Nạn Ức hiếp trên Internet
Chủ nhật - 09/02/2020 09:36
Thời đại công nghệ 4.0 đánh dấu sự phát triển thần tốc của mạng Internet. Chỉ cần một cú Click chuột hay những cái “chạm” nơi đầu ngón tay, Google ngay lập tức cho chào đón chúng ta bằng những tin tức mới nhất, hot nhất. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi, bên cạnh những mặt tích cực, chúng lại sản sinh ra cho nhân loại một thứ rác rưởi, đó chính là hiện tượng ức hiếp. Việc làm nhục trên mạng xã hội ngày nay đã trở thành một trào lưu rộng khắp, được mọi người nhiệt tình tham gia, và coi đó như một thú vui mỗi khi lướt mạng.
Hiện nay, tình trạng nghiện mạng xã hội càng ngày cảng trở nên đáng báo động. Người ta dành quá nhiều thời gian cho Internet, đôi khi chỉ lang thang, lướt dạo như một thói quen. Khi ăn, khi ngủ, thậm chí cả khi đi vệ sinh, người ta cũng không quên mang theo chiếc điện thoại bên mình. Mạng xã hội như một con sâu, âm thầm nhưng mãnh liệt, liên tục gặm nhấm, làm hao mòn sức khoẻ, tiêu tốn tiền bạc, và làm rạn vỡ tình cảm con người. Không thiếu những người coi mạng xã hội là nơi để trút bỏ giận dữ, căm hờn, ghen tuông, xỉa xói, chửi rủa thậm tệ. Đáng nói hơn, một số còn lan truyền những thông tin không lành mạnh, những tin rác chưa được kiểm chứng, gây bức xúc trong dư luận, đồng thời xúc phạm nhân phẩm, hạ bệ uy tín và bán rẻ danh dự người khác.
Facebook, Zalo, Twitter … chính là nơi mang lại sức hấp dẫn lớn nhất cho người dùng nó. Nơi đây, họ được tự do bày tỏ quan điểm của mình, được tự do đăng những hình ảnh của bản thân với trăm ngàn lượt like, cùng với những bình luận chém gió. Nơi đây cũng là nơi định cư của những hội nhóm thần tượng, những trang fanpage, với những câu chuyện hấp dẫn, những bình luận bá đạo, những video đánh thẳng vào tâm lý và sự tò mò của giới trẻ, khiến các bạn hào hứng và cảm thấy thoải mái khi dùng chúng. Không phải ngẫu nhiên mà các trang mạng được nhiều người quan tâm, bởi bên trong nó chứa đựng nhiều lý thú, bổ ích riêng mà những hình thức giải trí khác không thể nào có được.
Có những câu chuyện không được đặt tên, có những con người vô danh chẳng ai biết tới, nhưng bỗng dưng một ngày, mọi thứ được phơi bày và cả thế giới quan tâm. Có những con người trở thành nạn nhân của những kẻ thích trêu đùa, thích hành hạ, thích bôi nhọ người khác. Và đó đây không thiếu những người đang ngày đêm bị bắt nạt, bị lạm dụng đến nỗi hoang mang khi phải tiếp tục sống. Lúc này, làm nhục không còn là ảo nữa, nhưng bi kịch là có thật. Đối xử độc ác và tàn nhẫn trên mạng là điều không còn mới mẻ. Bất cứ ai cũng có thể trở thành đối tượng để mạng xã hội đem ra giễu cợt, phẩm bình. Khi bị trực tuyến, câu chuyện của họ sẽ bị khuyếch đại lên một tầm cao mới. Hàng triệu người sẽ mặc sức đâm chém bạn bằng những dòng comment, và điều đó khiến bạn đau đớn. Người ta sẽ quây kín bạn, đưa bạn ra giữa chỗ công hội để nhục mạ và bắt nạt. Chính Internet đã đẩy mạnh sự căm ghét lên mức độ cao nhất và hậu quả là những nạn nhân của sự lăng nhục bị tổn thương lâu dài. Sau những lời lăng mạ, đám đông kéo đi chỗ khác, nhưng ông Google thì không quên họ. Vết nhơ vẫn còn đó, khiến người bị lăng nhục mất đi khả năng chống đỡ và hao mòn sinh lực sống.
Thời gian qua, một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên giúp đỡ thanh thiếu niên tại Mỹ đã đưa ra một báo cáo đáng kinh ngạc. Trong năm 2012 và 2013, tỷ lệ thanh thiếu niên bị hăm dọa và bắt nạt trên mạng tăng 87%. Kế đó, tổ chức quyền con người của Hà Lan đã phân tích và chứng minh rằng bắt nạt ảo dẫn đến tự tử cao hơn bắt nạt thật. Tuy nhiên, cái làm cho người ta kinh hãi không phải chuyện bắt nạt thế nào, với ngôn từ ra sao, nhưng quan trọng là cái cảm xúc khi người ta bị sỉ nhục. Thứ cảm xúc mà các chuyên gia tâm lý học cho rằng nó còn mãnh liệt hơn cả lúc yêu, lúc hạnh phúc và lúc tức giận. Cảm xúc đó rất dễ điều khiển hành vi của chúng ta.
Những trang Web lá cải và các Hacker đang gieo vào thế giới một thứ văn hóa dị dạng – văn hóa của sự sỉ nhục và bắt nạt. Trên Internet xuất hiện nhiều “anh hùng bàn phím” hay “dân phòng trên mạng”. Sự tự do khiến con người ngày càng hăng hái hơn trong việc xâm phạm đời tư người khác. Minh chứng cho điều này: Snapchat là dịch vụ phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Thông qua dịch vụ này, người ta có thể gửi những tin nhắn, hay chia sẻ cho nhau xem những hình ảnh của bản thân. Tuy nhiên, một phần mềm khác có thể tự động lưu lại toàn bộ hình ảnh và tin nhắn đã gửi. Hơn 100.000 tấm ảnh và thông tin riêng tư đã được up lên mạng và tồn tại mãi mãi. Nhiều người nổi tiếng đã bị ăn trộm ảnh riêng tư và chúng được tung lên mạng một cách không thương tiếc. Một trang web tán gẫu nhanh chóng xuất hiện và có hàng triệu lượt xem nhờ việc đăng những tấm ảnh này. Mới đây, hãng Sony cũng bị hack hòm mail và bị phát tán những hợp đồng làm ăn giá trị. Nhiều công ty, nhiều doanh nghiệp bị rò rỉ thông tin, bị đánh cắp dữ liệu và biết bao tin nhắn trên Facebook, Zalo đang hàng ngày hàng giờ bị các Hacker lục lọi, truy tìm.
Sỉ nhục người khác là thứ văn hóa đồi bại và phải bị dừng lại ngay lập tức. Sự thay đổi phải bắt đầu từ những thứ đơn giản, và thứ đơn giản ấy không gì khác chính là lòng từ bi. Chúng ta cần xây dựng lòng từ bi và sự cảm thông nơi mỗi người. Tuy nhiên, Internet là một đường cao tốc của các dãy ID ảo, do vậy, khi tham gia vào cõi ảo này, mỗi người cần phải được giáo dục về nhân bản và xây dựng cho họ một nền đạo đức truyền thông. Mỗi người cần chat với lòng từ bi, đọc tin với lòng từ bi, và bấm chuột với lòng từ bi. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi người cần trải rộng lòng mình để cảm thông và khoan dung, chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm, biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái chiều. Bao dung với người có lỗi không có nghĩa là dung túng cho những sai lầm của họ, nhưng vì trước một vấn đề, ta luôn đứng bên ngoài để phán xét mà không đặt mình vào vị trí của người bị lăng nhục để nhìn nhận sự việc. Sự tàn nhẫn của đám đông nhiều khi đến từ việc họ không có khả năng thấu cảm. Sự vô danh ở trên mạng lại làm cho người ta không ý thức được rằng người kia bị đau đớn. Trên mạng, người ta quên mất đằng sau cái máy tính, cái điện thoại đó là một con người.
Sỉ nhục là một hành vi gây tổn thương nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm của người khác bằng ngôn ngữ, khiến họ cảm thấy áp lực một cách khủng khiếp. Khi mạng xã hội phổ biến, nhiều người chọn nó làm nơi trút bỏ những bức xúc của bản thân, thoải mái buông ra những lời lẽ thô tục, lăng mạ, và hạ thấp uy tín của người khác, kêu gọi những người đồng quan điểm, ùa theo nói xấu, và đe doạ. Nạn nhân phải gặm nhấm nỗi đau với những lời lẽ thiếu suy nghĩ từ cư dân mạng, thậm chí nhiều người vì căng thẳng quá mức đã tìm đến cái chết để quyên sinh. Một số khác, nạn nhân thường rơi vào tình trạng rối loạn tinh thần, tự ti, mặc cảm, không dám bước ra xã hội.
Ai trong chúng ta cũng có quyền tự do ngôn luận, nhưng không ai có quyền xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Mỗi người, khi tham gia mạng xã hội, hãy luôn ý thức rằng đằng sau mỗi nickname với mỗi avatar nhỏ xíu, là cả một con người với một nhân vị cao quý. Đừng để mạng xã hội hủy hoại con người bạn, nhưng hãy nhiệt huyết với công việc, cống hiến sức trẻ và thành xuân cho cộng đồng, đừng phung phí thời gian cho việc lướt web, like hay bình luận dạo chơi mỗi ngày. Đó là những điều vô bổ đang dần giết chết cuộc sống chúng ta mỗi ngày. Hãy là những người hành xử văn minh, tôn trọng người khác như với chính mình, xây dựng một môi trường văn hoá, an toàn, thân thiện và phát triển. Hãy cẩn thận với chiếc điện thoại của bạn. Hãy đặt chiếc điện thoại xuống, hãy ngừng sống ảo và bước ra thế giới thực tại với vô vàn điều hấp dẫn đang chờ đón chúng ta.