Tất cả họ, dù là linh mục, nữ tu, giáo dân, người Công giáo hay anh em lương dân, đều xem Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan (cố Giám mục Chánh tòa giáo phận Phan Thiết) như người bố trong gia đình. Trọn một đời, người bố đó luôn thao thức, tận tâm lo cho người nghèo…
Chúng tôi đã tìm về một trong những nơi còn in đậm dấu ấn là xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, Bình Thuận, nơi Ðức cha có quãng thời gian gần 30 năm gắn bó.
Lo từ miếng cơm manh áo
Ðến Tân Hà vào những ngày cuối năm cũ, sắp sang năm mới, thời điểm đất trời chuẩn bị giao hòa. Ðây là một trong những xã còn khó khăn của huyện Hàm Tân, cũng là nơi Ðức cha Phaolô gắn bó gần như trọn đời linh mục, từ năm 1972 di cư từ miền Trung vào đến ngày được tấn phong Giám mục Phó giáo phận Phan Thiết năm 2001. Vậy nên hình ảnh ông linh mục trên chiếc Honda Cub 81 cũ kỹ, hai chiếc đèn xi nhan chực chờ rớt ra ngoài vẫn luôn hằn sâu trong trí nhớ nhiều người.
“Cha Hoan hả, biết chớ. Hồi đó còn, cha vô thăm miết, cha cho khoan cái giếng nước chỗ kia kìa. Ngày xưa khoan cái giếng đó quý lắm, bà con đây toàn lấy nước uống, dân xung quanh còn tới lấy nữa mà. Nước ngon mà sạch. Trước chưa có giếng thì phải đi xa, vô tuốt trong xa đào giếng múc nước gánh về. Chúng tôi biết ơn cha Hoan nhiều, cha Hoan đau tụi này đi thăm, đem theo trái thanh trà, dù đau mà cha vẫn ngồi dậy. Cha tình cảm lắm, ai cũng quý mến!”, bà Trần Thị Hiệp, người dân tộc Raglai, tuổi gần 70, miệng nhai trầu nhóp nhép kể liên hồi khi chúng tôi hỏi biết cha Hoan hay không. Bà là người ngoại đạo nên cứ gọi “cha Hoan”, “ông cha Hoan”. Bà khoe thêm, cha còn giúp cho con gái bà được đi học : “Giờ nó có công ăn việc làm ổn định rồi, đang làm bên công ty rau xanh. Cha cho bò nuôi nữa. Sau này nhờ bán bò, dồn dập lại mà cất được căn nhà này. Con cái tôi nên người, cuộc sống gia đình bớt khổ tôi cảm ơn ông cha Hoan với cô Tuyết nhiều lắm!” (nữ tu Trần Thị Tuyết, thuộc Tu hội Thừa Sai Bác Ái, người trước nay cộng tác với Ðức cha để giúp cho đồng bào - PV). Về vùng này, cứ hỏi cha Hoan thì hầu như người lớn, trẻ nhỏ đều biết cả.
Khoang giếng cho bà con dân tộc thôn Suối Máu - ảnh: Tu đoàn cung cấp |
Chỗ bà Hiệp ở thuộc về thôn Suối Máu, thôn hầu hết là người dân tộc Raglai, cũng là thôn nghèo nhất của xã nghèo Tân Hà nên luôn được Ðức cha ưu ái. Không chỉ có nước sạch, những con đường làng thẳng tắp, rộng rãi mà ngày nay ô tô vào thẳng tận nơi cũng khơi nguồn từ việc Ðức cha cho cơi nới, mở rộng ngày trước. Rồi là nhiều căn nhà tình thương, điện lưới kéo vào tận thôn bản. Cũng chính từ tình thương trao ban không biên giới nên ngày đó, nhiều người trong thôn Suối Máu đã xin được Rửa tội.
Những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, trong một lần về thăm quê nhà là giáo xứ Phi Lộc, giáo phận Vinh, Ðức cha bắt gặp cảnh tượng đau lòng khi nhiều gia đình không nhà cửa, đất đai canh tác, sống khổ cực, chật chội trên những chiếc thuyền bé tý, lại trống hoác giữa một làng chài. Thiếu cái ăn nên đa phần trẻ nhỏ không được đến trường. Không đành lòng, cha “kéo” họ vào Tân Hà để cùng tìm hướng đi, dù ngày đó cả cha và con không ai biết tương lai sẽ như thế nào!... Những ngày đầu, cha cùng bà con chạy ăn từng bữa. Vì vùng này đất đai hoang hóa, thiếu nước tưới tiêu nên để bà con ổn định với nông nghiệp, cha cho làm đập chứa nước, mương dẫn, song song là tìm cách nâng đỡ họ qua các chương trình “heo tín dụng”, “bò tín dụng”…, cuộc sống nhờ vậy ngày một vững vàng. “Quyết định đi theo cha là đúng đắn, chứ số người ở lại thì nay bị nước mặn xâm nhập, thuốc trừ sâu, cá tôm không còn dồi dào nên cũng phải tìm hướng lên bờ, mà đất đai thì lại hạn hẹp. Ở đây giờ lớp già trồng thanh long, trẻ học hành, không thì đi làm công nhân. Theo cách nói của bà con ta là ngước lên chưa bằng ai nhưng cũng đã ổn định so với nhiều người”, ông Nguyễn Ðức Thiên, người đi với Ðức cha trong đợt di cư lần đó bồi hồi nhìn lại.
Thăm viếng bà con luôn là hoạt động được vị mục tử ưu tiên |
Ðến những dự án lâu dài
Bên cạnh lo cho đoàn con cái thì trong đời sống bản thân, mối phúc thứ nhất trong Tám Mối Phúc Thật là sống khó nghèo cũng được ngài xác tín đầy đặn. Những ai có dịp sống gần Ðức cha đều xác nhận điều này. Cha Jean Baptiste Etcharren, nguyên Bề trên Tổng quyền Hội Thừa sai Paris (MEP), là cha sở của Ðức cha Phaolô trước đây ở xứ Ðông Hà, Quảng Trị, từng có lần nhận định : “Ðức cha Phaolô là một người vô cùng lạc quan, trong cuộc sống cũng như trong sứ vụ, cách riêng thời chiến tranh ly tán và dịp tản cư vào Nam, ngài đã vui vẻ nhận cảnh sống nghèo và sẵn sàng chia sẻ cũng như cưu mang những người nghèo gặp được trên đường”. Có lẽ, cũng chính vì mang tinh thần ấy nên lúc linh mục, đến sau này làm Giám mục, trong suy nghĩ và việc làm của Ðức cha dường như người nghèo luôn là mối bận tâm lớn nhất. Ðơn cử trong một lần đi mục vụ tại Long Hương, vùng đất nơi cực Bắc giáo phận Phan Thiết, khi ngang qua một bãi rác thấy nhiều gia đình lầm than bới tìm cuộc sống trên đống phế thải, vừa tổn hại sức khỏe thân xác vừa tổn thất năng lực tinh thần, ngài dừng lại, quyết định không đắn đo là sẽ lo cho 19 gia đình ấy có chỗ định cư, rồi đề nghị việc làm mới để người lớn có thể ổn định cuộc sống và trẻ thơ có điều kiện đến trường… Ðể có thêm sự cộng tác và tiếp nối lý tưởng của mình, sau này Ðức cha còn lập nên một tu đoàn mang tên Bác ái Xã hội với hai nhánh nam, nữ.
Đức cha Phaolô (ngoài cùng bên phải) trong những ngày họp bàn làm đập nước Tân Hà - ảnh: Tu đoàn cung cấp |
Nhằm giúp dân nghèo có hướng đi bền vững, Ðức cha mở ra chương trình “heo tín dụng”. Khi nhà nào muốn nuôi heo để tăng nguồn sống sẽ được cho mượn từ 6 đến 10 heo con. Trong dự án, các gia đình tự bỏ vốn để làm chuồng trại theo mô hình chung, nhưng nếu hoàn cảnh khó khăn thì Ðức cha hỗ trợ. Ngoài heo giống, trong quá trình nuôi, người dân được tạm ứng thực phẩm với giá gốc, được tư vấn miễn phí về kỹ thuật. Khi đạt trọng lượng, tu đoàn Bác ái Xã hội sẽ là nơi bao tiêu đầu ra. “Kể từ khi nuôi đến khi xuất chuồng mất khoảng ba tháng, nếu vào đợt có giá, mỗi con heo có khi cho lãi cả hơn triệu đồng. Ở nông thôn mà như vậy là sống khỏe”, ông Mai Thọ Quang, một tín hữu trong vùng nói. Song song heo còn là “bò tín dụng” với phương pháp cho mượn bò mẹ, nuôi khi đẻ sẽ được lấy bò con.
Trở lại với câu chuyện của những người di cư từ Phi Lộc, Nghệ An. Ngày đó vùng này đất nhiều nhưng hoang hóa, 6 tháng mùa khô hầu như không thể canh tác. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, tìm hướng đi, cha Hoan đã đi đến một quyết định mà xem ra khá “liều lĩnh” thời bấy giờ : làm đập, ngăn dòng chảy, dự trữ nước tưới tiêu. Năm 1990 dự án khởi công, 4 năm sau hoàn thành. Từ ngày công trình đưa vào sử dụng, dân khắp vùng đã có thể yên tâm cày bừa, gieo trồng. Những vườn thanh long xanh ngút ngàn, mướt trĩu quả cũng mọc lên từ đó. Ðập nước này vì vậy cũng được gọi bằng cái tên thân thương là đập nước cha Hoan. Sau một thời gian giao cho tu đoàn quản lý, được biết hiện nay đập nước đã được bàn giao lại cho nhà nước nhằm tôn tạo, cơi nới và có kế hoạch sẽ khơi thông với một đập lớn hơn là đập sông Dinh, qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu tưới tiêu của bà con trong huyện.
Nơi an nghỉ của Đức cha hiện nay, tại tu đoàn Bác ái Xã hội nhánh nữ, dưới chân tượng thánh bổn mạng Phaolô - ảnh: Đình Quý |
Dân nghèo thường đi kèm bệnh tật vì không có điều kiện chạy chữa mỗi khi trái gió trở trời, mà đã mang bệnh thì đã nghèo sẽ nghèo hơn. Nhằm tránh khỏi vòng luẩn quẩn không hồi kết, Ðức cha mở phòng thuốc Ðông y miễn phí dành cho mọi người. Hiện tại phòng thuốc này được tu đoàn Bác ái Xã hội nhánh nữ tiếp nối, phục vụ cho hàng trăm lượt bệnh nhân mỗi tuần. Cùng với đó, hơn 10 cộng đoàn mà tu đoàn mở ra cũng đều nằm ở những vùng dân nghèo, tiếp bước công việc mà vị sáng lập đã khơi dòng.
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tiếp kiến Đức cha Phaolô tại Rôma, đầu năm 2002 - ảnh: tư liệu |
Gần 30 năm sống tại Tân Hà, dấu ấn mà Ðức cha để lại có thể mạnh dạn so sánh bằng những từ “tâm huyết, lớn lao”. Trong câu chuyện, có một câu hỏi mà hầu như ai nghe cũng thắc mắc là làm sao Ðức cha lại làm được những việc thiết thực cho dân như vậy, trong giai đoạn xã hội thiếu thốn tư bề, mà ngài thì “Còn không đủ tiền để ăn sáng” (là lời của ông Nguyễn Ðức Thiên kể lại khi trong một lần mưa bão, ghé qua thăm thì Ðức cha lục lọi tất cả số tiền ít ỏi còn lại trong túi đưa ông đi mua đồ ăn). Ðể trả lời, tôi xin mượn lời chia sẻ của cha Giuse Ðặng Văn Tiếp, người con tinh thần và cũng là linh mục tiên khởi của tu đoàn Bác ái Xã hội, nhánh nam : “Cho đến bây giờ, tôi vẫn ngỡ ngàng và thán phục vì những sáng kiến phục vụ người nghèo của bố Hoan... Có lẽ bởi vì thao thức về người nghèo trong bố luôn cháy bỏng nên huy động cả khối óc, con tim và hành động...”
Ðức cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan sinh ngày 11.11.1932, tại xứ Phi Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Thụ phong linh mục ngày 29.4.1965, tại Vương Cung Thánh Ðường Ðức Bà Sài Gòn. Cùng năm đó được sai đi làm phó xứ Ðông Hà, Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17. Năm 1967, được phép của Ðức cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, ngài mở một Cô nhi viện và trường Tư thục cấp III Ðắc Lộ để giúp đỡ các em mồ côi trong chiến tranh. Năm 1972, ngài chuyển trường Ðắc Lộ và 202 em mồ côi vào Bình Tuy (bây giờ thuộc huyện Hàm Tân, Bình Thuận), lập làng thiếu nhi Bồ Câu Trắng. Ðến năm 1978, sau khi nhà nước tiếp thu trường học và làng thiếu nhi, cha Hoan phụ trách giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh), làm hạt trưởng hạt Hàm Tân. Ngày 4.7.2001, Tòa Thánh bổ nhiệm cha làm Giám mục Phó, rồi kế vị Ðức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi làm Giám mục Chánh tòa GP Phan Thiết ngày 1.4.2005. Từ ngày 25.7.2009, ngài về hưu và qua đời tại tu đoàn Bác ái Xã hội ngày 18.8.2014, thọ 82 tuổi, sau 49 năm linh mục và 13 năm Giám mục. Khẩu hiệu Giám mục của Ðức cha là “Tin Mừng cho người nghèo khó”. |
ÐÌNH QUÝ (cgvdt.vn)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn