Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung: Trái Đất

Thứ năm - 01/09/2022 03:41
CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG: TRÁI ĐẤT

Thư mục vụ tháng 9/2022, số 1, Đức Giám Mục giáo phận Phan Thiết “dõi mắt theo những ưu tư của Đức Thánh Cha Phanxicô” đã kêu gọi chúng ta “cầu nguyện và chăm sóc ngôi nhà chung” là trái đất. Chúng ta thực hiện lời giáo huấn này, không chỉ bằng giờ chầu do chương trình giáo phận gởi đến, không dừng lại ở khoảng thời gian đã định đặc biệt từ 01/09 đến 04/10, mà trở thành sống đạo hằng ngày của chúng ta. Đó là lý do bộ giáo lý “Hành Trình Đức Tin” của giáo phận có phần thứ 5 nhấn mạnh điều này.
Vị chủ chăn Phan Thiết kêu gọi mọi người “phải sám hối và thay đổi lối sống cũng như điều chỉnh hành động của mình… nghĩ đến những thế hệ tương lại… Hãy hành động vì một môi trường lành mạnh…”. Để giúp anh chị em rõ “ưu tư mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô”, xin trích trực tiếp thông điệp “LAUDATO SI” được ngài công bố 24/05/2013, (Bản dịch của cha Augustinô Nguyễn Văn Trinh) từ số 20-30, nói rõ tác hại của sự tàn phá môi trường ngày nay, để chúng ta chỉnh lại lối sống, từ việc nhỏ gia đình, giáo xứ “trồng cây xanh, xử lý nước thải, phân loại rác”, cho đến những việc lớn hơn mà anh chị em khi tham gia hoạt động chính trị xã hội, quản lý tài nguyên môi trường; hay chính mình là chủ các nơi sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp... biết theo lời giáo huấn của Hội Thánh, bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cho thế hệ con cháu. Thông điệp viết:

Sự ô nhiễm, rác rưởi và văn hóa loại trừ

20. Có nhiều hình thức ô nhiễm gây tai hại từng ngày cho con người. Những chất gây nguy hại được tung vào không khí, minh chứng một loạt tác hại trên sức khỏe – đặc biệt cho những người nghèo nhất – đưa đến hàng triệu trường hợp chết chóc rất sớm. Những con người này bị bệnh, tỉ như vì phải thở bụi khói ở mức độ cao của những chất liệu bị đốt cháy, được sử dụng để nấu nướng hay sưởi ấm. Thêm nữa, sự ô nhiễm gây tai hại cho tất cả do các phương tiện giao thông hay do khí thải công nghiệp, do chôn cất những chất liệu gây axít hóa đất đai cũng như nguồn nước, do phân bón, tiêu diệt côn trùng, diệt nấm, diệt cỏ và nói chung là các hóa chất nông nghiệp độc hại. Một thứ kỹ thuật gắn liền với tài chính, cho rằng đây là cách giải quyết duy nhất, trong thực tế, không có khả năng nhìn thấy điều thâm sâu của các liên hệ đa dạng, giữa mọi thứ, và vì thế đôi khi một vấn đề lại tạo nên vấn đề khác.

21. Chúng ta phải nhìn vào sự ô nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bả nguy hiểm có mặt trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hàng trăm triệu tấn rác thải được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học : rác thải trong gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái đất của chúng ta, càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ. Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những cách đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Cũng như rác thải công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại cho một nơi thấp hơn. Thường người ta cũng phải đo lường mức độ hậu quả trên sức khỏe con người không còn có thể đảo ngược lại được.

22. Những vấn đề này kết chặt với thứ văn hóa đào thải (Wegwerfkultur – la culture du déchet) ảnh hưởng đến những con người bị loại thành rác rưởi. Tỉ như chúng ta ý thức một phần lớn giấy tờ được sản xuất, bị phung phí và không còn giá trị gì nữa. Thật cũng khó cho chúng ta khi phải suy nghĩ các phận vụ của hệ thống sinh thái như mô mẫu : cây cỏ tổng hợp những chất lương thực cho loài ăn cỏ ; loài này đến phiên mình cũng làm như thế cho loài ăn thịt, loài này sản xuất ra một số cặn bả hữu cơ, giúp cho cây cỏ lớn lên. Ngược lại hệ thống công nghiệp vào cuối chu kỳ sản xuất và tiêu thụ không có khả năng hòa nhập và tạo lại giá trị cho cặn bả và rác thải. Người ta cũng không thể bảo đảm trong chu kỳ sản xuất đảm bảo được tài nguyên cho mọi người và cho những thế hệ tương lai và giả thiết phải ngăn chận tối đa việc sử dụng tài nguyên, gia tăng tính hữu dụng các khám phá, tái sử dụng và quay vòng chu kỳ. Đối mặt với vấn nạn này sẽ là con đường đối mặt với thứ văn hóa đào thải, cuối cùng gây tai họa cho cả hành tinh chung. Chúng ta xác định, phát triển theo nghĩa này sẽ rất thấp.

Khí hậu là tài sản chung

23. Khí hậu là tài sản chung của mọi người và cho mọi người. Trên bình diện toàn cầu, đó là một hệ thống phức tạp, liên hệ thật cơ bản đến cuộc sống con người. Có một sự nhất trí cao dựa theo khoa học, để xác nhận rằng hệ thống khí hậu của chúng ta đang bị đun nóng gây nhiều lo lắng. Trong những thập niên cuối cùng, việc đun nóng này làm mặt nước biển liên tục dâng cao cũng liên kết việc gia tăng sự biến động khí hậu cực đoan, ngoài ra, người ta không thể gán nguyên nhân khoa học cho từng hiện tượng xác định. Nhân loại được kêu gọi phải ý thức, cần thực hiện sự thay đổi lối sống, sản xuất và tiêu thụ, để chống lại việc đun nóng hay những nguyên nhân do con người đã gây nên hay làm gia tăng. Thật vậy, còn nhiều động lực khác (như núi lửa, sự thay đổi qui trình chuyển động của trái đất và trục trái đất, chu kỳ mặt trời), nhiều tham luận khoa học cho thấy, phần lớn việc đun nóng toàn cầu trong thập niên cuối, đều dẫn đến sự tập trung các khí thải (thán khí, mê-tan, ôxít nitrogen và nhiều loại khí khác) do hoạt động của con người thải ra.. Nếu chúng cứ tập trung vào bầu khí quyển, sẽ ngăn chận sức nóng của các tia mặt trời phản chiếu trên mặt đất, không đi vào không gian được. Điều này còn do việc gia tăng cách thức phát triển dựa trên việc sử dụng tối đa các tài nguyên trong lòng đất, để gia tăng hệ thống năng lượng toàn cầu. Việc sử dụng đất đai, nhất là nạn phá rừng vì mục đích nông nghiệp, cũng tạo nên sự thay đổi này.

24. Đến lượt mình, việc đun nóng ảnh hưởng đến chu kỳ của thán khí. Do đó tạo nên một vòng ma quái, tiếp tục làm cho hoàn cảnh trầm trọng thêm, gây ảnh hưởng trên việc sử dụng tài nguyên tất yếu như nước uống, năng lượng và sản phẩm nông nghiệp trong những vùng thật nóng và làm mất đi một phần lớn sự đa dạng sinh học của hành tinh. Qua việc tan chảy các tảng băng ở các cực và ở những vùng núi cao gây việc thải khí mêtan ở mức độ cao, và tan rã các chất liệu cơ học đông lạnh có thể nâng cao việc dâng trào thán khí điôxít. Việc biến mất các rừng nguyên sinh nhiệt đới đến phiên mình cũng làm xấu đi tình trạng này, vì chúng giúp điều độ việc biến đổi khí hậu. Việc ô nhiễm do thán khí điôxít sẽ làm thêm độ axít hóa các đại dương, gây nguy hại cho chuỗi lương thực trên biển. Nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, thế kỷ này sẽ chứng kiến không những sự biến đổi khí hậu và sự tàn phá vô tiền khoáng hâu hệ thống môi sinh, đưa đến nhiều hậu quả năng nề cho chúng ta. Tỉ như việc mặt nước biển dâng cao, có thể tạo những hoàn cảnh nặng nề nhất, nếu người ta suy nghĩ đến một phần tư dân chúng sống trực tiếp hay gần biển và một số đông các thành phố lớn ven biển.

25. Việc thay đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu với phương diện môi trường trầm trọng về những chiều kích xã hội, kinh tế, phân phối và chính trị ; nó đưa ra một thách đố quan trọng nhất trong hiện tại cho nhân loại. Những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra trong những thập niên tới nơi những nước phát triển. Nhiều người nghèo sống trong những vùng mà những hiện tượng này xảy đến, liên kết với việc biến đổi khí hậu và các phương tiện để bảo đảm cuộc sống của họ gắn chặt vào những tài nguyên tự nhiên và những chuyển biến sinh thái như nông nghiệp, ngư nghiệp và nguồn lợi từ rừng. Họ không có những hoạt động tài chính và những tài nguyên khác, giúp họ vượt qua ảnh hưởng của khí hậu hay tai họa, họ cũng khó tiếp cận đến chương trình xã hội và bảo vệ. Những thay đổi khí hậu cũng tạo nên, tỉ như, việc di tản thú vật và cây cối, không còn khả năng thích ứng và như thế cũng gây tác hại cho nguồn sản xuất của người nghèo nhất, là những người cũng cần đến di tản, thật bất định khi nhìn đến tương lai và con cái của họ. Việc gia tăng người di tản thật thương đau, họ phải trốn chạy trước khốn khổ, do việc tàn phá môi trường càng ngày càng tệ hại hơn, và những người chạy trốn này không được công nhận là người di tản, họ phải gánh cuộc sống trong sự bị bỏ rơi không có chút che chở nào theo pháp lý. Buồn thay, có một sự dửng dưng trước sự bi đát này đang diễn ra trên những phần xác định của thế giới. Sự thiếu sót về mặt phản ứng trước bi kịch này của anh em, chị em của chúng ta là một dấu chỉ đánh mất cảm nghiệm về trách nhiệm với tha nhân, mà xã hội phải được xây dựng dựa vào đó.

26. Rất đông người nắm nhiều tài nguyên, quyền lực tài chính và chính trị, xem ra chỉ muốn tập trung vào việc che đậy vấn đề hay giấu nhẹm các hiện tượng, họ cố tìm cách đúc kết vào vài hậu quả tiêu cực của việc biến đổi khí hậu. Nhiều hiện tượng cho thấy, các hậu quả càng ngày càng xấu hơn, nếu chúng ta cứ chạy theo cách sản xuất và thói quen tiêu thụ. Vì thế điều khẩn cấp là phải triển khai chương trình chính trị, để trong các năm tới giảm bớt việc thải chất thán khí điôxít và những khí thải độc hại, tỉ như thay thế việc đốt các chất liệu năng lượng và phát triển nguồn năng lực có thể tái chế. Trong thế giới, năng lượng sạch và có thể tái chế còn rất ít. Cần phải phát triển kỹ thuật tương xứng để cung cấp. Dù vậy, một số nước đã bắt đầu có những tiến bộ, nhưng vẫn còn xa khi muốn đạt tới trình độ đầy đủ. Cũng có vài đầu tư trong cách sản xuất và chuyên chở, sử dụng ít năng lương và chất liệu thô, như trong việc xây dựng hay tu bổ nhà cửa để tạo hiệu quả cho việc sử dụng năng lượng. Nhưng những thực hành tốt đẹp này vẫn chưa được phổ biến.

Nước

28. Nước sạch là một vấn đề mang ý nghĩa hàng đầu, vì đó là điều tất yếu cho đời sống con người và gìn giữ hệ sinh thái của trái đất và nước. Những nguồn nước ngọt cần cho lãnh vực sức khỏe, đất đai nông nghiệp và kỹ nghệ, Trong một thời gian dài, việc dự trữ nước tương đối ổn định, hiện tại rất nhiều nơi phải đặt vấn đề vì vượt quá sự dự trữ, đưa đến những hậu quả nặng nề trong thời gian ngắn cũng như dài hạn. Nhiều thành phố lớn, cần đến những khối nước lớn để sử dụng, cũng phải đau khổ vì sự cạn kiệt nguồn nước, không đủ xài trong thời gian khủng hoảng. Việc thiếu nước diễn ra đặc biệt tại Phi Châu, nơi phần đông dân số không thể tiếp cận với nước uống hay phải chịu đựng những thời gian hạn hán, gây khó khăn cho việc sản xuất lương thực. Trong nhiều quốc gia, có nước dư thừa nhưng đồng thời lại có những quốc gia thiếu nước trầm trọng.

29. Một vấn đề đặc biệt trầm trọng, đó là hằng ngày có quá nhiều người chết, chính là do phẩm chất nước mà dân nghèo sử dụng. Các bệnh tật từ nước là do các vi khuẩn và những chất hóa học gây nên. Tiêu chảy và bệnh dịch tả liên kết với công tác vệ sinh không đầy đủ và tiêu thụ nước không được sạch, đó là động cơ rõ ràng đưa đến đau khổ của các em bé, phải bị chết sớm. Các mạch nước ngầm ở nhiều nơi bị ô nhiễm do các hoạt động tạo cặn bả do nông nghiệp và công nghiệp, nhất là trong những vùng đất không có luật lệ và kiểm soát đủ. Chúng ta không chỉ nghĩ đến rác thài của các xí nghiệp. Các thứ thuốc giặt và sản phẩm hóa chất mà dân chúng sử dụng nhiều nơi trên thế giới, trút đổ vào các dòng sông, ao hồ và biển cả.

30. Trong khi phẩm chất nước được sử dụng ngày càng thêm dơ bẩn, nhiều nơi có xu hướng tư hữu hóa nguồn nước có hạn này; đến độ nước trở thành nguồn hàng hóa và phải chịu luật thị trường. Trong thực tế, tiếp cận nước uống được bảo đảm là quyền nền tảng và phổ quát của con người, vì nó giúp cho con người được tồn tại và đó là điều tất yếu cho việc thực hiện quyền con người. Thế giới này mang một tội lớn lao đối với người nghèo vì không cho họ tiếp cận nguồn nước uống, điều này có nghĩa là họ bị cướp đi quyền sống, đó là quyền nền tảng cho phẩm giá bất biến của họ. Lỗi lầm này phần lớn là do việc sử dụng tài chính quá ít để chăm sóc đám dân nghèo khổ nhất đủ nước uống và vệ sinh. Thêm nữa, việc phung phí nước không những trong các nước công nghiệp, nhưng ngay trong các quốc gia đang phát triển, có được nguồn dự trữ. Điều này cho thấy, vấn đề nước uống một phần cũng là do vấn đề giáo dục và vấn đề văn hóa, vì thiếu ý thức sự trầm trọng trong thái độ liên hệ bất bình đẳng.

Mong sao những lời giáo huấn của các vị mục tử Hội Thánh được lắng nghe và thi hành, để mọi người góp phần làm cho môi trường sống bớt đi ô nhiễm, trả lại công trình sáng tạo tốt đẹp ban đầu Chúa ban cho nhân loại. Ước gì mọi người luôn có không khí sạch, nước sạch, cây trái sạch, thực phẩm sạch, năng lượng sạch… nhờ biết sống theo hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu, yêu thương nhau trong lao động sản xuất và tiêu thụ, vừa canh tác vừa chăm sóc trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại.

Cù Mi, ngày 01/09/2022
Lm. Phêrô Nguyễn Hữu Duy

PDF

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây