Những Giáo Vụ Và Định Chế Quan Trọng Của Giáo Phận
Thứ tư - 01/01/2020 15:58
NHỮNG GIÁO VỤ VÀ ĐỊNH CHẾ QUAN TRỌNG
- CỦA GIÁO PHẬN -
- * * * * -
Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Tân Giám mục Giáo phận Phan Thiết, đã chính thức nhận Giáo phận ngày 12.12..2019 vừa qua. Với biến cố quan trọng này, Giáo phận Phan Thiết đã chấm dứt tình trạng trống tòa kéo dài 02 năm 09 tháng 11 ngày, tính từ ngày Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống qua đời, 01.03.2017. Một khi hết trống tòa, Giáo phận trở lại bình thường, dưới quyền lãnh đạo “thông thường, riêng biệt và trực tiếp” của Đức Giám mục Giáo phận. Điều này được thể hiện một phần qua việc người trao phó các giáo vụ hay chức vụ cho các Linh mục thuộc quyền.
Qua Quyết định ký ngày 20.12.2019, Đức Tân Giám mục chỉ mới xác nhận việc duy trì chức vụ của Linh mục Đại diện Tư Pháp, và qua tuyên bố sáng nay, 01.01.2020, người đặt vị Tổng Đại diện tạm, từ nay cho đến ngày có bổ nhiệm mới; người cũng tạm thời dùng lại các giáo vụ khác và các định chế còn được Giáo luật duy trì suốt thời gian trống tòa. Trước khi Đức Giám mục có những bổ nhiệm mới, xin cùng xem Giáo luật nói gì về các giáo vụ và định chế quan trọng trong Giáo phận.
I. CÁC GIÁO VỤ
1. Các giáo vụ có vai trò đại diện với thường quyền hành pháp và tư pháp
Đức Giám mục Giáo phận có đầy đủ quyền lãnh đạo, được phân biệt thành quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp (Gl. 135). Về quyền lập pháp, người phải đích thân thi hành vì người là nhà lập pháp duy nhất của Giáo phận; còn về quyền hành pháp và quyền tư pháp, người có thể đích thân thi hành hay thi hành qua những người đại diện (Gl. 391 §2).
1.1. Tổng Đại diện
Tổng Đại diện là giáo vụ cao nhất được Đức Giám mục Giáo phận bổ nhiệm. Vị Tổng Đại diện phải là Giám mục hay Linh mục. Đây là giáo vụ phải có trong Giáo phận (Gl. 475 §1), trừ khi trống tòa. Sau khi nhận Giáo phận, Đức Giám mục sẽ bổ nhiệm khi tìm ra người phù hợp (Gl. 478 §1). Theo luật, vị Tổng Đại diện là Bản quyền địa phương (Gl. 134 §2), có quyền hành pháp trên toàn Giáo phận. Quyền này là thông thường, nhưng đại diện, nghĩa là vị Tổng Đại diện có quyền do luật ban theo chức vụ, nhưng thi hành quyền ấy trong vai trò đại diện cho Đức Giám mục Giáo phận. Trong toàn Bộ Giáo luật, nơi nào luật ban cho Bản quyền địa phương thì Tổng Đại diện có quyền thi hành, trừ những chỗ luật quy định cách khác hay dành riêng cho Đức Giám mục Giáo phận (Gl. 134 §3; 479 §3). Nhưng Tổng Đại diện không bao giờ được hành động trái ngược với ý muốn và ý hướng của Đức Giám mục; đồng thời, người phải tường trình với Đức Giám mục về những công việc quan trọng phải làm và đã làm (Gl. 480). Đức Giám mục Giáo phận là người phối trí công tác mục vụ của Tổng Đại diện (Gl. 473 §2).
Đức Giám mục tự do bổ nhiệm và cách chức Tổng Đại diện; khi vị Tổng Đại diện không có chức Giám mục, việc bổ nhiệm phải có thời hạn (Gl.477 §1). Theo luật, mỗi Giáo phận chỉ có một Tổng Đại diện, trừ khi nhu cầu đòi phải đặt hơn một vị (Gl. 475 §2). Khi Giáo phận trống tòa, chức Tổng Đại diện ngưng hiện hữu (Gl. 417; 481 §2; x. Bộ Giám mục, Chỉ nam “Apostolorum Successores”, 22.2.2004, số 244). Khi ấy, nếu là Giám mục, người chỉ còn quyền mà không còn chức, cũng không còn là Bản quyền địa phương; người phải lệ thuộc Giám quản Giáo phận, dù vị Giám quản tân cử chỉ là một Linh mục (Gl. 409 §2); nếu là Linh mục, người mất hết cả quyền lẫn chức.
1.2. Đại diện Giám mục
Dưới Tổng Đại diện là các Đại diện Giám mục. Đây là giáo vụ không bắt buộc (Gl. 476). Mỗi Đại diện Giám mục cũng có quyền hành pháp thông thường do luật ban như Tổng Đại diện, nhưng giới hạn trong phạm vi nhất định, mà vì nhu cầu, Đức Giám mục đã bổ nhiệm một người vào chức vụ ấy (Gl. 479 §2), chẳng hạn Đại diện Giám mục về Đời Sống Thánh Hiến hay về Giáo sĩ... Đại diện Giám mục cũng là Bản quyền địa phương như Tổng Đại diện và cũng phải thi hành giáo vụ của mình trong sự hòa hợp tối đa với ý muốn và ý hướng của Đức Giám mục.
Ứng viên cho giáo vụ này cũng cần có những phẩm chất như ứng viên cho chức Tổng Đại diện. Cũng như Tổng Đại diện, một Đại diện Giám mục sẽ không thể kiêm nhiệm chức kinh sĩ xá giải và không thể là người có họ hàng với Giám mục Giáo phận cho tới bậc thứ bốn (Gl. 478). Khi Giáo phận trống tòa, những Đại diện Giám mục là Linh mục sẽ mất cả giáo vụ lẫn quyền hạn, còn các vị là Giám mục sẽ còn quyền mà không còn chức (Gl. 409 §2).
1.3. Đại diện Tư Pháp
Trong Giáo phận, Đức Giám mục Giáo phận là Thẩm phán thực sự của Tòa Án Cấp I đối với tất cả vụ án hộ sự và vụ án hình sự. Dù vậy, người vẫn phải đặt một Đại diện Tư Pháp; vị này có thường quyền do luật ban trong phạm vi Giáo phận và phạm vi chức vụ của mình, để xử án thay cho Đức Giám mục (Gl. 1420 §1). Ứng viên của giáo vụ này phải là Giám mục hay Linh mục. Giáo luật còn đòi ứng viên phải thỏa mãn một số yêu cầu để có thể được bổ nhiệm thành sự (Gl. 1420 §4). Nhưng Đức Giám mục Giáo phận có thể xin Tối cao Pháp viện của Tòa Thánh miễn chuẩn cho một ứng viên khỏi những yêu cầu nói trên, khi đương sự chưa hội đủ; việc bổ nhiệm phải có thời hạn.
Công việc của Đại diện Tư Pháp bao gồm những sự vụ liên quan đến Giáo luật, nhưng phần lớn thời gian được dành cho Tòa Án Hôn Phối. Khi giải quyết những vấn đề liên quan đến Giáo luật chung chung, người đang thi hành chức vụ Đại diện Tư Pháp. Khi tiến hành một vụ kiện để phán xử theo Giáo luật, người đang thi hành phận sự của một Thẩm phán. Trừ những vụ kiện thuộc về Tòa Thánh và những vụ kiện Đức Giám mục đích thân phán xử, các vụ kiện còn lại đều nằm trong quyền hạn của Đại diện Tư Pháp.
So sánh Đại diện Tư Pháp với Tổng Đại diện và Đại diện Giám mục, sẽ có năm khác biệt sau: (1) Tổng Đại diện và Đại diện Giám mục có quyền hành pháp, Đại diện Tư Pháp có quyền tư pháp; (2) Quyền của hai vị kia có thể thừa ủy, quyền của Đại diện Tư Pháp không thể thừa ủy; (3) Đại diện Tư Pháp không là Bản quyền địa phương; (4) trong khi Tổng Đại diện và Đại diện Giám mục không được làm gì trái với ý muốn và ý hướng của Đức Giám mục, cũng như phải tường trình các dự án họ phải làm và đã làm, Đại diện Tư Pháp đưa ra quyết định cho các vụ án theo sự xác tín luân lý, theo Giáo luật và theo tiếng lương tâm của mình (Gl. 1420 §2; 1608); (5) khi trống tòa, chức Tổng Đại diện và Đại diện Giám mục hết hiện hữu, còn chức Đại diện Tư Pháp không mất. Khi trống tòa, vị Giám quản không thể tự ý giải nhiệm Đại diện Tư Pháp đương nhiệm, mà chỉ có thể bổ nhiệm một người vào vị trí ấy, theo thể thức “tự ý trao ban” (Gl. 157; 427 §2), nếu giáo vụ ấy đang khuyết vị hợp pháp. Khi hết trống tòa, Đại diện Tư Pháp, liên nhiệm hay tân nhiệm, đều phải được Đức Tân Giám mục Giáo phận xác nhận lại khi người tiếp tục dùng đương sự (Gl. 1420 §5).
2. Các giáo vụ quan trọng khác
Cũng như ba giáo vụ có vai trò đại diện trên đây, mọi giáo vụ khác trong Giáo phận, dù do luật thiết lập hay do ý muốn của Đức Giám mục, đều khởi đi từ Đức Giám mục qua việc trao ban hay bổ nhiệm hợp luật (Gl. 146-183). Sau đây là bốn giáo vụ quan trọng khác trong Giáo phận.
2.1. Hạt trưởng
Hạt trưởng là giáo vụ của vị tư tế được đặt đứng đầu một Giáo hạt. Tư tế ấy có thể là một Linh mục Chánh xứ hay Phó xứ, hoặc một Linh mục lo việc chuyên môn không gắn liền với một Giáo xứ nào. Về cách thức chọn Cha Hạt trưởng, Đức Giám mục có thể cho đề cử ứng viên rồi người tự chọn hay bầu cử rồi người phê duyệt. Nhưng người cũng có thể bổ nhiệm trực tiếp theo sự khôn ngoan của người, sau khi tham khảo ý kiến các Linh mục trong Giáo hạt tương ứng (Gl. 553). Khi được bầu Hạt trưởng mà một Giáo hạt nào đó bầu mãi không xong trong thời hạn quy định, Đức Giám mục sẽ truất quyền bầu cử và tự do bổ nhiệm Hạt trưởng cho Giáo hạt đó.
Giáo vụ Hạt trưởng không gắn liền với Cha xứ của một Giáo xứ nhất định nào, mà được trao cho ai xứng hợp (Gl. 554 §1) trong một nhiệm kỳ có hạn định (Gl. 554 §2) và có thể bị bãi nhiệm vì một lý do chính đáng (Gl. 554 §3). Trách nhiệm của Cha Hạt trưởng được quy định bởi luật địa phương và Giáo luật phổ quát ở điều 555. Khi luật địa phương không quy định gì, Cha Hạt chỉ có những bổn phận nói ở Giáo luật phổ quát; muốn làm gì khác, người phải có phép hay lệnh của Đức Giám mục.
Hạt trưởng là giáo vụ mang tính mục vụ. Trách nhiệm của Cha Hạt chỉ giới hạn trong Giáo hạt. Giáo vụ này được thiết lập nhằm thiện ích của các Linh mục và sự ổn định của đời sống đạo trong Giáo hạt. Nó có chiều từ dưới lên nhiều hơn là từ trên xuống. Nó cũng không có vai trò như một trung gian quyền lực giữa Đức Giám mục với các Linh mục khác trong Giáo hạt. Cha Hạt không buộc phải có những sáng kiến mục vụ cho Giáo hạt, mà buộc phải cổ vũ việc thực hiện ở mức tốt nhất những chương trình do Giáo phận đưa ra.
2.2. Giám đốc Chủng viện
Trong mỗi Chủng viện, phải có một Giám đốc đứng đầu (Gl. 239). Vị này sẽ nhân danh Chủng viện điều hành mọi việc, trừ những việc mà thẩm quyền Giáo Hội ấn định cách khác (Gl. 238 §2).
Vì Chủng viện là một pháp nhân công không-hiệp đoàn (non-collegial public juridic person), nên một thể nhân (physical person) được bổ nhiệm để làm đại diện pháp lý cho nó. Đó là vị Giám đốc. Giám đốc thực sự của Chủng viện là Đức Giám mục Giáo phận, nên Giám đốc Chủng viện là đại diện của Đức Giám mục trong Chủng viện. Giám đốc phải được Đức Giám mục trực tiếp bổ nhiệm, có kỳ hạn, để thay mặt người, và với sự cộng tác của những Linh mục khác và các Giáo sư, điều hành việc giảng dạy và đào tạo toàn vẹn cho các Linh mục tương lai của Giáo phận (Pastores Dabo Vobis, 60).
Giám đốc Chủng viện phải chịu trách nhiệm với Đức Giám mục Giáo phận khi tiến cử các ứng viên chức thánh hội đủ các yêu cầu của Giáo luật (Gl. 1025) hay thoái cử họ khi nhận thấy họ chưa xứng đáng (Gl. 1026).
2.3. Quản lý Giáo phận
Quản lý Giáo phận là một giáo vụ bắt buộc của Giáo luật. Đức Giám mục Giáo phận, sau khi đã tham khảo ý kiến với Ban Tư vấn và Hội đồng Kinh tế, sẽ bổ nhiệm một Quản lý với nhiệm kỳ 05 năm. Quản lý Giáo phận có thể là Giáo sĩ hay Giáo dân, nhưng phải là người có chuyên môn về kinh tế, có năng lực quản trị và nức tiếng thanh liêm. Quản lý Giáo phận sẽ không bị bãi chức trong nhiệm kỳ, trừ khi có lý do nghiêm trọng theo phán đoán của Đức Giám mục, với ý kiến của Ban Tư vấn và Hội đồng Kinh tế (494 §§1-2). Khi trống tòa, nếu Quản lý Giáo phận được bầu và nhận làm Giám quản Giáo phận, Hội đồng Kinh tế phải chọn người khác thay thế (Gl. 423 §2).
Nhiệm vụ của Quản lý Giáo phận là phải theo các chỉ thị của Hội đồng Kinh tế đưa ra mà quản lý, quản trị tài sản của Giáo phận dưới quyền của Đức Giám mục. Quản lý phải thu từ những nguồn đã được thiết lập trong Giáo phận và chỉ được chi những khoản dựa trên mệnh lệnh hợp pháp của Đức Giám mục Giáo phận và những người khác được Đức Giám mục ủy quyền. Cuối mỗi năm, Quản lý phải tường trình cho Hội đồng Kinh tế về việc thu, chi (Gl. 494).
2.4. Chưởng ấn Tòa Giám mục
Chưởng ấn Tòa Giám mục cũng là một giáo vụ bắt buộc (Gl. 482 §1). Đức Giám mục tự do bổ nhiệm và bãi nhiệm Chưởng ấn. Nhưng khi trống tòa, vị Giám quản chỉ có quyền bãi nhiệm Chưởng ấn khi có sự đồng ý của Ban Tư vấn (Gl. 485). Tại Tòa Giám mục, Chưởng ấn đương nhiên là Thư ký và là Công chứng viên (Gl. 482 §3). Chưởng ấn phải là người có thanh danh và không có gì đáng nghi ngờ, có thể là Giáo sĩ hay Giáo dân; nhưng khi làm Công chứng viên cho một vụ án liên quan đến thanh danh một Linh mục, Công chứng viên phải là tư tế (Gl. 483 §2).
Công việc chính của Chưởng ấn là soạn thảo, gửi và lưu trữ các văn thư trong văn khố của Tòa Giám mục (Gl. 482 §1). Người giữ chìa khóa của văn khố và quản lý các tài liệu trong văn khố (Gl. 487-488). Nhưng người không được phép tiếp cận văn khố mật của Tòa Giám mục (Gl. 490), vốn chỉ dành cho đích thân Đức Giám mục Giáo phận và, khi trống tòa, vị Giám quản. Chưởng ấn cũng có thể được Đức Giám mục thừa ủy thêm một số năng quyền. Vì cũng đồng thời là Thư ký và Công chứng viên, người phải thi hành nhiệm vụ không chỉ theo nhu cầu công việc của Đức Giám mục, mà khi cần còn phải công chứng các văn bản hành chánh của Tổng Đại diện và các Đại diện Giám mục hay văn bản pháp lý của Đại diện Tư Pháp.
II. CÁC ĐỊNH CHẾ
Gọi là định chế do các tổ chức này đã được thiết lập trong Giáo luật, và do đó, buộc phải thiết lập hoặc nên được thiết lập trong Giáo phận.
1. Hội đồng Linh mục
Được ví như nghị viện của Đức Giám mục Giáo phận, Hội đồng Linh mục là một định chế bắt buộc trong Giáo phận. Trong vòng một năm kể từ ngày nhận Giáo phận, Đức Giám mục phải thiết lập Hội đồng Linh mục (Gl. 501 §2). Có vai trò đại diện cho Linh mục đoàn của Giáo phận, Hội đồng Linh mục được thành lập theo quy tắc Giáo luật để giúp Đức Giám mục trong việc lãnh đạo Giáo phận, nhằm cổ vũ tối đa lợi ích mục vụ của phần Dân Chúa được ủy thác cho người. Hội đồng Linh mục phải có Quy chế riêng, được Đức Giám mục phê duyệt; Quy chế Hội đồng Linh mục là luật riêng của Giáo phận, được soạn thảo dựa trên Giáo luật phổ quát (Gl. 496-499; 501). Thành phần của Hội đồng Linh mục như sau (Gl. 497):
- Khoảng một nửa phải được các tư tế bầu chọn, dựa vào quy tắc trong Quy chế;
- Cũng theo Quy chế, một số tư tế sẽ đương nhiên là thành viên do chức vụ;
- Một số tư tế khác được Đức Giám mục trọn quyền bổ nhiệm.
Ứng viên hợp pháp của Hội đồng Linh mục được xác định trong Giáo luật điều 498. Thể thức bầu cử cần giúp bầu được những người phản ánh tốt nhất sự đa dạng của Linh mục đoàn (Gl. 499).
Đức Giám mục Giáo phận là chủ tịch của Hội đồng Linh mục. Người chủ tọa các chương trình nghị sự, tiếp thu các kiến nghị và quyết định mọi vấn đề. Hội đồng Linh mục chỉ đóng vai trò tư vấn; Đức Giám mục cũng chỉ buộc phải tìm sự tư vấn của Hội đồng Linh mục ở những chỗ Giáo luật minh nhiên đòi hỏi (Gl. 127; 461 §1; 500 §2; 515 §2; 531; 536 §2; 1215 §2, 1222 §2; 1263). Đức Giám mục là phát ngôn viên duy nhất về tất cả những điều người đã thảo luận với Hội đồng Linh mục. Hội đồng này không bao giờ được hành động thiếu Giám mục (Gl. 500).
Khi trống tòa, Hội đồng Linh mục ngưng hiện hữu. Đức Giám mục cũng có quyền giải thể để lập lại Hội đồng Linh mục, nếu Hội đồng này không chu toàn trách vụ hay lạm dụng nhiệm vụ cách nghiêm trọng, sau khi đã tham khảo ý kiến với Đức Tổng Giám mục của Giáo tỉnh (Gl. 501 §3). Việc giải thể và lập lại như vậy không ảnh hưởng đến tư cách thành viên của những vị đã được chọn vào Ban Tư vấn, như nói sau đây.
2. Ban Tư vấn
Từ Hội đồng Linh mục, Đức Giám mục tự do chọn ít nhất là 06 và nhiều nhất là 12 vị để lập Ban Tư vấn. Do tính hợp đoàn dựa trên đầu phiếu trong mọi biểu quyết, số thành viên Ban Tư vấn thường được thiết lập bằng số lẻ (7, 9, 11). Ban Tư vấn hoạt động theo Quy chế riêng, cũng là luật riêng của Giáo phận, nhưng biệt lập với Quy chế Hội đồng Linh mục.
Theo luật chung, chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất để được chọn vào Ban Tư vấn: ‘thành viên của Hội đồng Linh mục’ (Gl 502 §1). Giáo luật dành cho Đức Giám mục sự tự do tuyệt đối khi chỉ đưa ra một tiêu chuẩn như vậy. Khi một thành viên của Hội đồng Linh mục được chọn vào Ban Tư vấn, người ấy có hai sinh hoạt tách biệt nhau: một trong tư cách là thành viên Hội đồng Linh mục, một trong tư cách là thành viên của Ban Tư vấn. Vì vậy, ngay cả khi không còn là thành viên của Hội đồng Linh mục nữa, người ấy vẫn là thành viên của Ban Tư vấn. Khi Đức Giám mục chọn ai vào Ban Tư vấn, người phải bổ nhiệm bằng văn bản.
So với Hội đồng Linh mục, Ban Tư vấn có trách nhiệm hẹp hơn, chuyên biệt hơn và nghiêng hẳn về việc Quản trị Giáo phận (Gl. 272; 377 §3; 485; 494 §1; 494 §2; 1018 §1, 2; 1277; 1292 §1). Đó là lý do tại sao bộ phận này vẫn hiện hữu và hoạt động khi trống tòa. Khi trống tòa, Ban Tư vấn lãnh thêm trách nhiệm của Hội đồng Linh mục. Lúc này, không một thành viên mới nào được nhận vào, vì Hội đồng Linh mục không còn và vì việc chọn thành viên cho Ban Tư vấn chỉ thuộc quyền Đức Giám mục Giáo phận. Cho đến khi Ban Tư vấn mới được thành lập từ Tân Hội đồng Linh mục, không ai được thay đổi, dù số lượng thành viên của Ban Tư vấn đã giảm thiểu đáng kể vì bất cứ lý do gì (Gl 502 §1).
3. Hội đồng Kinh tế
Hội đồng Kinh tế cũng là một định chế bắt buộc trong Giáo phận. Đức Giám mục phải thiết lập qua việc lựa chọn và bổ nhiệm ít nhất ba Kitô hữu thực sự thông thạo trong lĩnh vực kinh tế cũng như luật dân sự và nổi tiếng thanh liêm. Chủ tịch Hội đồng Kinh tế là Đức Giám mục Giáo phận hay một vị khác được người ủy nhiệm, khác với Quản lý Giáo phận (Gl. 492 §1). Các thành viên của Hội đồng phải được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 05 năm và có thể được tái nhiệm một hay nhiều lần (Gl. 492 §2). Đức Giám mục không thể bổ nhiệm những người có quan hệ huyết tộc hay họ kết bạn với người cho đến bậc thứ bốn (Gl. 492 §3).
Hội đồng Kinh tế phải hoạt động theo những hướng dẫn được quy định trong cuốn V, “Tài Sản Vật Chất của Giáo Hội” của Bộ Giáo luật. Bên cạnh đó, hàng năm, Hội đồng phải dựa vào chỉ thị của Đức Giám mục mà chuẩn bị ngân sách các khoản thu chi dự trù cho việc lãnh đạo chung của Giáo phận trong năm tới; đồng thời, Hội đồng cũng phải trình báo thu chi của năm cũ (Gl. 493).
Trong những trường hợp do luật quy định, Đức Giám mục phải tham khảo ý kiến của Hội đồng Kinh tế (Gl. 1262; 1277; 1281 §2; 1305; 1310 §2) hoặc cần sự đồng thuận của Hội đồng này (Gl. 1277; 1292 §1; 1295). Vì tài sản vật chất là một phần cần thiết cho sứ mạng của Giáo Hội, việc quản trị tài sản phải ăn khớp với sứ mạng ấy. Trong việc này, Hội đồng Kinh tế đóng vai trò không thể thay thế. Sự an toàn cho tài sản Giáo phận và tính minh bạch trong quản lý chi tiêu là những yếu tố hết sức quan trọng để làm lớn mạnh một Giáo Hội địa phương.
4. Hội đồng Mục vụ
Là một định chế tùy nghi, Hội đồng Mục vụ có thể được Đức Giám mục Giáo phận thiết lập khi vì nhu cầu mục vụ mà người thấy cần nó. Dưới quyền của Đức Giám mục, Hội đồng này nghiên cứu những gì liên quan đến hoạt động mục vụ trong Giáo phận, rồi đưa ra những kết luận thực tiễn (Gl. 511).
Ứng viên cho Hội đồng này là những Kitô hữu đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, gồm Linh mục, Tu sĩ và nhất là Giáo dân. Cách tuyển chọn và thời hạn nhiệm kỳ do chính Đức Giám mục ấn định. Quy tắc tuyển chọn cần viết làm sao để Hội đồng phản ánh trung thực sự phong phú và đa dạng của các thành phần Dân Chúa. Chỉ những người trỗi vượt về đức tin và có hạnh kiểm tốt, cũng như khôn ngoan, mới nên được chọn vào Hội đồng Mục vụ (Gl. 512). Khi Giáo phận trống tòa, Hội đồng Mục vụ chấm dứt (Gl. 513 §2).
Kết luận:
Trên đây là bảy giáo vụ và bốn định chế quan trọng trong mỗi Giáo phận của Giáo Hội Công giáo. Trong bảy giáo vụ đề cập, chỉ giáo vụ Đại diện Giám mục là tùy nghi, còn lại là bắt buộc. Trong bốn định chế, chỉ có Hội đồng Mục vụ là nhiệm ý, các định chế khác đều phải thiết lập. Nói được là quan trọng vì sự thay đổi các giáo vụ và định chế này làm thay đổi rõ nét nhất bộ mặt của Giáo phận. Khi được thiết lập mới, nó nói lên đường hướng mục vụ của vị Cha chung Giáo phận. Có thể tóm tắt các giáo vụ vừa trình bày như sau:
- Các giáo vụ có thường quyền Hành pháp: Tổng Đại diện và các Đại diện Giám mục;
- Giáo vụ có thường quyền Tư pháp: Đại diện Tư Pháp;
- Giáo vụ chuyên trách đào tạo Linh mục: Giám đốc Chủng viện;
- Giáo vụ mang tính mục vụ: các Hạt trưởng;
- Các giáo vụ đóng vai trò hỗ trợ: Quản lý Giáo phận và Chưởng ấn Tòa Giám mục
Phải nói gọn rằng trong Giáo Hội địa phương, chỉ có hai giáo vụ là chính yếu và quan trọng hơn cả: Giám mục Giáo phận và Cha xứ. Tất cả các giáo vụ khác chỉ có vai trò hỗ trợ cho hai giáo vụ này. Nhưng xét cho cùng, tất cả đều xuất phát từ Đức Giám mục Giáo phận và đều có vai trò hỗ trợ Đức Giám mục trong sứ mạng chủ chăn của người. Đức Giám mục là trung tâm khởi phát để mọi giáo vụ và năng quyền tỏa ra và là trọng tâm để tất cả cùng quy tụ và hướng về. Nhưng tất cả phải vận hành để chuyển tải nguồn ân thiêng từ Thiên Chúa cho Đoàn Dân của Người. Do đó trong Giáo phận cũng như trong toàn Giáo Hội, các giáo vụ và cơ cấu hữu hình chỉ là những phương tiện phục vụ cho thiện ích vô hình, tức đời sống tinh thần của Dân Chúa. Giáo vụ chỉ là phương thế để phục vụ. Lãnh nhận giáo vụ là đón nhận một lệnh truyền ra khơi, là nói lên một cam kết dân thân nhiều hơn và xác quyết hơn. Trao ban một giáo vụ cũng không là để dành vinh quang cho người nhận nó, mà là để mưu cầu ơn ích cho nhiều người. Mục tiêu cuối cùng luôn là phần rỗi các linh hồn.
Qua cơ cấu hữu hình, vốn khác nhau về vai trò và phẩm trật, nhưng nhờ sự hiệp nhất trong tinh thần và duy nhất trong sứ mạng, các giáo vụ hữu hình còn luôn giúp Giáo phận trình bày rõ nét nhất về toàn thể Giáo Hội Chúa Kitô.
Chủng viện Thánh Nicôla, Tết Tây 2020
Linh mục GB. Nguyễn Hồng Uy
Cf. A. Marzoa et al (eds) “Exegetical Commentary on the New Code of Canon Law”, Wilson & Lafleur, Montreal, 2004, p. 730.