Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 16/10/2019

Thứ tư - 16/10/2019 06:54

Đức Thánh Cha tiếp kiến chung các tín hữu hành hương, 16/10/2019

Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung 16/10/2019 | Vatican Media

Lúc 9 giờ 15 sáng Thứ Tư ngày 16/10/2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng trường thánh Phêrô. Đa số tín hữu đến từ các giáo xứ ở Italia. Từ các nước khác, đặc biệt có đoàn 220 sĩ quan cấp cao, các nhà ngoại giao và quan chức dân sự thuộc Học viện quốc phòng của khối Nato ở Roma, một đoàn 1.200 học sinh từ các trường miền Brede ở Đức.


G. Trần Đức Anh, O.P.

Như thường lệ, buổi tiếp kiến bắt đầu với phần tôn vinh Lời Chúa, qua bài đọc sách Tông Đồ công vụ, đoạn 10 từ câu 34 đến câu 36, thuật lại lời thánh Phêrô xác quyết Thiên Chúa không thiên vị ai, Chúa đón nhận bất kỳ người nào kính sợ và thực hành công chính, bất luận họ thuộc qua gia dân tộc nào”.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài huấn giáo về sách Tông Đồ công vụ. Bài thứ 12 này có tựa đề là câu vừa nói của thánh Phêrô và “Thánh Linh được đổ tràn trên các dân ngoại”. Ngài nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Cuộc hành trình của Tin Mừng trên thế giới mà thánh Luca kể lại trong sách Tông Đồ công vụ, có kèm theo tinh thần sáng tạo tột đỉnh của Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ bằng nhiều cách thế lạ lùng. Chúa muốn rằng các con cái của Ngài vượt thắng mọi thái độ cục bộ, để cởi mở đối với chiều kích đại đồng của ơn cứu độ. Những người được tái sinh từ nước và Thánh Linh được kêu gọi hãy ra khỏi mình và cởi mở đối với tha nhân, sống tinh thần gần gũi, là một lối sống chung, biến đổi mọi tương quan giữa con người với nhau thành một kinh nghiệm về tình huynh đệ (Evangelium gaudium, 87).

Vai trò thánh Phêrô

“Chứng nhân về tiến trình “huynh đệ hóa” mà Chúa Thánh Linh muốn gài vào trong lịch sự, chính là thánh Phêrô, người giữ vai chính trong sách Tông Đồ công vụ cùng với thánh Phaolô. Sau khi chứng kiến Chúa Thánh Linh hiện xuống trên các môn đệ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, và loan báo sự hiện xuống của Thánh Linh trên bất kỳ người nào kêu cầu danh Chúa (Xc Cv 2,17.21; Gl 3,1.5), thánh Phêrô đã trải qua một biến cố đánh dấu khúc quanh quyết định đối với cuộc đời thánh nhân. Trong lúc cầu nguyện, ngài nhận được một thị kiến có tác động như một “sư khiêu khích” của Chúa, để khơi dậy nơi thánh nhân một sự thay đổi não trạng. Ngài thấy một tấm khăn lớn từ trời hạ xuống, trong đó chứa đựng nhiều con vật: vật 4 chân, loài bò sát và chim chóc, và Ngài nghe thấy một tiếng nói mời gọi hãy ăn thịt các động vật ấy. Vốn là một người Do thái tốt lành, Phêrô phản ứng và nói rằng mình không bao giờ ăn những gì ô uế, như Luật của Chúa đã dạy (Xc Lv 11). Bấy giờ tiếng nói mạnh mẽ đáp lại: “Điều gì Thiên Chúa đã thanh tẩy, người đừng gọi đó là điều nhơ bẩn” (Cv 10,15)

Chúa muốn Phêrô không đánh giá các biến cố và con người theo thể loại thanh sạch và ô uế, nhưng hãy học cách đi xa hơn, để nhìn con người và những ý hướng trong tâm hồn họ. Thực vậy, điều làm cho con người ra ô uế không đến từ bên ngoài, nhưng chỉ đến từ bên trong, từ tâm hồn” (Xc 7,21).

Sau thị kiến đó, Thiên Chúa sai Phêrô đến nhà một người ngoại quốc không chịu cắt bì, đó là ông Cornelio, “quan bách quân thuộc quân đoàn Italica [..], là người mộ đạo và kính sợ Thiên Chúa”, ông làm phúc nhiều cho dân và luôn cầu khẩn Thiên Chúa (Xc Cv 10,1-2). Vì đã được chuẩn bị nhờ thị kiến và giáo huấn của Chúa, Phêrô chấp nhận làm điều mà “người Do thái không được phép làm” (Cv 10,28), nghĩa là vào nhà một người chưa chịu cắt bì và ăn uống với họ. Việc làm của thánh nhân không phải là một cuộc viếng thăm xã giao, nhưng là mang lời cứu độ đến cho người chưa hề được nghe.

Trong nhà những người ngoại giáo ấy, Phêrô rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đanh và sống lại, và ơn tha thứ tội lỗi cho bất kỳ ai tin vào Chúa. Và trong khi Phêrô nói, Thánh Linh ngự xuống trên Ông Cornelio và gia đình ông. Và Phêrô rửa tội cho họ nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Xc Cv 10,48).

Phản ứng của các tín hữu ở Jerusalem

Sự kiện ấy được các tín hữu ở Jerusalem biết được, nơi các anh em, có những người coi hành động của Phêrô là gương mù gương xấu, nên đã thậm tệ trách cứ thánh nhân (Xc Cv 11,1-3). Và thế là xuất hiện công hiệu do kinh nguyện trong tâm hồn người loan báo Tin Mừng: “Khi một người rao giảng Tin Mừng tái xuất hiện từ kinh nguyện, tâm hồn họ trở nên quảng đại hơn, được giải thoát khỏi ý thức cô lập và muốn thực hiện điều thiện và chia sẻ cuộc sống với tha nhân” (Ev. gaudium 282). Thực vậy, sau cuộc gặp gỡ với Cornelio, Phêrô trở nên tự do hơn đối với bản thân và hiệp thông hơn với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế ngài có thể hiểu rằng việc tuyển chọn Israel không phải là phần thưởng vì công trạng, nhưng là dấu hiệu ơn gọi nhưng không hãy trở thành trung gian ân phúc của Chúa nơi dân ngoại.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: Anh chị em thân mến, từ vị Thủ Lãnh các tông đồ, chúng ta học biết rằng một người loan báo Tin Mừng không thể là một cản trở hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa, Đấng “muốn rằng tất cả mọi người được cứu rỗi” (1 Tm 2,4), nhưng là người tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ của các tâm hồn với Chúa. Và chúng ta, chúng ta cư xử thế nào với các anh chị em, nhất là những người không phải là Kitô hữu? Chúng ta có cản trở cuộc gặp gỡ của họ với Chúa Cha hay là chúng ta giúp đỡ họ trong vấn đề này?

“Ngày hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ơn để cho mình ngạc nhiên vì những điều lạ lùng của Thiên Chúa, không cản trở sức sáng tạo của Chúa, nhưng nhìn nhận và tạo điều kiện dễ dàng cho những con đường luôn mới mẻ qua đó Chúa Phục sinh đổ tràn Thánh Linh của Ngài trong thế giới và lôi kéo các tâm hồn, để họ biết nhìn nhận Ngài là “Chúa của tất cả mọi người” (Cv 10,36)

Chào thăm

Sau bài giáo lý trên đây bằng tiếng Ý, các linh mục thuộc các cơ quan Tòa Thánh đã tóm tắt bài huấn giáo của Đức Thánh Cha kèm theo những lời chào thăm của ngài. Với phái đoàn Học Viện Quốc Phòng của khối NATO, Đức Thánh Cha nồng nhiệt cầu chúc cho các hoạt động của họ phụng sự hòa bình, và ngài cầu xin Chúa Giêsu Kitô ban an vui cho bản thân cũng như cho gia đình họ.

Với các tín hữu hành hương người Ba Lan, Đức Thánh Cha nói: “Anh chị em thân mến, hôm nay, 16/10, chúng ta kỷ niệm biến cố Đức Hồng y Karol Wojtila được bầu làm Giáo Hoàng. Chúng ta cảm tạ Chúa vì mọi điều thiện hảo được thực hiện trong Giáo Hội, trên thế giới và trong tâm hồn con người qua những lời của Đức Gioan Phaolô II, qua công trình và sự thánh thiện của Người. Chúng ta hãy nhớ rằng lời thánh nhân kêu gọi hãy mở rộng tâm hồn cho Chúa Kitô vẫn luôn có tính chất thời sự. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, tôi cầu xin Chúa ban dồi dào ơn Chúa Thánh Linh trên tất cả anh chị em, gia đình, cộng đoàn của anh chị em, và toàn thể Giáo Hội”.

Trong số các tín hữu hành hương nói tiếng Ý, Đức Thánh Cha chào thăm 54 nữ tu đang tham dự Tổng hội của dòng Nữ Phan Sinh thống hối và bác ái Kitô. Ngài cầu chúc các chị coi lòng từ bi thương xót làm tiêu chuẩn soi sáng đời sống bản thân và cộng đoàn.

Với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng: Thứ Sáu 18/10 này là lễ kính thánh Luca thánh sử, là vị biểu lộ rõ nhất Trái Tim Chúa Giêsu và lòng thương xót của Chúa. “Ước gì lễ này giúp tất cả các tín hữu tái khám phá niềm vui được làm Kitô hữu, chứng nhân về lòng từ nhân của Chúa.”

Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây