G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Domenico Agasso của báo La Stanpa và điều hợp viên trang mạng Vatican Insider, truyền đi hôm 09/08/2019.
Đức Thánh Cha nói: “Liên hiệp Âu Châu phải được cứu vãn, vì nó là một gia sản không thể và không được làm tiêu tán do trào lưu duy chủ quyền quốc gia hiện nay”. Phương dược để chống lại xu hướng này, xu hướng duy chủ quyền và xu hướng mị dân, chính là đối thoại và lắng nghe, đi từ căn tính của mình, cũng như từ các giá trị nhân bản và Kitô.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha nhắc đến những người khai sáng Liên Hiệp Âu Châu. Mặc dù có những vấn đề quản trị và những đối lập trong nội bộ, nhưng theo ngài, việc chỉ định bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch Ủy ban hành pháp của Liên hiệp Âu Châu, là điều thích hợp, bà có thể là người thích hợp để khơi lại sức mạnh và giấc mơ của những người đề xướng Liên hiệp Âu Châu, vì các phụ nữ có khả năng tập hợp và liên kết”.
Về vấn đề những người di dân, Đức Thánh Cha nhắc lại các nguyên tắc phải theo, đó là đón tiếp, đồng hành, thăng tiến và hội nhập người di dân. “Không bao giờ được phép lơ là đới với quyền sống của bất kỳ ai”, và cần nhờ rằng những hoàn cảnh chiến tranh và đói kém đã thúc đẩy nhiều người di dân ấy phải trốn chạy. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “các chính phủ phải suy nghĩ và hành động một cách khôn ngoan, vì người cai trị được kêu gọi suy nghĩ về số người di dân mà quốc gia họ có thể đón nhận. Cũng cần để ý đến nhu cầu nhân công trong một số lãnh vực kinh tế.
Trả lời câu hỏi về Thượng Hội đồng Giám mục sẽ nhóm vào tháng 10 tới đây về miền Amazzonia, Đức Thánh Cha gọi công nghị giám mục này là “con của Thông điệp Laudato sì”: đây là một thông điệp xã hội dựa trên sự chăm sóc thiên nhiên và công trình tạo dựng, chứ không phải là một “Thông điệp xanh”. Đây cũng là một thông điệp khẩn cấp trước đe dọa về môi sinh hiện nay.
Đức Thánh Cha cho biết ngài lo âu và kinh hoàng vì ngày 29/07 vừa qua, con người đã tiêu thụ tất cả các tài nguyên có thể tái tạo (renouvelables) cho năm nay. Với sự tan băng ở đảo Iceland và Groenland, những vụ hỏa hoạn ở miền Sibéria, sự gia tăng các đồ plastic phế thải trên biển cả và nguy cơ mực nước biển dâng cao, trái đất đang sống trong một tình trạng cấp thiết ở mức độ thế giới.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia không phải là cuộc họp các nhà khoa học hay chính trị, cũng chẳng phải là một nghị viện, nhưng là một “công việc hiệp thông được Chúa Thánh Linh hướng dẫn”, với chủ ý thiết định “những cách thức khác nhau để loan báo Tin Mừng”. Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha cho biết vấn đề truyền chức linh mục cho những người nam đứng đắn có gia đình không phải là đề tài chính yếu của Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới.
Đức Thánh Cha cho biết sở dĩ miền Amazzonia được chọn làm đề tài của Thượng Hội đồng Giám mục đặc biệt vì nó có tính chất biểu tượng và quyết định, nó có liên hệ tới sự sống còn của trái đất. Amazzonia là lãnh thổ đang bị đe dọa vì những lợi lộc kinh tế và chính trị của các lãnh vực đang chiếm ưu thế trong xã hội. Vì thế những nhà lãnh đạo quan trọng về chính trị phải loại bỏ sự đồng lõa và tham nhũng, đảm nhận các trách nhiệm cụ thể, như trong trường hợp các quặng mỏ lộ thiên làm ô nhiễm nước, và tạo nên nhiều bệnh tật. Chính từ miền Amazzonia phát xuất phần lớn dưỡng khí chúng ta hô hấp. Phá rừng bừa bãi có nghĩa là “giết hại nhân loại”, và sự đánh mất những sinh vật khác nhau cũng như sự xuất hiện các thứ bệnh giết người mới mẻ chứng tỏ sự xử lý sai trái và tàn phá thiên nhiên có thể làm cho nhân loại bị tiêu diệt”.
Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cũng thấy có nhiều phong trào người trẻ bênh vực môi trường, như phong trào của cô bé Greta Thunbert người Thụy Điển, là môt dấu hiệu có thể thay đổi nhân thức và hành động, có triển vọng cho tương lai. (Vatican Insider 9-8-2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn