HD1: Hướng ý
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vững vàng Chúa đang hiện diện thực sự trong Nhà Chầu trước mặt chúng con đây. Chúng con vừa long trọng cử hành lễ tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa với các Tông đồ, trong đó Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể, để trối lại cho chúng con Mình và Máu thánh Chúa làm lương thực nuôi dưỡng và bổ sức cho chúng con trong cuộc lữ hành trần thế tiến về quê trời. Giờ đây, theo lời Chúa mời gọi, chúng con muốn ở lại đây canh thức với Chúa một giờ, không phải để an ủi Chúa, vì Chúa đang sống trong vinh quang của Chúa Cha, nhưng để đón nhận ánh sáng, hơi nóng và sức sống chiếu tỏa từ bản thân vinh hiển Chúa. Xin cho lòng chúng con bừng cháy lên ngọn lửa yêu mến để chúng con trở thành những chứng nhân đích thật của tình yêu Chúa dành cho hết mọi người. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
HD1. Xin mời cộng đoàn đứng.
HD1. Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Gioan : Ga 6,51-58.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống. Người Do thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: ‘Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?’ Đức Giêsu nói với họ :‘Thật, tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
HD2. Mời cộng đoàn ngồi.
HD2: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong phép Thánh Thể
Từ sau bữa Tiệc Ly, Hội thánh đã tin vào sự hiện diện đích thực của Mình và Máu thánh Chúa Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, trong hình bánh và rượu. Như Hội thánh dạy, chắc chắn Chúa Kitô hiện diện với chúng ta bằng nhiều cách, nhưng cách riêng là dưới hình bánh và rượu.
Bài giảng tại Capharnaum, sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, làm nổi bật tính hiện thực của những lời Chúa Giêsu nói khi Người tỏ cho chúng ta biết Người là Bánh hằng sống từ trời xuống (c. 51); vậy chúng ta phải ăn mình và uống máu Chúa (c. 53) để có được sự sống mà Bánh sự sống ban tặng (c. 48). Tính hiện thực của những lời lẽ của Chúa Giêsu khiến nhiều người Do thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” (c. 52). Và trước việc Chúa Giêsu tiếp tục nhấn mạnh đến sự thật của các lời Người khẳng định: “Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (c. 55), nhiều môn đệ cảm thấy chướng tai đến nỗi đã lìa bỏ Người (c. 66). Ở cuối bài diễn từ, Chúa Giêsu hỏi các tông đồ có muốn rút lui không. Những lời của thánh Phêrô chứng tỏ rằng các tông đồ, trái lại, tin vào sự chân thật của lời Chúa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (c. 68). Tiếc thay, xưa cũng như nay, có nhiều người không tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bánh Thánh Thể (c. 64). Vào đầu ngàn năm thứ ba này, Hội thánh phải tự hỏi: Tại sao lại khó khám phá đến thế dung mạo của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể ? Làm thế nào để có nhiều người hơn quí trọng và vui hưởng việc Chúa Kitô hiến mình cho chúng ta ? Làm sao để người tín hữu năng đến thờ phượng Người trong thinh lặng trước Nhà Tạm hay long trọng tung hô Người trong ngày lễ kính Mình Máu thánh Chúa cũng như tối thứ năm tuần thánh hôm nay ?
(Thinh lặng trong giây lát và cầu nguyện riêng)
Cộng đoàn hát : Bỏ Ngài Con Biết Theo Ai
HD2. Thánh Thể là ánh sáng và sức sống.
Thánh Thể là một hy tế : hy tế cứu chuộc và đồng thời là hy tế của Giao Ước mới. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã thiết lập hy tế Tạ ơn bằng Mình và Máu Người, nhờ đó Hy tế thập giá được kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để lại cho Hội thánh Người việc tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Người (x. SC 47).
Trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu là lễ vật Chúa Cha ban tặng cho chúng ta để được hiến tế, hầu thanh tẩy và giao hòa chúng ta với Người. Hy tế của Chúa Kitô và hy tế tạ ơn trong thánh lễ chỉ là một vì cùng có một lễ vật là Chúa Giêsu, chỉ khác về cách dâng hiến. Hy tế của Chúa Kitô cũng là hy tế của các chi thể của Thân mình Người. Cuộc sống của các tín hữu, công việc, đau khổ, lời ca ngợi, kinh nguyện của họ được kết hợp với Chúa Kitô và lễ dâng toàn hiến của Người và nhờ đó có được một giá trị mới.
Thánh Kinh còn trình bày Thánh Thể như một lương thực bổ sức cho người tín hữu trên đường dương thế, như bánh manna xưa Chúa đã ban xuống cho dân It-ra-en để nuôi dưỡng họ trong cuộc hành trình trong sa mạc bốn mươi năm trường. “Ai ăn tôi cũng sẽ sống nhờ tôi”, lời nói đó của Chúa Giêsu cho người kitô hữu thấy nhu cầu khẩn thiết phải nuôi dưỡng mình bằng chính Chúa, là bánh từ trời xuống. Việc tham dự bàn tiệc thánh này xây dựng chúng ta thành nhiệm thể Chúa Kitô. Vì thế Chúa Giêsu Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội.
Thánh Thể là lương thực nâng đỡ và biến đổi Giáo hội từ bên trong, nhờ đó chúng ta được đồng hóa với Chúa Kitô, được biến đổi thành con người mới, kết hợp mật thiết với Chúa, là Đầu của Nhiệm thể.
Sự sống mới mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể biến thành “liều thuốc trường sinh bất tử, để được mãi mãi sống trong Chúa Kitô”. Là những người sống nhờ Chúa Kitô, và Chúa Kitô muốn cho tất cả chúng ta được sống dồi dào, chúng ta phải công bố tính cách thánh thiêng của sự sống con người, từ khi thụ thai cho đến khi qua đời cách tự nhiên, chống lại những tác hại của nền văn hóa chết chóc.
(Thinh lặng giây lát)
Cộng đoàn hát bài: Mình Máu Thánh
HD1: Thánh Thể đòi hỏi sự chia sẻ
Thánh Thể là trường học dạy ta tích cực yêu thương tha nhân. Nhờ đó, chúng ta hiểu được mối liên hệ giữa Thánh Thể và Ánh sáng, theo lời thánh Gioan: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại ghét anh em mình, thì vẫn ở trong bóng tối” (IGa 2,9).
Dâng hy tế của Chúa Kitô cách đích thực có nghĩa là tiếp nối hy tế này bằng một cuộc sống hiến dâng cho kẻ khác. Cũng như Chúa Kitô đã hiến mình làm hy tế dưới hình bánh rượu, chúng ta cũng phải hiến thân cho người đồng loại, qua một việc phục vụ khiêm hạ trong tình huynh đệ, tuỳ theo nhu cầu hơn là công trạng của họ, bằng cách trao tặng cho họ những gì cần thiết nhất để sống cho xứng với phẩm giá con người.
Vậy Thánh Thể mà chúng ta cử hành và chia sẻ trong bữa tiệc thánh mời gọi chúng ta kết hợp việc bẻ bánh với việc chia sẻ của cải, quyên góp để trợ giúp những người túng thiếu nhất, thắng vượt mọi chia rẽ và kỳ thị. Chứng tá tình yêu này là một yếu tố không thể thiếu trong việc Phúc âm hóa đích thật.
(Thinh lặng giây lát)
HD2. Thánh Thể là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng
Ở trung tâm sứ mạng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Người. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không chỉ loan báo Nước Thiên Chúa bằng lời nói, nhưng “bằng tất cả sự Hiện diện của Người, bằng tất cả bản thân và những việc Người làm, nhất là qua cái chết và sự phục sinh vinh hiển của Người”. Giáo hội có nhiệm vụ hàng đầu là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu và nhận làm của mình những lời của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Thánh Thể là nguồn mạch của việc loan báo Tin Mừng vì là “con tim của Tin Mừng” ; thực vậy, Thánh Thể được liên kết với cuộc Vượt qua, nghĩa là cái chết và sự sống lại của Chúa, và với những điều quan trọng nhất của Tin Mừng, như việc công bố Lời Chúa, sự hoán cải và lòng tin, hòa giải và tha thứ, và cả sự sống đời đời.
Sau hết, Thánh Thể còn đem lại một đà tiến mới cho việc loan báo Tin Mừng trong ngàn năm mới này, vì không những là trung tâm mà còn là nguồn mạch phát động tất cả công cuộc phúc âm hóa trong thế giới ngày nay.
Những việc tôn sùng Chúa Giêsu trong bí tích cực thánh là những biểu hiệu của một lòng tin đơn sơ và sâu xa vào sự Hiện diện thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong phép Thánh Thể và một lòng yêu mến thâm sâu đối với Đấng đã muốn lập cư giữa chúng ta. Chắc chắn nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội tìm được nơi đây một sức mạnh để phát triển cách lạ lùng, nhất là trong thời đại chúng ta ngày nay; trước “những tối tăm và bóng tử thần” bao quanh thế giới, Thánh Thể phải là ánh sáng và sức sống viên mãn cho toàn thể nhân loại.
Sức mạnh phúc âm hóa của Thánh Thể mời gọi người kitô hữu quảng đại dấn thân vào việc loan báo Tin Mừng. Như trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), chúng ta không thể bỏ qua lời Người mời gọi noi gương Người mà trở nên tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ, máu đổ ra cho thế gian được sống; nếu không có sự dấn thân này, việc cử hành Thánh Thể sẽ không trọn vẹn là việc loan báo Tin Mừng.
(Thinh lặng giây lát)
Cộng đoàn hát : Nhân Chứng Tình Yêu
Nguồn tin: tinvui.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn