Thứ Tư 17/08/2022 – Thứ Tư tuần 20 thường niên. – Lòng nhân lành của Chúa.

Thứ ba - 16/08/2022 05:43

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông.

"Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

"Đến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta".

"Đến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết". Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Đang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?" Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"

"Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

 

Suy Niệm 1: Vì tôi tốt bụng

(Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giê-su,

ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:

“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.

Họ sẽ được xét xử các chi tộc Ít raen, được gấp trăm về mọi sự,

và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).

Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,

một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.

Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.

Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,

nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.

Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,

thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.

Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.

Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.

Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ong chủ độ lượng”.

Trong thế giới thời Đức Gíê-su, người ta mướn thợ buổi sáng

và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).

Lương công nhật là một quan tiền (denarius),

tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.

Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.

Ong chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.

Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)

lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.

Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,

còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).

Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.

Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường

với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.

Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)

cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.

Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,

“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).

Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.

Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ

để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.

Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.

Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả

khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.

Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.

Bất công nằm ở chỗ làm nhiều. làm ít, nhận lương như nhau.

Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,

vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.

Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,

những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.

“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).

Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh:

đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.

Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,

người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.

“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn

với tài sản của tôi sao?” (c. 15).

Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.

Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.

Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).

“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).

Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,

ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.

Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,

đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.

Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.

Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.

Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.

Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.

Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban

hơn là một sự trả công hay phần thưởng.

Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.

Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.

Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.

Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.

Ông chủ vườn nho thương cả những người

đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.

Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?

Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?

Chắc chẳng được bao nhiêu.

Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.

Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,

“những người không được ai mướn” (c.7),

những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,

những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.

chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.

Những người này khác với những người làm từ sáng,

biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.

Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hỹ.

Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.

Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,

kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…

Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên

vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,

quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.

Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người

mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.

Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.

Người còn thấy cả thời gian chờ.

Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.

Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,

Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,

vì lòng tốt của Ngi không sao hiểu được.

Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.

Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.

Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.

Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con Thiên Chúa,

Chúa đã làm người như chúng con,

Nên Chúa hiểu gánh nặng của phận người.

Cuộc đời đầy cạm bẫy mời mọc

Mà con người lại yếu đuối mong manh.

Hạnh phúc thường được trộn bằng nước mắt,

Và giữa ánh sáng,

Cũng có những bóng mờ đe dọa.

Lạy Chúa Giêsu,

Nếu có lúc con mệt mỏi và xao xuyến,

Xin nhắc con nhớ rằng trong Vườn Dầu

Chúa đã buồn muốn chết được.

Nếu có lúc con thấy bóng tối bủa vây,

Xin nhắc con nhớ rằng trên thập giá

Chúa đã thốt lên: Sao Cha bỏ con?

Xin nâng đỡ con, để con đừng bỏ cuộc.

Xin đồng hành với con, để con không cô đơn.

Xin cho con yêu đời luôn

Dù đời chẳng luôn đáng yêu.

Xin cho con can đảm

Đối diện với những thách đố

Vì biết rằng cuối cùng

Chiến thắng thuộc về người

Có niềm hy vọng lớn hơn. Amen

 

Suy Niệm 2: Ông chủ tốt bụng

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Con người thường dùng quyền lực để áp bức. Vì quyền lực A-vi-me-lec không ngần ngại giết 70 người anh em trong gia đình. Vì lợi, người dân Si-khem không ngần ngại chọn A-vi-me-lec chỉ với lý do đây là người thân (năm lẻ). Nhưng rồi quyền lợi sẽ mâu thuẫn nhau. Người ham quyền ham lợi sẽ bóc lột dân như lời E-dê-kien: “Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các ngươi lại không lo chăn dắt đàn chiên… Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc” (năm chẵn). Giống như Gio-tham mô tả trong ngụ ngôn chống lại A-vi-me-lec: “Bụi gai trả lời cây cối: Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Li-băng”(năm lẻ).

Chỉ có Chúa là ông chủ tốt bụng, không đến để khai thác sức lao động của công nhân, nhưng chăm lo cho đời sống của từng người.

Thiên Chúa là ông chủ tốt bụng quan tâm tới từng người, đặc biệt là người bị bỏ rơi. Người thợ không có ai thuê là người kém may mắn trong xã hội. Bị xã hội gạt ra ngoài lề. Chỉ có Thiên Chúa mới quan tâm, mời họ vào làm vườn nho cho Chúa.

Thiên Chúa là ông chủ tốt bụng, không chỉ có công bình mà còn có tình thương. Công bình tuyệt đối chỉ có trong hỏa ngục. Xã hội không tình thương không thể sống được. Xã hội là một toàn thể, là một gia đình Thiên Chúa. Trong một toàn thể, cần phải có sự hài hòa trong tổng thể. Ta liên đới với người khác. Ta không thể hạnh phúc một mình. Người đau khổ là lời chất vấn lương tâm trách nhiệm của ta. Thiên Chúa dậy ta hãy quan tâm tới anh em bé nhỏ khi trả cho người thợ chỉ làm 1 giờ số lương đủ sống cho cả gia đình.

Thiên Chúa là ông chủ tốt bụng, không nhìn con người theo hiệu năng công việc nhưng nhìn theo tình người. Xã hội hôm nay nhìn con người theo hiệu năng. Nên những người già cả, ốm yếu bị loại trừ. Trong mắt Thiên Chúa, con người không những là nhân vị đáng kính trọng mà còn là những người con đáng yêu mến. Theo nhãn quan thiêng liêng, những người bất hạnh, đau khổ là nguồn ơn phúc cho chúng ta vì những đau khổ của họ thông phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu.

Xin cho chúng ta biết chọn ông chủ tốt bụng để chúng ta được quan tâm khi đau yếu, tha thứ khi lỗi phạm và luôn được chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta bằng tình yêu thương vượt tất cả mọi tình yêu thương.

 

Suy Niệm 3: Lòng Quảng Ðại Của Thiên Chúa

Dụ ngôn Chúa Giêsu dùng để trình bày giáo lý của Ngài cho dân chúng được các nhà chú giải xếp thành hai loại: tỷ dụ và dụ ngôn. Loại tỷ dụ là thể văn mà toàn bộ những chi tiết đều mang ý nghĩa nòng cốt, còn các chi tiết phụ chỉ làm cho câu truyện thêm thú vị và khiến người đọc quan tâm chú ý đến ý chính mà thôi.

Câu truyện về những người thợ vào làm vườn nho của chủ là một dụ ngôn. Chủ đề chính của dụ ngôn là mối liên hệ của con người với Thiên Chúa trên bình diện ân sủng.

Trong lúc các Rabbi Do thái thường tính toán phần thưởng Thiên Chúa ban cho mọi việc lành, thì cách tính toán sòng phẳng theo công bình giao hoán này hoàn toàn bị dụ ngôn làm đảo lộn, vì nếu chúng ta tính với Chúa, Ngài sẽ tính với chúng ta, và chắc chắn số tội của chúng ta sẽ nhiều hơn công phúc và chúng ta sẽ là kẻ thiệt thòi.

Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn để cảnh cáo người Do thái không nên so đo, phân bì với người tội lỗi hay người ngoại giáo được ơn Chúa trở lại và thừa hưởng Nước Trời, bởi vì Nước Trời là phần thưởng nhưng không do lòng quảng đại của Chúa, chứ không do lòng đạo đức hay công nghiệp của con người. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho những kẻ phàn nàn kêu trách nêu bật lòng quảng đại của Thiên Chúa: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi một quan sao; cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn, tôi không có quyền được tùy ý sử dụng của cải tôi sao?". Thiên Chúa đối xử tốt với mọi người, Ngài ban ơn cho mọi người chỉ vì lòng thương của Ngài mà thôi. Còn con người thì dễ bị cám dỗ, ghen tỵ, hẹp hòi, muốn giới hạn hành động yêu thương của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy xét xem mình đã có thái độ nào đối với người khác, nhất là khi thấy họ được sự lành? Xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tính ghen tỵ và cho chúng ta sống quảng đại với mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Giá Trị Và Nhân Phẩm Con Người

Qua câu chuyện ngụ ngôn về người chủ vườn và các công nhân làm vườn nho, Chúa Giêsu đã diễn tả lòng quảng đại và lòng bác ái vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài đã dùng một thực tại rất gần gũi với đời sống xã hội của người Do Thái đương thời là vào thời ấy các công nhân thường hay đứng đợi ở những nơi công cộng như chợ búa chẳng hạn, để chờ các chủ nhân đến mướn làm việc. Thường là những công việc làm ngắn hạn, có khi chỉ là một ngày công mà thôi cho nên nếu ngày nào mà có những công nhân đó không có việc làm có nghĩa là ngày ấy thiếu những bát cơm nóng trên bàn ăn của gia đình.

Trong chuyện ngụ ngôn hôm nay, người chủ nhân đã gọi các công nhân làm việc vào giờ cuối cùng nhưng đã rộng lượng trả tiền thù lao cho họ ngang bằng với tiền trả cho những người làm việc cả ngày. Qua lối nói ẩn dụ này Chúa Giêsu cho thấy lòng nhân ái của Chúa Cha đối với nhân loại, nhất là đối với những kẻ tội lỗi, những người bị áp bức và bị đẩy ra bên lề của xã hội phong kiến thời ấy. Có những người thất nghiệp không phải vì họ lười biếng không chịu làm việc mà vì hệ thống kinh tế thời đó không tạo ra công ăn việc làm cho người dân. Người chủ nhân mướn và trả công thật hậu cho những người làm việc vào giờ chót, cho thấy tấm lòng quảng đại bao la của ông, vì nếu ông chỉ trả lương đúng theo số giờ họ đã làm việc thì chắc chắn là gia đình của những người này sẽ thiếu ăn trong ngày hôm đó.

Thiên Chúa chính là vị chủ nhân tốt lành và quảng đại với tất cả tạo vật của Ngài. Ngài luôn quan tâm và thương xót nhân loại, nhất là đối với những người đau khổ về mặt vật chất lẫn tinh thần như lời Ngài nói: "Tất cả những ai mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng". Như thế, người chủ nhân đã rộng lòng trả tiền lương cho tất cả các công nhân ngang bằng nhau, không kể họ làm việc vào giờ nào, điều đó không phải là sự bất công. Người chủ vườn là Thiên Chúa luôn công bằng với các tạo vật của Ngài, ai làm việc nhiều giờ hay ít giờ đối với Ngài không là việc thiết yếu; điều quan trọng là ý định và thái độ làm việc của các công nhân.

Thiên Chúa yêu mến những ai phục vụ Ngài bằng với tinh thần yêu thương và hân hoan chứ không làm việc vì muốn được hưởng công hậu hay vì mục đích tham vọng cá nhân. Sự làm việc có một giá trị thiêng liêng đối với con người vì qua sự làm việc, con người làm vinh danh Thiên Chúa và cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu độ của Ngài. Qua công việc làm, con người trở nên hữu ích và góp phần vào công việc xây dựng và làm thăng tiến xã hội, và cũng qua đó tìm thấy giá trị và nhân phẩm của mình.

Qua chuyện ngụ ngôn hôm nay những công nhân được mướn làm giờ đầu tiên ám chỉ đến dân tộc Israel, là dân tộc đã được Thiên Chúa chọn làm dân riêng và được Ngài mạc khải chương trình cứu độ, nhưng dân Do Thái đã từ khước Thiên Chúa lại còn giết hại Con Một do Ngài sai tới để cứu chuộc thế gian. Nhưng tình yêu thương được thể hiện qua công trình cứu độ của Thiên Chúa không giới hạn trong quốc gia Do Thái mà còn mở rộng đến mọi dân tộc trên thế gian.

Các công nhân được gọi làm việc trong vườn nho vào giờ cuối cùng là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả các dân ngoại đã từng hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa như Ngài đã ban ơn cho dân Do Thái.

Lạy Chúa,

Xin dạy cho chúng con biết phục vụ Chúa và những anh chị em khác với lòng quảng đại và niềm hân hoan. Xin cho chúng con biết dâng hiến nhiều hơn là cầu xin cho sự ích lợi của riêng mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 5: Sống Hằng Ngày Với Ý Hướng Đời Đời

“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.

Chiều đến ông bảo người quản lý: Anh gọi thợ lại và trả công cho họ, bắt đầu từ người vào làm sau chót tới người làm trước nhất.”

Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”

Thế là những kẻ đứng sau chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. [Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.] (Mt. 20, 1.8.11.12.16)

Người ta cho rằng: “Sự giải thích thực tế của cổ truyền không được nhất trí về chủ đề của dụ ngôn này” Xin cho phép tôi diễn tả ý tưởng của riêng tôi như sau.

Tình yêu đối với kẻ đứng chót.

Tình yêu Thiên Chúa đối với kẻ đứng chót là tình yêu vô cùng, vô cùng đối với tất cả và từng người. Mỗi người nhận được tình yêu vô cùng này tùy theo khả năng yêu mến của mình.

Tình yêu Thiên Chúa là ân huệ cho không, nhưng có tính cách như một nghĩa vụ, Thiên Chúa yêu ta nhưng không, như cha thương con của Ngài, chúng ta được quyền đó. Đức Kitô không chết để tô điểm cho tình yêu thêm bóng bẩy, Người chết vì vâng lời Chúa Cha. Sự vâng phục của Đức Kitô cho chúng ta thêm khả năng yêu mến Thiên Chúa như chúng ta ước muốn. Cái chết của Đức Kitô nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa vô cùng, đời đời. Ngài là chủ nhà, là cha trong gia đình. Ngài ban tình yêu của Ngài cho từng đức con mộtc cách trọn tình. Chúng ta phải đáp lại tình yêu của Ngài, phải làm sống lại tình yêu của Ngài.

Luôn luôn làm việc hết mình.

Đừng nghĩ rằng những giờ trong ngày làm việc là những khoảng khắc thời gian đồng hồ! Tôi xin gợi ý rằng cần phải biết giá trị thời gian này là kỳ hạn của đời người, của những thái độ chúng ta trước dung nhan Thiên Chúa. Sáng sớm chủ đi, mướn tất cả thợ mà ông gặp, nhưng đến giờ chót vẫn còn một số thợ.

Phần đông chúng ta cũng là số thợ được tình yêu vô cùng của Chúa vào giờ chót. Vì thế chúng ta phải có ý thức hăng hái làm việc hết mình để đáp lại tình yêu vô bờ bến ấy. Những thợ giờ chót không phải là những kẻ chậm trễ, nhưng là những kẻ sống hằng ngày với ý hướng đời đời rồi.

Được Chúa tiếp nhận, được tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa đối với con người. Những người thợ này hiến thân hết lòng đối với tình yêu đã an ủi họ.

Hơn nữa, những kẻ trở về, đừng nghĩ chuộc lại thời gian đã mất, nhưng hãy kính mến Chúa hết lòng vì Người đã mong chờ mình mọi ngày như người cha chờ mong đứa con phung phá trở về.

J.M

 

Suy Niệm 6: Hãy đi và làm vướn nho cho Chúa

Xem lại CN 25 TN A.

“Hãy đi và làm vườn nho cho Chúa”. Đây là lời mời gọi của Đức Giêsu cho mỗi người chúng ta.

Vườn nho được hiểu là Giáo Hội. Người mời gọi là chính Thiên Chúa. Đi làm vườn nho được hiểu là công tác truyền giáo. Việc Thiên Chúa trả lương cách hậu hĩnh và công bằng muốn diễn tả Người là Đấng Giàu Lòng Thương Xót.

Vì thế, lời mời gọi đi làm vườn nho không có nghĩa là một bản hợp đồng lao động, và việc nhận lương không căn cứ vào thời gian hay công việc. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.

Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội. Thật vậy, Đức Giêsu muốn nói đến tính phổ quát của của ơn cứu độ, vì Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Dothái, cho người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Đồng thời Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Người.

Như vậy, ta có thể hiểu rằng: mỗi người, Chúa đều trao cho những nén bạc và tùy  khả năng để sinh lời. Phần thưởng dựa vào tiêu chuẩn là người đó có thực sự cố gắng và chu toàn hay không mà thôi.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết, biết gắn bó với Giáo Hội và trung thành với bổn phận của mình. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Lòng quảng đại nhân lành

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa đối xử với mọi người bằng tình thương. Đó là đức công minh của Ngài. Thái độ kể công làm ta không thể nhận ra tình thương phổ quát của Chúa đối với mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tiêu chuẩn của người đời chúng con là “ăn cho đều, kêu cho sòng”, nên con hiểu và thông cảm thái độ khó chịu, cằn nhằn, của anh thợ làm việc vất vả suốt ngày.

Đôi khi con cũng hay phân bì cả với Chúa nữa. Có người suốt đời sống xa Chúa, thế mà trước giờ chết ăn năn trở lại, thì được Chúa đón về thiên đàng. Con phân bì vì nghĩ rằng mình bị thiệt thòi, nghĩ rằng mình đã vất vả giữ đạo từ bé cũng chẳng hơn gì.

Lạy Chúa, con đã muốn Chúa cư xử với mọi người một cách sòng phẳng, nhưng Chúa không muốn cư xử như vậy. Chúa không muốn con nghĩ về Chúa như vậy. Chúa không phải là ông chủ tính sổ trên sức lao động của người khác, Chúa cũng không nhìn chúng con như một người lao công. Chúa đã cư xử với mọi người chúng con bằng tình thương, bằng tấm lòng quảng đại. Tất cả đều là hồng ân, tất cả đều là tình thương, tất cả chỉ vì lợi ích cho chúng con. Chúa chỉ cần thiện chí của chúng con. Đó là tiêu chuẩn hành động của Chúa, đó là tấm lòng Chúa dành cho con. Bởi vì con làm việc từ sáng sớm, vất vả suốt ngày, cũng không xứng đáng lãnh nhận một đồng tiền công. Và nếu con chỉ được làm việc vào giờ cuối cùng, con cũng không được thất vọng, nhưng vẫn hy vọng vào lòng nhân hậu của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương nhân hậu của Chúa để cuộc sống của con tỏ hiện tình thương đối với mọi người. Xin giúp con sống với nhau đừng theo kiểu tính toán chi ly hơn thiệt, nhưng theo kiểu quảng đại của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng”.

 

Suy Niệm 8: Vườn nho của Chúa

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vườn nho là hình ảnh thân thương đối với dân Do Thái. Chủ đề vườn nho là một trong những chủ đề phong phú nhất của cả Cựu ước, thường được liên kết với chủ đề tình yêu và vườn nho trở nên biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (x. Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78,9-16).

Ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh vườn nho được chăm sóc để làm nổi bật Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc dân “tuyển chọn” rất ân cần chu đáo qua nhân vật chủ vườn nho: “Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho” (Is 5,2a). Người chủ quý vườn nho đến nỗi anh có thể làm tất cả cho sự trù phú của nho: “Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?” (Is 5,4). Với sự chăm sóc ân cần cho vườn nho - dân tuyển chọn của Thiên Chúa, người chủ vườn mong những cây nho thân yêu của mình sinh ra những trái nho ngon ngọt...

Suy niệm

Theo ý nghĩa của Kinh Thánh, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25:21-23).

Chúa Giêsu là ông chủ vườn nho, Ngài gọi mọi người đi làm vườn nho cho Ngài vào giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một. Người Do Thái khi xưa chia một ngày ra tám phần, bốn phần cho ban đêm gọi là canh, và bốn phần cho ban ngày gọi là giờ - giờ thứ nhất, giờ thứ ba, thứ sáu và thứ chín. Với thời gian hôm nay giờ thứ nhất bắt đầu vào rạng đông tức khoảng 6 giờ sáng, giờ thứ ba tương ứng với 9 giờ, giờ thứ sáu là 12 giờ trưa, giờ thứ chín tức 15 giờ và giờ thứ mười một tương đương lúc 17 giờ và ngày làm việc chấm dứt lúc giờ thứ mười hai tức là 18 giờ.

Giờ thứ mười hai là giờ chủ trả công cho mọi người một đồng, một đồng là một số lương với giá trị tối thiểu cho một gia đình sống qua ngày. Chờ đến giờ thứ mười một là những người rất khao khát và cần làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. Tất cả đều được trả công một đồng. Người làm sớm cằn nhằn, lẩm bẩm vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng cũng được một đồng. Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “Họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (x. Xh 16,9; Tv l06,25). Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong Tân ước thường thấy nơi các kinh sư và biệt phái, họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm” (x. Mt 9,11; Mc 2,16).

Qua dụ ngôn “làm vườn nho”, Đức Giêsu mời chúng ta thay đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài còn là Thiên Chúa của tình yêu (x. 1Ga 4,16), Thiên Chúa của người trộm lành (x. Lc 23,41-43). Qua đó chứng thực sấm ngôn của Isaia: Tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người (x. Is 55,8-9). Cách cư xử của nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Ngài không trọng sang khinh hèn, nhưng yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Ngài không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người.

Phần chúng ta, theo Chúa không cần một sự thỏa thuận được thua hơn kém, theo Chúa là vào làm việc cho vườn nho của Ngài là tin tưởng vào sự công bình và quảng đại của chủ vườn nho. Tình thương của Thiên Chúa khiến chúng ta nhớ đến người trộm lành trên đồi Canvê là người được gọi làm vườn nho vào giờ thứ mười một của nước Thiên Chúa, anh chỉ tín thác “khi về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”, trong khi đó bạn anh lên tiếng trước “...” đòi hỏi thỏa thuận “nếu ... thì” (x. Lc 23,39-43).

Ước gì con sẽ “không lẩm bẩm” với Chúa, con cũng chẳng “hãnh diện so sánh hơn thiệt” với anh em. Đi vào vườn nho Giáo hội, con không đặt điều kiện đòi hỏi nơi Ngài mình sẽ được gì, nhưng luôn tin và tín thác vào Ngài và cố gắng làm vườn nho.

Ý lực sống

“Người ta được nên công chính vì tin…” (Rm 3,30).

 

Suy Niệm 9: Dụ ngôn thợ làm vườn nho

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm đi mướn người làm vườn nho mình. Ông định cho họ mỗi ngày một quan tiền. Và họ làm việc. Đến 9 giờ và đến trưa ông thấy còn có người ở không, nên cũng gọi họ vào làm. Chiều đến, ông phát lương cho họ: mấy người vào làm sau hết được lãnh mỗi người một quan tiền. Thấy vậy, những người vào làm trước hết tưởng mình sẽ được lãnh nhiều hơn, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ lành được một quan tiền, nên họ phàn nàn trách móc ông chủ bất công. Ông liền nói với họ: các anh đã đồng ý giá mỗi ngày một quan tiền, tôi đã trả đủ cho các anh. Còn những người vào làm sau, tôi cũng cho bằng các anh là tuỳ lòng tốt của tôi.

Ý nghĩa dụ ngôn

Trước hết, dụ ngôn muốn nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa (ông chủ) đối với dân ngoại, những kẻ được gọi vào Hội thánh (vườn nho) vào giờ sau hết (17 giờ). Đối với những người này Thiên Chúa cũng ban cho họ mọi quyền lợi và đặc ân như người Do thái, những kẻ đã được gọi từ đầu (họ được thuê từ sáng).

Cách đối xử khoan dung và quảng đại này làm cho những người Do thái bực bội, vì họ tưởng bị thiệt thòi, thua kém dân ngoại. Được chọn trước dân ngoại, người Do thái đã tưởng rằng Thiên Chúa phải mắc nợ họ. Những thái độ của những người cằn nhằn ông chủ, cũng giống như thái độ của người biệt phái lên đền thờ cầu nguyện.

Chuyện này còn ngụ ý rằng Thiên Chúa làm gì cho ai, cũng là bởi tình thương mà thôi: “Tôi muốn cho người vào làm sau chót được bằng bạn...”, người ta phải tôn trọng trong cách xử sự của Người: “Chẳng lẽ tôi lại không có quyền được tuỳ ý sử dụng của cải tôi sao?” Kẻ không chấp nhận việc người tỏ tình thương như thế, kẻ ấy mắc tội ghen tỵ. Khi người ta đặt nặng các ơn ban hơn là tình yêu ban ơn, cũng là hơn chính Đấng thương yêu, thì người ta không yêu mến mà chỉ ích kỷ thôi! (Lm. Trần Hữu Thành).

Bao Công ngày xưa nổi tiếng là vị quan xử án công bằng, “thiết diện vô tư”, không kiêng nể người phạm tội là ai. Cho dù đó là hoàng thân quốc thích như phò mã Trần Thế Mỹ hay cháu quan thái sư Bàng Đức... ông đều xử rất công bằng, đúng người đúng tội, không thiên vị một ai. Đây là sự công bằng của con người.

Sự công bằng của Thiên Chúa thì khác. Dụ ngôn ông chủ và người làm công cho thấy rõ điều này. Trong dụ ngôn, ông chủ ám chỉ Thiên Chúa, còn những người làm công là chúng ta. Theo lối nhìn của người trần gian, những người vào làm từ sáng sớm sẽ được nhiều tiền hơn những người vào làm việc từ lúc 17 giờ. Nhưng Thiên Chúa không nhìn theo lối nhìn này.

Đối với Chúa, mọi người cần được thương yêu, chăm sóc, đều có những nhu cầu cần được đáp ứng. Vì thế, Người rộng ban cho chúng ta mọi ơn lành theo như nhu cầu chúng ta cần, chứ không theo như cộng trạng của chúng ta.

Qua dụ ngôn người làm vườn nho chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa không chỉ công bằng, vì Ngài đã trả công đúng như đã thoả thuận, nhưng còn rất giàu lòng yêu thương (1Ga 4,16). Ngài yêu thương và quan tâm đến con người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn. Hay nói đúng hơn, Thiên Chúa mong muốn tất cả mọi người đều làm việc trong vườn nho của Chúa, để được hưởng hạnh phúc Nước trời.

Phần chúng ta, chúng ta theo Chúa không phải vì sự thoả thuận hay được trả công nhiều hay ít. Nhưng theo Chúa là vào làm vườn nho cho Chúa, là tin tưởng vào sự công bằng và tình thương của Ngài, để rồi trong đời sống chúng ta biết cố gắng hằng ngày làm việc cho vườn nho của Chúa.

Muốn nên giống Chúa Kitô, chúng ta phải sống theo tinh thần Tân ước, không chỉ chú ý đến công bằng mà nhất là chú ý đến bác ái. Đối với Chúa, đức công bằng chưa đủ, vì như thế chúng ta còn đang sống trong tinh thần Cựu ước, vì Cựu ước chưa được hoàn hảo. Chính vì vậy mà dụ ngôn hôm nay nhắc nhở chúng ta là phải chú trọng tới tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân. Từ nay chúng ta đừng phân bì với nhau, mà hãy để cho Chúa hành động theo ý Ngài.

Truyện: Cha Sở và Cha Phó

Tại một xứ đạo kia số dân khá đông, có cha Sở và Cha Phó. Một số giáo dân, vì cuộc sống bác ái chưa trưởng thành, nên có hai nhóm xung khắc nhau. Một nhóm quí Cha Sở, nhóm kia quí Cha Phó, vì ngài còn trẻ và năng nổ.

Một hôm nhóm ủng hộ Cha Sở đến trao đổi tâm tình với ngài:

- Thưa cha, cha ở đây đã lâu năm, công dày, đức cao, sao cha để Cha Phó thay đổi nề nếp giáo xứ minh, bỏ đi công lao cha xây dựng? Và đám thanh niên cùng một số lớn giáo dân có vẻ nghiêng cảm tình về Cha Phó. Xin cha ngăn cản đi.

Cha Sở bình tĩnh trả lời:

- Giữa tôi và Cha Phó ai vất vả hơn?

- Cha Phó.

Cha Sở chậm rãi nói tiếp:

- Ngài còn trẻ, còn có sức hoạt động, phải dấn thân nhiều, và Chúa cũng lo liệu và trợ giúp ngài bằng cách cho những tâm hồn biết thông cảm, cộng tác. Đó là điều công bằng, điều tốt đẹp, sao các ông bà so bì với tôi, một người đáng lẽ đã về hưu?

Nghe Cha Sở nói sai tần số với mình, nhóm kia chống chế:

- Cha cũng đã từng hoạt động dấn thân, có khi còn hơn cả Cha Phó bây giờ.

Cha Sở nói tiếp:

- Và tôi cũng đã được người ta quí mến, ủng hộ. Và biết đâu còn hơn Cha Phó. Vì bây giờ Cha Phó vẫn còn một số người thiếu thông cảm, muốn hạ thấp.

Đám người kia ra về, họ cảm phục Cha Sở “đức cao” và cảm thấy tâm hồn, cõi lòng mình sao nhỏ nhen, trần thế quá! Từ đó nạn “bè phái” bớt nhiều.

 

Suy Niệm 10: Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho

(Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

1. Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho.

Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:

Lối suy nghĩ của một số người thợ làm việc nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.

Lối suy nghĩ của ông chủ: Ông trả công vì thương (nhưng không lỗi đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.

Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người Do Thái và của Chúa Giêsu:

Người Do Thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ, họ làm nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ nhiều.

Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

2. “Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ làm ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12).

Đó là lý lẽ của sự công bằng. Còn lý lẽ của tình thương thì khác. Lý lẽ của tình thương thường vượt xa lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải vì lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình lại cư xử với con cái theo lý lẽ công bằng thì không biết con cái sẽ ra sao?

Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bằng thì không biết chúng ta sẽ ra sao?

Nếu chúng ta là người thợ làm từ giờ thứ nhất, thì chúng ta không nên ganh tỵ với người làm từ giờ thứ 11 (thí dụ như những người bên lương trở lại, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại, chúng ta phải nghĩ rằng, mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.

Mỗi khi chúng ta bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tỵ với người khác, thì chúng ta hãy nghĩ đến câu thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được!” (Tv 130,3). Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không theo công bằng mà chúng ta mới có thể đứng vững. Chúng ta phải xin Chúa giúp chúng ta đừng cư xử với mọi người theo lẽ công bình, nhưng biết vươn tới tình thương.

Có một câu chuyện dụ ngôn như sau:

Ngày nọ, Thiên Chúa ngạc nhiên khám phá ra rằng, tất cả mọi người đều được vào Thiên Đàng mà không ai phải sa hỏa ngục. Ngài suy nghĩ phải chăng Ngài không là Đấng công bằng sao.

Ngài cho gọi sứ thần Gabriel lại và ra lệnh: “Ngươi hãy tập trung tất cả mọi người lại trước mặt Ta và đọc cho họ nghe mười giới răn của Ta”.

Tất cả mọi người đều đến trình diện trước tòa Chúa. Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất và Chúa lên tiếng phán bảo: “Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo ra khỏi mặt Ta và đi vào hỏa ngục ngay”.

Một số người từ từ tách ra khỏi đám đông và buồn bã đi vào hỏa ngục.

Sứ thần Gabriel tiếp tục đọc các giới răn khác. Cứ sau mỗi giới răn thì lại có một số người rời bỏ đám đông để đi vào hỏa ngục. Sau khi sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ sáu, thì tất cả đám đông buồn bã ra đi…. xuống hỏa ngục, chỉ trừ một vị ẩn sĩ già.

Thiên Chúa đưa mắt nhìn sứ thần Gabriel rồi hỏi: “Phải chăng chỉ có người này được vào Thiên Đàng? Nếu vậy thì ông ta sẽ cô độc lẻ loi lắm”.

Nói xong, Ngài truyền lệnh cho sứ thần Gabriel gọi đám đông lại và cho họ trở vào Thiên Đàng.

Nhìn thấy đám đông tội lỗi xấu xa bỗng dưng được tha thứ và được trở lại Thiên Đàng, vị ẩn sĩ nổi giận và hằn học nói với Chúa: “Chúa không phải là Đấng công bằng. Tại sao Chúa không cho con biết trước điều đó?”.

Vâng, cách tính toán của vị ẩn sĩ trong câu chuyện chúng ta vừa nghe chẳng khác gì cách tính toán của những người thợ trong Tin Mừng hôm nay. Ông ta tưởng rằng, ông đã giữ đủ mọi thứ thì chỉ có ông mới xứng đáng với những phần thưởng của Chúa, còn những người khác thì không. Đó là cách nghĩ của con người. Nếu không coi chừng thì có thể chúng ta cũng nghĩ như thế.

Giữa một thế giới

đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh. Amen.

 

Suy Niệm 11: Lý lẽ của tình thương

(Lm Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

Dụ ngôn những thợ làm vườn nho. Điểm nhấn mạnh của dụ ngôn này là 2 lối suy nghĩ khác nhau về cách trả lương của ông chủ:

- Lối suy nghĩ của một số thợ làm nhiều giờ: làm nhiều thì phải được trả công nhiều.

- Lối suy nghĩ của ông chủ: ông trả công vì thương (nhưng không hại đức công bình), cho nên kẻ làm ít giờ cũng được trả nhiều bằng kẻ làm suốt ngày.

Hai cách suy nghĩ trên phản ánh hai quan niệm khác nhau của người do thái và của Chúa Giêsu:

- Người do thái làm việc đạo đức để tính công với Chúa. Họ nghĩ họ làm càng nhiều thì Chúa phải ban ơn cho họ càng nhiều.

- Đối với Chúa Giêsu: Thiên Chúa ban ơn cho ta không phải vì công lao của ta mà vì tình thương của Ngài.

B.... nẩy mầm.     

1. Lý lẽ của tình thương nhiều khi không song hành với lý lẽ của công bằng. Trong gia đình, cha mẹ lo cho con cái không phải theo lý lẽ công bằng, theo đúng công lao của chúng, nhưng theo lý lẽ tình thương. Có thể một đứa con bệnh tật yếu đuối chẳng làm gì được cho gia đình nhưng lại được chăm sóc nhiều hơn. Nếu cha mẹ trong gia đình mà cư xử với con cái theo lý lẽ của công bình thì không biết con cái sẽ ra sao?

Chúa cũng cư xử với chúng ta như thế. Nếu Chúa xử theo công bình thì không biết chúng ta sẽ ra sao?

2. Nếu tôi là người thợ làm từ giờ thứ nhất, tôi không nên ganh tị với những người làm từ giờ thứ 11 (những người lương trở lại sau, những người hấp hối mới ăn năn tội). Trái lại tôi phải nghĩ rằng mình hạnh phúc hơn họ vì đã được biết Chúa, ở với Chúa và làm việc cho Chúa lâu hơn họ.

3. Mỗi khi tôi bị cám dỗ viện lẽ công bình để ganh tị với người khác, tôi hãy nghĩ đến câu Thánh vịnh “Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vũng được!”. Nhờ Chúa cư xử bằng tình thương chứ không cư xử theo công bình mà tôi mới có thể đứng vững. Tôi phải xin Chúa giúp tôi cư xử với mọi người hơn lẽ công bình, vươn tới tình thương.

4. Một người do thái nọ qua đời. Sau khi khám nghiệm, các bác sĩ xác nhận người đó đã thực sự chết theo đúng nghĩa y học, và đã cấp giấy chứng thực để chôn cất. Giữa lúc chuẩn bị hạ huyệt, người ta bỗng nghe có tiếng kêu trong quan tài. Mở nắp quan tài ra, người ta rất đỗi ngạc nhiên khi thấy kẻ chết sống lại. Thế nhưng vị chủ trì nói với kẻ chết sống lại như sau: “Chúng tôi không biết rõ ông đang sống hay chết. Nhưng căn cứ theo giấy chứng thực của các bác sĩ, ông quả thực là người chết. Vậy chúng tôi cứ thi hành theo đúng nhận định của bác sĩ.” Nói xong ông truyền đóng nắp quan tài lại và tiếp tục chôn.

Câu chuyện trên đây có lẽ muốn chế diễu tính máy móc, cứng nhắc của nhiều người khi tuân giữ các lể luật tôn giáo cũng như khi cư xử với nhau. ("Mỗi ngày một tin vui")

5. “Mấy người sau chót làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi, là những người đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt” (Mt 20,12)

Trời quá oi bức, cái quạt bàn trong nhà thờ hôm nay lại trục trặc rồi. Nó vẫn quạt mát nhưng lại đứng lì một chỗ mà không quay xung quanh được.

Một người lên xoay nó về phía mình. Chưa đầy hai phút một người khác chạy lên, và tiếp tục xoay nó. Thế rồi một lúc sau một người khác nữa lại chạy lên. Bây giờ tiếng xầm xì nổi lên và người ta bắt đầu tranh chấp. Bỗng từ phía dưới một người lên tiếng: “Tốt hơn, hãy tắt cái quạt máy đi!” Và họ chỉ yên lặng sau khi quạt máy đã tắt hẳn.

Tôi suy nghĩ và tự hỏi: Tại sao đến với Chúa mà người ta vẫn còn tranh chấp, ganh tị? Nhưng dường như cuộc sống con người thường như vậy. Khi tính ích kỷ đã lấn át, cái tôi ngự trị, người ta chỉ còn nghĩ đến mình, thu vén mọi lợi ích cho mình mà quên đi nhu cầu của tha nhân.

Lạy Chúa, Tình yêu Chúa vượt qua mọi tính toán, xin cho con có một tình yêu như Ngài, để con không dừng lại ở quyền lợi, nhưng dừng ở chính những con người để biết yêu thương. (Hosanna).

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây