Hồng Thủy - Vatican
Năm năm trước, sơ Lizzy Chakkalakkal, thuộc dòng Phan sinh truyền giáo Đức Maria, hiệu trưởng một trường học ở Kochi, Kerala, phát hiện ra rằng một trong những học sinh của mình là người vô gia cư. Điều này đã thúc đẩy sơ Lizzy và một số học sinh của trường nữ trung học Đức Mẹ ở Thoppumpady, tham gia vào dự án ‘House Challenge Project.’
Họ đã quyên góp tiền và xây dựng một ngôi nhà cho học sinh vô gia cư đó và gia đình cô. Đó chỉ là sự khởi đầu. Sơ Lizzy đã quyết định tiếp tục với sáng kiến này. Kể từ đó, 99 ngôi nhà đã được xây dựng cho người nghèo và vô gia cư bởi dự án hoàn toàn miễn phí của sơ.
Vào ngày 21/02/2019, dự án đạt một cột mốc quan trọng - hoàn thành việc xây dựng ngôi nhà thứ 100 của mình và trao chìa khóa cho một gia đình vô gia cư từ Chellanam, ngoại ô Kochi. Con cái của gia đình này là học sinh của trường. Tiền xây dựng được quyên góp thông qua sự đóng góp của học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng như bất cứ ai sẵn sàng quyên góp. Sau khi thu được số tiền cần thiết, nhà trường tạo điều kiện cho việc xây dựng bằng cách đưa công nhân và các đối tác đến cho đến khi ngôi nhà sẵn sàng cho người ở.
Sơ Lizzy nói với báo The Better India: “Khi chúng ta nghĩ về dịch vụ cho xã hội và đặc biệt, người vô gia cư, hầu hết chúng ta đều cho rằng tất cả những gì họ cần là thực phẩm và quần áo. Mặc dù đây thực sự là những nhu yếu phẩm cơ bản, nhưng một mái nhà trên đầu người cũng quan trọng không kém. Thông qua những ngôi nhà này, chúng tôi đang cung cấp cho họ sự an toàn, nhưng hơn thế nữa, đó là hy vọng và ý chí xây dựng một cuộc sống tốt hơn. Trong khi mục tiêu chính của sáng kiến này là chấm dứt tình trạng vô gia cư ở Kochi, tôi cũng muốn gieo vãi nền văn hóa chia sẻ giữa các sinh viên và học sinh. Và điều gì có thể là cách tốt hơn để dạy cho học sinh về niềm vui của việc cho đi hơn là lôi kéo họ tham gia vào công việc này.”
Sinh viên, giáo viên cũng như nhân viên quản lý của trường đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đóng góp tiền cho những ngôi nhà đã được xây dựng. Sơ hiệu trưởng trường giải thích về điều này: “Trong những dịp lễ kỷ niệm như sinh nhật của họ, những đứa trẻ này đã tình nguyện quyên góp tiền, và điều đó thực sự đã giúp sáng kiến này có được động lực. Ban đầu, chỉ có sinh viên và nhân viên giúp gây quỹ, nhưng khi tin được truyền đi, mọi người từ mọi tầng lớp đã tham gia.” Dự án không chỉ giới hạn ở các gia đình của học sinh của trường, nhưng cũng đã xây dựng nhà cho những bà mẹ và các bà mẹ góa khác.
Sơ Lizzy cho biết rằng, ngày nay, việc xây dựng một ngôi nhà đơn giản không tốn kém nhiều, và những nỗ lực của họ đã chứng minh điều đó. Sơ nhận định rằng “bằng cách dạy dỗ trẻ em, chúng tôi đang cố gắng đưa ra thông điệp rằng cùng nhau, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng vô gia cư.”
Nhà trường cũng rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng. Năm ngoái, khi lũ lụt tàn phá Kerala, trường đã nhận nuôi gần 150 gia đình để giúp họ có thể trở lại cuộc sống bình thưởng. Ngoài ra, 12 ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn đã được bàn giao cho các gia đình từ Kuttanad, cũng như các ngôi làng bị lũ lụt từ huyện Ernakulam.
Với sơ Lizzy, Chúa Giêsu chính là động lực và trợ lực của sơ. Sơ nói trong một cuộc phỏng vấn: “Chúa thêm sức mạnh cho tôi để làm việc giúp đỡ tương trợ với người nghèo và người bị gạt ra ngoài lề để cải thiện kinh tế xã hội của họ và tạo cho họ một cuộc sống và hy vọng mới.”
Sơ cũng chia sẻ rằng linh đạo của Thánh Phanxicô Assisi và đặc sủng của vị sáng lập dòng, Mẹ Maria Thương khó, một người có tầm nhìn táo bạo và truyền giáo với tinh thần tiên tri, đã ảnh hưởng đến sơ rất nhiều. Sơ nói: “Hội dòng của tôi khuyến khích các thành viên của mình hoạt động giữa những người không được hưởng công bằng xã hội, bị tước đoạt nhân quyền, nhân phẩm và sự trợ lực thiêng liêng. Thăng tiến công bằng, nhân phẩm, hòa hợp và sự hiệp thông với con người và cộng đoàn là điều căn bản trong hoạt động mục vụ xã hội của chúng tôi. Các giá trị của Chúa Giêsu và các giá trị Tin Mừng như tình yêu, công lý, hòa bình, chăm sóc, quan tâm và lòng trắc ẩn đối với người khác, quyền con người và phẩm giá là trung tâm của các hoạt động của chúng tôi.”
Sơ Lizzy cũng đã khởi xướng một chương trình có tên là Friend of Friendless, Bạn của những người không có bạn. Theo chương trình này, họ đến thăm gia đình của những người bị bệnh nan y trong bệnh viện và cung cấp cho họ sự hỗ trợ về tinh thần và vật chất. Trong lễ kỷ niệm Giáng sinh năm 2015 tại trường, họ đã đón tiếp những bệnh nhân nghèo mắc bệnh nan y như những người bạn, đặc biệt là những người sống cô lập và phải nằm liệt trên giường trong một thời gian dài. Sơ Lizzy và đội ngũ của sơ đã chào đón họ như những người bạn vào Giáng sinh và tặng họ những món quà.
Một sáng kiến khác là dự án học bổng giáo dục Đức Maria Thương khó. Học bổng trong trường của sơ hỗ trợ các sinh viên cũ của họ cũng như những người có khả năng học lên cao nhưng không đủ khả năng chi trả học phí.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn