Đức tin thời đại dịch

Thứ ba - 13/07/2021 20:16

Đại dịch Covid-19 vẫn đang trở nên quá khó hiểu và đáng sợ với hàng triệu người dân cả nước. Việt Nam đang chứng kiến hàng chục ngàn người nhiễm bệnh và một số đã phải ra đi. Nếu tình hình không mấy khả quan, số ca nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng từng ngày. Cuộc khủng hoảng này đang khiến cộng đồng đặt lại vấn đề về y tế, đạo đức và  hậu cần. Nhưng chính nó cũng đang chất vấn những người có đức tin. Đức tin của bạn như thế nào? Liệu nó có thể giúp bạn vượt qua cơn đại dịch này không? Ở đây, Cha James Martin, S.J. sẽ giúp bạn một vài phương thế sống đức tin thời đại dịch.

Chống lại sự hoang mang là phương thế đầu tiên. Điều này không có nghĩa là bạn sẽ không còn lo lắng nữa, hay cứ phớt lờ những lời khuyên hữu ích của các chuyên gia y tế và các biện pháp phòng chống dịch cộng đồng. Thi thoảng cảm thấy lo lắng là chuyện hết sức bình thường. Nhưng mọi chuyện sẽ khác nếu lo lắng kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, và khiến bạn cảm thấy sợ hãi. Trước cơn khủng hoảng của đại dịch, làm sao con người có thể bình tĩnh vượt qua? Làm sao có thể cảm thấy bình an và hy vọng nội tâm? Chính Thiên Chúa sẽ mang lại niềm hy vọng, sự bình an cho bạn chứ không phải hoang mang, hãi sợ.

Thánh Inhaxiô thường nói về hai chuyển động trong đời sống nội tâm: một lôi kéo bạn tiến gần tới Chúa, và một đẩy bạn ra xa Người. Chuyển động lôi kéo bạn ra xa Chúa, thánh Inhaxiô gọi là thần dữ, gây ra “sự cắn rứt, làm buồn phiền và đặt chướng ngại bằng cách gây băn khoăn, lo lắng với những lý lẽ giả tạo để người ta khỏi tiên tới.” (LT 315). Tin tưởng vào những lời dối trá, đồn thổi, hay đầu hàng chỉ khiến bạn thêm hoang mang, hoảng sợ mà thôi. Bạn nên tin tưởng vào những lời khuyên của các chuyên gia y tế hơn là của những người đang sợ hãi, lo lắng.

Hoang mang dễ khiến bạn bối rối, hãi sợ dễ lấy đi ơn trợ giúp Chúa muốn ban cho bạn. Tất nhiên, hoang mang, sợ hãi không đến từ Thiên Chúa. Vậy điều gì đến từ Thiên Chúa? Thánh Inhaxiô nói rằng, Thần khí của Thiên Chúa, hay thần lành, “đem đến sự can đảm và sức mạnh, an ủi và ơn soi sáng cùng bình an.” (Lt 315). Và đây là cơ hội tin tưởng vào sự bình tĩnh và hy vọng bạn đang cảm nhận. Hãy lắng xuống và bắt đầu nghe lời thì thầm của Thần Khí. Chúa Giêsu sẽ đến bên và an ủi bạn: “Đừng sợ!” như Người đã nhiều lần trấn an các môn đệ năm xưa.

 


Đừng sợ! Chính Thầy đây mà!

 

Thứ đến, bạn chớ để mình trở thành con cái của sự dữ. Một câu chuyện thật buồn xảy ra ở NewYork thời điểm này năm ngoái. Khi một ông già người Trung Quốc bước lên tàu điệm ngầm, cả toa la hét, bỏ chạy, và bắt đầu những lời thoá mạ với ông vì cho rằng Trung Quốc đã để cho Covid-19 lây lan. Thật thế, trong những thời điểm căng thẳng, nhất là giữa đại dịch này, chống lại những cám dỗ đó của ma quỷ không phải chuyện dễ dàng. Đại dịch này có lẽ không phải là căn bệnh của Trung Quốc, hay vi rút Vũ Hán gì đó. Nó cũng không hẳng là một căn bệnh ngoại lai. Nó cũng không phải lỗi của ai cả. Đến cả những bệnh nhân Covid-19 cũng không hề đáng trách. Bạn có thể nhớ lại trình thuật Đức Giêsu chữa một người mù từ thuở mới sinh. Các môn đệ đã hỏi Người: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Nhưng Đức Giêsu trả lời:”Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga9, 1-3) Dịch bệnh không phải là một hình phạt. Thế nên, bạn không thể đổ lỗi cho ai, cho một nhóm người, hay quốc gia nào. Đó có lẽ là mưu mô của ma quỷ. Hãy nhớ rằng, Covid-19 có thể ngăn cản rất nhiều thứ xung quanh bạn, nhưng nó không thể cản lối tình yêu.

 


Covid-19 không thể cản lối tình yêu.

 

Chăm sóc các bệnh nhân là phương thế thứ ba. Đại dịch này có thể là một chặng đường dài. Bất cứ ai trong số người thân, bạn bè của bạn cũng có thể trở thành nạn nhân cho nó. Vậy, làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người khác là điều rất tuyệt vời lúc này, nhất là những người thân yêu, những người già cả, tàn tật, nghèo khó và vô gia cư. Có lẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh lây lan là cần thiết, nhưng đừng quên rằng bổn phận cơ bản của các Kitô hữu là giúp đỡ tha nhân. Thật thế, trong cuộc phán xét chung, Đức Vua sẽ nói:“Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm.”(Mt 25, 36) Và cái kết là “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40).

Vào thời Chúa Giêsu, người dân làm gì có cơ hội tiếp cận với sự chăm sóc y tế như hiện nay, và việc thăm viếng người bệnh trở nên cực kỳ nguy hiểm. Thế mà, Người vẫn khích lệ các môn đệ thăm viếng bệnh nhân trong mọi hoàn cảnh, và chính Người là mẫu gương sáng ngời cho nghĩa cử cao đẹp đó. Tiếp nối truyền thống ấy, Hội Thánh cũng tiếp tục khuyến khích con cái mình chăm sóc các bệnh nhân, thậm chí là giúp đỡ họ về mặt vật chất. Hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang mời gọi bạn mở rộng con tim với những ai nghèo khổ, những người vô gia cư và lạc lõng. Người mời gọi bạn đến với những ai đang cần bạn và huấn luyện lương tâm của bạn qua những thực hành bác ái ấy.

Phương thế thứ tư là cầu nguyện. Các nhà thờ tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới phải đóng cửa. Các Thánh Lễ và sinh hoạt giáo xứ cũng bị huỷ bỏ. Đó có lẽ là một giải pháp thận trọng và cần thiết để đảm bảo an toàn cho mọi tín hữu cũng như sức khoẻ cộng đồng. Nhưng chúng ta đang phải trả một cái giá quá đắt. Đối với rất nhiều người, Thánh Lễ và Thánh Thể là một nguồn an ủi rất lớn trong đời sống của họ. Thế mà nay còn đâu nữa! Họ cũng bị cô lập với cộng đoàn vào thời điểm họ rất cần sự trợ giúp.

Chúng ta có thể làm gì đây? Đã có rất nhiều Thánh Lễ, buổi cầu nguyện online được diễn ra khắp nơi trên cả nước. Nhưng ngay cả khi bạn không thể tham dự được, bạn vẫn có thể cầu nguyện riêng. Khi đó, bạn sẽ hiểu rằng mình là một phần của cộng đoàn dân Chúa. Hơn thế nữa, rước lễ thiêng liêng, một truyền thống lâu đời trong các nhà thờ Công giáo, vẫn đang được nhiều Kitô hữu, nhiều nhóm, hội đoàn thực hiện. Nhờ thế, bạn có thể hiệp nhất với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện của mình.

Hãy sáng tạo! Có nhiều người đã suy niệm với Tin Mừng, tham khảo chú giải Kinh Thánh về các bài đọc, và cùng gia đình chia sẻ Lời Chúa. Có nhiều người cũng đã nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, người thân, và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về Thiên Chúa ngay giữa cơn khủng hoảng của đại dịch. Thật thế, khi xưa, các bậc cha ông chúng ta đã cầu nguyện và chia sẻ, nâng đỡ đức tin cho nhau trong thời kỳ bách hại đạo. Hôm nay, noi gương các ngài, bạn và tôi cũng có thể làm như vậy. Khi xưa, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ:”Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho; vì đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.” (Mt 18, 20 -21). Hôm nay, bạn và tôi cũng thể làm như vậy. Bạn nên nhớ rằng, nhà thờ là một cộng đoàn chứ không phải một toà nhà.


Nhà thờ là một cộng đoàn chứ không phải một toà nhà.

 

Phương thế cuối cùng là tin tưởng rằng Chúa luôn ở bên bạn. Hãy tin tưởng vào điều đó! Hàng triệu người dân Việt Nam, nhất là các bệnh nhân Covid-19, đang bị cách ly. Điều ấy càng khiến nỗi sợ hãi tăng lên bội phần. Có lẽ sẽ đến một ngày, bạn cũng có thể bị nhiễm Covid chăng? Rồi bạn sẽ tự hỏi: “Tại sao điều này lại xảy ra?”

Dường như chẳng có câu trả lời thoả đáng cho bạn. Nhưng đằng sau đó là sự tồn tại của đau khổ. Điều này là một bí ẩn quá lớn. Trải qua nhiều thế kỷ, các vị thánh và các thần học gia đã tốn quá nhiều giấy mực cho vấn nạn này. Sâu xa hơn, bạn có thể tự hỏi, làm sao tôi có thể tin vào một Thiên Chúa mà tôi không hiểu?

Thế nhưng, bạn và tôi biết rằng, Đức Giêsu thấu hiểu nỗi đau của bạn và đồng hành với bạn theo một cách rất riêng. Khi xưa, Người đã dành nhiều thời gian và tâm huyết cho các bệnh nhân. Người hiểu rõ mối nguy của bệnh tật, nhưng vẫn tiến lại gần, an ủi và chữa lành họ. Hôm nay, Người cũng hiểu rõ mọi nỗi sợ, lo lắng của bạn. Đức Giêsu hiểu thấu con người bạn không chỉ bởi Chúa là Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, mà còn bởi Chúa cũng là con người giống bạn và “chịu thử thách về mọi phương diện” (Dt 4,15) như bạn cũng như kinh nghiệm mọi sự trên trần gian.

Hãy đến với Người trong lời cầu nguyện, và tin tưởng Người sẽ lắng nghe và ở bên bạn.

Hãy tin tưởng vào những lời cầu nguyện của tôi, của bạn, và của anh chị em Việt Nam chúng ta.

Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch này.

Lyeur Nguyễn

Nguồn: https://www.americamagazine.org/faith/2020/03/13/faith-time-coronavirus

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây