Những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi (Paranoid personality disorder) chưa hẳn là người bị bệnh tâm thần. Họ có thể có những thành tựu trong cuộc sống xã hội nhưng Tòa án hôn phối lại có thể xác nhận họ kết hôn vô hiệu vì thiếu óc phán đoán về những nghĩa vụ và quyền lợi chính yếu của việc trao ban cho nhau trong hôn nhân (đ. 1095,2), hoặc vì bản chất tâm lý không thể đảm nhận những nghĩa vụ của hôn nhân (đ. 1095,3). Phần bệnh lý của rối loạn nhân cách và một vụ án về hôn nhân bất thành điển hình được trình bày trong bài này.
1. Bệnh lý
Rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi (Paranoid personality disorder)[1] có biểu hiện đặc trưng bởi sự không tin tưởng hay đa nghi, nghĩ rằng kẻ khác là có động cơ xấu hay ác ý.[2] Rối loạn bắt đầu từ tuổi trưởng thành, được chuẩn đoán bởi bốn hoặc nhiều hơn các tiêu chí sau đây: [3]
1) Luôn hồ nghi vô căn cứ
Họ luôn tin rằng những người khác đang âm mưu chống lại họ và có thể tấn công họ bất ngờ, bất cứ lúc nào, dù khi không có bằng chứng nào cả.
2) Luôn nghi ngờ về sự trung thành hoặc tin cậy
Họ bận rộn với những nghi ngờ vô lý về lòng trung thành hoặc sự tin cậy của bạn bè và cộng sự của họ.
3) Miễn cưỡng tâm sự với người khác vì sợ bị chống lại
Họ không muốn tâm sự hoặc trở nên thân thiết với người khác vì họ sợ thông tin họ chia sẻ sẽ được sử dụng để chống lại họ.
4) Đọc thấy ẩn ý hạ thấp hoặc đe dọa ở những lời cảnh giác tốt hay sự kiện
Họ có thể xem một nhận xét hài hước bình thường như là một cuộc tấn công nghiêm trọng chống lại họ; xem lời khen như là một cách ép họ làm việc nhiều hơn; xem một đề nghị giúp đỡ như một lời chỉ trích rằng họ không tự mình làm đủ tốt.
5) Cố chấp trong những mối hận thù
Họ không tha thứ cho những lời lăng mạ, hoặc sự tráo trở mà họ nghĩ rằng họ đã nhận được.
6) Mau chóng nhận ra mình bị tấn công và phản công
Họ luôn cảnh giác với ý định hại họ, nên nhiều khi những tấn công không phải là thật, nhưng họ nhanh chóng phản công và phản ứng với sự tức giận.
7) Luôn nghi ngờ vô cớ liên quan đến sự chung thủy của vợ/chồng hoặc bạn tình
Họ thường nghi ngờ rằng người vợ/chồng hoặc bạn tình của họ không chung thủy, bằng cách thu thập bằng chứng tầm thường. Họ muốn luôn kiểm soát hoàn toàn các mối quan hệ vợ chồng thân mật để tránh bị phản bội; liên tục đặt câu hỏi và thách thức về những nơi, hành động, ý định, và sự chung thủy của vợ/chồng hoặc bạn tình của họ.[4]
Hổ trợ chuẩn đoán
Một số các tính cách khác phối hợp giúp chuẩn đoán cá nhân bị rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi:[5]
- Khó hòa đồng và thường gặp vấn đề với các mối quan hệ thân thiết;
- Có thể hành động một cách thận trọng, bí mật hoặc lệch lạc và tỏ ra "lạnh lùng" và thiếu cảm xúc dịu dàng;
- Thường xuyên hiển thị một loạt không ổn định bị ảnh hưởng, như thù nghịch, bướng bỉnh, và châm biếm;
- Có nhu cầu quá mức để tự lập và ý thức tự chủ mạnh mẽ;
- Có thể đổ lỗi cho người khác về những thiếu sót của họ;
- Có thể được coi là "những kẻ cuồng tín" và tạo thành những "giáo phái";
- Khi căng thẳng, có thể trải qua các giai đoạn loạn thần rất ngắn (kéo dài vài phút đến vài giờ), hoặc có thể bị như rối loạn hoang tưởng hay tâm thần phân liệt (schizophrenia);
- Có thể đi kèm những rối loạn nhân cách khác như phân liệt (schizotypal, schizoid), ái kỷ (narcissistic), tránh né (avoidant) và ranh giới (borderline).
Tỷ lệ
Theo khảo sát của the National Comorbidity Survey Replication tỷ lệ rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi paranoid hiện nay là khoảng 2,3%. Trong khi đó, The National Epidemiologic Survey on Alcohol and Related Conditions cho thấy tỷ lệ rối loạn nhân cách hoang tưởng là khoảng 4,4%.[6]
Chuẩn đoán phân biệt
Rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi thì khác biệt với:[7]
- Các rối loạn tâm thần khác với các triệu chứng loạn thần;
- Những thay đổi tính cách do một tình trạng sức khỏe y tế khác;
- Các rối loạn do sử dụng các chất: thuốc men, ma túy, rượu bia... ;
- Các chứng hoang tưởng liên quan đến khuyết tật thể chất (ví dụ, bị bệnh khiếm thính);
- Những mẫu rối loạn nhân cách khác, vì các rối loạn cũng có các đặc điểm chung nhất định. Cần theo các đặc điểm hay tiêu chí riêng của mỗi loại để phân biệt;
Rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi và rối loạn nhân cách phân liệt (schizotypal) cũng có đặc điểm đa nghi, xa cách giữa các cá nhân, và tạo ra ý tưởng hoang tưởng, nhưng rối loạn nhân cách phân liệt (schizotypal) lại bao gồm các triệu chứng như suy nghĩ huyền diệu, bất thường kỳ quặc. Cá nhân có hành vi đáp ứng tiêu chí cho rối loạn nhân cách phân liệt được thường được coi là kỳ lạ, lập dị, lạnh lùng, và sống khép kín, nhưng họ thường không có tạo ra ý tưởng hoang tưởng nổi bật.
Xu hướng của những người mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi (paranoid) phản ứng với những kích thích nhỏ với sự tức giận cũng được thấy trong các rối loạn nhân cách ranh giới (borderline) và kịch tính (histronic). Tuy nhiên, những rối loạn đó lại không nhất thiết phải kết hợp với đa nghi như rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi.
Những người mắc chứng rối loạn nhân cách tránh né (avoidant) cũng có thể miễn cưỡng tâm sự với người khác, nhưng lại ít sợ ý định độc hại của người khác. Mặc dù rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi có thể có hành vi chống đối xã hội như trong rối loạn nhân cách chống đối xã hội (antisocial) nhưng nó thường không được thúc đẩy bởi lợi nhuận, mà đúng hơn là thường để mong muốn trả thù. Rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissistic) đôi khi có thể hiển thị đa nghi, tránh xã hội, hoặc xa lánh, nhưng xuất phát chủ yếu từ những lo ngại rằng khiếm khuyết hoặc sai sót của họ bị tiết lộ.
Đặc điểm của rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi (paranoid) nên được chuẩn đoán chỉ khi những đặc điểm của nó là cứng nhắc không linh hoạt, không thích ứng, dai dẵng và gây suy giảm chức năng đáng kể hoặc buồn khổ (distress) chủ quan.[8]
2. Vụ án rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi (paranoid)
Vụ án được xử tại Tòa án Tổng giáo phận Hartford, Hoa Kỳ (1982). Bị đơn là cô Louise Curlew được tòa xác nhận là thiếu khả năng kết hôn do rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi paranoid. [9]
Anh Brian Scoter và cô Louise Curlew, cả hai đều theo đạo Tin lành, đã kết hôn tại Nhà thờ Tin Lành vào năm 1955, tại tiểu bang Connecticut, Hoa kỳ, trong Tổng giáo phận Hartford. Lúc đó Brian 24 tuổi và Louise 21 tuổi.
Cặp vợ chồng sống với nhau 22 năm và có hai đứa con. Ngay từ đầu cô Louise đã không thích mẹ chồng và cả gia đình bên chồng nói chung. Mặc dù mối quan hệ giữa hai vợ chồng dường như khá tốt trong một số năm, nhưng nó dần xấu đi và đến những năm sau đó, cô Louise đã nghiện rượu, lạm dụng và bạo lực. Cô đã ly hôn năm 1978.
Năm 1982, anh Brian có nhu cầu kết hôn với một người phụ nữ Công Giáo, đệ đơn xin Tòa án giáo phận tuyên bố hôn nhân của anh với cô Louise là vô hiệu.
Những chứng cớ được thu thập từ lời khai của bốn nhân chứng. Đó là anh trai và chị dâu của nguyên đơn, và một cặp vợ chồng (ông bà Johnson) là bạn của cả hai nguyên đơn và bị đơn trong hai mươi lăm năm.
Các dữ kiện được ghi nhận trong phần luận chứng của bản án được tóm tắt như sau:
- Chuyên gia của Tòa án, Bác sĩ Mark S. Jaeger, đã nhận thấy rằng tại thời điểm kết hôn, cô Louise Curlew mắc chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng Paranoid nghiêm trọng, dần dần xuất hiện trong suốt cuộc hôn nhân.
- Louise Curlew là chị cả trong ba người con. Cha cô đã từng giữ một vị trí điều hành trong một công ty ở New York nhưng đã mất vị trí đó vì nghiện rượu, trở thành một người giao hàng. Trong gia đình, ông ta rất khó tính và cay độc. Louise luôn thấy bực bội vì được nuôi dưỡng trong một ngôi nhà như vậy.
- Bốn sự cố cho thấy sự hiện diện của hoang tưởng ở cô Louise trong khoảng thời gian của cuộc hôn nhân là:
1. Khoảng một tháng trước đám cưới, anh Brian chở mẹ đến New Jersey để đoàn tụ gia đình. Cô Louise cảm thấy điều này là mối đe dọa và cho rằng anh Brian đã bỏ cô một mình lo chuẩn bị đám cưới. Đây là một sự cố mà Louise không bao giờ quên và đã nhắc lại vào 22 năm sau.
2. Trước lễ cưới, mẹ của anh Brian đã khóc và trì hoãn đến nơi của cô Louise ấy trong một thời gian ngắn. Sự kiện chỉ có vậy, nhưng cô lại thấy điều này có nghĩa là mẹ của Brian đã không thích cô ấy; và cô cũng cho rằng đây cũng là một sự cố mà chồng cô, Brian, không bao giờ được phép quên.
3. Trong khoảng thời gian của cuộc hôn nhân, một người nữ Công giáo, đang hẹn hò với John Scoter (Tin Lành), em trai của anh Brian. Cô Louise đã nói với người nữ ấy rằng mẹ của anh John chống đối Công giáo một cách cay đắng và thà thấy John kết hôn với một người phương Đông hơn là một người Công giáo. Trong thực tế, thì không như cô Louise tưởng tượng và nói như vậy, vì gia đình anh Brian tuy theo đạo Tin Lành nhưng không có chống Công Giáo.
4. Từ đầu cuộc hôn nhân, Louise thường mở thư của chồng. Một số thư từ gia đình bên chồng không bao giờ nhận được. Vì vậy đôi khi họ không thể liên lạc và nghe biết về gia đình của họ.
Bốn sự cố này và những sự cố khác rõ ràng được cô Louise hoạch định để gieo những hạt giống bất mãn và mất lòng tin giữa các thành viên trong gia đình và cô lập ông chồng ra khỏi gia đình của ông. Theo ý kiến của Bác sĩ Jaeger, Louise đã làm điều này, vì cô sợ rằng họ sẽ đưa chồng ra khỏi cô. Hai đứa con của họ đã gần như hoàn toàn không biết ông bà nội của mình; và khi mọi chuyện sụp đổ, Louise đổ lỗi cho mẹ chồng về mọi thứ. Trong những năm qua, Brian đã cố gắng tìm biết lý do tại sao cô lại phản đối bố mẹ và gia đình anh. Thật ra, Louise không bao giờ thực sự có một lý do cụ thể để giải thích; cô chỉ cảm thấy cả gia đình anh thật ngu ngốc.
- Mặc dù Louise dường như hoạt động khá tốt trong hôn nhân, xử lý tài chính tốt và là một người mẹ tốt cho hai đứa con của cô, nhưng dần dần, và theo bác sĩ Jaeger, cô đã trở nên kỳ lạ.
- Vào khoảng năm 1963, khi Louise nghĩ rằng mình có thai lần thứ ba, cô đã rất tức giận và cực kỳ khó chịu với Brian trong vài tháng. Sự ghen tuông và mất lòng tin của Louise trở nên rõ ràng hơn. Cô bắt đầu uống nhiều hơn và cho đến khi cô trở thành người nghiện rượu. Các nhân chứng nhìn thấy cô ấy bấy giờ như đang gặp khó khăn, ồn ào, hống hách, thô lỗ, lạm dụng, hung hăng với mọi người. Cô ném quần áo ra ngoài cửa sổ, phá vỡ đèn và thậm chí đe dọa Brian bằng dao đồ tể.
- Trong cuộc phỏng vấn, Louise rất xúc động và "khóc lóc", đổ lỗi cho tất cả mọi thứ về Brian và tuyên bố rằng cô không có vấn đề gì với rượu, rằng cô chỉ là một người uống rượu bình thường, mặc dù các nhân chứng cho thấy điều ngược lại là đúng.
Đưa ra tất cả các bằng chứng, và đặc biệt trong trường hợp này là những hiểu biết của bác sĩ tâm thần về bản chất của vấn đề và sự hiện diện của nó tại thời điểm kết hôn, các thẩm phán chắc chắn luân lý rằng Louise Curlew thiếu khả năng kết hôn do rối loạn nhân cách hoang tưởng đa nghi paranoid.
[1] Chuyển dịch thêm chữ “đa nghi”, để dễ phân biệt với những dạng hoang tưởng khác.
[2] Cf. DSM V, 649.
[3] Cf. DSM V, 649.
[4] Cf. DSM V, 650.
[5] Cf. DSM V, 650-651.
[6] Cf. DSM V, 651.
[7] Cf. DSM V, 652.
[8] Cf. DSM V, 652.
[9] Cf. L.G. WRENNN, Decisions, Washington DC 1983, 46-50.
Lm JB. Lê Ngọc Dũng
Nguồn: http://giaoluatconggiao.com