QUÀ TẶNG GIÁNG SINH

Thứ bảy - 19/01/2019 07:27
QUÀ TẶNG GIÁNG SINH
Mỗi mùa Giáng Sinh về, người ta thường tặng quà cho nhau, và có lẽ, bạn và tôi cũng tặng những món quà Giáng Sinh cho người thân và bạn bè, và đồng thời cũng nhận được từ họ những món quà Giáng sinh thật ý nghĩa! Thế nhưng, khi tặng quà và nhận những món quà Giáng Sinh, có khi nào bạn và tôi tự hỏi: tại sao người ta tặng quà cho nhau trong dịp Giáng Sinh không? Người ta tặng quà cho nhau nhân dịp Giáng Sinh, chắc hẳn phải có ý nghĩa và lý do. Dựa vào Kinh thánh, ta thử tìm hiểu ý nghĩa và lý do đó là gì?
 
QUÀ TẶNG GIÁNG SINH
Mỗi mùa Giáng Sinh về, người ta thường tặng quà cho nhau, và có lẽ, bạn và tôi cũng tặng những món quà Giáng Sinh cho người thân và bạn bè, và đồng thời cũng nhận được từ họ những món quà Giáng sinh thật ý nghĩa! Thế nhưng, khi tặng quà và nhận những món quà Giáng Sinh, có khi nào bạn và tôi tự hỏi: tại sao người ta tặng quà cho nhau trong dịp Giáng Sinh không? Người ta tặng quà cho nhau nhân dịp Giáng Sinh, chắc hẳn phải có ý nghĩa và lý do. Dựa vào Kinh thánh, ta thử tìm hiểu ý nghĩa và lý do đó là gì?
Tin mừng theo Thánh Luca thuật lại: “Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2, 8 – 14)
Qua đoạn Tin mừng trên, Thánh Luca cho chúng ta thấy, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người chính là quà tặng mà Thiên Chúa ban cho nhân loại. Ngài là Đấng Cứu Độ. Ngài đến để đem sự bình an cho con người. Tuy vậy, con người có được sự bình an và hưởng được ơn cứu độ Ngài ban hay không là tùy vào thái độ đón nhận hay khước từ của con người. Đâu là thái độ đón nhận hay khước từ của con người?
Tin mừng Thánh Matthêu thuật lại: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người. Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời.”
“Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.” (Mt 2, 1 -1 12)
Tâm trạng bối rối của Hêrôđê thể hiện thái độ khước từ của ông, không muốn đón nhận quà tặng mà Thiên Chúa ban cho con người, Đấng Cứu Thế. Hêrôđê khước từ Đấng Cứu Thế, có lý do của ông. Ông đang làm vua, vậy mà bây giờ lại có một vị “Vua” khác sinh ra ngay trong thành Đavít, nơi ông đang làm vua. Đón nhận Đấng Cứu Thế cũng có nghĩa là ông chấp nhận từ bỏ ngai vàng. Ông không thể chấp nhận điều đó. Với tâm trạng bối rối và khước từ Đấng Cứu Thế, Hêrôđê trở nên hoang mang, tâm hồn trở nên bấn loạn, không có được sự bình an, và kết cục là ông đã hành xử một cách tàn bạo đối với các trẻ em ở Belem và các vùng lân cận (x. Mt 2,16). Hêrôđê đã không đón nhận được quà tặng lànĐấng Cứu Thế, cùng với sự bình an, và vì vậy, ông cũng không thể trở thành trung gian, để qua ông, Thiên Chúa tiếp tục ban tặng cho những người khác.
Trái với tâm trạng bối rối và thái độ khước từ của Hêrôđê, tâm trạng hân hoan vui mừng và thái độ sẵn sàng đón nhận Đấng Cứu Thế của các mục đồng và của các nhà chiêm tinh ở phương Đông đã làm cho họ trở thành sứ giả cho chính Tin mừng mà họ đón nhận. Nhận được tin báo của sứ thần, các mục đồng đã vội vã đến nơi Đấng Cứu Thế giáng sinh, và họ đã nhận được sứ điệp bình an từ trời: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 14), và rồi họ đã đem tin vui, tin bình an đó đến cho những người khác, để những người khác cũng đón nhận được tin bình an đó, với sự ngạc nhiên và vui mừng. “Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên.” (Lc 2, 15-18)
Còn các nhà chiêm tinh, tuy không được chính sứ thần của Thiên Chúa báo tin, nhưng họ đã nhận ra Đấng Cứu Thế qua “ánh sao lạ”. Qua chính công việc của họ là những người tìm hiểu, nghiên cứu các tinh tú, các nhà chiêm tinh đã nhận ra sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, vị Vua bình an, và họ đã đón nhận với một tâm trạng hớn hở vui mừng. Tâm trạng đó được thể hiện qua thái độ sẵn sàng lên đường tìm kiếm, theo chỉ dẫn của “ánh sao lạ”. Sau khi trải qua biết bao khó khăn, gặp được Đấng Cứu Thế trong thân phận của một Hài Nhi, họ rất đỗi vui mừng, liền sấp mình thờ lạy Người, rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến (x. Mt 2, 10-12).
Qua tìm hiểu những đoạn Kinh thánh tường thuật về biến cố Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế, ta nhận ra rằng, Đấng Cứu Thế chính là Vua của sự bình an. Ngài chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho con người, để tất cả những ai đón nhận Ngài sẽ được hưởng niềm vui, sự bình an và ơn cứu độ từ Thiên Chúa; và đến lượt mình, sẽ là những sứ giả đem tin mừng đó đến cho những người khác. Đó là ý nghĩa và lý do người ta tặng quà cho nhau mỗi khi Giáng Sinh về.
Như vậy, tặng quà Giáng Sinh cho ai là, qua món quà đó, ta mong cho người đó có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc. Điều đó cũng có nghĩa là, chính ta, người tặng quà, phải là người đã có được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống. Thế nhưng, để đón nhận được niềm vui, sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống, chắc chắn ta không thể sống tâm trạng bối rối và thái độ khước từ Tin mừng của Thiên Chúa như Hêrôđê, mà phải là tâm trạng vui mừng, và thái độ sẵn sàng đón nhận và sống Tin mừng của Thiên Chúa như các mục đồng và các nhà chiêm tinh.
Những người có tâm trạng bối rối và thái độ khước từ Tin mừng của Thiên Chúa như vua Hêrôđê là những người luôn sống trong sự ghen tuông và ganh tị, thù hận và oán ghét. Đó là những người luôn sống trong sự ích kỷ, vụ lợi, chỉ biết lo cho mình, chỉ biết tìm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân trong vũng lầy của những sa đọa. Đó còn là những người háo danh chỉ biết tìm danh vọng và củng cố quyền lực cho mình, bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp việc chà đạp lên quyền lợi, nhân phẩm và mạng sống của người khác. Những người như vậy thì không thể đón nhận được niềm vui, bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Họ không đón nhận được quà tặng từ Thiên Chúa là chính Đấng Cứu Thế, và rồi họ cũng không thể là trung gian, để qua họ, Thiên Chúa tiếp tục trao ban ơn cứu độ cho những người khác.
 
Còn những người có tâm trạng vui mừng, thái độ sẵn sàng đón nhận và sống Tin Mừng của Thiên Chúa như các mục đồng và các nhà chiêm tinh là những người biết tôn trọng sự thật, tôn trọng những giá trị và phẩm giá của người khác. Họ là những người biết phụng sự Chúa trong mọi người, để rồi trở thành khí cụ bình an của Chúa, hầu đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, và đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Họ là những người đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, và đem niềm vui đến chốn ưu sầu. Hơn thế nữa, những người luôn sống trong tâm trạng vui mừng và thái độ sẵn sàng đón nhận và sống Tin mừng của Thiên Chúa còn là những người luôn biết tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Và sau cùng, họ là những người luôn biết sống tha thứ, hiến thân, và quên mình để phục vụ, hầu tìm được chính mình trong sự tha thứ, hiến thân và quên mình phục vụ người khác (x. Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô).
Hiểu được ý nghĩa và lý do của việc tặng quà Giáng Sinh như vậy, trong dịp lễ Giáng Sinh năm nay, bạn và tôi sẽ gởi đến người thân và bạn bè những món quà và những lời chúc trong tâm trạng và thái độ nào? Chúng ta trao gởi đến người thân và bạn bè những món quà và lời chúc Giáng Sinh trong tâm trạng vui mừng và thái độ sẵn sàng đón nhận và sống Tin Mừng của Thiên Chúa như các mục đồng và các nhà chiêm tinh, hay trong tâm trạng bối rối và thái độ khước từ như Hêrôđê? Nếu là tâm trạng bối rối và thái độ khước từ như Hêrôđê thì món quà và lời cầu chúc của chúng ta gởi đến những người thân và bạn bè chỉ là những món quà vật chất vô hồn và những lời chúc sáo rỗng, chẳng có ích lợi gì cho họ.
Hãy trao tặng cho nhau những món quà và những lời chúc Giáng Sinh trong tâm trạng vui tươi và thái độ sẵng sàng đón nhận và sống Tin mừng của Thiên Chúa như các mục đồng và các nhà chiêm tinh. Được như vậy, mọi người trong mỗi cộng đoàn, trong mỗi gia đình sẽ hưởng được niềm vui, sự bình an và ơn   
thương ban cho con người. Và như thế, trong mỗi cộng đoàn và trong mỗi gia đình sẽ luôn vang lời ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”
 
Hương Quê

Nguồn tin: tinvui.org

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây