I. ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
1. NHÌN VÀO THỰC TẾ CỦA CUỘC SỐNG CON NGƯỜI
Chúng ta thường tất bật lo lắng đủ chuyện, nhưng cuộc sống lại đầy ắp những lo âu buồn chán, không mấy khi được bình an. (1) Lo âu chán nản bởi vì chúng ta bỏ ra nhiều công sức, nhưng cuối cùng chúng ta luôn tự hỏi:
– Liệu có ai để ý đến những gì chúng ta làm không?
– Liệu những việc làm này có ý nghĩa gì không?
1.1. Lo âu chán nản bởi vì chúng ta bỏ ra nhiều công sức, nhưng cuối cùng chúng ta luôn tự hỏi: liệu có ai để ý đến những gì chúng ta làm không?
1.2. Buồn chán có liên hệ mật thiết với đau xót.
Khi chúng ta tự hỏi những gì chúng ta làm thật sự có quan trọng dưới mắt một người nào đó không, thì chúng ta có cảm giác bị điều khiển, bị khai thác, bị bóc lột, là nạn nhân bị sử dụng bởi những người không còn tôn trọng chúng ta như một con người.
Lập tức sự giận dữ nhói lên trong tim và không ngừng dằn vặt chúng ta. Cơn giận nóng dần dần biến thành cơn giận lạnh, chính cơn giận này, là sự đau xót, đã đầu độc chúng ta (trg. 18).
1.3. Nản chí.
Rồi khi chúng ta khám phá ra rằng không những sự hiện diện của chúng ta không quan trọng mà hơn nữa, người ta còn thích sự vắng mặt của chúng ta, thì chúng ta mau chóng đi đến cảm giác kiệt quệ... Chúng ta có cảm giác tội lỗi là mình đã hiện hữu (trg.19).
1.4. Buồn chán, đau xót, nản chí, liên hệ mật thiết đến cảm giác bị cắt đứt. Ba cảm giác này làm chúng ta tin rằng sợi dây nối chúng ta với đời sống đã bị cắt đứt, và đồng thời cũng làm chúng ta tin rằng chúng ta chẳng còn là một thành phần nào nữa.
Trong những liên hệ giao tiếp, nó tạo nên một cảm giác cô đơn kinh khủng, cho dù được bao bọc bởi những người chung quanh, chúng ta tự xem như những cá nhân cô lập, không thuộc vào một cộng đồng nào để được bồi dưỡng và nâng đỡ (trg. 20).
1.5. Cảm giác cắt đứt này là trọng tâm của đau khổ nhân loại.
Chúng ta có thể chịu đựng một số đau đớn thể xác, và ngay cả một số đau đớn tinh thần, nếu chúng ta biết rằng sự đau đớn này làm chúng ta góp phần vào đời sống của nhân loại, nhưng khi chúng ta có cảm giác cắt đứt với đại gia đình nhân loại, thì chúng ta mất can đảm một cách mau chóng.
Cho đến lúc nào chúng ta còn tin sự đau khổ và sự chiến đấu nối liền tình nhân loại với nhau thì chúng ta sẵn sàng chấp nhận làm việc khó nhọc cực khổ. Nhưng khi chúng ta tự xem như người ngoài cuộc, không dự phần vào lịch sử nhân loại, thì lúc đó sự đau khổ không còn là một sự đau khổ để lớn lên, sự chiến đấu không còn là sự chiến đấu để dẫn đến một đời sống mới (trg. 21).
Cuối cùng, một điều phải xảy đến là chúng ta không chấp nhận đau khổ, không chấp nhận thánh giá, nhưng khổ một nỗi là đau khổ và thánh giá cứ tới tấp đến với chúng ta.
2. HƠN NỮA CHÚNG TA CÒN LO ÂU CHÁN NẢN, BỞI VÌ CHÚNG TA BỎ RA NHIỀU CÔNG SỨC, NHƯNG CUỐI CÙNG LUÔN TỰ HỎI: LIỆU NHỮNG VIỆC LÀM NÀY CÓ GIÁ TRỊ GÌ KHÔNG?
2.1. Một cuộc sống đầy ứ những việc phải làm.
Một ngày làm việc của chúng ta có không biết bao nhiêu chuyện phải làm, bao nhiêu người phải gặp, bao nhiêu dự án phải thực hiện, bao nhiêu thư phải viết, bao nhiêu cú điện thoại phải trao đổi và bao nhiêu cuộc hẹn phải tôn trọng. Đời sống chúng ta như một chiếc vali chất đầy đồ đạc, chỉ muốn đứt tung đường chỉ (trg. 11).
2.2. Một cuộc sống với những công việc còn dang dở.
Chúng ta luôn bị ám ảnh, bị quấy rầy bởi những việc chưa làm xong, những lời hứa, những đề nghị chưa thực hiện. Khi nào cũng có một cái gì đó phải nhớ, phải làm hay phải nói. Luôn luôn còn công việc bỏ dở chưa làm, còn những người chưa kịp nói, chưa kịp gặp và còn một bổn phận nào đó chưa hoàn thành (trg. 162).
2.3. Một cuộc sống đầy dẫy những ước đoán.
Chúng ta hay nói: ”Nếu tôi bị cảm? Nếu tôi mất việc làm? Nếu người ta tấn công tôi? Nếu có chiến tranh? Nếu sắp tận thế? Nếu...Nếu...? Tất cả những chữ nếu này tràn ngập đầu óc đầy lo âu khắc khoải. Phần lớn những đau khổ của chúng ta là do những ước đoán, những dự liệu không đâu (trg. 13).
2.4. Một cuộc sống dồn dập những tin tức.
Các thông tin của báo chí, truyền thanh, truyền hình, khiến chúng ta phải sống trong một không khí thường xuyên khẩn cấp. Giọng kích thích của người viết, khuynh hướng thích đưa những tin giật gân, những tai nạn khủng khiếp, những tội ác tày trời, những cách ứng xử trước tội lỗi. Nói tóm lại, tất cả những khốn cùng của nhân loại được họ cung cấp từng giờ, từng phút, đã từ từ làm cho chúng ta rơi vào trạng thái nơm nớp lo sợ một tai họa như thể sắp xảy ra ngay sát chúng ta (trg. 15).
2.5. Một cuộc sống tràn ngập những quảng cáo.
Tiếp theo là một loạt những quảng cáo dồn dập được tung ra. Họ nhấn mạnh làm sao để chúng ta luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ thiếu một điều quan trọng gì đó, nếu chúng ta không đọc quyển sách này, không dự buổi diễn thuyết nọ, không mua sản phẩm kia. Các điều này lại càng làm cho chúng ta thêm bối rối, thêm lo lắng trước đủ mọi mặt phức tạp của đời sống cộng thêm những lo lắng đã có sẵn muôn đời. Xã hội chúng ta bị lệ thuộc vào những lo lắng giả tạo này (trg. 15).
Chúng ta luôn bị kẹt trong mạng nhện của những dự kiến giả tạo và những nhu cầu đặt định: những bận rộn và những lo lắng lấp đầy đời sống bên ngoài cũng như bên trong. Chúng ta thường tất bật lo lắng đủ chuyện, nhưng cuộc sống lại đầy ắp những lo âu buồn chán, không mấy khi được bình an. Lo âu chán nản bởi vì chúng ta bỏ ra nhiều công sức, nhưng cuối cùng chúng ta luôn tự hỏi:
– Liệu có ai để ý đến những gì chúng ta làm không?
– Chúng ta bận tâm lo lắng quá nhiều chuyện và cùng một lúc mang tâm trạng cay đắng, không bằng lòng, nản chí và cô độc, bởi vì chúng ta bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng cuối cùng chúng ta luôn tự hỏi: liệu những việc làm này có ý nghĩa gì không? (trg. 17)
– Làm sao đây?
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỨC GIÊSU
Đứng trước cuộc sống tất bật và đầy lo âu của chúng ta, Đức Giêsu không khuyên chúng ta đừng quá xao xuyến.
Chúa cũng không cho rằng việc chúng ta làm không quan trọng, không có giá trị hay không hữu ích. Chúa cũng không khuyên chúng ta xa rời đời sống để đi theo con đường an bình, yên nghỉ, tránh mọi chiến đấu trần gian tục lụy. Chúa chỉ đề nghị chúng ta đi từ “quá nhiều việc” đến “chỉ có một việc cần thiết” là: “Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự sẽ đến dồi dào với con sau.” (trg. 28)
Nước Thiên Chúa, tức là Nước của Cha Người.
Mục tiêu chính yếu của Đức Giêsu là đem chúng ta về Nhà Cha Người. Chúa Giêsu đến không chỉ để giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết, nhưng Người còn muốn chúng ta tham dự vào đời sống thần linh của Người.
Được gọi để chia sẻ đời sống với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không có nghĩa là từ bỏ đời sống thế gian. Ngược lại những ai thấm nhập sâu xa đời sống thiêng liêng, họ chính là những người được gởi đến thế gian để tiếp tục và hoàn tất công việc mà Chúa Giêsu đã bắt đầu. Đời sống Thánh Linh không làm chúng ta xa rời đời sống thế gian mà làm chúng ta hòa nhập sâu xa hơn vào đời sống trần thế (trg. 39–40).
Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Như Cha đã sai Con đến thế gian, thì Con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17, 18).
Chúa đã nói một cách chính xác rằng không phải vì các tông đồ không thuộc về thế gian mà họ không thể sống trong thế gian.
Chúa đã sống được thì họ cũng sống được.
“Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như Con đây không thuộc về thế gian.” (Ga 17,15–16).
Ở trong thế gian nhưng không thuộc thế gian. Lời này tóm tắt những gì Chúa Giêsu muốn nói đến đời sống thiêng liêng, đó là đời sống chúng ta được biến đổi trong Chúa Thánh Thần (trg. 40–41).
2. BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
2.1 Đời sống thiêng liêng là gì?
Đời sống thiêng liêng là đời sống tinh thần. Khi nói đến đời sống tinh thần, người ta thường hiểu đó là sinh hoạt của con người nhằm tới ba đối tượng: Chân, Thiện, Mỹ. Ba đối tượng ấy tương ứng với ba năng khiếu: lý trí, ý chí và óc thẩm mỹ.
Những ai chỉ phát huy ba năng khiếu ấy trong phạm vi thế giới hữu hình, thì chỉ có một đời sống con người khép kín. Còn ai phát huy thêm cả năng khiếu tín ngưỡng hướng về siêu việt, thì đời sống tinh thần trở nên phong phú hơn vì mở rộng hơn.
Đời sống tinh thần siêu nhiên cũng gọi là đời sống thiêng liêng. Đó là đời sống tinh thần của những người nhận được sự mạc khải tối hậu và viên mãn của Thiên Chúa trong Đức Kitô [Dt 1,1–2; Cl 1, 19; 2, 9;Ep 4, 13;Ga 1,16–18].
Nó phát xuất từ nguồn gốc trên cao, vì thế được gọi là nguồn gốc siêu nhiên.
Nói cách khác, đời sống thiêng liêng của người Kitô hữu không phải chỉ phát xuất từ những năng khiếu tự nhiên qui hướng về Chân–Thiện–Mỹ trong thế giới hữu hình; và cũng không phải chỉ gồm các nỗ lực của năng khiếu tôn giáo đi tìm những thực tại siêu việt trong các kinh nghiệm tín ngưỡng tự nhiên; nhưng còn là gặp gỡ Đấng Siêu Việt là Thiên Chúa của Thánh Kinh: Thiên Chúa đã tự nguyện tỏ lộ khuôn mặt rất thánh của Ngài cho nhân loại trong ân sủng và tình yêu. Khuôn mặt ấy được biểu lộ cách cụ thể nơi Đức Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể Cứu Chuộc [2Cr 4, 6].(2)
Gặp gỡ Đấng Siêu Việt như thế nào?
Các giáo phụ Hy Lạp thường diễn tả việc con người gặp gỡ Thiên Chúa qua cuộc hành trình: phát xuất từ Chúa Thánh Thần, qua Chúa Giêsu và tới cùng Chúa Cha. Ngược lại với lộ trình Thiên Chúa đến với con người: Phát xuất từ Chúa Cha (Ga 17, 26; Eph 1,3–4), được mạc khải nhờ Chúa Con (Ga 3, 16) và được hoàn tất trong Chúa Thánh Thần (Gl 4, 6; Rm 5, 5).
Vậy đời sống thiêng liêng Kitô hữu là đời sống trong Thần Khí, nghĩa là đời sống do Chúa Thánh Thần làm phát sinh. Đó chính là đời sống mà Chúa Thánh Thần làm cho con người đáp lại tình yêu của Thiên Chúa (trg. 4).
Cho nên lý tưởng của người Kitô hữu sẽ không phải là sự hoàn thiện luân lý đặt cơ sở trên việc tuân giữ một số giới luật. Đó chỉ là một lý tưởng trừu tượng và khô khan.
Điều mà người Kitô hữu quan tâm thực hiện là sống ngay bây giờ sự kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong đức tin, đức cậy và đức mến. Đó là sự sống đời đời mà ta được bắt đầu nếm cảm ngay trên trần gian này: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô”[Ga 17, 3] (trg. 15).
2.2. Bước vào đời sống thiêng liêng
Có một đời sống thiêng liêng
– Không có nghĩa là:
• phải từ bỏ gia đình, việc làm, thay đổi cách làm việc,
• từ bỏ các sinh hoạt xã hội, chính trị,
• mất hết thú vui văn chương, nghệ thuật.
– Cũng không có nghĩa là đời sống khổ tu, trường kỳ cầu nguyện.
– Nhưng là một sự trở lại,
• Một sự trở lại luôn bao gồm một kinh nghiệm nội tại, đồng nhất. Những mâu thuẫn, đau khổ, công việc, hy vọng, gia đình, bạn bè, các sinh hoạt, các dự trù, các cảm hứng, chúng ta không còn xem đó là một chuỗi công việc mệt mỏi không dính vào đâu, ngược lại chúng ta xem đó như những xác nhận và mạc khải của Chúa Thánh Thần trong chúng ta. “Những điều ấy”, mà trước đây chúng ta bận tâm lo lắng, bây giờ đến với chúng ta như ân huệ, như thử thách để làm mạnh và làm sâu đời sống mới vừa được khám phá (3).
• Sự trở lại ở đây không làm giảm bớt đau khổ. Đôi khi sự đau khổ còn nhân lên gấp bội. Nhưng trọng tâm chú ý của chúng ta không còn ở chuyện nhiều hay ít. Quan trọng ở chỗ là chúng ta biết chú ý nghe tiếng Chúa Thánh Thần và ngoan ngoãn đi đến nơi mà Ngài dẫn ta đến, dù nơi đó là nguồn hoan lạc hay đau đớn.
• Sự nghèo khó, sự đau đớn, sự đấu tranh, sự lo lắng, sự hấp hối và ngay cả nội tâm tăm tối, những điều này vẫn tiếp tục là một phần trong đời sống chúng ta.
• Sẽ không còn mệt mỏi, đau xót, nản chí, cô đơn, bởi vì cuối cùng chúng ta hiểu, tất cả chỉ là từng giai đoạn, từng chặng trên con đường về Nhà Cha (trg. 43).
3. CHÚA THÁNH THẦN TRONG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Ở đây, Henri JM. Nouwen đã mô tả đời sống thiêng liêng như sự hiện diện sinh động của Chúa Thánh Thần trong đời sống đầy lo âu của chúng ta. Nó chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta dọn một khoảng không gian nội tâm để thực hiện hai kỷ luật sống một mình trong thinh lặng và sống trong cộng đồng, để Chúa Thánh Thần ở giữa chúng ta.
Chúng ta sống trong một thế giới đầy lo âu, nhiều chuyện làm chúng ta bận tâm, rối trí, chúng ta cảm thấy mệt mỏi, đau xót, chán nản và cô độc. Giữa thế giới này, Chúa Giêsu đem đến cho chúng ta một đời sống mới, đời sống của Chúa Thánh Thần. Chúng ta ước muốn có được đời sống này, nhưng chúng ta biết rằng nó thật sự khác hẳn đời sống chúng ta đang sống.
Làm sao chúng ta đi từ một đời sống ngắt quãng qua một đời sống đồng nhất, đi từ nhiều chuyện quá độ đến một chuyện cần thiết duy nhất, từ cuộc đời phân tán đến cuộc đời hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần?
Chúng ta phải chiến đấu khó khăn để Chúa Thánh Thần làm việc trên chúng ta và tái tạo chúng ta. Nhưng sự chiến đấu này không quá sức chúng ta. Nó đòi chúng ta phải có phương cách đặc biệt và biết tiên liệu. Nó đòi hỏi chúng ta có một vài giây phút một mình với Chúa để lắng nghe Ngài giữa muôn vàn lo lắng thường nhật. Nó đòi hỏi chúng ta ứng xử khác với người khác, và xem người khác như bạn đồng hành, cùng với họ chúng ta tạo một khoảng không gian mới cho Chúa. Cách sắp đặt có hoạch định, có kỷ luật là những cách cụ thể để tìm Nước Chúa. Nó từ từ phá tan quyền lực của lo âu để dẫn chúng ta đến cầu nguyện không ngừng (trg. 70–71).
Bước đầu sống đời sống thiêng liêng thường rất khó, không phải vì sức mạnh làm chúng ta chìm đắm trong lo âu quá lớn mà vì sự hiện diện của Chúa Thánh Thần thật khó minh định. Nhưng nếu chúng ta trung thành với kỷ luật này, thì một cơn khát mới sẽ nắm bắt chúng ta mà chúng ta không biết. Đó là dấu chỉ đầu tiên có sự hiện diện của Chúa. Nếu chúng ta vẫn còn chăm chú với sự hiện diện thần thánh này thì chúng ta luôn được dẫn dắt càng ngày càng đi sâu vào Nước Chúa. Với ngạc nhiên vui mừng, chúng ta sẽ khám phá mọi sự là một tiến trình thường xuyên đổi mới (4).
III. CÁC NẤC THANG CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Giovanni Martinetti đưa ra một số gợi ý để giúp chúng ta biết mình đang ở vị trí nào trong đời sống thiêng liêng.
Như mưa đổ xuống, đau khổ không phân biệt một ai cả: thánh nhân, thường dân, người lành hay tội lỗi thì cũng thế. Nó không tha cho một loại người nào cả. Nếu Đấng Tạo Hóa cho phép có đau khổ, thì chính vì nó là một trường học với nhiều lớp, nhiều cấp khác nhau để tiến dần đến Mục Tiêu Chính Yếu (4) mà mục tiêu chính yếu của con người là mọi người đều có thể nhận thấy và cảm nghiệm rằng khả năng và khát vọng lý tưởng tột đỉnh chính là Tình Yêu sâu thẳm, phổ quát và hoàn hảo.
Tức là Tình Yêu trọn vẹn, “với trọn quả tim, linh hồn và sức lực” song phương, nghĩa là đón nhận và trao hiến, đối với Đấng có tất cả mọi giá trị thượng đẳng. Tức là một Tình Yêu, qua Đấng ấy, biết mở lòng ra để yêu thương bạn bè, người thân, toàn thể nhân loại và hết thảy mọi tạo vật một cách thiết thực.
Tức là một Tình Yêu biết vượt lên trên mọi thứ tình cảm để bao giờ cũng thực sự và thiết tha mong muốn điều tốt cho tất cả. Một Tình Yêu không tì vết, không suy giảm, vĩnh viễn sinh động.
Chính vì Tình Yêu này mà chúng ta sinh vào đời. Tất cả mọi điều tốt khác đều chỉ được xem như là phương thế để đạt cho được Tình Yêu ấy. Thiên đàng không phải là một nơi chốn, mà là tình trạng toàn hảo của Tình Yêu ấy. “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi với tất cả con tim, linh hồn và trí lực của ngươi. Đó là giới răn lớn nhất và trên hết trong mọi giới răn. Giới răn thứ hai cũng tương tự như giới răn thứ nhất: Ngươi hãy yêu thương người thân cận như chính mình ngươi” (Mt 22,37–39) (trg. 45).
Theo Giovanni Martinetti, nấc thang của đời sống thiêng liêng được phân chia như sau:
1. Đối với những ai không được nhận vào trường Trung Cấp (tức là những ai có lương tâm xấu xa đến một mức độ trầm trọng), thì đau khổ được xem như là hình phạt Thiên Chúa gửi đến (trg. 49).
2. Học viên trung cấp
Những học viên trường Trung cấp, lớp thấp hay lớp cao, là đại đa số các tín hữu nguội lạnh, những người bình thường, những người ít nhiều lãnh đạm, những thành phần được người đời coi là “lương thiện” hay “đạo hạnh”, nhưng lại không đặt Mục Tiêu Chính Yếu làm ưu tiên số một. Đại khái, để cho yên lương tâm, họ cố gắng giữ luật luân lý vừa đủ, thường là theo hình thức, bằng cách tránh những lỗi nặng; và họ để cả chú tâm và ước muốn vào nơi những giá trị – phương thế (như gia đình, lợi lộc, sức khoẻ, tình yêu, thành công, văn hóa, bạn bè...), biến chúng trở thành mục đích tối hậu của đời họ.
Họ là những khách hàng của Thiên Chúa, chỉ biết “dùng” Thiên Chúa để chiếm hữu cho được những giá trị trần thế hơn là dùng các giá trị trần thế để đi đến với Thiên Chúa.
Họ là những người nghĩ rằng có dùng tới lời cầu nguyện, thì đặc biệt là để “giật” cho được từ tay Thiên Chúa ít ra một mớ phúc lộc tối thiểu và một “bảo chứng” miễn trừ cho khỏi phải gặp tai họa để họ sống thoải mái mà hưởng thụ với những thần tượng của họ. Những biến cố bi hài mà Đấng Quan Phòng để xảy đến trong cuộc đời của họ: tức tối khó chịu, họ cho đó là những hình phạt không đáng phải chịu, nhưng một khi bực tức nổi loạn qua đi, họ bình tâm để cho những biến cố ấy tác dụng giúp họ nhận ra qua kinh nghiệm là họ nhầm lẫn lớn vì đã xem như mục tiêu chính yếu những gì chỉ là phương thế tương đối – tức là có thể được dùng thay đổi bù chì cho nhau – để đạt tới mục tiêu đích thực. Sự sụp đổ trị giá chứng khoán của những tài sản phù du cảnh giác họ biết là hãy lo đầu tư vào một dịch vụ có lợi hơn, ổn định và vững chắc hơn. Chẳng thế mà thánh vịnh đã lưu ý “Đả thương rồi, Chúa lại chữa lành”(trg. 49–50).
3. Sinh viên đại học
Cuối cùng là những sinh viên đại học đang dọn cao học, tiến sĩ. Họ là một nhóm thiểu số đang học chuyên môn. Đó là những tín hữu có một đức tin sâu sắc. Thấm nhuần các bài học, và nhờ biết tích trữ những kho tàng ơn Chúa, họ có khả năng rút ra từ trong mọi biến cố bất lợi, những cấu tố đắng cay chua xót của đau khổ, để tổng hợp thành những hóa chất mới trong mối hiệp thông liên chủ thể. Đối với họ, tai họa có thể xảy đến song đó là cơ hội để cộng tác với cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nhằm cứu độ thế gian. Đối với họ, không bao giờ thánh giá là nặng đến độ không vác nổi và làm cho họ mất bình an, vì họ luôn luôn cảm nghiệm có một sức sống mới và một niềm hạnh phúc sinh động của Thiên Chúa đang hoạt động mạnh mẽ để tái tạo toàn bộ tâm hồn của họ. Đó là một phép lạ của Chúa; và hơn nữa, có thể nói đó là một phép lạ lớn nhất. Đó là niềm vui đích thực mà các thánh hằng cảm nhận ngay cả khi phải sống giữa những gian nan cay đắng của cuộc đời.
Chính trong ánh sáng này, chúng ta nhận ra hoạt động của Chúa Quan Phòng. Sách Thánh của các tôn giáo, nhất là Thánh Kinh đều hiểu việc Chúa Quan Phòng như là một hành động, qua đó, Thiên Chúa hướng dẫn những người biết ra sức dùng những vui buồn sướng khổ giữa cuộc đời mà cộng tác với Ngài, để đi đến chỗ hiệp thông trong một tình yêu bền vững và chia sẻ những phúc lợi thiêng liêng với Ngài (trg. 51).
IV. TIẾN TRÌNH CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Pascal M. Foresi muốn phác họa con đường thăng tiến của người Kitô hữu đi đến Thiên Chúa, trong đời sống tông đồ. Phác họa sau đây, dầu chỉ là một phỏng đoán, có thể lợi ích cho tâm hồn chúng ta và giúp chúng ta tiến tới gần Thiên Chúa hơn. Có thể nó có giá trị đặc biệt vì chúng ta đã ý thức được những trở ngại phải vượt qua, và chúng ta có thể thấy được những thử thách do Thiên Chúa gởi đến hay cho phép, có thể giúp chúng ta tiến bộ. Dĩ nhiên, không phải tất cả những điều Pascal M.Foresi nói đây, sẽ là những gì xác thực như được phác họa, và không phải mọi chi tiết sẽ áp dụng cho tất cả mọi người. (5)
1. BƯỚC KHỞI ĐẦU
Khi chúng ta hiểu được bản chất Kitô giáo và chấp nhận trở về với Thiên Chúa, khi chúng ta hiểu rõ rằng mọi sự đều là “phù du ảo ảnh”, và dành chỗ nhất cho Thiên Chúa, chúng ta đã làm bước khởi đầu trong việc chọn lựa Thiên Chúa. Đây là sự khởi đầu của một cuộc linh thao, một thanh tẩy thực sự các giác quan. Rõ ràng là lúc bắt đầu đời sống thiêng liêng, Thiên Chúa đặt chúng ta trong những hoàn cảnh, nơi đó chúng ta thanh tẩy chính chúng ta. Tự nhiên, tất cả chúng ta có khuynh hướng tìm kiếm khoái lạc và hưởng thụ, giác quan, nhưng Thiên Chúa, qua ngọn lửa tình yêu bừng cháy trong linh hồn chúng ta, làm cho chúng ta kiềm chế được giác quan chúng ta.
Trong đời sống tông đồ, việc hãm mình, không được tìm kiếm vì chính nó, nhưng đúng hơn là được thi hành vì tình yêu anh em, và dù do hoàn cảnh mang lại. Như thế việc hãm mình thường rất quan trọng trong đời sống thiêng liêng.
Thực sự, tình thương yêu người lân cận, khuyến khích chúng ta giúp đỡ người khác, nâng đỡ họ, và điều này bao hàm sự từ bỏ chính mình.
Ngay cả, khi vì tình yêu thúc đẩy, người ta không còn cảm thấy được sự hy sinh lớn lao của mình, nhưng không vì thế mà sự hãm mình giảm bớt hay không còn là một công đức.
Trái lại, có thể nói, tình yêu càng lớn thì công đức càng cao, ngay cả khi người ta không còn cảm thấy sự hy sinh. Đối với những việc khác, con đường dẫn tới Thiên Chúa chắc chắn hệ tại ở sự hãm mình và thống hối, nhưng thống hối đến từ việc dâng hiến và từ tình yêu người lân cận.
Điều quan trọng trong giai đoạn này, cũng như trong suốt đời sống thiêng liêng, là sống cuộc sống hiện tại với tràn đầy sức sống, và dồn tất cả chú ý và quyết tâm vào công việc đang ở trong tầm tay, quên đi quá khứ.
Trong thời gian này, đời sống thiêng liêng của chúng ta được xác định do nhất quyết yêu Chúa và tha nhân với tất cả linh hồn, lý trí, sức lực, cho đến khi nào chúng ta tự hiến hoàn toàn. Và nếu chúng ta sống được như thế trọn cả ngày, bấy giờ, khi chúng ta một mình với Chúa, chúng ta sẽ thấy gần gũi với Ngài dễ dàng, vì thực sự chúng ta đã sống với Ngài cả ngày, khi tự hiến hoàn toàn cho tha nhân.
Trong giai đoạn này, đối với Pascal M. Foresi, hình như không có thử thách đặc biệt, nhưng dấu hiệu đặc trưng là sự nồng nhiệt và vui vẻ.
Một ít thử thách nhỏ có thể xảy đến, nhưng chúng ta sẽ giải quyết mau lẹ. Và hình như toàn thể quá khứ chúng ta đã hầu như hoàn toàn bị bỏ qua và quên lãng, những cám dỗ trong quá khứ cũng chỉ là một kỷ niệm xa mờ. Hầu như chúng ta cảm thấy đã đạt được một sự bình an vững chắc, vì thường thường ngay cả cám dỗ cũng không thấy xảy đến. Khởi đầu là giác quan chúng ta được Thiên Chúa chiếm hữu và lôi kéo về với Ngài, vì chúng ta đã được sử dụng cho Ngài (trg. 121–122).
2. GIAI ĐOẠN HAI
2.1. Một số hiện tượng có thể xảy ra trong giai đoạn này
Sau giai đoạn một, có thể kéo dài rất lâu, tất cả những ơn mà giác quan có thể cảm thấy được, và những ơn mà Thiên Chúa ban cho để trợ giúp chúng ta trở lại, sẽ ít được cảm thấy hơn.
Thiên Chúa không cất ơn Ngài đi, nhưng Ngài mời gọi chúng ta dâng hiến trọn vẹn hơn. Ở điểm này, những thu hút nội tâm mà trước kia có thể điều khiển giác quan chúng ta, không còn mãnh liệt như trước, và do đó không đủ sức gây nên sự nhiệt thành tự hiến của chúng ta. Giờ thì tình yêu Thiên Chúa sâu đậm mà tinh ròng hơn phải hướng dẫn và nâng đỡ sự dâng hiến của chúng ta.
Và chính trong Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi, mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn và chúng ta có thể tìm thấy sức lực để thắng vượt những khó khăn khởi đầu.
Thiên Chúa muốn thanh tẩy linh hồn một cách sâu xa hơn. Cho nên Ngài bắt đầu thử thách chúng ta bằng cách gởi đến chúng ta những khó khăn dưới nhiều hình thức đau khổ. Chẳng hạn như chúng ta có thể cảm thấy những bối rối thuộc quá khứ, hay những cám dỗ trong tư tưởng. Hầu hết những cám dỗ này chúng ta không phân biệt được đâu là cám dỗ, đâu là tội. Nghi ngờ về đức tin cũng có thể xảy đến. Những nghi ngờ này hầu như xuất hiện nơi những người có thói quen suy tư lập luận tự lập, mà bây giờ họ cần phải loại bỏ. Thường thường những thử thách này có liên quan đến những tật xấu trong quá khứ. Nó phát sinh do tập quán xấu mà bây giờ chúng ta thấy được, để loại bỏ nó, nhờ đó chúng ta có thể thanh tẩy được chúng ta.
Tôi không muốn nói về sự thanh tẩy trọn vẹn, đây chỉ là sự tẩy rửa ban đầu để tấn tới trong đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, đây là lúc cảm thấy được sự khổ tâm thực sự và sâu xa. Vì chưng, chúng ta không cảm được đời sống thiêng liêng, và không tiến bộ hoàn toàn trong việc kết hợp với Thiên Chúa: Một sự xáo trộn trong linh hồn, và chúng ta cảm tưởng rằng chúng ta đang xuống dốc.
Các tác giả tu đức diễn tả sự khổ tâm này như là hậu quả của tia sáng mới mà Thiên Chúa rọi xuống linh hồn chúng ta, cho chúng ta nhìn thấy chúng ta một cách hoàn toàn khác. Hầu hết những đau khổ này không là gì khác là sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng bắt đầu hành động và đi sâu vào hữu thể chúng ta (trg. 123–124).
2.2. Những nguy hiểm trong giai đoạn này
2.2.1. Nguy hiểm thứ nhất.
Một ít người có thể nghĩ: “Trước kia mình đã toàn thiện, thế mà giờ đây, khi mà mình còn thực sự yêu mến Thiên Chúa với tất cả linh hồn và trí khôn, mình phải gánh chịu những đau khổ này, nghĩa là mình sống không nổi, mình bắt đầu sống tu đức tệ hơn, trước kia mình đỡ hơn nhiều...” Do đó, có nguy hiểm là bị thất vọng, nó có thể mang nhiều tai hại dưới nhiều hình thức.
Trong thực tế, sự ngã lòng đè nặng chúng ta, vì những nguyên nhân nào đó, đưa chúng ta đến một trạng thái hầu như mời mọc phạm tội, không phải một sự quyến rũ đặc biệt nào, nhưng vì thiếu sức mạnh và sức sống thiêng liêng (trg. 124).
2.2.2. Nguy hiểm thứ hai.
Nguy hiểm thứ hai ngược lại với sự ngã lòng: đó là khuynh hướng chạy trốn những khó khăn, để khỏi đương đầu với chúng.
Linh hồn không chấp nhận thánh giá, nhưng né tránh và phí phạm chịu đựng thánh giá. Sánh với một linh hồn bối rối, thì linh hồn này uể oải hơn, và nhìn mọi sự cách quá đơn giản, không phải vì chưa được thanh tẩy, nhưng vì không còn can đảm để đương đầu và chấp nhận sự thanh tẩy đó (trg. 124).
2.3. Bí quyết để giải quyết những khó khăn trong giai đoạn này
Bí quyết để giải quyết khó khăn trong giai đoạn này là yêu mến Chúa Kitô bị đóng đinh và bị bỏ rơi, và trong mọi lúc, yêu mến và hiến thân cho tha nhân. Lúc bắt đầu, tình yêu người lân cận bao hàm sự hãm mình ép xác, tiếp đến, tình yêu người lân cận thắng vượt điều linh hồn chúng ta cảm thấy khó chịu, giúp chúng ta tìm gặp Chúa qua sự tiếp xúc với anh em. Bởi đó thương yêu người lân cận và kết hợp với anh em là những phương tiện giúp chúng ta thắng vượt những thử thách này.
Thiên Chúa gởi đến chúng ta những thử thách vì Ngài muốn chúng ta thắng vượt chính chúng ta, thắng vượt những đau khổ và những thương tâm của chúng ta. Sự thắng vượt mọi sự được hoàn tất không phải do sự chạy trốn (quả thực, chỉ cần mở tâm hồn cho kẻ nào có thể giúp chúng ta), nhưng đúng hơn là do việc hiến thân cho tha nhân, vì nhờ họ mà ta gặp được Chúa Giêsu. Và những kẻ khác cũng cần thiết không ít về những gì xảy đến trong tâm hồn chúng ta.
Khi Thiên Chúa đã đạt được đối tượng rồi, tức là linh hồn, đã một lần nguội lạnh khô khan, trở nên hiểu được chương trình của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cất đi những thử thách đó, đôi khi qua lời nói của anh em (trg. 125).
3. GIAI ĐOẠN BA: LINH HỒN ĐI VÀO MỘT LỊCH TRÌNH MỚI
3.1. Một số hiện tượng có thể xảy ra trong giai đoạn này
Chúng ta tự hỏi làm sao thấy được những thử thách trong quá khứ. Chúng ta không biết chúng xuất hiện lúc nào và ra sao, vì chúng ta hoàn toàn tiến đến một lịch trình mới của đời sống thiêng liêng.
Lịch trình mới này là một giai đoạn mà nơi đây, sau khi đã cảm được Thiên Chúa hơn, chúng ta bắt đầu tự hiến một cách tự do.
Khả năng của chúng ta hầu như vô tận. Chúng ta ảnh hưởng trên những người tiếp xúc với chúng ta, và chúng ta hiến cuộc đời cho hết thảy mọi đoàn thể Kitô hữu; hàng ngàn kết quả thiêng liêng mang lại, làm vinh danh Thiên Chúa.
Nhưng nếu linh hồn chúng ta rày đã tiến bộ và lớn lên trong đàng thiêng liêng, vẫn còn nhiều mầm mống ẩn khuất phát triển những gì có thể cản trở sự hiệp nhất tâm hồn với Thiên Chúa và tình thương yêu kẻ lân cận. Do đó, cái cây linh hồn bắt đầu sinh hoa trái, phải được người làm vườn là Chúa Giêsu tỉa xén.
Linh hồn, trong mọi tác động, không phải được Thiên Chúa thúc đẩy hoàn toàn. Mọi năng lực của nó được dùng để ban phát. Nó không thể hành động một cách khác, nó phải bảo tồn trọng lượng tinh thần mới mẻ của nó, tuy nhiên tác động của nó vẫn còn mang tính cách nhân loại (trg. 126).
3.2. Những hậu quả
3.2.1. Hậu quả một.
Một trong những thử thách này thường gây ra đau khổ, nhất là không thể hiểu được những kẻ cùng chung sống với chúng ta trong đức tin và quảng đại. Chúng ta đau khổ vì chúng ta không hiểu được tại sao, sau khi trao ban tất cả những gì chúng ta có thể cho, những người mà chúng ta nâng đỡ và trợ giúp, không ít thì nhiều lại bắt đầu chỉ trích chúng ta. Điều đó có thể đưa đến một phản ứng thảm thương rất là tai hại. Thay vì nhìn nhận rằng chính những hành động bác ái của chúng ta chưa hoàn toàn vị tha, chúng ta có thể quay lại chỉ trích họ, vì chúng ta cảm thấy bị xúc phạm bởi những phán đoán của họ. Và bị cám dỗ rút lui, làm loạn, qui ẩn, bỏ đi xa, tất cả những sự này ngăn chặn mức tiến bộ thiêng liêng của chúng ta (trg. 126).
3.2.2. Hậu quả hai.
Nhưng Thiên Chúa dùng mọi sự để thánh hóa chúng ta và để giúp chúng ta tiến bộ.
Một thử thách khác phát sinh do không một kết quả thấy được thành tựu, cho dù chúng ta hoàn toàn tự hiến cho anh em. Điều đó có thể xảy đến, vì con đường chuyển đạt sứ mệnh của chúng ta chưa hoàn toàn ăn rễ sâu vào Thiên Chúa mà còn quá nông cạn. Do đó, nó chưa thật sự bén rễ sâu cho nên có nguy hiểm là thất vọng và phiền toái những khó khăn hiện tại do hoàn cảnh bên ngoài mang đến (trg. 127).
3.2.3. Hậu quả ba.
Những thử thách sau cùng của giai đoạn này được đưa đến là khi chúng ta cảm thấy rằng các đấng bề trên không nhìn thấy được những việc thiện mà chúng ta đã và đang thi hành. Sự đau khổ này sinh ra do lòng tự ái gắn liền với việc thiện mà chúng ta hoàn thành (trg. 127).
3.3. Kết luận cho giai đoạn ba
Nói tóm lại, trong mọi trường hợp, chúng ta có thể cắt nghĩa hoàn cảnh theo các hạn từ sau đây: linh hồn đã thực sự ban phát chính mình, và đã làm nhiều việc thiện, tuy nhiên Thiên Chúa muốn nâng linh hồn lên một mức độ cao hơn, và cho nó khám phá ra một thế giới khác theo sự nhận thức của nó. Như thế, cần phải biết đón nhận ơn Chúa, là những ơn rất đỗi lớn lao. Nếu người ta không nhận được nhiều ơn, người ta sẽ không tiến bộ gì hơn qua nhiều năm tháng.
Cần phải biết đón nhận ơn thánh, vì những thử thách vừa nói trên, chỉ đến với kẻ nào sẵn sàng phục vụ Thiên Chúa. Thiên Chúa không đòi hỏi nhiều đối với kẻ chưa bao giờ phục vụ Ngài.
Giờ thì chúng ta thấy rõ rằng: Nếu chúng ta thắng vượt những thử thách đó, chúng ta thấy được Thiên Chúa mời gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài hơn. Chúng ta hiểu được rằng chúng ta chịu thử thách để thanh tẩy yếu tố nhân loại trong hoạt động tông đồ của chúng ta.
Ở đây, sự thanh tẩy trở nên trọn hảo nhờ kết hiệp với anh em. Lúc đầu chúng ta gặp thấy ngay phải hy sinh vì tình yêu đối với anh em. Kế đến tình yêu anh em cho phép chúng ta thắng được những thử thách tinh thần tiên khởi. Sau cùng, sự thành thật đến từ anh em loại bỏ được nơi chúng ta những khuyết điểm mà chúng ta không nhận thấy được, vì chúng ta tưởng rằng chúng ta không thể có.
Trong giai đoạn của đời sống thiêng liêng này, nó rất là quan trọng đặc biệt với những kẻ mang nhiều tư tưởng, muốn làm sự thiện theo sáng kiến riêng. Con người đó cần phải biết lắng nghe kẻ khác, biết phân biệt tư tưởng của mình với tư tưởng của người khác, đó là sự thanh tẩy tuyệt hảo ý chí, lý trí và con tim.
Nên chi, trong việc kết hiệp với người lân cận, chúng ta thanh tẩy được chính chúng ta mà nếu sống cô lập, chúng ta không thể nào đạt được một cách nhanh chóng. Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta qua lời nhắc bảo của anh em về lỗi lầm của chúng ta, và nếu chúng ta nhận thấy điều họ nói là đúng, dù nó làm ta đau khổ, thì sự chân thật đó sẽ giải thoát chúng ta, và khuyết điểm dần dần sẽ biến đi.
Cũng cần đạt đến sự hiệp nhất với anh em, ngay khi chúng ta bị chỉ trích và phê bình. Giả sử như nếu người khác nghĩ không đúng về ta, điều đó tự nó sẽ tan biến đi trong tâm trí họ, vì tình thương huynh đệ và sự hiệp nhất chỉ phù hợp với sự chân thật của Chúa Giêsu chân thật và hằng sống.
Ở đây, thấy được con đường chính yếu là sự bác ái huynh đệ. Và nhất là nếu chúng ta cảm thấy bị kẻ khác hiểu lầm, đó là lúc chúng ta phải yêu mến họ, vì họ có thể nhìn thấy nơi chúng ta những khuyết điểm mà chúng ta không thấy được. Thật là vô ích nếu có mặc cảm bị hiểu lầm. Chính trong sự hiệp nhất với người lân cận, với tất cả anh em chúng ta, mà chúng ta trở thành khách quan và đích thực như Thiên Chúa muốn. Đàng khác, chúng ta có thể hiểu mình tự cô lập, tạo nên một thế giới trong đó, chúng ta tìm thấy được một sự kết hợp nơi Thiên Chúa, sự kết hợp bên trong một nhóm người hạn hẹp, nhưng chỉ với những người chịu đựng nổi và hiểu được chúng ta thôi. Tuy nhiên cần phải thận trọng. Những thử thách này có thể xảy đến cho một linh hồn đang tiến bộ trong đàng thiêng liêng, và có thể làm cho nó sa ngã và mất đi đà tiến bộ.
Càng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa thì càng hợp nhất với người lân cận. Nếu đạt được sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa bằng cách cô lập ta với người lân cận, thì chắc chắn ta chưa có một đời sống thiêng liêng đích thực.
Tôi xin lặp lại, yêu mến người lân cận, có Chúa Giêsu trong lòng, sống giây phút hiện tại, yêu mến thánh giá. Đó là con đường chính yếu phải đi trong cả cuộc đời chúng ta (trg. 128–129).
4. TIẾN VÀO CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG HOÀN HẢO
Linh hồn, sau khi đã vượt qua những chặng đường của đời sống thiêng liêng được vắn tắt diễn tả trong chương này, có thể được tinh luyện nhiều hơn, cảm thấy được nhiều hơn những việc làm của Thiên Chúa. Trong đời sống tông đồ, nó mang nhiều kết quả, phát triển mạnh mẽ hoa trái của đời sống siêu nhiên. Đôi khi chỉ một sự hỏi han, một lời nói, đủ để giúp người khác nhận thấy được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian.
Dĩ nhiên, thử thách vẫn còn, nhưng bây giờ linh hồn thật sự đã bắt đầu học biết phai mờ đi, vì nó đã hoàn toàn hoà hợp trong đời sống của Thiên Chúa và trong tình yêu đối với người lân cận.
Sự thanh tẩy trở nên cao vượt hơn lúc được thanh luyện bởi các khuyết điểm, vì bây giờ nó được xây dựng trên ý muốn của Thiên Chúa là giữ linh hồn khỏi bị ràng buộc vào những việc làm của nó.
Nhờ đó mà một kẻ đã trưởng thành trong đường lối này, hiểu được rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là quan trọng thực sự, và ngoài ra không còn gì khác, dù bị ngược đãi, dù không có kết quả nào mang lại. Đừng quan trọng hóa vấn đề chúng ta lành mạnh hay đau yếu, dễ chịu hay khó chịu trong khi làm việc, cũng đừng quan tâm đến sự biết ơn hay khinh dể việc chúng ta làm.
Đối với những người này, chỉ có một điều quan trọng là vinh danh Thiên Chúa, họ không lo lắng gì đến việc có thể xảy ra hay không thể xảy ra, với họ chỉ cần tình yêu và vinh danh Thiên Chúa là đủ. Một khi chúng ta tiến bộ được như thế sau nhiều năm chuẩn bị, có thể nói được rằng chúng ta bắt đầu một đời sống thiêng liêng hoàn hảo.
Dù chúng ta không thể nào đạt được một tình yêu hoàn hảo tuyệt đối, nhưng thái độ này của linh hồn có thể có giá trị và trổi vượt hơn mọi tác động khác. Ở đây, mọi sự đều qui hướng và nối liền với tình thương yêu người lân cận, với đời sống kết hợp cùng anh em.
Thực sự, một khi chúng ta tiến bộ trong mối tương quan với Thiên Chúa, dần dần tình yêu và sở thích của chúng ta trong các khó khăn thuộc bản tính nhân loại trở thành rộng lớn và phổ quát hơn. Khó khăn của Giáo Hội trở thành khó khăn của chúng ta, không phải do một cố gắng nào của ý chí, nhưng do thông cảm với sự đau khổ mà Giáo Hội phải chịu, vì biết rằng Giáo Hội không phải là một tổ chức thuần túy bên ngoài, nhưng là một nhân loại tính được tái sinh qua phép thánh tẩy, là một thân thể bao hàm tất cả yếu tính nhân loại của các chi thể mình.
Một sự thăng tiến như thế làm cho nhiều đấng thánh biết kết hợp họ với những khó khăn của thời đại và của tổ quốc họ, và biết tìm ra những giải đáp vừa có bản chất tinh thần vừa có bản chất xã hội. Chính sự kết hợp linh hồn với Chúa Kitô, sau khi đã đạt đến cao độ, đã cho linh hồn tiến bộ không ngừng với tất cả nhân loại tính của nó. Quả thực, Chúa Kitô là khởi điểm (alpha) và là cùng đích (omega) của đời sống thiêng liêng chúng ta (trg. 130–131).
5. ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG CỦA CHÚA GIÊSU
Điều không chối cãi là Chúa Giêsu có một đời sống lấp đầy: Chúa giảng Tin Mừng cho các tông đồ, cho dân chúng, săn sóc kẻ đau ốm, trừ quỷ, trả lời các câu hỏi của bạn bè, của kẻ thù và đặc biệt không bao giờ ở lâu một chỗ (trg. 132).
“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những người bị quỷ ám đến cho Người, cả thành xúm lại trước cửa. Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ. Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện. Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: ‘Mọi người đang tìm Thầy đấy!’. Người bảo các ông: ‘Chúng ta hãy đi đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.’ Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ” (Mc 1,32–39).
Tất cả những gì chúng ta biết về Chúa Giêsu đều nói lên một điều quan trọng là làm theo ý Chúa Cha.
Điểm nổi bật trong Phúc âm là sự vâng lời tuyệt đối này.
Từ những lời đầu tiên Chúa nói trong Đền Thánh: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 4, 9), cho đến những lời cuối cùng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Mối lo duy nhất của Chúa Giêsu là hoàn thành ý Chúa Cha.
Người nói: Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm. Công việc của Chúa Giêsu làm là sứ mạng Chúa Cha giao phó để hoàn thành, và những lời Chúa rao giảng là những lời Chúa Cha truyền.
Người đã nói rõ rằng: “Nếu tôi không làm việc của Cha tôi, các ông đừng tin tôi.” (Ga 10, 37) “ và lời anh em nghe đây không phải của Thầy nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy” (Ga 14, 24).
Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc không chỉ do những gì Người rao giảng hay những gì Người làm cho chúng ta, nhưng còn vì Người đã rao giảng và thi hành đúng theo ý muốn của Chúa Cha.
Mối quan hệ do sự vâng lời Chúa Cha là trọng tâm đời sống của Chúa Giêsu.
Điều này khó hiểu đối với chúng ta, bởi vì ở xã hội chúng ta đang sống, chữ vâng lời có nhiều nghĩa tiêu cực. Vâng lời làm ta nghĩ đến nhà cầm quyền áp đặt ý chí của họ trên ước muốn của chúng ta, nhắc ta nhớ đến những kỷ niệm khó khăn thuở thơ ấu, vâng lời dưới sự đe dọa của hình phạt. Nhưng vâng lời này không tương ứng với vâng lời của Chúa Giêsu.
Vâng lời của Chúa Giêsu là sự lắng nghe hoàn toàn và không hề nghi ngờ vào Người Cha yêu quý. Giữa Người Cha và Người Con chỉ có tình yêu. Tất cả những gì thuộc về Người Cha, Người Cha giao phó cho Người Con, và tất cả những gì Người Con nhận, Người Con dâng lại cho Người Cha. Người Cha giao phó hoàn toàn cho Người Con và đặt mọi sự trong tay Người Con: tất cả sự hiểu biết (Ga 12, 50), tất cả vinh quang (Ga 8, 54), tất cả quyền lực (Ga 5,19–21). Và Người Con phó thác hoàn toàn cho Người Cha và hoàn lại tất cả trong tay Người Cha. “Thầy từ Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.” (Ga 16, 28).
Tình yêu không thể cạn giữa Người Cha và Người Con, tình yêu này đã ôm hết tất cả các dạng tình yêu khác và còn làm vượt trội hẳn lên. Tình yêu này bao gồm tình yêu của cha, mẹ, anh, chị, chồng, vợ, người thầy và người bạn. Nó vượt xa tình yêu của con người vốn là một tình yêu có giới hạn. Đây là một tình yêu chăm chú và đòi hỏi, một tình yêu vị nghĩa nhưng nghiêm khắc, một tình yêu êm dịu nhưng mạnh mẽ. Đó là một tình yêu cho sự sống và chấp nhận sự chết. Chính trong tình yêu thần thánh này mà Chúa Giêsu nhập thể làm người và chịu chết trên cây Thánh Giá. Tình yêu này, bao gồm tất cả và thể hiện mối liên hệ giữa Người Cha và Người Con, là một Đấng Thánh, ngang hàng với Người Cha và Người Con. Đấng có một danh hiệu riêng, đó là Chúa Thánh Thần. Người Cha yêu Người Con và tỏa lan trong Người Con. Người Con được Người Cha yêu và trả lại tất cả những gì thuộc về Người Con cho Người Cha. Chúa Thánh Thần chính là tình yêu, bao gồm muôn đời Người Cha và Người Con.
Cộng đồng tình yêu muôn đời này là trọng tâm và cội nguồn đời sống thiêng liêng của Chúa Giêsu, một đời sống chăm chú liên tục vào Người Cha, trong tình yêu của Chúa Thánh Thần. Chính đời sống này đã nuôi dưỡng cuộc đời Chúa Giêsu. Dù lúc ăn, lúc uống, lúc nhịn đói, lúc cầu nguyện hay hành động, lúc di chuyển hay nghỉ ngơi, lúc rao giảng hay dạy bảo, lúc trừ quỷ hay chữa bệnh, Chúa đã làm trong Chúa Thánh Thần của tình yêu. Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu toàn diện ý nghĩa chức vụ dồi dào, biến thiên của Chúa Giêsu nếu chúng ta không thấy tất cả mọi sự này bám rễ sâu trong một điều:
Lắng nghe Chúa Cha trong mối liên hệ yêu thương vẹn toàn.
Chỉ lúc nào chúng ta hiểu được sự bám rễ này thì lúc đó chúng ta mới hiểu mục đích của Chúa Giêsu là đưa chúng ta vào cộng đồng này, đi vào một cách mật thiết nhất. (6)
Đức Giêsu là câu trả lời cho sự hiện hữu có vẻ tràn đầy nhưng thật thông thoáng, có vẻ tất bật nhưng thật sự cắt đứt với thế giới, sống mọi nơi nhưng không bao giờ ở tại nhà mình.
Chúa muốn dẫn chúng ta vào nơi cư trú thật. Nhưng tiếng gọi của Người kéo chúng ta lại với đời sống thiêng liêng chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta sẵn sàng cáo mình, thẳng thắn nhìn nhận chúng ta đã kéo lê một đời sống thật ưu phiền, hoàn toàn mất trọng tâm và nhận biết đời sống này đã cắt vụn đời sống của chúng ta ra từng mảnh (trg. 24).
Chỉ lúc đó ước muốn gặp lại nơi cư trú thật mới có thể phát triển trong chúng ta.
Chính ước muốn này mà Đức Giêsu nói với chúng ta: “Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa, mọi sự sẽ đến dồi dào với con sau.”
Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 77 (tháng 7 & 8 năm 2013
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Nguồn: hdgmvietnam.com
__________
Chú thích:
(1) Henri JM. Nouwen, Making All Things New – An Invitation to the Spiritual Life, trg. 16.
(2) Norberto, Sống bởi Thánh Khí, trg.3.
(3) Giovanni Martinetti, Đau Khổ: vấn đề gai góc, trg.3.
(4) Pascal M.Foresi, Reaching for more (Con đường thăng tiến), trg.120.
(5) Pascal M.Foresi, Reaching for more (Con đường thăng tiến), trg.120.
(6) Henri JM. Nouwen, Making All Things New – An Invitation to the Spiritual Life, trg. 30–35.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn