Ba từ khóa hạnh phúc cho gia đình

Thứ ba - 10/05/2022 08:13

Ba từ khóa hạnh phúc cho gia đình

10/05/2022

Khi các đôi tân hôn hỏi tôi làm sao để hôn nhân của họ được hạnh phúc, tôi khuyên họ: “Có 3 từ kỳ diệu: xin làm ơn, xin cám ơn và xin lỗi”. Đó là những từ xuất phát từ sự khó nghèo.

Trong buổi chiều thứ hai giúp tĩnh tâm Mùa Chay cho giáo xứ Bạch Đằng, mình đã lấy lại lời khuyên của ĐTC Phanxicô trong Tông Huấn AMORIS LAETITIA, NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU về ba từ làm chìa khoá cho hạnh phúc gia đình:

Trong gia đình, “có ba từ cần được dùng. Tôi muốn lặp lại, ba từ đó là: ‘xin làm ơn, ‘Cám ơn’, và ‘Xin lỗi. Ba tiếng thật thiết yếu!” “Khi trong một gia đình, người ta không cường quyền và biết nói: ‘xin làm ơn…’, khi trong một gia đình, người ta không ích kỉ và học nói ‘xin cám ơn!’, và khi trong một gia đình có người nhận ra mình đã làm điều gì đó sai trái và biết nói ‘Xin lỗi!’, thì trong gia đình ấy sẽ có sự bình an và niềm vui”. Chúng ta đừng ngần ngại nói những tiếng ấy, nhưng hãy quảng đại lặp đi lặp lại chúng, ngày này qua ngày khác, vì lẽ “im lặng sẽ gây nên sự ngột ngạt, đôi khi ngay trong gia đình, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em với nhau”. Ngược lại, những lời phù hợp, được nói lên đúng lúc, sẽ bảo vệ và nuôi dưỡng tình yêu hằng ngày.” (AMORIS LAETITIA, 133).

Lời khuyên dạy này, chính ĐTC Phanxicô đã nói rất nhiều lần, ngay từ buổi đọc kinh Truyền Tin đầu tiên vào ngày 17.3.2013, rồi lặp lại trong buổi đọc Kinh Truyền Tin ngày 29.12.2013, và ngay trong Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Dublino, Ái Nhĩ Lan mà mình đã trực tiếp nghe và ghi lại:

Sau khi nghe chứng từ của Felicité, Isaac và Ghislain, đến từ Burkina Faso bên Phi châu về một câu chuyện cảm động về sự tha thứ trong gia đình. ĐTC Phanxicô đã trích lời một thi sĩ đã nói: “sai lầm là điều phàm nhân, tha thứ là điều thần linh”. Và đúng vậy, tha thứ là một ơn đặc biệt của Chúa chữa lành các vết thương của chúng ta và làm cho chúng ta xích lại gần nhau và gần Ngài. Những cử chỉ tha thứ bé nhỏ và đơn sơ, được lập lại mỗi ngày, chính là nền tảng trên đó chúng ta xây dựng một đời sống gia đình Kitô vững chắc. Những cử chỉ ấy buộc chúng ta phải vượt thắng tính kiêu ngạo, sự xa cách và thái độ ngượng nghịu để làm hòa với nhau.”

Rồi ngài tiếp: “Đúng vậy, tôi ưa nói rằng trong các gia đình cần học 3 từ này: xin lỗi, xin vui lòng, và cám ơn. Khi những cãi vã xảy ra trong gia đình, anh chị em hãy thu xếp làm sao để trước khi đi ngủ, hãy xin lỗi nhau và tỏ lòng hối tiếc. Cả khi bạn bị cám dỗ đi ngủ trong phòng khác, riêng rẽ một mình, hãy gõ cửa và nói: “Anh, (em) có thể vào được không?” Điều cần ở đây là một cái nhìn, một nụ hôn, một lời dịu dàng.. và tất cả trở lại như trước! Tôi nói điều này vì khi các gia đình làm như thế thì sẽ sống còn. Không có gia đình nào hoàn hảo; nếu không có thói quen tha thứ, thì gia đình sẽ bệnh hoạn và dần dần sụp đổ.”

Trong một buổi triều yết khác, ngài bày tỏ: Khi các đôi tân hôn hỏi tôi làm sao để hôn nhân của họ được hạnh phúc, tôi khuyên họ: “Có 3 từ kỳ diệu: xin làm ơn, xin cám ơn và xin lỗi”. Đó là những từ xuất phát từ sự khó nghèo. Đừng xâm phạm: xin làm ơn. Bạn có thấy tốt khi làm điều này không? Đối thoại trong gia đình, chồng vợ trao đổi với nhau. “À, anh đã làm điều này cho em! xin cám ơn anh! Và rồi chúng ta luôn sai lỗi, chúng ta vấp ngã, thì hãy nói lời “xin lỗi”. Và đôi khi các đôi vợ chồng mới cưới nói với tôi: “Điều thứ ba là khó nhất”, xin lỗi, xin tha thứ. Bởi vì lòng kiêu ngạo không để chúng ta làm điều đó. Chúng ta không thể xin lỗi, chúng ta luôn có lý. Đó không phải là nghèo khó. Ngược lại, Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ; thật không may là chính chúng ta lại mệt mỏi cầu xin sự tha thứ (xem Angelus ngày 17 tháng 3 năm 2013). Mệt mỏi cầu xin tha thứ là một căn bệnh tồi tệ.”

“Tại sao khó xin tha thứ? Bởi vì nó làm cho hình ảnh đạo đức giả của chúng ta bị hạ thấp. Tuy nhiên, sống mà cố gắng che giấu những thiếu sót của chính mình thì thật mệt mỏi và đau khổ. Chúa Giêsu Kitô nói với chúng ta: nghèo khó là cơ hội cho ân sủng; và chỉ cho chúng ta cách thoát khỏi sự mệt mỏi này. Chúng ta được trao quyền sống nghèo khó về tinh thần, vì đây là con đường của Nước Thiên Chúa.”

“Con người ngày nay quá say mê với danh vọng, vật chất thế gian mà sẵn sàng chà đạp lên sự thật, công lý. Chính lối sống đó đã đẩy người ta vào tình trạng sa đọa và chết chóc muôn đời. Ngược lại, nếu ta dấn thân vì Tin mừng cho đến độ có thể phải mất mạng sống mình như Gioan Tẩy Giả và các môn đệ xưa kia, thì ta sẽ được chỗi dậy với Chúa cho một đời sống mới. Nói như thánh Phanxicô Assisi: Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!”

“Và nhất là ta hãy để cho chân lý của Phúc âm đi sâu vào tâm hồn và đời sống gia đình. Gia đình chúng ta hãy siêng năng đọc sống và sống Lời Chúa dạy, sống hòa thuận yêu thương nhau, mọi người biết tôn trọng nhau, phục vụ nhau, sống chân thành với nhau, và biết từ bỏ những thái độ xấu của bản thân, chẳng hạn như sống giả dối, lường gạt, làm ăn phi pháp, …”

“Sống và làm chứng cho Phúc âm không chỉ mang lại ơn ích cho gia đình, mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các gia đình xung quanh, qua đời sống bác ái yêu thương của mỗi gia đình.”

Lm Augustinô Nguyễn Văn Dụ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây