LINH MỤC, NGƯỜI PHỤC VỤ LỜI CHÚA
BẰNG ĐỜI SỐNG HIỆP NHẤT BÁC ÁI
Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh
I. Hiệp nhất với Giáo Hội địa phuong
Chúng ta dễ dàng hiệp nhất với Giáo Hội Trung Ương nhưng lại thường gặp khó khăn trong việc bày tỏ sự hiệp nhất với Giám mục của mình. Khi nói về mối quan hệ giữa giám mục và linh mục, Công Đồng dạy rằng:
?Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là công cụ của hàng giám mục,linh muc được kêu gọi để phục vụ Dân Chúa[?].Trong mỗi cộng đòan tín hữu địa phương,linh mục là hiện thân của giám mục[?],linh mục phải thực sự xem ngài như cha mình và phải kính cẩn vâng phục ngài? (GH 28).
Giáo Huấn này bắt nguồn từ sự kiện Chúa Giêsu thiết lập nhóm Mười Hai và mời gọi họ hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ. Người còn kêu gọi thêm nhóm 72 để cộng tác với nhóm Mười hai. Cũng như các tông đồ và các môn đệ, các giám mục và các linh mục cũng được kêu gọi dấn thân phục vụ công cuộc cứu độ. Sự kiện họ được kêu gọi bao hàm việc cởi mở, sống và hoạt động với nhau trong tình hiệp nhất, từ bỏ chính mình, để nỗ lực thánh hóa bản thân và xây dựng Giáo Hội là thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô.
Tính hiệp thông giữa Giám mục và linh mục bắt nguồn nơi bí tích Truyền Chức Thánh, trong đó sự từ bỏ mình trở thành sự tham dự chặt chẽ hơn vào hy tế thập giá. Đây là hồng ân mà Chúa Thánh Thần trao ban cho Giáo Hội. Tính hiệp thông nầy còn được củng cố nhờ Bí Tích Thánh Thể. Bí Tích Thánh Thể như nguồn trao ban sức mạnh siêu nhiên để các tông đồ có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương họ. Do đo, linh mục được mời gọi hiệp nhất với giám mục của mình trong tinh thần cộng tác, vâng phục và bác ái huynh đệ.
Nhật báo Tương lai số ra ngày 19/3/1996, tại Italia, có đăng chứng từ của một số giám mục Italia về hưu vì lý do tuổi tác. Người ta đặc biệt chú ý đến lời tuyên bố của Hồng Y Tonini, Tổng giám mục giáo phận Ravel cách đây 6 năm, trong đó ngài cảm thấy vui mừng vì sau 15 năm cai quản Tổng giáo phận, ngài lại có thể tiếp tục phục vụ giáo phận trong tinh thần khiêm tốn, vâng phục như một cha sở. Lối sống của ngài là phản ánh mối quan hệ giữa các linh mục và giám mục mà Công Đồng Vaticanô II vẫn cổ võ, khích lệ.
Sắc lệnh về Đời sống và Sứ vụ linh mục của Công Đồng Vaticanô II viết:
?Tất cả các linh mục hiệp nhất với các giám mục, đều tham dự cùng một chức linh mục và thừa tác vụ duy nhất của Chúa Kitô, do đó, chính tính cách duy nhất của việc tấn phong và sứ mệnh, đòi phải có sự hiệp thông phẩm trật giữa các ngài và hàng giám mục? (số 70).
Quả thật, Bí tích Thánh Thể không những là một biểu hiện, mà còn là nguồn mạch sự hiệp nhất gắn liền với Bí tích Truyền Chức Thánh, một Bí tích thiết lập sự hiệp thông phẩm trật giữa những người cùng chia sẻ chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô. Chính vì thế, trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng: ?Tất cả các linh mục, dù là linh mục giáo phận hay linh mục dòng, do Bí tích Truyền Chức Thánh và do thừa tác vụ, đều được liên kết và cộng tác với Giám mục đoàn? (số 28).
Sự vâng phục cộng tác này cũng là một biểu lộ rõ nét tinh thần khó nghèo và từ bỏ của linh mục. Thật vậy, khi người giáo dân thấy cha xứ của mình trân trọng, hiệp nhất và vâng phục giám mục của ngài, thì họ cũng noi gương để sẵn sàng vâng phục, nghe lời và cộng tác với ngài.
II. Sống tình huynh đệ và bác ái linh mục
Trong mục Lá thư hàng tuần của tờ Gia đình Kitô, xuất bản tại Italia, một linh mục trẻ tâm sự như sau:
?Con đang gặp khủng hoảng và rất buồn. Con thấy chung quanh con, người ta dửng dưng và nhiều khi tỏ ra thù nghịch đối với tôn giáo. Con cảm thấy khủng hoảng vì dân chúng lẫn giáo dân của con. Ít khi họ làm cho con thấy mình thực sự là linh mục. Cả việc giảng dạy giáo lý cũng là một cuộc phiêu lưu đối với con, vì các thiếu nhi và thiếu niên dự những giờ giáo lý đó như một sự bắt buộc. Ngay từ khi ra làm mục vụ, con đã tận tụy dành thời giờ, năng lực, tiền bạc, tình bạn cho giới trẻ, nhưng bù lại con đã được gì? Trong giáo xứ cũng có nhiều giáo dân tốt và họ tỏ lòng quý mến con. Còn các Bề trên của con thì sao? Các ngài đánh giá con theo số các nhóm, các hội đoàn mà con có được, các hoạt động mà con thi hành được. Nhiều anh em linh mục khác, con thấy còn nản chí hơn con nữa. Con viết thư này để xin cha nói với các độc giả của cha cầu nguyện cho các linh mục?.
Lá thư của linh mục trẻ trên đây phản ánh những lo âu khó khăn đủ loại trong đời sống mục vụ của linh mục, không phải chỉ từ giáo dân, từ bề ngoài, mà nặng nề hơn là do chính các anh em linh mục đồng chí hướng với mình gây ra. Vì thế ngoài việc tông đồ, chu toàn bổn phận, Giáo Hội luôn nhắc nhở các linh mục lưu tâm đến mối quan hệ đối với các anh em linh mục khác, đặc biệt anh em trong Linh mục đoàn của Giáo phận. Tình huynh đệ bác ái giữa anh em linh mục là một an ủi, nâng đỡ hết sức lớn lao để hăng hái chu toàn bổn phận và vượt qua những khó khăn trong công tác mục vụ, đặc biệt trong đời sống độc thân. Công Đồng Vaticanô II trong Sắc Lệnh về Đời Sống Linh Mục đã nhắn nhủ:
?Khi gia nhập hàng linh mục nhờ Bí tích Truyền chức thánh, tất cả các linh mục liên kết với nhau bằng một tình huynh đệ do Bí tích; nhưng đặc biệt trong mỗi Giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền Giám mục của mình, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất? Mỗi linh mục liên kết với những thành phần khác của linh mục đoàn bằng những mối dây đặc biệt của tình bác ái tông đồ, của thừa tác vụ và tình huynh đệ? (số 8).
Trong Tông huấn Ta sẽ ban cho các con những vụ mục tử, Đức Gioan Phaolô II viết:
?Diện mạo của Linh mục đoàn chính là diện mạo của một gia đình thực sự và của một mối tình huynh đệ, không phải với những ràng buộc của máu thịt, nhưng với những ràng buộc do ân sủng của chức thánh. Ân sủng này xâm chiếm và nâng cao những tương quan nhân loại, tâm lý, tình cảm, bằng hữu và thiêng liêng giữa các linh mục với nhau; ân sủng ấy biểu lộ khắp nơi và tỏ hiện cụ thể trong những hình thức tương trợ tinh thần và vật chất đa dạng nhất. Tình huynh đệ linh mục không loại trừ một ai, dù vậy, trong chiều hướng lựa chọn theo tinh thần Tin mừng, linh mục có thể và phải dành ưu tiên cho những ai đang cần giúp đỡ và cần khích lệ nhất. Tình huynh đệ ấy phải dành đặc biệt cho các linh mục trẻ; duy trì một thái độ đối thoại chân thành và huynh đệ đối với những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình hoặc cao niên, cũng như đối với những linh mục nào vì lý do này hay lý do khác đang phải đương đầu với các khó khăn?.
Theo ý nghĩa ấy, sự tham gia tích cực vào Linh mục đoàn, những tiếp xúc thường xuyên với Giám mục và các linh mục khác, sự cộng tác với nhau, đời sống chung và tình huynh đệ sẽ giúp linh mục hiểu nhau hơn, tránh được những đối kháng, va chạm không đáng có.
Để được như thế hãy triệt để loại trừ mọi nghi kỵ, chỉ trích, ganh tị, nói xấu, chia bè, lập phe phái để phá hoại, làm giảm uy tín của nhau, đặc biệt là trong các cử hành phụng vụ, trước mặt giáo dân hay có sự tham gia của giáo dân hoặc người ngoài. Hãy quảng đại trong suy nghĩ, nhận xét, trong việc phê phán công việc của anh em. Hãy rộng rãi cảm thông và tha thứ, nhất là đối với những anh em có khiếm khuyết lỗi lầm. Hãy cầu nguyện cho nhau, hãy làm việc chung với nhau, giúp đỡ nhau và tôn trọng đặc sủng Chúa ban cho mỗi người.Hãy ghi nhớ những lời Chúa dạy:
?Tất cả những gì các ngươi làm cho người khác là làm cho chính Ta?.
?Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con?.
?Các ngươi đong bằng đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy?.
?Hãy lấy cái xà trong mắt ngươi trước khi lấy cái rác trong mắt anh em?.
?Đừng noi theo hành vi của họ, vì họ nói mà không làm?.
Người giáo dân vui tai khi nghe chuyện của các linh mục, nhưng sau đó họ sẽ phê phán chúng ta khi chúng ta nói xấu và phê bình chính anh em linh mục của mìnhvà họ không tin lời rao giảng của chúng ta. Vì thế, hãy cố gắng sống tình bác ái huynh đệ linh mục để đem lại hiệu năng cho lời rao giảng của chúng ta.
III. Yêu thương và hi sinh cho giáo dân.
Tháng 4/1945 quân Đức bị thua trên các mặt trận Âu châu, đặc biệt tại Italia. Họ tìm cách rút về miền núi ở mạn Đông Bắc Italia, thế nhưng họ thường bị quân Đồng minh và lực lượng kháng chiến Italia truy nã. Đêm 25/4/1945, một nhóm kháng chiến đánh đuổi được toán quân Đức ở làng Santa Justina, chiếm được kho lương thực và võ khí tại đây. Santa Justina là một làng có 6.000 dân cư và được cha Joseph Pelago săn sóc tinh thần từ 25 năm. Đoán biết thế nào quân Đức cũng trả thù, nên người ta khuyên cha trốn đến một nơi an toàn, nhưng cha trả lời: ?Tôi không thể làm được như thế, chỗ tôi ở là giữa đoàn chiên của tôi?. Mấy người kháng chiến thúc giục cha ra đi, nhưng cha đáp: ?Mạng sống của tôi ở trong tay Chúa, tôi xin trọn vẹn vâng theo ý Người?.
Đêm 26 rạng 27/4/1945, 200 quân Đức võ trang hùng hậu với chiến xa yểm trợ vây làng Santa Justina. Họ được lệnh bắn tại chỗ những người dân làng nào bị bắt có vũ khí trong tay. Cha Pelago và cha phó săn sóc và ban bí tích cho một thanh niên bị thương, nhưng quân Đức ập vào nhà xứ, bắt hai cha ra quảng trường giữa làng, nơi đây đã có khoảng 60 giáo dân bị bắt làm con tin.
Vì muốn cảnh cáo dân làng, viên sĩ quan chỉ huy ra lệnh chọn 23 người để xử bắn. Cha Pelago xin viên chỉ huy tha cho dân, vì họ là những người vô tội và xin được chết thay cho họ, nhưng ông ta đáp: ?Vô tội hay có tội, họ cũng phải đền tội thay cho người khác, cả mi nữa, mi cũng được chết chung với họ?. Cha Pelago ban phép giải tội tập thể cho những giáo dân bị bắt, ngài nói: ?Chúng ta hãy can đảm dâng hiến mạng sống để đền bù tội lỗi chúng ta, để cầu xin cho phần rỗi nhân loại, kể cả những người hành hạ chúng ta. Chúng ta hãy tín thác nơi lòng nhân từ của Chúa, một lát nữa, chúng ta sẽ mãi mãi được hiệp nhất với nhau?. Từng người một bị quân Đức xử bắn; hai linh mục bị xử sau cùng, lúc đó là đúng 3 giờ chiều thứ sáu Tuần Thánh 27/4/1945. Cha sở Pelago quả thực là một mục tử nhân lành theo gương Chúa Giêsu.Ngài đa yêu thương giáo dân của mình đến độ đã sẵn sàng chết cho họ. Cha đã trở thành con người của đức ái.
Công Đồng Vaticanô II đã mời gọi các linh mục ý thức về tính tương thuộc và trách nhiệm thánh để các ngài luôn nhớ rằng các ngài vẫn là những Kitô hữu như những người khác, các ngài được chọn giữa anh em, các ngài vẫn phải tuân theo những đòi hỏi của Bí Tích Thánh và sống như anh em với tất cả những người đã được rửa tội, để phục vụ thân thể duy nhất của Chúa Kitô (LM 9).
Do đó, trước hết linh mục phải trở nên con người của tình yêu thương, của đức bác ái. Linh mục sẽ không có tình yêu Chúa chân thật, không có lòng đạo đức chân chính và hồn tông đồ nhiệt thành nếu không có tình yêu thương đối với tha nhân và nhất là đối với giáo dân của mình. Lời rao giảng của ngài sẽ không thuyết phục được ai. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó, không những bằng lời nói, mà còn bằng chính cuộc sống của Người: ?Ta là mục tử nhân lành, Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta, và Ta hy sinh mạng sống mình vì chiên?. Chúa Giêsu nêu gương cho các linh mục về lòng từ bi thương xót: Chúa cảm thương đám đông như đàn chiên không người chăn, vì thế Ngươi quan tâm hướng dẫn họ bằng lời hằng sống và dạy họ nhiều điều; với tâm tình từ bi đó, Chúa đã chữa lành nhiều người bệnh như dấu chỉ nói lên sự chữa lành về tinh thần; Chúa cũng hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng, đây là hình ảnh của Bí tích Thánh Thể; Chúa tỏ lòng thương xót đối với tội nhân và có cùng tâm tình như người cha quảng đại đón nhận đứa con hoang đàng trở về. Thư Do Thái đã tóm lược thái độ đó khi quả quyết: ?Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người trong tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ u mê, lầm lạc. Chúa Giêsu đã trở nên giống anh em mình trong mọi sự, để trở thành vị Thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phụng Thiên Chúa hầu đền tội cho dân?.
Như thế, linh mục tìm thấy nơi Chúa Giêsu mẫu gương đích thực về tình yêu thương đối với người nghèo khó, nhất là người tội lỗi. Tình bác ái yêu thương của người mục tử không có sự phân cấp, xếp loại. Người giàu cũng như người nghèo, người có quyền chức địa vị cũng như người bình dân ít học, người đạo đức tốt lành cũng như người yếu đuối tội lỗi: tất cả đều có quyền được hưởng lòng bác ái bao dung của người mục tử. Lòng yêu thương và tình bác ái còn được biểu lộ trong thái độ phục vụ của linh mục. Linh mục thừa tác có nghĩa là được ủy nhiệm để phục vụ chứ không phải để thống trị. Chúa Giêsu đã dặn dò các môn đệ: Ai muốn làm lớn hãy trở nên người phục vụ? (Mt 20,28).
Theo giáo huấn của Chúa Giêsu và của Giáo Hội thì làm đầu một Cộng Đoàn không có nghĩa là cai quản, thống trị mà là phục vụ. Do đó linh mục không được tìm vinh dự hay tư lợi cho riêng mình, không được dùng giáo huấn, bí tích như phương thế để chế tài, áp đảo, bắt giáo dân phải phục quyền của mình; không coi mình như kẻ ban phát độc quyền và tự ý kho tàng của Chúa; không dùng những lời nói có tính cách mạt sát, truyền lệnh, đe phạt. Hãy loại bỏ cách làm việc độc đoán, độc quyền và tôn trọng tự do chính đáng của giáo dân, biết lắng nghe, biết để ý đến nguyện vọng của họ và biết kêu gọi sự cộng tác của họ để làm cho việc tông đồ, mục vụ trong giáo xứ được phát triển.
Vâng theo giáo huấn của Chúa và Giáo Hội, linh mục quyết tâm trở nên người mục tử nhân lành, tái diễn nơi bản thân mình đức bác ái của Chúa Giêsu, quyết tâm tìm hiểu đàn chiên đã được ủy thác cho mình, tiếp xúc, thăm viếng, gặp gỡ, tiếp đón những người tìm đến với mình như Chúa Giêsu đã làm, sẵn sàng lắng nghe các vấn đề của họ trong tinh thần cởi mở, dấn thân giúp đỡ người nghèo khổ, bất hạnh. Để được thế, linh mục cần phải có nhiều đức tính đáng cho xã hội loài người kính chuộng, như từ tâm, thành thật, dũng cảm, kiên nhẫn, say mê công chính, lịch thiệp và có đời sống nội tâm sâu xa. Đời sống gương mẫu ấy sẽ làm chứng cho những điều linh mục rao giảng.