Đồng trách nhiệm, Ơn gọi cá nhân và Phân định đặc sủng

Thứ bảy - 27/01/2024 18:58


ĐỒNG TRÁCH NHIỆM, ƠN GỌI CÁ NHÂN VÀ PHÂN ĐỊNH ĐẶC SỦNG

Lm. Brent Bowen, O.P

WHĐ (25.12.2023) - Trong bài diễn văn năm 2009 trước hàng giáo sĩ của Giáo phận Rôma, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã suy tư về sứ mạng của người giáo dân trong thời đại chúng ta qua việc đưa vào trong cách nói của Giáo hội một thuật ngữ mới: đồng trách nhiệm. Thuật ngữ này có cả ý nghĩa giáo hội học lẫn mục vụ, phản ánh nhận thức của Đức Bênêđictô về căn tính và sứ mạng của Giáo hội như Công đồng Vatican II diễn tả. Trong khi khái niệm đồng trách nhiệm đã được mặc định trong huấn quyền từ thời Đức Giáo Hoàng Piô XII, thì Đức Bênêđictô đã phục vụ Giáo hội rất nhiều bằng cách đặt tên cho khái niệm này. Trong bài diễn văn, ngài nói:

Cần phải cải thiện các cơ cấu mục vụ sao cho sự đồng trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa nói chung được dần dần thăng tiến, liên quan đến ơn gọi và vai trò tương ứng của người thánh hiến và giáo dân. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi trong não trạng, nhất là đối với giáo dân. Giáo dân không còn bị coi như là “cộng tác viên” của giáo sĩ mà phải thực sự được nhìn nhận là “đồng trách nhiệm” đối với sự tồn tại và hoạt động của Giáo hội, nhờ đó thúc đẩy sự củng cố của một giáo dân trưởng thành và dấn thân[1].

Tuyên bố ngắn gọn này đã trở thành một nguồn suy tư thần học phong phú trong những năm vừa qua, nhất là ở Hoa Kỳ. Khi đồng trách nhiệm là một thực tại, giáo dân không chỉ đơn thuần là những người thụ động thu nhận tác vụ của các linh mục. Giáo dân cũng không phải là những người chỉ cộng tác trong các công việc của giáo hội. Thay vào đó, giáo dân có một căn tính và vai trò độc đáo trong chính sự tồn tại và hoạt động của Giáo hội trong thế giới. Qua Bí tích Truyền chức thánh, những người được truyền chức, được trao quyền đại diện cho Đức Kitô bằng việc giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Qua Bí tích Rửa tội, giáo dân được trao quyền đại diện cho Đức Kitô trên thế giới và truyền bá Tin Mừng đến mọi ngõ ngách của xã hội.

Các sứ mạng này không mâu thuẫn nhưng bổ sung và hoàn thiện lẫn nhau. Giáo hội nói với chúng ta rằng: “Chức tư tế thừa tác là để phục vụ chức tư tế chung. Nó hướng tới việc triển khai ân sủng của Bí tích rửa tội cho tất cả mọi Kitô hữu[2]. Trong khi trách nhiệm chính yếu để thực hiện điều này thuộc về mỗi người, thì ơn gọi của linh mục là hỗ trợ việc “khai mở” các ân sủng này[3]. Khi một giáo dân sinh hoa kết trái trên thế giới, đó là bằng chứng cho thấy chức tư tế thừa tác đang hoàn thành mục tiêu của mình.

Ơn Gọi Giáo Dân

Cách diễn đạt này về sự đồng trách nhiệm giữa người được truyền chức và giáo dân do Đức Bênêđictô đề ra là điều không cần phải bàn cãi. Như họ nói, ma quỷ nằm trong các chi tiết về việc đồng trách nhiệm được thể hiện một cách cụ thể ra sao trong nếp sống hằng ngày của Giáo hội. Đối với một số người, vai trò của giáo dân là đảm nhận trách nhiệm ngày càng tăng đối với các vấn đề của Giáo hội, cho dù đó là Phụng vụ hay thừa tác. Chẳng hạn, nhà Giáo hội học quá cố Dòng Đa Minh, Paul Philibert, đã coi sự xuất hiện của thừa tác vụ giáo dân trong những thập niên gần đây là kết quả của việc nền thần học giáo dân đạt đến mức trưởng thành trọn vẹn[4]. Mặc dù lập luận này có một số giá trị, nhưng rõ ràng là còn thiếu một cái gì đó. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc gia tăng sự tham gia của giáo dân vào đời sống giáo xứ, và thực sự là việc đưa các thừa tác viên giáo dân vào gần như mọi giáo xứ và giáo phận trong quốc gia, là thành quả vô giá của Công đồng Vatican II. Tuy nhiên, những sự phát triển này đã có tác dụng ngoài ý muốn, đó là nó hạn chế hơn là mở rộng sự hình dung của chúng ta về ơn gọi giáo dân trong sự tồn tại và hoạt động của Giáo hội. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng, dù rõ ràng hay hiểu ngầm, sự trọn vẹn của ơn gọi giáo dân có thể được tìm thấy khi làm những việc “thuộc Giáo hội”. Ở đây chúng ta thấy thiếu tính sáng tạo tông đồ một cách sâu xa bắt nguồn từ sự hiểu lầm về ơn gọi giáo dân.

Chúng ta phải hiểu ơn gọi giáo dân như thế nào? Tất cả các tín hữu được kết hiệp với Đức Kitô qua Bí tích Rửa tội, thông phần các chức năng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Người[5]. Tuy nhiên, chỉ trong sự đa dạng của các thành viên Giáo hội, giáo dân, linh mục và tu sĩ thánh hiến, các chức năng này của Đức Kitô mới được thể hiện trọn vẹn. Trong khi các ơn gọi tu trì thánh hiến và truyền chức có đặc tính giáo hội, thì ơn gọi giáo dân có đặc tính thế tục. Với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu, giáo dân tham dự vào đời sống Giáo hội qua việc tham dự các bí tích, cầu nguyện, vun trồng đời sống luân lý, v.v... Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các tác vụ hữu hình của giáo xứ hoặc giáo phận, nhưng cũng có thể không. Nếu hiểu theo lời của Công đồng Vatican II, thì hoạt động tông đồ của giáo dân còn mở rộng hơn nhiều; nó được thể hiện cả trong Giáo hội và thế giới[6].

Nói một cách thực tế, tính thế tục của ơn gọi giáo dân được thể hiện bất cứ khi nào Tin Mừng được truyền bá trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế, nghệ thuật, khoa học, và truyền thông[7]. Hoạt động tông đồ của giáo dân được tìm thấy nơi các Kitô hữu đã kết hôn cũng như nơi những người độc thân. Nói cách khác, Chúa Giêsu kêu gọi giáo dân sinh hoa kết trái ngay trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Bất cứ khi nào một giáo dân, được Tin Mừng soi dẫn, đặt niềm tin của mình vào việc phục vụ gia đình, nghề nghiệp hoặc các bổn phận khác, thì có khả năng sinh hoa trái rất lớn.

Jan là mẹ của một trong những người bạn thân của tôi. Là một y tá lão khoa, bà dành nhiều thời gian chăm sóc những ông già bà lão trong những ngày giờ cuối cùng của cuộc đời họ. Khi được hỏi làm thế nào để có thể đồng hành với mọi người trong những thời khắc khó khăn này, bà Jan mỉm cười và nói: “Tôi chỉ nắm tay họ và nói với họ rằng Chúa Giêsu yêu thương họ biết bao”. Người phụ nữ này đã phân định một đặc sủng của sự khích lệ. Bà mang đến sự chữa lành, sức mạnh và tình yêu của Đức Kitô cho mọi người chỉ bằng sự hiện diện và lời nói của mình. Chỉ có Thiên Chúa mới biết có bao nhiêu người được người y tá khiêm tốn này giúp dẫn dắt vào đời sống vĩnh cửu. Bà đã sinh ra hoa trái tác động đến những người sắp chết cũng như gia đình của họ, mang ánh sáng của Đức Kitô vào một số thời khắc đen tối nhất của họ.

Tương tự như vậy, một giáo dân trong giáo xứ của tôi, Phil, là một hiệu trưởng đã nghỉ hưu. Ông trở thành một giáo viên khi còn trẻ vì yêu thích việc giúp đỡ trẻ em học tập và phát huy hết tiềm năng của chúng, nhất là những em ở những quận nghèo hơn. Một vài năm sau đó, Phil bắt đầu làm công việc quản lý, trở nên mất kết nối với công việc hằng ngày trên lớp học. Ông chưa bao giờ thấy việc quản lý lại hoàn toàn thỏa mãn như khi ở trong lớp học. Sau khi nghỉ hưu, Phil đã trải qua một cuộc hoán cải trở lại với đức tin Công giáo và trở thành một môn đệ, nhưng ông ấy dường như hơi lơ là. Sau này Phil chia sẻ với tôi rằng, vài năm sau khi nghỉ hưu, ông đã có thể tập trung vào việc phân định các đặc sủng của mình. Nhận ra mình có đặc sủng giảng dạy và lòng thương xót và thấy những đặc sủng này đã giúp ông hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa đã dành cho mình như thế nào khi hướng dẫn những đứa trẻ có nguy cơ gặp rủi ro ở trường. Khi được hỏi là ông cảm thấy thỏa mãn điều gì trong công việc này, Phil trả lời: “Tôi thích dạy bọn trẻ và giúp chúng đưa Thiên Chúa vào mọi khía cạnh cuộc sống của chúng”. Phil dự định tiếp tục hướng dẫn trẻ em trong suốt phần đời còn lại của mình, mang lại kết quả cho Vương quốc trong một bối cảnh thế tục.

Dù được thể hiện ở đâu và như thế nào, hoạt động tông đồ của giáo dân vẫn mang tính chất thế tục. Mỗi người được mời gọi để phân định Chúa Giêsu kêu gọi họ trở thành khí cụ của tình yêu, lòng thương xót và sự chuẩn bị của Ngài cho người khác như thế nào. Công đồng Vatican II đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ: việc tông đồ giáo dân “rất cần thiết trong các cộng đoàn Giáo hội đến nỗi nếu không có nó thì việc tông đồ của các mục tử thường không thể đạt được hiệu quả trọn vẹn[8].

Phân Định Ơn Gọi Cá Nhân

Chúng ta phải coi trọng lời tuyên bố này: Giáo hội đơn giản là không thể đạt được hiệu quả tông đồ trọn vẹn nếu mỗi người đã chịu phép Rửa không nhận thức một cách hiệu quả ơn gọi cá nhân của mình. Ngôn ngữ của ơn gọi không có nghĩa là bị giới hạn trong việc phân định bậc sống của một người (kết hôn, độc thân, truyền chức, hoặc tu sĩ thánh hiến). Thiên Chúa ban cho mỗi người đã chịu phép Rửa một sứ mạng độc đáo, không thể lặp lại trong cuộc đời, và cũng ban cho những tài năng thiên phú, ân sủng, và đặc sủng cần thiết để hoàn thành sứ mạng đó:

“Từ việc đón nhận những đoàn sủng này, dù là những đoàn sủng thông thường nhất, mỗi tín hữu đều có quyền và bổn phận sử dụng những ơn đó trong Giáo hội cũng như giữa trần gian để mưu ích cho mọi người và xây dựng Giáo hội trong tự do của Chúa Thánh Thần, Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3,8)[9].

Trong Giáo hội của chúng ta, việc phân định đối với người được truyền chức là điều bình thường. Trong những thập niên gần đây, việc các thừa tác viên giáo dân mô tả cuộc sống và công việc của họ bằng ngôn ngữ của ơn gọi cá nhân cũng trở nên phổ biến hơn. Trong mỗi trường hợp này đều có một ứng dụng rõ ràng và thực tế trong thừa tác vụ của Giáo hội. Nhưng việc phân định ơn gọi cá nhân không chỉ dành cho một số ít Kitô hữu được tuyển chọn. Đó là bổn phận của tất cả những người đã chịu phép Rửa: giáo dân, người được truyền chức, hoặc tu sĩ thánh hiến. Đại đa số giáo dân sẽ được mời gọi để sinh hoa trái trong thế giới hơn là trong Giáo hội. Việc phân định ơn gọi cá nhân đối với người giáo dân Công giáo bình thường sẽ chỉ trở thành hiện thực khi toàn thể Giáo hội nhìn nhận và đón nhận lời mời gọi để đồng trách nhiệm.

Một Giáo hội thực sự đồng trách nhiệm là một Giáo hội mà việc giáo dân lắng nghe tiếng Chúa Giêsu mời gọi họ thi hành sứ mạng là điều bình thường. Một trong những nhiệm vụ chính của người được truyền chức trong một Giáo hội đồng trách nhiệm là cung cấp cho giáo dân sự huấn luyện cần thiết để làm như vậy. Đức Gioan Phaolô II diễn tả điều này rất hay:

Giáo hội chu toàn sứ mạng của mình khi Giáo hội dẫn dắt mọi tín hữu khám phá và sống ơn gọi của riêng mình trong tự do và đưa ơn gọi ấy đến mức hoàn thành trong đức ái. [. . .] Như thế mỗi người cần được giúp đỡ để lãnh nhận ân huệ được giao phó cho mình một cách cá nhân, với tư cách một ngôi vị độc nhất và bất khả thay thế, và cần được giúp đỡ để đón nghe những lời mà Thần Khí Thiên Chúa ngỏ với mình[10].

Ở đây, Đức Gioan Phaolô nhắc lại thực tại rằng ơn gọi của mỗi người là độc nhất và không thể lặp lại. Vì mỗi người là duy nhất và Thánh Thần ban tặng những ân sủng như Ngài muốn[11], nên mỗi người phải đáp lại sứ mạng mà Chúa Giêsu đang yêu cầu họ. Nếu không, sứ mạng đó sẽ không được hoàn thành.

Các đoàn sủng là đầu mối quan trọng

Làm sao những người Công giáo bình thường có thể hy vọng hoàn thành một sứ mạng quan trọng như vậy? Một chỉ dẫn quan trọng để hiểu ơn gọi cá nhân là phân định và sau đó xem xét các đặc sủng mà mỗi người đã nhận được trong phép Rửa. Ngoài việc giải thoát chúng ta khỏi tội nguyên tổ và tháp nhập chúng ta vào gia đình của Thiên Chúa, khi chịu phép Rửa, mỗi Kitô hữu còn được ban cho vô số ân sủng siêu nhiên. Trong số đó có 7 ơn Chúa Thánh Thần và các nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến, tất cả đều nhằm thánh hóa chúng ta. Chúng ta cũng nhận được những ân sủng mà Thánh Thomas Aquinas gọi là “ân sủng nhưng không” hoặc các đoàn sủng[12]. Trong khi các ân sủng khác là để thánh hóa chính chúng ta, thì các đoàn sủng hướng đến người khác. Đoàn sủng giúp chúng ta hướng dẫn người khác nhận biết và đi theo Chúa Giêsu, trở thành “tay chân” của Thiên Chúa trong thế giới. Các đoàn sủng cung cấp những manh mối chính, mà nếu được tuân theo, có thể hướng dẫn chúng ta đến ơn gọi cá nhân của mình. Khi sử dụng các đoàn sủng vì lợi ích của người khác, chúng ta cảm nhận được niềm vui và sự viên mãn cá nhân. Chúng ta cũng nhận thấy rằng mình đặc biệt hiệu quả khi đảm nhận công việc liên quan đến việc sử dụng các đoàn sủng, và điều này có thể quy cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta. Khi các đoàn sủng thể hiện trong cuộc sống của mọi người, những người khác có xu hướng chú ý. Họ có thể cho chúng ta biết trực tiếp về hiệu quả của chúng ta trong việc sử dụng một đoàn sủng, hoặc chúng ta có thể nhận được phản hồi gián tiếp nơi những người thường đến với chúng ta để thực hiện các dự án liên quan đến việc sử dụng các đoàn sủng của chúng ta.

Jacob và Teresa đã tham dự hội thảo Called & Gifted tại giáo xứ của tôi cách đây khoảng một năm, mặc dù bản thân họ tham gia một giáo xứ khác ở một tiểu bang khác. Họ đã kết hôn được vài năm và gần đây được cha sở của họ yêu cầu lãnh đạo mục vụ giới trẻ của giáo xứ. Jacob ngay lập tức bị thu hút bởi công việc phát triển các vấn đề sẽ thu hút các thành viên và xây dựng mối tương quan trong các nhóm nhỏ. Trái lại, Teresa thích dành thời gian ở phía sau để điều phối các khía cạnh hậu cần trong tác vụ của họ. Nhìn chung, cả hai đều hết sức hiệu quả trong công việc của họ.

Hai vợ chồng cùng nhau xây dựng một tác vụ năng động và cuốn hút, nhưng mỗi người đều gặp khó khăn trong việc nhận ra tầm quan trọng của những đóng góp của người kia. Thông qua Called & Gifted, Jacob phân định đặc sủng của việc mục vụ, nơi anh nhận ra rằng anh cảm thấy mãn nguyện nhất khi tập trung vào sự phát triển tâm linh lâu dài và các mối tương quan của nhóm. Teresa phân định đặc sủng của việc phục vụ, giúp cô nhìn thấy những lỗ hổng hậu cần trong kế hoạch mục vụ của họ và đích thân hành động để lấp đầy những lỗ hổng đó.

Sau khi tham dự hội thảo và bước vào tiến trình phân định, cả hai bắt đầu đánh giá cao bản chất bổ sung cho nhau trong các đặc sủng của họ. Jacob và Teresa cũng bắt đầu nhận ra sự cần thiết của những người có các đặc sủng khác (ví dụ: lòng hiếu khách và lòng nhiệt thành loan báo Tin Mừng) tham gia vào mục vụ dành cho giới trẻ của họ. Họ tập trung nỗ lực vào việc xác định và mời những người khác có những đặc sủng này vào thừa tác vụ của họ. Sự phân định đoàn sủng đã giải thoát Jacob và Teresa để sử dụng năng lực của họ vào nơi mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ. Sự phân định cũng giúp họ thấy được sự đóng góp độc đáo mà họ có thể thực hiện trong việc phát triển một cộng đoàn giới trẻ sôi nổi trong giáo xứ và giáo phận của họ.

Vai trò của người có chức thánh

Giáo hội cũng rõ ràng rằng các đặc sủng không được chọn lựa; họ được Chúa Thánh Thần ban nhưng không tuỳ theo quyết định của Ngài[13]. Vì vậy, mỗi Kitô hữu phải dành thời gian để phân định các đặc sủng của mình với sự giúp đỡ của vị mục tử[14]. Những người có chức thánh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp đỡ giáo dân phân định.

Trước hết, vì là một hình thức của ân sủng, nên các đặc sủng đặc biệt hiệu quả đối với những người là môn đệ có chủ đích: những người có mối tương quan cá vị với Thiên Chúa trong lòng Giáo hội của Ngài. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội hướng tới mối tương quan này, để tất cả mọi người có thể trải nghiệm sự sống sung mãn mà Chúa Giêsu hứa cho chúng ta[15]. Khi là những môn đệ có chủ đích, các Kitô hữu có thể trở thành những người quản lý tốt hơn các ân sủng thánh hóa và nhưng không mà Thiên Chúa ban cho họ trong phép Rửa. Ân sủng không phải là phép thuật; Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của con người đến nỗi Ngài muốn mỗi người tự do hợp tác với công trình của Ngài. Nhưng một người không thể được Chúa Giêsu sai đi nếu người đó không có mối tương quan với Người và tích cực đi theo Người.

Thứ đến, để thi hành ơn gọi giảng dạy, thánh hóa và cai quản Dân Chúa, các mục tử phải giúp giáo dân nhận ra các đặc sủng của họ bằng cách khuyến khích và rao giảng về ơn gọi giáo dân. Đối với nhiều người, việc nghe nói rằng mỗi người có một ơn gọi để phân định là một điều gì đó mới mẻ. Đây cũng là một lãnh vực mà các thừa tác viên giáo dân có thể hữu ích. Mặc dù công việc của họ có phạm vi Giáo hội, nhưng các thừa tác viên giáo dân vẫn tiếp tục sống một ơn gọi thế tục, và có thể nói lên những trải nghiệm và cuộc chiến đấu của những anh chị em giáo dân đồng nghiệp của họ. Các nhóm mục vụ bao gồm cả giáo sĩ và giáo dân phải nhấn mạnh rằng việc người giáo dân phân định các đoàn sủng và ơn gọi cá nhân của họ là điều bình thường.

Thứ ba, các giáo xứ và giáo phận phải cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ việc phân định, chẳng hạn như một hội thảo, phỏng vấn cá nhân và các nhóm nhỏ. Bất kể nguồn tài liệu nào được chọn, phải phục vụ mục đích giúp mọi người hiểu được các đặc sủng, xem xét những kinh nghiệm trong quá khứ mà các đặc sủng thể hiện, và mang đến cho họ cơ hội thực tế để kiểm tra xem liệu một đặc sủng cụ thể có hiện diện trong cuộc sống của họ về lâu dài hay không. Các mục tử cũng nên giúp mọi người nhận ra câu hỏi lớn hơn về ơn gọi cá nhân: “Thiên Chúa kêu gọi tôi làm gì với những đặc sủng này?” Tham gia vào câu hỏi này đặt giáo dân vào con đường hướng tới sự đồng trách nhiệm.

Là một dược sĩ đến từ Nam Carolina, Joan nhận ra đặc sủng truyền giáo thông qua tiến trình phân định. Sau khi hoàn tất tiến trình, cô cảm thấy Thiên Chúa mời gọi mình sử dụng nền tảng dược khoa và các đặc sủng của mình để đến Châu Phi. Ở đó, Joan đã đào tạo người dân địa phương cách phân phối và quản lý thuốc điều trị HIV/AIDS. Kết quả trực tiếp của công việc của cô là ước tính có khoảng 30.000 thanh niên sẽ không chết vì căn bệnh này. Joan là một người bình thường như bao người khác đã dành thời gian để phân định các đặc sủng và cách Thiên Chúa kêu gọi cô sử dụng các đặc sủng của mình để phục vụ người khác. Joan là một mẫu gương phi thường về sự phong phú của một môn đệ giáo dân của Chúa Giêsu, người đã khám phá ra ơn gọi riêng của mình.

Nếu muốn thực hiện lời kêu gọi đồng trách nhiệm một cách nghiêm túc, thì điều quan trọng đối với chúng ta là cổ vũ phẩm giá và sự cần thiết của ơn gọi giáo dân trong đời sống và hoạt động của Giáo hội.

Việc phân định đặc sủng có thể đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực này, mời gọi mỗi người xem xét tài năng của mình và Thiên Chúa kêu gọi mình sử dụng những tài năng đó như thế nào để hoàn thành sứ mạng độc đáo, không thể lặp lại mà chỉ mình mới có thể thực hiện được. Khi các môn đệ giáo dân được huấn luyện như vậy, tự nhiên họ sẽ tìm cách sử dụng các đặc sủng của mình để làm vinh danh Thiên Chúa và vì lợi ích của tha nhân.

Chuyển ngữ: Nt. Anna Ngọc Diệp, Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Từ: hprweb.com (09.2021)

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 137 (Tháng 9 & 10 năm 2023)





[1] Bênêđictô XVI, Khai Mạc Đại Hội Mục Vụ Giáo Phận Rôma Về Chủ Đề: “Tư Cách Thành Viên Giáo Hội Và Đồng Trách Nhiệm Mục Vụ”, ngày 26.05.2009, Rôma, http://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2009/may/documents/hf_ben-xvi_spe_20090526_convegno-diocesi-rm.html

[2] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1547.

[3] x. Ga 15,16.

[4] Paul Philibert, The Priesthood of the Faithful: Key to a Living Church (Collegeville, MN: Liturgical Press, 2005), 146–48.

[5] Hiến chế Lumen Gentium, 31.

[6] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 9.

[7] Tông huấn Christifideles Laici, 23.

[8] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 10.

[9] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 29.

[10] Tông huấn Pastores Dabo Vobis, 40.

[11] x. 1Cr 12,11.

[12] x. Summa Theologiae, I–II, q11, a1.

[13] x. 1Cr 12, 7.

[14] x. Hiến chế Lumen Gentium, 12, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 3, Tông huấn Christifideles Laici, 20-21, 24, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, 31,40; Sách Giáo lý Công giáo, 801.

[15] x. Ga 10,10.

Nguồn tin: hdgmvietnam.com

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây