Lễ Khấn Trọn Đan Viện Nữ Biển Đức, Đồi Hiển Linh,Lộc Nam
Thứ bảy - 23/02/2019 06:55
Lễ Khấn Trọn Đan Viện Nữ Biển Đức, Đồi Hiển Linh, Lộc Nam.
xem hình
Sáng ngày 22-2-2019, Lễ kính Lập Tông Tòa Thánh Phêrô, tại Nhà nguyện Giáo Họ Lộc Nam, Giáo phận Đà lạt, Ðức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Giám Mục Phó Giáo Phận Đà lạt đã chủ sự Thánh Lễ Khấn Dòng cho 3 Nữ Tu thuộc Đan Viện Nữ Biển Đức, Đồi Hiển Linh.
hình ảnh
Cùng đồng tế có quý cha Dòng Biển đức và quý cha thân nhân các tân khấn sinh. Quý nam nữ tu sĩ, đông đảo ân nhân thân nhân của các tân Khấn sinh và cộng đoàn dân Chúa Giáo họ Lộc Nam chung lời tạ ơn.
Lúc 9g30, Ban phụng vụ đọc lời dẫn lễ.
Lễ kính Tông tòa Thánh Phêrô nhắc chúng ta nhớ lại sứ mạng Chúa Kitô đã trao phó cho vị thủ lãnh các Tông Đồ. Thánh lễ này là một lời tuyên xưng trọng thể quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng ở Rôma. Đây cũng là dịp Giáo Hội kêu mời giáo dân hãy cầu nguyện nhiều cho Đức Thánh Cha trước những khó khăn lớn lao của thời đại.
Trong tâm tình ấy cùng với nỗi khát mong được tận hiến cho Chúa và phục vụ mọi người trong ơn gọi Đan tu Biển Đức, các chị Rosa Pascal Tuyết Mai, Maria Têrêsa Nhị, Maria Catarina Kim Anh, hôm nay long trọng tuyên khấn trọn đời. Để trong Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô, qua vai trò được Giáo Hội trao phó, là không ngừng ngợi khen, tạ ơn, khẩn nài và chuyển cầu cho toàn thể nhân loại, các chị dâng lên Chúa những nỗi lo âu và hy vọng, niềm vui và khổ đau của thế giới này. Như lời Đức Thánh Cha đã nói qua Tông huấn “Tìm kiếm Tôn nhan Thiên Chúa”.
Trong bầu khí vui mừng của hương xuân nắng ấm, cộng đoàn chúng ta quy tụ nơi đây để dâng lời cảm tạ Chúa. Tạ ơn Chúa về muôn vàn hồng ân phần hồn phần xác, khi chúng ta luôn được sống trong sự cưu mang, bao bọc chở che của Mẹ Hội Thánh. Chính vì vậy mà niềm vui dâng hiến của 3 tân Khấn sinh được trọn vẹn hơn và cũng không quên ơn quý vị ân nhân, thân nhân xa gần cùng cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Đại Lộc, Giáo họ Lộc Nam, hôm nay đã đến để hiệp thông chia sẻ và cầu nguyện cho Đan viện trong ngày hồng phúc này.
Trong giây phút linh thiêng này, chúng ta cùng sốt sắng dâng lên Thiên Chúa tâm tình tri ân cảm tạ và phó thác các tân Khấn sinh cho Chúa, nhờ chính hy tế Tạ ơn của Đức Giêsu Kitô sắp được tái diễn trên Bàn thờ mà chúng ta được thánh hóa, và các tân Khấn sinh hôm nay được thuộc trọn về Chúa nhiều hơn. Giờ đây cộng đoàn chúng ta cùng sốt sắng và hân hoan bước vào Thánh lễ.
Đoàn rước từ Tu viện tiến vào ngày Nhà nguyện, ca đoàn họ Lộc Nam hát vang bài ca nhập lễ.
Sau bài giảng là nghi thức khấn. Các Nữ Đan Tu tuyên khấn: An Định, Hoán Cải và Tuân Phục. Nghi thức khấn Đan Viện có những phần khác với các Hội Dòng mà tôi đã từng tham dự, nhiều phần và rất sốt sắng. Chẳng hạn cha mẹ đặt tay lên vai con gái…các Nữ tu đặt tay xin ơn Chúa xuống trên các tân khấn sinh…
“Khấn Trọn Đời” diễn tả chiều dài của lời đoan hứa dọc theo dòng thời gian “trinh khiết, khó nghèo và vâng phục”.“Khấn Trọn Đời” cũng bao hàm cả cuộc sống chiều rộng và chiều sâu của mầu nhiệm thánh giá. “Khấn Trọn Đời” đối với Nữ Tu luôn mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa chiều dài dọc theo thời gian là khấn cho cả cuộc đời còn lại mình. Ý nghĩa chiều rộng và chiều sâu diễn tả toàn bộ cuộc sống hướng tới sự trọn tình vẹn nghĩa với chữ yêu “Yêu như Chúa đã yêu”. Khi tuyên khấn, người Nữ Tu muốn dâng hiến trọn đời mình cho Đức Kitô cả thể xác lẫn tâm hồn.Có như vậy cuộc đời của Nữ Tu mới trở thành của lễ tình yêu để hiệp dâng với Chúa trên bàn thờ mỗi ngày.
Trong Tông Huấn Vita Consecrata,Thánh Gioan Phaolô II đã trình bày vẻ đẹp của đời tu.Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp ( philocalia,số 19),hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa,chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng.Các tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa;họ mê say chiêm ngưỡng Chúa ,để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27) và đồng thời cố gắng tu bổ hình ành Thiên Chúa đã bị méo mó trên khuôn mặt của bao anh chị em đồng loại (số 75).Từ chỗ đi theo Đức Kitô (số 15;18),hoạ lại nếp sống của Ngài,đời tận hiến tiến tới chỗ “Đồng hoá hiện thân” (số 16) với Ngài.Ngoài việc hoạ lại nếp sống khiết tịnh,khó nghèo và vâng phục của Đức Kitô,đời thánh hiến còn diễn tả mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Ngài nữa (số 23-24). Ngài còn gọi đời Thánh hiến là một Đoàn Sủng đặc biệt trong Giáo hội,phát xuất và duy trì bởi Chúa Thánh Thần.Tu sĩ là món quà Chúa Thánh Thần ban cho Giáo hội và là một kho báu mà Giáo hội trân trọng giữ gìn.
Không gì khác hơn ngoài tình yêu,một tình yêu trao dâng cho Đức Kitô và hiến dâng chính những khả năng yêu thương của mình, mạnh dạn lên đường theo Ngài, say sưa trong nổi khát khao được trở nên người của Chúa và ước nguyện yêu mọi người trong ân huệ của Ngài.Chính tình yêu ấy sẽ giúp người tu sĩ sống đời khiết tịnh trong an vui và hạnh phúc, từ đó họ có thể thốt lên tâm tình : Lạy Chúa,chỉ mình Chúa là đủ cho con, và Lạy Chúa,xin cho con thấy Chúa thật bao la,để mọi sự đối với con chỉ là bé nhỏ.
Cuối thánh lễ, Bề trên Đan viện và đại diện gia đình các tân khấn sinh dâng lời cảm tạ. Sau thánh lễ, Đức cha Đaminh, các cha đồng tế, các tu sĩ nam nữ và các thân nhân khấn sinh chia vui bữa tiệc với Hội dòng.
***
Thánh Bênêđictô cũng gọi là Thánh Biển Đức (480 – 547), là Tổ phụ của các Hội Dòng Biển Đức và Xitô trên toàn thế giới. Tuy cùng theo một Tu Luật của Thánh Tổ phụ, nhưng mỗi Hội Dòng đều mang một sắc thái riêng tùy thời đại, hoàn cảnh lịch sử của vị Sáng lập.
Cộng đoàn Nữ Biển Đức Đồi Hiển Linh xuất phát từ Hội Dòng Biển Đức thánh Bathilde, Nhà tiên khởi của Việt Nam được thành lập tại Buôn Ma Thuột, năm 1954. Năm 1967, đan viện dời về Thủ Đức và đến năm 2000, Đan viện đã thành lập nhà con đầu tiên tại miền đất Lộc Nam này, với tên gọi: Đan viện Nữ Biển Đức – Đồi Hiển Linh.
Đan viện là “Ngôi trường phụng sự Chúa”, trong trường học này, đan sĩ được huấn luyện để trở thành “người của Chúa”, sống cho Chúa qua: Cầu nguyện và Lao động (Ora et Labora), đọc Kinh Thánh (Lectio Divina), thinh lặng lắng nghe, tìm Chúa, hoán cải, nghèo khó, yêu thương và đơn sơ. Mục đích của đời sống đan tu là “tìm kiếm Chúa và không quý gì hơn Chúa Kitô”. Việc “tìm kiếm Chúa” đòi hỏi đan sĩ từ bỏ ý riêng để sống Thánh Ý Chúa hầu có thể trung tín với ơn gọi đan tu.
Đan sĩ tuyên khấn 3 lời khấn: An định, Hoán cải và Vâng phục. Hai lời khấn Khó nghèo và Khiết tịnh được lồng trong lời khấn Hoán cải.
Đan sĩ là con người cầu nguyện, Phụng vụ đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống đan tụ, đan sĩ cầu nguyện cùng với Hội Thánh qua Kinh Thần vụ và trung tâm của Thần vụ là Thánh lễ. Cha thánh Biển Đức khuyến khích đan sĩ “không được quý gì hơn Thần vụ”.
Cộng đoàn là môi trường sống của Đan sĩ Biển Đức, là gia đình Đan viện và Đức Kitô là đầu của cộng đoàn, Ngài hiện diện hữu hình qua Viện phụ. Đan sĩ sống dưới sự hướng dẫn của Tu luật và Viện phụ. Đời sống cộng đoàn được tổ chức sao cho quân bình giữa: Kinh Thần vụ - Lao động – Đón tiếp khách - Học tập và nghỉ ngơi.
Tuy sống chung trong một cộng đoàn đan tu, nhưng đời sống cô tịch nội tâm của đan sĩ được thể hiện rõ nét qua thinh lặng và cầu nguyện. Chính nhờ đó mà đan sĩ luôn sống dưới sự hiện diện của Thiên Chúa trong an bình và khiêm tốn.
Ngoài các giờ Thần vụ chung thì Lectio Divina, suy niệm Lời Chúa là phương thế hữu hiệu nhất để giúp đan sĩ kết hiệp với Chúa Kitô, sống cho Chúa, vì Chúa và để có thể yêu thương như Chúa.
Nhờ ơn Chúa, với Chúa và trong Chúa mà đan sĩ gặp được các nỗi khát vọng thâm sâu và nhu cầu được cứu độ của mọi người, và liên đới sâu xa với anh chị em trong cầu nguyện bằng chính cuộc sống thánh hiến của mình trong nội vi đan viện.
Đời tu là một bài ca tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn vì đời sống thánh hiến được ban cho Giáo hội. Hồng ân Thiên Chúa chiếu rực trong cuộc đời của người tu sĩ để rồi người tu sĩ được biến đổi để đem Chúa Kitô cho cuộc đời. Xin chung lời cầu nguyện cho 3 bông hoa tiến dâng cho Thiên Chúa trong ơn gọi chiêm niệm đan tu.
Trong Thông điệp Ecclesia de Eucharistica, thánh Gioan Phaolô II đã dành chương cuối để dạy các tín hữu noi gương bắt chước Đức Mẹ về lòng say mến Thánh Thể. Trót cả cuộc đời, Mẹ liên kết khít khao với Thánh Thể. Mẹ đã gắn bó thái độ nội tâm rất sâu xa với mầu nhiệm bí tích cực thánh. Có thể nói “Đức Maria là một phụ nữ Thánh Thể” (Ecclesia de Eucharistica, 53). Theo gương Mẹ Maria Người Nữ Thánh Thể, ước mong các Nữ tu hôm nay đã tươi đẹp, trong suốt quãng đời tương lai được mãi tươi, mãi đẹp, mãi tỏa hương nhân đức khoe sắc yêu thương.
Thánh Gioan Phaolô II mời gọi: “Hãy sống Bí tích Thánh Thể bằng chính niềm tin và tình yêu của Mẹ Maria, một trinh nữ lắng nghe, một trinh nữ nguyện cầu. Một trinh nữ hiến dâng, một hiền mẫu trinh nguyên, một trinh nữ gương mẫu và cũng là Bà Thầy của lòng tôn thờ thiêng liêng trong cuộc sống thường ngày, đã biến đổi chính Mẹ thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Thiên Chúa”. Ước gì trong cuộc đời thánh hiến, các Nữ tu biết siêng năng chạy đến trường học của Đức Maria để được biến đổi mỗi ngày thành của lễ tình yêu vẹn toàn dâng lên Chúa Cha.
Cầu chúc các tân khấn sinh gặt hái được hạnh phúc trong đời dâng hiến chiêm niệm nhờ yêu mến gắn bó với Thánh Thể Chúa Giêsu hàng ngày.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An