G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Thư mang chữ ký của Đức Thánh Cha tại Đền thờ Thánh Gioan Laterano, đúng ngày 04/08, nhân lễ kính thánh Cha Sở họ Ars bên Pháp, bổn mạng của các cha sở trong toàn Giáo Hội, mẫu gương linh mục tận tụy với sứ mạng cho đến cùng.
Trong thư, Đức Thánh Cha nhắc đến thảm trạng những vụ lạm dụng, tiếng kêu đau thương của các nạn nhân bị lạm dụng do những người mà không bao giờ họ tưởng tượng có thể hành động như vậy. Thảm trạng đó đè nặng trên vai của mỗi linh mục. Nhiều linh mục bị người ta “vơ đũa cả nắm”, nhìn với sự phẫn nộ và ngờ vực, vì những lỗi mà các vị không hề phạm, nhưng những lỗi ấy tiếp tục là vết thương rướm máu đối với toàn thể thân mình Giáo Hội.
Qua bức thư, Đức Thánh Cha bày tỏ sự gần gũi, khích lệ, nâng đỡ và an ủi tất cả các linh mục, những vị hằng ngày, bất chấp mệt mỏi, bất mãn và hiểu lầm, vẫn luôn mở rộng cửa thánh đường và cử hành các bí tích; những linh mục vượt thắng sầu muộn và lối sống theo thói quen, tiếp tục dấn thân đón tiếp những ai đang cần một lời an ủi, đồng hành; những linh mục hằng ngày viếng thăm giáo dân, hiến thân không chút dè dặt, khóc với người khóc, và vui với những người vui mừng..
Đức Thánh Cha bày tỏ cảm thông và cám ơn các linh mục đang sống “trong chiến hào”, nhiều khi liều mạng để gần gũi dân; những linh mục ngày qua ngày phải đi xuồng, hoặc di chuyển bằng mọi phương thể, để đi tới những làng ở vùng sâu vùng xa, tìm kiếm những con chiên bị cô lập với đoàn chiên.
Đức Thánh Cha nhận rằng đó là một sự cao cả của các linh mục ít được kể tới trong đời sống thường nhật của Giáo Hội, một sự cao cả có thể tạo nên lịch sử, cho dù không bao giờ được nhắc đến trong những cuốn sách giáo khoa hoặc được dư luận nói đến. Đó là sự cao cả của sự phục vụ trong âm thầm, của người hiến thân phục vụ mà không được biết đến, chỉ tín thác vào ơn thánh của Chúa. Đó là sự cao cả của các linh mục hiến thân cho tha nhân, “của những người có tội được tha thứ”, như Đức Thánh Cha tự định nghĩa bản thân, là người đang và tiếp tục cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa, để Chúa đề ra sáng kiến và theo Chúa trong việc phục vụ các cộng đoàn đã được ủy thác cho mình.
Những ý tưởng nòng cốt trên đây được Đức Thánh Cha khai triển và trình bày trong thư dài 10 trang, được chia làm 4 phần, lần lượt có tựa đề “đau khổ”, “biết ơn”, “khích lệ can đảm”, và sau cùng là “ngợi khen”. Trong phần chót này, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục hãy noi gương Mẹ Maria và dâng lên Chúa lời chúc tụng. Ngài viết:
“Nếu đôi khi chúng ta cảm thấy bị cám dỗ muốn tự cô lập, khép kín vào mình và trong các dự phóng của bản thân, tự bảo vệ mình khỏi những con đường bụi bặm của lịch sử, hoặc khi những than vãn, phản đối, phê bình hoặc mỉa mai chiếm hữu, cai trị hành động của chúng ta, và chúng ta không còn muốn chiến đấu, chờ đợi và yêu thương ... chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, để Mẹ thanh tẩy, lấy khỏi đôi mắt chúng ta những “cọng rơm” ngăn cản không cho chúng ta chú tâm và tỉnh thức để chiêm ngắm và cử hành Chúa Kitô đang sống giữa Dân của Ngài...
Và Đức Thánh Cha kết luận rằng:
Hỡi anh em, một lần nữa, “tôi không ngừng cảm tạ Chúa, khi tôi nhớ đến anh em” (Ep), vì lòng tận tụy và sứ mạng của anh em, với xác tín rằng “Thiên Chúa tháo gỡ đi những tảng đá cứng nhất làm vỡ tan hy vọng và mong đợi: đó là chết chóc, tội lỗi, sợ hãi, tinh thần trần tục. Lịch sử nhân loại không kết thúc trước một tấm bia chắn mộ, vì ngày nay lịch sử ấy khám phá thấy “tảng đá sống động” (Xc 1 Pr 2,4) là Chúa Giêsu Phục Sinh. Trong tư cách là Giáo Hội, chúng ta được xây dựng trên Ngài, và cả khi chúng ta mất can đảm, khi chúng ta bị cám dỗ muốn phán đoán mọi sự dựa trên căn bản những thất bại của chúng ta, Chúa vẫn đến để đổi mới mọi sự”. (Bài giảng Vọng Phục Sinh 20-4-2019) (Sala Stampa 4-8-2019)
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn