Đức Thánh cha: Chiến đấu với Thiên Chúa, một ẩn dụ về sự cầu nguyện

Thứ tư - 10/06/2020 10:56

Đức Thánh cha: Chiến đấu với Thiên Chúa, một ẩn dụ về sự cầu nguyện

Đức Thánh cha Phanxicô tiếp kiến trực tuyến từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa. | Vatican Media

Sáng thứ Tư, 10/6/2020, Đức Thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến trực tuyến lần thứ 14, từ thư viện Giáo hoàng trong dinh tông tòa.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Sự đi lại giữa các nước Âu châu và trên thế giới vẫn còn bị hạn chế, nên Roma vẫn chưa có các du khách và tín hữu hành hương.

Như những tuần qua, tại nơi tiếp kiến chỉ có tám linh mục thuộc phủ Quốc Vụ Khanh thông dịch viên và hai giám chức phụ giúp Đức Thánh cha, cũng như một vài nhân viên kỹ thuật thu hình.

Mở đầu là phần tôn vinh Lời Chúa, qua đoạn sách trích từ đoạn 32 sách Sáng thế (32,25-30), kể lại cuộc chiến đấu suốt đêm của tổ phụ Giacob với một người lạ và cuộc đối thoại với người ấy. Giacob được người lạ đổi tên thành Israel và chúc lành cho ông.

Huấn dụ của Đức Thánh cha

Tiếp đến, Đức Thánh cha trình bày bài giáo lý thứ sáu về cầu nguyện, và diễn giải kinh nguyện của Tổ phụ Giacob. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục giáo lý về đề tài cầu nguyện. Sách Sáng thế, qua các sự kiện của những người nam nữ thời xưa, kể lại cho chúng ta những câu chuyện, trong đó chúng ta có thể thấy phản ánh cuộc sống của chúng ta. Trong chuyện các tổ phụ, chúng ta cũng thấy chuyện một người đã biến sự tinh ranh của mình thành một đặc tính nổi bật của ông, đó là ông Giacob. Trình thuật Kinh thánh kể lại tương quan khó khăn của ông với anh ruột là Esau. Ngay từ nhỏ, giữa hai người đã có sự cạnh tranh nhau, và sẽ không bao giờ khắc phục được sau đó. Giacob là con thứ, - em sinh đôi - nhưng ông đã đánh lừa và làm cho cha là Isaac chúc lành cho mình, phúc lành vốn được dành cho con trưởng (Xc St 265,19-34). Vụ ấy chỉ là một thủ đoạn đầu tiên trong một loạt những mánh khóe, mà người tinh quái này có thể làm.

Sự tích Giacob, người luôn thành công

Bị buộc lòng phải trốn chạy anh ruột, trong cuộc sống, dường như Giacob đạt được mọi thành công trong các toan tính. Ông khéo léo trong công việc làm ăn, trở nên rất giàu có, sở hữu một đoàn vật rất lớn. Với sự kiên trì và nhẫn nại, ông cưới được người đẹp nhất trong các con gái của ông Lbano, mà ông say mê. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, Giacob là người “tự xoay sở để thành đạt”, với sự khôn khéo, ông đạt được mọi sự ông mong muốn.

Giacob vật lộn với một nhân vật lạ

Một hôm, Giacob cảm thấy nhớ nhà, nhớ quê hương trước kia, nơi mà người anh là ông Esau còn sống ở đó, người anh mà ông có quan hệ rất khó khăn. Giacob lên đường, thực hiện một cuộc hành trình với đoàn xe đông đảo người và vật, cho đến giai đoạn chót là dòng suối Jabbok. Tại đây, sách Sáng thế cống hiến cho chúng ta một trang đáng ghi nhớ (Xc 32,23-33). Sách kể rằng tổ phụ, sau khi đưa tất cả đoàn người và đoàn vật của mình đi qua dòng nước, ông ở lại một mình bên bờ suối nơi xứ lạ. Và ông suy nghĩ: Ngày mai của mình sẽ ra sao? Ông sẽ có thái độ nào đối với anh Esau? Tâm trí của Giacob là một mớ các ý tưởng... Và trong khi trời sẩm tối, bất chợt một người lạ nắm lấy ông và vật lộn với ông. Sách Giáo lý giải thích rằng: “Truyền thống linh đạo của Giáo hội nhìn thấy trong trình thuật này biểu tượng của sự cầu nguyện như một cuộc chiến đấu đức tin và chiến thắng của sự kiên trì” (SGL 2573).

Giacob đã chiến đấu suốt đêm, không hề thả đối thủ ra. Sau cùng ông bị thua, bị đối thủ đánh vào thần kinh tọa, và từ đó ông bị khập khiễng suốt đời. Người đô vật huyền bí ấy hỏi tên của tổ phụ và nói: “Ngươi sẽ không mang tên là Giacob nữa, nhưng là Israel, vì ngươi đã chiến đấu với Thiên Chúa và với loài người, và đã chiến thắng!” (v.29). Bấy giờ, Giacob hỏi tên người kia: “Xin hãy tỏ cho tôi biết tên ông”. Người ấy không nói tên nhưng bù lại đã chúc lành cho Giacob. Và Giacob hiểu rằng mình đã gặp Thiên Chúa “diện đối diện” (Xc vv. 30-31).

Ý nghĩa cuộc chiến đấu của Giacob với Thiên Chúa

Chiến đấu với Thiên Chúa: một ẩn dụ về sự cầu nguyện. Những lần khác, Giacob tỏ ra có khả năng đối thoại với Thiên Chúa, nghe thấy Ngài như sự hiện diện thân hữu và gần gũi. Nhưng đêm hôm ấy, qua cuộc chiến kéo dài và Giacob hầu như ngã quỵ, ông thay đổi. Thay đổi tên, thay đổi lối sống, thay đổi nhân cách. Lần đầu tiên, ông không còn làm chủ tình thế nữa, - sự tinh ranh của ông không hữu ích nữa - không còn là con người chiến lược và tính toán nữa; Thiên Chúa đã đưa ông trở lại thực tại hay chết, run rẩy và sợ hãi. Lần đầu tiên Giacob không có gì khác để trình bày với Thiên Chúa ngoài sự yếu ớt và bất lực của mình. Và chính Giacob này nhận được phúc lành từ Thiên Chúa, và với phúc lành ấy, ông khập khiễng bước vào đất hứa: dễ tổn thương và bị thương, nhưng với một con tim mới mẻ.

Có lần, tôi nghe nói về một cụ già, một tín hữu Kitô tốt lành, nhưng là người có tội! - Ông rất tín thác nơi Thiên Chúa. Ông nói: “Thiên Chúa sẽ giúp tôi; Ngài sẽ không để tôi một mình. Tôi sẽ vào thiên đàng, đi khập khiễng, nhưng tôi sẽ vào”. Trước kia ông là người tự tin, tin tưởng nơi khả năng xảo quyệt của mình. Trước kia, ông là người không thấm nhiễm ơn thánh, không cảm nghiệm được lòng thương xót. Nhưng Thiên Chúa đã cứu vớt những gì đã bị hư mất.

Áp dụng vào đời sống tín hữu

Đức Thánh cha nhận xét rằng:

“Tất cả chúng ta cũng có một cuộc hẹn trong đêm với Thiên Chúa. Ngài bất chợt đến với chúng ta trong lúc chúng ta không ngờ, trong đó chúng ta thấy mình thực sự lẻ loi. Trong cùng đêm ấy, khi chiến đấu chống người lạ, chúng ta sẽ ý thức mình chỉ là một người đáng thương. Nhưng chính lúc ấy, chúng ta sẽ không phải sợ: vì trong lúc ấy Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta một tên mới, chứa đựng ý nghĩa trọn cuộc sống của chúng ta, và Ngài sẽ ban cho chúng ta phúc lành được dành cho người để cho Ngài thay đổi. Đó là một lời mời gọi tốt đẹp: chúng ta hãy để Chúa thay đổi chúng ta. Chúa biết cách làm thế nào, vì Chúa biết mỗi người chúng ta.

Chào thăm các tín hữu

Sau bài huấn dụ bằng tiếng Ý trên đây, tám linh mục lần lượt tóm tắt bài huấn giáo và những lời chào thăm của Đức Thánh cha qua các sinh ngữ khác nhau.

Bằng tiếng Ba Lan, Đức Thánh cha nói: “Tháng Sáu là tháng dành để kính Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu, là tháng rất được biệt kính nơi anh chị em. Chúng ta có thể phó thác cho Trái Tim Chúa, đầy an bình và yêu thương, tất cả những lo âu trong tâm hồn chúng ta và cả tình yêu bất toàn của chúng ta nữa. Từ Trái Tim Chúa Cứu Thế bị đâm thâu qua, có chảy ra cho toàn nhân loại nguồn suối mọi an ủi và đại dương Lòng Chúa Thương Xót. Xin Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng, làm cho trái tim chúng ta được nên giống Trái Tim Chúa! Tôi chân thành chúc lành cho anh chị em”.

Sau cùng ngỏ lời chào các tín hữu nói tiếng Ý, Đức Thánh cha nói: “Ngày mai là lễ kính Mình Máu Thánh Chúa. Năm nay không thể cử hành thánh lễ với cuộc rước công cộng, nhưng chúng ta có thể thực hiện “một đời sống Thánh Thể”. Bánh được truyền phép gồm tóm con người của Chúa Kitô; chúng ta được kêu gọi tìm kiếm Chúa trước Nhà Tạm trong thánh đường, nhưng cả trong những nhà tạm là những người rốt cùng, những người đau khổ, những người đơn độc và nghèo túng.

Đức Thánh cha nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến những người già, các bạn trẻ, các bệnh nhân và các đôi tân hôn. Tôi nhắn nhủ tất cả hãy tìm thấy nơi Thánh Thể nghị lực cần thiết để sống những lúc khó khăn với lòng can đảm theo tinh thần Kitô. Tôi thành tâm ban phép lành cho anh chị em!

Buổi tiếp kiến trực tuyến kết thúc với kinh Lạy Cha và phép lành Tòa Thánh của Đức Thánh cha cho mọi người.

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây