Mười điều răn được phân chia như thế nào
Fr. Hugh Barbour, O. Praem.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Bản văn ghi lại mười điều răn mà chúng ta đọc trong Kinh thánh không được trình bày theo kiểu đánh số… vậy phải phân chia nó như thế nào cho hợp lý nhất?
Chúng ta đọc thấy trong Thánh vịnh 32 (33) như sau: “Hãy tạ ơn Người, họa với tiếng cầm, hãy đàn ca Người, hòa theo tiếng sắt thập huyền” (Tv 32,2). Bạn đã bao giờ hát đối đáp từng câu của mười điều răn? Trong phụng vụ của Giáo phận Anh giáo được Tòa thánh phê chuẩn, mười điều răn thỉnh thoảng được công bố lúc bắt đầu Thánh lễ theo thể thức kinh cầu. Vị linh mục xướng: “Thiên Chúa truyền dạy những lời này và phán…”, rồi ngài thuật lại từng điều một. Sau mỗi điều, ca đoàn và cộng đoàn hát lên: “Lạy Chúa, xin tỏ lòng thương xót trên chúng con, và hướng lòng chúng con tuân giữ lề luật này”.
Tôi lớn lên cùng với thực hành này hàng tháng, và việc Giáo hội kết hợp nó vào trong phụng vụ chính thức thật là một điều vừa thú vị vừa có đôi chút lạ lẫm – hơi lạ bởi vì cách phân chia mười điều răn theo Anh giáo khác với lễ nghi Latinh truyền thống của Công giáo. Hai cách phân chia khác nhau ra sao và lý do của chuyện này là gì? Chúng ta sẽ bàn thêm sau.
Tuy nhiên thập huyền cầm nhắc nhớ chúng ta, tất cả các dây của chúng đều dùng để ca ngợi Thiên Chúa. Thánh Augustinô chọn câu thánh vịnh trích ở trên và xem nó là dịp để giảng dạy về mười điều răn. Ở nơi khác, trong những chú giải tuyệt vời của ngài về các thánh vịnh (loạt bài giảng đầu tiên tại Hippo), ngài khuyên bảo chúng ta rằng, chúng ta sẽ là lời ngợi ca sống động dâng Thiên Chúa nếu chúng ta sống tốt lành. Do đó, không đáng ngạc nhiên khi ngài lấy hình tượng của chiếc thập huyền cầm làm biểu tượng cho một đời sống công chính – cụ thể là sống theo mười điều răn. Một đời sống tương hợp với các giới răn chính là một bài ca ngợi khen ngân lên gấp mười lề luật.
Nhưng Lề luật chỉ có hai điều trước khi trở thành mười. Như Đấng Cứu độ đã dạy, nó được tóm lại thành “điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất”: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, và điều thứ hai cũng “giống với” điều trước: “ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
Vì lẽ này, thánh Augustinô dạy chúng ta rằng tấm bia Lề luật thứ nhất của Môsê liên quan đến tình yêu Thiên Chúa, còn tấm thứ hai liên quan đến tình yêu người thân cận. Như vậy, có ba điều luật trên một tấm bia và bảy điều luật trên tấm còn lại. Cũng giống như tấm bia đầu tiên bắt đầu với cội nguồn sự tồn tại của chúng ta là Thiên Chúa Cha, rồi sau đó hướng đến các Ngôi vị Thần linh ở điều thứ hai và ba, thì tấm thứ hai gồm bảy điều, cũng bắt đầu với cội nguồn của đời sống trần thế và những người gần gũi chúng ta nhất là các bậc cha mẹ, rồi sau đó tiến tới những mối tương quan và các khía cạnh khác của đời sống mà qua đó chúng ta thể hiện tình yêu người thân cận của mình; chúng gộp lại thành mười điều.
Sự phân chia này luôn được Giáo hội Tây phương sử dụng. Có sự thống nhất trong cách phân chia giữa những người Công giáo Rôma và những người thuộc phái Luther, những người ủng hộ cách sắp xếp của thánh Augustinô. Còn trong Giáo hội Đông phương cũng như tất cả người Do Thái và các tín đồ Tin lành trừ phái Luther, họ cũng dùng mười điều răn nhưng phân chia chúng thành năm điều cho mỗi bảng mà không qui chiếu đến trật tự dựa trên việc tóm kết các điều răn theo đức ái. Dĩ nhiên truyền thống nào cũng đáng quí.
Giáo lý Hội thánh Công giáo cho chúng ta biết chính xác điều mà tôi vừa trình bày:
“Việc phân chia và đánh số các điều răn có thay đổi theo dòng lịch sử. Quyển Giáo Lý này theo cách phân chia của thánh Augustinô đã trở thành truyền thống trong Hội Thánh Công Giáo. Các giáo phái Luther cũng theo cách phân chia này. Các giáo phụ Hy Lạp phân chia hơi khác; cách chia này còn gặp thấy trong Giáo Hội Chính thống và các cộng đoàn Cải Cách.
Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của tình mến Chúa yêu người. Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều sau, đến tình yêu đối với tha nhân.
‘Như Chúa đã đúc kết tất cả lề luật và các tiên tri vào trong hai giới răn yêu mến...; Mười Điều Răn cũng được chia thành hai bảng. Ba điều khắc trên một bảng, và bảy điều trên bảng kia’" (GLHTCG 2066-2067).
Vì thế, hoàn toàn sai lầm khi tuyên bố rằng sự phân chia điều răn thứ nhất thành hai điều là một biến thể của đạo Tin lành nhằm phản đối việc tôn kính ảnh tượng của Công giáo, khi dành điều răn thứ hai riêng biệt để chống lại việc thờ các ngẫu tượng. Không phải vậy, các giáo phụ Đông phương, những người dạy phải tôn kính các ảnh tượng thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả các giáo phụ Tây phương, giải thích việc đánh số này như là sự cấm đoán các ảnh tượng trong phụng tự, nhưng chỉ cấm các ảnh tượng ngụy thần; còn Thiên Chúa thật, các thiên thần và các thánh của Người không phải là ngẫu tượng. Và cuối cùng, bất kỳ ai viếng thăm một nhà thờ Tin lành thuộc bất kỳ chi phái nào ngày nay, chí ít sẽ thấy ở đây một số ảnh tượng của Đức Giêsu, các tông đồ hay Thánh gia thất. Nếu bạn thăm một nhà thờ thuộc phái Luther ở Đức, bạn luôn luôn thấy thánh giá trên bàn thờ, các họa tiết của bàn thờ với hình ảnh của Đức Mẹ và Hài nhi, và cả một số các vị thánh không xuất hiện trong Kinh thánh. Quả thật, điều răn thứ hai theo cách đánh số Công giáo, truyền phải tôn kính Thánh danh, dạy chúng ta tôn kính một dấu chỉ, một biểu tượng, một ý niệm khả thính, vì cũng như một bức tranh, một từ ngữ đại diện cho đối tượng mà nó định danh. Về mặt này, có một sự khác biệt nhỏ giữa một từ ngữ và một bức tranh. Và đáng buồn là theo kinh nghiệm của tôi, những người Tin lành mộ đạo hiếm khi kêu danh Đức Chúa cách vô cớ hơn những người Công giáo mộ đạo! Như vậy, họ cũng tôn kính các ảnh tượng, và đôi khi làm điều đó tốt hơn cả chúng ta.
Việc đánh số các điều răn theo một trong những cách đó được các giáo sư kinh viện thời Trung cổ gọi là một sự “phân biệt mà không khác biệt”. Bản văn mười điều răn chúng ta thấy trong Kinh thánh không hề xuất hiện theo kiểu liệt kê, và Đệ nhị luật cho chúng ta biết rằng có mười điều răn trên hai bia đá của Môsê, và do đó, chúng ta phân chia chúng theo thói quen, nhưng tất cả chúng ta đều dùng chung một bản văn.
Qua những gì đã trình bày, tôi cho phép mình nói rằng cách phân chia của thánh Augustinô tốt hơn về mặt huấn giáo. Nó đồng thời dạy về mười điều răn và về bản chất của chúng căn cứ trên điều răn yêu thương, là điều răn gồm hai phần, có nguồn gốc từ sự sáng tạo và sinh sản; và như thế, cách phân chia này giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của mười điều răn.
Trên thực tế, Đấng Cứu độ chúng ta đã đơn giản hóa hơn nữa, bằng cách ban cho chúng ta một điều răn mới và duy nhất: “Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con”. Nếu chúng ta giữ trọn được điều duy nhất này, chúng ta sẽ giữ trọn được hai điều và cả mười điều, bất kể chúng được phân chia ra sao. Khi đó, việc thực thi mười điều răn sẽ không chỉ là một bài thánh vịnh; nó sẽ trở thành một bản tình ca! Và Diễm ca sẽ là Xuất hành và Đệ nhị luật mới của chúng ta…
Tác giả bài viết: Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
Nguồn tin: https://www.catholic.com