Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên - Thánh Phanxicô Assisi.

Thứ năm - 03/10/2019 17:14

Thứ sáu đầu tháng, tuần 26 thường niên –  Ngày 04/10/2019 - Thánh Phanxicô Assisi. Lễ nhớ.

 

* Thánh nhân sinh năm 1182 tại Assisi. Từ ngày trở lại, gặp Chúa Kitô ở nhà thờ thánh Đa-mi-a-nô cho tới ngày từ trần ở Poóc-ti-un-cu-la (1226), thánh nhân -con người được mệnh danh là Người Nghèo thành Assisi- cùng với các anh em tu sĩ của mình sống nghèo khó, rảo khắp nơi loan báo tình yêu của Thiên Chúa. Người cũng đặt nền tảng cho ngành nữ đan sĩ của Dòng và huynh đoàn giáo dân hãm mình. Người còn tha thiết với việc giảng thuyết cho những người chưa tin. Suốt đời, thánh nhân không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm theo Đức Giêsu trong tinh thần vui tươi, đơn sơ, tha thiết phục vụ Hội Thánh và dịu dàng yêu thương mọi người.

 

Lời Chúa: Lc 10, 13-16

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi. "

Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục. "Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Ðấng đã sai Thầy".

 

SUY NIỆM 1: Khốn cho ngươi

Suy niệm :

Tin Mừng hôm nay kể lại một kinh nghiệm không vui của Đức Giêsu,

Kinh nghiệm của một người tận tụy với công việc tông đồ

nhưng sau thời gian dài chờ đợi, kết quả lại không như ý.

Đức Giêsu là người vùng Galilê, hẳn Ngài yêu vùng đất này.

Ngài thường lui tới những thành phố quanh Hồ Galilê.

Khoradin, Bếtsaiđa, Caphácnaum nằm trong số đó.

Ngài đã rao giảng nhiều về sám hối (7, 36-50; 13, 1-5; 19, 1-10),

và Ngài cũng làm bao phép lạ kèm theo để gọi mời hoán cải.

Có thể nhiều người bị đánh động khi nghe lời Ngài giảng

và bị thu hút bởi các phép lạ Ngài làm.

Nhưng đối với Đức Giêsu, như thế vẫn chưa đủ.

Tất cả vẫn chỉ là hời hợt của cảm xúc bên ngoài.

Điều Ngài đòi hỏi là biến đổi tận căn bên trong cuộc sống.

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtsaiđa!

Đức Giêsu đau đớn thốt lên như thế khi phải so sánh hai thành phố trên

với hai thành phố dân ngoại tội lỗi là Tia và Xiđôn (Is 23; Ed 26-28).

Hai thành phố ở Galilê chẳng đổi gì mấy dù đã biết Ngài từ lâu.

Dân ở đây sẽ bị xét xử nghiêm khắc hơn trong cuộc phán xét.

Thành phố Caphácnaum cũng chẳng khá hơn,

dù đây là nơi Đức Giêsu hay lui tới để phục vụ (Lc 4, 23. 31-37 ; 7,10).

Ngài đặt thẳng câu hỏi với thành phố này về tương lai của nó (c. 15).

Đừng mong được nâng đến tận trời, nhưng sẽ bị xuống tận âm phủ!

Đức Giêsu có kinh nghiệm về thất bại trong việc tông đồ.

Ngài cũng nhắc các môn đệ về chuyện đó (Lc 10, 10-12).

Không được tiếp đón, bị từ khước, không được người ta nghe (c.16),

thậm chí có khi bị bách hại, bị vu khống, bị giết chết.

Đó là những điều người môn đệ tín trung vẫn thường gặp,

vì Thầy của họ đã trải qua và vượt qua.

Trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giêsu nói chuyện với các thành phố,

những nơi thân quen, đã mang dấu chân Ngài.

Ngài lấy làm tiếc vì những gì Ngài làm chưa thấm vào bề sâu,

chưa tạo ra được những thay đổi nơi lòng thành phố.

Một sám hối thật sự không phải chỉ là một sám hối cá nhân,

nhưng là sám hối nơi sinh hoạt của cả một thành phố.

Nếu hôm nay Ngài đến với thành phố của chúng ta Ngài sẽ nói gì?

Ngài có chỗ không ở mọi nơi người Kitô hữu đang sống,

đang làm việc, đang học hành, đang vui chơi, đang cầu nguyện?

Sám hối là trả lại chỗ cho Ngài trong mỗi góc phố vắng,

là giữ cho thành phố xanh-sạch-đẹp theo nghĩa thiêng liêng nhất.

Ước gì chúng ta biết xây dựng quanh ta

những khoảng không gian tràn ngập sự hiện diện của Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

việc tông đồ của con phải là việc tông đồ diễn tả lòng tốt.

để khi thấy con, người ta phải nói:

“vì anh này tốt quá, nên đạo của anh phải là đạo tốt.”

Và nếu có ai hỏi con

tại sao con lại hiền lành và tốt như thế,

con sẽ trả lời

vì con là tôi tớ của một đấng tốt hơn con nhiều.

“Mong sao bạn biết được Chủ Giêsu của tôi tốt biết bao!”

Con muốn sống thật tốt, để người ta có thể nói:

“nếu tôi tớ mà tốt như vậy,

thì Chủ sẽ tốt đến ngần nào ?” (Chân phước Charles Foucauld).

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy Niệm 2: Suy niệm loan báo Tin Mừng

(Trích 31 bài giảng của Uỷ ban loan báo Tin Mừng trong tháng truyền giáo ngoại thường 10/2019)

Để hiểu sâu hơn về sứ mạng mà mọi Kitô hữu được kêu gọi thực hiện, sẽ hữu ích nếu bắt đầu từ những lời của Đức Giêsu trong Lc 10:13-16, rồi quay sang lời cầu nguyện của Br 1:15-22, nhờ đó làm sáng tỏ về lịch sử Ítraen của Thiên Chúa, là dân được hợp thành bởi những người gốc Ítraen lịch sử, và những người được kết hợp với Ítraen của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Kitô và phép rửa.

Bài diễn từ Đức Giêsu dùng để sai các môn đệ đi truyền giáo được tiếp nối bằng một lời cảnh cáo nghiêm khắc dành cho hai làng Khoradim và Caphácnaum ở miền Galilê (x. Lc 10:13-15). Hai làng thuộc đất Palestin này đã từng chứng kiến những phép lạ Đức Giêsu đã làm khi rao giảng về Nước Thiên Chúa (x. Mt 11:21). Tại Caphácnaum, Đức Giêsu đã có những bước đầu tiên loan báo sứ điệp của Người (x. Lc 4:23) và đã cho thấy quyền năng của Nước Thiên Chúa (x. Lc 4:31-41), và chính tại nơi ấy Người đã đón nhận đức tin của viên đại đội trưởng người Rôma (x. Lc 7:1-10). Ông Philípphê, một trong số 12 tông đồ, là người xuất thân từ Bétsaiđa (x. Ga 1:44; 12:21). Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đức Giêsu đối với hai làng Palestin nơi Người đã làm các phép lạ nhưng đã gặp phải sự thiếu lòng tin của dân làng, không phải là một lời kết án chung cuộc, không thể đảo ngược. Vào cuối bài diễn từ sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu tái khẳng định tầm quan trọng của sứ mạng phúc âm hóa: phúc âm hóa và được phúc âm hóa bao gồm những trách nhiệm không thể tránh được trước sự phán xét của Thiên Chúa, một sự phán xét không phải là một án phạt dứt điểm không thể kháng án, nhưng vạch ra điểm tham chiếu cuối cùng vào thời sau hết (x. Lc 10:14-15). Cho tới lúc ấy, cánh cửa sám hối và hoán cải luôn luôn mở rộng, nhờ các đường lối mầu nhiệm của sự quan phòng và lòng từ ái của Thiên Chúa. Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những ai Người sai đi rao giảng, và cảnh cáo rằng từ chối họ có nghĩa là từ chối chính Thiên Chúa, bất kể lý do hay niềm tin tôn giáo nào có thể dẫn tới sự từ chối ấy (x. Lc 10:16).

Bi kịch của Ítraen thời Kinh Thánh theo sau cuộc lưu đày tại Babylon là bối cảnh để ta hiểu lời cầu nguyện dài được cho là của ngôn sứ Barúc (x. Br 1:15; 3:8) trong cuốn sách mang tên ông. Kinh nguyện của Barúc mở đầu bằng lời nhận xét rằng mọi điều mà ngôn sứ Giêrêmia từng loan báo về những tù nhân trong cuộc lưu đày Babylon lần thứ nhất (x. Gr 29:4-23) đều đã ứng nghiệm, và đây là lúc để cầu xin cho các nhà cầm quyền Babylon được sống lâu, để dân Ítraen không phải chịu thêm những hình phạt nghiêm khắc hơn (x. Br 1:11-12), như chính Giêrêmia cũng đã khuyên nhủ vào lúc ấy (x. Gr 29:5-7). Điều căn bản ở đây là ý thức rằng lịch sử của tội lỗi bao trùm mọi thế hệ của Ítraen thời Kinh Thánh, kể từ cuộc giải phóng khỏi đất Ai Cập (x. Br 1:15-22). Sự cứng đầu của dân Ítraen không muốn nghe tiếng nói của Thiên Chúa đã dẫn đến thảm họa cho Ítraen là cuộc lưu đày ở Babylon và sự im lặng của Thiên Chúa, hay việc họ không có khả năng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Ở tâm điểm của việc suy xét lại không phải là lịch sử và thân phận của Ítraen, mà là Thiên Chúa. Và đây là sự sám hối thực sự, hành trình hoán cải thực sự.

Những gì xảy ra trong lịch sử không thể được coi như là sự vắng bóng Thiên Chúa; mặc dù nó cũng có thể là do sự kiêu ngạo, độc ác và tàn bạo của nền chính trị quốc tế, nhưng cơ bản phải hiểu nó như là biểu hiện sự “công chính” của Thiên Chúa (Br 1:15) và ước muốn của Người kêu gọi Ítraen trở về với tâm điểm ơn gọi của họ. Khám phá ra sự công chính của Thiên Chúa là một ơn huệ của chính Chúa, vì không thể lẫn lộn nó với mặc cảm tội lỗi hay với sự cam chịu của con người khi phải đối phó với cuộc đời; nó cũng đối nghịch với sự nổi loạn và dứt khoát xa rời Thiên Chúa. Kinh nguyện (của Barúc) bắt đầu với hiện tại và đi đến những khởi đầu của Ítraen thời Kinh Thánh (x. Br 1:15-16); các thảm họa và chấn động của cuộc lưu đày bao gồm toàn thể lịch sử của Ítraen, được giải thích trước hết trong ánh sáng của tội lỗi chống lại Thiên Chúa và lời của Người (x. Br 1:17-18). “Phạm tội trước mắt Chúa” là đánh mất mối quan hệ với Người. Nó là một bi kịch về cơ cấu, xảy ra một cách cụ thể, có ý thức, nhưng cũng một cách cẩu thả, bằng việc “không vâng lời” Chúa mỗi ngày, “không nghe tiếng của Người”, là tiếng nói cũng được nghe thấy trong các “giới luật” của Người. Ítraen thời Kinh Thánh không thể tự tạo ra một con đường cho chính mình để có thể có mối quan hệ với Thiên Chúa. Các lời của ngôn sứ Barúc gợi ý rằng thảm họa được trải nghiệm trong lịch sử của tội lỗi và lưu đày, dưới cái nhìn của dân ngoại, thậm chí đã gây phương hại đến tính khả tín của các vua chúa, các nhà cai trị, và các ngôn sứ của dân Ítraen (x. Br 1:16). Lịch sử này của tội lỗi và hình phạt không phải là lời nói cuối cùng; lời dạy của Môsê đã từng nhìn thấy trước rằng, với việc đón nhận tiếng gọi hoán cải, Ítraen của thời Kinh Thánh sẽ được Thiên Chúa qui tụ lại (x. Đnl 30:1-4).

Câu truyện của Ítraen thời Kinh Thánh lại trở thành Ítraen của Thiên Chúa cũng là câu truyện của Hội Thánh, mà nhờ đức tin vào Đức Kitô, Hội Thánh trở thành một phần của Ítraen của Thiên Chúa. Cũng như lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đức Giêsu cho các thành phố xứ Galilê không phải là một phán quyết bỏ rơi chung cuộc, thì cũng thế, cuộc lưu đày của Ítraen thời Kinh Thánh không đánh dấu sự kết thúc của câu truyện. Hành trình hoán cải, vốn phải là sự nhìn nhận tội lỗi của cá nhân và của cơ cấu, chắc chắn luôn luôn là một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng nó có nguy cơ bị phung phí do sự tự khẳng định mình vội vã, hay trong một sự khôi phục hình thức và hời hợt các cử chỉ, nghi lễ, công thức và các câu nói không bao giờ có được sức mạnh của một sứ mạng phúc âm hóa.

 

Suy Niệm 3: Nguy cơ của những tiện nghi vật chất

Có một hiện tượng chung tại các nước đang phát triển, đó là người dân nghèo từ thôn quê đổ xô ra thành thị. Tại đô thị dễ tìm được công ăn việc làm, đời sống nhiều tiện nghi, thú tiêu khiển cũng nhiều hơn. Nhưng hiện tượng đô thị hóa nào cũng có mặt trái của nó: người dân đưa nếp sống thôn dã lên thành thị, giao thông tắc nghẽn, việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, trật tự công cộng không được tôn trọng, và trầm trọng hơn vẫn là đời sống luân lý đạo đức xuống cấp, nạn phạm pháp gia tăng.

Thời Cựu Ước, các Tiên tri đã không ngừng lên tiếng cảnh cáo dân chúng về cuộc sống đồi bại tại các đô thị. Chúc dữ các đô thị vốn là một đề tài quen thuộc trong lời rao giảng của các Tiên tri. Dường như có hai lý do khiến các Tiên tri lên án các đô thị: Một đàng các Tiên tri muốn nhắc nhở dân chúng về cuộc sống du mục trong sa mạc, tại đó họ đã nghe được tiếng Chúa và đã kết ước với Ngài, cuộc sống càng đơn giản, con người càng dễ kết thân với Chúa; nhưng đàng khác, nhận thấy cuộc sống đồi bại của các thành phố ngoại giáo trong vùng, các tiên tri muốn cảnh cáo dân chúng về mối nguy cơ có thể chạy theo một cuộc sống như thế. Sự đồi bại nguy hiểm nhất mà các Tiên tri không ngừng lên án một cách gắt gao, đó là việc tôn thờ ngẫu tượng và nếp sống vô luân của thị dân, điển hình nhất là của các đô thị sa đọa là Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn.

Trong Tin Mừng hôm nay, theo truyền thống các tiên tri Cựu Ước, Chúa Giêsu cũng nêu đích danh ba thành phố có nếp sống sa đọa nằm dọc theo bờ hồ, đó là Cozazin, Betsaiđa và Capharnaum. Những tiện nghi vật chất khiến con người dễ trở thành câm điếc trước Lời Chúa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình, do đó, cô đơn vốn là điều con người sợ nhất, thành ra đi vào quan hệ với người khác là một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người. Cuộc sống đô thị với nếp sống ồn ào náo nhiệt của nó dễ tạo cho con người cái cảm tưởng rằng ở đó họ dễ đi vào quan hệ với người đồng loại.

Tuy nhiên, như thực tế cho thấy, cuộc sống càng xô bồ, con người càng dễ rơi vào cô đơn. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể mang lại bí quyết cho sự thông hiệp đích thực của con người, nghĩa là giúp cho con người ra khỏi nỗi cô đơn của mình; bí quyết đó chính là Lời của Ngài. Thật thế, khi con người sống kết hiệp với Chúa, thì dù có sống một mình, nó cũng sẽ không cảm thấy cô đơn; lại nữa, khi sống kết hiệp với Chúa, con người sẽ cảm thấy được thúc đẩy để đến với anh em của mình. Con người không thể kết hiệp với Chúa mà có thể khước từ người anh em của mình, và ngược lại, bất cứ một quan hệ chân thành nào với người anh em, cũng luôn gia tăng sự kết hiệp con người với Thiên Chúa.

Dù muốn hay không, những thay đổi trong cuộc sống do kinh tế thị trường mang lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống đức tin của người Kitô hữu. Thật ra, cuộc sống đức tin không phải là một sinh hoạt phụ trong cuộc sống chúng ta; đức tin phải là chiều kích bao trùm toàn bộ cuộc sống của chúng ta: chúng ta là Kitô hữu trong mọi nơi, mọi lúc, mọi sinh hoạt, mọi hoàn cảnh. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đề cao cảnh giác trước nguy cơ có thể tách biệt niềm tin với những sinh hoạt hàng ngày và dần dà đẩy niềm tin ra bên lề cuộc sống. Niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là Thánh Lễ Chúa Nhật, một vài sinh hoạt trong khuôn viên giáo đường, một số kinh kệ trong gia đình, chứ không ăn nhập gì đến cuộc sống mỗi ngày; niềm tin ấy có lẽ chỉ còn là một món đồ trang điểm cho cuộc sống và cần thiết cho một số dịp nào đó trong năm, chứ không liên hệ gì đến đòi hỏi công bằng bác ái, liên đới mà chúng ta phải thực thi hằng ngày.

Nguyện cho Lời Chúa luôn là động lực thúc đẩy và hướng dẫn chúng ta trong mọi sinh hoạt và quan hệ hằng ngày của chúng ta, để trong khi mưu cầu cho cuộc sống, chúng ta luôn tìm gặp Chúa trong tha nhân và trong mọi biến cố.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Nghe hay khước từ

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy, mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.” (Lc. 10, 16)

Hôm qua Đức Giêsu đã ban một số huấn lệnh cho các môn đệ đi truyền giáo. Trường hợp gặp thất bại, hãy đến nơi khác. Đức tin không cưỡng bức ai. Đàng khác, dù muốn hay không, nước Thiên Chúa vẫn đến! Người ta có thể khước từ nhưng sẽ có ngày họ sẽ gia nhập, vì đó là thành ý Thiên Chúa. Chính Ngài định đoạt ngày giờ, chứ không phải người ta. Ước mong họ sẽ tin cậy vào Ngài. Họ nghe lời Chúa không tùy thuộc vào tài khéo léo thuyết phục của loài người.

Chính Đức Kitô, là Con Thiên Chúa, cũng không thành công khi thuyết phục mọi người tin vào sứ điệp chân chính và cần thiết của Người. Bản tính nhân loại của Người như đã che lấp mọi may mắn làm cho người ta tin Người. Ba thành Kho-ra-zim, Bét-sai-đa và Ca-pha-na-um Người kể tên ra đây, là những vùng hoạt động của Người, được đặc biệt hưởng những ân huệ lời Người và tận tình cứu giúp của Người. Họ sẽ giầu có, phong phú biết bao về tinh thần, nếu họ lắng nghe và sống theo lời Người. Nhưng khốn thay! Họ đã cùng túng và thảm bại vì đã từ chối lời Người kêu gọi. Nếu các thành dân ngoại khác như Sô-đô-ma, Ti-a và Si-đôn đã được may mắn gặp gỡ Đức Kitô thì họ đã mặc áo nhặm ngồi trên tro tàn tỏ lòng ăn năn sám hối lâu rồi.

Chúa không chúc dữ đâu! Người chỉ than phiền về sự đui mù và vô ơn của mọi người, như Người khóc thương thành Giê-ru-sa-lem đã ruồng bỏ Người. Khi nghe những lời đau khổ của Đức Giêsu như thế, người ta không khỏi nghĩ đến những nước, những tỉnh thành, làng xã trong quá khứ đã nhận được dồi dào ơn lành và ánh sáng của Đức Kitô, nay họ đã ruồng bỏ Người, trong ngày phán xét, chúng ta sống hối hận chừng nào!

Hôm nay nghe các ngôn sứ của Đức Kitô, chính là nghe chính Đức Kitô. Nếu khước từ các Ngài là khước từ chính Người. Để lời khiển trách của Đức Giêsu xưa đem lại phúc lợi cho chúng ta, mỗi người và tất cả chúng ta hãy vui vẻ đón nhận lời Người để nghiêm chỉnh, thẳng thắn hồi tâm trở về với Đức Kitô. Đừng để lời cảnh giác của Người như tiếng vang ngoài tai rồi biến tan theo mây khói, thật khốn cho chúng ta!

GF

 

SUY NIỆM 5: SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC ĐÓN NHẬN TIN MỪNG (Lc 10, 13-16)

Càng văn minh, tiến bộ, thì càng làm cho người ta được sung túc. Chuyện này là lẽ thường tình, và sống trong một xã hội thì sự phát triển của nó là điều mà ai cũng mong muốn! Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là ở chỗ: nó dễ làm cho tâm thức của con người rơi vào tình trạng bình thường hóa, tương đối hóa mọi chuyện, nhất là vấn đề giảm thiêng trong đời sống đạo đức. Vì thế, con người dễ bị sa vào những vòng vây của tội lỗi và tệ nạn... khiến nền tảng luân lý bị đe dọa và cuộc sống trác táng là điều dễ dàng xảy đến!

Hình ảnh sa đọa này thật rõ nét nơi các thành như: Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Sidon... Sang đến thời Đức Giêsu, diễn biến này cũng không thiếu, cụ thể là các thành: Bethsaida, Corozain, Caphanaum... Họ đã chối bỏ sự hiện diện của Thiên Chúa, chối bỏ những chứng từ đức tin và tôn thờ ngẫu tượng. Trai lỳ trong tội và đi tìm sự thỏa mãn xác thịt để bù lấp khoảng trống trong tâm hồn.

Nhưng tiếc thay, họ càng đi tìm thì lại càng mất. Bởi vì họ đã không gặp được Thiên Chúa ở trong chốn ăn chơi, xa đọa, mà chỉ gặp toàn những đối tượng, phương tiện làm cho mình xa Chúa và băng hoại đời sống đạo đức mà thôi.

Sự lãnh đạm, chai lỳ của dân các thành Bethsaida, Corozain, Caphanaum, cũng chính là sự chai lỳ và lãnh đạm của dân Chúa ngày nay là chúng ta! Hẳn mỗi người chúng ta đều thấy tình thương của Thiên Chúa trong thế giới và nơi cuộc sống, thế mà chúng ta đã không trở về với phẩm giá đích thực của mình là con cái Chúa, con cái Sự Sáng, nhưng vẫn sống thờ ơ, lãnh đạm và vui hưởng những thú vui tội lỗi...

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy bám vào Thiên Chúa như là cứu cánh của mình. Chỉ có Thiên Chúa và trong Ngài, chúng ta mới tìm được niềm vui và hạnh phúc đích thực. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không chỉ rơi vào sa đoạ mà còn cắt đứt mối tương quan với tha nhân.

Thật vậy, chỉ có lắng nghe Lời Chúa và thực hành, thì chúng ta mới trở nên người hoàn thiện, và xã hội, gia đình mới trở nên tốt mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và hân hoan thi hành, để Lời Chúa hướng dẫn chúng con biết làm điều thiện, tránh điều dữ. Có thế, Giáo Hội, xã hội và gia đình mới trở nên lành mạnh và chúng con mới có hy vọng được cứu độ. Amen.

Ngọc Biển SSP

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây