TIẾNG CHIM HÓT TRONG MÙA COVID
Mỗi người trong chúng ta, khi đến với cuộc sống trần gian, ai ai cũng mang trong mình một trái tim. Trái tim có từ lúc ta mới thụ thai trong lòng mẹ, và đó cũng chính là lúc khởi nguồn của một sự sống mới. Trái tim còn đập đồng nghĩa với sự sống đang còn tiếp tục; trái tim ngừng đập nói lên sự ra đi vĩnh viễn, hay một sự kết thúc hành trình của một đời người. Nói cách khác trái tim nói lên sự sống của một đời người.
Khi nói đến trái tim, là nói đến tình yêu, và chẳng biết tự khi nào trái tim trở thành biểu tượng của tình yêu. Vì thế mà người trẻ ngày nay thường sử dụng cụm từ “thả tim” để nói lên sự ủng hộ hay hưởng ứng cho một ai đó. Trái tim là nơi phát xuất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn khác nhau, những rung động, xót xa, những cảm thông: cùng đau với những phận người, nhất là những người sống bên lề xã hội.
Nghĩ tưởng, giữa một xã hội xô bồ, mọi người tập trung làm kinh tế, hầu như ai ai cũng chạy theo lợi nhuận và ít ai còn nghĩ đến sự bác ái giúp đỡ nhau. Và cứ ngỡ rằng tình yêu và lòng vị tha nơi con người sẽ khép dần theo năm tháng.
Thế nhưng, giữa cơn bùng phát của đại dịch Covid-19, chúng ta mới thấy sự lây lan của Covid không làm suy giảm hay tiêu diệt lòng bác ái, nhưng con virus chết người này, lại làm bùng lên sự lan tỏa tình yêu vô vị lợi giữa con người với con người. Không còn phân biệt tôn giáo, không còn phân biệt giữa tín đồ và người tu hành, không còn phân biệt học vị hay bằng cấp, không còn bất đồng chính kiến, không còn phân biệt địa vị hay giai cấp, không còn phân biệt nghề nghiệp, không còn phân biệt giàu sang hay nghèo hèn… và không còn khoảng cách giữa người bệnh và người không bệnh. Trong tình yêu, tất cả trái tim đã cùng một nhịp đập. Bởi lẽ, một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.
Và với lời kêu gọi, “Thương quá Saigon ơi!”, của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, đã khơi dậy tình người trong muôn vàn trái tim nhân ái:
Chưa bao giờ, kể cả thời chiến tranh, thành phố đã trải qua những ngày thử thách bức bách như hôm nay. Muôn vàn thảm kịch đang diễn ra mỗi lúc một nghiêm trọng: lây nhiễm cộng đồng, bệnh viện quá tải, y sỹ, nhân viên y tế kiệt lực, đội phòng chống căng thẳng, sản xuất ngưng trệ, lưu thông hạn chế, vật giá leo thang… Thành phố đã từng mệnh danh là “hòn ngọc Viễn Đông”, là “đầu tầu kinh tế” đang lâm nguy, đang thiếu nhân sự, đang thiếu gạo, thiếu rau, thiếu tiền, thiếu thuốc và thiếu cả tương lai… Hàng vạn cụ già và trẻ em bán vé số, trà đá, hàng rong, taxi, xe ôm sẽ lấy gì ăn nếu không được ra đường trong những ngày tới đây? Công nhân xí nghiệp đào đâu ra tiền nếu một mai nhà máy giảm biên chế hoặc đóng cửa?
…
Hơn bao giờ hết, tôi kêu gọi đồng bào trong nước hãy hướng nhìn về thành phố đáng yêu này, nơi đã từng là trung tâm tình thương trước khi trở thành ổ dịch. Tôi kêu gọi bà con hải ngoại hãy nhớ đến khung trời kỷ niệm đã một thời vang vọng câu hát “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi”. Tôi kêu gọi tín hữu Công giáo, mọi thành phần Dân Chúa, các giáo phận, dòng tu, giáo xứ, tổ chức từ thiện, Bác ái – Caritas, đoàn thể, ngành giới, nhóm thân hữu hãy coi đây là cơ hội thực thi bác ái theo Lời Chúa dạy. Tôi kêu gọi các tổ chức truyền thông và cộng đồng mạng hãy mau mắn chuyển tải thông tin này đến mọi địa chỉ quen biết. Hãy khẩn cấp ra tay. Hãy làm tất cả những gì có thể làm được để ứng cứu đồng bào ruột thịt của chúng ta đang vật lộn với thực tế đầy nông nỗi. Chúng ta hãy im lặng để nghe lại lời vàng ngọc này của Chúa Giêsu: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho đi nhưng không” (Mt 10,8b)[2]
Lời kêu gọi của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh không những đã khơi dậy mà còn làm dâng lên muôn triều sóng yêu thương lan tỏa khắp đất nước và cả nơi hải ngoại.
Sự lan tỏa tình thương cách nhanh chóng trong mọi miền quê hương của những tấm lòng thiện nguyện, làm tôi liên tưởng đến những lời trong bài “Say thơ” của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Bài thơ nói đến một mầu nhiệm trong đạo Công giáo. Mầu nhiệm này là tuyệt đỉnh của một tình yêu nhưng không. Một tình yêu vui nhận hiến tế chính cuộc sống của mình để đem lại sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Ngài. Đó là Bí tích Thánh Thể, là “Bánh Hằng Sống”, là Lương Thực Thần Linh để nuôi sống tất cả chúng ta.
Hôm nay đây, trong hoàn cảnh nước Việt Nam đang bị đại dịch Covid hoành hành. “Tấm Bánh” đã thực sự được bẻ ra cho tất cả chúng ta. Nó làm xanh lại tình người trong lúc khốn cùng, làm nở hoa những trái tim hy sinh vì sự sống của đồng loại, làm ngân lên tiếng hót líu lo của những con chim đang rũ cánh và chan hòa hương thơm của sự chia sẻ đỡ nâng.
Bốn mùa thơ xanh, xanh như cẩm thạch,
Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca
Ca, cầm ca, tơ đờn vọng dang ra
Cho thêm ý, nguồn thơm thêm đầy rẫy.
Với tâm tình liên đới, cảm thông, cầu nguyện cho người dân Việt đang gặp biết bao nguy hiểm và khốn khó trong cơn đại dịch. Tôi xin chia sẻ những nhịp đập của trái tim mình đến với tất cả những ai đang tin yêu và hy vọng.
1.Bốn mùa thơ xanh, xanh như cẩm thạch
Với sự đa nghĩa của ngôn ngữ thi ca, từ ‘thơ’ ở đây hàm nghĩa là tình yêu, sự nhân hậu, tình bác ái, lòng vị tha. Rõ ràng việc bác ái là sự thể hiện một tình yêu không điều kiện, cho đi mà không mong nhận lại, hy sinh mà không đòi đền đáp, ơn nghĩa mà không mong chờ. Tình yêu là một loại hoa trái triển nở quanh năm, mùa xuân nó làm cho người hòa thuận, tin tưởng nhau; mùa hè nó giúp cho người sống hòa nhã, điềm đạm; mùa thu nó giúp cho người sống bình yên, thanh thản; mùa đông nó làm cho tình người thêm ấm áp. Bởi thế, tình yêu không bao giờ chết. Cho nên Hàn Mặc Tử mới viết, ‘Bốn mùa thơ xanh’.
Màu xanh là màu của sự sống, màu của sự phát triển, màu của niềm hy vọng. Tình yêu không có hy sinh thì tình yêu sẽ héo úa và chết dần. Tình yêu mà không phục vụ thì tình yêu sẽ tàn lụi không thể thăng hoa, tình yêu không có bác ái thì tình yêu sẽ không còn ước mơ và tin tưởng. Cho nên bác ái đòi hỏi phải hy sinh, phải phục vụ, đó là vẻ đẹp của tình yêu. Vẻ đẹp tình yêu phải tươi nở quanh năm, phải thực sự tỏa cái sắc óng biếc và bền vững như cẩm thạch, ‘xanh như cẩm thạch’. Vì thế, vẻ đẹp của lòng vị tha, của sự hy sinh phục vụ không phải là một sự hô hào, một sự bộc phát nông nổi hay một phong trào nhằm lấy công chấm điểm, nhưng phải phát xuất từ tình yêu tha nhân vô vị lợi.
Và theo quan niệm của người Hy lạp, màu xanh còn mang một sức mạnh tâm linh to lớn. Vì thế, nó được dùng để khống chế sự dữ và ác quỷ. Mà biểu hiện của ác quỷ hay sự dữ ở đây được hiểu là dịch bệnh. Như vậy, nếu mọi người đều mang trong mình một màu xanh nhân ái, một màu xanh vừa là vẻ đẹp, vừa là sức mạnh thì chúng ta sẽ khống chế được sự nguy hại của ác quỷ Covid. Đó là ước mơ của tất cả mọi người trong cơn đại dịch, ước mơ này được Linh mục Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J chia sẻ:
Lạy Chúa của con,
con ước mơ một thế giới đầy màu xanh,
xanh của rừng, xanh của trời, xanh của biển,
và xanh của bao niềm hy vọng
nơi lòng những ai ham sống và ham dựng xây.[4]
2.Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca
Đã có biết bao người ham sống và ham dựng xây một thế giới tràn ngập màu xanh yêu thương. Họ là những nam thanh nữ tú, những con người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, sẵn sàng dấn thân vào những nơi vô cùng nguy hiểm, có thể phải hy sinh đến tính mạng để đem lại niềm hy vọng được sống cho những người đang nguy tử.
Họ là những cánh chim ngàn trăng, những cánh chim yêu thương bay từ các vùng miền trên khắp đất nước về hợp sức với miền Nam, để mong đem lại sự sống và bình an cho người dân đang bị cuốn vào vòng xoáy của đại dịch Covid.
2.1.Chim ngàn trăng
Chim ngàn trăng: Những cánh chim xa xôi từ miền Bắc
Khi nghe cơn bão Covid-19 đang hoàn hành nơi miền Nam thân yêu. Những cánh chim từ miền Bắc xa xôi đã từng đoàn vội vàng bay vào Nam để hỗ trợ những cánh chim đang mỏi mệt và kiệt sức vì phải chống chọi với cơn bão khốc liệt này.
Đoàn công tác đặc biệt do TS Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch - làm trưởng đoàn. TS Nguyên chia sẻ, ngay khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ chi viện cho TPHCM chống dịch, đã có 200 y, bác sĩ tình nguyện đăng ký tham gia, trong đó có rất nhiều người trẻ. Ai cũng mong muốn sẽ là "những mảnh ghép nhỏ" góp vào bức tranh lớn trong công cuộc đầy lùi dịch COVID-19, sớm đưa cuộc sống bình yên trở lại với người dân TP.HCM.
Các đoàn y bác sĩ thuộc các bệnh viện phía Bắc lên đường
chi viện TPHCM trong cuộc chiến phòng chống COVID-19
Chim ngàn trăng: Những cánh chim nôn nả từ miền Trung
Những cánh chim non trẻ đầy nhiệt huyết từ các trường Đại học miền Trung cũng nôn nả bay vào miền Nam, để đem lại niềm vui và hỗ trợ những cánh chim đang đuối sức trước sự cuồng nộ của cơn bão Covid-19.
(Các bạn sinh viên tình nguyện của Trường Đại học Y Dược,
Đại học Huế quyết tâm lên đường vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch)
Họ cũng có gia đình, bạn bè và những người thân yêu như chúng ta. Và thật nao lòng khi thấy cảnh người bác sĩ đang hôn đứa con yêu trước khi chia tay người vợ trẻ để lên đường chống dịch.
(Gia đình một bác sĩ quyến luyến chia tay người thân lên đường chống dịch)
(Ảnh Nhật Linh)
Chim ngàn trăng: Những cánh chim hợp sức trong miền Nam
Và cả những cánh chim nơi miền Nam chưa một lần thử sức với bão tố, cũng sẵn sàng tung cánh để giúp những con chim đang rã cánh thoát khỏi vùng tâm bão. Đó là những tăng ni, tu sĩ của các tôn giáo. Họ đều hăng say tình nguyện ra tuyến đầu để có thể trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân bị nhiễm Covid. Họ là những chiến binh tình nguyện không thuộc ngành y tế, chưa được đào luyện các kỹ năng chuyên môn để có thể xông pha trận mạc.
Những con người đang sống cuộc đời thanh tịnh, ẩn mình trong các tu viện đã tạm dừng kinh nguyện và thánh lễ, cùng nhau lên đường, mong được đóng góp chút công sức nhỏ nhoi của mình trong công tác phòng chống dịch bệnh. Họ vui vẻ đổi màu áo khiêm nhường của đời tu và thay vào đó màu áo trắng yêu thương, màu áo xanh phục vụ, để không còn người nào biết mình là ai, thuộc tôn giáo hay hội dòng nào.
Khi được hỏi các tăng ni, tu sĩ, vào tâm dịch có sợ chết không? Họ vui cười và bảo: Đời hiến dâng có gì đáng giá đâu ngoài mạng sống. Cha mẹ hiến dâng con cho Chúa trong nhà dòng, họ cũng đâu còn thuộc về cha mẹ nữa. Chính họ hiến dâng đời sống mình cho anh chị em, cho Thiên Chúa, họ cũng đâu còn thuộc chính họ nữa, họ thuộc về anh chị em, thuộc về Thiên Chúa.
Của lễ dâng không bao giờ đòi lại, thuộc về anh chị em, thuộc về Thiên Chúa, nên việc xả thân vì anh chị em, vì Thiên Chúa, đó cũng là lý tưởng sống, niềm vui sống và hạnh phúc của đời người tu sĩ.
Các tăng ni, tu sĩ họ là những chiếc bánh bẻ ra cho con người, nhất là những con người bất hạnh, đau khổ, bệnh tật, và nghèo khổ.
2.2.Đem tiếng lạ về ca
Phải chăng những lời tâm huyết của những con “Chim ngàn trăng” là những “tiếng lạ” được “đem về ca” để giúp tăng thêm lòng tin, tình yêu và niềm hy vọng cho tất cả mọi người chúng ta.
Đem tiếng lạ về ca: “Bệnh nhân ở đâu, chúng con cũng ở đó.”
Với châm ngôn của thánh phụ Gioan Thiên Chúa: “Qua thân xác yếu hèn, tới linh hồn bất diệt”. Ngay trong những ngày đầu khi đại dịch bùng phát, những cánh chim đại bàng của Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa đã lên đường phục vụ, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại các bệnh viện và trung tâm cách ly với khẩu hiệu: “Bệnh nhân ở đâu, chúng con cũng ở đó.”
(Anh em tu sĩ Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa lên đường chống dịch)
Đem tiếng lạ về ca: “Xin cho các chị, đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi tay để làm công việc của Thiên Chúa”
Và tuy liễu yếu đào tơ, những con chim nhỏ nhắn, không ẩn mình chờ chết, nhưng đã tung cánh bay cao, lao thẳng vào cơn lốc của đại dịch. Chúng ta hãy lắng nghe tâm tình, “Một Lần ‘Sai Đi’”, của Hội dòng Đa Minh Thánh Tâm:
Trong nguyện đường, có những giọt nước mắt chan hòa với lời kinh.
Xin Chúa Cha chúc lành cho các chị, xin Chúa Con chữa lành, và Chúa Thánh Thần soi sáng các chị . Xin cho các chị, đôi mắt để nhìn, đôi tai để nghe, đôi tay để làm công việc của Thiên Chúa, đôi chân để bước đi, miệng lưỡi để giảng thuyết lời Cứu độ, và thiên thần bình an để canh giữ các chị, và sau cùng, dẫn đưa các chị đến sự sống đời đời.” Amen.
Có những tiếng sụt sùi đâu đó, có những giọt nước mắt chảy lặng thầm đâu đó. Một sự cảm phục và xúc động. Nhưng sẽ không ai muốn làm mềm yếu ý chí của những chiến sĩ đức tin và tình yêu, mà chút nữa thôi, sẽ bước vào một trận chiến. Một trận chiến không cân sức, một trận chiến mà kẻ thù rất nhỏ bé nhưng vô cùng kinh khiếp, đang gieo kinh hoàng cho thế giới và ngay tại đất nước này, thành phố này, khu phố này. Một trận chiến không biết khi nào kết thúc![7]
Đem tiếng lạ về ca: “Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô”
Trong tâm thư, chị Tổng phụ trách Hội dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc viết:
Đã ba ngày rồi từ hôm các em tự nguyện vào chốn cách ly, để lại nhiều chỗ trống trong nguyện đường, ở nhà cơm. Một sự trống vắng đầy ắp hiện diện vì nó nhắc mọi người nhớ các em trong mỗi lời kinh, trong mỗi câu chuyện.
Ai cũng phải chết, chỉ không biết khi nào và thế nào. Em biết không ? Là người sợ nhất một cái chết đê hèn, bất chính; là Kitô hữu sợ nhất một cái chết mất đức tin; là người tông đồ của Chúa sợ nhất một cái chết không liên quan gì đến sứ vụ.
Phúc cho các em có cơ hội tham gia tuyến đầu chống dịch. Dù bất kỳ chuyện gì xảy đến, em đều lớn lên trong danh dự và vinh quang của người nữ tu Mến Thánh Giá : “Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô”.[8]
Đem tiếng lạ về ca: “Thước đo của tình yêu là tình yêu không đo đếm”
“Đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Chúa trao qua Hội dòng” là tâm niệm của tất cả chị em Đức Bà Truyền Giáo từ khi còn là đệ tử, vì vậy ngay khi nhận được lời mời gọi của Đức Tổng Giám mục Giuse, các chị em đã hăng hái, nhanh nhẹn và vui tươi để bước vào sứ vụ mới.
Các chị em Đức Bà Truyền Giáo đã làm hiện thực lời nhắn nhủ của Mẹ Sáng Lập Dòng: “Thước đo của tình yêu là tình yêu không đo đếm, chị em hãy cố gắng làm bừng cháy ngọn lửa tình yêu ấy nơi mình bằng sự đáp lại ân sủng cách khiêm tốn và trung tín…”
Rồi những Hội dòng Đaminh Gò Vấp, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, Dòng Thánh Phaolô thành Chartres, Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, Chùa Giác Nguyên, Chùa Vĩnh Hạnh, nhóm bạn trẻ Phật giáo… đều có những tâm hồn thanh cao, tình nguyện hy sinh cuộc sống bình an của mình để vui nhận những rủi ro có thể xảy ra khi lao vào tâm dịch để cứu chữa đồng bào của mình.
Những cánh chim tự do và thanh thoát này, dám buông bỏ sự đời để nhẹ mình bay cao ra tuyến đầu chống dịch, mong đem lại niềm tin và cứu chữa những người không may bị nhiễm bệnh. Những con người cao cả đó, dù nam hay nữ, dù mạnh mẽ hay yếu đuối, tựa như những cánh chim Đại Bàng lao mình vào tâm bão.
Đại Bàng trở nên hưng phấn và dũng mãnh khi đối diện với gió bão. Trong những cơn bão lớn, chúng tung mình vút lên bầu trời, vượt trên cả những tầng mây và sải dài đôi cánh đầy kiêu hãnh trong khi các loài chim khác lại tìm cách chạy trốn và trú ẩn. Không sợ hãi và nhụt chí trước gian nguy, Đại Bàng vui mừng đón nhận những cơn cuồng nộ của bầu trời, tôi luyện trong chính khó khăn và trở nên khôn ngoan, mạnh mẽ hơn trong hành trình thống lĩnh bầu trời.[10]
Như nhà thơ Hàn Mạc Tử đã viết, họ thực sự là, ‘Chim ngàn trăng’. Họ là loài chim mang tấm lòng yêu thương, loài chim mang tâm tình khiêm nhường phục vụ. Loài chim này không có tham vọng bay cao để thống lĩnh bầu trời, nhưng sà xuống những nơi rất thấp của cuộc đời, những nơi đang thiếu những bàn tay xoa dịu cơn đau, những lời cảm thông an ủi, những hành động chăm sóc tận tình.
Tất cả những con người đáng trân quý đó, cho dù họ nói giọng miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, nhưng họ đều diễn tả bằng một thứ tiếng rất chung, bằng một thứ tiếng rất lạ, ‘đem tiếng lạ về ca’. Một thứ tiếng mà không cần nghe cũng hiểu, chỉ cần nhìn là biết và thấy là cảm nhận được. Đó là tiếng nói của con tim, tiếng nói của tình yêu được diễn tả bằng những hành động bác ái chân tình.
Đẹp thay bước chân, người tăng ni, tu sĩ phục vụ mùa đại dịch Covid! Họ là những con người xả thân vì anh chị em mình. Đẹp thay, khi “Chim ngàn trăng đem tiếng lạ về ca”.
Trong hoàn cảnh này, ca từ bài “Đẹp thay” của Linh mục Mi Trầm, thật là một sự khích lệ đầy ý nghĩa:
(Đẹp thay) Ôi đẹp thay những bước chân gieo mầm cứu rỗi.
(Đẹp thay) Ôi đẹp thay những bước chân rảo khắp nẻo đường.
(Ai gieo trong lệ sầu) sẽ gặt trong vui sướng.
(Ai gieo trong nước mắt) sẽ về giữa tiếng cười.
Ôi đẹp thay những bước chân tiến vào giữa lòng thế giới,
loan tình thương tình thương Chúa Trời,
loan niềm vui, niềm vui cứu đời, cho mọi người và mọi nơi.[11]
(còn nữa...)
-----------------------------------
Hoa Đồng Nội, Những trái tim liên đới trong mùa đại dịch, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/nhung-trai-tim-lien-doi-trong-mua-dai-dich-64028
Giuse NGUYỄN CHÍ LINH, Tổng Giám mục Huế, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam, THƯƠNG QUÁ SÀI GÒN ƠI!, Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-qua-sai-gon-oi-thu-keu-goi-cua-chu-tich-hoi-dong-giam-muc-gui-dong-bao-cong-giao-viet-nam-42234
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. Chúng ta mua đâu ra bánh cho họ ăn (25.7.2021 – Chúa nhật 17 Thường niên, Năm B), Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-ta-mua-dau-ra-banh-cho-ho-an-29-7-2018-chua-nhat-17-thuong-nien-nam-b--32985
Nguồn: https://congan.com.vn/tin-chinh/them-nhieu-doan-y-bac-si-o-mien-bac-mien-trung-len-duong-ho-tro-tphcm_117097.html
Lm Giuse Hoàng Kim Toan, Một đời dấn thân, Nguồn: http://gpbanmethuot.com/van/mot-doi-dan-than-60471.html
Hội dòng Đa Minh Thánh tâm, Một lần “sai đi”, Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/mot-lan-sai-di-17640.html
Nt. Anna Trần Thị Nguyệt, Tâm Thư của Soeur Bề Trên Dòng Mến Thánh Giá Xuân Lộc gửi Các Dì Thiện Nguyện, Nguồn: http://giaophanxuanloc.net/tin-giao-phan/tam-thu-cua-soeur-be-tren-dong-men-thanh-gia-xuan-loc-gui-cac-di-thien-nguyen-17643.html
Sr.M. Tuyết Mai- Rndm, RNDM tại tuyến đầu chống dịch Covid 19, Nguồn: https://tgpsaigon.net/bai-viet/rndm-tai-tuyen-dau-chong-dich-covid-19-64014
Câu chuyện giáo dục: 8 đặc tính quý giá của đại bàng, Nguồn: https://human.edu.vn/8-dac-tinh-quy-gia-cua-dai-bang/