GIỚI THIỆU ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY (Làm Video 3phút5 giây)
Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Thủy nằm trên địa bàn xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Đan viện được khai sinh bởi Đan viện Xitô Thánh Mẫu Châu Sơn Đơn Dương, Lâm Đồng.
Sau một thời gian cầu nguyện, ngày 19.03.1970 cộng đoàn Châu Sơn Đơn Dương quyết định thành lập Nhà Con.
Ngày 04.06.1971, 8 thành viên đã lên đường đi thành lập Tân Đan viện tại Láng Goòng, ấp Đá Mài, xã Bà Giêng, quận Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy, nay thuộc thôn Đá Mài 2, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Đan viện được đặt tên là Châu Thủy. “Châu” được thừa hưởng từ tên Nhà mẹ Châu Sơn. “Thủy” được đón nhận từ tên của cha già GB. Trần Ngọc Thủy, người đã trao lại vùng đất truyền giáo Láng Goòng cho việc thành lập Tân Đan viện. Theo âm Hán Việt cũng có thể hiểu “Châu 珠” là ngọc, “Thủy 水” là nước. “Châu Thủy珠水” là giọt nước long lanh và quí giá như hạt ngọc.
Đan viện đã nhận Đức Maria thăm viếng làm Bổn mạng.
Ngày 15.08.1975, Đan viện được Tự trị và ngày 29.11.2008 được nâng lên hàng Đan Phụ viện.
Khởi đi từ một số nhỏ, dù thời cuộc khó khăn, quý cha anh đã hy sinh trong việc tìm Chúa và xây dựng Đan viện. Hiện nay Đan viện đã lớn mạnh, với số thành viên gần 90, nhà nguyện, nhà ở, nhà tĩnh tâm, khuôn viên rộng rãi xanh mát thích hợp cho đời đan tu.
ĐỜI SỐNG ƠN GỌI XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY
Ơn gọi Đan viện chuyên về chiêm niệm với châm ngôn: Ora et Labora(cầu nguyện và lao động). Đời sống này thể hiện qua những yếu tố: Cách biệt xã hội qua việc giữ nội vi và thinh lặng;Cầu nguyện qua cử hành phụng vụ; Khổ chế qua việc lao động, chay tịnh, hy sinh trong cuộc sống hằng ngày.
Đan viện luôn sẵn sàng đón nhận những thanh niên thiện chí muốn tìm Chúa trong đời sống đan tu. Điều kiện gia nhập: phải có ý ngay lành, muốn sống thanh khiết, khó nghèo, tuân phục theo gương Chúa Kitô, có sức khỏe đáp ứng được những đỏi hỏi của đời đan tu. Tối thiểu học xong chương trình phổ thông trung học.
ĐAN VIỆN VỚI VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
Các đan sĩ không hoạt động mục vụ bên ngoài nhưng dâng những hy sinh, những lời cầu nguyện trong thầm lặng, qua các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ... cầu cho việc loan báo Tin Mừng, và những nhu cầu khác của Giáo hội.
Đan viện luôn niềm nở đón nhận khách tĩnh tâm và giúp giảng tĩnh tâm. Bên cạnh đó, Đan viện giúp dâng lễ, giải tội tại các giáo xứ, dòng tu và tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao vào những dịp đặc biệt.Ngoài ra, Đan viện cũng cộng tác với liên tu sĩ để phục vụ và xây dựng Giáo phận.
Với ơn Chúa và sự cố gắng của các thành viên, hy vọng Đan viện ngày càng phát triển góp phần làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.
Địa chỉ liên lạc: Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy
HT. 002, Lagi, Bình Thuận - Điện thoại: 0252 3870 756 - Email: dvchauthuy@gmail.com
LƯỢC SỬ ĐAN VIỆN XITÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY
ĐÓN NHẬN ĐẶC SỦNG
Nguồn gốc Dòng Xi-tô
Dòng Xi-tô được phát xuất từ cuộc “cải cách” bởi một số đan sĩ Đan viện Molesme, thuộc Hội dòng Cluny (Biển Đức). Khi ấy Molesme sở hữu nhiều lãnh địa và của cải do các Quận công miền Bougognes dâng tặng. Điều này một mặt giúp Đan viện phát triển nhưng mặt khác cuộc sống sung túc đã làm cho các đan sĩ sống buông thả. Nhiều tranh cãi xảy ra trong Đan viện giữa nhóm “nhiệt thành” và nhóm “dễ dãi”. Vì dàn xếp không được, Roberto, Alberico, Stephano Harding và bốn đan sĩ nhóm “nhiệt thành” đến xin Đức Tổng Giám mục Hugues đang phụ trách Địa phận Lyon (nước Pháp) cho phép họ rời bỏ Molesme để đi thành lập một đan viện khác hầu có thể sống trung thành với tu luật của thánh Biển Đức. Lời thỉnh cầu của họ đã được chấp nhận. Ngày 21 tháng 03 năm 1098, Roberto, Alberico, Stephano Harding và 21 đan sĩ thiết lập Tân Đan viện[1] (Novum Monasterium)tại một nơi đầm lầy và cây cối um tùm gọi là Cistels phía Nam thành Dijon nước Pháp. Tên gọi Dòng Xi-tô (Cistels) bắt nguồn từ đây. Và từ Đan viện mới này khai sinh các đan viện khác, hoặc các tu viện khác xin gia nhập, và thành Dòng Xi-tô như ngày nay[2].
Hội dòng Xi-tô Thánh Gia
Hội dòng Xi-tô Thánh Gia được Cha Henri Denis Benoit Thuận, thuộc Hội Thừa sai Paris (1880-1933), khai lập vào ngày 15.8.1918 tại Phước Sơn, Quảng Trị, thuộc Giáo phận Huế. Ban đầu với tên gọi là Dòng Đức Bà An Nam hay còn gọi là Dòng Phước Sơn. Ngày 24.5.1934, Tòa Thánh, qua Thánh bộ Tu sĩ đã ra sắc lệnh cho phép Phước Sơn chính thức gia nhập vào Dòng Xi-tô. Ngày 06.10.1964 Tòa Thánh ban sắc chỉ thành lập Hội dòng Xitô Thánh Gia gồm 4 đan viện[3] và những đan viện phát xuất từ những đan viện này trong tương lai. Hiện nay Hội dòng Xi-tô Thánh Gia có 9 Đan viện Nam và 3 Đan viện Nữ. Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy là một trong 12 Đan viện này.
Hình thành Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy
Ngày 20.9.1970, Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chấp thuận cho Đan viện Châu Sơn thành lập Nhà con Châu Thủy tại Giáo phận Nha Trang (nay là Giáo phận Phan Thiết). Ngày 05.6.1971, cha Bề trên tiên khởi Gioan Berchmans Nguyễn Văn Thảo cùng 7 thành viên đến Láng Goòng, xã Bà Giêng (nay là xã Tân Xuân), quận Hàm Tân, tỉnh Bình Tuy (nay là tỉnh Bình Thuận), thuộc Giáo phận Nha Trang, cử hành Thánh lễ đầu tiên. Ngày 22.8.1971, Viện phụ Nhà mẹ Châu Sơn, M. Stephano Trần Ngọc Hoàng cử hành Thánh lễ khai sinh Tân Đan viện Thánh Mẫu Châu Thủy. Ngày 15.8.1975, Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy được chính thức nâng lên hàng Đan viện tự trị và Cộng đoàn chọn cha M. Gioan Berchmans Nguyễn Văn Thảo làm Viện trưởng tiên khởi. Tiếp đến là cha M. Gregorio Phan Thanh Quảng làm Viện trưởng thứ hai (1993-2006). Và cha M. Gioan Bosco Trần Văn Thành làm Viện trưởng thứ ba (2006-2008) và là Viện phụ tiên khởi khi Đan viện được nâng lên hàng Đan phụ viện (29.11.2008 ) cho tới nay.
ĐỜI SỐNG ƠN GỌI XI-TÔ THÁNH MẪU CHÂU THỦY
Tôn chỉ đời sống
Tuyên ngôn và Hiến pháp Hội dòng minh định: Theo tinh thần Cha Tổ phụ Henri Denis Benoit, cuộc sống đan tu Xi-tô Thánh Gia là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần mầu nhiệm Thánh Giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục sinh[4]. Đan sĩ Thánh Gia làm chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu Cứu Thế, trong hy sinh thầm lặng và lời cầu nguyện tha thiết để cứu giúp những người chưa nhận biết Chúa”[5]. Đời sống này thể hiện qua những yếu tố căn bản của đời đan tu: Cách biệt xã hội qua việc giữ nội vi và thinh lặng, cầu nguyện qua cử hành phụng vụ và việc đọc sách thiêng liêng, khổ chế qua việc chay tịnh và canh tân, đời sống chung qua lao động học hành nghiên cứu. Cuộc sống hằng ngày được chia đều ba phần: 8 giờ cho kinh nguyện phụng sự Chúa, 8 giờ ngủ nghỉ, 8 giờ cho lao động và học tập; với châm ngôn: Ora et Labora.
Nhân sự
Các đan sĩ sống đời đan tu dưới sự điều hành của Viện phụ như một người cha trong gia đình với sự cộng tác của anh em theo khả năng của mình. Tính đến nay (tháng 7 năm 2021),Đan việncó 87 thành viên gồm:56 đan sĩ khấn trọn đời, trong đó có 31 linh mục, 17 tu sĩ khấn tạm, 5 tập sinh, và 9 thỉnh sinh. 3. Đón nhận và đào tạo nhân sự Đan viện luôn sẵn sàng đón nhận những thanh niên thiện chí muốn tìm Chúa trong đời sống cầu nguyện và và hy sinh. Điều kiện để gia nhập: phải có ý ngay lành, muốn sống thanh khiết, tuân phục theo gương Chúa Kitô, có sức khỏe khả dĩ để đáp ứng những đỏi hỏi của đời đan tu. Tối thiểu ứng sinh phải học xong chương trình Phổ thông Trung học. Các ứng sinh được đào tạo theo tiến trình: thỉnh sinh 2 năm, tập sinh 2 năm. Sau khấn tạm 1 năm, các tu sĩ được gửi học chương trình 2 năm triết học tại Học viện Triết học Hội dòng Xi-tô Thánh Gia. Sau đó, các tu sĩ về Đan viện 1 năm để chuẩn bị khấn trọn đời. Khấn trọn đời xong, các đan sĩ thi vào Học viện Thần học của Hội dòng. Thời gian theo học là 4 năm. Xong chương trình thần học, nếu đủ điều kiện cộng đoàn sẽ tiến cử đan sĩ lãnh tác vụ Đọc sách, Giúp lễ, Phó tế và Linh mục.
III. LOAN BÁO TIN MỪNG 1. Loan báo Tin Mừng bằng đời sống cầu nguyện và lao động (Ora Et Labora) Các đan sĩ phục vụ Giáo hội và các linh hồn qua đời sống chiêm niệm. Các đan sĩ không hoạt động mục vụ bên ngoài nhưng dâng những hy sinh, những lời cầu nguyện trong thầm lặng, qua các Giờ kinh Phụng vụ, Thánh lễ... cầu nguyện cho việc loan báo Tin Mừng, và những nhu cầu khác của Giáo hội.
Đón tiếp khách tĩnh tâm và khách vãng lai
Tiếp nối truyền thống đan tu, Đan viện luôn niềm nở đón nhận khách tĩnh tâm và giúp giảng tĩnh tâm. Đây là những hình thức hoạt động tông đồ của Đan viện. Ngoài ra, khách vãng lai đến Đan viện cũng được đón tiếp một cách nồng hậu như đón tiếp chính Chúa Kitô[6].
Tương quan với Giáo phận Phan Thiết
Trong tinh thần “liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo”(LG, số 5), ngoài việc dâng lời cầu nguyện hàng ngày, Đan viện luôn nhiệt thành cộng tác với những sinh hoạt mục vụ của Giáo phận.chẳng hạn giúp dâng lễ, giải tội tại các giáo xứ, dòng tu và tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao vào những dịp đặc biệt.Ngoài ra, Đan viện cũng cộng tác với liên tu sĩ để phục vụ và xây dựng Giáo phận.
Địa chỉ liên lạc: Đan viện Xi-tô Thánh Mẫu Châu Thủy
HT. 002, Lagi, Bình Thuận - Điện thoại: 0252) 870 756 - Email: dvchauthuy@gmail.com
[1] Dòng Xi-tô sơ khai được gọi bằng danh xưng này. Mãi đến năm 1119 Dòng mới mang tên gọi là Dòng Cistels, tiếng La tinh Cisterciens, Tiếng Pháp Cistercien hoặc Citeaux, Tiếng Anh Cistercian, và tiếng Việt dịch là Xi-tô.