Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục.

Thứ ba - 30/07/2019 09:04

 Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục. Lễ nhớ.

"Anh bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng đó".

 

* Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng.

Phương pháp linh thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn.

Người qua đời ở Rôma năm 1556.

 

Lời Chúa: Mt 13, 44-46

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy.

Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Kho Tàng Quý Giá

Bài thơ "Viên Ngọc Quý Giá Nhất" của thi hào Tagore có nội dung như sau:

Sanathan cầu nguyện đang lúc đi bách bộ dọc theo bờ sông, bỗng có một thanh niên tiến đến và thành khẩn van xin ngài bố thí. Nhà hiền triết đáp: "Ta không có gì cả. Ta đã cho đi tất cả rồi, Ta chỉ còn cái bị ăn mày này thôi".

Người thanh niên tiếp tục nài nỉ: - Thiên Chúa đã cho tôi đến gặp ngài, vì chỉ có ngài mới có thể giúp tôi và làm cho tôi nên giàu có.

Nhà hiền triết mới sực nhớ ngày nọ ông đã cất giấu bên cạnh bờ biển một viên ngọc quý mà ông đã tình cờ tìm được. Ông nghĩ rằng biết đâu viên ngọc này một ngày nào đó sẽ giúp ích cho một ai đó. Ông liền chỉ cho người thanh niên nơi cất giấu viên ngọc.

Người thanh niên ra đi đào bới và đã tìm được viên ngọc quý. Cầm viên ngọc sáng ngời trong tay, người thanh niên ngồi trên bãi biển và suy nghĩ suốt đêm. Khi bình minh vừa ló dạng, anh tìm đến với nhà hiền triết và khẩn khoản nài xin:

- Thưa ngài, xin hãy cho tôi viên ngọc quý hơn mọi viên ngọc quý. Xin hãy cho tôi thứ của cải vượt trên mọi thứ của cải.

Nói xong, anh ném viên ngọc xuống dòng sông và đứng dậy đi theo nhà hiền triết.

Bài thơ trên đây có thể minh họa cho chúng ta cái nghịch lý chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng: mất mát là được lợi lộc, cho là được nhận lãnh, chết là được sống. Ðó là cái nghịch lý mà Chúa Giêsu đã quảng bá và sống cho đến tận cùng: cái chết trên Thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Ngài là một thể hiện của cái nghịch lý ấy.

Trong Tin Mừng hôm nay, với hai dụ ngôn có nội dung gần như nhau, một lần nữa, Chúa Giêsu muốn đề ra cái nghịch lý ấy: vì Nước Trời, con người phải bán đi tất cả, phải chấp nhận mất tất cả. Thế nhưng Nước Trời là gì? Chúa Giêsu xem ra đã không mất giờ và dài dòng trong những lý thuyết khô khan. Với các môn đệ, Ngài nói như một mệnh lệnh: "Hãy theo Ta" và họ đã bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Với người thanh niên giàu có, Ngài mời gọi: "Hãy về bán tất cả tài sản, phân phát cho người nghèo, và trở lại đi theo Ta".

Hãy đi theo Ngài, vì Ngài là tất cả. Hãy đánh đổi mọi sự để được sống với Ngài. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời: nơi Ngài, con người tìm được kho tàng quý giá nhất; nơi Ngài, con người được sống và sống sung mãn. Chính Chúa Giêsu đã nói: "Ta đến để cho chúng được sống và sống dồi dào". Các môn đệ được kêu gọi trước tiên để sống với Ngài. Ðược sống với Ngài, đi theo Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống, đó là nội dung đích thực của tư cách làm môn đệ.

Kitô giáo do đó thiết yếu chính là Chúa Giêsu Kitô. Làm Kitô hữu có nghĩa là chọn Chúa làm gia nghiệp và sẵn sàng đánh đổi tất cả để sống cho Ngài và vì Ngài. Làm Kitô hữu có nghĩa là đặt Ngài vào trọng tâm cuộc sống, để dù khi ăn, dù khi uống, dù làm bất cứ việc gì, luôn luôn tôn vinh Ngài. Làm Kitô hữu là sống cho Ngài và sống bằng chính sức sống của Ngài, để có thể thốt lên như thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi". Một cuộc sống như thế chắc chắn đòi hỏi nhiều hy sinh, phấn đấu, mất mát.

Dù sống trong hoàn cảnh nào, bất cứ người môn đệ nào của Chúa Kitô cũng đều cảm nghiệm được lời tiên báo của Ngài: "Vì Danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ". Không bị bách hại công khai, thì cũng bị chống đối hay loại trừ, đó là số phận của người Kitô hữu.

Nguyện xin Chúa Kitô, Ðấng chúng ta đã chọn làm gia nghiệp, luôn gìn giữ chúng ta trên bước đường theo Chúa, và củng cố chúng ta trong nghịch lý mà Ngài đã sống: mất mát là lợi lộc, cho là lãnh nhận, chết là được sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Kho Tàng Và Viên Ngọc Quý

Bài dụ ngôn về kho tàng và viên ngọc quý có thể gợi lên cho chúng ta những qui luật về đầu tư hay kinh tế thị trường.

Có một số yếu tố mà kinh tế thị trường cần phải tuân thủ mới mong thành công.

Trước hết và quan trọng hơn cả là động lực và sự hy sinh của con người. Ðây là qui luật cơ bản để cho kinh tế thành công. Thiếu sự cần cù siêng năng của con người, kinh tế không thể nào tiến.

Kế đó là sự thanh liêm và chữ tín của con người. Người đầu tư cũng như công nhân cần phải tôn trọng các khế ước mà họ đã cam kết thi hành.

Yếu tố thứ ba giúp cho kinh tế được thành công là tinh thần kỷ luật. Thời gian và những cố gắng đầu tư vào trong các dự án có khi chỉ được đền đáp trong tương lai.

Nhưng một yếu tố khác không kém phần quan trọng để giúp cho kinh tế được vững mạnh đó là sự cộng tác giữa các công nhân. Dĩ nhiên, chỉ có cộng tác thực sự khi con người biết tôn trọng nhau và lấy sự tử tế mà đối xử với nhau mà thôi.

Cuối cùng, các nhà làm luật phải thông qua luật đầu tư một cách công bình và hợp lý.

Tựu trung, kinh tế thị trường tùy thuộc rất nhiều vào các chuẩn mực đạo đức, các giá trị đạo đức không nằm bên lề của kinh tế mà là linh hồn và nền móng của kinh tế.

Tìm kiếm và xây dựng những giá trị đạo đức là nền tảng cho cuộc sống con người. Gia tài quý giá nhất để lại cho con cái không phải là của cải vật chất mà chính là chuẩn bị cho chúng một vốn liếng tri thức và đạo đức đầy đủ. Với hình ảnh của kho tàng được chôn giấu trong thửa ruộng hay một viên ngọc quý mà người ta phải bán tất cả để mua cho bằng được. Chúa Giêsu muốn nói tới tính cách triệt để của niềm tin. Tin là đầu tư và đầu tư là sẵn sàng hy sinh tất cả. Một nền kinh tế lành mạnh là một nền kinh tế được xây dựng trên chuẩn mực đạo đức. Một niềm tin vững mạnh là một niềm tin đòi hỏi con người phải sẵn sàng hy sinh tất cả những gì mình có.

Sức sống của một Giáo Hội không được đánh giá dựa trên những ngôi thánh đường nguy nga, các cuộc biểu dương rầm rộ hay ngay cả con số đông các linh mục mà Giáo Hội chỉ có thể phong chức nhờ mặc cả bằng quà cáp hay lót đường. Nếu cốt lõi của một nền kinh tế lành mạnh là những giá trị đạo đức thì chắc chắn sức sống đích thực của một Giáo Hội sẽ chẳng bao giờ được đánh giá dựa trên những sự kiện bên ngoài, có khi chỉ là những thỏa hiệp với kết quả của trần đời và những sức mạnh của tăm tối. Sẵn sàng đánh mất tất cả vì Tin Mừng của Chúa Kitô phải chăng đó không là đòi hỏi mà qua bài dụ ngôn về kho báu và viên ngọc quý Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho Giáo Hội và các tín hữu Kitô chúng ta, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Hai Thái Độ

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thuở ruộng ấy.”

“Nước Trời lại giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.” (Mt. 13, 44-46)

Hai thái độ của con người đối với Nước Trời. trong trường hợp kho báu bị chôn vùi, đó là thái độ của một người tình cờ nhận ra được một giá trị; khá nhiều người có thái độ này đối với Đức Giêsu; họ chẳng mấy bận tâm đến chuyện gặp Chúa Giêsu; họ không đi tìm Người. Thế mà bỗng dưng họ bị Người nắm bắt, cuốn hút dường như bởi một sức mạnh không sao cưỡng lại được. Còn trong dụ ngôn viên ngọc quý, đó chính là tâm trạng của một người đang đi tìm chân lý, giống như phần đông chúng ta, như Đi-cô-đê-mô đi tìm Chúa trong đêm tối.

Hai hạng người.

Không phải chỉ là hai thái độ, hai tâm trạng mà cũng là hai “Hạng” người nữa. Trong con người cày ruộng phát hiện ra được kho báu vùi dấu trong ruộng, chúng ta gặp được hình ảnh con người của sinh hoạt đời thường; đó là con người không thắc mắc đặt vấn đề, con người “nghèo khó” chỉ biết rất ít về Chúa. Tình cờ người ấy khám phá ra Thiên Chúa và có một cái gì làm thay đổi đời sống của người ấy mà người chung quanh không hiểu biết được, người ấy “Vui mừng bán đi tất cả những gì mình có mà mua thuở ruộng ấy.” Ai có thể hay chăng tại sao người ấy lại có cử chỉ như vậy?

Còn người thương gia đi tìm ngọc đẹp gợi nhớ lại hình ảnh một người buôn bán một thứ gì quan trọng lắm, một người buôn đồ nữ trang có một vụ buôn bán quan trọng, người ấy biết đúng giá cả những mặt hàng.

Niềm vui khám phá.

Bao lâu chưa tìm gặp, con người phải mang tâm trạng xao xuyến lo âu. Nhưng khi đã gặp được rồi, thì người ta sẵn lòng cho đi tất cả miễn là dành được sự thiện vô giá ấy. Chính kho báu ấy đòi người ta phải hy sinh tất cả những gì mình có, hy sinh tất cả con người của mình thì mới có được kho báu ấy. Đó phải là một sự dấn thân hoàn toàn, một đòi hỏi triệt để. Chúa Giêsu không nhượng bộ chút nào, nhưng Người cũng tỏ cho thấy sự hấp dẫn lạ lùng của ơn cứu độ, và niềm vui vô biên dành cho người tìm gặp được ơn cứu độ ấy.

Hai dụ ngôn này còn gợi cho ta một suy nghĩ khác. Khi đã tìm được kho báu kia, viên ngọc đẹp ấy, người ta đều cảm nhận được niềm vui vô biên, khôn tả, và chính niềm vui ấy mới khiến người ta dấn thân hết sức, hết mình. Có nghĩa là phải làm tất cả để giữ mãi được niềm vui và phấn khởi của sự khám phá này.

Có được Thiên Chúa là có được tất cả, chỉ mình Chúa là đủ rồi. Người ta có thể hiểu được chân lý này nhờ kinh nghiệm mà thôi.

 

SUY NIỆM 4: KHO TÀNG VÀ VIÊN NGỌC QUÝ (Mt 13, 44-46)

Xem lại CN 17 TN A

Thánh Phanxicô X. là con một người giàu có. Ngài thuộc thành phần quý tộc. Vì thế, không lạ gì khi còn trai trẻ, thánh nhân ngày đêm miệt mài theo đuổi danh vọng trần gian! Tuy nhiên, nhờ người bạn thân của ngài là thánh Inhaxiô Loyola, một hôm đã gieo Lời Chúa vào tai Phanxicô: “... được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26).

Nhờ câu Lời Chúa trên mà ngài được ơn biến đổi hoàn toàn. Từ con người ham mê của cải trần thế trở thành một tu sĩ nghèo khó. Từ một người ham mê khoa bảng trần gian trở thành một người chỉ biết rao giảng chân lý Tin Mừng.

Hôm nay, Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta hãy xác định lại căn tính ơn gọi của mình, đó là đi theo Ngài. Đi theo Đức Giêsu là đón nhận Ngài làm gia nghiệp, lấy lời Ngài làm kim chỉ nam hướng dẫn. Sẵn sàng sống những giá trị Tin Mừng ấy trong cuộc đời dù gặp những khó khăn. Quyết tâm từ bỏ những điều bất chính trái với thánh ý Chúa. Làm được điều đó, ấy là lúc chúng ta khôn ngoan như người lái buôn và chàng thanh niên trong Tin Mừng đi tìm “kho tàng” và “viên ngọc quý” hôm nay.

Mong sao mỗi người chúng ta hiểu rằng: Nước Trời là “kho tàng” bền vững và Ðức Giêsu là “viên ngọc quý” đích thực. Đạt được “kho tàng” là Nước Trời; chiếm hữu được “viên ngọc quý” là chính Đức Giêsu thật là điều không dễ! Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải đánh đổi bằng những hy sinh, cố gắng và tin tưởng tuyệt đối, ngay cả cái chết.

Lạy Chúa Giêsu, có Chúa là có tất cả, không có Chúa kể như không có gì. Xin cho chúng con hiểu được điều đó, quyết tâm và đánh đổi bằng mọi giá để có Chúa làm gia nghiệp của cuộc đời chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 5: Vui mừng bán tất cả

Suy niệm :

Tất cả bắt đầu từ một sự tình cờ may mắn.

Người nông dân nghèo phải làm thuê cho điền chủ

tình cờ gặp được kho báu chôn trong ruộng.

Người buôn ngọc tình cờ gặp được viên ngọc tuyệt vời,

có giá trị lớn lao mà người bán không hề biết.

Sau đó phản ứng của cả hai rất giống nhau:

ra đi, bán tất cả những gì mình có và mua...

Không thấy có dấu vết của sự nuối tiếc

hay ngần ngại giằng co.

Tất cả diễn ra thật nhanh

và tràn ngập niềm vui thanh thản.

Ai cũng rõ họ hạnh phúc biết chừng nào

khi chiếm được kho báu và viên ngọc.

Cuộc đời họ chuyển sang một giai đoạn mới.

Thái độ của hai người trên được coi là bình thường.

Ở địa vị ta, ta cũng làm như thế.

Kho báu và viên ngọc là những thứ thấy được,

có giá trị hiển nhiên và hết sức hấp dẫn.

Chúng hứa hẹn một sự giàu sang mà ai cũng thèm thuồng,

nên người ta dễ bán tất cả để mua được chúng.

Bị ảnh hưởng bởi não trạng hưởng thụ vật chất,

chúng ta thường coi kho báu duy nhất ở đời này

là tiền bạc, quyền uy và khoái lạc.

Khi nói Nước Trời là kho báu bền vững,

Ðức Giêsu là viên ngọc quý đích thực,

chúng ta lại thấy đó là cái gì mơ hồ,

xa xôi, ít lôi cuốn, thậm chí không có thật.

Chính vì thế chúng ta thường ngần ngại khi từ bỏ,

dè sẻ, nuối tiếc khi phải hy sinh cho Chúa.

Vậy vấn đề là khả năng thấy, nhờ lòng tin.

Bản thân tôi có thấy Ðức Giêsu là viên ngọc quý,

và Nước Trời là kho báu không?

Chỉ ai thấy được những thực tại vô hình

và ngây ngất trước giá trị của chúng,

người ấy mới hồn nhiên và vui tươi

đánh đổi tất cả kho báu phù phiếm của đời này

để lấy kho báu bất diệt trên trời (x. Mt 6,20).

Có khi tình cờ, qua một biến cố, một người bạn,

qua một cuốn sách, một đoạn Lời Chúa, một kỳ tĩnh tâm,

tôi chợt gặp Ðức Giêsu như viên ngọc ngời sáng,

hấp dẫn, mời gọi tôi bay lên khỏi cái tôi tầm thường:

tôi có dám bán nỗi đam mê ích kỷ của mình

để mua lấy tình bạn với Ngài không?

Nếu ta còn ngần ngại khi phải bán đi tất cả

thì chỉ vì ta chưa thấy.

Nhưng nếu ta cứ can đảm bán đi,

ắt ta sẽ thấy.

Niềm vui chỉ đến với người dám bán tất cả.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

********************************************

 

 

Thứ tư: Lc 9, 23-26

Thứ Tư 31/07/2019 – Tinh thần đồng trách nhiệm.

31/07 – Thứ tư tuần 17 thường niên – Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Lễ TRỌNG ở Giáo Phận Long Xuyên.

"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".

 

 

Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và Emmanuel Lê Văn Phụng

(Giáo Phận Long Xuyên được mừng trọng thể)

- Thánh Phêrô Đoàn Công Quý sinh năm 1862 tại họ Búng, hạt Thủ Dầu Một, dưới triều Minh Mạng. Cha ngài là ông Antôn Đoàn Công Miêng và mẹ là bà Anrê Nguyễn Thị Trường, vốn dòng quyền quý, nguyên quán ở Đàng Ngoài; nhưng vào cuối đời Gia Long (1802-1820), cả gia đình đã di cư vào Nam và đến lập nghiệp tại họ Búng.

Năm 1847, ngài nhập Chủng Viện thánh Giuse tại Thị Nghè. Sang năm 1848, ngài được gửi học bên Pénang (Mã Lai). Sau bảy năm học tập và tu luyện, ngài trở về quê hương vào năm 1855, giữa lúc vua Tự Đức cấm đạo gắt gao. Ngài lần lượt lãnh nhận các chức, và đến tháng 9/1858, được phong chức linh mục tại nhà thờ Thủ Dầu Một. Sau một thời gian phục vụ tại các họ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, ngài được cử làm phó sở Cái Mơn (Vĩnh Long). Cuối tháng 12/1858, ngài đổi về họ Đầu Nước, Cù Lao Giêng, họ chính thuộc tỉnh An Giang.

Ngày 07/01/1859, trong một cuộc lùng xét "Tây Dương đạo trưởng", ngài bị bắt cùng với ông Emmanuel Phụng, câu phủ họ Đầu Nước, và 32 giáo hữu khác. Tất cả bị xiềng xích giải về Châu Đốc.

- Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng sinh năm 1796. Lúc cha Phêrô Đoàn Công Quý được cử tới họ Đầu Nước, ngài đang làm câu phủ, rất nhiệt thành việc đạo và quý mến các linh mục. Ngày 07/01/1859, ngài cùng 32 giáo hữu khác cùng bị bắt với cha Phêrô Quý, và bị điệu về giam ở Châu Đốc.

Trong tù hai đấng đã chịu nhiều cực hình với một đức tin sắt đá. Ngày 30/7/1859, án tử hình của các ngài được gửi từ kinh về tới Châu Đốc. Hai ngài đã hiên ngang đổ máu đào để nên chứng nhân nước Trời vào ngày 31/7/1859.

Đức Thánh Cha Piô X đã tôn phong ngài lên bậc Chân Phước ngày 02/5/1909. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tôn phong Hiển Thánh ngày 19/6/1988.

 

Lời Chúa: Lc 9, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".

 

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô

Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.

Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.

Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.

Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú  thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.

Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang. Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.

Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời  dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị  giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.

Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.

Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.

Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…

Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.

Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 2: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng & thánh Phêrô Đoàn Công Quí: Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh

(Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu 31-07-2010)

Thật tự hào cho giáo phận Long Xuyên, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.

Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.

Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen.

 

Thánh Inhaxiô Loyola, “Con Người Ước Ao”

BY  ON 29/07/2019CÁC THÁNH

Chúng ta phải hiểu như thế nào câu đầu tiên của sách Linh Thao (LT): “Con người được tạo dựng để ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn của mình” (LT 23)?

Phải chăng đó là một điều luật? Nếu đó là một điều luật, thì luật này sẽ lên án tôi. Bởi vì, toàn bộ đời sống của tôi buộc phải hướng về việc ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, đời sống của tôi không luôn luôn hướng về cứu cánh như thế; và hệ quả là tôi sẽ mất linh hồn! Hiểu như thế, bản văn mở đầu sách Linh Thao sẽ mở ra trước mặt chúng ta cả một vực thẳm mặc cảm tội lỗi.

Nhưng, đó không phải là một điều luật; hoặc, nếu đó là điều luật, thì đây là một điều luật đặc biệt, như thánh I-nhã viết trong phần dẫn nhập của sách Hiến Pháp Dòng Tên (HP): “Luật nội tâm của bác ái và tình yêu mà Thánh Linh viết và in trong tim … “ (HP 135). Nhưng, chúng ta đừng vội nói tới tình yêu và Chúa Thánh Linh; bởi vì, trong Linh Thao, đó là “Nguyên lý và nền tảng” của sự sống con người, nói cách khác đó là lòng ước ao Thiên Chúa.

Đó cũng là chữ đầu tiên của sách Tự Thuật, mà thánh I-nhã kể lại để cho thấy cách thức Chúa đã dẫn dắt ngài: Người ấy có “một ước ao lớn lao và phù vân kiếm tìm danh tiếng” (TT 1). Lòng ước ao này không phải là, và còn cách xa lắm, lòng ước ao “ca tụng, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, Chúa chúng ta”. Nhưng khởi đi từ lòng ước ao ban đầu này, Thiên Chúa đã nắm bắt thánh nhân.

Thánh I-nhã là một “Con Người Ước Ao”. Nhưng đâu phải chỉ có thánh I-nhã mới có lòng ước ao, nhưng “con người” (chữ đầu tiên của Nguyên Lý và nền tảng), nghĩa là mọi người. Bao lâu con người chưa đạt tới đích, con người luôn ở trong một chuyển động, và điều làm cho con người chuyển động, chính là lòng ước ao. Ước ao sống, ước ao sống còn, ước ao vượt qua chính mình. Con người tự ấn định cho mình những mục tiêu, nhưng một khi những mục tiêu này đạt được, con người vẫn không thể lưu lại trong nghỉ ngơi, no thỏa và an vui.

Điều đó là gì, nếu không phải là, ở bên kia sự đa phức của các ước ao, con người bị “dày vò” bởi một ước ao duy nhất, đó là ước ao Đấng Duy Nhất? Con người là ước ao, bởi vì con người được tạo dựng bởi một Đấng Khác, và vì con người được lôi kéo, được thu hút bởi Đấng Khác, ngay cả khi con người không biết đến.

Con người chia sẻ sự khắc khoải này với toàn thể tạo vật: vật chất đổi dời, thảo mộc lớn lên, sinh vật được thúc đẩy bởi bản năng. Nhưng con người, con người có khả năng ý thức về năng động ước ao làm chuyển động mọi sự:

Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở.

(Rm 8, 19-22)

Không có gì là Thiên Chúa, nhưng tất cả mọi sự đến từ Thiên Chúa và mọi sự khát khao Thiên Chúa. Vì thế, “Những điều khác trên mặt đất được tạo dựng cho con người để giúp con người trong việc theo đuổi cùng đích vì đó con người được tạo dựng.” (LT 23)

Kinh nghiệm thiêng liêng đầu tiên của thánh I-nhã chính là hành trình đưa ra ánh sáng ước ao nền tảng này. Thật vậy, trong thời gian dưỡng thương, thánh nhân mơ ước làm những điều lớn lao để phục vụ một công nương thuộc hành quí tộc. Đồng thời, thánh nhân cũng đọc những sách kể về cuộc đời Đức Ki-tô và cuộc đời của các thánh. Dần dần, những câu chuyện mà ngài đọc đến gặp gỡ lòng ước ao muốn trổi vượt của ngài: “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Đa-minh đã làm thì sao?” (TT 7). Ngang qua dấu chỉ niềm vui diễn ra trong tâm hồn, khi ngài dự tính muốn bắt chước các thánh, ngài đã nhận ra điều gì đó thuộc về ước ao nền tảng; và sau khi bình phục, ngài rời bỏ gia đình, của cải, y phục để bước đi trên con đường của người hành hương.

Đời sống của Đức Ki-tô và gương lành của các thánh là những điểm qui chiếu đầy ý nghĩa: Đức Ki-tô, bởi vì Người hội tụ ở bản thân mình mọi ước ao của toàn thể tạo vật; các thánh, bởi vì các ngài là những ngọn đèn soi đường: các ngài đã tìm kiếm để tìm thấy, các ngài đã tìm thấy để lại mặc lấy một sức mạnh vươn tới mới trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa.

*  *  *

Như thế, linh đạo I-nhã mở ra cho ai có lòng ước ao. Khi được cuốn hút bởi viễn tượng thực hiện một công trình lớn lao hay trổi vượt trong việc phục vụ một giá trị cao quí, người này sẽ được mời gọi “chăm chú nhìn ngắm Đức Ki-tô, Vua Hằng Sống, và trước mặt Người, cả thế giới; Người kêu gọi hết thảy và từng người một…” (LT 95). Và một cách cụ thể, người này chấp nhận dừng lại, tách mình, trong một thời gian, khỏi những tương quan và những bận tâm đời thường, “để chăm chú tìm kiếm điều họ hằng mong ước” (LT 20).

*  *  *

Nên đọc:

  • Tv 42-43 (41-42) ; 63 (62) ; 84 (83): ước ao Thiên Chúa.
  • Rm 8, 18-30: ước ao của tạo vật.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
(Viết theo Jean-Claude Dhôtel, SJ, La spiritualité Ignatienne. Points de repère
Paris, Collection « Vie Chrétienne », 1992)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây