G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican
Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ lúc 11 giờ sáng Chúa nhật 05/05/2019 tại Quảng trường Atans Burov ở thủ đô Sofia của Bulgari với Tổng thống, thủ tướng và hàng trăm nhân vật gồm các quan chức chính quyền, các đại diện xã hội dân sự và ngoại giao đoàn đã có mặt để gặp gỡ vị quốc khách vào lúc 11 giờ rưỡi.
Lên tiếng sau lời chào mừng của Tổng thống Radev, Đức Thánh Cha bày tỏ vui mừng được đến quốc gia này, là nơi gặp gỡ giữa các nền văn hóa và văn minh, là cây cầu nối liền giữa Đông và Nam Âu, một cánh cửa mở hướng về Trung Đông và là lãnh thổ có những cội rễ Kitô lâu đời, nuôi dưỡng ơn gọi của Bulgari là thăng tiến cuộc gặp gỡ trong vùng cũng như giữa cộng đồng quốc tế. Tại đây, sự khác biệt, đi kèm với lòng tôn trọng những căn tính khác nhau, là nguồn phong phú, chứ không phải là nguồn mạch gây ra xung đột.
Sau khi chào thăm chính quyền Bulgari và mọi người hiện diện, cũng như đại diện các cộng đồng tôn giáo khác, Đức Thánh Cha tái khẳng định xác tín mạnh mẽ theo đó những giáo huấn chân chính của các tôn giáo mời gọi chúng ta tiếp tục bám rễ sâu trong các giá trị hòa bình, bảo vệ các giá trị cảm thông nhau, tình huynh đệ giữa con người và sự sống chung hòa bình. Ngài nói:
“Chúng ta hãy tận dụng lòng hiếu khách của nhân dân Bulgari, để mỗi tôn giáo, vốn được kêu gọi thăng tiến hòa hợp và đồng thuận, có thể góp phần làm tăng trưởng một nền văn hóa và một môi trường hoàn toàn tôn trọng con người với phẩm giá của họ, bằng cách thiết lập những mối liên kết sinh tử giữa các nền văn minh, những nhạy cảm và truyền thống, và bằng cách loại bỏ mọi hình thức bạo lực và cưỡng bách. Như thế, những người tìm mọi cách lèo lái và khai thác tôn giáo sẽ bị đánh bại”.
Đức Thánh Cha cũng nhắc đến cuộc viếng thăm của thánh Gioan Phaolô 2 Giáo Hoàng tại Bulgari hồi tháng 5 năm 2002 và gợi lại những ký ức thật đẹp của Đức Tổng giám mục Angelo Giuseppe Roncalli, Khâm sứ Tòa Thánh tại thành Sofia này. Người không ngừng bày tỏ lòng biết ơn và quí chuộng đối với đất nước của quí vị, đến độ có lần ngài đã nói, dù điều gì xảy ra địa nước, nhà của Người luôn mở rộng đối với mọi người, Công Giáo cũng như Chính Thống, đến từ Bulgari như một người anh, chị, em (Bài giảng 25-12-1934).
Cũng trong bài diễn văn đầu tiên, Đức Thánh Cha đề cao sự nghiệp của hai thánh Cirillo và Metodio đã rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Slave và giúp phát triển ngôn ngữ, văn hóa và nhất là những thành quả dồi dào và lâu bền của việc làm chứng tá và sự thánh thiện Kitô giáo.
Đức Thánh Cha nhắc đến kỷ niệm 30 năm Bulgari được giải thoát khỏi chế độ độc tài, kìm kẹp tự do và các sáng kiến. Nhưng ngày nay, Bulgari đang phải đương đầu với hậu quả của tình trạng xuất cư trong những thập niên gần đây làm cho 2 triệu người dân nước này phải đi nơi khác để tìm công ăn việc làm. Đồng thời, hiện thời cũng như nhiều nước Âu Châu khác, Bulgari đang phải đương đầu với điều gọi là “mùa đông dân số”, như bức màn băng giá phủ xuống trên phần lớn Âu Châu, với hậu quả là người ta giảm lòng tín thác nơi tương lai. Sự giảm sút số sinh cùng với làn sóng xuất cư ồ ạt đã làm cho nhiều làng mạc và thành thị không còn dân chúng và bị bỏ hoang.
Ngoài ra Bulgari cũng phải đương đầu với hiện tượng những người vượt biên vì chiến tranh, xung đột và nghèo đói trầm trọng, trong toan tính tìm tới những vùng giàu có nhất Âu Châu, để tìm công ăn việc làm và nơi sinh sống an toàn.
Trước những tình trạng tên đây, Đức Thánh Cha khuyến khích nhân dân Bulgari tiếp tục những cố gắng từ nhiều năm nay, làm sao để người dân không cảm thấy phải xuất cư. Ngài nói: “Tôi khích lệ quí vị kiên trì trên con đường này, nỗ lực kiến tạo những điều kiện để người trẻ đầu tư những năng lực trẻ trung và hoạch định tương lai, trong tư cách cá nhân cũng như gia đình, vì biết rằng tại quê hương, họ có thể có được một cuộc sống xứng đáng”.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn