WHĐ (16.07.2024) - Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) thế giới bắt đầu từ 01/10/2023, với ba ngày tĩnh tâm; sau đó bắt đầu khóa họp thứ nhất từ ngày 04/10/2023 đến ngày 29/10/2023.
Cùng hiệp hành với THĐGM qua lời cầu nguyện theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhờ phương tiện truyền thông, chúng ta cũng được hiệp hành với các tham dự viên qua các bài tĩnh tâm và suy niệm tại Thượng Hội đồng trong tháng 10/2023 vừa qua.
Việc đọc tư tưởng của THĐGM qua các bài suy niệm tại THĐGM cho tôi rút ra những bài học để tự vấn và canh tân về cách mà tôi hiện diện và sống như là một thành viên được quy tụ nhân danh Chúa Giêsu và được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cộng đoàn Giáo hội địa phương (cộng đoàn, dòng tu, giáo xứ…)
Xin được chia sẻ bài học “Chúng ta được quy tụ nhân danh Chúa Giêsu…”
1. Giáo hội luôn được quy tụ
1.1/ Ý nghĩa của các hạn từ
Trong tiếng Hy Lạp, từ chỉ Giáo hội là ekklesia, nó có nghĩa là “quy tụ”.
“Assembly – hội nghị” là hạn từ diễn tả các môn đệ được Chúa Giêsu triệu tập cùng nhau như một cộng đoàn.
“Synod – hội nghị” là từ cổ xưa và đáng kính trong truyền thống Giáo hội, hạn từ này chỉ ra con đường phía trước mà Dân Chúa cùng nhau tiến bước.
Từ những thế kỷ đầu, “Synod – hội nghị” chỉ ý nghĩa cụ thể cho các cộng đoàn Giáo hội được quy tụ trên nhiều cấp độ khác nhau để phân định, nhờ ánh sáng Lời Chúa và lắng nghe Chúa Thánh Thần.[1]
1.2/ Chúng ta quy tụ “nhân danh Chúa Giêsu” [2]
Trước khi chịu nạn chịu chết, nhìn vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu thổn thức: “Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13, 34).
Công đồng Giêrusalem quy tụ “nhân danh Chúa Giêsu”. Các môn đệ quy tụ lại vì họ thấy Thiên Chúa đang thực hiện một điều gì đó mới mẻ. Thiên Chúa đã đi trước họ. Họ phải bắt kịp Chúa Thánh Thần, “vì Người đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ.” (x. Cv 15, 8-9).
Chúng ta cũng vậy. Chúng ta quy tụ nơi đây như các môn đệ xưa quy tụ quanh bàn Tiệc Ly, chứ không phải họp nhau lại như trong quốc hội để tranh luận chính trị và mong phần thắng về mình.[3]
Chúng ta quy tụ nhân danh Chúa Giêsu để hướng về nhân loại, đem lại hy vọng về tương lai cho nhân loại và cho Giáo hội, đặc biệt là hy vọng vào người trẻ, vào tương lai phía trước.
Nếu chúng ta quy tụ dưới danh hùng mạnhcủa Ba Ngôi, Giáo hội sẽ được đổi mới, dù có thể theo những cách không rõ ràng ngay lập tức. Đây không phải là sự lạc quan nhưng là đức tin tông truyền của chúng ta. Như thế thì việc chúng ta đứng về phe gọi là “chủ nghĩa truyền thống” hay phe “chủ nghĩa cấp tiến” thực sự nào có quan trọng gì.
1.3/ Để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt
Được quy tụ nhân danh Chúa có nghĩa là tin tưởng chắc chắn rằng ân sủng của Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ trong chúng ta. Chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa,” để Thánh Thần cư ngụ trong mỗi người chúng ta và dẫn chúng ta đến sự thật toàn vẹn.
Để Chúa Thánh Thần dẫn dắt có nghĩa là để được giải thoát khỏi nền văn hóa kiểm soát; cũng có nghĩa là tin tưởng rằng Thánh Thần sẽ khai sinh ra thể chế mới, dạng thức mới, sứ vụ mới cho đời sống Giáo hội và của chúng ta (Hội dòng, Tỉnh Dòng, Cộng đoàn). [4]
Chúa Thánh Thần sẽ đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta chưa bao giờ đến, do vậy chúng ta được mời gọi buông bỏ sự kiểm soát, thậm chí là chết đi cho chính mình, để cho Thiên Chúa làm Chủ của mình, cho Thánh Thần linh hoạt và hướng dẫn mình, và khi ấy chúng ta mới thực sự sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa. ĐTC Phanxicô đã nói trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng: “Không có sự tự do nào lớn hơn việc để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, từ bỏ nỗ lực kiểm soát mọi thứ đến từng chi tiết và thay vào đó để Người soi sáng, hướng dẫn và điều khiển, dẫn đưa chúng ta đến nơi Người muốn” (số 280).
Buông bỏ kiểm soát không phải là không làm gì cả, trái lại, đôi khi cần can thiệp mạnh mẽ để trong lòng ta có một chỗ cho Chúa Thánh Thần hiện diện và linh hoạt, khi ấy Người mới dẫn chúng ta đi. [5] Với Phêrô, Chúa Giêsu đã từng mạnh mẽ can thiệp khi ông “cản lối của Thầy” lên Giêrusalem chịu thương khó (x. Mt 16,21-23); và lần khác, ở trong vườn Giếtsêmani, Chúa Giêsu cũng đã làm thế với Phêrô, khi ông rút kiếm chém tên đầy tớ (x. Ga 18,10).
Nếu chúng ta để cho Thánh Thần hướng dẫn, chắc chắn chúng ta sẽ cùng tranh luận; đôi khi đau đớn, vì sẽ có những sự thật mà chúng ta không muốn đối mặt. Nhưng chúng ta sẽ được dẫn sâu hon một chút vào mầu nhiệm tình yêu thần thiêng và chúng ta sẽ nhận được niềm vui. Điều này đòi chúng ta phải có một lòng khiêm tốn sâu sắc, tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi.[6]
2. Cuộc sống không có khủng hoảng là một cuộc sống cằncỗi – Đừng Sợ…![7]
2.1/ Dám đối diện với khủng hoảng
Sau Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội phải đối diện với một cuộc khủng hoảng về căn tính vượt xa những gì hiện nay chúng ta có thể hình dung…
– giữa Hội thánh Giêrusalem và Phaolô với Phúc âm miễn khỏi lề luật của thánh nhân;
– người thuộc phái Pharisêu trở thành tín hữu chia rẽ với những tín hữu gốc dân ngoại;
– tông đồ do Phêrô lãnh đạo có lẽ chia rẽ với “các kỳ mục” là những người đã hướng về Giacôbê, người anh em của Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu: “một cuộc sống không có khủng hoảng là một cuộc sống cằn cỗi... một cuộc sống không có khủng hoảng giống như nước ao tù, nó chẳng được việc gì, và nó cũng chẳng có mùi vị gì cả.”[8] Chúng ta trưởng thành qua các cuộc khủng hoảng. Khủng hoảng là vấn đề cần thiết để canh tân. Nếu biết đón nhận khủng hoảng với niềm hy vọng, chúng ta sẽ phát triển, còn nếu cố tránh né, chúng ta không thể lớn lên.
Có những người trong chúng ta lo lắng sợ hãi vì sự thay đổi; có người sợ không có thay đổi gì; nhưng cái phải đáng sợ nhất là chính nỗi sợ hãi của bản thân ta (Franklin D. Roosevelt). Chúng ta sợ vì thiếu niềm tin vào Thiên Chúa; hãy cầu xin Thiên Chúa giải thoát lòng chúng ta khỏi mọi sợ hãi và ban cho chúng ta niềm hy vọng giúp chúng ta xích lại gần nhau hơn.
2.2/ Đừng sợ…!
Chúng ta có thể bị chia rẽ bởi những hy vọng khác nhau, nhưng nếu chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe lẫn nhau, tìm cách nhận ra và hiểu (phân định) ý của Người, chúng ta sẽ hiểu về con đường ở phía trước, chúng ta sẽ hiệp nhất trong một niềm hy vọng vượt lên trên những bất đồng của chúng ta. Đây là chứng tá niềm tin Kitô giáo.[9]
Chúng ta đừng sợ rằng sự thật có thể gây nguy hiểm cho sự thật; sự xung khắc giữa những sự thật có thể gây đau đớn và giận dữ, nhưng sẽ trao cho nhau tình bằng hữu. Hãy nói sự thật, ngay cả khi không thoải mái, nhưng hãy nói từ từ.
Nếu chúng ta đủ quảng đại để cống hiến bất cứ điều gì chúng ta có, thế thì quá đủ, Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự sẽ lo liệu.[10] Và chúng ta cũng có kinh nghiệm này trong lịch sử của Hội dòng từ quá khứ đến hiện tại. Hãy nhìn xem, tất cả những gì nếu chúng ta làm được bởi sức mình thì có đủ khả năng để làm cho các công cuộc của Dòng phát triển như hiện tại không. Rõ ràng chúng ta đã và đang nhờ bởi ơn Chúa mà hoàn thành.
Nếu chúng ta mở lòng ra cho nhau, bằng sự hiện diện tích cực, bằng lòng tốt cách tự nhiên, làm những việc lành nhỏ bé và làm cho Chúa, vì Chúa và quy về Chúa, những điều tuyệt vời sẽ đến, vì Thiên Chúa, Đấng làm chủ mùa gặt sẽ ban tặng những hoa trái Người muốn.
Khi cùng nhau suy nghĩ và cầu nguyện (phân định) về những vấn đề lớn lao mà Giáo hội (Dòng tu, cộng đoàn) và thế giới đang phải đối mặt, chúng ta làm chứng về niềm hy vọng của chúng ta vào Thiên Chúa, Đấng đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của mỗi người chúng ta.[11]
3. Suy xét
3.1/ Hướng canh tân…
Thực tế trong lịch sử Giáo hội, Giáo hội và các Dòng tu có khuynh hướng ngại “hội nghị”, nhiều Giám mục và nhiều vị Bề trên tránh bao nhiêu có thể.[12] Tại sao? Theo thời gian, các Giám mục tỏ ra lơ là việc tổ chức công nghị, không muốn triệu tập vì sợ ảnh hưởng của công nghị lên quyền Giám mục; đằng khác, tư duy ngại đối diện với những khủng hoảng, những ngờ vực, những hiểu lầm và cũng ngại thay đổi (ảnh hưởng óc giáo sĩ trị) và sợ không thay đổi được gì mà lại thêm mất công mất việc.
Đức Thánh Cha Phanxicô muốn thay đổi não trạng này, để “hội nghị của Giáo hội” không phải “hội nghị” chỉ như là một cuộc “gặp gỡ thân hữu”, cũng không phải tất cả đều tùy thuộc vào sự điều hành của các cấp lãnh đạo mà là có sự tham gia của tất cả các phần tử, để bàn thảo về các vấn đề thuộc phạm vi đời sống, sứ mạng, kỷ luật, phụng vụ, đặc sủng…
Điều này cần phải có thời gian. Cần phải có lòng can đảm và đức tin. Cần phải có tính kiên nhẫn và tình yêu. (Trong bài tĩnh tâm số 1 Hy vọng vượt trên hy vọng - Lm. Timothy gợi lên một hình ảnh về người mẹ chăm sóc đứa con la hét trong suốt chuyến bay, ngài nhận ra nơi người mẹ ấy hình ảnh tuyệt vời cho sứ vụ điều hành và tư tế của những người lãnh đạo trong Giáo hội.)
Chúng ta cầu xin Chúa dẫn chúng ta đến một cộng đoàn Giáo hội được đổi mới và không gây chia rẽ, biết xây dựng đồng thuận mà không phân cực, đồng thời tôn trọng vai trò đặc thù của quyền bính mà không tự cô lập mình khỏi cộng đoàn.
3.2/ Tự chất vấn…
Kinh nguyện Thánh Thể III có viết: “Chúa không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây họ dâng lên Chúa một hiến lễ tinh tuyền”. Trong Kinh Tiền Tụng lễ Các thánh nam nữ, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì “Chúa dùng đời sống đức tin kỳ diệu của các thánh như một năng lực luôn luôn mới mà làm cho Hội thánh nên phong phú”.
– Liệu chúng ta có sẵn sàng quy tụ lại với nhau không chỉ về mặt thể lý mà còn cả con tim và khối óc của mình không?
– Liệu chúng ta có sẵn sàng vượt lên trên sự hiểu lầm và ngờ vực lẫn nhau không?
– Liệu chúng ta có chấp nhận đối diện với những khủng hoảng, những khác biệt nhau về niềm hy vọng để hướng về sự mới mẻ đầy ân sủng của Thiên Chúa không?
– Những khi có những can thiệp mạnh mẽ (của quyền bính) xảy ra qua một biến cố trong cuộc sống, liệu chúng ta có sẵn sàng dám buông bỏ tham vọng kiểm soát của mình, để cho Chúa Thánh Thần dẫn ta đi đến nơi Người muốn chăng?
Những lời chất vấn trong THĐGM cũng đang chất vấn chính mỗi chúng ta trong trách nhiệm của mỗi người đối với Giáo hội địa phương, với Dòng (Tỉnh Dòng) và Cộng đoàn.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 140 (Tháng 03 & 04 năm 2024)
_______
[1] UB Thần Học Quốc Tế, Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống và Sứ Vụ của Hội Thánh, số 3 và 4. Bản dịch tiếng Việt của LM. Phêrô Nguyễn Văn Hương. NXB Đồng Nai 2021
[2] Dựa vào ý tưởng chính trong Bài suy niệm tại THĐ – Phiên họp khoáng đại thứ XII: Công đồng Giêrusalem (Công Vụ Tông Đồ chương 15) của Lm Timothy Radcliffe, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-bai-suy-niem-cua-cha-timothy-radcliffe-op-tai-phien-hop-khoang-dai-thu-xii-52832
[3] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 1: Hy vọng vượt trên hy vọng, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740
[4] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 6: Thánh Thần Chân Lý, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-vi-than-khi-su-that-52783
[5] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 6: Thánh Thần Chân Lý, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-vi-than-khi-su-that-52783
[6] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 6: Thánh Thần Chân Lý, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-vi-than-khi-su-that-52783
[7] Dựa vào ý tưởng chính trong Bài suy niệm tại THĐ – Phiên họp khoáng đại thứ XII: Công đồng Giêrusalem (Công Vụ Tông Đồ chương 15) của Lm Timothy Radcliffe, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-bai-suy-niem-cua-cha-timothy-radcliffe-op-tai-phien-hop-khoang-dai-thu-xii-52832
[8] Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát biểu tại đại hội ở Lisbon – 2023. Xem Bài suy niệm tại THĐ – Phiên họp khoáng đại thứ XII: Công đồng Giêrusalem, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thuong-hoi-dong-bai-suy-niem-cua-cha-timothy-radcliffe-op-tai-phien-hop-khoang-dai-thu-xii-52832
[9] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 6: Thánh Thần Chân Lý, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-vi-than-khi-su-that-52783
[10] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 1: Hy vọng vượt trên hy vọng, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740
[11] Lm Timothy Radcliffe – Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Bài 1: Hy vọng vượt trên hy vọng, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-tam-thuong-hoi-dong-voi-cha-timothy-radcliffe-op-bai-i-niem-hy-vong-chong-lai-hy-vong--52740
[12] Thời đầu của Giáo Hội, các Giám mục thường họp với nhau. Thời trung cổ một thế kỷ có ba công đồng. Thời cận đại, ba thế kỷ một công đồng (Xem Suy niệm tĩnh tâm THĐGM – Học viện Đaminh. Bài Cảm tưởng chung quanh các bài suy niệm của Lm Timothy Radcliffe của cha Giuse Phan Tấn Thành – mục 3, trang 130).
Nguồn tin: hdgmvietnam.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn