Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa

Chủ nhật - 14/06/2020 11:26

Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa

Đức Thánh cha chủ sự thánh lễ kính Mình Máu Thánh Chúa | Vatican Media

Sáng Chúa nhật 14/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại đền thờ thánh Phêrô, nhân lễ kính Mình Máu Thánh Chúa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Tham dự thánh lễ Đức Thánh cha cử hành, lúc gần 9 giờ 45 phút tại bàn thờ Ngai tòa, phía đầu đền thờ thánh Phêrô từ dưới nhìn lên, chỉ có bảy đức ông trong ban nghi lễ phụng vụ của Đức Giáo hoàng, một số người giúp lễ, và khoảng 50 tín hữu, cùng với Đức Hồng y Angelo Comastri, Giám quản đền thờ thánh Phêrô và vị đại biểu, là Đức cha Lanzani. Ngoài ra, cũng có ca đoàn Sistina thu hẹp của Tòa Thánh, với 12 nam ca viên.

Thánh lễ được trực tiếp truyền đi qua các phương tiện truyền thông của Vatican và các đài truyền hình khác.

Bài giảng của Đức Thánh cha

Trong bài giảng, Đức Thánh cha nhấn mạnh ý nghĩa thánh lễ như lễ tưởng niệm Chúa Giêsu Kitô, cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa, đồng thời ngài cũng nói đến công hiệu của thánh lễ chữa lành ký ức mồ côi, ký ức tiêu cực và ký ức khép kín của chúng ta.

Đức Thánh cha nhắc lại lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ trong bữa Tiệc ly, sau khi lập phép Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24). “Các con hãy làm”: Thánh lễ không phải chỉ là một kỷ niệm, nhưng là một sự việc: là Lễ Vượt Qua của Chúa, Đấng sống lại vì chúng ta. Trong thánh lễ, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu ở trước mắt chúng ta. “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”: các con hãy tập họp nhau và trong tư cách là cộng đoàn, là dân Chúa, các con hãy cử hành thánh lễ để nhớ đến Thầy. Chúng ta không thể từ khước việc cử hành này, đó là lễ tưởng niệm Thiên Chúa, và lễ này chữa lành ký ức bị thương tổn của chúng ta”.

Đề cập đến công hiệu thứ nhất của thánh lễ, Đức Thánh cha nói: “Thánh lễ chữa lành ký ức mồ côi của chúng ta. Bao nhiêu người có ký ức ghi đậm sự thiếu tình yêu thương và những thất vọng nặng nề về những người, lẽ ra phải trao ban tình thương, nhưng trái lại đã làm cho con tim bị mồ côi. Có lẽ, ta muốn lui trở lại và thay đổi quá khứ mà không được. Nhưng Thiên Chúa có thể chữa lành những vết thương ấy, bằng cách đặt vào trong ký ức chúng ta một tình yêu lớn hơn, đó là tình thương của Ngài. Thánh Thể mang lại cho chúng ta tình yêu trung tín của Chúa Cha, chữa lành tình trạng mồ côi của chúng ta, ban cho chúng ta tình thương của Chúa Giêsu, Đấng biến ngôi mộ, từ một điểm tới thành điểm khởi hành, đồng thời có thể lật ngược cuộc sống của chúng ta, làm cho chúng ta tràn đầy tình thương của Chúa Thánh Linh, Đấng an ủi, vì Ngài không bao giờ để chúng ta đơn độc, và chữa lành các vết thương.”

Tiếp đến, qua thánh lễ, Chúa cũng chữa lành ký ức tiêu cực của chúng ta, ký ức làm cho chúng ta luôn nhớ lại những gì không ổn và để lại trong đầu óc chúng ta ý tưởng buồn sầu, nghĩ rằng mình chẳng có giá trị gì, và chỉ sai lỗi.

Chúa Giêsu đến nói với chúng ta rằng không phải như vậy. Chúa hài lòng trở nên thân mật với chúng ta, và mỗi lần chúng ta đón nhận Ngài, Ngài nhắc nhở chúng ta thật là những người quí giá: chúng ta là những người được mời dự tiệc với Ngài, là thực khách mà Ngài mong muốn. Không phải chỉ vì Ngài quảng đại, nhưng vì Ngài thực sự yêu thương chúng ta: Ngài thấy và yêu mến điều đẹp và điều tốt là chúng ta. Chúa biết rằng sự ác và tội lỗi không phải là căn tính của chúng ta, đó là những bệnh tật, những lây nhiễm. Chúa đến để chữa lành các bệnh tật của chúng ta bằng thánh lễ, có chứa đựng những kháng thể cho ký ức chúng ta bị bệnh hoạn vì những gì tiêu cực. Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể được miễn nhiễm đối với sầu muộn. Có lẽ, chúng ta luôn có trước mắt những sa ngã, cơ cực, những vấn đề ở nhà và nơi làm việc, những giấc mơ không thành tựu. Nhưng sức nặng của chúng không đè bẹp chúng ta, vì ở trong sâu thẳm, có Chúa Giêsu khích lệ chúng ta bằng tình thương của Ngài. Đó chính là sức mạnh của thánh lễ, biến chúng ta thành những người mang Thiên Chúa: mang niềm vui chứ không mang tiêu cực.

Sau cùng, thánh lễ chữa lành ký ức khép kín của chúng ta. Những vết thương kềm hãm chúng ta trong nội tâm, không những gây ra các vấn đề cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho những người khác nữa. Những vết thương ấy làm cho chúng ta nhát sợ và nghi ngờ. Chúng làm cho chúng ta phản ứng đối với người khác qua thái độ thiếu quan tâm và kiêu căng, tưởng rằng làm như thế chúng ta có thể kiểm soát được tình thế. Nhưng đó là một sự lường gạt, vì chỉ có tình thương mới có thể chữa trị tận gốc sự sợ hãi và giải thoát khỏi những khép kín cầm hãm chúng ta. Chúa Giêsu làm như vậy khi đến gặp gỡ chúng ta trong sự dịu dàng, trong sự mong manh lạ lùng của Bánh Thánh; đó là điều Chúa Giêsu làm, Ngài là bánh được bẻ ra để phá vỡ những cái vỏ ích kỷ của chúng ta. Chúa hiến thân để nói với chúng ta rằng chỉ khi nào cởi mở, chúng ta mới có thể được giải tỏa trong nội tâm, khỏi tình trạng tê liệt của tâm hồn. Khi hiến mình cho chúng ta như bánh, Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng phí phạm cuộc sống, qua sự theo đuổi hàng ngàn điều vô ích gây ra sự lệ thuộc, nghiện ngập, khiến cho tâm hồn trống rỗng. Thánh lễ dập tắt trong chúng ta cái đói khát sự vật và thắp lên ước muốn phục vụ. Thánh lễ nâng chúng ta khỏi tình trạng an cư thoải mái, nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta không phải chỉ là những miệng ăn cần thỏa mãn, nhưng chúng ta còn là những đôi tay để làm cho tha nhân khỏi đói. Điều cấp thiết bây giờ là chăm sóc những người đang đói lương thực và đói phẩm giá, những người không có công ăn việc làm và khó lòng tiến bước...”

Và Đức Thánh cha kết luận rằng: “Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiếp tục cử hành Lễ Tưởng Niệm chữa lành ký ức của chúng ta, đó là thánh lễ. Đó là kho tàng cần được đặt lên vị trí thứ nhất trong Giáo hội và trong cuộc sống. Và đồng thời, chúng ta hãy tái khám phá việc Chầu Thánh Thể, nối dài trong chúng ta công trình của thánh lễ, mang lại cho chúng ta điều tốt lành, chữa lành chúng ta từ trong nội tâm. Nhất là bây giờ chúng ta đang thực sự cần được như vậy”.

Thánh lễ kết thúc lúc gần 11 giờ, và Đức Thánh cha cùng với cộng đoàn Chầu Mình Thánh Chúa trong 15 phút, trước khi ngài ban Phép Lành Thánh Thể cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây