CÁT BỤI CUỘC ĐỜI
Linh mục Anphong Nguyễn Công Vinh
Ra khỏi lòng mẹ trần truồng trơ trụi
Từ giã cuộc đời tay trắng buông xuôi!
Cuộc đời ta nằm gọn trong hai câu thơ nầy sao?
1.Khi ra khỏi lòng mẹ, mọi người đều bằng nhau, giống nhau: trần truồng trơ trụi. Chẳng có ai ngay khi sinh ra là đã có quần áo lụa là. Tất cả đều vô sản, không có giai cấp. Tiếng nói đầu tiên của em bé chào đời là tiếng khóc. Không biết có ai sinh ra mà cười không? Tiếng khóc về mặt sinh lý báo hiệu phổi đã hoạt động và có sự sống. Tiếng khóc cũng còn như tín hiệu báo rằng cuộc đời sẽ nhiều khổ lụy đó. Khổ lụy cuộc đời nhiều đến nỗi được gọi là thung lũng nước mắt (kinh Salve Regina) hoặc bể khổ (Nhà Phật). Tất nhiên là khổ nhiều hơn vui chứ nếu không có vui, không có chút hạnh phúc nào thì ai mà muốn sống! Kiếp nạn nầy là do bà Eva thích con rắn và thích ăn táo. Phụ nữ lôi thôi quá nhở!
2.Còn nữa, hai tay em bé nắm chặt lại. Tay nắm tượng trưng cho sự tự vệ đấu tranh, cho hận thù ganh ghét, đe dọa người khác. Chả thế mà tội hình sự đầu tiên trong lịch sử loài nguời là tội Ca-in ganh ghét, tấn công giết chết em ruột mình là A-ben, và bị Chúa xử án lưu đày chung thân (x.St 4,5-6.8.11-12). Vụ mưu sát nổi cộm là Giuse bị các anh âm mưu sát hại, nhưng cuối cùng thì thành tội buôn ngừơi, Giuse bị bán sang Ai Cập (x.St 37,12-36), và còn nhiều vụ về sau. Hai tay nắm chặt còn tượng trưng cho sự ích kỷ và chiếm hữu. Khuynh hướng bẩm sinh nơi con người là ích kỷ muốn thu gom tất cả cho mình, chiếm hữu cho mình mà không muốn mở tay ra chia sẻ, giúp đỡ cho ai khác. Khi lên hai ba tuổi, đứa bé đã vơ vào cho mình các thứ đồ chơi của nó, không cho bất cứ ai, cho dù đồ chơi đã cũ, không còn thích nữa.
3.Lớn lên và lớn lên, con người thu giữ thêm đủ mọi thứ và nhiều chừng nào có thể được, không bao giờ hài lòng và cho là đủ rồi. Các thứ họ sở hữu làm cho họ khác nhau: khuôn mặt khác nhau nhờ son phấn, thân xác bên ngoài khác nhau nhờ lụa là, càng nhiều lụa càng đẹp, càng sang! Tiền bạc làm cho họ khác nhau về nhà cửa, xe cộ, đồ dùng, thức ăn…Những thứ bên ngoài và tạm bợ nầy làm cho họ khác nhau về xã hội: người giàu, kẻ có quyền thế thành chủ sai khiến, kẻ nghèo trở thành osin, chịu sai khiến, chịu vâng phục để tồn tại. Các thứ con người sở hữu và lòng tham xúi dục con người ganh ghét nhau, cắn xé nhau, giết hại lẫn nhau. Hai tay đã nắm lại một mình khi sinh ra, bây giờ thì hùa bè với nhau nhiều bàn tay nắm lại. Người lương thiện thì đơn độc,cô thân cô thế.
4.Con người cứ thế sinh hoạt, thu góp, hưởng thụ cho đến một ngày nào đó họ cảm thấy sức lực dần cạn kiệt, bệnh tật chồng chất, phải gắng gượng với đau khổ, không còn ưa thích sự gì trên cõi đời nữa, trong lòng lo sợ về ngày mai giã từ. Rồi việc gì đến sẽ đến, chiếc lá cuối cùng trên cành cây mùa đông rơi xuống. Hai tay buông xuôi không còn nắm lại, người ta vuốt mắt để không còn thấy thế gian và những gì mình có. Lúc nầy cho dù mặt mũi có đánh phấn tô son, quần áo có mặc đẹp, có đeo vàng đeo bạc thì cũng chẳng có ich gì. Một thời gian ngắn sau đều nằm dưới lòng đất, rồi xương cốt trổ thành cát bui. Lúc nầy mọi người bằng nhau và giống nhau. Giữa những nắm tro cốt, chẳng phân biệt được nắm nào giàu, nắm nào nghèo, nắm nào là chủ, nắm nào là tớ. Tất cả bị cào bằng, vô giai cấp. Đời nầy chấm dứt.
5. Đời sau bắt đầu và có sự khác biệt. Sự khác biệt ở đây không còn là do những thứ mình sở hữu ngày trước, nhưng do nếp sống của mình trên trần thế: tin Chúa hay không tin; thực hành lời Chúa hay không thực hành; giữ lương tâm ngay thẳng hay gian dối, lừa đảo lươn lẹo; nhẹ nhàng trong sáng hay nặng nề dục vọng; buông bỏ thanh thoát hay tham lam thu giữ; rộng rãi bác ái với tha nhân hay keo kiệt bần tiện; chịu khó, chịu hi sinh, kỷ luật với mình hay dễ dài, an nhàn hưởng thụ; có công phúc trước mặt Chúa hay được thế gian thưởng công? Sự khác biệt đời sau là quyết định, nghĩa là không bao giờ thay đổi. Á-ra-ham nói với ông nhà giàu: giữa chúng tôi và ông có một vực thẳm mà hai bên không qua nhau được! (x.Lc 16,19-23).
Hiện tại làm nên tương lai. Vì thế muốn thay đổi sự khác biệt ở đời sau thì ngay bây giờ, trong cuộc đời nầy hãy: sám hối sửa đổi cách cư xử ác ôn của mình, từ bỏ dục vọng tội lỗi, hâm nóng lại đời sống đức tin, và thành khẩn đón nhận Chúa Kitô hằng sống, dùng tiền bạc để giúp người nghèo khó, bệnh tật. Liên kết với Chúa Kitô, bác ái, bố thí là phương thế khoả lấp muôn vàn tội lỗi. Đây là sự lựa chọn tự do mà mỗi người phải quyết định cho mình.
.
(Vinh An, tản mạn mùa Covid 21)
*Xin chia sẻ cho người khác.