Tông thư PATRIS CORDE Trái Tim của Người Cha – Và các bài Suy Niệm về Thánh Giuse

Thứ ba - 29/12/2020 07:17

Tông thư PATRIS CORDE Trái Tim của Người Cha – Và các bài Suy Niệm về Thánh Giuse

 

Tông thư

PATRIS CORDE
Trái Tim của Người Cha

CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 150 NĂM
CÔNG BỐ THÁNH GIUSE
LÀ BỔN MẠNG CỦA GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Vào ngày 8/12/2020, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn Thánh Giuse làm Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư PATRIS CORDE – TRÁI TIM CỦA NGƯỜI CHA, và công bố “Năm đặc biệt về Thánh Giuse”, từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021.

Lạy Thánh Giuse Tổ Phụ Vinh Hiển,

quyền năng của ngài biết làm những điều không thể thành có thể,

xin đến cứu giúp con, trong những lúc lo âu và khó khăn này.

Xin ngài mang lấy đặt dưới sự bảo vệ của ngài,

những hoàn cảnh nghiêm trọng và khó khăn,

đến nỗi con nài xin ngài, để cho những hoàn cảnh ấy

có được một lối ra hạnh phúc.

Lạy cha yêu dấu của con, trọn niềm tín thác của con đặt ở nơi cha.

Chớ gì người ta không nói được rằng,

con đã cầu xin cha luống công,

và bởi vì cha có thể làm mọi sự

bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria,

xin cha tỏ cho con lòng nhân hậu của cha

cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen.

(Kinh cầu nguyện với Thánh Giuse, trích từ một quyển sách đạo đức bằng Tiếng Pháp vào những năm 1800, của Hội Dòng các Nữ Tu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria – ĐTC Phanxicô, TT Patris Corde, ghi chú 10).

 

***

VỚI TRÁI TIM CỦA NGƯỜI CHA: Chính như thế mà Thánh Giuse đã yêu mến Đức Giêsu, Đấng được gọi trong bốn sách Tin Mừng là “con của ông Giuse”.[1]

Thánh sử Mát-thêu và thánh sử Luca, vốn đã làm nổi bật khuôn mặt của Thánh Giuse, kể lại ít, nhưng đủ để làm cho hiểu thánh nhân đã là mẫu người cha nào và đâu là sứ mạng Chúa Quan Phòng đã giao phó cho ngài.

Chúng ta biết rằng Thánh Giuse là một người thợ mộc khiêm tốn (x. Mt 13, 55), đã đính hôn với Đức Maria (x. Mt 1, 18; Lc 1, 27); là “người công chính” (Mt 1, 19), luôn sẵn sàng hoàn tất ý muốn của Thiên Chúa, được diễn tả trong Lề Luật (x. Lc 2, 22.27.39) và ngang qua bốn giấc mơ (x. Mt 1, 20; 2, 13.19.22). Sau cuộc hành trình dài và mệt nhọc từ Nadarét đến Bêlem, ngài đã chứng kiến Đấng Mêsia được sinh ra trong chuồng gia súc, bởi vì ngoài nơi đây “không có chỗ cho họ” (x. Lc 2, 7). Ngài là chứng nhân việc tôn thờ của các mục đồng (x. Lc 2, 8-20), đại diện cho dân Israel, và của các Đạo Sĩ (x. Mt 2, 1-12), đại diện cho các dân ngoại.

Thánh Giuse đã can đảm đảm nhận chức năng người cha theo lề luật đối với Đức Giê-su, Đấng mà ngài đã đặt tên gọi, được sứ thần mặc khải: “Ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 21). Như chúng ta đều biết, nơi các dân tộc cổ xưa, đặt tên cho một người hoặc cho một sự vật, nghĩa là có được sự thuộc về của những thực tại ấy, như Ađam đã làm trong trình thuật của sách Sáng thế (x. 2, 19-20).

Bốn mươi ngày sau khi Đức Giêsu được sinh ra, Thánh Giuse, cùng với Đức Maria, đã dâng Hài Nhi cho Đức Chúa trong Đền Thờ, đã nghe với sự kinh ngạc lời báo trước của ông Simêon liên quan đến Đức Giêsu và Đức Maria (x. Lc 2, 22-35). Để bảo vệ Đức Giêsu khỏi tay vua Hêrôđê, Thánh Giuse đã di cư sang Ai Cập như một người ngoại kiều (x. Mt 2, 13-18). Khi trở về quê hương, ngài đã sống ẩn dật trong ngôi làng nhỏ bé vô danh Nadarét, xứ Galilê; làng quê Nadarét là nơi được cho rằng, “không có ngôn sứ nào xuất thân từ đây” (x. Ga 7, 52) và rằng, “chẳng bao giờ có thể nảy sinh ra điều gì hay!” (x. Ga 1, 46); làng quê Nadarét cách xa Bêlem, nguyên quán của ngài, và cách xa Giêrusalem, nơi Đền thờ ngự trị. Chính trong cuộc hành hương lên Giêrusalem, khi Thánh Giuse và Đức Maria đã để lạc mất Đức Giêsu lúc mười hai tuổi, mà hai ông bà đã cực lòng đi tìm kiếm và đã tìm thấy Người trong Đền thờ, đang thảo luận với các vị tiến sĩ Lề Luật (x. Lc 2, 41 -50).

Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào giữ nhiều chỗ như thế trong Huấn Quyền Giáo Hoàng, hơn thánh Giuse, bạn trăm năm của Người. Các vị tiền nhiệm của tôi đã đào sâu sứ điệp được chứa đựng trong một số dữ kiện được chuyển đạt bởi các sách Tin Mừng, nhằm làm rõ hơn nữa vai trò trung tâm của Thánh Giuse trong lịch sử cứu độ: Chân phước Piô IX đã công bố Thánh Giuse là “Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo”,[2] Đấng đáng kính Piô XII đã trình bày ngài là “Thánh Bổn Mạng của người lao động”[3] và Thánh Gioan Phaolô II giới thiệu ngài là “Đấng bảo vệ của Chúa Cứu Thế”.[4]. Dân Chúa kêu cầu Thánh Giuse là “Thánh Bổn Mạng của ơn chết lành”.[5]

Do đó, nhân dịp một trăm năm mươi năm tuyên bố Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo, được thực hiện bởi Chân phước Piô IX vào ngày 08 tháng 12 năm 1870, tôi muốn, như Đức Giê-su đã nói, rằng “miệng diễn tả điều trào vọt ra từ con tim” (x. Mt 12, 34), để chia sẻ với anh chị em những suy tư cá nhân về chân dung ngoại thường của Thánh Giuse, nhưng lại thật gần gũi với thân phận con người của mỗi người trong chúng ta. Ước ao này đã chín muồi trong suốt những tháng vừa qua của cơn đại dịch, trong thời gian này chúng ta có thể nghiệm thấy, ngay trong cuộc đại khủng khoảng tấn công chúng ta, rằng “những cuộc đời của thế giới chúng ta được dệt nên và được nâng đỡ bởi những con người bình thường, hay bị quên lãng, họ không làm nên trang đầu của các tờ báo và của các tạp chí, không xuất hiện trong các cuộc diễu hành lớn của màn trình diễn (show) mới đây, nhưng chắc chắn ngày nay, họ đang viết nên những biến cố mang tính quyết định của lịch sử chúng ta: họ là các bác sĩ, y tá nam nữ, các nhân viên siêu thị, công nhân vệ sinh, những người chăm sóc tại gia, công nhân vận chuyển, những người gìn giữ trật tự, các tình nguyện viên, các linh mục, các nữ tu và nhiều người khác nữa; đó là những người đã hiểu được rằng không ai tự cứu được chính mình. […] Có bao người đã làm chứng hằng ngày về sự kiên nhẫn và lan truyền niềm hy vọng, khi cảnh giác để không tạo ra sự hoảng loạn, nhưng làm nên tinh thần đồng trách nhiệm. Có bao người cha, người mẹ, ông bà, thầy cô, chỉ ra cho con cái chúng ta, qua những cử chỉ đơn sơ và hằng ngày, làm thế nào đương đầu và vượt qua khủng hoảng, khi tái thích ứng những thói quen, khi ngước nhìn lên và khi động viên lời cầu nguyện! Có bao người cầu nguyện, hi sinh và làm trung gian vì thiện ích của tất cả mọi người”.[6] Tất cả chúng ta đều có thể khám phá ra nơi Thánh Giuse con người đi qua mà chẳng được nhận ra, con người của sự hiện diện hằng ngày, kín đáo và âm thầm, một người biện hộ, một người nâng đỡ và một người hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng, tất cả những người xét bề ngoài là ẩn dật hay ở hàng thứ yếu, đều có thể đóng một vai trò không thể sánh được trong lịch sử cứu độ. Hãy ngỏ với tất cả những người ấy, lời nhận biết và mang ơn.

1. Người Cha được yêu mến

Sự lớn lao của Thánh Giuse hệ ở sự kiện, ngài là bạn trăm năm của Đức Maria và là cha theo luật của Đức Giêsu. Chính với vai trò này mà, “Thánh Giuse đặt mình cho việc phục vụ toàn bộ kế hoạch cứu độ”, như thánh Thánh Gioan Kim khẩu khẳng định [7].

Thánh Phaolô VI nhận xét rằng, tư cách làm cha của Thánh Giuse được thể hiện cách cụ thể trong sự kiện, “ngài đã làm cho cuộc đời mình trở thành sự phục vụ, thành của lễ dâng hiến cho mầu nhiệm nhập thể và cho sứ mạng cứu độ, vốn được gắn liền với mầu nhiệm nhập thể; trong sự kiện, ngài đã sử dụng quyền bính theo luật, vốn được trao cho ngài đối với Thánh Gia, để làm thành sự trao ban trọn vẹn chính mình, chính cuộc đời mình, chính công việc của mình cho Thánh Gia; và trong sự kiện, ngài đã hoán chuyển ơn gọi phàm nhân của ngài cho tình yêu gia đình, trong sự dâng hiến siêu nhân chính mình, con tim của mình và trọn vẹn khả năng yêu thương, được đặt để cho việc phục vụ Đấng Mêsia đang trổ sinh trong ngôi nhà của ngài”.[8]

Vì vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse là một người cha luôn được yêu mến bởi Dân Kitô hữu, như sự kiện sau đây chứng tỏ: trên toàn thế giới, nhiều nhà thờ được cung hiến cho ngài. Nhiều Học Viện, Hội Đoàn và nhóm trong Giáo Hội được khởi hứng từ linh đạo của ngài và mang tên ngài, và nhiều cuộc biểu dương thánh thiêng khác nhau diễn ra từ nhiều thế kỷ để tôn vinh ngài. Nhiều thánh nam và thánh nữ đã là những người sùng kính say mê ngài, trong số đó có Thánh Têrêsa Avila, đã chọn Thánh Giuse làm trạng sư và đấng can thiệp, thánh nữ trông cậy nhiều nơi ngài và đã nhận được mọi ân huệ mà thánh nữ kêu xin; được khích lệ bởi kinh nghiệm của chính mình, thánh nữ đã thuyết phục những người khác trở thành người sùng kính đối với Thánh Giuse.[9]

Trong mọi sách giáo khoa về cầu nguyện, chúng ta đều tìm thấy những kinh nguyện ngỏ với Thánh Giuse. Có những kinh cầu đặc biệt dành cho Thánh Giuse vào tất cả các ngày thứ tư, và một cách đặc biệt, trong suốt tháng ba, theo truyền thống được dành để kính Thánh Giuse.[10]

Lòng tín thác của Dân Chúa nơi Thánh Giuse được thâu tóm trong câu nói: “Hãy đến cùng Giuse”(Ite ad Joseph); lời mời gọi này qui về thời gian đói kém tại Ai Cập, khi dân chúng đến xin vua Pharaô bánh ăn, và vua trả lời: “Hãy đi tìm Giuse; và hãy làm những gì ông ấy nói với các ngươi” (St 41, 55). Đó là ông Giuse, con của tổ phụ Giacob, vốn đã bị đem bán bởi các anh của mình, bởi lòng ghen tị (x. St 37, 11-28) và sau đó, theo trình thuật Kinh thánh, trở thành phó vương Ai Cập (x. St 41, 41-44).

Với tư cách là dòng dõi vua Đavít (x. Mt 1, 16-20), cội rễ mà từ đó Đức Giêsu phải sinh ra, theo lời hứa dành cho vua Đa-vít bởi ngôn sứ Nathan (x. 2 Sm 7), và trong phẩm giá là bạn trăm năm của Đức Maria làng Nazareth, Thánh Giuse là bản lề kết nối Cựu Ước và Tân Ước.

2. Người Cha trong dịu hiền

Thánh Giuse đã chứng kiến Đức Giêsu lớn lên ngày qua ngày “thêm khôn ngoan, thêm vóc dáng và thêm ân nghĩa trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52). Cũng giống y như Thiên Chúa đã làm với Israel, “Ta đã tập đi cho Ép-ra-im, đã đỡ cánh tay nó… Ta xử với chúng như người cha nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn” (x. Hs 11, 3-4).

Đức Giê-su đã nhìn thấy nơi Thánh Giuse sự dịu hiền của Thiên Chúa: “Như sự diệu hiền của người cha đối với con cái mình, sự diệu hiền của CHÚA cũng dành cho kẻ kính tôn Người” (Tv 103, 13).

Chắc hẳn Thánh Giuse đã nghe vang vọng trong hội đường, trong khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh, rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa dịu hiền [11], rằng Người nhân từ với tất cả mọi người, và rằng “sự dịu hiền của Người dành cho mọi công trình của Người” (Tv 145, 9).

Lịch sử cứu độ được hoàn tất “khi hy vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4, 18), ngang qua những yếu đuối của chúng ta. Chúng ta quá hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ dựa vào khía cạnh tốt đẹp và thắng cuộc của chúng ta, khi mà trong thực tế phần lớn những dự định của Người được thực hiện ngang qua và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta. Đó chính là điều đã làm cho Thánh Phaolô phải thốt lên: « Và để tôi khỏi tự cao tự đại…, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” » (2 Cr 12, 7-9).

Nếu như thế là viễn tượng của nhiệm cục cứu độ, khi đó chúng ta phải học để đón nhận những yếu đuối của chúng ta với sự dịu hiền sâu sa.[12]

Thần Dữ xúi dục chúng ta nhìn sự mỏng dòn của mình với một phán đoán tiêu cực. Ngược lại, Thánh Thần đưa sự mỏng dòn của chúng ta ra ánh sáng với sự dịu hiền. Sự dịu hiền là cách thức tốt nhất để đụng chạm được điều là mỏng dòn nơi chúng ta. Chỉ tay và phán đoán chống lại người khác, thường là dấu chỉ của sự bất lực để đón nhận sự yếu đuối riêng của mình, sự mỏng dòn riêng của mình. Chỉ có sự dịu hiền mới giải thoát chúng ta thoát khỏi công việc của Kẻ Tố Cáo (x. Kh 12, 10). Chính vì thế, điều quan trọng là gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhất là nơi Bí Tích Hòa Giải, khi trải nghiệm về sự thật và sự dịu hiền. Một cách nghịch lý, Ma Quỉ cũng có thể nói cho chúng ta biết sự thật. Nhưng nếu nó làm điều đó, chính là để lên án chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, Sự Thật đến từ Thiên Chúa không lên án chúng ta, nhưng Sự Thật đón nhận chúng ta, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ chúng ta, tha thứ chúng ta. Sự Thật luôn được bày tỏ cho chúng ta như Người Cha thương xót của dụ ngôn (x. Lc 15, 11-32): Sự Thật đến gặp gỡ chúng ta, ban lại cho chúng ta phẩm giá, nâng chúng ta đứng dậy, mở tiệc mừng chúng ta, bởi vì “con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c. 24).

Ý muốn của Thiên Chúa, lịch sử của Người, kế hoạch của Người cũng diễn ra ngang qua sự bận tâm của Thánh Giuse. Như thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, tin tưởng nơi Thiên Chúa cũng bao hàm cả việc tin rằng, Người có thể hành động ngang qua những sợ hãi, những mỏng dòn và những yếu đuối của chúng ta. Và Thánh Giuse cũng dạy chúng ta rằng, trong những cơn bão tố của cuộc đời, chúng ta không được sợ trao lại cho Chúa bánh lái của con thuyền cuộc đời chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn xa hơn.

3. Người Cha trong vâng phục

Thiên Chúa cũng mặc khải cho Thánh Giuse những dự định của Người qua các giấc mơ, theo một cách thức tương tự như điều Người đã làm cho Đức Maria, khi Người bày tỏ cho Mẹ kế hoạch cứu độ của Người. Trong Kinh Thánh, giống như trong tất cả các dân tộc cổ đại, các giấc mơ được coi như một trong những cách thức, qua đó Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Người.[13]

Thánh Giuse rất bối rối bởi việc mang thai không thể hiểu được của Đức Maria. Ngài không muốn “công khai tố giác bà”,[14] nhưng quyết định “bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19).

Trong giấc mơ đầu tiên, sứ thần giúp giải quyết tình thế đôi ngã của ngài: “Đừng sợ đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20-21). Lời đáp của Thánh Giuse là tức khắc: “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se thực hiện điều mà sứ thần Chúa đã hướng dẫn ông” (Mt 1, 24). Nhờ vâng phục, Thánh Giuse vượt qua nghịch cảnh của mình và cứu được Đức Maria.

Trong giấc mơ thứ hai, sứ thần yêu cầu Thánh Giuse: “Hãy trỗi dậy; đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!” (Mt 2, 13). Thánh Giuse không do dự vâng phục, không đặt ra những câu hỏi liên quan đến những khó khăn mà ngài sẽ phải đương đầu: “Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà” (Mt 2, 14-15).

Ở Ai Cập, Thánh Giuse, với sự tin tưởng và kiên nhẫn, chờ đợi lời báo mà sứ thần đã hứa, để trở về Quê của mình. Vị sứ giả thần linh, trong giấc mơ thứ ba, ngay sau khi đã cho ngài biết những kẻ tìm cách giết Hài Nhi đã chết, truyền cho ngài trỗi dậy, dẫn theo Hài Nhi và mẹ Người và trở về đất Israel (x. Mt 2, 19-20). Thánh Giuse một lần nữa vâng phục mà không do dự. “Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en” (Mt 2, 21).

Nhưng trong hành trình trở về, “vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, – và đây là lần thứ tư, điều này xảy ra – ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một làng kia gọi là Na-da-rét (Mt 2, 22-23).

Thánh sử Luca tường thuật rằng, Thánh Giuse đã đương đầu với cuộc hành trình xa xôi và vất vả từ Nadarét đến Bêlem, để làm thủ tục đăng ký nơi nguyên quán, theo luật điều tra dân số của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Đức Giêsu đã được sinh ra trong hoàn cảnh này (x. Lc 2, 7) và Người đã được đăng ký vào sổ bộ của Đế quốc Rôma, như tất cả những em bé khác.

Đặc biệt, Thánh Luca cẩn trọng nhấn mạnh rằng, cha mẹ của Chúa Giêsu đã tuân giữ tất cả các quy định của Lề Luật: nghi thức cắt bì cho Đức Giêsu, nghi thức thanh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh con, nghi thức dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa (x. 2, 21-24).[15]

Trong từng tình huống của cuộc sống, Thánh Giuse đã biết nói lên lời “fiat” của mình, giống như Đức Maria trong biến cố Truyền Tin, và như Đức Giêsu ở Vườn Dầu Ghết-sê-ma-ni.

Trong vai trò người chủ gia đình, thánh Giuse đã dạy Chúa Giêsu biết phục tùng cha mẹ của mình (x. Lc 2, 51), theo lệnh truyền của Chúa (x. Xh 20, 12).

Trong đời sống ẩn dật ở Nadarét, Chúa Giêsu đã học thực hiện ý muốn của Chúa Cha ở trường học của thánh Giuse. Ý của Chúa Cha đã trở thành lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4, 34). Chính vào lúc khó khăn nhất trong cuộc đời của Người, ở vườn dầu Ghết-sê-ma-ni, Đức Giêsu chọn hoàn tất ý muốn của Chúa Cha hơn là ý muốn của mình,[16] và Người sống “vâng phục cho đến tận cái chết […] của Thập Giá” (Pl 2, 8). Chính vì thế, tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do Thái kết luận rằng, Chúa Giêsu “đã học biết vâng phục qua những đau khổ của Người” (5, 8).

Từ tất cả những biến cố vừa nêu, cho thấy rằng “Thánh Giuse đã được Thiên Chúa kêu gọi, để phục vụ trực tiếp con người và sứ mạng của Đức Giêsu, bằng cách thực thi tư cách làm cha. Chính bằng cách thức này, mà trong sự viên mãn của thời gian Thánh Giuse cộng tác vào mầu nhiệm lớn lao của công trình cứu độ, và một cách đích thực ngài là thừa tác viên của ơn cứu độ”.[17]

  1. Người Cha trong đón nhận
  2. Người Cha luôn can đảm sáng tạo
  3. Người Cha làm việc
  4. Người Cha trong mờ tối

—————–

[1] Lc 4, 22; Ga 6, 42; cf. Mt 13, 55; Mc 6, 3.

[2] Thánh bộ Lễ nghi, Quemadmodum Deus (8/12/1870): Pii IX P.M. Acta, pars I, vol. V, 283.

[3] X. Diễn văn dành cho ACLI vào dịp Lễ trọng kính Thánh Giuse Thợ (01/05/1955): AAS 47 (1995), tr. 406.

[4] X. Tông huấn Redemptoris Custos (15/08/1989): AAS 82 (1990), tr. 5-34.

[5] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, s. 1014.

[6] Bài Suy niệm trong thời đại dịch (27/03/2020): L’Osservatore Romano, éd. en langue française (31 mars 2020), tr. 5.

[7] Trong Matthaeum Homiliae, V, 3: PG 7, 58.

[8] Bài giảng (19/03/1966): Insegnamenti di Paolo VI, IV (1966), 110.

[9] X. Cuốn sách về đời sống, 6, 6-8.

[10] Mỗi ngày, từ hơn bốn mươi năm nay, sau Kinh Sáng, tôi đọc một kinh cầu nguyện với Thánh Giuse, trích từ một quyển sách đạo đức bằng Tiếng Pháp vào những năm 1800, của Hội Dòng các Nữ Tu của Chúa Giêsu và Mẹ Maria; lời kinh này diễn tả lòng sùng kính, sự tin tưởng, và một dạng thách đố dành cho Thánh Giuse: “Lạy Thánh Giuse Tổ Phụ Vinh Hiển, quyền năng của ngài biết làm những điều không thể thành có thể, xin đến cứu giúp con, trong những lúc lo âu và khó khăn này. Xin ngài mang lấy đặt dưới sự bảo vệ của ngài, những hoàn cảnh nghiêm trọng và khó khăn, đến nỗi con nài xin ngài, để cho những hoàn cảnh ấy có được một lối ra hạnh phúc. Lạy cha yêu dấu của con, trọn niềm tín thác của con đặt ở nơi cha. Chớ gì người ta không nói được rằng, con đã cầu xin cha luống công, và bởi vì cha có thể làm mọi sự bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cha tỏ cho con lòng nhân hậu của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen.”

[11] X. Đnl 4, 31; Tv 69, 17; 78, 38; 86, 5; 111, 4 ; 116, 5 ; Gr 31, 20.

[12] X. Exhort. ap. Evangelii gaudium (24 novembre 2013), nn. 88.288.

[13] X. St 20, 3; 28, 12; 31, 11.24; 40, 8; 41, 1-32; Ds 12, 6; 1Sm 3, 3-10; Đn 2, 4; Gb 33, 15.

[14] Ném đá cũng được dự kiến trong những trường hợp như vậy (x. Đnl 22, 20-21).

[15] X. Lv 12, 1-8; Xh 13, 2.

[16] X. Mt 26, 39; Mc 14, 36; Lc 22, 42.

[17] Thánh Gioan Phaolô II, Tông huấn Redemptoris Custos (15/08/1989), 8: AAS 82 (1990), 14.

——————

Ghi Chú:

– Tông thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô được dịch từ bản Tiếng Pháp (người dịch: Giuse Nguyễn Văn Lộc).

– Các trích dẫn Kinh Thánh được lấy từ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, với một vài sửa đổi, theo bản Tiếng Pháp của Tông Thư; các Thánh Vịnh được ghi theo số của bản dịch Do Thái.

——————–

Bài suy niệm 1

“Với trái tim của Người Cha,
thánh Giuse đã yêu thương Đức Giê-su”

1. Thánh Giuse trong các Tin Mừng

Ngay từ dòng đầu tiên của tông thư về Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô đã long trọng nêu ra chân lý, một chân lý vừa đời thường, nhưng vừa mới mẻ và đánh động lòng người: “Chính với trái tim của người cha, thánh Giuse đã yêu thương Đức Giê-su”. Chúng ta thường chỉ chú ý đến mặc khải Đức Giê-su được yêu thương bởi Cha trên trời (chiều dọc), và quên đi mặc khải Người cũng được yêu thương với trọn cả con tim, bởi một người cha ở dưới đất (chiều ngang): Đức Giê-su “con ông Giuse” (x. Lc 4, 22; Ga 6, 42; Mt 13, 55 và Mc 6, 3. Có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô).

Xác tín này có nền tảng Tin Mừng. Thật vậy, tuy các Tin Mừng nói về Thánh Giuse không nhiều, nhưng đủ để giúp chúng ta hiểu ngài thuộc “mẫu người cha nào” và ngài có “sứ mạng nào”. Đức Thánh Cha cẩn thận nhắc lại từng biến cố có sự hiện diện âm thầm, nhưng quảng đại của Thánh Giuse, được các thánh sử Mát-thêu và Luca kể lại, và từ đó, Đức Thánh Cha vẽ nên chân dung rạng ngời của Thánh Giuse, qua Tông Thư “bảy đường nét”:

THÁNH GIUSE

Người Cha được yêu mến

 

Người Cha trong dịu hiền

Người Cha trong vâng phục

Người Cha
trong đón nhận,
Người Cha luôn can đảm sáng tạo

 

Người Cha làm việc

Người Cha trong mờ tối

Như thế, tông thư của Đức Thánh Cha mời gọi tôi trước tiên hãy chiêm ngắm Thánh Giuse, được kể lại bởi các Tin Mừng (có thể đọc Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria): các Tin Mừng giúp tôi hiểu và yêu mến Thánh Giuse như thế nào”? Tôi được mời gọi chiêm ngắm chân dung của Thánh Giuse, mà Đức Thánh Cha phác họa từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong các Tin Mừng: theo cách sắp xếp được trình bày ở trên, các đường nét làm nên chân dung của Thánh Giuse xoay quanh đường nét trung tâm: “Người Cha trong đón nhận”. Đức Thánh Cha “vẽ Thánh Giuse” có đẹp không? Tôi yêu thích Thánh Giuse ở đường nét nào và ước ao đào sâu? Và tôi cần được Thánh Giuse cầu bầu và dạy bảo cách đặc biệt ở đường nét hay những đường nét nào, trong chân dung của ngài theo Tông Thư của Đức Thánh Cha? Và Thánh Giuse giúp tôi hiểu và yêu mến Chúa Giêsu ra sao?

2. Thánh Giuse và Truyền Thống Giáo Hội

“Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào giữ nhiều chỗ như thế trong Huấn Quyền Giáo Hoàng, hơn thánh Giuse, bạn trăm năm của Người”. Các vị tiền nhiệm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố Thánh Giuse là:

“Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo” (Chân phước Piô IX).

“Thánh Bổn Mạng của người lao động” (Đấng đáng kính Piô XII).

“Đấng bảo vệ của Chúa Cứu Thế” (và Thánh Gioan Phaolô II).

Ngoài ra, Dân Chúa kêu cầu Thánh Giuse là “Thánh Bổn Mạng của ơn chết lành”. Tôi hiểu những tước hiệu này của Thánh Giuse như thế nào? Tước hiệu nào làm tôi hiểu và yêu mến Thánh Giuse hơn? Tôi thích tước hiệu nào hơn cả? Tại sao?

Truyền thống hay “linh đạo” của xứ đạo, gia đình, nhóm, hội dòng, cộng đoàn… mà tôi thuộc về, đã tôn vinh Thánh Giuse như thế nào? Phần tôi, tôi “công bố” Thánh Giuse là ai đối với tôi, trong cuộc đời, trong đời sống đức tin và đời sống ơn gọi của tôi? Với lời “công bố” đích thân của tôi về Thánh Giuse, tôi ước ao ngài sẽ hiện diện trong đời sống của tôi như thế nào, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô?

3. Thánh Giuse, Đức Thánh Cha Phanxicô và “những người bình thường” trong cơn đại dịch

Tông thư về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha được ban hành nhân dịp kỷ niệm 150 năm tuyên bố Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của Hội Thánh Công Giáo, vào ngày 08/12/1870 của Chân phước Giáo Hoàng Piô IX; trước đó tông thư đã được “cưu mang” trong những tháng dài của cơn đại dịch: “Tôi muốn… chia sẻ với anh chị em những suy tư cá nhân về chân dung ngoại thường của Thánh Giuse, nhưng lại thật gần gũi với thân phận con người của mỗi người trong chúng ta. Ước ao này đã chín muồi trong suốt những tháng vừa qua của cơn đại dịch...” Vậy điều gì xảy ra trong cơn đại dịch, đã làm cho ước ao chia sẻ về Thánh Giuse của Đức Thánh Cha trở nên“chín muồi? “Những con người bình thường, hay bị quên lãng” nào trong cơn đại dịch, đã làm cho Đức Thánh Cha nhớ tới Thánh Giuse, hiểu và yêu mến ngài hơn? Những người này đã hiện diện trong cuộc sống của tôi như thế nào? Tôi có nhận ra không?

Đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, tôi hãy hồi tâm lại đời mình, để nhận ra “những con người bình thường, hay bị quên lãng” và sống đời mình trong từng ngày, với tâm tình biết ơn. Chúng ta cũng được mời gọi tiếp tục hiệp thông và cầu nguyện cho những con người vẫn hi sinh phục vụ trong thầm lặng, và cho những nạn nhân và dân tộc vẫn đang bị cơn đại dịch gây tác hại.

Trong đời thường cũng như trong những “giai đoạn hay hoàn cảnh đặc biệt” (của tôi, của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ…), tôi đã, đang và ước ao trở thành “người bình thường, hay bị quên lãng” như thế nào, theo lời chia sẻ của Đức Thánh Cha và theo gương của Thánh Giuse?

*  *  *

Bài suy niệm 2

“Người Cha được yêu mến”

1. “Thánh Giuse, bạn trăm năm của Đức Maria và cha của Đức Giê-su”

Sự lớn lao của Thánh Giuse được xây dựng khởi từ và dựa trên những tương quan rất con người và đời thường, vì thế rất nhỏ bé: là người chồng và là người người cha trong một gia đình. Nếu “sự lớn lao” của Thánh Giuse được hiểu như thế, thì đó cũng là “sự lớn lao”, mà mỗi người chúng ta được mời gọi ước ao, hướng tới và định hướng cho cuộc đời và ơn gọi của mình. Xin cho mỗi người chúng ta được Chúa ban cho lòng yêu mến và ước ao sống theo gương của Thánh Giuse (có thể đọc bài “Đời Sống Ẩn Dật của Đức Giê-su”).

Trong đời sống công khai, khi Đức Maria muốn tìm gặp và nói chuyện với Người, Đức Giê-su nêu câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” (Mt 12, 48), phải làm kinh ngạc người nghe thuộc mọi thời. Thánh Giuse đã không nghe được lời này của Đức Giê-su, nhưng đã sống từ rất lâu tương quan Nước Trời, mà Đức Giê-su rao giảng và dâng hiến đời mình để xây dựng. Vậy, Thánh Giuse đã là  “người thân đích thực” của Giê-su như thế nào? Và tôi sẽ sống và hoán cải ra sao, để trở thành người thân thật sự của Đức Giê-su, theo gương Thánh Giuse? (có thể đọc bài suy niệm Tin Mừng của ngày Lễ Thánh Gia-Năm B-Lc 2, 2.39-40).

Lời giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI về tình hiện phụ của Thánh Giuse thật sâu rộng, đồng thời mang tính thời sự trong hoàn cảnh hiện nay của thế giới và của xã hội chúng ta đang sống:

Thánh Giuse Con Người ngày nay
(a) “Ngài đã làm cho cuộc đời mình trở thành sự phục vụ, thành của lễ dâng hiến cho mầu nhiệm nhập thể và cho sứ mạng cứu độ, vốn được gắn liền với mầu nhiệm nhập thể”.

 

(b) “Ngài đã sử dụng quyền bính theo luật, vốn được trao cho ngài đối với Thánh Gia, để làm thành sự trao ban trọn vẹn chính mình, chính cuộc đời mình, chính công việc của mình cho Thánh Gia”.

(c) và “Ngài đã hoán chuyển ơn gọi phàm nhân của ngài cho tình yêu gia đình, trong sự dâng hiến siêu nhân chính mình, con tim của mình và trọn vẹn khả năng yêu thương, được đặt để cho việc phục vụ Đấng Mêsia đang trổ sinh trong ngôi nhà của ngài”.

 

– Con người ngày này thích được phục vụ hơn là phục vụ, thích thống trị hơn ước ao trở thành của lễ dâng hiến…

 

 

– Con người không thể sống mà không có Lề Luật và quyền bính (x. Mt 20, 20-28), nhưng đâu là cách con người hiểu và sống Lề Luật, cách con người ngày nay ham muốn quyền bính và thi hành quyền bính, trong thế giới, xã hội, Giáo Hội, gia đình?…

 

– Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 26-27), nghĩa là có con tim biết yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con người hôm nay hướng con tim của mình về đâu hay về ai?…

Lời giảng dạy của Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI về Thánh Giuse chất vấn và mời gọi tôi sống “tư cách làm cha” như thế nào, trong đời sống gia đình? Chất vấn và mời gọi tôi sống “tư cách làm cha”, hiểu theo tương quan Nước Trời, trong đời sống dâng hiến, trong đời sống Giáo Hội. xã hội như thế nào?

2. Thánh Giuse được yêu mến trong Giáo Hội

Thánh Giuse được yêu mến cách đặc biệt trong Giáo Hội, như Đức Thánh Cha đã nêu ra và nhắc lại những dữ kiện rất cụ thể và phong phú trong truyền thống của Giáo Hội và trong đời sống phụng vụ hằng tuần và hằng năm. Vậy, trong đời sống Ki-tô hữu và đời ơn gọi của tôi, tôi đã có những kinh nghiệm cụ thể nào (nhà thờ, học viện, hội đoàn, nhóm, giáo xứ, hội dòng, gia đình, đời sống cầu nguyện, kinh phụng vụ…), diễn tả sự kiện “Thánh Giuse được yêu mến”? Thánh Giuse được yêu mến cách đặc biệt trong Giáo Hội; còn tôi, tôi có yêu mến Thánh Giuse không và diễn tả lòng yêu mến ngài như thế nào?

Đâu là lòng sùng kính của tôi đối với Thánh Giuse, nhất là khi Thánh Giuse là Thánh Bổn Mạng của tôi? Tôi có thuộc kinh cầu nào kính Thánh Giuse không? Hay có khi nào tôi đọc kinh cầu Thánh Giuse không? Tôi có thích lời kinh ca ngợi và cầu xin Thánh Giuse, mà Đức Thánh Cha đọc hằng ngày và bắt chước ngài không: “Lạy Thánh Giuse Tổ Phụ Vinh Hiển, quyền năng của ngài biết làm những điều không thể thành có thể, xin đến cứu giúp con, trong những lúc lo âu và khó khăn này. Xin ngài mang lấy đặt dưới sự bảo vệ của ngài, những hoàn cảnh nghiêm trọng và khó khăn, đến nỗi con nài xin ngài, để cho những hoàn cảnh ấy có được một lối ra hạnh phúc. Lạy cha yêu dấu của con, trọn niềm tín thác của con đặt ở nơi cha. Chớ gì người ta không nói được rằng, con đã cầu xin cha luống công, và bởi vì cha có thể làm mọi sự bên cạnh Chúa Giêsu và Mẹ Maria, xin cha tỏ cho con lòng nhân hậu của cha cũng lớn lao như quyền năng của cha. Amen”? (xem ghi chú số 10). Tôi đã hiểu và sống các ngày thứ tư trong tuần, và tháng ba kính Thánh Giuse như thế nào?

Đức Thánh Cha nói đến “Linh đạo của Thánh Giuse” (sa spiritualité): “Nhiều Học Viện, Hội Đoàn và nhóm trong Giáo Hội được khởi hứng từ linh đạo của ngài và mang tên ngài”. Tôi hiểu “linh đạo của Thánh Giuse” như thế nào? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria) Tôi có muốn đi theo Đức Ki-tô, theo “linh đạo” của Thánh Giuse không?

3. Thánh Giuse, bản lề kết nối Cựu Ước và Tân Ước

Đức Thánh Cha nêu bật vai trò của Thánh Giuse, trong tư cách là dòng dõi vua Đa-vít và là bạn trăm năm của Đức Maria, ở tầm mức lịch sử cứu độ, nghĩa là tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước qua hình ảnh “bản lề”. “Bản lề” là sự vật nào và có công dụng gì? Tôi hiểu mặc khải “Thánh Giuse, bản lề kế nối Cựu Ước và Tân Ước” ra sao? (có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô”).

Lời mời gọi “Ite ad Joseph” gợi lại câu chuyện của ông Giuse, trong gia đình của Tổ Phụ Gia-cóp và bên Ai-cập. Vậy, ông Giuse, Thánh Giuse và Đức Giê-su có tương quan loan báo vào hoàn tất như thế nào, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa? (có thể đọc bài “Nọc độc ghen tị”-St 37, 12-27).

Đức Giê-su Ki-tô đã hoàn tất lịch sử cứu độ (x. Lc 24, 44), như Người đã thốt ra lời sự sống: “mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19, 30), ngay trong đau khổ và sự chết trên Thập Giá. Trong chương trình cứu độ, Đức Maria là “Mẹ Đấng Cứu Thế”, Mẹ đi theo Đức Giê-su đến tận chân Thập Giá, thinh lặng và đứng vững. Còn Thánh Giuse của chúng ta thì sao? Ngài đã cộng tác vào chương trình cứu độ, được hoàn tất bởi Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su Ki-tô như thế nào? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, bài 4: “Thánh Giuse và Mầu Nhiệm Vượt Qua”).

*  *  *

Bài suy niệm 3

“Người Cha trong dịu hiền”

1. “Đức Giê-su đã nhìn thấy nơi Thánh Giuse sự dịu hiền của Thiên Chúa”

Thánh Giuse đã chứng kiến Đức Giêsu lớn lên ngày qua ngày “thêm khôn ngoan, thêm vóc dáng và thêm ân nghĩa trước nhan Thiên Chúa và trước mặt người ta” (Lc 2, 52), trong thời gian sống ẩn dật của Người. Bởi vì, Khi trở nên một người ở giữa chúng ta, Ngài đã đảm nhận điều căn bản nhất làm nên thân phận con người, đó là thời gian, là lớn lên theo thời gian, như một triết gia đã nói : « Con người không thể tránh né được thời gian » – « L’homme ne peut être à l’abri du temps ».

Vì thế, cách đặc biệt trong mùa phụng vụ Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và cảm nếm sự gần gũi với Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đang lớn lên theo thời gian ; Đấng, ngang qua đời sống ẩn dật, cư ngụ trong từng chi tiết nhỏ nhặt của cõi nhân sinh. Chúng ta hãy học chiêm ngắm Đức Giê-su cùng với Thánh Giuse trong đời sống thường ngày, vì thánh Giuse cùng với Đức Maria là những người đầu tiên và một cách tuyệt hảo nhất biết nâng niu từng chi tiết và một cách trọn vẹn mầu nhiệm Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Nhập Thể (có thể đọc bài “Đời Sống Ẩn Dật của Đức Giê-su Ki-tô”). Và chính trong thời gian này mà Đức Giê-su đã nhìn thấy nơi Thánh Giuse sự dịu hiền của Thiên Chúa (x. Tv 103, 13). Sự dịu hiền của ngài đến từ Thiên Chúa và mặc khải sự dịu hiền của Thiên Chúa. Bởi vì Thánh Giuse hẳn đã nghe vang vọng trong hội đường, khi cầu nguyện với các Thánh Vịnh, rằng Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa dịu hiền (Tv 145, 9; x. Tv 69, 17; 78, 38; 86, 5; 111, 4 ; 116, 5; có thể đọc bài “Chúa ban Bánh…” – Tv 136).

Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong tim, với tư cách là con Thiên Chúa (x. Mt 11, 28-30), nhưng Người cũng là “con của ông Giuse”! Vậy đâu là sự dịu hiền của Thánh Giuse được thể hiện cách cụ thể trong đời sống Thánh Gia? Và Đức Giê-su đã học nơi ngài như thế nào, để có thể mặc khải rằng “Tôi hiền lành và khiêm nhường trong tim”? Sự dịu hiền của Thánh Giuse chắc chắn cũng được thể hiện trong đời tôi. Vậy, tôi học nơi ngài như thế nào, để trở nên giống Đức Giê-su hiền lành và khiêm nhường?

2. “Lịch sử cứu độ được hoàn tất ngang qua những yếu đuối của chúng ta”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta quá hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ dựa vào khía cạnh tốt đẹp và thắng cuộc (gagnant) của chúng ta…” Tôi đã hay đang nghĩ như vậy không? Đâu là những chuyển động nội tâm của tôi, khi tôi nghĩ như vậy?

“Khi mà, Đức Thánh Cha nói tiếp, trong thực tế phần lớn những dự định của Người được thực hiện ngang qua và bất chấp sự yếu đuối của chúng ta”; và “Lịch sử cứu độ được hoàn tất “khi hy vọng dù không còn hy vọng” (Rm 4, 18), nghĩa là, ngang qua những yếu đuối của chúng ta, và cả những bất lực nữa (do khả năng, bệnh tật, “hiếm muộn”, tuổi tác…). Đó kinh nghiệm của Dân Chúa trong lịch sử cứu độ (có thể đọc bài “Gia Phả của Đức Giê-su Ki-tô), của Thánh Giuse, của Đức Maria, của thánh Phao-lô mà Đức Thánh Cha nhắc lại trong Tông Thư, của các thánh, nhất là của Thánh Bổn Mạng, của Đấng Sáng Lập Hội Dòng… Vậy đâu những yếu đuối của tôi? Và tôi đã hiểu và sống như thế nào? (có thể đọc bài “Tạng phủ con…” – Tv 139).

Đức Thánh Cha mời gọi: “Nếu như thế là viễn tượng của nhiệm cục cứu độ, khi đó chúng ta phải học để đón nhận những yếu đuối của chúng ta với sự dịu hiền sâu sa”. Tôi ước ao đáp lại ra sao, với ơn Chúa, theo gương và nhờ lời cầu bầu của Thánh Giuse?

3. “Sự Thật luôn được bày tỏ cho chúng ta như Người Cha thương xót”

(a) Đức Thánh Cha nói: “Chỉ tay và phán đoán chống lại người khác, thường là dấu chỉ của sự bất lực để đón nhận sự yếu đuối riêng của mình, sự mỏng dòn riêng của mình”, “Thần Dữ (le Malin) xúi dục chúng ta nhìn sự mỏng dòn của mình với một phán đoán tiêu cực”, và “một cách nghịch lý, Thần Dữ cũng có thể nói cho chúng ta biết sự thật. Nhưng nếu nó làm điều đó, chính là để lên án chúng ta”. Vì thế, “chỉ tay và phán đoán chống lại người” còn liên quan đến Sự Dữ. Nghiêm trọng hơn, Lời Chúa còn mặc khải rằng, tự bản chất, đó là hành động đặc trưng của Sự Dữ, của “Kẻ Tố Cáo” (có thể đọc bài “Sự Dữ”; Thánh Vịnh Mảnh Đất Dầy”; “Luật và Tội”).

Đức Thánh Cha xác tín: “Thánh Thần đưa sự mỏng dòn của chúng ta ra ánh sáng với sự dịu hiền. Sự dịu hiền là cách thức tốt nhất để đụng chạm được điều là mỏng dòn nơi chúng ta. Chỉ có sự dịu hiền mới giải thoát chúng ta thoát khỏi công việc của Kẻ Tố Cáo (x. Kh 12, 10)”. Vậy, đâu là Kinh nghiệm làm cha làm mẹ của tôi? Kinh nghiệm của riêng tôi, khi còn bé? Chúng ta hãy để cho sự dịu hiền và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ, như chúng ta vẫn kêu xin trong Kinh Lạy Cha.

(b) Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Người Cha trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (x. Lc 15, 11-32), để xác tín rằng “Sự Thật đến từ Thiên Chúa không lên án chúng ta, nhưng Sự Thật đón nhận chúng ta, ôm lấy chúng ta, nâng đỡ chúng ta, tha thứ chúng ta (có thể đọc Dụ Ngôn “Người Cha và Hai Người Con”).

Vì thế, tôi được mời gọi đọc lại đời mình trong sự thật, để thay đổi cái nhìn, nghĩa là thay vì nhìn với cái nhìn của mình, của ai khác, hay với cái nhìn do Thần Dữ gợi ra, tôi được mời gọi nhìn với cái nhìn dịu hiền và thương xót của Chúa, để có thể “gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”, đặt đời mình trên nền tảng lòng biết ơn và yêu mến, theo gương Thánh Giuse, và để có thể nói như thánh nữ Têrêxa: “Vậy thì quả thực, Lạy Chúa, ở nơi ai lòng thương xót của Chúa có thể chói ngời hơn ở nơi con?” (có thể đọc Michel Rondet, “Đọc lại đời mình để nhận ra Thiên Chúa”). Cách đặc biệt và cụ thể, Đức Thánh Cha còn mời gọi tôi gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nơi Bí Tích Hòa Giải, vì ở đây tôi trải nghiệm về sự thật và sự dịu hiền, và vì nơi Đức Ki-tô không còn lên án nữa (x. Rm 8, 1). Vậy, tôi đã hiểu và sống Bí Tích Hòa Giải như thế nào?

(c) Trở lại với Thánh Giuse, “Người Cha trong sự dịu hiền”, Đức Thánh Cha chia sẻ: “Ý muốn của Thiên Chúa, lịch sử của Người, kế hoạch của Người cũng diễn ra ngang qua sự bận tâm của Thánh Giuse. Như thế, Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, tin tưởng nơi Thiên Chúa cũng bao hàm cả việc tin rằng, Người có thể hành động ngang qua những sợ hãi, những mỏng dòn và những yếu đuối của chúng ta. Và Thánh Giuse cũng dạy chúng ta rằng, trong những cơn bão tố của cuộc đời, chúng ta không được sợ trao lại cho Chúa bánh lái của con thuyền cuộc đời chúng ta. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn xa hơn”.

Vậy, đâu là “những bận tâm, nỗi sợ hãi và những mỏng dòn của tôi”? Tôi đã có kinh nghiệm nào về sự hiện diện và cách hành động của Chúa? Trong những cơn bão tố, tôi có dám, với lòng tin, trao “bánh lái” cho Chúa không, theo gương Thánh Giuse ? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, bài 2: “Thánh Giuse và Lời Xin Vâng).

*  *  *

Bài suy niệm 4

“Người Cha trong vâng phục”

1. “Người Cha trong vâng phục” và các giấc mơ

Thánh Giuse được mời gọi cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và nhất là vào tiến trình Nhập Thể của Con Thiên Chúa, nhưng ngài lại nghe được tiếng gọi đảm nhận sứ mạng lớn lao này, ngang qua những giấc mơ nhỏ bé và âm thầm của Ngài, theo lời kể của thánh sử Mát-thêu. Để giúp chúng ta chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục”, Đức Thánh Cha kiên nhẫn và chậm rãi nhắc lại bốn biến cố khúc quanh trong giai đoạn đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, tương ứng với bốn giấc mơ của Thánh Giuse: trước khi ngài đón Đức Maria về chung sống, đưa gia đình đi trốn sang Ai Cập, đưa về quê hương và cuối cùng đưa đến lập nghiệp ở Nazareth (Mt 1, 20 ; 2, 13.19.22).

Giấc mơ được coi như một trong những cách thức, qua đó Thiên Chúa bày tỏ ý muốn của Người. Ngoài ra, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: khi nằm mơ, con người chúng ta trở nên yếu ớt nhất, ít kháng cự nhất. Nếu như thế, các giấc mơ có thể được hiểu như một ngôn ngữ diễn tả sự ưng thuận trọn vẹn của Thánh Giuse đối với ý muốn của Thiên Chúa. Sự ưng thuận đến quên mình. Chúng ta không thể không so sánh sự ưng thuận này với lời “xin vâng” của Đức Maria; và chúng ta có thể nhận ra rằng, sự ưng thuận của Thánh Giuse không chỉ là “tức khắc không do dự”, nhưng còn là “tuyệt đối”! Để Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa cần hai lời xin vâng.

Phần tôi, đâu là cách thức Chúa dùng, để bày tỏ ý muốn của người cho tôi, về cuôc đời, về ơn gọi, trong những hoàn cảnh, nghịch cảnh hay tình huống đặc biệt của tôi? Tôi lắng nghe và đáp lại như thế nào? Tôi có “phân định” hay tập “phân định” không? Và đâu là cách tôi “phân định”, để tìm ra ý muốn của Người? Thánh Giuse dạy tôi bài học nào, trong sự vâng phục ý Chúa? Tôi khám phá ra ý nghĩa nào và Chúa muốn nói với tôi điều gì, khi tôi chiêm ngắm Thánh Giuse, “Người Cha trong vâng phục? (có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria; ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Gaudete et Exsultate, chương 5).

2. “Người Cha trong vâng phục” và Mầu Nhiệm Nhập Thể

Theo lời kể của thánh sử Luca, Thánh Giuse sống đức vâng phục trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống: khai nhân khẩu cho mình và cho Hài Nhi mới sinh theo Luật Roma, tuân giữ mọi quy định theo Luật Do Thái, liên quan “Hai Mẹ Con”. Từ đó, Đức Thánh Cha liên kết ba lời “fiat” (tiếng La-tinh, có nghĩa là ước gì xảy ra, hãy xẩy ra) của Thánh Gia: “Trong từng tình huống của cuộc sống, Thánh Giuse đã biết nói lên lời ‘fiat’ của mình, giống như Đức Maria trong biến cố Truyền Tin, và như Đức Giêsu ở Vườn Dầu Ghết-sê-ma-ni”.

Thánh Giuse không chỉ vâng phục, nhưng trong đời sống ẩn dật, ngài còn dạy Chúa Giêsu biết phục tùng cha mẹ của mình (x. Lc 2, 51), theo lệnh truyền của Chúa (x. Xh 20, 12), với tư cách là chủ gia đình. Vì thế, sau này, trong đời sống công khai, Ý của Chúa Cha đã trở thành lương thực hằng ngày của Người (x. Ga 4, 34). Như thế, Đức Giê-su không chỉ vâng phục theo bản tính Con Thiên Chúa của Người (x. Pl 2), nhưng còn học vâng phục nơi Thánh Giuse. Noi gương Đức Giê-su, tôi được mời gọi đến học nơi Mái Trường của Thánh Giuse, “cha trong đức vâng phục”, để có thể trở nên giống như Người, bằng cách mặc lấy tâm tình vâng phục của Người Con đối với Chúa Cha, trong đời sống đức tin, nhất là trong đời sống ơn gọi của tôi.

Như thế, đời sống ẩn dật chính là nguồn của những gì Đức Giê-su sẽ nói và sẽ làm trong thời gian rao giảng Nước Trời. Trong thực tế, chúng ta chỉ chú ý đến « nguồn thần linh », đến trực tiếp từ thiên tính của Người và từ chính Chúa Cha, mà quên đi « nguồn nhân linh », là kinh nghiệm sống của cuộc đời bình thường ; bởi lẽ, qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời trở nên « xác phàm » thật sự ở giữa chúng ta (x. Ga 1, 14). Vì thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng, nơi Đức Giê-su, điều tuyệt vời của đời sống công khai cũng phát xuất từ điều tuyệt vời của đời sống ẩn dật, nơi đó có sự hiện diện với trọn cả con tim của một người cha, là Thánh Giuse.

3. “Người Cha trong vâng phục” và Mầu Nhiệm Cứu Độ

“Ơn gọi” của Thánh Giuse gắn liền với con người (personne) và sứ mạng (mission) của Đức Ki-tô, theo một cách thức duy nhất: “phục vụ trực tiếp” và “trong tư cách là cha”. Như thế, ơn gọi của ngài vừa đời thường, vì như bao người cha trong gia đình, nhưng cũng thật nhiệm mầu, vì liên quan đến Mầu Nhiệm Cứu Độ.

Thánh Giuse đã, đang và sẽ cho đến tận cùng thời gian, tiếp tục “phục vụ với tư cách là cha” cho các môn đệ của Đức Ki-tô, trong đó có tôi hôm nay, vì tất cả chúng ta đều là “con của ngài” và kêu cầu ngài mỗi ngày: “Lạy cha yêu dấu của con…”. Chính vì thế mà “ngài được yêu mến” trong lịch sử Giáo Hội (đường nét thứ hai, làm nên chân dung của Thánh Giuse trong Tông Thư của Đức Thánh Cha), như ngài đã được yêu mến bởi Đức Giê-su trong Gia Đình Thánh Gia. Nếu là như thế, chúng ta có thể tự hỏi: Thánh Giuse “phục vụ với tư cách là cha” cho các môn đệ của Đức Ki-tô nhằm mục đích gì? Nếu không phải, chính là để làm cho chúng ta nên giống Đức Giê-su, con của ngài?

Để kết thúc phần nói về Thánh Giuse, “người cha trong vâng phục” , Đức Thánh Cha trích lời của thánh Giáo Hoàng Gioan-Phao-lô II: “Chính bằng cách thức này, mà trong sự viên mãn của thời gian Thánh Giuse cộng tác vào mầu nhiệm lớn lao của công trình cứu độ, và một cách đích thực ngài là thừa tác viên của ơn cứu độ” – Bản văn tiếng Pháp: “C’est bien de cette manière qu’il coopère dans la plénitude du temps au grand mystère de la Rédemption et qu’il est véritablement ministre du salut” (x. Ghi chú 17). Một khẳng định vừa có tầm mức thần học và vừa có ý nghĩa mục vụ. Vậy, tôi hiểu lời khẳng định như thế nào? Nhất là hai cụm từ “trong sự viên mãn của thời gian” và “thừa tác viên của ơn cứu độ”? (Có thể đọc Thánh Giuse Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria).

—————

Ghi chú:

– Tông thư Patris Corde của Đức Thánh Cha Phanxicô được dịch từ bản Tiếng Pháp (người dịch: Giuse Nguyễn Văn Lộc).

– Các trích dẫn Kinh Thánh được lấy từ bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV, với một vài sửa đổi, theo bản Tiếng Pháp của Tông Thư; các Thánh Vịnh được ghi theo số của bản dịch Do Thái.

– Với tâm tình kính mến Thánh Giuse và để tạ ơn ngài cách đặc biệt trong NĂM ĐẶC BIỆT VỀ THÁNH GIUSE, 4 bài suy niệm đã được phác thảo, và mong sẽ hoàn tất 4 bài suy niệm còn lại; tất cả là 8 bài tương ứng với phần dẫn nhập và bảy phần trong Tông Thư PATRIS CORDE của Đức Thánh Cha Phanxicô (Người Cha được yêu mến; Người Cha trong dịu hiền; Người Cha trong vâng phục; Người Cha trong đón nhận; Người Cha luôn can đảm sáng tạo; Người Cha làm việc; Người Cha trong mờ tối).

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây