Đức Thánh Cha đề cao đóng góp của các tôn giáo cho phát triển lâu bền

Thứ sáu - 08/03/2019 18:10
Đức Thánh Cha tiếp kiến 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về sự đóng góp của các tôn giáo | Vatican Media

Đức Thánh Cha cổ võ một nền phát triển nhân bản toàn diện thay vì chỉ qui trọng tâm vào những khía cạnh kỹ thuật. Ngài đề cao sự đóng góp của các tôn giáo vào các mục tiêu phát triển dài hạn, đồng thời kêu gọi quan tâm đến các thổ dân bản xứ.


G. Trần Đức Anh, O.P. - Vatican

Đức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến 400 tham dự viên Hội nghị quốc tế về sự đóng góp của các tôn giáo cho các mục tiêu phát triển lâu bền, nhóm tại Vatican từ ngày 07/03 đến 09/03/2019 với sự tham dự của nhiều đại diện các tôn giáo như Kitô giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Ấn giáo và Phật giáo, cùng với nhiều đại diện cấp cao của các tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Hội nghị do Bộ Phục vụ Phát triển nhân bản toàn diện cùng với Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cùng tổ chức. Trong số các diễn giả tại 3 ngày hội nghị, có những nhân vật cấp cao như Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Ông Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Đức Thánh Cha phê bình quan niệm hẹp hòi về phát triển

Lên tiếng tại buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng vẫn còn có những người theo đuổi huyền thoại và cho rằng các vấn đề xã hội và môi sinh có thể giải quyết được chỉ nhờ áp dụng các kỹ thuật mới và không cần để ý tới những khía cạnh luân lý đạo đức và không cần những thay đổi sâu rộng.

Cổ võ lối tiếp cận toàn diện về phát triển

Đức Thánh Cha nói: “Một lối tiếp cận toàn diện dạy chúng ta rằng lập trường như vừa nói là không đúng... Những mục tiêu kinh tế và chính trị phải được các mục tiêu luân lý đạo đức nâng đỡ, và điều này đòi phải có một sự thay đổi thái độ, Kinh Thánh gọi là một sự thay đổi con tim”. Trong chiều hướng vừa nói, Đức Thánh Cha khẳng định rằng các tôn giáo có một vai trò quan trọng chu toàn. Để chuyển tiếp đúng đắn, tiến tới một tương lai lâu bền, cần nhìn nhận “những sai lầm, tội lỗi, tật xấu và những thờ ơ cẩu thả của mình”, cần hoán cải tâm hồn, thay đổi từ bên trong, để hòa giải với tha nhân, với thiên nhiên và với Đấng Tạo Hóa” (Laudato sí 219).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Nếu chúng ta muốn mang lại những nền tảng vững chắc cho chương trình cần phải làm cho đến năm 2030, chúng ta phải loại bỏ cám dỗ tìm kiếm câu trả lời hoàn toàn là kỹ thuật cho những thách đố, sẵn sàng đương đầu với những nguyên do sâu xa và những hậu quả dài hạn”. (Rei 8-3-2019)

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây