Những ngày vừa qua, SEA Games 32 đang diễn ra trong bầu khí nóng hơn bao giờ hết. Còn nhớ hình ảnh một nữ VĐV điền kinh Việt Nam kiệt sức và đổ gục sau khi hoàn thành cự ly 42km của mình. Thật cảm động khi chứng kiến những giọt mồ hôi đã đổ ra, những giọt nước mắt đã rơi xuống, thậm chí những mệt mỏi và chấn thương chợt tới. Nhưng có thể nói, các vận động viên đã cống hiến hết mình. Họ đã thi đấu như thể đây là lần thi đấu cuối cùng. Họ luôn mang trong mình tinh thần chiến đấu sẵn sàng vì mục tiêu. Đó có thể là mục tiêu đạt được những chiếc huy chương danh giá. Nhưng có thể ẩn phía sau là mục tiêu lâu dài, là cả sự nghiệp cống hiến cho nền thể thao nước nhà. Dù là mục tiêu gì đi nữa thì các vận động viên luôn nỗ lực hết mình để chinh phục những đỉnh cao. Họ là nhà vô địch của chính mình, và là nhà vô địch của ý chí và nghị lực. Chỉ khi chấp nhận từ giã sự nghiệp thì họ mới chính thức về “đích.” Vậy mỗi người chúng ta có đích đến nào không?
Chúng ta luôn tâm niệm rằng điều gì xảy ra đều có lý do. Ngay cả việc chúng ta hiện hữu trên đời này cũng có lý do hợp lý của nó. Chúng ta không đơn thuần chỉ là tồn tại, nhưng là sống. Nếu là sống thì chúng ta phải có mục đích để phấn đấu, để hiện hữu cách tròn đầy hơn. Từ nhỏ, nhiều người có ước mơ này, ước mơ nọ. Họ luôn nỗ lực từng ngày để biến ước mơ đó thành hiện thực. Họ luôn đặt ra cho mình những mục tiêu và kế hoạch để đạt được chúng. Khi đã đạt được rồi, họ tiếp tục tiến lên để chinh phục những đỉnh cao mới. Họ luôn tìm thấy trong cuộc sống động lực để sống và thăng tiến từng ngày.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cứ mãi giậm chân tại chỗ. Họ không xác định được đâu là đích đến và đâu là phiên bản mà mình muốn hướng tới. Họ không vạch ra được những mục tiêu cho bản thân. Họ chỉ biết nghe theo ý kiến và sống điều mà người khác muốn họ sống. Dần dần họ đánh mất động lực và hướng đi cho cuộc sống của mình. Họ sống nhưng thực chất họ chỉ tồn tại vì họ không tìm được ý nghĩa thực sự cho cuộc hiện hữu của mình.
Nói như vậy để thấy rằng sống một cuộc đời tròn đầy ý nghĩa không phải dễ dàng vì chúng ta luôn bị ràng buộc bởi những yếu tố chủ quan và khách quan. Với chính mình, chúng ta rất dễ nản lòng khi gặp khó khăn. Chúng ta dễ thỏa hiệp với bản thân khi không đạt được những gì mình muốn. “Như vậy đủ rồi, chúng ta không cần nỗ lực nữa đâu!” Ngoài ra, những ý kiến bên ngoài hay hoàn cảnh luôn cản bước chúng ta. “Đời đã luôn bất công, người sinh ra đã được ưu ái, kẻ nỗ lực cả đời cũng chẳng bằng ai.” Chúng ta dễ chùn bước, không muốn tiến lên nữa. Đặc biệt, rào cản của thời gian là yếu tố dễ làm chúng ta thất vọng nhất. Nói như Hedegger con người là “hữu-hướng-về-cái-chết”, nghe thôi chúng ta cũng thấy mình hữu hạn chừng nào! Làm nhiều việc bao nhiêu, nỗ lực bao nhiêu để rồi cũng chết! Cái chết thật kinh khủng. Nó xóa tan mọi nỗ lực, mọi thành quả lao tác cả đời của chúng ta. Vậy thì nỗ lực để làm gì?
Nói đi cũng phải nói lại, điều gì cũng có lý do của nó. Đích đến cuối cùng của cuộc đời chúng ta cũng là lý do lớn nhất cho hiện hữu của mình. Cái chết không đơn thuần chỉ là việc chấm dứt hiện hữu. Nó còn là sự nhắc nhở mà Thiên Chúa đặt để trong hiện hữu của con người. Vì cuộc đời gói gọn trong trăm năm, nhưng có quá nhiều điều ý nghĩa cần chúng ta làm, nên chúng ta phải luôn vội vã nắm bắt mọi cơ hội đến với mình. Con người dù thua thiên thần một ít nhưng vẫn cao vượt so với muôn loài muôn vật trong hoàn vũ. Dù hữu hạn, nhưng con người có khả năng làm những điều vĩ đại. Chính điều đó thúc đẩy con người vươn lên mãi. Con người luôn cố gắng dùng những tài năng được ban tặng để biến đổi cuộc sống. Cho nên, chúng ta phải luôn đặt cho mình những mục tiêu. Chúng ta không được dễ dàng chùn bước trước khó khăn hay dễ dàng thỏa hiệp với hoàn cảnh. Hãy luôn nỗ lực khi còn có thể vì rồi ai cũng phải về đích. Hãy về đích trong vinh quang vì đó là ý nghĩa cao trọng của cuộc hiện hữu nhân sinh.
Quay trở lại với hình ảnh của những vận động viên SEA Games 32, chúng ta thấy thành quả của họ không chỉ là chiếc huy chương mà còn là cảm giác mãn nguyện khi được cống hiến cùng những tình cảm của khán giả. Để về tới “đích”, họ phải trải qua bao ngày rèn luyện vất vả, cả những lúc chán nản vì chấn thương. Thế nhưng, họ đã không từ bỏ vì họ luôn tin vào bản thân, luôn tin vào đồng đội và tin vào giá trị của thể thao. Có thể sự nghiệp thể thao của họ được chừng 10 năm hay 15 năm nữa chăng nhưng tinh thần không bao giờ từ bỏ, tinh thần kiên cường sẽ theo họ suốt đời. Chính tinh thần đó giúp họ đứng vững trước mọi gian lao thử thách.
Còn chúng ta, những người Kitô hữu thì sao? Chúng ta cũng là những vận động viên trong cuộc đua về Nước Trời. Thánh Phaolô từng nói: “Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9:24-25). Phần thưởng mà chúng ta đạt được không phải là phần thưởng chóng hư nhưng là phần thưởng trên Trời. Để đạt được phần thưởng này, chúng ta phải từ bỏ rất nhiều. Chúng ta bỏ những quyến rũ của trần gian, của tiền tài và danh vọng. Chúng ta phải vượt qua những cám dỗ của tiện nghi để lựa chọn những gì Thiên Chúa muốn. Quả thực, cuộc chạy đua thiêng liêng này đòi hỏi nơi chúng ta không chỉ sức bền mà còn cả lòng tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn đồng hành và tiếp sức cho chúng ta. Đặc biệt, không chỉ chúng ta chạy đua một mình, chúng ta cũng cần chạy với người khác, để giúp đỡ và được giúp đỡ, ngõ hầu tất cả chúng ta đều đạt được cùng đích của mình.
Tóm lại, đích đến không phải là một kết thúc cho bằng nó là một định hướng giúp chúng ta quy chiếu mọi hành động của mình vào đó. Mọi đích đến trong cuộc sống đều dẫn đến những điều tốt đẹp. Kết thúc chặng đường này chúng ta tiếp tục chinh phục những chặng đường mới với những đích đến thú vị. Còn hiện hữu là còn chạy đua và chinh phục. Cuộc sống luôn đáng sống. “Trên thế giới này, không có ai thực sự giúp được mình tốt hơn, ngoài bản thân chúng ta. Trứng gà, từ ngoài đập vỡ là thức ăn, từ bên trong đạt vỡ là sinh mệnh. Đời người cũng như vậy, đập vỡ từ bên ngoài là áp lực, đập vỡ từ bên trong là trưởng thành. Cho nên, bất luận chúng ta là ai, hoàn cảnh thế nào, hãy cứ kiên trì – nhất định chúng ta sẽ thấy mình kiên cường bất khuất. Những người dẫn đầu ở điểm xuất phát, chưa chắc sẽ là người về đích sớm nhất. Những người bị tụt lại ở điểm xuất phát, chưa chắc sẽ là người mãi mãi về sau” (Sưu tầm). Hãy luôn kỷ luật và cố gắng vì chúng ta không có thời giờ để dậm chân tại chỗ. Hãy luôn chạy với tinh thần của những chiến binh. Và hãy cùng nhau về đến đích.
Philip
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
Nguồn tin: dongten.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn