WHĐ (22.7.2020) – Giáo luật số 1086 § 1, tuyên bố rằng “Hôn nhân giữa một người đã được Rửa tội trong Giáo hội Công giáo hoặc đã được nhận vào Giáo hội ấy mà không rời bỏ Giáo hội ấy bằng một hành vi dứt khoát với một người không được Rửa tội, thì bất thành”.
Đây là một trở ngại liên quan đến một cuộc hôn nhân được cử hành giữa một người được rửa tội trong Giáo hội Công giáo hoặc được đón nhận trong Giáo hội (và không bị tách rời do một hành vi chính thức) và một người khác không được rửa tội.
1. Lý do của việc ngăn trở
Trước hết, lý do của việc ngăn trở này là nhằm bảo vệ đức tin và việc thực hành đạo về phía người đã được rửa tội vì lo ngại về đức tin có thể bị nguy hiểm khi sống với một người không được rửa tội, cũng như để đảm bảo giáo dục theo tinh thần công giáo cho trẻ em và bảo đảm cho vợ chồng cũng như cho cả gia đình một sự hiệp thông trọn vẹn trong cuộc sống không bị tổn hại bởi một niềm tin tôn giáo khác.
Đức tin này có thể bị sa sút hoặc bị mất luôn trong trường hợp tín hữu Công giáo thành hôn với một người khác đạo và dần dần trở nên xa rời cuộc sống đức tin của mình. Trong thời Cựu Ước, Kinh Thánh đã ngăn cấm dân Chúa không được kết hôn với người ngoại giáo. Sách Đệ Nhị Luật quy định: “Ngươi không được sui gia với dân ngoại, ngươi không được gả con gái ngươi cho con trai chúng và cưới con gái chúng cho con trai người, vì nó sẽ dụ con trai ngươi không theo Ta, làm nó thờ những thần khác, và cơn thịnh nộ Giavê sẽ bừng trên ngươi và kíp tru diệt ngươi đi” (Đnl 7,3-4).
Nhìn chung, khi đứng trước một cuộc hôn nhân không mang phẩm tính bí tích trong sự kết hợp giữa một người công giáo và một người không được rửa tội, việc kết hợp vợ chồng như một cộng đồng thân mật của đời sống và của tình yêu (communitas vitae et amoris) mà đối với họ đó là điều phù hợp với và liên quan đến mọi chiều kích cá nhân và sâu xa của vợ chồng, mà thay vào đó là một sự khác biệt về tâm hồn và niềm tin tôn giáo. Điều này tự nó bao gồm cả sự đa dạng về hành vi liên quan đến các khía cạnh có thể cản trở sự hiệp thông trong cuộc sống của vợ chồng, chẳng hạn như về số con được sinh ra và giáo dục chúng hoặc việc thực hành các nghĩa vụ tôn giáo bên ngoài.
2. Quan ngại về đức tin
Những khó khăn này sẽ càng nặng nề đổ xuống trên một trong hai muốn thực hành tôn giáo của họ. Trường hợp này sẽ khác khi họ thiếu nhạy cảm đối với các giá trị tôn giáo, cả hai sẽ không đặt nặng vấn đề rằng người kia tiếp tục sống trong niềm tin tôn giáo hay không, vì không ai xác tín về con đường đạo của mình, thì họ cũng không tin có thể sống trọn vẹn theo nhu cầu của đức tin của họ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các cuộc hôn nhân này không có gì liên quan trong đời sống đức tin của người đã được rửa tội và của các gia đình sẽ được hình thành do sự kết hợp giữa hai người. Bí tích cũng không chỉ nhằm cho phía người công giáo: chúng ta hãy nhớ rằng hôn nhân có bản chất “di truyền”, bao hàm cả một bản sắc về các hiệu ứng dành cho cả hai bên và đòi hỏi cả hai có cùng một hành động mang lại hiệu quả cho mỗi người phối ngẫu. Do đó, hành động ấy mang lại hiệu lực như nhau cho cả hai bên, nên bí tích phải là unum et individuum. Như vậy, hôn nhân bí tích duy nhất là cuộc hôn nhân được hai chủ thể đã được rửa tội: nếu cả hai không phải là những người đã được rửa tội mà cử hành, thì sẽ không có bí tích cho bên nào cả, ngay cả khi họ tuân theo hình thức giáo luật.
3. Tiên liệu và sư phạm
Trong viễn cảnh này, sự ngăn trở của hôn nhân khác đạo có thể giải quyết được nhờ việc tiên liệu và mang tính sư phạm, bởi vì nó ngăn cản phía công giáo tiếp cận một loại hôn nhân làm suy yếu chiều kích thiết yếu của bí tích, mặc dù trên thực tế giáo luật ngày càng giới hạn sự can thiệp của mình vào vấn đề này, để lại trách nhiệm và việc phân định của người công giáo về sự lựa chọn và cam kết của họ.
Do đó, những bất lợi nghiêm trọng đối với hôn nhân giữa công giáo và người không được rửa tội là ratio legis do luật lệ đã được các nhà lập pháp làm ra từ những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội, vì họ cảm thấy lo ngại liên tục về việc bảo vệ quyền thiêng liêng, do việc giả định rằng người công giáo kết hôn với một người không được rửa tội sẽ bị đặt vào tình trạng nguy hiểm cho đức tin khiến họ không trung thành với những đòi hỏi cơ bản của đời sống Kitô hữu[1].
4. Định hướng
Các định hướng thực tế của thần học trong các vấn đề bí tích hôn nhân, trong thực tế, khẳng định rằng hôn nhân, như một thực tại của con người, có chính Thiên Chúa là tác giả, như Công đồng Vatican II đã tuyên bố cách rõ ràng: “Ipse vero Deus est auctor matrimonii”, chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân (GS 48). Nó không chỉ bắt nguồn từ Thiên Chúa, mà trong đó nó bày tỏ cách đặc biệt ơn gọi sâu sắc của mình, đó là mối quan hệ với Thiên Chúa, nơi nó tìm thấy sự kiện toàn cách trọn vẹn và dứt khoát của mình trong sự kết hợp của Chúa Kitô và của Giáo hội. Trong viễn cảnh ấy, người ta có thể nói về tính bí tích theo nghĩa rộng cũng cho hôn nhân ngoài Kitô giáo[2].
Tuy nhiên, người ta muốn hiểu vấn nạn về tính bí tích hôn nhân được ký kết với sự miễn chuẩn khỏi ngăn trở khác đạo, có thể khẳng định rằng, hôn nhân ấy dù không phải là bí tích, ngay cả đối với bên đã được rửa tội, vẫn luôn là một cuộc hôn nhân hợp giáo luật, có một giá trị tôn giáo và Giáo hội không thể chối cãi, điều này không cho phép chúng ta coi nó như bất kỳ kết hợp thuần túy dân sự nào. Như vậy, thẩm quyền của Giáo hội phán xét về những cuộc hôn nhân này không cần phải bàn cãi: vì nó hợp lệ và hợp pháp, cuộc hôn nhân giữa một người công giáo và một người không được rửa tội đặt đôi bên kết ước trong một hoàn cảnh hợp với giáo luật cho phép bên công giáo được lãnh nhận các bí tích và thi hành tất cả các việc phục vụ mà Giáo hội đòi hỏi phải có một cuộc sống phù hợp với đức tin và với nhiệm vụ mà người ấy đảm nhận. Mặc dù là một cuộc hôn nhân không bí tích, nhưng vẫn luôn là một sự kiện mang tính giáo hội: sự ràng buộc mà hai người kết ước không chỉ có giá trị đối với đời sống thiêng liêng của đôi bạn, mà còn là một chứng tá cho cuộc sống và sứ mạng của cả Giáo hội, cho dù việc chứng tá này cách khách quan không rõ ràng như đời sống chứng tá từ việc kết hôn của hai người đã được rửa tội. Do đó, qua người phối ngẫu đã được rửa tội, hôn nhân được ký kết với sự miễn chuẩn ngăn trở khác đạo trở thành chứng tá và sự tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa là Đấng mà qua đức tin của bên đã được rửa tội và sự gắn kết vào mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô, càng trở nên gần gũi hơn với mỗi người, dù người ấy không phải là người tín hữu, muốn chiếu sáng và thanh tẩy tình yêu của con người bằng tất cả vẻ đẹp của nó.
5. Hoàn cảnh ngày nay
Chắc chắn thực tại của hôn nhân giữa một người đã được rửa tội trong Giáo hội Công giáo và một người không được rửa tội cũng lâu đời như chính Giáo hội, nhưng ngày nay thực tại được cảm nhận nhiều hơn chính trong chiều kích xã hội, cả khi không còn đồng nhất về mặt tôn giáo, cũng làm mất tính đa dạng nhưng là để bảo vệ và nâng cao bản sắc cá nhân, tự do của lương tâm và của tôn giáo. Giáo hội, theo giáo huấn ràng buộc của Đấng sáng lập cho tự do của con người, không sợ phải đối đầu với những người chưa gặp Ngôi Lời mà trái lại, nhân cơ hội này để chuyển tải và thông truyền giáo huấn của mình mà không sợ việc làm này có thể xúc phạm bản sắc của người khác, nhưng với nhận thức rằng còn có một món quà dành cho tất cả mọi người và phải được đề xuất với lòng tôn trọng sự tự do của mỗi người, tình yêu của Chúa Kitô, đồng thời cũng quan tâm đến những cuộc kết hôn ấy có thể xây dựng được một sự phong phú thiêng liêng cho các cộng đồng Kitô hữu và cho cuộc hành trình đại kết[3].
6. Nhìn lại việc miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân
Việc cấp giấy miễn chuẩn ngăn trở hôn nhân khác đạo là một phần của bản quyền địa phương, về vấn đề này, cần phải nhấn mạnh rằng, nếu không có quyền có được ơn sủng, thì vẫn có quyền của người tín hữu xin ơn huệ, quyền có được một sự trả lời và khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có sự trả lời tiêu cực[4].
Mặt khác, bản quyền địa phương, trong việc thẩm định đơn yêu cầu nhận được, thì cần theo các tiêu chí khách quan, chứ không tuân theo sự độc đoán của mình, vì nó không tùy thuộc ý muốn của người thực thi quyền bính mà đó là quyền của người tín hữu được giúp đỡ để đạt được lợi ích thiêng liêng của mình: trong hôn nhân thì cần thực thi đúng đắn ius connubii.
Người có thẩm quyền được mời gọi thi hành quyền miễn chuẩn cách thận trọng và kín đáo, không những chỉ đáp ứng đòi hỏi chính đáng của vợ chồng, mà của cả cộng đồng giáo hội trong các hoàn cảnh của thời gian và nơi chốn nhất định. Do đó, một đàng cần có sự bảo vệ lợi ích chung, nghĩa là tôn trọng giá trị của hôn nhân, đàng khác đó là quyền lợi của người tín hữu trong việc kết hôn: theo quan điểm này, việc miễn chuẩn được đặt ra như một yếu tố cần thiết để dung hòa hai quyền lợi ấy và đó là chìa khóa có khả năng cân bằng giữa các lĩnh vực chung cũng như riêng theo nguyên tắc equitas canonica. Nhưng cũng nên quan tâm đến vai trò sư phạm của luật giáo hội là không nên quá dễ dàng trong việc miễn chuẩn để tránh nguy cơ làm suy yếu đặc điểm này.
7. Cái nhìn của Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015
Một cơ hội quan trọng để đọc lại vai trò đặc trưng của nơi có thẩm quyền miễn chuẩn hôn nhân khác đạo được Thượng Hội đồng Giám mục vào ngày 24 tháng 10 năm 2015[5], sau khi đã suy tư về những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh phúc âm hóa. Cách cụ thể, Thượng hội đồng nhấn mạnh đến sự ngăn trở về hôn nhân khác đạo, phân tích ý nghĩa của việc miễn chuẩn có thể xảy ra dưới ánh sáng của bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo đặc trưng cho xã hội hôm nay.
Tại số 25 của Relatio Synodi, chúng ta đọc thấy rằng “ở các quốc gia mà sự hiện diện của Giáo hội Công giáo là thiểu số, có nhiều cuộc hôn nhân hỗn hợp và khác đạo với tất cả những khó khăn mà họ gặp phải về nhiều lãnh vực pháp lý, rửa tội, giáo dục trẻ em và tôn trọng nhau từ quan điểm về sự khác biệt của đức tin. Trong những cuộc hôn nhân này có thể có nguy cơ theo chủ nghĩa tương đối hoặc thờ ơ, nhưng cũng có thể có khả năng cổ võ tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn trong sự chung sống hài hòa của các cộng đồng sống cùng một nơi”.
Từ việc phân tích bộ luật của các cuộc hôn nhân hỗn hợp (can, 1124 tt.) và những vụ kết hợp với sự miễn chuẩn khỏi ngăn trở khác đạo (cann. 1086), lý lẽ rõ ràng của nhà làm luật là bảo vệ đức tin và tập tục Kitô giáo về phía người công giáo có thể bị nguy hiểm khi chung sống hôn nhân với một người phối ngẫu chưa được rửa tội hoặc rửa tội trong một cộng đồng không công giáo, để bảo đảm việc giáo dục cho con cái và bảo đảm cho vợ chồng và cả gia đình được hiệp thông trọn vẹn của cuộc sống có thể bị tổn hại do thực hành một niềm tin tôn giáo khác.
Thật vậy, người ta cho rằng các cuộc kết hợp hôn nhân như vậy có thể làm cho sự hòa nhập của vợ chồng trở nên khó khăn hơn trong “cộng đồng thân mật”, đó là communitas vitae et amoris, đặc tính của hôn nhân theo giáo luật và liên quan đến các chiều kích cá nhân và sâu sắc nhất của vợ chồng, mà do một sự khác biệt về niềm tin tôn giáo có thể cản trở sự hiệp thông cả trong sự chọn lựa chẳng hạn như số con cái và giáo dục chúng hoặc thực hành việc sống đạo.
Đàng khác, hôn nhân là một tổ chức luật tự nhiên và là ius nubendi, trong đó mỗi đối tượng là chủ sở hữu, rất khó để thừa nhận các lệnh cấm. Các nhà làm luật, cả trong kỷ luật về các cuộc hôn nhân hỗn hợp, và cả việc ngăn trở hôn nhân khác đạo, không có ý định làm suy yếu hoặc hạ thấp quyền này nhưng thật ra chỉ muốn tuân giữ bậc thang giá trị: thật vậy, ius nubendi chỉ bị chặn khi các giá trị cao hơn của trật tự siêu nhiên, như đức tin, đời sống ân sủng, trung thành với những đòi hỏi của lương tâm đã được huấn luyện cách đúng đắn của một người, bị xâm phạm và định kiến.
Vì thế, việc miễn chuẩn không nên được coi là một công cụ để hạn chế tự do của người đã được rửa tội, nhưng đó chỉ là một phương tiện để hỗ trợ các tín hữu trong việc bảo vệ đức tin của họ, giúp cho các đôi vợ chồng trở thành một “phòng thí nghiệm” thú vị liên quan đến nhiều vấn đề rộng lớn hơn những vấn đề đối phó với những xung đột trong các mối tương quan và mang tính gia đình.
Thượng Hội đồng Giám mục năm 2015 cống hiến cho chúng ta cách đọc bằng một lăng kính mới, việc miễn chuẩn khỏi ngăn trở hôn nhân khác đạo disparitas cultus nói riêng và khỏi những ngăn trở hôn nhân khác nói chung: thay vì bị coi là một trở ngại đối với việc thực thi ius connubii thì có thể được coi như một sự trợ giúp mà các nhà làm luật mong sao cho mỗi tín hữu có thể thực hiện tốt nhất quyền nói trên, mà không phải chịu một sự bất hợp pháp nào có thể xảy ra đối với hôn nhân đã được cử hành, cũng như cùng một lợi ích chung có thể được bảo vệ cách tốt nhất. Do đó, kỷ luật của việc chuẩn chước muốn trở thành công cụ cho việc mục vụ được công bằng hơn và trở nên mối quan tâm thường xuyên để bảo vệ salus animarum, luật tối cao của Giáo hội, ngay cả khi nói đến các việc nhằm lợi ích thiêng liêng của mỗi người tín hữu.
8. Nhìn vào thực tế tại Việt Nam
Những lý do đưa đến sự thận trọng
Trong thực tế tại Việt Nam, nhiều bậc cha mẹ và chính tín hữu Công giáo thường đặt điều kiện: người không Công giáo phải theo đạo thì mới gả con cho hoặc mới chịu kết hôn. Lý do vì tôn giáo là điều có liên hệ thực sự tới trọn cả cuộc sống con người và trong hôn nhân, hai vợ chồng cần chia sẻ cùng những xác tín căn bản như tín ngưỡng thì cuộc sống mới có thêm yếu tố được bền chặt. Thêm vào đó còn có vấn đề giáo dục con cái nữa.
Có trường hợp một phụ nữ Công giáo lấy chồng không Công giáo. Mỗi sáng Chúa nhật nàng lủi thủi đi lễ một mình, hoặc có khi ông chồng có tháp tùng vợ đi nhà thờ và chàng đi uống cà phê. Rồi những đứa con sinh ra không được rửa tội và giáo dục theo đức tin công giáo. Vào cuối đời nhờ gương sáng của người vợ, ông chồng đã xin theo đạo, nhưng rồi con cái đã lớn, đã lập gia đình và vì không được giáo dục theo đức tin, nên không muốn theo. Ngoài ra, cũng có trường hợp: ví dụ người công giáo xác tín phá thai là một tội ác giết người, nhưng người chồng theo một tôn giáo nào khác cho rằng phá thai chẳng hề chi, vì bào thai chưa phải là người, và vì thế chàng đòi buộc nàng phải phá thai. Hay trường hợp một người theo tôn giáo khác cho rằng hôn nhân không nhất thiết phải là một vợ một chồng, vì “đàn ông được năm thê bảy thiếp”, trong khi theo giáo lý công giáo, hôn nhân nhất thiết phải là “nhất phu nhất phụ”. Sự khác biệt tôn giáo với những sự kiện trên đây chỉ là tương đối, nhưng chúng có thể là nguồn gây nên căng thẳng trong cuộc sống về lâu về dài giữa hai vợ chồng và có thể làm cho hai người mất hạnh phúc hôn nhân.
9. Đức tin là một kho tàng cần được bảo vệ
Đối với tín hữu công giáo, đức tin là điều kiện tiên quyết để được cứu rỗi và đó là giá trị cao cả hơn hạnh phúc nói chung và hạnh phúc hôn nhân gia đình ở đời này nói riêng vì như Chúa Giêsu đã dạy: “Được lời cả thế gian mà mất linh hồn thì nào được ích gì”. Chính vì lý do đó, Giáo hội và nhiều bậc phụ huynh thường khuyên bảo các tín hữu và con em mình chỉ nên thành hôn với những người đồng đạo. Vì điều kiện này nên có những người vì muốn thành hôn với một tín hữu công giáo đã chấp nhận theo đạo công giáo. Tuy nhiên, Giáo hội đã tỏ ra rất thận trọng trong những trường hợp “người theo đạo chỉ để lấy vợ hoặc lấy chồng” mà thôi, và khi đã đạt được mục tiêu rồi, họ gạt đạo sang một bên. Bởi vậy, Việt Nam ta có câu ca dao. “Con quỳ lạy Chúa Ba Ngôi, con cưới được vợ con thôi nhà thờ”. Ngược lại trong thực tế, cũng có những người, nhờ dịp thành hôn, họ đón nhận đạo công giáo như lý tưởng của cuộc đời và có khi còn nhiệt tâm hơn cả người vợ hay người chồng công giáo gốc.
10. Việc miễn chuẩn
Nếu sau khi đã được trình bày đầy đủ về các lý lẽ trên đây mà hai người nhất định lấy nhau, đạo ai người nấy giữ, thì họ vẫn có thể xin giáo quyền chuẩn chước để được thành hôn với nhau. Giáo luật hiện hành của Công giáo, trong khoản 1086, triệt 1 xác định rằng hôn nhân giữa một người đã được rửa tội và một người chưa được rửa tội bị coi như bất thành và vô hiệu lực. Tuy nhiên, bản quyền địa phương (Đức Giám mục hay Cha Tổng Đại diện) có quyền miễn chuẩn cho hai người kết hôn, nếu có lý do chính đáng và nếu hội đủ những điều sau đây:
– Thứ nhất là phía Công giáo phải tuyên bố sẵn sàng loại bỏ tất cả những gì có nguy hại cho đức tin và họ phải thực sự cam đoan sẽ cố gắng hết sức để con cái sinh ra được rửa tội và giáo dục trong Giáo hội công giáo (GL 1125,1).
– Thứ hai là phía không công giáo cũng được thông báo kịp thời về những lời cam đoan ấy, để họ có ý thức về nghĩa vụ của người bạn đường công giáo của mình (GL 1125,2).
– Điều kiện thứ ba là cả hai bên, công giáo cũng như không công giáo, cần phải được giáo huấn về mục đích và đặc tính thiết yếu của hôn nhân, đặc biệt là đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly của hôn nhân (GL 1125, 3).
Nói tóm lại, tuy hôn nhân khác đạo là điều có thể, nhưng đây cũng là điều hết sức tránh, vì những lý do đã nói trên đây. Sở dĩ Giáo hội, hoặc các bậc phụ huynh hoặc chính người tín hữu công giáo thành hôn mong muốn phía không công giáo gia nhập Giáo hội, đó cũng nhằm mưu hạnh phúc thực sự cho hai người trong cuộc sống hôn nhân cũng như cho con cái sau này, chứ không nhằm mục đích chiêu mộ tín đồ hoặc ép buộc lương tâm người khác. Trong trường hợp phía không công giáo nhất định muốn giữ đạo của mình và không thể tránh cuộc hôn nhân đó được, thì ít nhất phía không công giáo phải tôn trọng những xác tín tôn giáo của phía công giáo, và phía tín hữu công giáo phải làm hết sức để bảo tồn đức tin của mình.
Trong Tông huấn Familiaris Consortio về “bổn phận của Gia Đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khuyên những người công giáo kết hôn với người khác đạo phải cố gắng hết sức sống một đời sống đức tin gương mẫu ngay trong gia đình của mình, để làm chứng cho Chúa trước mặt người bạn đường của mình cũng như đối với con cái của mình (xem FC 78).
Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Tông huấn Amoris Laetitia tổng hợp những gì chúng ta vừa trình bày để kêu gọi các mục tử cần có một chương trình chăm sóc mục vụ đặc biệt cho vấn đề này:
“Những hôn phối khác đạo là nơi ưu việt cho cuộc đối thoại liên tôn [...] có một số khó khăn đặc biệt cả về căn tính Kitô giáo của gia đình, lẫn về việc giáo dục đức tin cho con cái. [...] Số các gia đình mà đôi vợ chồng kết hợp theo hôn phối khác đạo ngày càng tăng trong các vùng truyền giáo và ngay cả tại các nước có truyền thống Kitô giáo lâu đời, đòi hỏi khẩn thiết phải có chương trình chăm sóc mục vụ đặc biệt tùy theo bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau”. (AL 248).
Để thêm tin tưởng trong việc mục vụ này, chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của thánh nữ Monica. Thánh nữ kết hôn với một người ngoại giáo. Nhưng qua cuộc sống gương mẫu và nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện, thánh nữ đã hoán cải được người chồng của mình và ông đã xin rửa tội trước khi qua đời.
Ngoài ra, thánh Monica còn làm cho con của mình là Augustinô, sau thời kỳ sống xa Chúa, đã xin được rửa tội và sau này trở thành vị đại thánh tiến sĩ của Giáo hội. Trước đó thánh Phêrô cũng đã khuyên những người vợ Công giáo có chồng khác đạo, hãy ăn ở xứng đáng, để người chồng dù không tin lời giảng, nhưng vẫn có thể được lợi ích nhờ tấm gương của người vợ (xem Thư I Phêrô 3, 1-2).
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, số 115 (tháng 11 & 12 năm 2019)
xem Xh 34,15-16 “Ngươi không được lập giao ước với dân cư trong xứ, kẻo khi chúng đàng điếm với các thần của chúng và tế họ, chúng sẽ mời ngươi và ngươi sẽ ăn đồ cúng của chúng, ngươi sẽ kén vợ cho con trai ngươi trong số con gái chúng, con gái chúng sẽ đàng điếm với các thần của chúng và làm cho con trai ngươi đàng điếm với các thần đó”. Rõ ràng cả trong trường hợp này: Ông Maisen đặt luật cấm nhằm bảo vệ đức tin cho dân mình.
Xem. M. Mingardi, L’esclusione della dignità sacramentale dal consenso matrimoniale nella dottrina e nella giurisprudenza recenti, Pontificia Università Gregoriana, Roma, 2001, p. 29 ss
Cfr. M.P. Agostino, Matrimoni misti e problemi pastorali, in Diritto matrimoniale canonico, LEV, Città del Vaticano, 2005, p. 292 ss.
Cfr. P. Pavanello, Licenze e dispense matrimoniali, in Quaderni di diritto ecclesiale, 4, 2011, p. 501 ss.
Cfr. F. Gravino, Sinodo sulla famiglia e matrimoni misti, in Aa.Vv., Matrimonio e processo per un nuovo Umanesimo. Il m.p. Mitis Iudex Dominus Iesus di Papa Francesco, a cura di P. Palumbo, Giappichelli, Torino 2016, p. 77 ss.,il quale ricorda che l’indizione da parte di Papa Francesco nell’ottobre del 2014 della III Assemblea Generale Straordinaria del Sinodo dei Vescovi dedicata alle “Sfide pastorali sulla famiglia nel contesto dell’evangelizzazione” aveva già manifestato l’intenzione del Romano Pontefice di riflettere in merito all’esperienza familiare, che è “scuola di umanità” (GS, n. 52) e che è centrale nella vita di tutti, in ragione del suo essere “Chiesa domestica” (LG, n. 11) (nhắc lại rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố Thượng hội đồng Giám mục đặc biệt vào tháng 10 năm 2004 dành riêng cho “những thách đố mục vụ về gia đình trong bối cảnh Tân Phúc Âm Hóa” đã bày tỏ ý định của ngài dành để suy tư về kinh nghiệm gia đình, như là một “trường học của nhân loại” (GS, số 52) và là trung tâm của cuộc sống của tất cả mọi người, bởi vì bản chất là “Giáo hội tại gia” (LG, số 11).
Lm. Augustino Nguyễn Văn Dụ
Nguồn: hdgmvietnam.com