Linh mục Cédric Anastase: “Bạn hãy nói với các con tuổi vị thành niên, bạn thương con!”
famillechretienne.fr, Bénédicte Drouin, 2019-08-28
Cha tuyên úy của các học sinh trung học, Linh mục Cédric Anastase cảm hứng từ di sản của Thánh Gioan Bosco. Quyển sách mới nhất của Linh mục Anastase “Yêu và làm điều mình muốn. Giúp các con chúng ta chọn điều tốt” (Aime et fais ce que tu veux. Aider nos jeunes à choisir le bien, nxb. Emmanuel) dành cho các nhà giáo dục kitô trong mục đích giúp cho các bạn trẻ biết phân định điều tốt.
Cha mời gọi phụ huynh nói với con, mình thương chúng, vì sao điều này lại quan trọng như vậy?
Cách đây vài ngày, tôi tiếp một bạn trẻ trong văn phòng của tôi, tôi biết cha mẹ của em, họ rất tận tâm, em than phiền: “Cha mẹ không thương con!” tôi hỏi vì sao và em đưa ra một danh sách các điều cha mẹ cấm… Giai đoạn tuổi vị thành niên là giai đoạn tế nhị: chàng thanh niên trẻ ít tự tin ở mình, mọi chuyện lay động trong đời sống của em. Cấm là chuyện em khó hiểu và em vội vã cho đây là thiếu tình thương. Và đứa trẻ lại càng thấy thiếu tình thương hơn nếu ở nhà cha mẹ chỉ chú ý đến điểm học bạ. Rất nhiều em thích cha mẹ công nhận tài năng của mình, khen nếu em làm chuyện tốt.
Thánh Gioan Bosco đã nói: “Ai yêu thì phải chứng tỏ mình yêu.” Dệt mối dây tin tưởng sẽ giúp đứa bé dễ tiếp thu. Giáo dục không phải là một khoa học nhưng là một nghệ thuật. Cha mẹ nào cũng hiểu con mình, biết cái gì chạm đến con mình nhất: đôi khi chỉ là một lời khích lệ, lời cám ơn con đã làm một việc gì đó. Một bà mẹ trong giáo xứ tôi, mỗi thứ tư thay phiên ăn sáng với mỗi đứa con. Làm cái gì cho con mình là chuyện tốt; làm chung với chúng lại càng tốt hơn! Và thật là cả một đòi hỏi khi chúng ta ở trong một thế giới phải làm mọi sự nhanh nhất. Khi đến văn phòng giáo xứ, tôi có một khối lượng công chuyện phải làm, nhưng tôi mua một bàn ping-pong để mỗi ngày bỏ thì giờ ra chơi với các bạn trẻ. Và đó là cách tôi gần với các em. Một nữ giáo dân hỏi tôi: “Nhưng thưa cha, cha không có gì để làm tốt hơn à?” Tôi trả lời: “Chính vì công việc tràn ngập mà tôi phải dành thì giờ quý báu của mình ra để chơi với các em. Các em rất tế nhị.”
Linh mục Cédric Anastase
1987: Sinh tại Paris, cha mẹ người Antille vùng biển Caraibe.
2007: Tốt nghiệp sinh vật lý ở Jussieu.
Tháng 6 – 2015: Chịu chức linh mục, chuẩn bị học thạc sĩ thần học luân lý.
2016: Cha xứ họ đạo Thánh Genevièvedes-Grandes-Carrières (quận 18, Paris).
Tháng 9 – 2019: Linh mục tuyên úy các trường trung học ở Quartier latin.
Cha nói tin tưởng là chuyện chính yếu, nhưng làm sao tin tưởng nếu mình sợ thất vọng?
Chúng ta không thể dạy nỗi sợ trong bụng và không tạo niềm tin. Nếu không chúng ta bảo vệ quá mức mà không chuẩn bị cho các em đảm nhận những gì chúng sẽ gặp. Giao trách nhiệm từng chút một là cách để đo lường sức mạnh của một đứa trẻ, nhưng không vì thế mà bỏ qua việc cùng với các em xem lại cách các em đảm nhận trách nhiệm này. Khuôn khổ mà trẻ em ra khỏi gia đình cần phải thẳng thắn thảo luận, một bên là với cha mẹ, một bên là với trẻ em. Tất cả phải tùy theo độ tuổi và hoàn cảnh.
Lòng tin tưởng trước hết đến từ cha mẹ, cha mẹ phải có cái nhìn nhân từ, điều cần thiết để trẻ con lớn lên. Thánh Gioan Bosco đã nói: “Không có giáo dục nếu không có tin tưởng và không có tin tưởng nếu không có tình thương.” Trẻ con đi ra khỏi tổ và sẽ nếm mùi thất bại. Nếu chúng được bảo bọc chúng sẽ đứng dậy được và các thất bại này sẽ là bài học cho chúng.
Cha mẹ cần nhấn mạnh với các trẻ vị thành niên sự quan trọng phải lắng nghe tiếng lương tâm của mình. Chuyện này không phải dễ ở thời buổi các trang mạng xã hội và YouTube thịnh hành…
Các bạn trẻ bị màn hình cuốn hút; cha mẹ và nhà giáo phải được thuyết phục về sự quan trọng của các giây phút thinh lặng. Cuối tuần này tôi có hướng dẫn một khóa tĩnh tâm; tất cả điện thoại cầm tay của người tham dự và cả của tôi được cất trong một hộp khóa kín, khi về mới được lấy. Và tất cả mọi người đều hạnh phúc! Một bạn trẻ còn xin tôi kéo dài giây phút thinh lặng vì ở nhà em không cầu nguyện được.
Vì sao trong kỳ hè gia đình, chúng ta không đề nghị cả nhà đi dạo nhưng không đem điện thoại cầm tay? Đó là dịp cho các con thấy giây phút gia đình sống với nhau là duy nhất; những chuyện còn lại, các con sẽ tìm lại sau. Khi thực tập về sự cô đơn và phân định, gia đình cần được tiếp sức để giúp các con nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và rèn luyện. Các tổ chức hướng đạo, nhóm giúp lễ, nhóm đỡ đầu, trại hè công giáo là rất quan trọng. Khi trở về sau thời gian đi Taizé với một nhóm bốn mươi em học sinh trung học, một em bé trai nói với tôi: “Con sống một tuần tuyệt vời nhất đời con!”
Các gia đình thường có thói quen cầu nguyện đơn sơ đã mang lại rất nhiều giá trị cho các con: chỉ cần bắt một bài hát, giữ thinh lặng một lúc để mọi người nhìn lại ngày của mình, kết thúc bằng một ý cầu nguyện. Trẻ em cần nuôi dưỡng đời sống nội tâm và chúng ta phải khéo léo cùng làm với các em.
Vì sao quan trọng là phải nghe tiếng lương tâm?
Lương tâm là nơi chốn mật thiết nhất, nơi chúng ta nối kết với Chúa. Tất cả mọi người đều đã được Chúa phú cho hình ảnh của Ngài. Lương tâm là tiếng nói của Chúa trong tâm hồn chúng ta, chỉ bảo cho chúng ta điều tốt đẹp phải theo và làm cho chúng ta hạnh phúc. Vào cuối đời, mỗi người đều bị phán xét theo lương tâm mình đã nhận. Tiếng lương tâm rất tinh tế, nó thường bị bóp nghẹt nhưng cũng có khi nó làm chúng ta thức tỉnh.
Nhưng làm cách nào để đánh thức một bạn trẻ đã bỏ qua tiếng lương tâm?
Chúng ta không thể bằng lòng với một trải nghiệm trí tuệ về điều tốt. Phải trải nghiệm một cách cụ thể trong đời sống. Khi tôi tiếp một thanh niên bị trật đường rầy, tôi hỏi em: “Con có hạnh phúc với những gì con sống không? Chuyện đó có làm con cảm thấy tốt không? Con muốn cuộc sống nào? Con tìm gì trong kinh nghiệm đau thương này?” Phải bỏ thì giờ ra để cùng các em nhìn lại những gì các em sống, để hiểu cái gì đã lôi cuốn các em. Không ai muốn điều xấu chỉ vì chuyện đó xấu. Đây không phải là chuyện lên án suông nhưng đối thoại một cách nhân từ để làm cho các em suy nghĩ, để các em hiểu phản ứng của chúng ta là do tình thương thúc đẩy chúng ta làm. Chỉ có mối quan hệ trong tin tưởng mới trao đổi được. Biết bao nhiêu trẻ vị thành niên nghĩ rằng cha mẹ không thể lắng nghe mình. Vấn đề là cha mẹ không bỏ thì giờ ra với các con, và chính thì giờ là điều chủ yếu để trẻ con mở lòng ra. Trẻ con cần biết cha, biết mẹ dưới một khía cạnh khác. Những lúc thảo luận “chính thức” khó sinh lợi nếu chưa xây dựng gì trước đó.
Người trẻ cần những người lớn sáng suốt và nhiệt tình. Chúng ta được sinh ra cho sự cao cả và cái đẹp, và người trẻ cảm nhận được điều này.
Cha nói quan trọng là phải hết mình với tuổi vị thành niên?
Kinh nghiệm dấn thân hết mình là điều thiết yếu. Cuối tuần vừa qua, chúng tôi đưa một nhóm các em đến thăm các nữ tu Dòng Mẹ Têrêxa. Thánh lễ lúc 6h30, sau đó là ăn sáng, gặp gỡ và phát bữa ăn sáng cho người nghèo. Khi về nhà các em rất thích, cha mẹ các em cám ơn chúng tôi. Phục vụ những người yếu đuối nhất cho các em cảm nhận chúng thường ích kỷ và đã thức tỉnh lương tâm chúng. Khi các em khó khăn cầu nguyện thì tôi đề nghị các em phục vụ những người nghèo nhất, không phải phục vụ người khác nhưng những người nghèo nhất. “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”, (Mt 25, 40). Sớm hay muộn thì các em sẽ nhận thấy.
Lương tâm ở nơi sâu thẳm nhất tâm hồn chúng ta sẽ thỗi: “Hãy làm điều tốt, nó sẽ mang đến hạnh phúc”, còn xã hội thì nói ngược lại: “Hay ăn chơi, đó là hạnh phúc của bạn.” Giáo dục nhắm đến việc có trách nhiệm trên người khác và học dấn thân là hai chuyện có liên quan với nhau. Chắc chắn, lúc đầu các em sẽ phàn nàn nhưng mình phải vững trụ và chắc chắn về điều này… và điều chỉnh lại để tìm một nhóm khác nếu sự tiếp xúc chưa được. Hàng ngày tôi thấy không biết bao nhiêu điều tốt đẹp do việc dấn thân mang lại và làm cho đương sự được lớn lên. Làm tốt là làm tốt ! Đó là kinh nghiệm không sai lầm. Điều này cũng bình thường vì chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của Chúa và giống Ngài, được tạo ra để yêu thương như Ngài yêu thương.
Cha mẹ nên cùng xem lại với các con những gì các con sống: “Khi từ nhóm về, khi con giúp ai, con hạnh phúc, con tự hào về mình…, các con đã cảm thấy như thế nào?.” Như thế chúng ta giúp các con khám phá niềm vui này là món quà duy nhất và sâu đậm. Đồng thời cũng có khi chúng ta nhìn lại, thời gian ủ mầm, các thất bại; cái gì chạy nơi đứa này nhưng không chạy nơi đứa kia… Chúng ta phải biết kiên nhẫn và hy vọng…
Và Thánh Gioan Bosco nói…
“Hãy lo cho các người trẻ, nếu không chúng sẽ lo cho bạn”. Lời cảnh báo này của ngài vẫn còn vang lên cho đến ngày nay. Mong chờ các điểm chuẩn của người trẻ ngày nay vẫn còn mạnh, cũng như khát vọng về sự thật của họ. Linh mục Cédric Anastase nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục của Thánh Gioan Bosco, vị thánh bổn mạng nhà giáo, ngài đã làm như thế nào để đánh thức các người trẻ hướng về điều tốt. Thánh Gioan Bosco để lại rất ít bài viết nhưng cuộc đời của ngài là một bài học quý giá.
Làm sao để biết thông điệp của cha mẹ được con cái đón nhận?
Cách ứng xử của đúa bé nói lên tất cả. Nếu nó cảm thấy mình được lắng nghe, nó dịu xuống, tìm lại được nụ cười và bắt đầu quan tâm đến người khác hơn một chút.
Tôi còn nhớ một cậu bé đã mất thì giờ trong nhiều tháng, cho đến ngày người cha đề nghị giúp con có bằng lái, ông ngồi bên cạnh con để lái xe. Đứa con thay đổi một cách bất ngờ, sau đó nó đề nghị xin làm việc nhà.
Người trẻ đi tìm tình thương nhưng cách bày tỏ tình thương thì không như trước, vì nhu cầu tự lập của trẻ ở tuổi này đã phát triển nên đôi khi nó mơ hồ, hoang mang. Nó tự cho mình là người lớn và muốn chúng ta giúp nó trở thành người lớn. Đóng sầm cửa, máy nghe ở tai là dấu hiệu cho nhu cầu cần lớn lên này, việc quá bảo vệ chúng có thể bị cho là xem nó vẫn còn là đứa con nít.
Chúng ta thường muốn lay động con cái tuổi vị thành niên ở độ tuổi này… Ở tuổi này, các thay đổi sinh lý thường làm mệt mỏi. Kích thích tố biến đổi. Chẳng hạn, một trẻ vị thành niên có thể đầy sinh lực lúc 11 giờ khuya nhưng sáng mai thì dậy không nổi, kích thích tố hành động rất thấp. Và nhiều trẻ còn bị chứng lười biếng… Phải bảo trợ, khi tôi nghe chữ này, tôi phản ứng. Tôi cấm. Đề nghị một khuôn khổ, có các sinh hoạt, các phong trào mà chúng thích để kích thích chúng, đôi khi để chúng gặp các bạn có ảnh hưởng tích cực trên chúng. Chúng ta giúp chúng suy nghĩ để chọn bạn vì không phải tất cả đều có chung các giá trị. Hơn nữa cần khéo léo vì chúng ở tuổi xác định bản sắc của mình theo bạn.
Và cha mẹ các em cũng vậy? Có phải giáo dục bằng gương là quan trọng nhất không?
Tôi tin vào gương của cha mẹ: cha mẹ cư xử với nhau như thế nào? Các hành vi có giá trị hơn tất cả lời nói. Ai rộng lượng đón khách vào nhà, vào bàn ăn? Và đó là cách hình thành lương tâm của con cái chúng ta. Các đề tài nói chuyện của chúng ta cũng rất quan trọng. Chúng ta nói gì ở bàn ăn: chỉ nói về nạn khủng bố thôi sao? Về thiên tai? Về khủng hoảng kinh tế, chính trị, môi sinh? Các đứa trẻ cần người lớn sáng suốt và nhiệt tình. Chúng ta được tạo ra cho sự cao cả và cái đẹp, các người trẻ cảm thấy điều này. Các người lớn bi quan thường làm cho trẻ vị thành niên trở thành nhu nhược.
Cha muốn các người trẻ xem cha như một người bạn. Như thế có nịnh chúng không?
Như một người bạn, nhưng là người bạn lớn tuổi và đòi hỏi. Không giống như người bạn cùng lứa tuổi. Người bạn là người yêu thương, là người làm cho mình lớn lên. Khi đi cắm trại, chúng tôi đặt ra luật chơi; trẻ con rất thông minh khéo léo để đặt luật. Và nếu luật không được tôn trọng thì phản ứng và hình phạt đã được báo trước. Khuôn khổ này phải được nhắc lại hoài, vì như Thánh Gioan Bosco đã nói: “Giáo dục là trong sự lặp lại”. Cứ mỗi lần là chúng tôi lại giải thích mục đích và các vấn đề. Khi hình phạt là cần thiết, người trẻ phải hiểu ý nghĩa, nếu không sẽ không mang tác dụng giáo dục. Đã có lần tôi phải thay đổi sau khi thảo luận với “kẻ có tội”.
Giáo dục đòi hỏi vừa gần gũi vừa đối thoại và vừa xa xa để tránh quá thân tình. Các trẻ vị thành niên thường muốn kéo chúng ta vào thế giới của các em, và nếu người lớn chiều theo thì chúng ta sẽ thành một trẻ vị thành niên giữa các trẻ vị thành niên. Họ ở trong sự hỗn hợp mà không trao truyền được gì. Chữ giáo dục, education có nguồn gốc từ động từ la-tinh educere, có nghĩa là “hướng dẫn ra ngoài” từ một tình trạng này qua một tình trạng kia. Vì thế tôi không chấp nhận các em nói không đúng về tôi, nếu bị như vậy, qua cử chỉ hài hước, tôi chỉ vào cổ áo La Mã và… bịt lưỡi, thế là các em hiểu tôi. Hài hước làm nhẹ các căng thẳng.
Cha cho rằng vui vẻ là thiết yếu trong giáo dục, vì sao?
Phương châm cho sự bảo trợ của chúng tôi là: “Ở đây chúng ta nuôi dưỡng niềm vui và chăm sóc lẫn nhau.” Niềm vui là kết quả của lòng tin tưởng và tinh thần ăn mừng lễ hội. Như Đức Phanxicô đã từng nhắc, vui vẻ thì lây lan, nó cuốn hút và giúp cho tinh thần truyền giáo. Trong các kỳ cắm trại, khi gặp những lúc khó khăn, tôi thừa dịp để cho các em thấy sự quan trọng của vui vẻ, vì vui vẻ giúp chúng ta vượt lên được các khó khăn này. Một vài gia đình tỏa sáng, không phải vì họ ít khổ cực hay cãi vã hơn các gia đình khác, nhưng vì họ biết tha thứ. Văn hóa của niềm vui đi đôi với văn hóa của tha thứ. Mỗi gia đình có cách sống của họ theo các văn hóa này.
Khi một trẻ vị thành niên không còn đi nhà thờ, cha khuyên các em như thế nào?
Trước hết chúng ta phải làm mọi thứ, ngày này qua ngày khác để canh tác cho miếng đất kitô được màu mỡ. Sau đó thì đứng lo, Chúa có phương cách để đến với từng em. Lời cầu nguyện của cha mẹ cho con cái, qua các nhóm như nhóm cầu nguyện của các bà mẹ hay nhóm hành hương của các người cha thì rất mạnh; và Chúa nghe thấy, không một lời cầu nguyện nào là hoài công. Thánh Âugutinô đã có một cuộc đời phóng đãng và mẹ của ngài, Thánh Mônica đã đem ngài về với Chúa qua đức tin và qua lời cầu nguyện của mình.
Các bí tích, các động lực tăng trưởng
“Chỉ có Chúa Giêsu là người thầy nội tâm, Ngài định hình và khai sáng lương tâm. Nhà giáo phục vụ cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa và người trẻ và nhà giáo không làm gì thêm. Thánh Gioan Bosco nhắc lại, Thánh Thể và bí tích hòa giải là hai trụ chính của giáo dục. Thánh Thể là nguồn, bí tích của tình yêu: Chúa Giêsu nói ‘Thầy thương các con’ và kéo chúng ta đi theo con đường này. Chúa Giêsu là người duy nhất cho chúng ta sức mạnh để đi đến cùng lời kêu gọi Ngài đã đưa ra cho chúng ta. Bí tích của lòng thương xót làm cho tương lai là chuyện khả thể có được, nó củng cố, chính xác là khi chúng ta xin tha thứ. Các người trẻ nhận bí tích, họ quyết tâm và tin tưởng khi tiến đến đàng trước, không phải họ không gục ngã như các người trẻ khác, nhưng họ biết cách đứng dậy.”
Trích từ quyển sách Yêu và làm điều mình muốn. Giúp các bạn trẻ chọn điều tốt, Linh mục Cédric Anastase (Aime et fais ce que tu veux. Aider nos jeunes à choisir le bien, nxb. Emmanuel).
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn tin: phanxico.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn