giáo dân ; hoặc làm một ông cha phụ việc giáo xứ[37] hay cha phó miền quê, nếu ngài được chỉ định gia nhập hàng giáo sĩ và lãnh nhận chức linh mục” (s. 60-61).
+ Những từ “không ngạc nhiên, không buồn phiền” là những từ diễn tả trạng thái bình tâm. Bình tâm là một thái độ nội tâm cần thiết trong phân định thần loại. Thánh I-Nhã nói về sự bình tâm như sau: “Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm đối với mọi thọ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự như thế đối với mọi sự khác”.(LT 23- Nguyên lý và nền tảng).
Như vậy, bình tâm chính là trạng thái tự do nội tâm, là sự cởi mở và quân bình, giúp chúng ta ngay từ đầu không nghiêng về một giải pháp này hay giải pháp kia, nhưng biết lựa chọn nhờ một tiêu chuẩn duy nhất, đó là đem lại điều gì giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa và qua đó yêu thương tha nhân trong môi trường sống hàng ngày của chúng ta[38].
Nhưng tại sao đối với phân định, sự bình tâm lại quan trọng như thế? Cha Mark E. Thibodeaux sj. trả lời như sau: “Thưa, đó là vì nếu chúng ta sắp xếp để đưa ra một quyết định mà không được bình tâm, thì một cách vô thức, việc phân định của chúng ta thế nào cũng bị lèo lái tới sự lựa chọn mà mình thích. Nếu ta chỉ mở lòng mình ra với một khả năng, thì chẳng còn gì gọi là phân định nữa. Nhưng khi trở nên bình tâm, ta vượt lên trên cả việc mở lòng mình ra với các khả năng khác – vì khi đó ta chỉ thực sự ao ước được bước đi trên bất kỳ nẻo đường nào mà ta nhận thấy là sẽ đem lại cho vinh danh Thiên Chúa hơn”[39].

2.2. Mẫu chuyện thứ hai

Chọn lựa bậc sống
Năm 1654, lúc ngài Lambert đang còn làm Ủy viên tại Tòa án thuế vụ ở Rouen, Normandie, (lúc đó cha Hayneuve sj., là linh hướng của ngài), thỉnh thoảng lòng ngài bị cuốn hút vào một dấu bí ẩn nào đó mà ngài không nhận ra (x. s. 16).
Đến cuối năm 1654, khi đến sống bên cạnh Ông Bernières là vị linh hướng mới. Lần đầu tiên ngài có sự thúc đẩy bên trong[40] muốn lãnh nhận chức thánh để có thể giúp đỡ các linh hồn ở đất nước mà ngài nghĩ là đang kêu gọi mình đến. (x. s. 21); ngài cảm thấy từ lâu mình đã bị cuốn hút vào việc sống theo mẫu gương thời thơ ấu của vị Thiên Chúa làm người (x. s. 22).
Đồng thời ngài cũng có sự thúc đẩy trong nội tâm là muốn từ bỏ chức vụ Ủy viên Tòa án thuế vụ đang nắm giữ (x. s. 24).
Những chi tiết “lòng bị cuốn hút, sự thúc đẩy bên trong, cảm thấy…” là những dấu chỉ giúp chúng ta nhận biết Thiên Chúa đang mời gọi ngài Lambert vào một ý hướng đặc biệt nào đó. Chính ngài Lambert cũng cảm thấy rằng những tiếng gọi ấy xuất phát từ những rung động bên trong con tim, và ngài chỉ khao khát một điều là học được cách phân biệt thật chính xác những rung động nội tâm đó, để can đảm đáp trả Tiếng Gọi đang kêu mời.
2.2.1. Từ bỏ Tòa án Thuế vụ
Trong câu chuyện này mọi sự đều xoáy vào các thúc đẩy bên trong với những hoạt động của thần lành và thần dữ tác động lên những thúc đẩy đó. Chúng ta hãy quan sát về những hoạt động của thần dữ và thần lành khi mà “tất cả các sự kiện trên liên kết với viễn cảnh ngài sắp quyết định từ bỏ chức vụ đang nắm giữ, tạo ra một cám dỗ nặng nề cho ngài” (s. 24a).
a. Hoạt động của thần dữ (ma quỷ)
Đoạn văn kể lại như sau: “Ma quỷ cho rằng ngài sắp thực hiện một hành vi rồ dại không thể chịu đựng nỗi, và nếu ngài rời bỏ quyền hành, tiền bạc, sẽ chẳng còn ai quý trọng ngài nữa. Nếu ngài cứ tiếp tục đi theo niềm say mê mà ngài cảm thấy, thì chỉ trong ít ngày nữa, chẳng còn chút của cải cũng như bạn bè. Ngài sẽ được trở nên nghèo khó thực sự như ý muốn, nhưng sẽ bị mọi người đồng tình oán trách vì đã rời bỏ một chức vụ đang giúp ích cho công chúng và được mọi người tán thành, để đi vào con đường lắm ngóc ngách mà bản thân ngài cũng chưa biết kết cục sẽ như thế nào” (s. 24b).
Chiến lược của ma quỷ lúc này là bày ra những trở ngại bằng cách gieo vào tâm trí những ý nghĩ: “một hành vi rồ dại, không thể chịu đựng nỗi […] đi vào con đường lắm ngóc ngách mà bản thân cũng chưa biết kết cục sẽ như thế nào”; chúng còn đưa ra những lý lẽ giả tạo “nếu…thì; nếu…thì” để gây băn khoăn lo lắng, chán nản nơi người muốn tiến lên hơn trên đường phụng sự Thiên Chúa. Đó chính là những gì Thánh I-nhã đã chỉ ra trong quy tắc II, phân định thần loại: “Đường lối riêng của thần dữ là cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiến tới” (LT 315).
Đúng như trường hợp của ngài Lambert, khi bị cám dỗ như thế, ngài đã rơi vào cơn sầu khổ thiêng liêng mãnh liệt: “lúc này một cơn buồn sầu nặng nề xâm chiếm ngàinhưng chẳng mấy chốc nó đã tan biến cách dễ dàng” (s. 25a). Điều này chứng tỏ ngài đã nắm vững đường lối hoạt động thường thấy của ma quỷ, nên ngài mới có thể điểm mặt nó và sớm vượt qua cơn sầu khổ thiêng liêng nhanh đến thế: chỉ trong chốc lát.
b. Hoạt động của thần lành
Thánh I-nhã cho biết: “Cách thức riêng của thần lành là làm cho can đảm và sức mạnh, an ủi, nước mắt, ơn soi giục và an nghỉ, giảm bớt và hủy diệt các trở ngại để cho người ta tiến lên trong đàng lành” (LT 315 b).
+ Ơn soi giục: Ở đâyđối với ngài Lambert, “khi chợt nhớ lại mình đã cản trở ơn sủng tuôn đổ xuống trong thời gian lo việc đời, ngài cảm thấy vô cùng đau đớn vì đã chống lại sức hút của Thiên Chúa, tức là chống lại hạnh phúc bản thân, lâu dài đến thế. Nỗi ân hận ấy mạnh mẽ đến mức ngài không còn cảm thấy gì khi sắp mất mát tất cả mọi thứ khác (s. 25b).
Có thể nói rằng “nhớ lại” là việc của trí óc, “cảm thấy vô cùng đau đớn” là xác tín của con tim, “ngài không còn cảm thấy gì khi sắp mất mát tất cả mọi thứ khác” là kinh nghiệm tâm linh có được nhờ việc nhớ lại trong trí và cảm xúc của con tim. Như vậy trong phân định thần loại có sự phối hợp của cả ba yếu tố: suy luận, cảm xúc và kinh nghiệm tâm linh, bởi vì Thiên Chúa có thể ảnh hưởng trên chúng ta qua những gì chúng ta suy nghĩ, cũng như qua những cảm xúc an ủi thiêng liêng và sầu khổ thiêng liêng[41].
+ Trao ban “can đảm và sức mạnh”: Thiên Chúa đã ban cho ngài Lambert bài học kinh nghiệm về sự khôn ngoan đích thực, đó là “từ bỏ tất cả để theo Chúa Giêsu Kitô khó nghèo và khiêm hạ”(s. 25c); Thiên Chúa cũng giúp ngài nhận ra: “không có sự ngông cuồng nào đáng thương hơn, là những người đã biết muốn tìm được sự hoàn thiện thì phải từ bỏ mọi sự, nhưng lại e sợ hoặc trì hoãn thời điểm hoán cải vì khiếp sợ một cách vô căn cứ là từ nay mình sẽ bị thiên hạ xem như hư không”(s. 25d).
Những suy tư trên đã làm cho ngài trở nên mạnh mẽ hơn với quyết tâm sống theo con đường khổ chế.
+ Tiêu diệt mọi trở ngại: Sau tất cả những gì xảy ra, vào ngày 30.04.1655, ngài Lambert quyết định thôi giữ chức vụ thẩm phán Toà án thuế vụ[42] (x. s. 26).
+ Trao ban sự an ủi, củng cố tâm hồn: Theo sử gia Brisacier thì dường như “Chúa đã đổ ân sủng đi kèm với việc ngài Lambert từ chức, nên ngài cảm thấy từ nay được tự do và dấn thân hơn bao giờ hết. Ngài trở lại đền Notre-Dame de la Délivrande (Đức Mẹ Giải Cứu) để nhờ Mẹ, dâng lên cho Người Con của Mẹ những tâm tình thống hối vì những bất trung trong quá khứ nay được đổi mới tại nơi thánh thiện đó. Ngài muốn đền bù tương xứng với sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng ngài cho là đã bị ô danh bởi lối sống ủy mị và bất toàn, khác xa với sự tinh tuyền Kitô giáo mà ngài đã tuyên thệ. Thiên Chúa, người Cha xót thương, đã ân thưởng cho đức khiêm hạ và lòng nhiệt thành của ngài bằng cách lập tức ban cho ngài một niềm ham thích mới đối với những gì rồi đây sẽ làm ngài thêm khổ nhục và bị coi thường” (s. 26).
Kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh I-nhã như đã thấm vào người môn đệ Lambert, khi ngài để tâm liên tục và quan sát cẩn thận những tư tưởng phát sinh từ hai loại cảm giác sầu khổ và an ủi trên. Ngài quan sát cả những hiểu biết do ân sủng thúc đẩy, đi kèm với niềm an ủi thiêng liêng, lẫn những ý nghĩ lộn xộn nảy sinh từ cơn sầu khổ thiêng liêng. Sự ý thức rõ ràng và sáng suốt đó đã giúp ngài chọn lựa và hành động theo sự khôn ngoan thiêng liêng, đó là đón nhận những gì thuộc về Thiên Chúa và gạt bỏ những gì thuộc về kẻ thù; đồng thời cũng giúp ngài thoát khỏi những mánh khóe lừa bịp của ma quỷ để tiến tới sự tự do thiêng liêng, đó là bằng trọn cả nghị lực của con người, ngài can đảm tước bỏ mọi danh dự của chức vụ thế gian, để đi theo Tiếng Gọi của Đấng ngài mến yêu[43].
2.2.2. Hướng tới ơn gọi Linh mục
Trở lại câu chuyện lần đầu tiên, khi ngài Lambert nhận được sự thúc đẩy từ bên trong muốn lãnh nhận chức thánh, để có thể giúp đỡ các linh hồn ở đất nước mà ngài nghĩ là đang kêu gọi mình đến. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, khiến ngài phải làm hai cuộc hành hương với hai kỳ tĩnh tâm kéo dài 30, 40 ngày. Ngài phải hy sinh cầu nguyện rất nhiều mới có thể vượt thắng bao thử thách để đi đến một sự chọn lựa chắc chắn, cũng như để chuẩn bị lãnh nhận thiên chức Linh mục.
1, Cuộc tĩnh tâm 30 ngày chuẩn bị lãnh nhận các chức nhỏ[44]
Chúng ta sẽ đặc biệt bàn về cuộc hành hương khổ nhục vào cuối tháng 7 năm 1655, từ Caen tới Rennes, cách đó khoảng 180 cây số và từ Rennes trở về Caen (s. 43-58).
Tại Caen, sau cuộc tĩnh tâm 30 ngày, bắt đầu từ ngày 25.06.1654, vị hướng dẫn tĩnh tâm chấp nhận cho ngài Lambert thực hiện cuộc hành hương khổ nhục, để làm tuần cửu nhật bên mộ vị tu sĩ nổi tiếng thánh thiện Jean de Saint-Samson.
Trong cuộc hành hương này, chúng ta sẽ gặp thấy những kinh nghiệm an ủi và sầu khổ thiêng liêng liên tiếp xảy ra mỗi khi ngài Lambert mong ước tiến tới hơn trong việc phụng sự Thiên Chúa và người nghèo.
Đoạn văn kể lại như sau: “Sau khi người ta đã ấn định nơi hành hương cho con người ham thích ẩn dật đó, bỗng nhiên trong ngài bùng lên tình yêu những điên dại đầy khôn ngoan của Thập Giá, và những thực hành khó làm nhất trong việc phó thác hoàn toàn cho Đấng Quan Phòng.
Trước hết, ngài thực sự thích thú mong sao người ta sẽ cho phép ngài khi đến Rennes đem biếu hết những gì còn sót lại trong chuyến hành hương, để trải nghiệm và dùng tình yêu nâng đỡ những người hoàn toàn thiếu thốn mọi thứ trong cuộc sống. Và cho dầu trước ngày ra đi ngài cảm thấy dâng lên một nỗi ghê tởm dự định đó, dựa trên một loạt các lý lẽ rất hiển nhiên cũng như dựa trên nỗi sợ hãi tự nhiên về các tai họa có thể gặp, nhưng ngài vẫn kiên vững một khi đã quyết định. Ngài đã mặc áo nhặm để dễ dàng điều khiển ngũ quan và thân xác. Ngày 25 tháng 7 kết thúc kỳ tĩnh tâm 30 ngày. Ngài bắt đầu đi bộ trong tình trạng giao động vì tận đáy lòng thì can đảm, nhưng trong cảm giác thì buồn sầu rã rời (s. 45).
Chúng ta hãy cùng phân tích đoạn kể trên:
bỗng nhiên trong ngài bùng lên tình yêu những điên dại đầy khôn ngoan của Thập giá, và những thực hành khó làm nhất trong việc phó thác hoàn toàn cho Đấng Quan Phòng” (s. 45a), là một dạng an ủi thiêng liêng như thánh I-nhã mô tả: “khi linh hồn phát khởi một thúc đẩy nội tâm, khiến linh hồn bừng cháy lửa kính mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình” (LT 316- Quy tắc III).
+ “ngài thực sự thích thú […] đem biếu hết những gì còn sót lại trong chuyến hành hương, để trải nghiệm và dùng tình yêu nâng đỡ những người hoàn toàn thiếu thốn mọi thứ trong cuộc sống” (s. 45b). Đây chính là khoảnh khắc của ân sủng, là lúc những tín hữu thành tâm cảm thấy tâm hồn mình được cất cao, cháy bừng lòng mến Chúa yêu người.
+ Tuy nhiên, ma quỷ vẫn không để yên cho ngài, rõ ràng là “trước ngày ra đi ngài cảm thấy dâng lên một nỗi ghê tởm dự định đó, dựa trên một loạt các lý lẽ rất hiển nhiên cũng như dựa trên nỗi sợ hãi tự nhiên về các tai họa có thể gặp”(s. 45c).
Một lần nữa, có thể thấy nơi đây, cơn sầu khổ thiêng liêng dường như có sức mạnh áp đảo cả quá khứ và tương lai, liên quan đến những nỗ lực yêu mến và phụng sự Thiên Chúa của ngài Lambert. Vì thế, cần phải có một cặp mắt thật tỉnh táo nhìn vào những mưu mô dối gạt của kẻ thù trong cơn sầu khổ, thì mới có thể điểm mặt cũng như tránh được những lý lẽ giả tạo do kẻ thù bày ra [45].
Thánh I-nhã dạy phải làm gì khi lâm cơn sầu khổ?
-“Trong thời gian sầu khổ, đừng bao giờ thay đổi, nhưng hãy cương quyết bền vững trong những quyết định và dốc lòng đã có trước khi bị sầu khổ, hoặc những quyết định đã có khi được an ủi trước đây” (LT 318- Quy tắc V).
Sự khôn ngoan trong lời khuyên trên của Thánh I-nhã cũng được ngài Lambert áp dụng khi phản ứng ngược lại với cám dỗ: “ngài vẫn kiên vững một khi đã quyết định. Ngài đã mặc áo nhặm để dễ dàng điều khiển ngũ quan và thân xác” (s. 45d).
Cuộc chiến đấu thiêng liêng này vẫn còn tiếp diễn cho đến hết 30 ngày tĩnh tâm: “Ngài bắt đầu đi bộ trong tình trạng giao động, vì tận đáy lòng thì can đảm, nhưng trong cảm giác thì buồn sầu rã rời” (s. 45e).
Có thể thấy rằng sự bình an của an ủi không phải là thứ bình an thế gian ban tặng (x. Ga 14,27), không chỉ đơn thuần là tình trạng không có xung đột. Rõ ràng là sự “can đảm” hoạt động ngay giữa những nỗi “buồn sầu rã rời” chứ không loại trừ chúng. Sự can đảm của an ủi là một sự tự tin được bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ quan phòng cho những ai thi hành công việc của Người. Bình an của Chúa Kitô hoạt động thông qua những xáo trộn chứ không phải là bất chấp những xáo trộn[46].
Cứ thế, “càng đi gần tới Rennes lòng can đảm càng gia tăng với ước muốn thi hành tất cả những gì Chúa đã ra lệnh cho ngài. Tuy nhiên khi đến nơi, nỗi buồn lại tăng lên trong lòng ngài. Khi nằm trằn trọc trong căn chòi hoang, ngài chợt tỉnh giấc giữa đêm khuya, hoảng hốt sợ hãi vì nghĩ nếu mình chết vào lúc này thì chẳng được sự giúp đỡ cả tinh thần lẫn thể lý nào, và đáng sợ hơn nữa là có được cứu rỗi hay không. Ngài đã quá lo sợ đến mức nếu Chúa không giải thoát ngài khỏi chước ma quỷ cám dỗ, ngài có nguy cơ rơi vào nỗi tuyệt vọng” (x. s. 46).
Những lúc cám dỗ của thần dữ đi kèm những cơn sầu khổ thiêng liêng cứ ngày một gia tăng thì sự chiến đấu làm ngược lại của ngài Lambert càng trở nên mạnh mẽ và quyết đoán, như ta đọc đoạn tiếp theo: “Trong tình trạng đó, ngài nhớ lại mình đang vâng theo Thánh ý Chúa, và đã phó thác cho Thánh ý để vượt qua tất cả những thử thách Chúa gởi đến. Nhờ đó ngài tìm lại được không những sự bình an mà còn tràn đầy vui mừng với niềm hy vọng là con đường phó thác cuối cùng sẽ dẫn đến sự kết hiệp hoàn toàn mà những nhà tu đức gọi là sự tan biến linh hồn trong Chúa, và Thiên Chúa ngự trị trong tâm hồn” (s. 47).
Điểm chính yếu trong kinh nghiệm của ngài Lambert vẫn luôn là để tâm xem xét thật kỹ những chuyển biến xảy ra trong nội tâm của mình để có được một cảm thức rõ ràng và sáng suốt. Hiểu được nguyên nhân của cơn sầu khổ, “điểm mặt” nó và nỗ lực để vượt thắng (x. LT 319- Quy tắc VI).
Như một người ước ao muốn tiến hơn trên đường hoàn thiện, ngài Lambert nhận ra: “Để thi hành ý Chúa muốn ngài trở thành người nghèo khổ, bước đầu tiên là ngài cắt tóc thật ngắn. Việc này gây khổ tâm cho ngài hơn mức người ta tưởng, bởi vì ngài luôn cho rằng với kiểu dáng đó, ngài mang vẻ ngớ ngẩn quê mùa, việc này trước kia ngài rất khó chịu đựng nổi. Sau đó ngài khoác thêm bên ngoài y phục thường ngày một áo bằng vải thô mà ngài đã cố tình tìm mua cho bằng được. Ngài vận quần cũng bằng vải thô như áo. Và để kèm theo, ngài đội một chiếc mũ cũ kỹ, mang giày tồi tàn, thắt chặt lưng bằng sợi giây thừng (s. 48).
Tất cả những gì ngài Lambert làm với lòng đạo đức cùng với tất cả các trường hợp bị hạ nhục đi kèm theo như bị mọi người cười nhạo vì y phục kỳ lạ của ngài; bị nghi ngờ là kẻ xấu… (x. s. 49-50). Ngài nghĩ làm như vậy là theo thánh ý Chúa. Tuy nhiên, sau khi kết thúc tuần cửu nhật bên mộ tu sĩ Jean de Saint-Samson mà ngài có ước muốn nóng bỏng được tiến bộ trên con đường nội tâm theo bước chân của vị tu sĩ đó, Thiên Chúa đã ban cho ngài những “ánh sáng soi rọi xuyên suốt” và “những cảm xúc sống động về mẫu gương khó nghèo  tự hạ của Con Thiên Chúa”. Vì thế, sau khi kết thúc thời gian sống ở Rennes, ngài đã “thay đổi nội tâm bằng một cuộc biến đổi thiêng liêng, đó là trở nên như Chúa Giêsu khiêm hạ thì tốt hơn là thay đổi bộ dạng bề ngoài, cải trang thành một người nghèo như ngài đã làm (x. s. 52).
Cuối cùng, ngài Lambert đã có được một sự trưởng thành thiêng liêng rõ rệt trong ý thức về việc sống khó nghèo như thế nào thì “tốt hơn”, nghĩa là nên giống Chúa hơn. Hướng đến điều hơn nữa -“magis”- cũng là một đặc nét trong linh đạo I-nhã. “Magis” là một năng động tình yêu, tạo nên sự khao khát mãnh liệt và khiến người ta muốn sống một cuộc sống càng lúc càng thuộc về Chúa nhiều hơn: biết Chúa hơn, yêu Chúa hơn và theo Chúa sâu đậm hơn[47].
Sau khi hoàn tất tuần cửu nhật bên mộ tu sĩ Jean de Saint-Samson, người mà ngài luôn biết ơn một cách sâu xa, ngài đi bộ trở về Caen, khoác trên mình bộ y phục kỳ dị, không quan tâm đến danh tiếng lẫn sức lực mình, chấp nhận sự sỉ nhục như cách làm đẹp lòng Chúa hơn cả. Ngài đi qua thành phố Avranches và Coutances, với quyết tâm là từ nay sẽ bước trên con đường cao quý của tự hạ một cách can đảm hơn, nhất định không lùi bước, không vị nể bất kỳ ai (x. s. 57).
Kết quả là ngài đã nhận được nhiều ơn an ủi thiêng liêng trong chuyến trở về này: “Đức Trinh nữ là Nữ vương Thiên quốc đã đánh dấu sự hài lòng bằng các an ủi nội tâm ban cho ngài khi ngài tới gần thành phố Caen. Con tim ngài như tan chảy ra vì được an ủi và được yêu mến, khi ngài nhận ra các ơn lành mà người Mẹ các tội nhân ban cho kẻ có niềm khao khát cao quý muốn trở nên người trọn lành. Tình yêu ngài dành cho Đức Mẹ cháy bùng lên đến mức ngài cứ đoan hứa nhiều lần là ngài sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ và dám làm mọi việc để tôn vinh Mẹ. Có thể nói được là suốt đời ngài đã tuyệt đối trung thành với lời hứa đó, cả khi ở Pháp lẫn khi ở nơi miền Đông Ấn. Vì ngài nhận ra được rằng Chúa Giêsu đã soi sáng cho ngài biết : sự tôn sùng kính mến Mẹ Người là nền tảng mọi ân sủng ngài sẽ nhận. Cho nên chẳng có gì lạ khi không biết bao nhiêu lần ngài đã rước lễ cầu nguyện, làm tuần 9 ngày để xin gia tăng tình thân mật với Mẹ, và để rồi thông ban lại cho toàn thể nhân loại” (s. 58).
“Con tim ngài như tan chảy ra vì được an ủi và được yêu mến”. Theo Thánh I-nhã một trong những dấu chứng mạnh mẽ nhất của an ủi là cảm nhận một cách mãnh liệt, sâu xa và kéo dài sự hiện diện của Chúa[48].
Tuy nhiên, sự thân mật, cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương này không giữ ngài ở lại trong riêng tư, mà khi trở lại với cuộc sống thường nhật của mình, ngài nhận ra và tôn sùng tình yêu Chúa dành cho ngài, ngay trong mọi vật, mọi người và mọi biến cố: “Tình yêu ngài dành cho Đức Mẹ cháy bùng lên đến mức ngài cứ đoan hứa nhiều lần là ngài sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ và dám làm mọi việc để tôn vinh Mẹ”.
Tháng 9 năm 1655, nhân dịp Đức Giám mục Giáo phận Bayeux tới Caen, ngài Lambert xin gia nhập hàng giáo sĩ bằng nghi thức Cắt tóc và bốn chức nhỏ. Đó là ngày ngài “cảm nhận ơn sủng đến mức nước mắt cứ trào dâng, và run rẩy khi tự hiến cho Thiên Chúa hết lòng bằng một động tác tình yêu vừa dịu dàng vừa nồng cháy (s. 63).
Loại an ủi thiêng liêng thầy Lambert gặp ở đây chính là điều Thánh I-nhã miêu tả “linh hồn chảy nước mắt giục lòng mến Chúa” (LT 316b). Là nước mắt diễn tả một thúc đẩy tâm hồn hướng về Thiên Chúa trong tình yêu[49] “khi tự hiến cho Thiên Chúa hết lòng bằng một động tác tình yêu vừa dịu dàng vừa nồng cháy” (s. 63).
Thánh I-nhã đã liệt kê ba thúc đẩy hướng về Thiên Chúa khiến cho phải rơi nước mắt: hai thúc đẩy cụ thể đó là “bởi sự đau đớn vì tội lỗi mình” hoặc “vì sự thương khó của Đức Kitô Chúa chúng ta”. Và một thúc đẩy khác có tính bao quát hơn đó là “trực tiếp hướng về việc phụng sự và ca ngợi Chúa”(LT 316b)[50] – đây chính là trường hợp của ngài Lambert vào lúc này.
2, Cuộc tĩnh tâm 40 ngày chuẩn bị lãnh nhận các chức lớn[51]
Trong cuộc tĩnh tâm 40 ngày tiếp theo của thầy Lambert tại chủng viện của cha thánh Jean Eudes thuộc thành phố Coutances, chúng ta sẽ quan sát những cảm nhận thiêng liêng sau: “Ngài có những quan điểm cao cả về tước vị siêu việt của chức linh mục và về những chuẩn bị quan trọng mà chức vị đó đòi hỏi, trong đó ngài cảm thấy chính yếu nhất là tinh thần hy sinh, nghĩa là ý chí tự nguyện tự huỷ mình để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô hiến tế trên bàn thờ hầu thiết lập vinh quang Thiên Chúa Cha trong mọi tâm hồn. Có vẻ như Đấng Cứu Thế đã ban cho ngài một điều gì đó về sự tự hủy bí nhiệm kia, nên ngài đã được đóng dấu ấn khao khát nồng nhiệt, yêu mến thiết tha cây Thánh Giá suốt trong kỳ tĩnh tâm đó” (s. 66).
Cảm thức về niềm an ủi thiêng liêng trên tập trung vào niềm vui nội tâm. Một niềm vui có sức “mời gọi và lôi kéo tâm hồn đến những sự trên trời” (LT 316c). Những sự trên trời ấy chính là ơn gọi cá nhân Chúa dành cho ngài: là “tước vị siêu vượt của chức linh mục”, là “tinh thần hy sinh”,  “ý chí tự nguyện tự huỷ mình để kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô hiến tế trên bàn thờ hầu thiết lập vinh quang Thiên Chúa Cha trong mọi tâm hồn”, là “lòng khao khát nồng nhiệt, yêu mến thiết tha cây Thánh Giá”. Trong lúc này, dường như chẳng có thứ gì làm say mê ngài cho bằng việc cầu nguyện và suy nghĩ về niềm an ủi thiêng liêng mà ngài vừa khám phá.
Niềm an ủi thiêng liêng này kéo dài cho đến tận ngày ngài chịu chức phụ phó tế: “Nỗi sung sướng nhận chức thánh đã xoá tan cơn nhọc mệt” (s. 67) . Vào hôm trước ngày chịu chức, ngài đã nhận ơn thông biết cần phải giữ bổn phận thứ nhất (là đức khiết tịnh) đến mức độ suốt đời phải xa tránh cả những thú vui vô hại nhất và giữ bổn phận thứ hai (là đọc kinh thần vụ) đến mức độ chỉ phục vụ Thiên Chúa chứ không pha trộn một chút lợi lộc nhân loại nào (x. s. 67).
+ Cùng lúc đó, thầy Lambert nhận thấy có một thứ cảm giác bất ổn xảy ra trong tâm hồn mình, đó chính là “nỗi run sợ” khi nghĩ đến tính cao cả của chức thánh (x. s. 67); và nó càng trở nên mạnh mẽ hơn trong ngày ngài chịu chức phó tế: “Nỗi run sợ ngài đã trải qua trong lần chịu chức vừa qua lại trỗi lên, kéo dài hơn, không cách gì ngăn chặn được” (s. 68a). Ngài Lambert đã để ý đến nét đặc trưng về khía cạnh cảm xúc của kinh nghiệm sầu khổ này, lẫn những ý nghĩ phát sinh từ nó (LT 317, 318). Ngài cũng nhận ra những cảm giác rối loạn thiêng liêng đó đã bị xóa tan khi vị Giám mục chủ phong thốt lên câu: “Hãy nhận lấy Thánh Thần”, thì lòng “ngài bỗng cảm thấy bình an hoàn toàn” (x s. 68b).
Thánh I-nhã gọi là An ủi:“khi linh hồn được nghỉ ngơi và an bình trong Đấng Tạo Hóa và Chúa mình” (LT 316). Tuy nhiên, bình an và tĩnh lặng đi kèm với ơn an ủi không thể hiểu là không có vấn đề gì, không có những cảm xúc tiêu cực, vì bề ngoài ngài Lambert có thể rất sợ về thiên chức linh mục, nhưng ngài vẫn có cảm nhận sâu xa rằng Thiên Chúa đang hoạt động ngang qua cả những khó khăn trong các quyết định: “để hoàn tất ơn sủng đi kèm theo chức vụ phó tế, sau khi rước lễ, ngài trông cậy vào Đức Kitô và Chúa Thánh Thần đang ngự trong lòng ngài sẽ từ từ biến ngài thành một vị tử đạo vì tình yêu. Niềm trông cậy này đem đến cho ngài tràn đầy an ủi, và ngài tin tưởng chờ đợi nó trở thành hiện thực”(s. 68c).
Và khi cơn sầu khổ đã thực sự biến mất, niềm an ủi thiêng liêng lại trở về với ngài. Hơn nữa, trong cảm giác sốt sắng do ơn an ủi thiêng liêng kéo dài đến ngày chịu chức Linh mục[52] ngài cảm nhận được một sự hòa hợp với ý Chúa về chức thánh được lãnh nhận: “Trong lễ truyền chức, ngài cảm nghiệm được một sự bình an sâu xa. Trước lúc cùng Đức Giám mục đọc lời truyền phép, ngài thấy trong lòng dâng lên nỗi thúc bách hiến dâng của lễ đầu tiên này hoà theo ý nguyện nhiều ngày trước, đó là trong 300 thánh lễ ngài xin trước đó, ngài đã tạ ơn Thiên Chúa vì vinh quang nội tại hằng hữu nơi Người, và đã nồng nhiệt cầu nguyện cho vinh quang Thiên Chúa được bày tỏ ra bên ngoài, trên khắp trái đất (s. 69a).
Có thể nói rằng, lúc này cha Lambert đang say đắm với lòng biết ơn Thiên Chúa. Lòng biết ơn sâu đậm “thúc bách” ngài dâng hiến trở lại tất cả những quà tặng đã lãnh nhận cho Đấng Trao Ban, đồng thời chỉ một lòng khát khao mãnh liệt là sẽ dâng hiến đời mình để ca tụng và phụng sự Chúa. Tâm tình đó được bộc lộ ra trong lời nguyện ngài thì thầm trước khi đọc lời truyền phép: “Ôi lạy Chúa Giêsu, con sắp biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa qua quyền năng nhiệm mầu Chúa phú giao cho con, xin Chúa hãy biến con thành chính Chúa để mãi mãi lưu trú trong con, và xin Chúa biến con từ nay trở đi lúc nào cũng là một của lễ tự hiến cho Chúa bằng chính tình yêu khiến Chúa không ngừng hiến thân cho con” (s. 69b).
Theo Thánh I-nhã: “nếu một linh hồn thật sự chạm đến những ao ước thầm kín nhất, nó sẽ thấy chính mình không còn muốn gì khác nữa ngoài việc ca tụng, tôn thờ và phụng sự Chúa – không còn muốn gì hơn là làm vinh danh Thiên Chúa trong cuộc sống của mìnhĐó là ước ao sâu xa hơn hết, và là nguồn mạch sau cùng của mọi ao ước khác. Chỉ khi nào người ta có thể gọi được Tên cái ước ao sâu xa nhất ấy, thì họ mới sẵn sàng để từ bỏ những gì không làm vinh danh Chúa và khi đó mới sẵn sàng đảm nhận bất cứ điều gì làm cho Thiên Chúa được vinh danh hơn.
Ngay cả những điều mà con người, xét về mặt lý luận mà ai cũng phấn đấu, đó là sức khỏe, tiền bạc, danh vọng, trường thọ. Những điều có vẻ như là những yếu tố thiết yếu của cuộc sống, nhưng cũng không còn quan trọng cho bằng vinh quang Chúa. Để Chúa được vinh danh hơn, linh hồn sẽ sẵn lòng làm bất cứ điều gì, cũng như sẵn lòng bỏ hết mọi sự”[53].
Phải chăng đích điểm của hành trình thiêng liêng nơi cha Lambert từ đầu cho đến ngày chịu chức thánh chính là ngài đã gọi được Tên loại ước ao sâu xa nhất ấy: “không còn muốn gì hơn là làm vinh danh Thiên Chúa trong cuộc sống của mình”, khi “ngài nồng nhiệt cầu nguyện cho vinh quang Thiên Chúa được bày tỏ ra bên ngoài, trên khắp trái đất” (s. 69a).
Qua những mẫu chuyện của Đức cha Lambert vừa được phân tích trên, chúng ta nhận ra: theo cách thức thông thường, việc phân biệt thần loại nói lên cốt lõi của việc phân định. Điều này hệ tại ở việc nhận biết nguồn gốc của những tác động của các thần (Thiên Chúa, ma quỷ, thế gian, xác thịt) đang tác động trên suy nghĩ, tưởng tượng, cảm xúc, khuynh hướng, ham muốn, cảm giác của bản thân liên quan đến một thực tại bên ngoài hay trong nội tâm; từ đó cá nhân nhận ra được tiếng nói chân thật của Thiên Chúa, đối lại với những xu hướng ươn hèn của xác thịt, với sự phỉnh gạt của thế gian, và với sự tinh ranh của ma quỷ[54].
Trong những chọn lựa thông thường của ngày sống cũng như trong những tình huống đặc biệt, tiếng gọi của Thiên Chúa luôn xuất hiện từ những rung động bên trong con tim của mỗi người. Vì thế, khi tâm hồn chỉ khao khát một điều là học được cách phân biệt thật chính xác những rung động nội tâm đó, thì mới có thể nhận ra Tiếng Gọi đang kêu mời trong lòng và can đảm đáp trả. Phân định quả là một tiến trình mà chúng ta phải học hỏi và áp dụng, là một kỹ năng cần vun xới từng ngày. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được quên rằng đây là một ân huệ chúng ta phải nài xin Thiên Chúa như Đức Thánh Cha Phanxicô huấn dụ: “Phân định là một ân huệ phải nài xin. Nếu chúng ta xin Chúa Thánh Thần ơn huệ ấy với sự tin tưởng, và nếu chúng ta đồng thời nỗ lực phát triển ơn ấy nhờ cầu nguyện, suy nghĩ, đọc sách và lắng nghe những lời khuyên tốt lành, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này”[55].
Những đoạn kế tiếp kể về cha Lambert sau khi chịu chức Linh mục là một minh chứng rõ ràng hơn về tiến trình phân định và chọn lựa sát với truyền thống linh đạo I-nhã. Chúng ta sẽ tập trung vào hai biến cố lớn: quyết định làm giám đốc Trung Tâm Xã hội Rouen hay đi Paris học thần học và biến cố tiếp theo, chọn lựa giữa tiếng gọi đi truyền giáo vùng Đông Ấn hay ở lại làm giám đốc Trung tâm xã hội Rouen.
Trước khi tiếp tục phân tích các sự kiện trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý thuyết về cách thức lựa chọn theo thánh ý Chúa, rút ra từ kinh nghiệm của Thánh I-nhã.

3. Tiến trình chọn lựa dựa trên truyền thống linh đạo I-nhã

3.1. Cách thức chọn lựa theo thánh ý Chúa[56]

Ba Thì để Lựa Chọn Kỹ Càng và Đúng Đắn
Thì 1. Thì thứ nhất là khi Thiên Chúa đánh động và lôi kéo ý muốn rõ ràng đến nỗi không hồ nghi và không thể hồ nghi, khiến linh hồn công chính tuân theo điều đã được tỏ lộ. Thánh Phaolô và thánh Mátthêu đã làm như thế khi các ngài bước theo Đức Giêsu.
Thì 2. Thì thứ hai là khi nhận được đủ ánh sáng và sự hiểu biết bởi kinh nghiệm về những an ủi và sầu khổ thiêng liêng, cũng như bởi kinh nghiệm về việc phân định thần lành và thần dữ khác nhau.
Thì 3. Thì thứ ba là khi yên tĩnh, sáng suốt, suy xét con người sinh ra để làm gì, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Cùng với lòng ước ao ấy, lựa chọn một nếp sống hay một bậc sống trong lòng Giáo Hội, để giúp mình phụng sự Chúa và cứu rỗi linh hồn mình.
Tôi nói, “yên tĩnh” nghĩa là khi linh hồn không bị xao động bởi thần lành hay thần dữ, và có thể sử dụng những khả năng, kinh nghiệm hiểu biết và ước muốn của mình một cách tự do và tĩnh tại.
Nếu trong thì thứ nhất hay thứ hai mình chưa được đủ ánh sáng để lựa chọn, thì, sau đây là hai cách để lựa chọn theo thì thứ ba.

3.2. Cách thứ nhất để chọn lựa

Điểm 1. Trước tiên, xác định rõ ràng điều gì là đối tượng lựa chọn của tôi, chẳng hạn một chức vụ hay bổng lộc nên tiếp nhận hay khước từ, hoặc bất kỳ điều gì khác mà sự lựa chọn có thể thay đổi được.
Điểm 2. Nhớ lại cứu cánh là mục tiêu, tôi được dựng nên là để ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình. Kế tiếp xin ơn được bình tâm, không bị một quyến luyến lệch lạc nào chi phối, tức là không thiên về và cũng không thèm muốn tiếp nhận hơn là khước từ hoặc khước từ hơn là tiếp nhận điều đã được đề ra; nhưng tôi cần giữ mình ở giữa như kim trong bàn cân, chỉ nghiêng theo đàng nào tôi “cảm thấy” sẽ làm vinh danh, ngợi khen Chúa và cứu rỗi linh hồn tôi hơn.
Điểm 3. Nài xin Thiên Chúa đoái thương, đánh động ý muốn tôi và gợi lên trong tâm hồn những gì tôi phải làm đối với điều đã được đề ra, ngõ hầu ngợi khen và làm vinh danh Thiên Chúa; bằng cách suy xét sáng suốt, đúng đắn để lựa chọn những gì thích hợp với ý cực thánh và nhân lành của Người.
Điểm 4. Sáng suốt suy xét những ích lợi hay hoa trái, cũng như những bất lợi và nguy hiểm đối với vinh danh Thiên Chúa và phần rỗi linh hồn tôi, khi tiếp nhận chức vụ hay bổng lộc đó. Kế tiếp, suy xét những ích lợi hay hoa trái, cũng như những bất lợi và nguy hiểm kèm theo khi khước từ điều ấy.
Điểm 5. Sau khi đã suy nghĩ và cân nhắc điều đã được đề ra dưới mọi khía cạnh, và không để bất cứ cảm xúc trần tục nào chi phối, coi xem lý trí nghiêng về phía nào hơn và chỉ thuận theo lý trí chứ không theo tình cảm mà quyết định.
Điểm 6. Khi lựa chọn hay quyết định xong, mau mắn cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, dâng lên lựa chọn của mình và xin Ngài đoái nhận cùng xác chuẩn, nếu điều này giúp phụng sự và ngợi khen và làm vinh danh Ngài hơn.

3.3. Cách thứ hai để chọn lựa

Quy tắc 1. Mở lòng cho ơn soi sáng để chính tình yêu Thiên Chúa trở thành động lực chính thúc đẩy tôi lựa chọn. Vì thế mọi tâm tư, tình cảm đối với điều tôi chọn lựa đều xuất phát từ lòng yêu mến Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.
Quy tắc 2. Tưởng tượng về một người mà tôi chưa từng gặp gỡ hay quen biết, và ước ao mọi sự hoàn thiện cho họ, suy xét điều tôi sẽ khuyên họ lựa chọn để làm sáng danh Thiên Chúa và hoàn thiện linh hồn họ hơn. Và chính tôi cũng làm như vậy, tức là áp dụng cho tôi những gì tôi đề nghị cho họ.
Quy tắc 3. Hình dung tôi đang trong giờ lâm tử, khi ấy tôi mong ước đã lựa chọn điều gì và như thế nào trong giây phút hiện tại này. Trong ánh sáng đó, bây giờ, tôi quyết định như vậy.
Quy tắc 4. Hình dung xem tình trạng của tôi trong ngày phán xét, nghĩ xem lúc ấy lẽ ra tôi muốn mình đã định đoạt về công việc hiện tại như thế nào; những gì mà lúc ấy tôi mong ước đã tuân theo thì hãy áp dụng nó cho giây phút hiện tại. Làm như vậy, lúc đó, tôi sẽ được bình an, vui mừng và hạnh phúc trọn vẹn.
*** Ghi chú. Một khi đã hiểu thấu và lưu tâm đến tất cả những quy tắc trên, điều gì mưu ích cho ơn cứu rỗi và sự bình an đời đời của tôi, tôi sẽ lựa chọn và dâng hiến sự lựa chọn của tôi cho Thiên Chúa, theo như điểm thứ 6 trong cách thứ nhất để lựa chọn.

4. Hai biến cố: từ phân định đến quyết định

4.1. Biến cố thứ nhất

Giám đốc Trung tâm xã hội Rouen
4.1.1. Đối tượng của việc phân định
Sau khi chịu chức Linh mục (27.12.1655), cha Lambert ao ước đi Paris một năm để học thần học vì “Ngài cho rằng Chúa Giêsu yêu cầu ngài để dành một năm hoàn toàn không vướng bận đến công việc tha nhân để chuyên cần bắt chước cuộc sống ẩn dật của Chúa suốt 30 năm trên trần gian, cũng như cuộc sống ẩn mình trong bí tích Thánh Thể cho đến ngày tận thế. Tuy nhiên ngài cũng biết một yêu cầu tĩnh tâm như thế không thể nào so sánh được với việc thực hiện ý định nung nấu từ lâu là đi học ở Paris. Ngài còn hy vọng ở đó ngài sẽ đạt được những tiến bộ lớn về kiến thức mà không hề đánh mất sự kết hợp với Thiên Chúa” (s. 77).
Giấc mơ của cha Lambert đang nồng nhiệt như thế thì bỗng chốc, một điều mới mẻ bất ngờ xảy đến với ngài: “Khi tới Caen, ngài nhận được một số lá thư của nhiều người đạo đức từ Rouen gửi tới. Họ đã nhắm mời ông Aubert de la Haye và ngài cai quản Trung tâm Xã hội tại đó, thay thế ông Amiens vừa qua đời. Ông Aubert de la Haye chỉ chấp nhận nếu ngài Lambert chấp nhận. Không chỉ Ủy ban Trung tâm Xã hội mà cả Đức Tổng Giám mục, Chủ tịch và toàn thể Nghị viện Rouen, toàn bộ Toà Thượng thẩm, toàn bộ thành phố Rouen và tất cả những người ngay lành đều mong ước ngài nắm giữ chức vụ giám đốc Trung tâm Xã hội” (s. 79).
Điều gì sẽ xảy ra khi mà “đề nghị bất ngờ trên đã tạo nên một cuộc chiến trong tâm hồn ngài” (s. 80). Đâu là điều Thiên Chúa muốn: đi Paris học thần học hay chấp nhận lời mời làm Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen?
4.1.2. Tiến trình phân định
- Phân định lần 1 (s. 80)
Chúng ta hãy theo dõi diễn tiến về những suy nghĩ của cha Lambert trong đoạn sau:
“Thoạt tiên khi thăm dò bản thân, ngài cho rằng theo ý Chúa, tốt hơn nên sống đời ẩn dật như Chúa và lên Paris học như một sinh viên bình thường không ai biết, còn hơn là nhận cai quản quá sớm một Trung tâm quan trọng như thế trong khi mình chưa xứng đáng, tuy là tiếng tăm đó không hề làm ngài thêm tự phụ” (s. 80a).
+ “Ngài còn xét rằng: theo tinh thần Phúc Âm thì khi từ chối đề nghị đó tức là có cơ hội đưa mình ra cho những người đạo đức nhất, khôn ngoan nhất cùng chê trách. Những người này sẽ không bao giờ đồng ý cho ngài từ chối một chức vụ thánh thiện và đầy tính bác ái như thế, để đi học đại học ở Paris, vào tuổi tác như ngài, mà không quan tâm đến việc bao nhân vật quan trọng nay đã thống nhất lựa chọn ngài. Việc họ hợp lực ủng hộ ngài như thế có thể là dấu chỉ Chúa kêu gọi lắm chứ” (s. 80b).
+ “Có thể để thử mức độ chân thật của tâm hồn ngài, hoặc có thể vì bạn bè ngài lúc đó chưa có ý kiến nào sáng suốt hơn, người ta khuyên ngài nên theo khuynh hướng từ chối vị trí đáng kính đó và bình tâm chờ đợi mọi người chê trách” (s. 80c).
+ Kết cục là “ngài can đảm từ chối” đề nghị làm Giám đốc Trung tâm Xã hội Rouen (s. 80d).
Có thể nói đây là một loại phân định khôn ngoan, nghĩa là cha Lambert đã vận dụng sự nhậy bén của trí khôn, dựa vào những lý lẽ (thuận-nghịch) của bản thân: “ngài cho rằng…” và kinh nghiệm từng trải : “ngài còn xét rằng…” và dựa vào lời khuyên của các vị hướng dẫn đạo đức, khôn ngoan: “người ta khuyên…” để đi đến quyết định theo những tiêu chuẩn nhân loại[57].
Hệ quả là ngài bị rơi vào cơn sầu khổ thiêng liêng: “…nhưng lại rơi ngay vào nỗi buồn sâu đậm (một phần bởi sự chán nản tự nhiên khi mất đi một vinh dự không cần đi tìm mà có được) và một phần khác bởi nỗi sợ sệt có tính đạo đức là chưa đủ bác ái trước mặt Chúa vì muốn quá tỏ ra siêu thoát trước mọi người, và vì không chừng vướng vào chứng hiếu danh cách kín đáo ở chỗ tỏ ra khiêm tốn bằng cách thực hành một việc khiêm tốn ai cũng thấy như thế” (s. 80e).
Những loạt từ mô tả: “nỗi buồn sâu đậm, sự chán nản tự nhiên, nỗi sợ sệt có tính đạo đức…” là những dấu chỉ cho ta nhận biết sự lựa chọn này có một sự bất tương hợp với ý Chúa. Sự lựa chọn của cha Lambert thoạt trông có vẻ rất tốt đẹp và làm cho ngài có những cảm xúc thoải mái ban đầu: “tốt hơn nên sống đời ẩn dật …còn hơn là nhận cai quản quá sớm một Trung tâm quan trọng như thế”; có thể giúp ngài che giấu được mọi sự, tránh né những xung đột, hoặc là tránh được những tình huống không ưng ý và rắc rối, nhưng rõ ràng là có một sự xáo trộn trong thâm tâm ngài khi ngài quyết định sẽ đi theo hướng đó. Vì thế, ngài phải tiếp tục phân định lại.
- Phân định lần hai (s. 81-82)
Hãy tiếp tục quan sát những gì xảy ra trong câu chuyện: “Cân nhắc sự việc đến lần thứ hai là quá đủ. Nhưng sau khi làm tuần cửu nhật ở Notre-Dame de la Délivrande cùng với ba nhân vật sáng suốt khác hợp ý cầu nguyện, người ta lại khuyên ngài chỉ nên tự hoàn thiện trong cuộc sống ẩn dật, và lên Paris ngay sau lễ Phục sinh để chuyên tâm học hành nhiều điều cần thiết, hầu sau này giúp đỡ đồng loại cách vững vàng, nhất là khi ngài đã có chức thánh”.
Khác với lần trước, để việc phân định được cẩn thận hơn, cha Lambert đã gia tăng việc cầu nguyện  làm tuần cửu nhật”; và nhờ đến sự hỗ trợ của ba nhân vật sáng suốt cùng suy xét những ích lợi và hoa trái khi ngài từ chối tiếp nhận chức vụ đó. Một lần nữa, dựa vào những lý lẽ và lời khuyên của họ là cha Lambert “nên tự hoàn thiện trong cuộc sống ẩn dật, và lên Paris ngay sau lễ Phục sinh để chuyên tâm học hành nhiều điều cần thiết, hầu sau này giúp đỡ đồng loại cách vững vàng, nhất là khi ngài đã có chức thánh”. Vì thế, ngài vẫn theo hướng từ chối lãnh nhận chức vụ Giám đốc Trung tâm từ thiện: “Ngài đã dồn mọi tư tưởng theo hướng đó (tức đi Paris học thần học), thì những người đã hướng dẫn ngài theo ý đó, đã yên tâm vì ngài vâng nghe theo” (s. 82a).
Như Thánh I-nhã, cha Lambert cũng có lúc muốn Thiên Chúa hành động đúng theo những gì lòng ngài mong đợi, và điều này khiến ngài rơi vào tình trạng giằng co nội tâm khi trong thực tế, những gì xảy đến với ngài lại trái ngược hẳn với những gì ngài mong đợi. Điều quan trọng ở đây là những lúc cuộc đấu tranh nội tâm đó xảy ra, cha Lambert có biết được nguyên nhân của chúng hay không? Có nỗ lực làm cho ý muốn của mình trở nên phù hợp với thánh ý Thiên Chúa, để nhờ đó đạt đến tình trạng bình an nội tâm phát sinh từ mối đồng cảm giữa ngài với Thiên Chúa hay không? [58]
Quan sát diễn tiến để thấy rằng, sau khi phân định lần hai, cha Lambert tưởng rằng khi tuân theo ý các vị hướng dẫn ngài như thế là chắc chắn nhưng sau đó chính những vị này lại cảm thấy “nghi ngờ chính ý kiến của mình” (s. 82b).
Những dấu chỉ này cho thấy cả hai lần phân định khôn ngoan trên không mang lại kết quả. Việc quyết định một chọn lựa theo truyền thống linh đạo I-nhã phải căn cứ trên kết quả của cả suy nghĩ “trong đầu” lẫn cảm nhận “trong tim”. Tiến trình phân định này cần phải đạt được sự hài hòa để cả “đầu” lẫn “tim” cùng thuận với nhau[59].
Vậy nên nếu sau khi quyết định hay chọn lựa mà thấy lòng không yên hoặc buồn sầu thì chưa thể ngưng lại được mà phải lựa chọn lại hoặc chuyển sang phương pháp phân định thiêng liêng: “Trong cuộc phân định thiêng liêng, người phân định không chỉ vận dụng trí khôn ngay chính và lành thánh, mà còn đặt mình dưới sự soi dẫn của Thánh Thần để truy tìm Thánh Ý Chúa”. Chính vì thế, phân định thiêng liêng thì vượt trên sự phân định khôn ngoan nhân loại như chúng ta vừa đề cập trên đây[60].
Phân định lần ba: Phân định thiêng liêng.
Theo quyết định của các vị hướng dẫn, cha Lambert “cần phải thăm dò ý Chúa thêm, bằng cách đi hành hương 9 ngày tại nơi cũ. Tất cả hợp lòng cầu nguyện theo ý hướng đó thật sốt sắngVà sau khi đã thử thách ngài nhiều cách nhục nhã mà ngài vẫn khiêm tốn đón nhận, họ kết luận là mặc dầu đã hai lần ngài từ chối, ngài cần phải khiêm tốn bằng cách tỏ ra thay đổi và phải viết ra giấy là ngài đã suy nghĩ cẩn thận và chấp nhận chức vụ giám đốc Trung tâm Xã hội thành phố Rouen. Rồi họ viết cho ngài một quy luật ứng xử ngài phải giữ ở nơi Thiên Chúa kêu gọi ngài đến” (s. 82c).
Phân tích đoạn trên chúng ta có thể nhận ra những yếu tố cơ bản trong tiến trình phân định thiêng liêng:
a. Thời gian tĩnh lặng là cần thiết: Cần phải ẩn vào một nơi tĩnh lặng bên trong, bằng cách tách mình ra khỏi hoàn cảnh ồn ào bên ngoài bởi vì cho dù là một người phân định giầu kinh nghiệm đi nữa, thì các thúc đẩy của các thần loại vẫn hết sức tinh tế, không thể phát hiện nếu không dành thời gian tĩnh lặng[61]. Đúng vậy, trong cuộc hành hương 9 ngày, mọi người cùng chìm sâu trong bầu khí cầu nguyện: hợp lòng cầu nguyện…thật sốt sắng”. Sự biện phân luôn luôn cần phải xảy ra trong cầu nguyện. Trong Tông Huấn Gaudete et Exsultate, khi nói về việc phân định thiêng liêng, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên dạy: “Chúa nói với chúng ta bằng những cách thức khác nhau, lúc đang làm việc, qua tha nhân và mọi lúc. Nhưng cách đơn giản ta không thể dập tắt sự thinh lặng của việc cầu nguyện lâu giờ, một việc cầu nguyện giúp ta có thể nhận rõ hơn ngôn ngữ của Thiên Chúa, có thể giải thích ý nghĩa đích thật của những hứng khởi ta tin rằng ta đã nhận được, có thể xoa dịu những âu lo, và thấy được toàn bộ sự sống của ta cách mới mẻ dưới ánh sáng của Ngài”[62].
b. Đọc lại những chuyển biến nội tâm (an ủi, sầu khổ, sợ hãi, giằng co, vui tươi, bình an) trong tiến trình phân định để nhận ra ý Chúa, đó chính là việc lắng nghe trong biện phân: nghe Chúa và tha nhân và nghe chính thực tại, một thực tại bao giờ cũng thách thức ta bằng những cách thức mới mẻ[63]. Rõ ràng là các vị hướng dẫn đã cùng ngài phân tích các chuyển biến nội tâm để giúp ngài tiến tới quyết định cuối cùng: “Và sau khi đã thử thách ngài nhiều cách nhục nhã mà ngài vẫn khiêm tốn đón nhận, họ kết luận…”(s. 82c).
c. Tiến tới một quyết định: Quyết định lần này có vẻ dứt khoát hơn. Đó là một quyết định thẳng thắn, toàn diện, hơn nữa lại được củng cố bằng một lời cam kết: “Họ kết luận là mặc dầu đã hai lần ngài từ chối, ngài cần phải khiêm tốn bằng cách tỏ ra thay đổi và phải viết ra giấy là ngài đã suy nghĩ cẩn thận và chấp nhận chức vụ giám đốc Trung tâm Xã hội thành phố Rouen. Rồi họ viết cho ngài một quy luật ứng xử ngài phải giữ ở nơi Thiên Chúa kêu gọi ngài đến” (s. 82d).
Vì đây là một quyết định quan trọng và có ảnh hưởng lâu dài, nên việc đưa ra một cam kết rằng sẽ quyết tâm thực hiện điều mà mình đã chọn lựa, “viết ra giấy”, sẽ ngăn chặn không cho thần dữ có cơ hội để giành lại những gì mà ngài đã có được. Một lời hứa, một cam kết, một lời thề như thế sẽ giúp cha Lambert được mạnh mẽ và kiên vững trong những lúc yếu đuối và bị cám dỗ rút lui[64].
Bằng chứng là cha Lambert hết sức cung kính đón nhận quyết định và tờ quy luật ứng xử đó. Ngài gạt sang một bên những ý nghĩ trỗi lên trong ngài cho là khi vâng lời như thế tức bảo rằng những ánh sáng ngài có chỉ là ảo ảnh thuần tuý. Vả lại các vị hướng dẫn kia cũng có thể sai lầm. Họ đã thay đổi ý kiến một lần, thì cũng còn có thể thay đổi lần nữa. Nhưng ngài chấp nhận mình không phải là người xét đoán các vị ấy làm gì, mà chỉ mù quáng vâng theo, và ngài vững vàng trong quyết định yêu thích đức vâng lời trên tất cả mọi sự, bất chấp nỗi chán ngán đối với một chức vụ mà ngài cảm thấy đầy dẫy những bận rộn khác nhau chiếm hết thì giờ của ngài, cũng như những gian dối không thể tránh khỏi trong giao tiếp với trần đời” (s. 83).
Thật không lạ lùng gì khi đứng trước một quyết định quan trọng như thế, cha Lambert có thể rất hoang mang, và có thể vào chính lúc này đây, lại bị cám dỗ mất hết nhuệ khí. Nên hiểu rằng, thần dữ một khi đã không thành công trong việc chống lại ý muốn của Thiên Chúa, nó sẽ cố gắng để tác động ít nhiều vào niềm vui sau một quyết định đã được phân định tốt[65]. Vì thế, điểm mấu chốt là không được để cho thần dữ đánh cắp đi niềm vui, một niềm vui xuất phát từ việc đưa ra chọn lựa sau một tiến trình phân định chuẩn xác[66]. Thật vậy“viễn tượng này khiến cha Lambert hết sức khổ sở, nhưng ngài được an ủi ngay bởi ý nghĩ nếu Thiên Chúa cho ngài vào Trung tâm Xã hội thì cũng sẽ rút ngài ra khi Người muốn, để gửi ngài đến những nơi còn chưa biết đến vương quyền Người. Cũng như thực ra ngài đã không chịu hiểu: nếu Thiên Chúa ban cho ngài ơn huệ đó, ngài không cần khổ tâm tìm hiểu mà chỉ cần vâng lời” (s. 84a).
“Ngài cảm thấy an tâm là các bận rộn công việc sẽ không phương hại đến việc cầu nguyện” (s.84b).
Về việc học thần học, lúc này cha Lambert cũng cảm thấy “sẽ dễ dàng tìm ra một giáo sư dạy kèm thần học cho ngài ở Rouen thay vì đi Paris học ở các trường công, để ngài chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các ý định của Thiên Chúa, một khi rời khỏi Rouen, đó là ra đi vượt qua các đại dương” (s. 84c).
Như vậy, sau khi đã làm tất cả mọi sự cùng với Chúa để đi đến quyết định, cha Lambert như tin chắc rằng có bàn tay Thiên Chúa ở với ngài từ khởi sự cho đến hoàn thành.
d. Xin xác chuẩn: Thánh I-nhã dạy rằng: “Khi lựa chọn hay quyết định xong, mau mắn cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa, dâng lên lựa chọn của mình và xin Ngài đoái nhận cùng xác chuẩn, nếu điều này giúp phụng sự, ngợi khen và làm vinh danh Ngài hơn” (LT 183).
Chúng ta có thể nhận ra những dấu chỉ ơn xác chuẩn của Chúa sau quyết định cuối cùng của cha Lambert như sau:[67]
 - Cảm thấy Chúa gần mình: Vào lúc cha Lambert chuẩn bị viết thư chấp nhận lời mời thì ngài nhận được một loạt thư từ của bạn bè thúc giục ngài nhanh chóng chấp nhận (x. s. 85a). Họ phàn nàn vì ngài đã từ chối lần trước: « Ngài nên nhớ rằng nếu ngài không chuẩn bị đến nhận chức, người ta quyết định sẽ đến “bắt” ngài đi đấy ! » Đọc câu này, ngài thưa chuyện với Chúa bằng suy nghĩ đầy xúc động: “Ôi lạy Thầy chí ái, con có hãi sợ những lời đe doạ kia không, nếu Chúa đã không tước mất vũ khí của con ! Con lại chẳng tìm ra hàng nghìn cách để trốn chạy, nếu Chúa cho phép dùng đến chúng, hay sao ? Chúa đã biến con hôn mê và bất động. Chúa muốn con tròng cổ vào ách, để con luôn vác Thánh Giá với sự ưng thuận của phần thượng linh hồn con, phần được Chúa cho hợp nhất cách kỳ diệu với Chúa để chỉ muốn điều Chúa thích, và thực lòng gớm ghét ngũ quan, lý trí và các khuynh chiều tự nhiên của con”. Ngài đã viết những lời như trên để biểu lộ cái nhìn của ngài” (s. 85b).
Cảm thấy bình an trong thâm tâm: dù có đôi chút lo lắng, cha Lambert vẫn được thúc đẩy hành động một cách can đảm, dẫn tới sự hiệp nhất và hòa giải với những khía cạnh tốt, với những người tốt trong đời mình. Những hành động này nếu không có hậu quả như thế thì sau cũng được dẫn về như thế: “Tuy nhiên ngài cũng thu xếp mọi việc để trung thành ra đi theo con đường mới mà Chúa Quan Phòng đã vạch ra. Ngài đã xác tín là sẽ gặp nhiều cơ hội để chịu khổ, và cuối cùng Thiên Chúa sẽ ban cho ngài hoàn thành ý nguyện về Thánh Giá, ý nguyện mà người ta thấy diễn tả ra trên con dấu ngài dùng thay cho dấu gia huy. Trong con dấu có in dòng chữ « Opto cruentam gerere perpetuo crucem ». Nhân đây cũng nói thêm là đã từ lâu ngài không đóng con dấu gia huy vào thư tín nữa, mà ngài cho làm con dấu mới khắc hình Chúa Giêsu đang vác Thánh Giá. Trước khi xa rời nơi ẩn dật, ngài đến Notre-Dame de la Délivrande để giã từ Đức Mẹ, người Mẹ rất dịu hiền, rất yêu dấu của ngài. Tình cờ tại đây ngài lại gặp Đức Giám mục giáo phận Bayeux. Đức Giám mục khen ngợi dân thành Rouen đã nhanh chóng thu nhận ngài, và mời ngài phải đến dùng cơm tối với mình. Trong bữa ăn, Đức cha nhận thấy là buổi gặp gỡ tầm cỡ như vậy vẫn không làm suy giảm tinh thần tĩnh tâm sâu lắng của Đức cha Lambert chút nào” (s. 85c).
- Được thúc đẩy dành nhiều thời giờ hơn cho những người thân yêu, dành nhiều thời giờ cho cầu nguyện, cho cộng đoàn và những hành xử lành mạnh khác và không bị thu hút vào những hậu quả xấu trong đời mình: “Ngài nghĩ là từ nay Thiên Chúa Quan Phòng giao cho ngài 200 cô gái và sau đó là tất cả những cô gái sẽ đến Trung tâm ngài cai quản, và cũng chừng ấy cậu bé để ngài giáo dục chúng biết chân lý cứu rỗi, để học một số nghề nào đó kiếm sống được. Ngài còn nghĩ Thiên Chúa ra lệnh cho ngài trợ giúp cả vật chất lẫn tinh thần cho tất cả những người nghèo của 33 giáo xứ trong thành phố cũng như ở ngoại ô của thủ phủ một tỉnh lớn như thế. Ngài phải tiếp đón cách tử tế và chuyên tâm giáo dục tất cả những trẻ em bị cha mẹ trần gian bỏ rơi. Chúng có quyền đặc biệt được người Cha trên trời cứu giúp. Thiên Chúa muốn ngài biểu lộ tình phụ tử với những đứa trẻ đó. Ngài phải cố gắng hết sức để gieo lòng kính sợ Thiên Chúa và duy trì nó trong tâm hồn chúng. Ngài cũng phải thiết lập bên trong lẫn bên ngoài Trung tâm Xã hội một tình yêu thương hoàn hảo giữa những người tuỳ thuộc vào ngài, bằng cách hiệp nhất ngài với họ bằng những dấu chỉ biểu lộ lòng quý mến chân thành đối với bản thân họ vì đánh giá cao vị trí của họ. Và ngài nảy ra ý định sẽ dùng bữa chung với họ ít nhất mỗi ngày một lần, nhất là với những trẻ em, là những chủ thể tạo cho ngài niềm ưa thích hạ mình, xa tránh mọi trọng vọng. Nhưng khi bàn hỏi với vài người khôn ngoan, họ không tán thành ngài thực hành như thế hằng ngày, ngài đành thỉnh thoảng thực hiện ý định trên, tuy chưa đúng như lòng ngài mong muốn” (s. 86).
Sau những gì đã xảy ra, vào ngày 28.03.1656, cha Lambert rời Caen và lên đường đến thành phố Rouen. Sử gia Brisacier ghi nhận: “Thế là dưới sự thúc đẩy của niềm phó thác vào Thiên Chúa, ngài nắm quyền điều khiển Trung tâm. Chẳng bao lâu ngài đã làm cho người ta thấy được khi ngài dễ dàng điều khiển một cộng đồng nhỏ bé như thế, thì cũng sẽ dễ dàng cai quản một dân tộc lớn lao hơn” (s. 89).
Có thể nhận ra trong những lần phân định để tìm kiếm thánh ý Chúa, cha Lambert đã nhờ đến cả một mạng lưới hỗ trợ ngài. Điều này là thật sự cần thiết theo lời khuyên của cha Mark E. Thibodeaux sj.: “Khi chọn tiến bước trong đời sống thiêng liêng, điều tối quan trọng là tôi có một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ đi sát ngay sau tôi, khích lệ tôi, xua đuổi thần dữ, thì thầm vào tai tôi những mẹo nhỏ, và giúp tôi vượt qua …. Tôi sẽ cần những người hướng dẫn và những người đồng hành tốt, cùng mối liên kết chặt chẽ với Hội Thánh”[68].
Và trong mọi trường hợp các vị linh hướng không làm thay công việc phân định của cha Lambert; nhưng khởi đi từ kinh nghiệm thiêng liêng cá nhân và cái nhìn khách quan từ bên ngoài, các vị ấy có thể soi sáng, hỗ trợ, góp ý cho ngài tiến hành phân định theo đường hướng của Chúa Thánh Thần. Trong cuộc tìm kiếm chung này, chính cha Lambert - người thụ hướng - sẽ đưa ra lựa chọn hay quyết định cho bản thân dưới ánh sáng của Thánh Thần[69].

4.2. Biến cố thứ hai

4.2.1. Truyền giáo miền Viễn Đông
1, Những sự kiện liên quan
- Một dự cảm ngày dâng Lễ mở tay:
Ngày 08.02.1656, lúc dâng lễ mở tay tại nhà nguyện chủng viện cha thánh Jean Eudes, […] cha Lambert đã có một dự cảm rất kỳ lạ, ngài ghi lại như sau: “Tình yêu mà Thiên Chúa đã khấng ban cho tôi hôm nay đang cháy bừng lên trong khi cử hành thánh lễ và sau thánh lễ, như đang hăng hái đem tôi đến với các dân tộc chưa bao giờ biết Người, hơn là đến với các dân tộc đã biết Người. Hình như tôi cần phải tìm kiếm bên kia bờ đại dương những người mù loà tội nghiệp mà Thiên Chúa muốn kéo ra khỏi tối tăm nhờ công nghiệp Máu Thánh Người đã đổ ra cho mọi người”. Điều ngài cảm nhận trên lại vào lúc người ta đã bảo ngài đừng nghĩ đến Canada nữa, và ngài cũng không hề biết, hay nghĩ gì về vùng Đông Ấn, là nơi Thiên Chúa đã định sẵn cho ngài về sau này, cũng như cho tới lúc này, chưa có một ai có ý định cử ngài đi vùng Đông Ấn (x. s.73, 76).
- Ý tưởng ngưng làm việc tại Trung tâm xã hội Rouen: Trong thời gian làm việc tại Trung tâm xã hội Rouen, theo lời kể của cha Brisacier: “Thỉnh thoảng ngài lại có ý tưởng Thiên Chúa sắp rút ngài khỏi Trung tâm Xã hội. Chúa để ngài tại đó là chủ ý cho con người ngài hoàn toàn chết đi qua bao phản đối ngài phải thường xuyên hứng chịu. Ý tưởng này càng được củng cố mạnh mẽ hơn bình thường khi ngài trở về Rouen. Tuy vậy, không lơ là chút nào về bổn phận của chức vụ mình, ngài chỉ nghĩ đến việc đi Paris để lo công chuyện cho người nghèo” (s. 131).
Cuộc gặp gỡ “Nhóm Bạn Hiền” (Les Bon Amis) ở Paris năm 1657: Trong thời gian cha Lambert lưu lại Paris gần ba tháng để xin trợ cấp cho Trung tâm xã hội, ngài tới thăm em là Nicolas và gặp gỡ “Nhóm Bạn Hiền” do cha Jean Bagot điều khiển. Tại đây, ngài khám phá chương trình truyền giáo tại Việt Nam mà cho đến lúc này ngài chưa hề nghĩ đến. Theo lời kể của cha Brisacier: “Đức cha Lambert đã ở với người em trai và rất quý trọng nhân đức của những thanh niên đang ở Paris cũng như những người khác ngài đã nghe kể đến. Con tim ngài gắn bó với họ cách vô hình. Còn về phần họ, họ thấy mình cần phải tôn kính ngài vì lòng đạo đức cũng như những tài năng tự nhiên của ngài” (s. 140).
- Từ “Nhóm Bạn Hiền” đến chương trình truyền giáo Viễn Đông:
+ Sự tín nhiệm quý giá: Các thành viên “Nhóm Bạn Hiền”: “công nhận ngài thực sự đầy khôn ngoan, nên không cảm thấy khó khăn khi đến tham khảo ý kiến của ngài, dù là về kế hoạch truyền giáo, hay về tinh thần và nội quy nơi nhà họ ở. Sau khi yêu cầu dành một thời gian ngắn để suy nghĩ vấn đề trước Thiên Chúa, trong kinh nguyện, ngài có quan điểm đối với việc truyền giáo là nên để những người lưu trú tại Marseille được tự do hành động, bởi vì ngài nhận thấy trong các lá thư của họ chứa đầy Thần trí Thiên Chúa đang linh hứng cho họ…” (s. 141).
+ Ý hướng tham gia chương trình truyền giáo: “Vì được người ta tin tưởng vào tư cách cũng như vào kiến thức của mình, dần dà nảy sinh trong Đức cha Lambert một khuynh hướng âm thầm về chương trình vĩ đại ấy, và nảy sinh trong những người khác ý tưởng là ngài sẽ đem lại nhiều ích lợi cho chương trình đó. Nhưng cả hai bên, chẳng ai biết bên kia đang suy nghĩ gì. Ngài trở về Rouen, lòng tràn đầy một niềm hăng hái mới (s. 142).
Phải chăng những sự kiện trên là những khoảnh khắc mang tính bước ngoặt trong cuộc đời của cha Lambert? Ngài đã làm gì khi có một “niềm hăng hái mới” khuấy động tâm hồn ngài sau chuyến đi này?
2, Gặp gỡ cha linh hướng, phân định và chọn lựa
a. Đối tượng của việc lựa chọn
Cha Lambert có nên tham gia chương trình truyền giáo miền Viễn Đông hay không?
Về đến Rouen, ngài trình bày với cha linh hướng Simon Hallé[70] những dữ kiện nội tâm cũng như những gì đã xảy ra trong cuộc hành trình vừa qua, nhất là đối với việc truyền giáo mà ngài gần gũi suốt năm tuần qua, bận rộn đến mức mỗi ngày chỉ ngủ được vài giờ (x. s. 143).
b. Tiến trình phân định
Trước hết, cha Lambert đã rất nghiêm túc bàn bạc với cha linh hướng để xét từ gốc rễ xem lòng say mê này có do Thiên Chúa tạo nên hay không (x. s. 146a).
Bằng cách giãi bày hết mọi lý do thuận nghịch cùng với mọi điểm mạnh của chúng, Ngài nói với cha linh hướng:
- Lý do thuận: “Xét công việc theo luật cẩn trọng bình thường, hoạ có là dại dột mới từ bỏ điều chắc chắn mà theo điều mơ hồ. Và ơn gọi của ngài ở Rouen, dù nhìn từ góc cạnh nào, cũng đều mang tính cách thần linh, bởi vì theo cách ngài được mời gọi tham dự và được mọi người cổ vũ, hoặc nhìn sự chúc lành của Thiên Chúa khi ngài làm việc vì lợi ích phần hồn lẫn phần xác cho những người nghèo, đồng thời gặt hái được nhiều thành công khi làm các công việc từ thiện khác vì lợi ích thành phố và cho tỉnh” (s. 146b).
- Lý do nghịch“Xét tình trạng nội tâm hiện thời, ngài vẫn hồi tâm sâu xa giữa bao công việc tản mạn bên ngoài, và ngài thường xuyên ghê tởm mọi thú vui ngài gặp thấy trong công việc. Ngài nói: «Tất cả những suy nghĩ ấy chắc chắn là những lý do khẩn thiết để giữ tôi lại nơi tôi đang ở. Vả lại, việc thay đổi bậc sống đến ba lần trong một vài năm ngắn ngủi sẽ khiến người ta nhìn tôi như một người bất an và không ổn định, không thấy ở vị trí nào là tốt cả, nhẹ dạ trao mình cho bất kỳ gì cũng được. Ngoài ra tôi còn phải cảnh giác việc đi tìm điều tốt nhất cho bản thân qua một tinh thần thầm kín đầy tính tự phụ, đó là đi theo những con đường phi thường. Và tôi phải e sợ điều này nữa là không lượng sức mình yếu ớt, đâm đầu vào một con đường khó khăn và gai góc, cần nhiều sức khoẻ và đức hạnh hơn mức tôi đang có”. (x. s. 146c).
- Chúng ta hãy nhìn vào cách cha Lambert “xét từ gốc rễ” những dữ kiện nội tâm này như thế nào? Đó là “những điều ngài nhìn lại”. Kinh nghiệm nhìn lại là thứ kinh nghiệm của người đã có một thời gian dài quen với ý thức phân định về những rung cảm thiêng liêng trong đời sống cá nhân. “Hồi tâm sâu xa”, một hạn từ cũng được dùng trong linh đạo I-nhã, mang ý nghĩa quan trọng khi phản tỉnh về những suy nghĩ, những chuyển động bên trong và quan sát những phản ứng khác nhau mà chúng tạo ra nơi mình, để dần đưa đến việc nhận thức được đâu là những tư tưởng đến từ Thiên Chúa để nỗ lực thuận theo và đâu là những tư tưởng không phải do Người để ra sức gạt bỏ[71].
- Lý trí nghiêng về phía nào?
Sau khi đã kê ra hết tất cả những lý do thuận nghịch, cha Lambert đã đem đối chiếu chúng với khuynh hướng mạnh mẽ thúc đẩy ngài đến với công cuộc truyền giáo, để xem lý trí nghiêng về phía nào?
Câu trả lời là: “Bất chấp mọi lý do đã khuất phục ngài, không hiểu sao ngài vẫn nghiêng chiều về việc truyền giáo (s. 147a).
+ Ngài nói: “Ngài chỉ vào Trung tâm Xã hội là để hy vọng ra khỏi đó càng sớm càng tốt, và có vẻ như đã đến lúc rời Trung tâm. Hiện nay người ta ít cần đến ngài hơn trước, nhất là từ khi các ông Bimorel[72] gia nhập Trung tâm để chăm lo cho Trung tâm” (s. 147b).
+ Cha Lambert nhận thức rất rõ là: “Ngài đâu rời Trung tâm vì nhẹ dạ hoặc chán nản, bởi vì ngài sẵn sàng chết cho nó nếu người ta xác quyết đó là ý Chúa. Còn các bậc sống ngài đã trải qua đó là những bậc dự bị Thiên Chúa dùng để chuẩn bị ngài sống đời Tông đồ. Có vẻ như bậc thẩm phán ở đời là để chuyển qua bậc thẩm phán của chức Tư tế” (s. 147c).
+ Nói thế rồi,“Ngài đã cầu nguyện trong nơi ẩn dật với tinh thần nguyện ngắm, tinh thần này là linh hồn của một nhà truyền giáo. Thiên Chúa đã thánh hiến ngài lo cho những người nghèo không chút của cải vật chất nào trong Kitô giáo, là để sau đó áp dụng vào những người nghèo khác còn đáng thương hơn, vì không chút của cải thiêng liêng nào ở giữa người ngoại giáo” (s. 147d).
Hơn nữa, “Ngài không đi tìm hào quang chức Tông đồ giữa những người này, nhưng đi tìm bóng tối của một cuộc sống ẩn dật, ô nhục của Thánh Giá, bị tước đoạt mọi êm dịu cuộc đời trần thế, hoàn toàn phó mình cho Đấng Quan Phòng tại những vùng đất xa xôi vô danh, nơi mà sau khi đã từ giã tất cả những gì là thụ vật, sẽ gặp lại tất cả tuyệt vời hơn trong Thiên Chúa” (s. 147e).
+ Cha Lambert lắng nghe được tiếng Chúa mời gọi ngài hướng lòng về điều gì? “Ngài không hiểu tại sao, dù yêu quý thiết tha Trung tâm Xã hội, ngài lại không muốn góp vào đó hoa lợi còn lại từ tài sản riêng của ngài, mà lại rất muốn trao hết tài sản vào việc truyền giáo của các vị ở Paris, trong đó có người em trai ngài” (s. 147g).
+ Và cuối cùng, ngài nói: “nếu như sau khi đã đặt tất cả dưới chân bàn thánh, mà người ta xét rằng ngài cần giữ ơn gọi đầu tiên, thì ngài sẽ an tâm ở lại Trung tâm, không bao giờ nghĩ đến một ơn gọi khác và không phản đối kêu ca gì trong chuyện ấy” (s.147h).
Như vậy, sau nhiều giờ cân nhắc trong tinh thần cầu nguyện, đây là thời điểm cha Lambert có được một sự hiểu biết chín chắn hơn cả. Có lẽ ngài không cảm thấy rằng mình đang quyết định, cho bằng là thấy mình đang nhận ra cái quyết định mà lòng trí đã thực hiện, đó là ngài “đâu rời Trung tâm vì nhẹ dạ hoặc chán nản; bậc thẩm phán ở đời là để chuyển qua bậc thẩm phán của chức Tư tế; lo cho những người nghèo không chút của cải vật chất nào trong Kitô giáo, là để sau đó lo cho những người nghèo khác đáng thương hơn: những người ngoại giáo không chút của cải thiêng liêng” (s. 147c).
Điều đáng chú ý ở đây chính là động lực chọn lựa của cha Lambert. Vào thời điểm này ngài đã nhận ra có một lựa chọn vượt trên các lựa chọn khác để đưa ngài đến các ước mơ, những ước mơ mà lúc ban đầu đối với ngài không phải là lý tưởng, cũng chẳng đẹp đẽ gì: “…một tinh thần thầm kín đầy tính tự phụ, đó là đi theo những con đường phi thường [...]; không lượng sức mình yếu ớt, đâm đầu vào một con đường khó khăn và gai góc, cần nhiều sức khoẻ và đức hạnh hơn mức tôi đang có” (s.146c). Nhưng cách nào đó chúng thực tế và đúng đắn hơn, còn các lựa chọn khác, dù rằng có thể đẹp đẽ hơn, thoải mái hơn, thậm chí an toàn hơn nữa, nhưng sẽ dần khuất khỏi tầm nhìn của linh hồn, và rồi sẽ dần biến mất nơi cuối chân trời[73].
c. Quyết định
Với sự trợ giúp thiêng liêng của cha linh hướng Hallé, cuối cùng, cha Lambert đã chọn điều chỉ thuận theo lý trí chứ không theo tình cảm: “Trong khoảng thời gian 10 ngày, vị linh hướng đã công bố tới hai lần là ngài tin rằng Đức cha Lambert được mời gọi sang Trung Quốc, và ít nữa, ngài phải đi trình diện ở nơi người ta chiêu mộ những người thợ Phúc Âm, và phải khiêm tốn chấp nhận bị loại trừ, một khi họ cho là ngài không thích hợp với chương trình của họ. Ngài lên đường đi Paris ngay sau lần công bố thứ hai, viện cớ đến đó để hoàn tất những dự án cho người nghèo. Thực ra ngài có ý định không trở về Rouen nữa mà dâng hiến trọn vẹn con tim cho việc truyền giáo” (s. 148a).
d. Xin xác chuẩn
Sau khi đã quyết định đúng đắn theo con đường Chúa muốn, trên đường trở lại Paris để đi Roma, cũng theo chỉ dẫn của cha linh hướng, cha Lambert đã dừng chân tại Nữ Đan viện Carmel Pontoise, và khi dâng lễ tại nhà nguyện nơi chôn cất Mẹ Marie de l’Incarnation, cha mau mắn dâng sự lựa chọn của mình lên Thiên Chúa để xin Ngài đoái nhận và xác chuẩn: “Khi cử hành thánh lễ ở Pontoise trong nhà nguyện có ngôi mộ nữ tu Marie, ngài đã phó thác công việc cho Thiên Chúa” (s. 148b).
4.2.2. Đại diện Tông tòa ở châu Á
Tại Paris, vào ngày hôm sau, cha Lambert gặp lại Nhóm Bạn Hiền ở phố Saint-Dominique, ngài ngỏ ý muốn “được làm một nhà truyền giáo bình thường cùng với một giáo sĩ mà ngài tin là có thể sắp xếp được…”, ngài cũng sẵn sàng “dâng hiến tất cả phần gia sản còn lại của ngài” góp vào nguồn tài chánh để cấp dưỡng cho các vị Đại diện Tông tòa nơi mà Tòa Thánh sẽ gửi đến (x. s. 148).
Hai ngày trước khi khởi hành đi Roma, ngài được mời tham dự Hội nghị Truyền giáo. Trong hội nghị, người ta trình bày hiện đang cần ba vị Giám mục, một cho xứ Trung Hoa, một cho xứ Đàng Ngoài và một cho xứ Đàng Trong. Đức cha Lambert hết sức ngạc nhiên khi nghe tên mình đứng thứ hai sau tên François Pallu, là một linh mục đạo đức, tiến sĩ đại học Sorbonne, công trạng lừng danh (x. s. 150a).
Đức cha Lambert đã phản ứng như thế nào trước sự kiện này?
Thái độ bình tâm
Nhờ quen sống bình tâm theo linh đạo I-nhã và nhờ lòng yêu mến tinh thần khổ nhục, từ bỏ triệt để của Dòng Bé mọn, nên cha Lambert, dù rất ngạc nhiên khi nghe tên mình là ứng viên được chọn vào chức vị Giám mục, ngài không hề để lộ ra chút cảm xúc nào. Cha Brisacier kể lại: “Vinh dự bất ngờ này không tác động bao nhiêu đến ngài, ngài như là kẻ vô cảm, không nói lời nào để xác nhận về bản thân mình, hoặc để khiêm tốn từ chối đề nghị đó. Thậm chí ngài còn lắng nghe như là người ta đang bàn về một người khác chứ không phải ngài. Và Ngài tin rằng là khi người ta đề cử ngài vào chức vụ cao quý đó, mặc dầu ngài cho là vô cùng bất xứng, ý nghĩ duy nhất là ngài càng phải hoàn toàn chết cho chính mình hơn nữa, bằng cách luôn trung thành với các tác động của ân sủng. Ngài cương quyết không để mình bận tâm đến việc bổ nhiệm chức vụ quan trọng đó, để xúc tiến hay để ngăn cản, ngài chỉ giao số mệnh mình vào tay Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có quyền chọn lựa các thừa tác viên trong Giáo Hội của Người, nhất là để mang Đức Tin đến với các dân ngoại ở tận cùng thế giới” (s. 150b).
Đức cha Lambert phân biệt ba mức độ vô cảm: mức độ thứ nhất là nghe tất cả những gì người ta nói tốt về mình như thể là nói về một người khác hay như không nói gì cả; mức độ thứ hai là không đi kể lại cho người khác và chôn vùi nó vào chốn quên lãng muôn đời; mức độ cuối cùng là trong lòng tự nhận mình là kẻ hèn hạ, đáng khinh nhất trên thế gian và không biểu lộ ra bên ngoài cảm xúc nào cả (x. s. 112).
- Đức vâng phục trọn vẹn
Ước muốn làm một nhà truyền giáo bình thường là tâm nguyện của Đức cha Lambert trong sứ vụ truyền giáo tại Á châu, ngay cả khi nhận được tin Đức Thánh Cha quyết định bổ nhiệm ngài vào chức vụ Giám mục, ngài thậm chí còn cảm thấy buồn phiền khi chấp nhận điều đó, và giá như được tự quyết, ngài sẽ ra đi với tư cách nhà truyền giáo bình thường, vì ngài cảm thấy đó là niềm vinh dự cao quý đối với ngài. Tuy nhiên, sau khi bày tỏ mọi sự với cha Hallé, Đức cha đã vâng phục trọn vẹn theo lời khuyên của vị linh hướng, người đã nhiều lần nói với Đức cha Lambert rằng đó là ơn gọi của ngài, và giờ đây hơn bao giờ hết, ngài phải gắn bó với ơn gọi đó mà không cần lý luận, không kháng cự, và từ nay cứ làm theo những gì mà các vị có trách nhiệm ở Paris đang mong đợi nơi ngài về chương trình truyền giáo đó (x. s. 197-199).
Ngày 02.06.1660, Đức cha Lambert kín đáo rời Rouen để đi Paris. Tại đây, sau tám ngày tĩnh tâm, vào ngày 11.6, ngài được Đức cha Le Bouthillier, Tổng Giám mục Địa phận Tours phong chức Giám mục, cùng hai Giám mục khác phụ tế, tại nguyện đường Dòng Thăm Viếng, đường Saint-Antoine, Paris. Lúc này các giám mục Pháp đang họp Đại hội Giáo sĩ Pháp tại Paris (Assemblée du Clergé de France).
Tại cảng Marseille, ngày 24.11.1660, Đức cha rời quê hương Pháp của ngài, lên đường truyền giáo miền Viễn Đông, ngài được 36 tuổi [74].
Kinh nghiệm dày dặn trên bước đường truyền giáo tiếp theo của Đức cha Lambert tại Á châu đã chỉ ra rằng, nét cơ bản trong đời sống của người tông đồ là khả năng kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa, đặc biệt với Chúa Thánh Thần, tác nhân chính của công việc truyền giáo. Ngài luôn ý thức về sự cần thiết phải bàn hỏi, lắng nghe sự thúc đẩy bên trong của Chúa Thánh Thần, khả năng biện phân thần khí và tuân hành thánh ý Chúa, nên khi viết “Về việc cầu nguyện của vị một vị thừa sai tông tòa tại những nơi truyền giáo của mình” ngài nhắn nhủ như sau: “Nếu phải hoạt động, linh hồn sẽ bàn hỏi với Thần Khí của Chúa Giêsu Kitô đang ngự trong linh hồn để biết điều Thần Khí muốn và linh hồn sẽ hoạt động do bởi Thần Khí. Qua đó, người ta có thể thấy niềm hạnh phúc thật của một thọ tạo tùy thuộc vào Thiên Chúa[75].

LỜI KẾT

Câu chuyện của Đức cha Lambert trong vòng 36 năm tại Pháp được khép lại nơi đây. Chúng ta sẽ kết thúc hành trình khám phá việc phân định thần loại nơi Đức cha với lời nguyện dâng hiến thật đẹp trong một lần ngài dâng lễ tại Ayutthaya (1668):
“Lạy Chúa, thật xác đáng hơn khi con trao cho Chúa toàn quyền tuyệt đối trên thân xác và máu huyết con để Chúa định đoạt chúng theo Ý Chúa muốn. Vậy, lạy Thiên Chúa của con, từ rày về sau, xin Ngài hãy là Thầy cả dâng lễ hiến sinh của thân xác và máu huyết con như là vật đã hoàn toàn thuộc về Ngài, và con không còn cầu mong sự gì cho chúng, ngoại trừ việc xin cho chúng trở thành thừa tác viên cho Ý muốn linh thánh của Ngài để Ngài tác động trên chúng hợp theo đúng những gì mà Chúa sẽ lệnh truyền cho con”[76].
Còn gì cao quý hơn khi trọn đời Đức cha Lambert luôn dấn thân vào một hành trình chân thật và mở ra với Chúa Thánh Thần, trao hiến trọn vẹn đời sống của mình (sức khỏe, tiền bạc, công danh, sự nghiệp…) cho Thiên Chúa, để sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho Thiên Chúa được vinh danh hơn.
Phải chăng cuộc sống và gương sáng của Đức cha Lambert cũng mời gọi người tu sĩ hôm nay, hãy dấn thân cho thế giới với một tinh thần mới, không rập theo thói đời, phụ thuộc những giá trị trần thế đang trên đường biến mất, nhưng là một tinh thần được chiếu soi bởi ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để mỗi người có khả năng suy nghĩ, quyết định và dấn thân hành động theo đúng thánh ý Chúa. Đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Roma luôn là một lời nhắc nhở cho chúng ta trong mọi thời đại: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy biến đổi con người anh em bằng cách đổi mới lòng trí, hầu biết phân định đâu là thánh ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12.2).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PHANXICO, Gaudete et Exultate - Tông huấn Niềm Vui và Tin Mừng, Roma, 19/03/2018.
BÉNIGNE VACHET, Chuyện Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679), Cao Kỳ Hương dịch, Toulouse, 2013.
ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp (1624-1660), LHNB, Toulouse, 2002.
ĐÀO QUANG TOẢN, Bài viết của Đức cha Lambert, LHNB, Tp HCM, 2012.
FRANÇOIS FAUCONNET BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, Le père inconnu de la Mission modernePierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006.
HENRI DE FRONDEVILLE, Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), Nguyễn Xuân Hùng dịch, LHNB, Tp Hồ Chí Minh, 2007.
JACQUES-CHARLES DE BRISACIER, Vie de Mgr. Lamothe Lambert, Évêque de Béryte - Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục Hiệu toà Béryte, (AMEP, vol. 122), Cao Kỳ Hương dịch, LHNB, 2015.
LAUNAY ADRIEN, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, Tome I, Paris, Téqui, 1894, (réédité en 2003).
MARK E. THIBODEAUX, Tiếng Chúa trong lòng ta, LHNB, Trung tâm Linh đạo I-nhã Đắc Lộ, 2021.
P. COCHOIS, Bérulle et l’École française, Paris, Seuil, 1963.
R. DEVILLE, L’École française de spiritualité, Desclée, Paris, 1987.
TIMOTHY M. GALLAGHER, Phân định thần loại trong cuộc sống mỗi ngày theo Thánh I-nha-xio, LHNB, Tủ sách linh đạo Thánh I-nha-xio, 2011.
TIMOTHY M. GALLAGHER, Phút hồi tâm, tìm gặp Chúa trong mọi sự, Tôn Giáo, 2020.
DÒNG TÊN VIỆT NAM, Tạp chí linh đạo I-nhã: Phân định thiêng liêng, 2019.
DÒNG TÊN VIỆT NAM, Bạn đường Linh thao, LHNB.
NHÓM NGHIÊN CỨU LINH ĐẠO MTG, Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, LHNB, Tp HCM, 2018.
http://www.donghanh.org/main/05/tl-006.htm.
https://dongten.net/2021/12/14/chuyen-de-nam-inha-magis-hon-nua-trong-tinh-yeu/
WHĐ (06.9.2022) 

 
 

[1] Gaudete et Exsultate (GE),158.
[2] GE 166, 169.
[3] X. NHÓM NGHIÊN CỨU LINH ĐẠO MẾN THÁNH GIÁ (NNCMTG) Đức cha Pierre Lambert de la Motte- Đấng Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá trong Lịch sử Dòng Mến Thánh Giá, LHNB, Tp HCM, 2018, tr. 63-67.
[4] XJACQUES-CHARLES DE BRISACIER, Vie de Mgr. Lamothe Lambert, Évêque de Béryte - Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, Giám mục Hiệu toà Béryte, (AMEP, vol. 122), Cao Kỳ Hương dịch, LHNB, 2015, s. 9.
[5] CH. QUILLET, Expression et Transmission de l’expérience mystique dans le milieu normand de 1630 à 1960, Luận án tiến sĩ, Đại học Paris IV, Sorbonne, 1993, tr. 82-85, do Fauconnet-Buzelin trích dẫn trong Le père inconnu de la Mission modernePierre Lambert de la Motte, premier vicaire apostolique de Cochinchine, Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006, tr. 45.
[6] X. HENRI DE FRONDEVILLE, Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), Nguyễn Xuân Hùng dịch, LHNB, Tp.Hồ Chí Minh, 2007, tr. 10.
[7] “Les Avocats en Parlement, sont ceux qui ont prêté serment d’Avocats, et qui n’en font point les fonctions. Ils ne peuvent occuper, et ne signent pas les mémoires et consultations. in Dictionaire critique de la langue française, T.3, 1787. (“Những luật sư trong Nghị Viện là những người đã đọc lời tuyên thệ của luật sư mà không hề thi hành chức vụ. Họ không thể làm và không ký tên vào các văn bản”).
[8] X. HENRI DE FRONDEVILLE, Đức cha Pierre Lambert de la Motte (1624-1679), sđd, tr. 17.
[9] XJACQUES-CHARLES DE BRISACIER, sđd, s. 193.
[10] Linh mục Julien Hayneuve (hay: Hayneufve) (1588-1663), Dòng Tên, tác giả của 9 tác phẩm tu đức. (X. Henri Gensac, “Hayneufve”, trong Dictionnaire de Spiritualité, Tome VII, Paris, Beauchesne, 1969).
[11] Trường của dòng Tên tại Rouen lúc đó là “Collège de Bourbon”; ngày nay, đã trở thành trường trung học Corneille.
[12] J. CH. DE BRISACIER, sđd, s. 14.
[13] ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp (1624-1660), LHNB, Toulouse, 2002, tr. 82.
[14] J. CH. DE BRISACIER, sđd, s. 15.
[15] Cha Chrysostome de Saint-Lô đã khấn vào Dòng Ba Phanxicô ngày 03.06.1612, và qua đời tại Paris ngày 26.03.1646 (X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp, sđd, tr. 106).
[16] F. FAUCONNET-BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, sđd, tr. 79-81.
[17] X. BÉNIGNE VACHET, Chuyện Đức cha Lambert de la Motte (1624-1679), Cao Kỳ Hương dịch, Toulouse, 2013, số 3.
[18] X. ADRIEN LAUNAY, Histoire générale de la Société des Missions Étrangères de Paris, Tome I, Paris, Téqui, 1894, (réédité en 2003), tr. 154.
JEAN GUENNOU, Missions Étrangères de Paris, Paris, Fayard, 1986, tr. 117-118.
[19] X. J. CH. DE BRISACIER, sđd, s.16-17.
[20] X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - giai đoạn tại Pháp, sđd, tr.120.
[21] Đây là tên gọi do Henri Bremond đề nghị (X. H. BREMOND, Histoire littéraire du sentiment religieux, tome III: La conquête mystique: L’École française, Paris, Bloud et Gay, 1921).
[22] X. R. DEVILLE, L’École française de spiritualité, Desclée, Paris, 1987, tr. 7.
[23] P. COCHOIS, Bérulle et l’École française, Paris, Seuil, 1963, tr. 146, trích dẫn trong R. Deville, L’École française de spiritualité, sđd, tr. 13.
[24] Cha Simon Hallé là tu sĩ Dòng Bé Mọn (Les Minimes) do Thánh François de Paule (1436-1507) thành lập tại Ý và phát triển rộng rãi ở Pháp vào thế kỷ XVII (X. J. CH. DE BRISACIER, Cuộc đời Đức cha Lambert de la Motte, sđd, s.103). Riêng tại Rouen thì có từ năm 1600 X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp, sđd, tr. 127.
[25] Nt, tr. 119.
[26] ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp, sđd, tr. 128.
[27] X. F. F. BUZELIN, Le père inconnu de la Mission moderne, sđd, tr. 118.
[28] TIMOTHY M. GALLAGHER, O.M.V, Phân định thần loại trong cuộc sống mỗi ngày theo Thánh I-nha-xio, LHNB, Tủ sách Linh đạo thánh Inhaxio, 2011, tr. 42-43.
[29] AMEP, tập 121, tr. 754-755 ; ĐÀO QUANG TOẢN, “Sự bất trung”, trong Bài viết của Đức cha Lambert, LHNB, Tp HCM, 2012, tr. 63.
[30] AMEP, tập 121, tr. 657-658 ; ĐÀO QUANG TOẢN“Cuộc Tĩnh tâm 1663, tại Ayutthaya”trong Bài viết của Đức cha Lambert, sđd, tr. 30.
[31] X. AMEP, tập 121, tr. 681-682; ĐÀO QUANG TOẢN“Hành động”trong Bài viết của Đức cha Lambert, sđd, tr. 46-49.
[32] X. DÒNG TÊN VIỆT NAM, Bạn đường Linh thao, LHNB, tr.16-18.
[33] X. CAO GIA ÂN sj., “Nguồn hứng Kinh Thánh trong bộ quy tắc phân định của Thánh Inhaxiô”, trong Tạp chí Linh đạo I-nhã: Phân định Thiêng liêng, Dòng Tên Việt Nam, 2019, tr. 79.
[34] X. MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, LHNB, Trung tâm Linh đạo I-nhã Đắc Lộ, 2021, tr. 22.
[35] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, O.M.V, Phân định thần loại trong cuộc sống mỗi ngày theo Thánh I-nha-xio, sđd, tr.15-16.
[36] Nt, tr. 58.
[37] Vào thời đó, còn có nhiều cấp hạng thứ vị và bổng lộc khác nhau trong hàng giáo sĩ một giáo phận.
Habitué : il se dit aussi, d’Un Ecclesiastique qui n’a point de charge ni de dignité dans une Eglise, mais qui sert & assiste l’Office divin & aux autres fonctions de Paroisse. Prestre habitué, il est habitué à saint Eustache, à saint Paul, &c. - Il se met aussi substantivement. Un habitué de Paroisse.” (Dictionnaire de l’Académie Française, 1694).
[38] X. WILKE AU AND NOREEN CANNON AU, The Discerning Heart: Exploring the Christian Path, tr. 60http://www.donghanh.org/main/05/tl-006.htm.
[39] MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 219.
[40] Mouvement : Il se dit aussi des différentes impulsions, passions, ou affections de l’âme, (Dictionnaire de l’Académie Française, 1694).
[41] X. WILKE AU AND NOREEN CANNON AU, sđd, tr.60-65.
[42] Vua Louis XIV ban tước «Cố vấn danh dự Toà án Thuế vụ» của Thành phố Rouen cho Đức cha Lambert ngày 30.06.1656. Henri de Frondeville đã xuất bản văn thư này (sđd, tr. 21-22).
[43] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, Phút hồi tâm, tìm gặp Chúa trong mọi sự, Tôn Giáo, 2020, tr. 125-126.
[44] Các chức nhỏ: Giữ cửa, Đọc sách, Trừ quỷ, Giúp lễ.
[45] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, O.M.V, Phân định thần loại trong cuộc sống mỗi ngày theo Thánh I-nha-xio, sđd, tr.167.
[46] X. MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 86tt.
[47] X. BÙI QUANG MINH sj., “Magis- hơn nữa trong tình yêu” ; https://dongten.net/2021/12/14/chuyen-de-nam-inha-magis-hon-nua-trong-tinh-yeu/.
[48] Nt, tr. 81-82.
[49] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, Phân định thần loại trong cuộc sống mỗi ngày theo Thánh I-nha-xio, sđd, tr.111.
[50] Nt, tr. 112.
[51] Các chức lớn: Phụ phó tế, Phó tế, Chánh tế (Linh mục).
[52] Là ngày Lễ Thánh Gioan Thánh sử (27/12/1655).
[53] MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 216- 217.
[54] X. MICAEN TRƯƠNG THANH TÙNG sj., “Bộ công cụ phân định I-nhã. Giới thiệu tổng quan”trong Tạp chí linh đạo I-nhã: Phân định thiêng liêng, Dòng Tên Việt Nam, 2019; tr. 51.
[55] GE 166.
[56] X. DÒNG TÊN VIỆT NAM, “Bạn đường Linh thao”, sđd, tr. 33-35.
[57] X. MICAEN TRƯƠNG THANH TÙNG sj., Bộ công cụ phân định I-nhã. Giới thiệu tổng quan”, sđd, tr. 51.
[58] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, Phút hồi tâm, tìm gặp Chúa trong mọi sự, sđd, tr. 127.
[59] Theo WILKE AU AND NOREE CANNON AU, The Discerning Heart: Exploring the Christian Path, sđd, tr. 60-65.
[60] MICAEN TRƯƠNG THANH TÙNG sj., “Bộ công cụ phân định I-nhã. Giới thiệu tổng quan”, sđdtr. 51. 
[61] X. MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 225.
[62] GE 171.
[63] Nt 172.
[64] X. MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 301.
[65] Nt.
[66] Nt, tr. 299.
[67] Dựa theo “Dấu chỉ của xác chuẩn và không được xác chuẩn” trong MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd; tr. 287-290.
[68] Nt, tr. 113.
[69] X. MICAEN TRƯƠNG THANH TÙNG sj., “Việc phân định của vị linh hướng trong đồng hành và trợ giúp phân định”, trong Tạp chí Linh đạo I-nhã: Phân định Thiêng liêng, Dòng Tên Việt Nam, 2019, tr. 179.
[70] Từ nay, vị linh hướng ngài chọn là cha Simon Hallé, tu sĩ dòng Bé Mọn. Tuy nhiên, cha Hayneuve dòng Tên, vị linh hướng đầu tiên của ngài “vẫn tiếp tục bảo ban ngài với lòng bác ái” (X. Brisacier s.193).
[71] X. TIMOTHY M. GALLAGHER, Phút hồi tâm, tìm gặp Chúa trong mọi sự, sđd, tr. 127-128.
[72] Hai anh em gia đình Bimorel.
[73] Theo MARK E. THIBODEAUX sj., Tiếng Chúa trong lòng ta, sđd, tr. 275.
[74] X. ĐÀO QUANG TOẢN, Đức cha Lambert de la Motte - Giai đoạn tại Pháp, sđd, tr.164-165.
[75] ĐÀO QUANG TOẢN, « Về việc cầu nguyện », trong Bài viết của Đức cha Lambert, sđd, tr. 34.
[76] “Il est bien plus juste, Seigneur, que je vous donne un pouvoir absolu sur mon corps et mon sang pour en disposer tout comme il vous plaira. Soyez donc désormais, ô mon Dieu, le sacrificateur de mon corps et de mon sang comme une chose qui est entièrement à vous, et sur laquelle je ne prétends plus rien, sinon que d’être le ministre de vos sacrés vouloirs pour agir sur lui conformément à ce que vous m’ordonnerez” : AMEP, tập 121, trang 756 . Bản dịch của Antôn Maria Trương Văn Tiến.
 
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây