Thứ Bảy tuần 28 thường niên – 19/10/2019

Thứ sáu - 18/10/2019 00:49

Thứ Bảy tuần 28 thường niên – 19/10/2019

 

Lời Chúa: Lc 12, 8-12

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.

"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".

 

Suy Niệm 1: Đừng lo

Suy niệm:

Người ta thường nói giữ đạo tại tâm.

Đức Giêsu hôm nay đòi ta phải tuyên xưng Ngài trước mặt người đời,

nghĩa là tuyên xưng một cách công khai, không giấu diếm.

Các thánh tử đạo Việt Nam ngày xưa đã có kinh nghiệm đó.

Chỉ cần bước qua thập giá là coi như chối bỏ niềm tin vào Đức Giêsu.

Không bước qua thập giá là cử chỉ tuyên xưng đức tin rõ ràng nhất.

Một đoàn người đông đúc đã sẵn lòng chịu muôn vàn khổ hình,

nhưng quyết không bước qua thập giá.

Phêrô đã có kinh nghiệm về sự công khai chối bỏ Thầy (Lc 22, 57).

Ông bảo mình không biết Thầy, không phải là người đã ở với Thầy,

đã theo Thầy như một môn đệ và như một người bạn.

Đơn giản là ông sợ bị liên lụy, sợ chịu chung số phận của Thầy.

Xưa nay chẳng ai tuyên xưng Đức Giêsu mà không phải trả giá.

Tuyên xưng bằng cách không bước qua thập giá như hồi xưa,

hay tuyên xưng bằng cách bước qua những mời mọc thời nay,

Coi nhẹ những gì thế gian mê đắm và ưa chuộng,

Như khoái lạc, địa vị, quyền lực, giàu sang.

Phêrô đã bất ngờ và dễ dàng sa ngã.

Nhưng Đức Giêsu đã cầu xin để ông được đứng lên (Lc 22, 32).

Sau này, Phêrô sẽ có kinh nghiệm khác về việc công khai tuyên xưng.

Đó là lúc ông và Gioan bị đem ra trước Hội Đồng Do Thái (Cv 4, 8)

Sau khi đã chữa một người bất toại ở cửa Đền thờ.

Phêrô được đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn làm chứng về Đức Kitô.

Hội Đồng kinh ngạc trước sự bạo dạn của ông,

vì biết ông là người ít học, quê mùa (Cv 4, 13).

Bạo dạn là nét của cộng đoàn sơ khai, khi đứng trước đe dọa (Cv 4, 29).

“Chớ lo lắng phải biện hộ làm sao hay phải nói gì,

vì Thánh Thần sẽ dạy các ông ngay giờ đó về điều phải nói” (cc. 11-12).

Không sợ và không lo,

đó là thái độ của người Kitô hữu trưởng thành trước nghịch cảnh.

Đừng phạm thượng đến Thánh Thần, vì sẽ không được tha (c. 10).

Xúc phạm đến Thánh Thần là cứ ngoan cố,

khăng khăng chống lại tác động của Ngài trong đời ta.

Những mời gọi của Thánh Thần bị bóp chết ngay từ đầu.

Một người dứt khoát từ chối Thánh Thần là từ chối chính Thiên Chúa.

Người ấy không có sự mở ra sẵn sàng để đón nhận.

Người ấy không được tha thứ, đơn giản vì không muốn nhận ơn ấy.

Xin cho chúng ta nhận được sự nâng đỡ của Thánh Thần

để làm chứng cho Giêsu giữa lòng thế giới.

Và xin cho ta chấp nhận cái giá phải trả cho một tình yêu tín trung.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, vị tử đạo tuyệt vời,

Chúa đưa chúng con vào thế giằng co liên tục.

Chúa vừa chọn chúng con ra khỏi thế gian,

lại vừa sai chúng con vào trong thế gian đó.

Thế gian này vàng thau lẫn lộn.

Có khi vàng chỉ là lớp mạ bên ngoài.

Xin cho chúng con giữ được bản lãnh của mình,

giữ được vị mặn của muối,

và sức tác động của men,

để đem đến cho thế gian

một linh hồn, một sức sống.

Chúng con chẳng sợ mình bỏ đạo,

chỉ sợ mình bỏ sống đạo

vì bị quyến rũ bởi bao thú vui trần thế.

Xin cho chúng con đừng bao giờ quên rằng

chúng con mang dòng máu của các vị tử đạo,

những người đã đặt Chúa lên trên mạng sống.

Lạy Chúa Giêsu, nếu thế gian ghét chúng con,

thì xin cho chúng con cảm thấy niềm vui

của người được diễm phúc nên giống Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Tội Phạm Ðến Chúa Thánh Thần

Ông Charles Darwin, khi về già đã tâm sự: lúc còn trẻ, ông cũng rất yêu thích thi ca và âm nhạc, thế nhưng, công việc nghiên cứu đã chiếm hết thời giờ của ông. Dành trọn cuộc đời cho sinh vật học, cho nên ông đã mất dần khả năng thưởng thức thi ca và âm nhạc, đến nỗi về sau, thi ca đối với ông chỉ còn là những lời vô bổ và âm nhạc chỉ là những tiếng động ồn ào mà thôi. Cuộc đời ông đã thiếu hẳn vẻ tươi mát và trẻ trung. Thế nên, nếu được sống lại tuổi trẻ lần nữa, ông sẽ dành thời giờ tìm đến thi ca và âm nhạc, để khỏi mất đi khả năng thưởng thức chúng, một khả năng giúp cho cuộc đời thêm hương vị.

Lời tâm sự của Charles Darwin giúp chúng ta hiểu thêm phần nào về tội phạm đến Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng hôm nay.

Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý. Một trong những công việc của Ngài là mạc khải về chân lý, giúp con người hiểu biết chân lý mà hướng lòng họ đi tìm sự thật. Bởi thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, thì Thánh Thần đến trên các Tông đồ để dạy dỗ và hướng dẫn các ông. Nhờ Thánh Thần, các ông đã hiểu rõ những lời nói và việc làm của Chúa Giêsu; và cũng nhờ Thánh Thần, các ông đã mạnh dạn rao giảng Tin Mừng như lời căn dặn của Chúa Giêsu trước khi Ngài về trời.

Công cuộc rao giảng Tin Mừng không phải luôn luôn dễ dàng và gặt hái thành công, như lần 3,000 người trở lại liền sau bài giảng của thánh Phêrô vào dịp lễ Ngũ Tuần; nhưng các ông đã gặp biết bao chống đối và bách hại. Dù gặp gian nan thử thách như thế, các ông vẫn hiên ngang rao giảng, vì đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu, và hơn nữa, một điều kiện: "Ai tuyên xưng Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa". Vả lại, các ông không phải đơn độc trong gian nan, thử thách, vì có Thánh Thần luôn hiện diện với các ông. Thánh Thần sẽ dạy cho các ông phải nói gì khi bị điệu đến trước nhà cầm quyền, vì Danh Chúa Giêsu. Một sự hiện diện gần gũi và cần thiết như vậy của Thánh Thần, khiến cho tội phạm đến Thánh Thần trở thành tội không được tha. Không được tha, không phải vì Thánh Thần là một Thiên Chúa nghiêm khắc trừng phạt; Chúa Thánh Thần vẫn mãi mãi là một Thiên Chúa khoan dung, từ bi, nhân hậu, là Ðấng Bầu Chữa, an ủi, vỗ về các tâm hồn. Không được tha không phải vì Chúa Thánh Thần không muốn tha, nhưng là vì thái độ của con người.

Nếu trong con người của Darwin có những sở thích về thi ca, âm nhạc, nhưng vì không chịu tiếp xúc với các môn ấy khiến ông mất dần khả năng thưởng thức thi ca, âm nhạc, để rồi chúng trở thành vô bổ đối với ông. Cũng thế, trong mỗi người chúng ta đều có những khát vọng về chân lý, nhưng chính thái độ bịt tai nhắm mắt trước sự thật đã khiến con người mất dần khả năng cảm nhận sự thật để rồi đối với họ sự thật chẳng còn giá trị gì. Chúa Thánh Thần là Chân Lý, nhưng nếu đứng trước Ngài, con người vẫn giữ thái độ cố chấp, thì dù Ngài là Ðấng giúp con người hiểu biết và đi tìm chân lý, Ngài cũng đành bó tay. Không tìm đến với nguồn chân lý, làm sao con người có thể nhận được ơn tha thứ?

Xin Chúa cho chúng ta có một tâm hồn yêu mến và nhạy cảm trước sự thật. Xin cho chúng ta biết can đảm vượt qua những trói buộc của đam mê, ích kỷ, tội lỗi, để tìm đến với sự thật, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Cuộc Sống Chứng Tá

Sau khi khiển trách các người pharisiêu và những nhà thông luật, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ hãy có lòng can đảm tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người, ngay cả trước những kẻ dữ mà không sợ bị bách hại. Bài trình thuật Phúc Âm hôm nay vì thế mời gọi tất cả chúng ta hướng về một đức tin xác quyết và một niềm hy vọng bất diệt vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu dạy bảo các môn đệ hãy can đảm làm chứng tá cho Thiên Chúa giữa lòng thế gian, bất chấp những sự bách hại của các quyền lực trần thế, đó là điều kiện để các ông được Chúa Cha trên trời đón nhận như Ngài nói: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa".

Tất cả cuộc sống của người Kitô không nằm ở thái độ biểu dương đức tin để trở nên xứng đáng với trước mặt Thiên Chúa, nhưng là thái độ khiêm tốn và xác tín trong việc sống thực hành những lời răn của Thiên Chúa mà không đòi hỏi bất cứ sự đền bù nào. Khi Chúa Giêsu nói: "Bất cứ ai nói phạm đến Con Người thì còn được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì sẽ chẳng được tha", Người ngụ ý dạy rằng tội lỗi thực sự của loài người là sự ngoan cố đối nghịch với Thiên Chúa và từ khước tình yêu thương và sự tha thứ của Người.

Chúa Thánh Thần là Ðấng của tình yêu thương và sự tha thứ. Ai khước từ Chúa Thánh Thần là hoàn toàn từ chối sự cứu rỗi mà Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Hồng ân và sức mạnh đến từ Chúa Thánh Thần làm cho đức tin của chúng ta được tăng trưởng và đức tin đó được đun nóng từ Chúa Thánh Thần sẽ thúc đẩy chúng ta đến những hành động anh hùng bằng gương tử đạo. Gương tử đạo không xuất phát từ các yếu tố con người mà là kết quả đến từ những ai để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong tâm hồn mình đó là hồng ân của Chúa Thánh Thần ban cho những ai biết mở rộng con tim để đón nhận Người.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ sẽ chịu nhiều thử thách, thế nên Người đã cảnh giác rằng các ông có thể sẽ mất đi những hồng ân của Thiên Chúa và rơi vào tình trạng nghi ngờ hay từ bỏ đức tin. Mặt khác, Người cũng bảo đảm rằng Chúa Thánh Thần sẽ ban cho các ông sự khôn ngoan và lòng can đảm để đối diện với những kẻ dữ trong giờ phút bị bách hại. Ðồng thời, Chúa Giêsu cũng lên án những kẻ nói phạm đến Thánh Thần. Sự phạm thánh đó bao gồm những hành động hay những tư tưởng chống đối Thiên Chúa tiềm ẩn trong con tim hay biểu lộ ra bên ngoài. Tội nói phạm đến Chúa Thánh Thần là thái độ của những kẻ cứng lòng từ chối tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa mà không thực lòng muốn sám hối.

Lòng nhân ái của Thiên Chúa thì vô bờ bến nhưng nếu một ai từ chối lòng thương xót của Người thì sẽ tự mình kết án chính mình. Hồng ân đến từ Chúa Thánh Thần sẵn sàng ban xuống cho những ai tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Ðấng Cứu Thế.

Lạy Chúa,

Người là niềm hy vọng và là sự cứu rỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết đặt sự tin tưởng vào Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn hay cám dỗ nào. Xin hãy để ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bùng cháy trong con tim chúng con, cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm để theo gương đức tin mặc dù phải đối diện với những sự bách hại của kẻ dữ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Chân lý chứng nhận cho bạn trong ngày phán xét

“Thầy nói cho anh em biết: Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước bặt thiên hạ, thì Con Người cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa.” (Lc. 12, 8)

Trong khi khuyên các môn đệ đi làm chứng cho chân lý thì đừng sợ gì, dù ở đâu thời nào, Đức Giêsu đã phấn chấn các ông, cho các ông biết về sự giúp đỡ của Thiên Chúa và những hiệu quả do lòng trung thành của các ông.

Trước tòa đời

Chân lý các môn đệ phải tuyên xưng là: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Thiên Chúa”. Nghĩa là, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa, Nguồn Mặc Khải Thiên Chúa.

Không ai có thể tuyên xưng chân lý này, nếu không được linh ứng bởi Thánh Thần, Đấng ban cho họ hiểu biết và sức mạnh để làm chứng. Cho nên Đức Giêsu hứa ban cho các môn đệ, lúc tuyên xưng đức tin trước tòa người đời, Thánh Thần chân lý sẽ dạy các ông phải nói gì. Dù những môn đệ tầm thường nhất cũng không phải lo lắng. Thánh Thần sẽ đặt vào môi miệng các ông những lời để các ông mạnh mẽ tuyên xưng đức tin. Ngài sẽ còn hướng dẫn các ông trong đời sống vì các ông đang sống trong Thánh Thần từ lúc chịu phép rửa.

Trong ngày phán xét

Ai tuyên xưng chân lý trước mặt thiên hạ bằng đời sống, việc làm và lời nói sẽ được Con Thiên Chúa bênh vực trong ngày phán xét trước mặt Chúa Cha và các thiên thần.

Ai bỏ làm chứng và đức tin vào Đức Kitô vì kính nể người đời hay sợ bắt bớ, thì không thể được cánh tay của Con Người che chở trong ngày phán xét. Đức Giêsu trung thành với ai trung thành với Người. Chính mình sẽ tự lên án mình tùy theo đời sống của mình.

Nếu kẻ đã không tin vào lời Đức Giêsu và sự nghiệp của Người, nó có thể được tha thứ, vì nó chưa nhận được Thánh Thần, cho nên nó không có thể trung thành. Nhưng nếu ai đã tin chân lý mà không đón nhận lòng thương xót, nó cố chấp từ bỏ đức tin là xúc phạm đến Thánh Thần vì nó chối bỏ chân lý đã mặc khải cho nó.

Lạy Chúa, xin hãy ban Thánh Thần Chúa đến củng cố đức tin chúng con trong mọi nơi, mọi lúc, cho chúng con được sức mạnh can đảm tuyên xưng chân lý rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa ở trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

RC

 

Suy Niệm 5: “ĐỪNG SỢ” CHÚA THÁNH THẦN SẼ NÓI THAY (Lc 12, 8-12)

Xem thêm thứ Sáu tuần 14 TN và ngày 26.12 trong tuần Giáng Sinh

Đọc lại lịch sử các thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta thấy: rất nhiều vị thánh xuất thân từ nhà quê, chẳng được học hành là bao, lại phải lam lũ khổ sở, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời! Ấy vậy mà khi bị bắt, bị tra tấn, đánh đập, nhất là khi bị hỏi cung, các ngài đã trả lời hết sức trôi chảy. Không những thế, các ngài còn lý luận và bẻ gãy những lời nói phi nhân, bất nghĩa của vua quan. Mặt khác, nhân cơ hội, ngoài chuyện làm chứng cho Chúa bằng đời sống, các ngài còn rao giảng Lời Chúa cho những người đang làm hại mình nữa. Tất cả những chuyện đó, chúng  ta, ai cũng hiểu là Chúa Thánh Thần nói trong và hành động nơi các thánh.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng nói cho các môn đệ biết, các ông sẽ phải chịu đau khổ, bách hại và gặp muôn điều khó khăn, tuy nhiên, các ông đừng sợ, những lúc như thế, Chúa Thánh Thần sẽ giúp các ông để cho các ông biết phải làm gì và nói gì.

Trong đời sống đạo của chúng ta hiện nay, không còn quá khó như thời các thánh tử đạo khi xưa. Nhưng vẫn còn nơi này, nơi kia, vì một số người kém hiểu biết, dốt nát, cổ hủ, nên còn gây khó dễ đối với các tín hữu cách này, cách khác. Những người này có thể vì một mục đích thực dụng nào đó cho cá nhân hay tập thể, nên mới có những hành xử kém hiểu biết và thiếu nhân văn như vậy! Tuy nhiên, điều này không đáng ngại, bởi vì kinh nghiệm cho thấy, càng khó khăn, khổ sở bao nhiêu thì niềm tin và đời sống đạo lại càng sống động. Nhưng điều đáng sợ hơn cả chính là những trào lưu tục hóa đang dần bách hại tinh thần của chúng ta. Những phim ảnh, sách báo, băng đĩa xấu đang lan tràn mọi nơi. Những thứ này nó phá hủy từ bên trong, nên có sức làm băng hoại đời sống đạo đức, luân lý nơi con người. Đây mới là thử thách đáng phải quan tâm!

Sống trong xã hội như thế, người Kitô hữu được mời gọi làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống lành mạnh... Khước từ những điều không phù hợp với luân lý Kitô giáo. Còn nếu có gặp khó khăn, bắt bớ, cấm cách, chúng ta an tâm, vững tin vào Chúa Quan Phòng, vì những lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ thực thi vai trò của Người như xưa Người đã làm nơi các Tông đồ và các bậc tiền nhân của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con được ơn can đảm, trung thành với Chúa và Tin Mừng của Chúa. Amen.

Ngọc Biển SSP

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây