G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican
Sau khi dùng bữa trưa và nghỉ ngơi tại tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Sofia, Đức Thánh Cha đã đến vào lúc gần 4 giờ rưỡi chiều, và dùng xe bọc kiếng tiến tại Quảng trường Knayaz Alexandar I ở trung tâm thủ đô Sofia lúc gần 4 giờ rưỡi chiều. Alexandar là vua đầu tiên của Bulgari tân thời từ năm 1879.
Tại Quảng trường ngài dùng xe bọc kiếng tiến qua các lối đi để chào thăm các tín hữu tụ tập tại đây.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có tất cả 3 giám mục Bulgari, cùng với các hồng y và giám mục thuộc đoàn tùy tùng của ngài và hàng chục linh mục, trước sự hiện diện của hơn 10 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng Thánh Lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Gioan đoạn 21 (1-19) thuật lại cuộc hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh với các môn đệ, giữa lúc các ông thất vọng, trở về với công việc chài lưới như trước đây. Đức Thánh Cha nhận xét:
“Chúa đến và ngài gọi đích danh ông Simon (v.15). “Chúa không chờ đợi những hoàn cảnh hoàn toàn thuận lợi hoặc khi tâm trí con người hoàn hảo: Ngài tạo nên những hoàn cảnh thích hợp. Chúa không chờ đợi gặp gỡ những người không có vấn đề, không thất vọng, không tội lỗi hoặc giới hạn. Chính Ngài đương đầu với tội lỗi và thất vọng để khích lệ mọi người hãy hiên trì. Anh chị em thân mến, Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc kêu gọi chúng ta. Ngài chính là quyền năng của một Tình Thương đảo lộn mọi chờ mong và luôn sẵn sàng bắt đầu lại. Trong Đức Giêsu, Thiên Chúa luôn cống hiến cho chúng ta một cơ may khác. Ngài mời gọi chúng ta, ngày qua ngày, hãy đào sâu tình yêu của chúng ta đối với Ngài và hãy hồi sinh nhờ sự mới mẻ vĩnh cửu của Ngài... Nếu chúng ta chào đón Chúa, chúng ta sẽ tiến lên cao hơn và có thể đạt tới một tương lai sáng lạn hơn, không phải như một khả thể, nhưng như một thực tại. Khi tiếng gọi của Chúa hướng dẫn cuộc sống chúng ta, thì tâm hồn chúng ta sẽ tăng trưởng trẻ trung.
Ý tưởng thứ hai Đức Thánh Cha trình bày là: Thiên Chúa gây ngạc nhiên. Ngài là Chúa gây những điều ngạc nhiên. Không những Chúa mời gọi chúng ta hãy ngạc nhiên, nhưng còn thực hiện những điều gây ngạc nhiên. Chúa gọi các môn đệ, và khi thấy lưới của họ trống rỗng, Ngài bảo họ làm một điều khác lạ là đánh cá ban ngày, một điều khác thường trên hồ ấy. Chúa hồi sinh lòng tín thác của họ bằng cách thúc giục họ một lần nữa hãy liều, đừng từ khước ai hoặc điều gì. Ngài là Chúa của ngạc nhiên, đã phá đổ những hàng rào làm tê liệt bằng cách làm cho chúng ta tràn đầy can đảm để vượt thắng nghi ngờ, vượt thắng sự thiếu tín nhiệm và sợ hãi, rất thường đánh lừa đàng sau lý luận “Chúng tôi vẫn luôn làm như thế”.
Và ý tưởng thứ ba được Đức Thánh Cha khai triển trong bài giảng là Thiên Chúa yêu thương. Tình yêu là ngôn ngữ của Chúa, vì Thiên Chúa yêu thương... Chúa hỏi Phêrô “Con có mến Thầy không?” và Phêrô luôn thưa có. Sau bao nhiêu thời gian ở với Chúa, nay Phêrô hiểu rằng yêu thương có nghĩa là ngừng đặt mình ở trung tâm. Nay Phêrô để Chúa là khởi điểm, chứ không phải bản thân mình. Ông nói: “Thầy biết mọi sự” (Ga 21,18). Phêrô nhìn nhận yếu đuối của mình và ý thức rằng mình không thể tự đạt tiến bộ.
Đức Thánh cha nói: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta: và đó chính là nguồn sức mạnh của chúng ta và chúng ta được yêu cầu tái khẳng định điều đó mỗi ngày. Là Kitô hữu, có nghĩa là được mời gọi ý thức rằng tình thương của Thiên Chúa lớn hơn những thiếu sót và tội lỗi của chúng ta.”
Theo cùng ý hướng trên đây, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu hãy làm chứng về tình thương của Chúa Kitô, một tình yêu soi sáng và hướng dẫn chúng ta tranh đấu cho công ích, làm cho chúng ta có khả năng phục vụ người nghèo và trở thành những người giữ vai chính trong cuộc cách mạng bác ái và phục vụ, có thể chống lại những bệnh hoạn duy tiêu thục và cá nhân chủ nghĩa hời hợt.
Trong lời cám ơn Đức Thánh Cha vào cuối thánh lễ, Đức Cha Christo Proykov, Đại diện tông tòa Sofia của các tín hữu Công Giáo nghi lễ Đông phương, kiêm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Bulgari, đã nhân danh Giáo Hội Công Giáo địa phương tặng Đức Thánh Cha bức ảnh vẽ trên gỗ diễn tả Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Bức ảnh này đến từ thành Nesebar mà Đức Tổng giám mục Roncalli, Khâm Sứ Tòa Thánh tại Bulgari, sau này là thánh Gioan 23 Giáo Hoàng, luôn mang theo mình. Đức Cha Proykov kể lại: “Thánh Giáo Hoàng Roncalli, trước khi rời Bulgari, đã thay thế hiệu tòa giám mục của ngài bằng tên thành phố Nesebar và giữ lại hiệu tòa này cho đến khi được bổ nhiệm làm Thượng Phụ thành Venezia ở Italia”.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn